Header Ads

  • Breaking News

    Gary Bai* - Thẩm phán Alito chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới vì phản đối phán quyết của SCOTUS về phá thai

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/samuel-alito-700x420-1.jpg

    Thẩm phán Tối cao Pháp viện Samuel Alito chụp ảnh ở Hoa Thịnh Đốn, ngày 23/04/2021. (Ảnh: Erin Schaff/Pool qua Reuters) 

    Trích dẫn ‘sự thù địch ngày càng tăng đối với tôn giáo’, ông Alito cho hay, ‘Quyền tự do tôn giáo rất mong manh, và sự không khoan dung và đàn áp tôn giáo đã là những đặc điểm lặp đi lặp lại trong lịch sử nhân loại’ 

    Thẩm phán Tối cao Pháp viện, người soạn bản phán quyết lật ngược vụ Roe kiện Wade, đã công khai chỉ trích “sự thù địch ngày càng tăng” đối với tôn giáo ở phương Tây trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng của ông sau phán quyết này. 

    Mở đầu bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Notre Dame năm 2022 ở Rome hôm 21/07, ông Alito nói: “Vấn đề nổi lên không chỉ là sự thờ ơ đối với tôn giáo, không chỉ là sự thiếu hiểu biết về tôn giáo. Mà còn có sự thù địch ngày càng tăng đối với tôn giáo hoặc chí ít là đối với các niềm tin tôn giáo truyền thống đối lập với tiêu chuẩn đạo đức mới đang chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực.”  

    Bài diễn văn dài 37 phút của ông được công bố hôm 28/07. 

    Bài diễn văn quan trọng nói trên đánh dấu lần xuất hiện đầu tiên của vị thẩm phán hàng đầu này sau khi Tối cao Pháp viện lật lại phán quyết năm 1973 của vụ Roe kiện Wade, án lệ đã hợp pháp hóa việc phá thai ở Hoa Kỳ, bằng một phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson. Bài diễn văn là một lời đáp lại hùng hồn trong bối cảnh các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới đã lên tiếng phản đối phán quyết này, và một số người thậm chí còn gọi phán quyết hồi tháng Sáu này là một “cuộc tấn công” vào nền dân chủ. 

    ‘Nền văn minh đáng tự hào’

    Ông Alito là một người Công Giáo La Mã, một tôn giáo đã phản ánh sự tương đồng giữa Hoa Kỳ và Rome, nơi đã từng là một nền văn minh tinh thần “đáng tự hào,” tuy nhiên đã chứng minh “không có thành tựu nào của con người là vĩnh viễn.” 

    “Tôi nhận thấy bản thân đang suy ngẫm về nền văn minh đáng tự hào đã đóng đô ở đây hai thiên niên kỷ trước,” ông nói. “Khi tôi suy nghĩ về quá khứ, tôi cũng nghĩ về tương lai, và tôi tự hỏi nhiều thế kỷ sau, kể từ thời điểm hiện tại, các sử gia có thể nói gì về sự đóng góp của Hoa Kỳ cho nền văn minh thế giới.”  

    “Một điều tôi hy vọng họ sẽ nói là đất nước của chúng tôi, sau rất nhiều gián đoạn và thăng trầm, cuối cùng đã cho thế giới thấy rằng có thể có một xã hội ổn định và thành công, trong đó những người thuộc các tín ngưỡng đa dạng cùng sinh sống và làm việc một cách hài hòa và hiệu quả cao trong khi vẫn giữ gìn đức tin riêng của họ,” ông Alito nói thêm, đồng thời lưu ý rằng việc người Mỹ có thể thực hiện quyền tự do tôn giáo “thực sự là một thành tựu lịch sử” đối với đất nước này. 

    Thẩm phán cho biết, tại đất nước Hoa Kỳ này, nơi tự do tôn giáo đi đôi với nhiều quyền khác, thì một “sự thù địch ngày càng tăng” đối với tôn giáo đang đe dọa việc bảo vệ quyền thiêng liêng này trên toàn quốc. 

    Thẩm phán Alito cho biết thêm: “Và vấn đề nổi lên không chỉ là sự thờ ơ đối với tôn giáo, không chỉ là sự thiếu hiểu biết về tôn giáo. Mà còn có sự thù địch ngày càng tăng đối với tôn giáo hoặc chí ít là đối với các niềm tin tôn giáo truyền thống đối lập với tiêu chuẩn đạo đức mới đang chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực.”  

    Tuy nhiên, theo ông Alito, sự thù địch với tôn giáo và quyền tự do tôn giáo đe dọa một loạt các quyền căn bản khác. 

    “Việc thực hành tôn giáo thường hay bao gồm lời nói, một lời cầu nguyện bằng lời nói hoặc bằng văn bản, việc đọc Kinh Thánh, một bài thuyết pháp, một cuốn sách hoặc bài viết về tôn giáo, tất cả đều là những hình thức ngôn luận, chúng cũng là những hình thức thực hành tôn giáo. Nếu hình thức ngôn luận này có thể bị đàn áp hoặc bị trừng phạt, thì điều gì ngăn chặn nhà nước dẹp tan các hình thức thể hiện khác?” 

    “Hãy lấy ví dụ về mối quan hệ giữa tự do ngôn luận và tự do hội họp. Một buổi lễ tôn giáo trong một nhà thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo, hoặc đền thờ là một hình thức hội họp. Nếu một chính phủ có thể cấm những sự tụ họp này, thì liệu họ có ngần ngại cấm những hình thức khác không? ” 

    Ông Alito nói: “Mặt khác, nếu cho phép quyền tự do tôn giáo, thì nhà nước sẽ khó hạn chế những phát ngôn khác và các cuộc tụ họp khác.”  

    Mặc dù hầu hết các học giả pháp lý ngày nay tin rằng “tôn giáo không đáng được bảo vệ đặc biệt,” nhưng ông Alito nói thêm, “Hiến Pháp Hoa Kỳ cung cấp một câu trả lời rõ ràng” cho câu hỏi liệu tự do tôn giáo có cần được bảo vệ hay không. 

    “Hiến Pháp bảo vệ việc thực hành tự do tôn giáo … Và đối với các thẩm phán như tôi, những người luôn suy nghĩ trong phạm vi niềm tin những gì Hiến Pháp nói và những gì Hiến Pháp không nói, thế là đủ rồi,” vị thẩm phán này cho hay. “Đó là luật, và đừng hỏi tôi tại sao.”  

    ‘Điều thực sự khiến tôi đau lòng’

    Trong điều mà ông mô tả là một cảm giác “bất thường” về “sự thôi thúc ngoại giao” trong ông, ông Alito đã phản ứng lại với các nhà lập pháp ngoại quốc và những người nổi tiếng, những người “cảm thấy hoàn toàn phù hợp khi bình luận về luật pháp Mỹ.” 

    “Một trong những người này là cựu Thủ tướng Boris Johnson — nhưng ông ấy đã phải trả giá — bằng quan hệ nhân quả theo thời gian đúng không?” ông Alito nói, áp dụng cách nói “sau khi làm điều này, do đó dẫn đến việc đó” cho thực tế là do sau khi lên tiếng phản đối phản đối phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, Thủ tướng Vương quốc Anh mới phải từ chức.  

    Nhưng vị thẩm phán này chưa dừng lại ở đó. 

    “Điều thực sự khiến tôi đau lòng — điều thực sự khiến tôi bị tổn thương — là khi Công tước xứ Sussex — người có lẽ không được nêu tên — trình bày trước Liên Hiệp Quốc và dường như so sánh phán quyết này với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine,” ông Alito nói, đề cập đến Hoàng tử Harry của Anh, người đã tuyên bố phán quyết lật ngược vụ Roe kiện Wade thuộc về một “cuộc tấn công toàn cầu vào dân chủ và tự do” trong một bài diễn văn hồi tháng Bảy.  

    Tự do tôn giáo

    Vị thẩm phán này đã táo bạo hơn khi phản ánh về cuộc đàn áp tôn giáo trên khắp thế giới — chẳng hạn như ở Nigeria, Ai Cập, và Ấn Độ — và, nổi bật nhất là Trung Quốc, nhưng tất cả đều không thành công. 

    Ông nói: “Trong suốt quãng đời của tôi, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cố gắng hết sức để xóa sổ hoàn toàn tôn giáo. Nhưng họ đã thất bại. Cũng như các hoàng đế La Mã đã mất nhiều thế kỷ để tiêu diệt Cơ Đốc Giáo nhưng đã thất bại.”  

    Ông Alito cho biết thêm, một ví dụ về điều này là “Cuộc Cách mạng Văn hóa đã cố gắng hết sức để tiêu diệt tôn giáo, tuy nhiên họ đã không thành công. Họ đã không thể dập tắt sự thôi thúc về tôn giáo.”  

    Cuộc Cách mạng Văn hóa là một giai đoạn hỗn loạn từ năm 1967 đến năm 1977, khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách xóa bỏ các tín ngưỡng và giá trị truyền thống. 

    Bài diễn văn của ông Alito được đưa ra sau khi tòa án tối cao của Hoa Kỳ đưa ra nhiều phán quyết về các vụ án liên quan đến tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ, trong đó có một phán quyết hồi tháng Sáu quyết định ủng hộ một huấn luyện viên túc cầu, người đã khiến nghị về quyền cầu nguyện của mình và một phán quyết khác trong cùng tháng đã hủy bỏ lệnh cấm tài trợ tôn giáo ở học đường của tiểu bang Maine.  

    Cuộc bức hại kéo dài của Trung Quốc

    Hiện tại, các nguyên đơn trong một vụ kiện tự do tôn giáo nổi tiếng khác trước Tối cao Pháp viện đang đang nhắm vào điều mà họ mô tả là cuộc đàn áp tôn giáo kéo dài của Trung Quốc ở Hoa Kỳ. 

    Hai mươi ba tổng chưởng lý trên khắp toàn quốc, trong một bản ý kiến thân hữu  (amicus curiae) gửi lên tòa án, đã mô tả quan điểm về luật trong các vụ kiện này là “một vấn đề quan trọng của quốc gia,” và ủng hộ các nguyên đơn. 

    Đơn kiện của các nguyên đơn (pdf) mô tả khoảng 40 vụ việc đe dọa hoặc hành hung đối với họ vì đã tham gia các cuộc diễn hành đại diện cho Pháp Luân Công, phát tờ rơi về Pháp Luân Công, hoặc quản lý một gian hàng có tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ. 

    Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến rộng rãi trong những năm 1990. Năm 1999, nhà cầm quyền cộng sản ở Trung Quốc xem sự phổ biến này là một nguy cơ, nên họ đã phát động cuộc đàn áp trên toàn quốc nhắm vào môn tu luyện này và các học viên theo học.  

    Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các trại tạm giam, nhà tù, và trại lao động trên khắp Trung Quốc, tại đó họ bị tra tấn thể xác, lao động cưỡng bức, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.  

    Liên quan đến một vụ việc hồi tháng 07/2011, hai nguyên đơn mô tả chi tiết bằng hình ảnh về một cuộc tấn công của bà Lý Hoa Hồng (Li Huahong), người đứng đầu Liên minh Thế giới Chống Tà giáo Trung Quốc, một tổ chức trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào những người bất đồng tôn giáo ở ngoại quốc bằng bạo lực và sách nhiễu. 

    Theo hai nhân chứng, lúc đó một đám đông từ 20 đến 30 người đã bao vây hai học viên Pháp Luân Công. Một trong hai học viên này bị giữ chân khoảng 30 phút cho đến khi cảnh sát đến, cùng lúc đó một đám đông la hét “hãy hạ sát cô ta đi” và “hãy đánh cô ta đến tử vong.” 

    Theo một tuyên bố từ văn phòng Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton hôm 29/06, “Trong vụ án này, một nhóm tôn giáo được gọi là Pháp Luân Công, có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã phải chịu sự đàn áp và sách nhiễu trên đất Mỹ.”  

    “Nhóm này bắt đầu ở Trung Quốc dưới một chế độ Cộng sản thù địch với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo,” vị Tổng chưởng lý viết. “Nhiều học viên Pháp Luân Công đã đào thoát sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đến đây, các học viên được cho là vẫn tiếp tục đối mặt với việc bị những người có cảm tình với Cộng sản đàn áp và ngược đãi.”  

    Trong bản ý kiến thân hữu của mình, các tổng chưởng lý cho biết phán quyết năm 2021 của một tòa án cấp dưới bác bỏ vụ kiện này là “sai lầm đối với một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia nằm ở tâm điểm của truyền thống Hiến Pháp của chúng ta” — cụ thể là quyền tự do tôn giáo. 

    Các tổng chưởng lý cho biết, khi làm như vậy, tòa án này “đã thu hẹp quá mức một quy chế nhằm ngăn chặn các hành vi bạo lực tồi tệ nhất ở nhiều địa điểm linh thiêng của Hoa Kỳ.”  

    Trích dẫn các ý kiến tòa án trước đó, các tổng chưởng lý viết, “Cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do tôn giáo là ‘thiết yếu.’ … Điều này cấu thành ‘một trong những quyền hiến định được trân trọng nhất và được bảo vệ một cách quyết liệt nhất của chúng ta.’”  

    Ông Alito nói trong bài diễn văn của mình: “Trái tim của chúng ta mãi khắc khoải cho đến khi chúng ta được an nghỉ nơi Chúa.”  

    Vị thẩm phán nói: “Và, do đó, những người đấu tranh cho tự do tôn giáo, những người đi rao giảng cần khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu, có thể mong đợi tìm thấy những trái tim mở lòng đón nhận thông điệp của họ.” 

    *Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.

    Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
    Thanh Nhã biên dịch

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào