Header Ads

  • Breaking News

    Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 5

    HGBT

    14 tháng 8, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GIO-LOC-1-1280x721.png

    Bỗng dưng khói lửa tung trời

    Từng đoàn xanh tóc cả cười ra đi

    (Ca Dao Nam Bộ)

    Chương II – Một chuyến đi 

    ____________

    Một ngày tháng 5 năm 1946. Mưa trên Vịnh Hạ Long.

    Lúc này đã quá trưa. Trận mưa bắt đầu từ sáng, nay đã chuyển thành cơn giông. Từng lớp, từng lớp những giọt mưa quất mạnh vào tấm kính cản gió phía trước chiếc xuồng máy đang chao đi chao lại theo những đợt sóng liên tiếp, tưởng chừng như không bao giờ dứt. Tiếng gió gào thét át cả tiếng máy. Lờ mờ qua tấm kính chúng tôi chỉ thấy thoáng qua những hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong vịnh Hạ Long. Cách đây vài tiếng đồng hồ, lúc mưa mới lác đác rơi, chúng tôi đã nhìn thấy ở phía xa, gần hải phận quốc tế, những tàu chiến đủ loại lớn nhỏ của đô đốc D’Argenlieu, tư lệnh đạo quân viễn chinh Pháp đang sẵn sàng đổ bộ.

    Anh Khải đang nằm gối đầu lên chiếc ba lô nhỏ bỗng ngồi nhỏm dậy, chỉ vào bờ và ghé sát vào tai tôi nói nhỏ “Quảng Yên, nơi trấn đóng của Việt Tam Quân, tư lệnh là anh Vũ Kim Thành.” Vũ Kim Thành, một lãnh tụ của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, người chiến sĩ cách mạng đã chỉ huy Việt Tam Quân cùng với Quốc Dân Quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng đuổi quân Nhật tiến vào thành phố Móng Cái ngày 8 tháng 8 năm 1945, giải phóng tỉnh Hải Ninh và sau đó tỉnh Quảng Yên.

    Cùng thời gian đó, đội vũ trang tuyên truyền của Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy vẫn còn nằm chờ thời ở Tân Trào, Thái Nguyên. Các chiến sĩ cách mạng Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội đã thực sự giải phóng lãnh thổ phía Bắc miền duyên hải Bắc Việt hai tuần lễ trước ngày Việt Minh “nổi dậy cướp chính quyền” ở Hà Nội ngày 19-8-1945.

    Chúng tôi không có nhiều thì giờ để suy nghĩ mông lung. Lúc này nỗi lo âu duy nhất của anh Khải và tôi là làm sao giải vây được cho quốc dân quân do anh Vi Văn Lưu, tư lệnh đệ nhất chiến khu Quốc Dân Đảng chỉ huy đang bị quân Việt Minh phản bội thắt chặt vòng vây tại cổ thành Móng Cái.

    Mới sáng hôm qua chúng tôi nhận được điện khẩn của trung ương Quốc Dân Đảng từ Hà Nội đánh xuống thị bộ Hải Phòng yêu cầu anh Khải và tôi cùng với hai đại diện của Tổng bộ Việt Minh thành lập phái đoàn ra ngay Móng Cái để chỉ thị cho quân đội của cả hai bên Quốc Dân Quân và Vệ Quốc Đoàn đình chiến. Quân Việt Minh đông hơn quân Quốc Dân Đảng gần mười lần.

    Nếu không đình chiến ngay chắc chắn sẽ mất Móng Cái. Điện còn cho biết thêm tại mặt trận Nghĩa Lộ, Yên Bái chi đoàn (trung đoàn) Quốc Dân Quân do anh Triệu Việt Hưng chỉ huy, đang giao chiến kịch liệt với sư đoàn bộ binh thuộc địa Pháp của tướng Alexandri mới được tăng cường nhiều trọng pháo, đang gây nhiều khó khăn cho quân ta, nên không thể tiếp viện Móng Cái. Và dù cho có tiếp viện được cũng phải mất hàng tháng mới tới được Móng Cái do quá xa và biên giới Việt Trung rất hiểm trở gần như không có lối đi.

    Lúc nhận được điện khẩn, anh Khải lúc ấy là ủy viên ngoại giao của thị bộ Quốc Dân Đảng Hải Phòng, đã tức giận thốt lên: “Đồ chó đẻ, tại sao bọn Vẹm (Việt Minh) cứ nhằm lúc Pháp nó phản công mình là tấn công. Miệng cứ thơn thớt chống Pháp, chống thực dân mà chẳng bao giờ đụng đến lông chân thằng lính Pháp. Chỉ giỏi đánh úp mình những lúc mình đang lăn xả vào đánh Pháp. Liên hiệp kiểu gì mà khốn nạn vậy!”

    Đứng trên nguyên tắc, chúng tôi đang liên hiệp với Việt Minh. Từ đầu năm 1945, hai đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng đã hợp nhất thành Quốc Dân Đảng do lãnh tụ Trương Tử Anh làm chủ tịch và lãnh tụ Vũ Hồng Khanh làm tổng bí thư, cùng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội dưới sự lãnh đạo tối cao của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hải Thần, đến đầu năm 1946 đã liên hiệp với Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh) để thành lập chính phủ mới.

    Trong chính phủ liên hiệp này Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch. Bộ Ngoại giao do nhà văn Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam làm bộ trưởng, Nghiêm Kế Tổ thứ trưởng; Bộ trưởng Kinh tế là Chu Bá Phượng cùng thứ trưởng là Nguyễn văn Chấn; Vũ Hồng Khanh làm quân ủy phó quân ủy trung ương, quân ủy trưởng là Võ Nguyên Giáp.

    Còn tất cả các bộ khác đều do đảng viên đảng Cộng Sản Đông Dương (lúc ấy đổi tên là “Hội Những Người Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác xít” để mưu toan đánh lừa dư luận quốc tế và quốc nội) và một số ít nhân vật “trung lập” có cảm tình với đảng cộng sản. Ngoài ra Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội còn có bảy mươi đại biểu Quốc hội được chỉ định tham gia quốc hội bù nhìn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh.

    Chính phủ liên hợp quốc-cộng này ra đời do sức ép của tướng Lư Hán, tư lệnh đạo quân Trung Hoa Quốc Gia được Tổng thống Tưởng Giới Thạch phái sang miền Bắc Việt Nam và các tỉnh phía Bắc miền Trung Việt Nam để giải giới quân đội Nhật lúc ấy đã đầu hàng đồng minh. Viên tướng tham nhũng này đã nhận được lệnh của Tổng thống Tưởng Giới Thạch phải giải tán “chính phủ Việt Minh” do Hồ Chí Minh, cán bộ đệ tam Quốc Tế do cộng sản dựng lên.

    Nhưng Lư Hán được Hồ Chí Minh hối lộ nhiều kí lô vàng, trong đó có một cái đỉnh bằng vàng khối lấy từ số vàng của đồng bào ta quyên góp trong “Tuần lễ vàng để mua võ khí chống Pháp.” Do đó, đầu năm 1946 Lư Hán toa rập với Tiêu Văn, một cán bộ Trung Cộng nằm vùng, lúc ấy giữ chức trung tướng chính ủy, tư lệnh phó của Lư Hán, thúc ép Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội phải liên hiệp với Việt Minh để Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản vẫn có thể tiếp tục nắm quyền lãnh đạo.

    Phía các đảng quốc gia lúc đầu chống đối giải pháp liên hiệp vì biết rõ bộ mặt xảo trá, bất nhân của Cộng Sản. Tuy nhiên vì Lư Hán đe dọa sẽ giải tán các lực lượng vũ trang Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội nên đành nhượng bộ. Trong khi ấy Vệ Quốc Đoàn, quân chính quy của Việt Minh, luôn luôn được quân đội của Lư Hán cung cấp các loại vũ khí để đổi lấy số vàng Hồ Chí Minh và đồng bọn vơ vét của dân ta dưới chiêu bài “kháng Pháp.”

    Nói là liên hiệp nhưng chỉ là hình thức ở cấp trung ương mà thôi. Mặt trận Việt Minh do cộng sản lãnh đạo vẫn tiếp tục tấn công các vùng giải phóng của phe quốc gia, bắt cóc, thủ tiêu cán bộ Quốc Dân Đảng, Cách Mạng Đồng Minh Hội, các lực lượng liên tôn chống cộng, và các lực lượng chống cộng khác. Ngoài những chiến khu và vùng giải phóng như Móng Cái, Quảng Yên, chiến khu Thanh Hóa do các chiến sĩ Đại Việt Quốc Dân Đảng thành lập đã anh dũng cầm cự và đẩy lui những trận tấn công ác liệt của Việt Minh trong suốt hai năm 1945 và 1946, nổi bật nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên và sau này là Phúc Yên được gọi là Đệ Tam Khu.

    Vùng giải phóng rộng lớn này của Quốc Dân Đảng luôn luôn là mối đe dọa thường trực đối với thủ đô Hà Nội vì chỉ cách Hà Nội chưa đầy bốn mươi cây số, nên đã trở thành mục tiêu tấn công của Việt Minh từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1948. Cũng chính nơi đây là chiến trường đẫm máu của Quốc Dân Quân và sư đoàn thuộc địa Pháp của tướng Alexandri.

    Tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp đầu tiên của các chiến sĩ Quốc Dân Đảng đã nổ vào thượng tuần tháng 9, 1945, mười lăm tháng trước khi Hồ Chí Minh hô hào toàn quốc kháng chiến. Mặt trước phải chống quân Pháp, mặt sau phải đẩy lui các cuộc tập kích của quân Việt Minh, các chiến sĩ Quốc Dân Quân đã viết nên trang anh hùng ca bất diệt của những người yêu nước, yêu tự do, trong đó tên tuổi của Đệ Tam Khu, Bộ trưởng Lê Ninh, người anh hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã trở thành huyền thoại.

    Chính trong bối cảnh lịch sử vừa kể trên Việt Minh đã tập trung toàn thể lực lượng của chúng thuộc chiến khu Đông Triều, Hải Dương, ước lượng sáu tiểu đoàn, để “san bằng” thành Móng Cái. Tuy nhiên chúng vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của lực lượng vũ trang Quốc Dân Đảng trong cổ thành, quân số chưa đầy ba đại đội, do tư lệnh đệ nhất chiến khu Vi Văn Lưu chỉ huy. Trong nửa tháng vây hãm, nhiều lần chúng đến sát chân thành nhưng đều bị đẩy lui.

    Nhận thấy khó lòng nuốt lấy Móng Cái nên Tổng Bộ Việt Minh mới chịu thành lập một phái đoàn đình chiến theo đề nghị của Trung Ương Quốc Dân Đảng. Thực ra Việt Minh chẳng bao giờ thật tâm muốn “đình chiến” mà chỉ muốn che dấu bộ mặt hiếu chiến của chúng bằng tấn kịch “đình chiến” trong khi vẫn tăng cường lực lượng để triệt hạ cho bằng được chiến khu Móng Cái. Vì hồi ấy liên lạc với Trung Ương cũng như với Móng Cái rất khó khăn nên anh Khải và tôi, hai đại diện Quốc Dân Đảng trong phái đoàn “đình chiến” cũng không rõ được âm mưu của Tổng bộ Việt Minh. Sau này chúng tôi mới biết là chuyến đi của hai chúng tôi có thể không có ngày về.

    Bởi thế sáng hôm ấy chúng tôi với hành trang chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi, đã cùng với hai đại diện của Tổng Bộ Việt Minh ra bến cảng Hải Phòng để theo đường biển ra Móng Cái. Hai đại diện Việt Minh, một người khoảng bốn mươi tuổi mặc quân phục bằng vải kaki Nam Định, không đeo quân hàm nên không rõ cấp bậc, thái độ lầm lì ít nói; người kia trẻ hơn độ ba mươi tuổi, mặc quần áo cánh trắng như áo bà ba trong Nam, được giới thiệu là chính ủy trực thuộc quân ủy Trung Ương của Việt Minh.

    Họ cho biết sẽ được tàu của hải quân “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” đưa ra Móng Cái. Chờ một lúc lâu chúng tôi mới được đưa xuống một chiếc ca nô của sở quan thuế Pháp cũ, trước mũi ca nô có cắm cờ đỏ sao vàng và trên tấm kính cản gió có hàng chữ “Hải quân Việt Nam.” Đây là tàu chiến của hải quân Việt Minh! Tôi bấm bụng cười thầm. Hồi ấy tôi đang phụ trách tờ nhật báo Sao Trắng, cơ quan tuyên truyền của Quốc Dân Đảng ở Hải Phòng, thuộc đệ nhất khu bộ, nên tự nhủ phen này sẽ có tài liệu độc đáo và hài hước để cống hiến cho độc giả Sao Trắng.

    Ra đến Bãi Cháy, chiếc ca nô bỗng tắt máy, ghé vào bờ. Tại đó đã có một chiếc thuyền mành, thứ thuyền đi biển cỡ lớn chờ sẵn. Người đại diện Việt Minh mặc quân phục lên bờ nói chuyện một lúc lâu. Sau đó chiếc thuyền mành chở đầy Vệ Quốc Quân được móc vào đuôi chiếc ca nô rồi chiếc ca nô mở máy tiếp tục cuộc hành trình kéo theo sau chiếc thuyền mành chở Vệ Quốc Quân. Anh Khải và tôi đều ngạc nhiên. Sứ mạng của phái đoàn là ra lệnh cho đôi bên đình chiến, tại sao Việt Minh lại tăng thêm viện binh cho lực lượng của chúng tại Móng Cái. Ý đồ của chúng đã rõ.

    Thay vì đình chiến chúng sẽ tấn công mãnh liệt hơn. Hai đại diện của Việt Minh đã rút vào khoang trong để tránh cái nhìn dò xét của chúng tôi. Khoảng bốn giờ chiều, chiếc ca nô rẽ sóng tiến vào Mũi Ngọc, địa đầu của tỉnh Móng Cái. Mũi Ngọc là một dải đất nhô ra biển gồm vài ngọn đồi khá cao, không có làng mạc dân cư. Từ mũi mập có đường đất gập ghềnh đưa đến làng Trà Cổ, cách Mũi Ngọc chừng bảy hay tám cây số. Chúng tôi lên bờ. Bọn lính Vệ Quốc Quân cũng ồn ào nhảy từ thuyền mành xuống đất. Chúng rất trẻ, nhiều tên chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi.

    Tất cả đều mặc binh phục bằng vải tám Nam Định nhuộm màu kaki và tất cả đều có súng cá nhân. Điều này chứng tỏ chúng là quân chính quy có huấn luyện. Hồi đó du kích hay tự vệ của Việt Minh không mặc đồng phục và trong một tổ ba người thì chỉ một người có súng, còn hai người kia là “bạch binh,” nghĩa là mang mã tấu. Như đã được báo trước, bọn Vệ Quốc Quân nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nghi ngờ, thiếu thiện cảm. Chúng nằm ngả ngớn trên mặt đất, võ khí để la liệt khắp nơi.

    Phần nhiều là súng trường “Fusil Indochinois” của lính khố xanh thời Pháp thuộc, nhưng cũng có súng trường của Nhật, của Anh và súng “sất cẩu” (79) của Trung Hoa. Đơn vị này có ba bốn khẩu tiểu liên báng sắt, và hai khẩu trung liên Anh “Đầu Bạc.” Đối với thời đó, một trung đội được trang bị như thế phải coi là có hỏa lực mạnh. Hai đại diện Việt Minh ở trong phái đoàn đã đi đâu không rõ. Anh Khải và tôi đành ngồi bên mô đất để chờ xem bọn Việt Minh đối xử với mình ra sao? Ngay bên cạnh tôi có ba, bốn Vệ Quốc Quân đang lấy mấy viên đá to làm bếp, nấu cơm. Chúng chuyện trò bô bô. Một tên bỗng nói với mấy tên khác:

    -Các đồng chí mới ở Tô Hiệu (tên mới của Việt Minh để chỉ Hải Phòng) ra không được ăn bữa cơm trưa hôm qua với chúng tớ, có một món ngon tuyệt.

    -Món gì ngon thế? Một tên mặt rỗ hỏi.

    -Gan người chớ món gì! Tên hói đầu trả lời. Chúng tớ mổ bụng một thằng Việt Nam Quốc Dân Đảng lấy gan xào ăn, ngon tuyệt các đồng chí ạ. À, mà lạ thật, không giống gan lợn. Gan người lúc rán nó cứ nổ tanh tách ấy.

    Anh Khải và tôi sửng sốt, không thấy sợ hãi mà chỉ thấy lợm giọng muốn buồn nôn và phẫn nộ đến cùng cực. Một chiến sĩ Quốc Dân Đảng thân yêu của chúng tôi vừa mới bị quân mọi rợ mổ bụng, ăn gan. Ít phút sau bình tĩnh trở lại, tôi nghĩ có thể mấy tên lính Việt Minh này đã được cấp trên của chúng rỉ tai bảo đến gần chúng tôi bịa chuyện này, mục đích hù dọa chúng tôi và làm chúng tôi mất tinh thần. Mà cũng có thể là chuyện thật.

    CÒN TIẾP


    Không có nhận xét nào