Header Ads

  • Breaking News

    Hồ Anh Thái - Văn chương trào phúng thời cúm Tàu (2019-2022)

     Sưu tầm, tuyển chọn 

    17/8/2022

    Đại dịch cúm Tàu, như cách dân gian vẫn gọi, bùng nổ từ Vũ Hán, Trung Quốc, từ cuối năm 2019, hoành hành dữ dội trên toàn thế giới trong suốt hai năm 2020-2021, rồi dần suy yếu từ đầu năm 2022. 

    Một cuộc chiến tranh thế giới – Thế chiến III, chiến tranh vi trùng – nhưng quy mô mở rộng hơn nhiều so với hai Thế chiến trước đó. Nó tràn ra cả bên ngoài châu Âu và châu Á, vượt hẳn ra khỏi bức tường các đại dương để sang đến tận châu Mỹ và châu Úc.  

    Một cuộc thiết quân luật và cả giới nghiêm quy mô toàn thế giới.

    Nó có nhiều tên gọi: dịch Corona, dịch Covid-19, dịch virus Wuhan… nhưng chung quy, gọi tên nào thì người ta đều hiểu đúng cái nghĩa gốc: dịch cúm Tàu.

    Kẻ khởi lên và gieo rắc dịch cúm này, dù chơi dao cũng đã phải tàn hại vì dao, nhưng chúng cũng đang ngầm đắc chí. Từ nay, chúng đã biết nhân loại sợ cái gì, chúng biết cần sử dụng vũ khí gì để khống chế nhân loại và thực hiện thiết quân luật trên toàn thế giới. 

    Đó là lý do cần phải nhắc lại lời của Julius Fučík: Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!

    Phải nhắc lại nhiều lần, hỡi nhân loại, hãy cảnh giác! 

    Và phải kịp thời có biện pháp đối phó, thậm chí chủ động tấn công. Một nỗ lực ở tầm nhân loại.

    Ở Việt Nam, biết bao đau thương với hơn ba vạn người dân bị cướp đi mạng sống. Người thoát khỏi tử thần thì đời sống khốn đốn vì bị cách ly, bị phong tỏa, thoi thóp trong tình trạng thiếu thốn tất cả những gì thiết yếu. 

    Bao nhiêu nước mắt đã chảy, bao nhiêu lo sợ, phập phồng, hoảng loạn. Bao nhiêu số phận tan cửa nát nhà. Một cuộc tháo chạy hỗn loạn ra khỏi các đô thị. 

    Bất kể những sai lầm và chậm trễ của thể chế, người dân khắp đất nước đã phải tự mình nỗ lực vượt lên cái chết, cùng lúc ghi nhận công lao của những người anh hùng ngành y trên tuyến đầu của cuộc chiến. 

    Rồi người ta sẽ ghi lại những mất mát đau thương này bằng nhiều hình thức, trong đó có văn chương.

    Nhưng trước hết, xin tạm tập hợp lại đây những tiếng cười giọng giễu, châm biếm những điều trớ trêu nực cười xảy ra trong đại dịch: những sai lầm của con người khi phải đối mặt với một đại nạn chưa từng có. Những chậm trễ vụng về của những người gánh chịu trách nhiệm trước toàn thể dân chúng và cả đất nước. Những kẻ trục lợi ngay trong nỗi đau thương của đồng loại. 

    Cười. Cười. Cười. 

    Và cười.

    Trong tận cùng tiếng cười bao giờ cũng là nước mắt.

     

    Người sưu tầm không lướt mạng. Bạn bè khắp nơi tìm thấy và gửi đến cho đọc những điều cười ra nước mắt này. Tôi tập hợp lại, chọn lựa ra những tiếng cười có ý thức, tức không phải là sự cười cợt. 

    Đây mới là một phần nhỏ trong cái biển cười dân gian giữa đại dịch. Những khái niệm nảy sinh trong thời cúm Tàu, hiện tại chưa cần phải chú thích nhiều, nhưng về lâu dài sẽ cần có giải thích để cho những thế hệ sau dễ hiểu. 

    Tuyển tập này bao gồm những tiểu phẩm lan truyền trên mạng và trong dân chúng nên hầu hết là khuyết danh. Nếu như có tác giả nhận ra sản phẩm của mình thì xin rộng lòng cho người đọc được sử dụng theo hình thức phi lợi nhuận.

    "Văn chương trào phúng thời cúm Tàu"  gồm bốn phần:

    Phần một: Thành ngữ – Tục ngữ – Lời vàng ý ngọc.

    Phần hai: Ca dao – Thơ – Phú – Văn khấn.

    Phần ba: Giai thoại – Chuyện châm biếm.

    Cuối cùng là phần Phụ lục: Những ca đầu tiên trên khắp thế giới – “Đội quân cảm tử Tàu” xuất phát từ Vũ Hán.

    Người sưu tầm và tuyển chọn

     Hồ Anh Thái

     ______________________________________________________________

     

    Phần 1

    Thành ngữ - 

    Tục ngữ - 

    Lời vàng ý ngọc

     

    Đang dịch nên mọi người lưu ý đeo khẩu trang thường xuyên. 

    Ai sống hai mặt thì đeo hai cái. 

    Ai hay lật mặt thì lộn ngược lại mà đeo.

                                     (Ghi trên biểu ngữ)

    Nói thật, Covid-19 rất khó lây lan ở Đông Lào. Nó chỉ dễ lây khi đứng đối diện, nói chuyện bắn nước bọt vào mặt nhau. 

    Mà các bạn biết đấy, dân mình chỉ quen nói sau lưng nên chả có gì đáng lo cả. 

    Một trong những câu thần chú dành riêng cho virus corona: Nam mô cô-rô-na! Cô-vi-đa! Xa-ta-ra! Xa-ta-ra! Xa-thật-xa! Xa-bà-ra! Xa-xa xa-bà-ra! 

    Nhân có ông tiêm hai mũi vắc xin cách nhau năm phút 15-8-2021: 

    “Vắc xin sớm nhất là vắc xin tốt nhất” bởi vì vắc xin tốt nhất là những ông tiêm nhanh nhất, hai mũi tiêm một lúc!  

     Cháu đề xuất: các bác phải chỉ thị cho F0 ra đường trực chốt, dân mới ngồi nhà được.  

    Bộ trưởng Y tế Indonesia phát biểu: “Corona cũng giống như vợ của bạn, ban đầu bạn cố gắng kiểm soát, nhưng rồi hiểu ra rằng việc đó là không thể, nên đành sống chung thôi”. 

    15 huy chương vàng thế giới về chống dịch 

    1. Dùng nhiều loại vaccine nhất thế giới.

    2. Được nhiều quốc gia cho vaccine nhất thế giới.

    3. Dùng nhiều bộ xét nghiệm nhất và đẩy giá lên cao nhất thế giới.

    4. Nhiều văn bản chỉ đạo về Covid nhất thế giới.

    5. Tỷ lệ chết/số người nhiễm cao nhất thế giới (2,5%).

    6. Nhiều ứng dụng liên quan tới Covid nhất thế giới.

    7. Số người tham gia chống dịch nhiều nhất thế giới. 

    8. Tỷ lệ người bỏ chạy ra khỏi thành phố nhiều nhất thế giới.

    9. Trạm chặn đường nhiều nhất thế giới.

    10. Các ngõ hẻm, các khu nhà ở chăng dây nhiều nhất thế giới. 

    11. Hứa cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch nhiều lần nhất thế giới.

    12. Chỉ đạo khiến người dân bất bình nhất thế giới.

    13. Nước đạt số biên bản phạt hành chính trong mùa dịch nhiều nhất thế giới.

    14. Nước kêu gọi đồng bào góp tiền mua vaccine nhiều nhất thế giới. 

    - Tại sao giấy vệ sinh cháy hàng?

    - Vì cứ một người ho thì bốn người són ra quần. 

    Sáng nay hỏi thầy phong thủy, coi dùm con đi hướng nào tốt. Thầy nói đi hướng nào cũng hai triệu hết nghe con (23-8-2021)

    (Đi hướng nào cũng vi phạm quy định cách ly, bị phạt hai triệu).

    Chúng ta đang rất thành công trong chiến thuật làm virus rối trí vì bị nhiễu trước nhiều thông tin.

    Nó sẽ chẳng biết rõ kế hoạch ứng phó của ta như thế nào để xây dựng kế hoạch tấn công. 

    Đó là sự thành công bước đầu.

    Sáng ra nhỏ nhẹ nhờ chú bộ đội mua giúp anh tờ báo Nhân Dân. Cả tiểu đội tỏa đi khắp thành phố, sáng giờ chưa ai về. 

    (23-8-2021, ngày đầu tiên quân đội tham gia chống dịch ở tp HCM) 

    Mình đón chở vợ đi làm về bị phạt 3 triệu, lý do: chở hàng không thiết yếu.

    Ông bên cạnh chở nguyên con lợn thì được thông chốt. Nản.

     

    Các bạn ơi, mình được tiêm vaccine rồi. Nhà có ông ngoại làm ở bộ Xây dựng, được tiêm một mũi khoan Moder, thế là khỏi hẳn bệnh bốc phét (kèm ảnh dùng mũi khoan Moder to tướng chọc vào cánh tay).

    Các bác có biết tại sao Tp. HCM cứ phong tỏa kéo dài không? Bởi vì bí thư thành phố tên là Nên, chủ tịch thành phố tên là Phong, hai phó bí thư một ông tên là Tỏ (Tỏa), một ông tên là Mãi. Vì vậy thành phố Nên Phong Tỏa Mãi. 7-2021. 

    (Ảnh hai chú đang dấm dúi tiêm ma túy cho nhau): Vừa đi lượn, thấy hai thanh niên tự tiêm vắc xin cho nhau ở một góc hẻm. Xã hội vẫn còn ấm áp tình người lắm. Đâu đó trong đời vẫn còn những hình ảnh đẹp. 

    Nếu chính phủ áp dụng biện pháp thả sư tử ra đường để người dân ở yên trong nhà!

    Thì gia đình chúng tôi xin phép ủng hộ một con!

    Astraz-Eineken (hỗn hợp vắc xin Astra và bia Heineken): Vắc xin tốt nhất.

     Hỏi đáp Mùa Covid 2021

    - Việc làm ngu nhất mùa giãn cách? 

    - Vượt chốt. 

       Đánh golf. 

    - Loại vũ khí nào mới ra mắt tại VN? 

    - Bom hàng. 

    (đặt hàng qua mạng rồi không chịu nhận hàng)

     

    - Khi nào người ta chấp nhận ngậm đắng nuốt cay? 

    - Khi bay màu phây búc.

       Tụ tập uống rượu trong mùa dịch. 

    - Câu hỏi hại não là gì?

    - Biết bố mày là ai không?

    -  Ai là sứ giả đường phố?

    -  Chị Đại quận 4.

    - Trẻ em có thể thoải mái ngủ ở đâu?

    - Trên Zoom.

    - Người đàn ông bí ẩn nhất hành tinh là ai?

    - Ông ngoại.

    - Loại đường nào có vị đắng?

    - Đường sắt trên cao. 

    - Bộ phim nào vừa ra mắt tập thứ 5 ở Hà Nội? 

    - Giấy đi đường. 

     - Ngôi sao lớn nhất hệ mặt trời? 

    - Sao Kê. 

    (bản thống kê tài khoản ngân hàng của các sao quyên góp từ thiện).

    - Bao giờ thiên hạ ngửa mặt nhìn trời? 

    - Ngoáy mũi lấy mẫu xét nghiệm. 

    - Chức vụ nào quy tụ những người tài? 

    - Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương.

    - Giấc mơ nào dai dẳng nhất? 

    - Hết giãn cách. 

    - Câu nói nào liều và nổi tiếng nhất hiện nay? 

    - Hà Nội mà bung mà toang, tôi chịu trách nhiệm.

    (Thị trưởng Hà Nội, Chu Ngọc Anh, sau đó đã thành tội phạm, bị bắt ngày 7-6-2022). 

    - Từ nào có ba vạn cách hiểu? 

    - Thiết yếu. 

    - Hỏa hoạn khủng khiếp nhất tháng 8? 

    - Cháy quan tài.

    - Bộ phim vừa hoãn công chiếu có tên là gì? 

    - Nanocovax. 

     - Việc nào không làm mà vẫn có nhiều tiền? 

    - Mở tài khoản từ thiện. 

    - Câu nói nào ngu ngốc nhất mọi thời đại? 

    - Nếu nghệ sĩ không làm từ thiện thì ai cứu miền Trung? 

     Khác hoàn toàn 

    Bún chả ngon hay bún chả ngon? 

    Cột điện cao thế hay cột điện cao thế? 

    Mất mạng hay là mất mạng? 

    Hổ mang bò lên núi hay hổ mang bò lên núi? 

    Năm con hổ đang đến hay là năm con hổ đang đến?... 

    Đã cũ hết rồi. Version mới nhất 2022 đây: Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi hay Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi? 

    Thật ra thì Quyết định liều tiêm cho trẻ có hai nghĩa khác nhau. Một bên là Quyết định liều tiêm cho trẻ và bên kia là Quyết định liều tiêm cho trẻ. 

    Nếu hiểu theo nghĩa Quyết định liều tiêm cho trẻ thì nó sẽ là Quyết định liều tiêm cho trẻ, còn nếu ta hiểu theo Quyết định liều tiêm cho trẻ thì nó phải được hiểu là Quyết định liều tiêm cho trẻ. 

    Và để phân biệt, ta phân tích câu: Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi thì ta sẽ hiểu rằng Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi chứ không phải là Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Hai việc này hoàn toàn khác nhau, bởi một bên là Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Còn bên kia là Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi...

    Như vậy là vừa rồi đã phân tích kỹ để chúng ta hiểu được rất rõ ràng rằng: Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi khác hoàn toàn với Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. 

    Vì vậy đọc xong bài này các bạn nên phân biệt rõ rằng câu Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi này khác với câu Quyết định liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi kia. 

     Trở lại Mục Lục

    ____________________________________________ 

    Phần 2

    Ca dao – 

    Thơ – Phú – 

    Văn khấn

    Để bà chửi cho mà nghe:

    Bớ làng trên xóm dưới
    Thượng Hạ Đông Tây
    Bà mày đang ở giữa khu cách ly đây
    Tuy cơm ăn nước uống được tiếp tế chẳng thiếu thứ gì
    Sơ mát phôn, phây búc, da lô, ti vi người người đều có
    Nhưng nhòm mãi đến mười ngày rồi cũng mỏi
    Chẳng dám ra ngoài
    Các chú canh phòng chặn chốt
    Mà chả chặn chốt thì bà mày cũng tự nguyện ở nhà
    Không như đứa lớn đứa bé đứa nọ đứa kia, cả bầy súc sinh lông nhông ngoài đường gieo rắc muôn phần tai họa

    Thế nên bà mày mới chửi cho mà nghe
    Bà mày chửi cái đứa lú lẫn kia
    Mày ăn cho lắm, mày rửng mỡ đi Anh đi Ấn chẳng để làm gì
    Khi trở về mày lại oánh gôn, họp nọ tiệc kia gieo rắc trên 500 người vướng vào vòng covid.
    Riêng tiền vé máy bay, khách sạn năm sao cho chuyến đi kia đã bao nhiêu
    Tiền hội phí sân gôn mỗi năm nghe đâu cũng đã già 3 tỉ
    Rồi nhà to đất lớn, rồi xe nọ dự án kia
    Một đứa trẻ con cũng tính ra lương công chức của mày làm sao mà có được?
    Chẳng qua là hút máu của dân
    Thử hỏi nghề nào làm giàu nhanh bằng nghề quan chức?
    Bà cầu cho những điếu xì gà mấy triệu chúng mày hút vào sẽ hóa thành rắn rết chui vào cổ họng chúng mày
    Những chai rượu mấy chục triệu đồng chúng mày uống vào sẽ biến thành nước cống chuyển hóa trong bụng chúng mày
    Những sân gôn ngày ngày chúng mày đú đởn sẽ sụt thành vực sâu đá sắc trừng phạt chúng mày… 

     

    Để bà chửi cho mà nghe
    Bà chửi những đứa cậy tiền đi xuyên lục địa
    Chúng mày giàu thì mặc xác chúng mày
    Nhưng cậy giàu mà đi lại nghênh ngang khắp năm châu bốn biển rước bệnh vào người
    Khi mắc bệnh lại đánh tháo tìm đường về nước để gieo tai họa
    Sao mày không ở lại đó cho thiên hạ được nhờ
    Đất nước này đâu phải là nơi chúng mày đổ bệnh?

    Bà chửi cái đứa nào đi làm ăn ở Mỹ ở Hàn
    Chúng mày nghênh ngang trở về lại còn khoe thoát hiểm kiểm dịch sân bay
    Mang virus phát tán nơi nơi
    Chúng mày có là người nữa không, đồ lòng lang dạ thú.

     (Giời ạ, ngoài kia có người mang lương thực phát đến từng nhà
    Bà nghỉ giải lao, rồi trở vào bà lại chửi cho mà nghe)
    Bà chửi cái thằng kia, mày trong diện cách ly mà mày dám trốn
    Mày lại còn đánh tráo người, bắt thuộc hạ của mày đi cách ly thay
    Giống cáo giống cầy cũng không ác như mày
    Mày đi những đâu, gặp gỡ những ai, chơi bời với những con nào, làm sao kiểm soát
    Mà cả cái đứa nhận lệnh đi cách ly thay
    Sao mày ngu mày hèn hạ thế hả giời
    Nó bảo mày ăn cứt mày cũng ăn, bảo mày đi chết thay mày cũng gật?
    Lại cả cái đứa đứng ra bao che
    Chắc cả đống USD đã kịp bịt mồm dán miệng

     

    Để bà chửi cho mày nghe
    Bà chửi cái thằng biến thái ăn trắng mặc trơn kia
    Mày từ vùng lõi dịch trở về
    Định trốn chui trốn nhủi ư, vận động hơn ba tiếng đồng hồ mày mới chịu vào chỗ cách ly
    Đã thế vừa đặt đít ngồi mày lại chê ỏng chê eo rằng chỗ ở nghèo nàn ngột ngạt
    Mày quen nhà hàng khách sạn giá cao nên không biết sẻ chia
    Không biết cảm thông người người đang cơn hoạn nạn

    Bà bảo cho chúng mày hay
    Dịch Covid 19 nó chẳng biết chừa ai
    Từ quan tới dân, từ kẻ bạc tỉ tới đứa ăn mày cũng đều là con bệnh
    Chúng mày đừng ỉ thế cậy quyền chơi bời cho lắm
    Đừng vác tiền thuế của dân đi làm những việc lăng nhăng
    Đừng tưởng cậy mình trên cả nghìn người mà mở mồm ra là ai ai cũng sợ

    Chúng mày có cái đầu mà nhỏ não
    Có mắt như mù
    Có tai như điếc
    Chả được như Hải Phòng hoa phượng đỏ biết dừng ngay kế hoạch gần ba trăm tỉ mua ấm chén cho dân
    Biết lắng nghe dân là biết yêu Tổ quốc.

     

    Cả đất nước mệt phờ
    “Chống dịch như chống giặc”
    Chúng mày không chừa những thói ngông cuồng, vô cảm, ác hại kia đi
    Đã thế, bà mày còn chửi nữa cho mà nghe…

    11-3-2020

    Thơ tình mùa dịch Covid theo phong cách các nhà thơ

    Xuân Diệu:
    Mây vẩn từng không, chim bay đi
    Khí trời u uất hận cách ly
    Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
    Cả xóm cùng lây, sợ cái gì

    Nguyễn Bính:
    Bữa ấy Cô Vi phơi phới bay
    Khẩu trang mấy lớp mặt hơi dày
    Hội Việt kiều về ho ngang ngõ
    Mẹ bảo: Toi rồi, khéo lại lây

    Hàn Mặc Tử:
    Sao anh không về chơi thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
    Gặp ngay em gái là F1
    Bịt cái khẩu trang mặt chữ điền

     

    Gió theo lối gió, mây đường mây
    Lòng anh buồn hiu, không lẽ lây?
    Nhà ai gần nhất khu y tế
    Có chở anh về kịp tối nay?

    Chế Lan Viên:
    Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói
    Sợ há mồm vi khuẩn bắn sang nhau
    Đôi hơi thở thì thôi ta cố nín
    Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu

    Bùi Giáng:
    Gánh than lên bán chợ giời
    Thiên Thần xúm hỏi: Em người ở đâu?
    Thưa rằng: Em ở rất lâu
    Trần gian dưới đó tiệc tùng liên miên
    Bảo rằng: Chưa rõ tuổi tên?
    Thưa rằng: Tên tuổi là Em đây rồi
    Nghĩa là 34 đó thôi
    Hỏi rằng: Sao chẳng thấy môi em cười?
    Thưa rằng: Ho một cái thôi
    Thế là ngõ xóm đi toi cả chùm

     

     

    Tố Hữu:
    Bỗng lòe chớp đỏ,
    Thôi rồi, Lượm ơi!
    Trong thang máy nhỏ,
    Một thằng hắt hơi

    Cháu thành F1,
    Đi cách ly luôn
    Sợ tóe cả mứt
    Hồn bay giữa đồng.

    Ngày xưa Nguyễn Bính viết về cô hàng xóm:

    Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

    Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn

    Bây giờ thì:

    Nhà tôi ở cạnh nhà nàng

    Nàng vừa dương tính, cả làng nghi tôi.

    Dũng “Hoa Ban”

    Hôm nay anh ấy đi làm
    Bộ viên khấp khởi xếp hàng đón trông
    Ô kìa, ban lại trổ bông
    Người dân có thấu nỗi lòng ban chăng

    Anh đi thắng dịch đang hăng
    Anh về chống dịch lại căng từ đầu
    Anh đi dịch bệnh chìm sâu
    Anh về cả nước nhìn nhau bàng hoàng

    Anh đi đời sống bình an
    Anh về đời sống hoang mang bất thần
    Hoa nở thì phải bón phân
    Ban nở phải đợi hai tuần cách ly

    FB Minh Quang Hà 16-3-2020

    Ghi chú: Dũng Hoa Ban là biệt danh người dân đặt cho bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau vụ ông ta và đồ đệ tự khuếch trương hình ảnh của ông trên mạng riêng của cơ quan bộ, như một người mang mùa xuân trở về sau chuyến công tác tai tiếng từ Ấn Độ sang Anh. 

    Dồi trường tân thanh 

    Trăm năm trong cõi người ta
    Sống vô ý thức đúng là hại nhau.
    Trải qua mùa dịch cúm Tàu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

    Rằng trong thể loại… lòng vòng
    Có anh Hai Mốt vốn dòng đại gia.
    Dẫn đầu hai ả tố nga
    Em là Mười Bảy, chị là Ba Tư.
    Thải ra vi rút từ từ
    Mỗi người một vẻ, gần như vẹn mười.
    Cô em kinh nghiệm khác vời
    Trốn tránh khai báo từ nơi dịch về.
    Thế là lây nhiễm tóe loe,
    Báo hại khu phố cách li thấy bà.
    Ba Tư dáng không được thật thà
    So bề lây nhiễm lại là phần hơn.
    Hình dong nét mặt cơn cơn
    Quanh co khai báo, lây hơn chục người.
    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang Hai Mốt đã ngoài sáu mươi
    “Cỏ non” ông khoái thôi rồi,
    (Nghe đồn có cả con rơi nữa mà)
    Ông này cũng chẳng thật thà
    Bảo đi thể dục, nhưng mà rẽ ngang
    Sau hồi… tính tỉnh tình tang
    Cả trâu lẫn nghé đều đang… chích ngừa
    (Đoạn này dân mạng nó đưa
    Báo chí chính thống bảo chưa thấy gì)…
    Phong lưu phú quý ai bì
    Nhưng thói ích kỷ để bia muôn đời.
    Trong khi chống dịch khắp nơi
    Bỗng đâu mấy đứa bố đời phá toang.
    Một mai Côvid tràn lan
    Để xem ai dám khoe khoang chữ tài?
    Lời quê chắp nhặt dông dài
    Mua vui cũng được một vài trống canh.
                        FB Mai Quang Hiền  16-3-2020

     Sáng ra đầu phố lại về ngay

    Suy đi tính lại thấy đâm gay

    Tổ quốc dặn rồi, đâu ngồi đấy

    Sống thời covid hạn chế bay!

    Bài khấn mùng một

    Con lạy bốn phương trời con lạy mười phương đất, 

    con lạy từ thằng đần nhất cho đến thằng thông minh, 

    con lạy từ khoa thần kinh lạy xuyên sang nhà xác, 

    con lạy cả bãi rác đến cả các chân cầu, 

    con lạy chim bồ câu lạy thêm ông chim chích, 

    con vừa lạy cái phích lại vừa lạy nồi cơm, 

    con lạy cả máy bơm đến đống rơm vàng óng, 

    con lạy mấy anh đá bóng lạy cả bình nước nóng nhà con, 

    lạy trẻ con lon ton đến cụ già tập tễnh, 

    lạy đủ loại ông kễnh lạy tất cả các kênh, 

    lạy từ Phnôm Pênh con lạy sang Băng Cốc, 

    vừa lạy vừa thở dốc con lạy cái xà ngang, 

    lạy từ thằng lang thang con lạy anh giám đốc, 

    lại lạy cả soái cốc lạy tiếp đến soái ca, 

    lạy hẳn từ nhà ga lạy sang Tân Sân Nhất, 

    lạy từ sữa nguyên chất cho đến giò hàn the, 

    lạy nguyên cả bụi tre con lạy sang bụi chuối, 

    lạy không đầu không cuối con mới lạy đến đây, 

    lạy đủ mọi loại cây con lạy dây trang sức, 

    lạy đến lúc hết sức con xin phép nghỉ ngơi, 

    lại lạy đến hụt hơi con lạy luôn dấu chấm. 

    Lạy nhiều sợ bị cấm con lạy nốt phát thôi, 

    từ từ con lấy hơi con lạy sang các cụ, 

    lạy nguyên cả vũ trụ lạy tất cả mọi nơi, 

    con lạy đất lạy giời cho thằng Covid nó đi mất... 

     

     Con lạy o dân quân lạy cô du kích... Con lạy bác công binh lạy anh đặc nhiệm... Con lạy chú chui hầm đào hào... Con lạy từ cụ biệt kích lạy sang anh tình báo, lạy luôn má anh hùng...

    Con không noi gương các cụ nên con đào khoét ngân sách công du công cán, con luồn khoang thương gia hơn biệt động luồn đô thành đánh phá, con nổ đạo đức văn minh như chiến sĩ cài bom, con dẫn đàn em công du như o du kích dẫn đường... Thế con mạnh, lực con sung, chí con cao mỗi tội con đen, nay anh Uấn cùng đoàn đang thều thào thở máy, nội bộ hoang mang uy tín con sụt giảm.

    Mong các cụ đồng chí phù hộ độ trì cho con tai quan nạn khỏi và tiếp tục trong quy hoạch nhân sự...

    CCCC (con của các cụ).        

    FB Thanh Mai

    Lạy hồn 

    Con xin lạy... tám phương trời

    Lạy chín phương đất, lạy mười phương... sông 

    Con lạy... Nam, Bắc, Tây, Đông 

    Lạy cụ, lạy kỵ, lạy ông, lạy bà

    Con lạy từ Đức đến Nga

    Lạy sang Anh, Ý rồi là... Iran.

    Con lạy Pháp, con lạy Hàn 

    Lạy Đài, lạy Séc, Ba Lan, Hoa Kỳ... 

    Thôi thì đang lúc Cô vi 

    Con cũng chẳng dám xin gì lớn lao 

    Cũng vì hai chữ... đồng bào 

    Con lạy chỉ để... ước ao vài điều 

    Nước con do vẫn còn nghèo 

    Nên luôn chào đón kiều bào về quê. 

    Bởi nếu không có họ về 

    Gia đình họ chẳng có chi... vào mồm 

    Thế mà... "ngại quá chấm com" 

    Chắc ngài cũng biết... mấy hôm vừa rồi 

    Người Việt ở khắp nơi nơi 

    Bỗng nhiên nô nức, ời ời... về quê. 

    Bởi vì họ sợ... "cô vê" 

    Phải đâu yêu nước họ về mà thôi. 

    Thế mà mấy bữa vừa rồi 

    Chúng con làm họ đã hơi... phật lòng. 

    Đón tiếp chẳng được như mong 

    Không có danh dự súng bồng uy nghi 

    Chỗ ở cũng chẳng ra gì 

    Phòng riêng không có, lại đi thang thường. 

    Đồ ăn mới thật thảm thương 

    Pida chẳng thấy, toàn tương... bánh mỳ 

    Tráng mồm cũng chẳng có chi 

    Táo Niu, nho Mỹ... cái gì cũng không 

    Chúng con đang rất... rối lòng 

    Chỉ lo họ giận... đừng hòng về quê. 

    Chúng con sẽ bị cười chê 

    Sẽ mang tiếng với bạn bè năm châu. 

    Nên nay... con có vài câu 

    Cùng mâm lễ mọn khẩn cầu thần linh 

    Mong ngài ổn định tình hình 

    Đừng cho Covid tung hoành... nước con! 

    Để còn kiến thiết nước non

    Tát vơi biển mặn, bạt mòn núi cao 

    Để xây khách sạn... năm sao 

    Mở đường đón rước kiều bào về thăm. 

    Để mua táo Niu Dilân 

    Nhập nho của Mỹ, nhập sâm Hàn - Đài 

    Để mua rượu xịn Đubai 

    Pida của Ý, bánh khoai của Tàu

    Để cho nếu có lần sau 

    Kiều bào chẳng có một câu phàn nàn 

    Để cho dù có... chết oan 

    Thì vong cũng muốn được... quàn về quê 

    Thôi thì lời khấn... lê thê 

    Nhưng là chân thật "lòng mề" chúng sinh 

    Mạo muội kinh động thần linh 

    Cúi xin chư vị anh minh... Lạy hồn! 

     

      

    Pfizer là của vua quan

    Moderna là của trung gian, nịnh thần

    Astra là của thương nhân

    Sino là của nhân dân anh hùng

    Trong mùa cô vít cô vi 

    Ti vợ thì ít ti vi thì nhiều.

    1. Ai đưa con sáo sang sông 

    Gặp chốt kiểm dịch, mất công bay về 

    2. Cò về thăm quán cùng quê 

    Giãn cách xã hội chẳng về được đâu 

    3. Chiều chiều ra đứng ngõ sau 

    Nghĩ về cô vít, ruột đau chín chiều 

    4. Thân em như thể cánh bèo 

    Ngược xuôi xuôi ngược theo chiều cách ly 

     

    5. Khắp nơi con cháu ba kỳ 

    Đứa thì F1, đứa thì F0 

    6. Con ơi nhớ lấy câu này: 

    Khai giảng chưa biết là ngày nào đâu 

    7. Cái ngủ mày ngủ cho sâu 

    Mẹ mày dương tính, còn lâu mới về 

    8. Dù ai buôn bán trăm nghề 

    Hàng không thiết yếu đừng bê ra đường 

    9. Chồng em áo rách em thương 

    Khẩu trang không có em tương vỡ mồm 

    10. Thân em như cánh chuồn chuồn 

    Sáng vui bay lượn, chiều buồn cách ly 

    11. Người đâu gặp gỡ làm chi 

    Người về dương tính, cách ly cả phường 

    12. Hỡi cô tát nước bên đàng 

    Làm ơn lấy cái khẩu trang đeo vào 

     

    13. Đèo cao thì mặc đèo cao 

    Em nhờ ông ngoại được vào tiêm ngay 

    14. Trông trời trông đất trông mây 

    Trông sao cho hết những ngày cô vi 

                                       FB Phuong Le

    Ca dao, tục ngữ thời Covid-19 

    1. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ F0. 

    2. Anh đi đừng nhớ quê nhà 

    Lỡ anh dương tính chết bà cả thôn 

    3. Con chim cuốc cuốc kêu chiều 

    Bâng khuâng nhớ mẹ đừng liều về quê 

    4. Đưa tay em bứt cọng ngò 

    Anh đang F1, đừng mò vô em 

    5. Chim quyên xuống đất ăn trùng 

    Qua đang F1, bậu đừng thương qua 

    6. Gió đưa cành trúc la đà 

    Muốn không dương tính ở nhà đừng đi 

     7. Một con ngựa F0, cả tàu F1 

    8. Gió đưa bụi chuối sau hè 

    Anh mà dương tính bỏ bè con thơ 

    9. Dã tràng xe cát biển Đông 

    Đang mùa cô vít mình không ra đường 

    10. Ai ơi bưng bát cơm đầy 

    Khó ăn một chút còn may hơn người 

    11. Đố ai bắt chạch bằng đuôi 

    Bắt chim đầu cánh, biết người F0? 

    12. Rằng xa thì thật là xa 

    Đường vào bệnh viện xót xa hơn nhiều 

    13. Đôi ta cùng bạn chăn trâu 

    Lại cùng F1 đều rầu như nhau 

    14. Đôi ta như rượu với nem 

    Vì đang trốn dịch nhịn thèm được không? 

    15. Ai đưa con sáo sang sông 

    Sáo lỡ dương tính đừng lồng về đây 

     16. Chiều chiều lại nhớ chiều chiều 

    Trông về quê mẹ thấy nhiều F0 

    17. Đường vô xứ Nghệ quanh quanh 

    Chủ quan nên dễ trở thành F0 

    18. Hỡi cô cắt cỏ ven sông 

    Đang mùa giãn cách đừng lồng sang đây 

    19. Công cha như núi Thái Sơn 

    Vu Lan giãn cách đền ơn tại nhà 

    20. Một lòng thờ mẹ kính cha 

    Tránh dịch ở nhà hết dịch con sang 

    Bài thuốc chữa virus Vũ Hán

    Lục bản mộc,

    Nhị lạng đinh,

    Hoa linh tinh,

    Đa nhân khóc,

    Bát nhân khiêng,

    Kèn trống chiêng,

    Thừng hai mét,

    Hạ thổ.

    Lời kêu gọi toàn quốc chống Covid

    Hỡi đồng bào và cần lao cả nước. 

    Chúng ta muốn hòa bình, nhưng Covid chúng không nhân nhượng vì chúng quyết tâm đâm nước ta vài ba phát nữa. 

    Không! Chúng ta thà mất nhà và tiêu pha đi nguồn lực, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm F1- F0 - F lông nhông, mọi nhẽ. 

    Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh đuổi Covid để cứu Tổ quốc. Ai có xuyên tâm liên dùng xuyên tâm liên. Ai có hoạt huyết dưỡng não Nhất Nhất thì dùng hoạt huyết dưỡng não Nhất Nhất. Không có thì dùng viên nang Kovir, Bạch địa căn, Si rô viêm họng bổ phế dưỡng tâm ngân kiều hạnh tô, Vệ khí khang các cái, thậm chí là Dạ hương để ra sức chống Covid cứu nước. 

    Hỡi anh em tuyến đầu chống giặc. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến "giọt bắn" cuối cùng, để giữ gìn đất nước. 

    Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. 

    Việt Nam thanh niên uống rượu đồng chí hội muôn năm.

    Kháng chiến thắng lợi... muốn nằm.

     

      

    Nam mô chi răng ra ri  

    Con lạy thánh vắc xin 

    Con lạy linh cô vắc 

    Lạy chức sắc na nô 

    Lạy nguyên lô xuất xưởng 

    Con lạy trưởng dây chuyền 

    Lạy xe thuyền chở thuốc 

    Lạy mắm ruốc mắm nêm 

    Lạy anh em đồng chí 

    Con thành tâm thành ý 

    Lạy vùng đỏ vùng xanh 

    Lạy luôn giấy thông hành 

    Lạy ban ngành đoàn thể 

    Nay con bày hương lễ 

    Lạy người dưới quan trên 

    Lạy may rủi xui hên 

    Cầu vắc xin được duyệt... 

    (Ý là cũng góp phần với chư tank chư thiết giáp cầu nguyện cho vắc xin an lành khi tiêm).

     Kazao cho ngày 1 tháng 10 

    (ngày nới lỏng giãn cách ở Sài Gòn, 1-10-2021)

    Em hỏi, cô bác đừng cười 

    Chiến dịch ngoáy mũi tháng mười còn không? 

    Tháo dây em vẫn cách ly

    Chờ con Cô vít bay đi ít nhiều 

    Đêm đêm nằm cạnh bên chồng 

    Mà em cứ tưởng F0 ôm mình 

    Ra đường mua một bó rau 

    Nhớ hồi tháng chín mà đau ruột thừa 

    Ra đường mà có giấy xanh 

    Còn hơn thẻ đảng của anh nha mày!

     

     

     

    Toan Phạm Nguyễn: Đêm. Đói quá. Ra mua bát phở chỉ bán mang về. Ông cụ chủ quán quen bẩu sợ điếu gì, ngồi đây mà ăn. Rồi cụ đọc cho nghe bài thơ. 

    Tự dưng có cuộc bể dâu

    Rối lên tễu xuống làm đau Hà thành

    Ngu đi một nhẽ cho đành

    Giả khôn mới loại khuynh thành nghiêng non 

    Bung nhà toang cửa tưởng ngon

    Nhưng mà chó đá muốn còn ngồi đây

    Cháo nóng đòi húp bát đầy

    Chuyện nay tưởng chuyện của ngày đâu xa 

    Bây giờ cả Nhị hà ta

    Biết đâu là rối chẳng ra thằng người

    Năm qua tháng lại giời ơi

    Nhà trò bia miệng ngậm cười nhân gian 

     

    Rối kia rối lính, rối quan

    Binh tôm tướng cá vẻ vang nỗi gì...

    Test thần kinh

    Tôi xin có đề nghị

    Lãnh đạo thủ đô mình

    Sau đợt dịch Covid

    Nên test thử thần kinh. 

    Lý do: nhiều đồng chí

    Có vẻ rất linh tinh 

    Cái ông quan đầu tỉnh

    Mỗi cái giấy đi đường

    Năm ngày ra ba lệnh

    Chẳng lệnh nào bình thường. 

    Lúc thì giao cho sở

    Lúc lại giao cho phường

    Cuối cùng như sực nhớ

    Lại giao cho công an. 

     Ông - điển hình ví dụ

    Chuyện "đẽo cày giữa đường"

    Nếu ông là phụ nữ

    Chửa hoang là chuyện thường. 

    Chỉ thị như tiểu thuyết

    Dài cỡ một hai chương.

    Đọc xong thì thấm mệt

    Ngã lăn quay ra đường. 

    Ông bí thư thành ủy

    Đi kiểm tra quận phường

    Về công tác chống dịch

    Như đi trao huân chương. 

    Nào panô, áp phích

    Đỏ rực cả hội trường

    "Ủy viên Bộ Chính trị"

    "Ban chấp hành Trung ương"... 

     

    Ghế trên ông ngồi tót

    Các lãnh đạo quận, phường

    báo cáo rất rành rọt

    Nhưng chỉ là nói mồm. 

    "Nhà có người nguy hiểm

    Từ Sài Gòn mới ra

    Mọi người hãy cẩn thận

    Đề phòng và tránh xa”

    Trên đây là tấm biển

    Do "bà Tế" nghĩ ra.

    Cục sở hữu trí tuệ

    Giữ bản quyền cho bà 

    Chuyện này tôi ngờ ngợ

    Hồi "cải cách năm tư" (1954)

    Nhà địa chủ cũng rứa

    Sợ khiếp vía đến giờ. 

     

    Giờ thế kỷ hai mốt

    Hình như Taliban

    Cũng áp dụng rất tốt

    Ở đất nước Apgan. 

    Bà giám đốc tuy học

    Tư tưởng Hồ Chí Minh

    Nhưng bà lại rất thuộc

    Tư tưởng Taliban. 

    Lại thêm chuyện ngoáy mũi

    Để tìm ra F0

    Không nói thì buồn tủi

    Nói ra thật đau lòng. 

    Dám bỏ hàng nghìn tỷ

    Tìm mấy con F0

    Khác nào tát cạn bể

    Bắt mấy con còng còng. 

     

    Thôi chẳng thèm nói nữa

    Nói nhiều cũng bằng không

    Chỉ mong các đồng chí

    Ghé Châu Quỳ Gia Lâm. 

    Để kiểm tra, test thử

    Có bình thường hay không?

                Sưu tầm từ Dân Ngay

    Bài ca test

    Test test test test nữa rồi

    Test test test test nữa rồi

    Test test test test nữa rồi

    Test nữa cho ngu cả người.

    Mừng hội test trên khắp quê tôi

    Mùa covi bay khắp muôn nơi

    Toàn dân ta đi ngoáy mũi

    Chọc cho sâu đau chết cha.

     Một lần test toi mất ba trăm

    Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam

    Giờ đi đâu ai cũng test

    Dù đi chơi hay đi làm.

    Test test test test nữa rồi

    Test test test test nữa rồi

    Test test test test nữa rồi

    Test nữa đi, cho lòi tiền...

    Nhiều người test nên rất đông vui

    Đợi luôn hai ba tiếng không thôi

    Vài hôm sau đi test tiếp

    Rảnh hay sao đi test hoài?

    Nhìn trò test sao thấy rất sai

    Tiền dân đem đi nướng lai rai

    Người dân đau như muốn khóc

    Bọn gian thương mau phát tài

    Test test test test nữa rồi

    Test test test test nữa rồi

    Test test test test nữa rồi

    Test nữa đi, ăn bộn tiền.

    Theo làn điệu Tết tết tết tết đến rồi

    Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

    Lời mới của Việt Cường

    Thời đại âm - dương

    Nghìn năm mới có bây giờ 

    Người Âm đi chợ mua đồ nấu ăn 

    Người Âm lo chuyện áo chăn 

    Nuôi người Dương cứ ngồi ăn sơn hào

    Hải vị đủ món trừ "ngao", 

    Thi thoảng lại test đòi vào cõi Âm 

    Người Âm xe chạy ầm ầm 

    Nhiều khi bồ bịch ôm nhầm người Dương

    Nghìn năm có một ẩm ương

    Người Âm nuôi dưỡng người Dương béo tròn...

      

    Năm qua chờ đợi vắc xanh 

    Năm nay chờ đợi để thành F0 

    Thà làm một phát cho xong 

    Còn hơn F1 lòng vòng dây dưa 

    Trước sau nó cũng chẳng chừa 

    Xong sớm nghỉ sớm cho vừa lòng nhau 

    *

    Bao giờ phủ kín F0 

    Thì ta cứ việc thong dong ra đường 

    Nếu còn dở dở ương ương 

    Thì ta chưa thể đường đường tự tin 

    Năm qua khoe tiêm vắc xin 

    Năm nay đổi mốt khoe mình F0. 

    Hai vạch xưa và nay

    Ngày xưa hai vạch... tại chồng 

    Ngày nay hai vạch... tại ông ngoài đường 

    Ngày xưa hai vạch... chồng thương 

    Ngày nay hai vạch... báo phường bế luôn 

    Ngày xưa hai vạch... bồi hồi 

    Ngày nay hai vạch... làm nồi thuốc xông 

    Ngày xưa hai vạch... bụng to 

    Ngày nay hai vạch... co ro một mình 

    Ngày xưa hai vạch... mất trinh 

    Ngày nay hai vạch... thất tình tủi thân.

    Em kiêu hãnh khoe lên face hai vạch

    Quá tự hào em ưỡn ngực F0

    Để bao người F1 phải buồn lòng

    Cứ xấu hổ lấy khẩu trang che mặt

    Đấy cuộc đời, rồi chuyện gì cũng khác

    Đã qua rồi thời kỳ thị F0

    Bởi bây giờ lũ chúng nó quá đông

    Không cẩn thận nó cách ly F1

    Ừ dương tính, giờ em là quý tộc

    Để người âm phải phục vụ hết lòng

    Cơm ngọt canh ngon bưng đến tận phòng

    Sau cánh cửa em lướt face đọc báo

    Một canh... hai canh... lại ba canh

    Zalo nhấp nháy tin chẳng lành

    Canh bốn... canh năm vừa chợp mắt

    Thêm người dương tính, thật là nhanh!

    Trong tù Long bảo với Chu Toang:

    Cảnh đẹp đêm nay thật bàng hoàng

    Mơ thấy trưởng buồng bắt ngoáy mũi

    Tỉnh ra trong ngục bị viêm xoang.

    Ghi chú: Chu Toang hoặc Chu Toang Toang là biệt danh của thị trưởng Hà Nội Chu Ngọc Anh, người từng phát biểu “Hà Nội mà bung mà toang, hứa với các đồng chí là tôi xin chịu trách nhiệm”, cách phát ngôn đầy tiếng lóng, lệch chuẩn đối với một chính khách. Chu Toang đã bị bắt ngày 7-6-2022 vì tham nhũng và trục lợi trong khi đại dịch hoành hành. Cùng bị bắt một ngày với Chu Toang là bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.   

                Trở lại Mục Lục

     

    _______________________________________________

     

    Phần 3

    Giai thoại – 

    Chuyện châm biếm

    Đứa con trai gọi điện về báo với mẹ: 

    - Mẹ ơi, con đi công tác châu Âu bị nhiễm virus Wuhan rồi. 

    - Thế đừng về nhà con nhé. 

    - Tại sao thế hả mẹ? 

    - Mày sẽ lây bệnh sang vợ mày, con vợ mày sẽ lây nhiễm sang anh trai mày, từ anh mày sẽ lây qua con giúp việc, mà con bé giúp việc nhiễm thì bố mày cũng nhiễm, dì út sẽ bị lây từ bố mày, tiếp theo là chồng dì, mà chồng dì út bị nhiễm thì mẹ mày cũng bị và sẽ lây sang ông lão làm vườn, em gái mày cũng sẽ bị dính từ lão làm vườn. 

    Mà nếu con em gái tốt lành của mày mà nhiễm thì cả làng này nhiễm luôn nghe chưa con.

     1. Xin thay mặt giáo sư NQT, người bị dương tính đang nằm, giải thích thẻ Golf 3 tỉ là như thế này: NQT tôi kết sân golf Quốc tế tên là Vân Trì. Sân golf Vân Trì được giới hạn chỉ có 400 hội viên. Vì vậy, mức phí mà các thành viên phải chi ra để tận hưởng không gian riêng tư là con số rất lớn. Theo bảng giá được công bố từ năm 2017, phí thẻ hội viên cá nhân là 3.009.600.000 đồng. Phí công ty ghi danh 1 người, 2 người và 3 người lần lượt là 3.611.520.000 đồng, 6.500.736.000 đồng và 9.751.104.000 đồng. Phí hội viên thường niên là 50.490.000 đồng. Mức giá này đã bao gồm tất cả các loại thuế, hội viên sẽ không phải chịu thêm bất kỳ mức thuế nào khác.

    Trên tinh thần đó, kết luận: 

    1. Phó chủ tịch hội đồng khỉ gió luôn ở khách sạn 5 sao, luôn đi máy bay khoang VIP, luôn tiệc tùng ở nhà hàng 5 sao, biệt thự đang ở vỏn vẹn có 3 căn liền kề giá trị triệu đô. Mồm miệng vì thế leo lẻo trăng sao chứ lý luận lý liếc gì đâu. Một quan chức sống vương giả như thế, nhiều dấu hỏi về thu nhập như thế, nhảy múa ăn chơi như thế mà suốt ngày vẫn vác mỏ lý luận với ai? Ủy ban Kiểm tra Trung ương chờ gì nữa mà không cho kiểm tra, kết luận, xử lý. Âm tính cũng xử mà dương tính cũng xử. Loại đi.

    2. Thưa anh Bộ KH-ĐT. Anh còn nợ nhân dân một câu trả lời việc chính anh cho phép 9 người (X.Y.Z) đi theo đoàn chủ tịch Quốc hội, 9 người sang Hàn và trốn ở lại, xong, giờ im lặng?

    Trên tinh thần đó kết luận: việc trên nó cũng lăng nhăng cuội như đoàn của đi Anh từ Ấn, quyết định rõ ràng là sang Ấn, xong việc, anh kéo đoàn sang Anh. Bên văn phòng của Bộ anh phát nội dung về nhiều cuộc làm việc của anh ở Anh, nhưng tôi thì tin vào lời bí thư Hà Nội: Đoàn của anh chỉ đi công tác Ấn Độ nhưng trước khi về thì tạt qua Anh. Rõ là các anh cứ thế tiêu pha bạt mạng, cứ thế ăn chơi, cứ thế che mặt nguỵ trang cái gọi là nghiên cứu để quyết tham nhũng "công tác nước ngoài". Chưa, về nước còn tiệc tùng. Chưa, bàn giao một thứ trưởng cho Nghệ An mà các anh làm bữa tiệc như giỗ tổ. Phẩm chất như vậy, ý thức như vậy, còn chờ gì nữa mà Ủy ban KTTU không chỉ thẳng mặt về sự tha hóa?

    3. Thưa anh H, Quảng Trị. Oai nhất của bí thư và dễ né sai nhất của một bí thư là gì chắc anh biết rõ: Chủ trương. Cứ chủ trương đi anh, can cớ chi mà anh nhọc nhằn nhảy bổ vào sự vụ, che chắn cho Lê Thanh Hà chủ tịch công ty điện gió ở tỉnh nhà trong vụ đánh tráo người cách ly. Việc đó có tay ủy ban dại dột nó lo, mình bí thư khôn ranh cứ chủ trương. Giờ thì mồm miệng anh cứ méo bên này, vẹo bên kia về vụ này nghe nó thảm lắm anh ạ.

    Trên tinh thần đó kết luận: anh xin lỗi tay ủy ban đi.

    4. Với em ca sĩ BLM. Mình là ca sĩ, các bác các chú mê giọng hát của mình thì kêu tới, hát thì có tiền, được bo tiền, không may hôm đó có các bác dương tính vi rút thì mình thành thật khai báo để được hướng dẫn, cách ly, điều trị. Mắc chi mà em viết lên fb khẳng định là không hề có mặt trong buổi tiệc đó. Để rồi, chính nhà hát của em phải báo cáo khẩn việc em cách ly. Rồi bản tin VOV cũng khẳng định em cách ly. Em còn đi thu nhạc, ngộ nhỡ em dương tính thì còn gây hại cho bao người. Sao cứ xoen xoét nói dối?

    Trên tinh thần đó kết luận: hát hay cần xúc cảm thật, muốn có xúc cảm thật với tác phẩm cần phải chân thật trong đời sống.

    FB Nguyễn Quang Vinh 10-3-2020

    Chàng trai đến gặp thiền sư: "Thưa thầy, Hà Nội dính con virus Wuhan rồi. Con muốn xin thầy một lời khuyên. Liệu con có nên đưa cả gia đình chạy về quê không ạ?"

    Thiền sư đang giã gạo. Dừng tay, ngồi trầm ngâm. Rồi lẳng lặng nhấc cái chày lên, đổi đầu và giã tiếp.

    Chàng trai thấy vậy như bừng tỉnh: "Thưa thầy, phải chăng ẩn ý của thầy là hãy thuận theo nhịp vận động của vũ trụ. Có ngày thì có đêm, có sinh thì có tử, có âm thì có dương, có nữ thì có nam... như chiếc chày và cối đá kia. Cứ bình tĩnh mà thuận theo sự xoay vần của tạo hóa. Phải không ạ?"

    Thiền sư: "Khồng, ý ta là Lộn Cái Chày con ạ".

    Ai nói đấy?

    Trong một lớp tiểu học bên Hoa Kỳ, đa số học sinh là người da trắng, chỉ có vài cô chú da đen da vàng. Đến giờ học sử, cô giáo hỏi học sinh về những câu nói bất hủ trong lịch sử Hoa Kỳ:

    - Em nào biết ai nói câu sau đây: “Rất tiếc rằng tôi chỉ có một đời sống để dâng hiến cho quê hương”?

    Cả lớp im lặng suy nghĩ một hồi, rồi một cánh tay nhỏ bé đưa lên và giọng nói rụt rè của một cô học trò gốc Hoa:

    - Thưa cô, đại úy Nathan Hale nói câu ấy trước khi bị người Anh hành quyết vào năm 1776.

    Cô giáo khen và hỏi câu tiếp theo:

    - Các em cho cô biết ai đã nói: “Tất cả con người đều sinh ra bình đẳng”?

    Cả lớp lại im lặng suy nghĩ và một lần nữa, cánh tay nhỏ bé lại đưa lên và giọng nói rụt rè của cô học trò gốc Hoa:

    - Thưa cô, tổng thống Abraham Lincoln đã nói câu này vào năm 1863.

    Cô giáo khen “giỏi lắm” và tiếp tục đưa ra câu hỏi:

    - Đố các em, ai đã nói: “Hãy nói năng mềm mỏng khi có một cây gậy trong tay”?

    Lớp học im phăng phắc đến gần một phút sau, mới nghe tiếng trả lời nhỏ nhẹ của cô học trò gốc Hoa:

    - Thưa cô, tổng thống Theodore Roosevelt đã nói câu đó năm 1905.

    Cô giáo khen cô học trò gốc Hoa xong, liền quay sang cao giọng cùng các học sinh da trắng:

    - Các em là những công dân Mỹ chính gốc nhưng lại không thuộc lịch sử nước Mỹ bằng một cô bé gốc Hoa. Các em có thấy hổ thẹn không?

    Một giọng trẻ con vang lên ở cuối lớp:

    - Đ.M. mấy thằng Tàu!

    Cô giáo hét to:

    - Ai nói câu đó?

    Có tiếng trả lời:

    - Thưa cô, tổng thống Donald Trump nói câu đó sau khi dịch cúm Vũ Hán bùng phát ạ.           

    VTV, Chuyển động 24h, 11:15 ngày 31-7-2021

    “Có một điểm chung của tất cả các vận động viên tại giải tranh tài “Vài môn phối hợp” của Hà Nội này là họ không sợ covid-19 thì phải. Tuy nhiên, nếu mà nghĩ rằng họ không sợ thì chưa được xác đáng cho lắm. Để mà hiểu rõ hơn thì có lẽ chúng ta phải nhìn vào bộ não con người. Về cơ bản thì não con người có thể chia thành ba phần như sau: phần thứ nhất là não bò sát, phần thứ hai là não thú và phần thứ ba là não người. Nỗi sợ của ba khu vực này cũng có những khác biệt. Ở phần não bò sát thì nỗi sợ sẽ biến thành bản năng ngay lập tức và vô điều kiện, ví dụ như là nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy ngay chẳng hạn; ở phần não thú thì nỗi sợ sẽ chi phối hành vi của con người ở dạng cảm xúc, ví dụ như là “ở nhà chán quá hay là ra ngoài một tí xem nó như thế nào”; và cuối cùng ở phần não người, nỗi sợ sẽ đi kèm với tuy duy trừu tượng, với ý thức với trách nhiệm với những mối nguy có thể có trong tương lai. Vâng, tóm lại thì mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối diện với covid-19 thế nên là mới có người ở nhà và có người ra ngoài không có lý do chính đáng”.

    Lời bình của FB Thái Hạo

    Tóm lại, theo VTV những người thấy lực lượng chức năng mà “chạy ngay” thì là loại não bò sát. Những người ra ngoài vì sự chi phối của cảm xúc, ví dụ thấy buồn, thì đều là não thú. Chỉ duy nhất những người ở yên trong nhà mới dùng não người.

    Việc người dân, nếu phạm luật (chưa tính đến cái “luật” kia nó ra làm sao) thì chỉ được phép gọi đúng tên sự vi phạm ấy và áp dụng các khung xử phạt theo quy định. Không biết từ bao giờ VTV (đài Truyền hình quốc gia Việt Nam) đã cho phép mình cái quyền miệt thị con người và khinh bỉ người dân như thế? Hành vi này của VTV có vi phạm pháp luật không? Nếu không thì cũng chả có gì để nói với VTV và tất cả những gì ở phía sau và phía trên của VTV nữa; nhưng nếu có thì xử phạt những ai, và xử phạt ra sao? Giám đốc Đài THVN có cần phải từ chức không nếu đây là một sự vi phạm pháp luật trầm trọng?

    Còn, nếu chỉ xét ở khía cạnh văn hóa và hiểu biết thông thường thôi thì nhân danh chống dịch để xúc phạm và hủy nhục con người, hủy nhục công dân như thế này là không thể chấp nhận được. Trước hết người lãnh đạo cao nhất của VTV phải đứng ra nhận trách nhiệm và chính thức xin lỗi nhân dân cả nước. Không thể dùng sự vô văn hóa để tuyên truyền cho văn hóa! Còn người dân, xin hãy tự trọng. Hãy phẫn nộ và khước từ những thứ vô văn hóa.

    Việc tiếp theo là phần của luật pháp.

    Vợ nhắn tin cho chồng:

    - Anh thấy chồng người ta không, em thất vọng về anh quá. Cuộc sống này thật là mệt mỏi khó thở.

    - Anh xin lỗi – Chồng nhắn xong, báo cho Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đến bắt cô vợ đi cách ly.

    Nhân viên mặc đồ bảo hộ đến đầy nhà để cưỡng chế, vợ nhắn:

    - Mày báo với họ là tao mệt mỏi khó thở, đúng không?

    - Anh thấy em hay than thở mệt mỏi, muốn cho em vào đấy nghỉ ngơi một thời gian thôi. 

    Tại một chốt kiểm soát dịch.

    Người kiểm soát: 

    - Giấy đi đường của chị đâu?

    - Thưa, đây anh.

    Người kiểm soát: 

    - Giấy chưa có dấu xác nhận của phường là thế nào?

    - Dạ thưa, tôi đang chạy đến phường để xin dấu. 

    Người kiểm soát: 

    - Chị không được đi. 

    - Tại sao lại không được?

    Người kiểm soát: 

    - Vì chưa có dấu xác nhận của phường. 

    - Nhưng bây giờ, tôi phải chạy đến phường để xin dấu xác nhận thì mới có dấu chứ?

    Người kiểm soát: 

    - Đúng! Nhưng chị không được đi qua chốt. 

    - Tại sao?

    Người kiểm soát: 

    - Vì giấy không có dấu xác nhận của phường!

    FB 10-8-2021

     

     Ngày 9-8-2021, Hà Nội quy định ra đường phải có giấy công tác của cơ quan, ghi rõ lịch trực cùng các giấy tờ tùy thân khác. Những điều Nam Cao viết từ 73 năm trước, dịp này khiến ông trở thành nhà tiên tri:

    “Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười lăm phút, thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy. Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi nữa. Anh vừa ra khỏi làng, sực nhớ bỏ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi. Hình như họ cho cái việc hỏi giấy là thú lắm”.

    (Đôi mắt, Nam Cao, 1948) 

    Nhân lãnh đạo Hà Nội Chu Ngọc Anh nói về Bung và Toang và hứa chịu trách nhiệm, người ta lại trích Nam Cao:

    “Nói ví dụ ngay như cái thằng chủ tịch ủy ban khu phố ở Hà Nội lúc chưa đánh nhau. Nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó làm ủy ban?” 

    (Đôi mắt, Nam Cao, 1948) 

    VKT, một ông bầu người mẫu thời trang, sắp hết cách ly chung cư thì lại cách ly toàn xã hội: 

    Ngày 24-2-2020 cha nội từ Ý về và tự cách ly 14 ngày. 

    Do gần hết thời hạn, cha nội ra khỏi nhà tung tăng nên bị bắt đi cách ly tập trung 14 ngày.

    Hết hạn, cha nội về chung cư, chưa kịp ráo mồ hôi thì đêm 21-3, tòa B, khu chung cư cha nội ở bị cách ly 14 ngày vì cư dân có tiếp xúc với bệnh nhân 91. 

    Đến ngày 31-3, cha nội cách ly chung cư cũng đã 10 ngày, sắp hết hạn thì có lệnh cách ly toàn xã hội từ 1-4 đến 15-4. Có khả năng cha nội “vắng mặt trong toàn giải”.

    Sau đó cha nội về thăm quê Nam Định thì cả làng bị cách ly.

    Xin giấy đi đường

    Giấy đi đường là giấy xuất trình khi đi đường để người ta cho đi ra đường. 

    Nếu muốn đi ra đường thì phải có giấy đi đường, nếu chưa có giấy đi đường mà muốn đi đường thì phải xin cấp giấy đi đường. 

    Muốn xin cấp giấy đi đường thì phải đi ra đường mà muốn đi ra đường thì phải có giấy đi đường.

    Người cầm giấy đi đường sang cho người được cấp giấy đi đường bị chặn lại và không cho đi đường vì tên của người cầm giấy đi đường không giống với tên trên giấy đi đường. 

    Nhưng người được cấp giấy đi đường thì lại không được đi ra đường để đi lấy giấy đi đường.

    Các anh cấp giấy đi đường được vài hôm xong các anh lại đổi giấy đi đường. Những ai đi ra đường mà cầm giấy đi đường cũ thì lại không được đi đường, phải đi xin cấp giấy đi đường mới. 

    Mà muốn xin cấp giấy đi đường mới thì vẫn phải ra đường mới xin được giấy đi đường mới.

    Ra đường xin giấy đi đường mà chưa có giấy đi đường phạt 2 triệu... hahaha.

    Thần chết bó tay

    Ba anh Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam đang đi trên biển thì Thần Chết Corona tay cầm lưỡi hái hiện lên. Thần chết lạnh lùng bảo:

    - Nếu các ngươi muốn sống, hãy vứt một thứ xuống biển. Ta mà không tìm thấy thì các ngươi được sống. Còn ngược lại nếu ta tìm thấy của ai thì người đó phải chết.

    Gã người Mỹ tinh khôn vứt một chiếc kim xuống biển... Thần chết lặn xuống 15 giây sau thì lên và gã Mỹ qua đời.

    Gã người Tàu sợ quá, bứt một sợi tóc ném xuống biển. Thần chết lặn xuống và 20 giây sau thì cầm sợi tóc lên và gã Tàu "ra đi".

    Còn lại anh Việt Nam, nhếch mép cười, móc túi lấy ra một vật ném xuống biển. Thần chết lặn xuống một lúc lâu mới ngoi lên và thở hổn hển hỏi:

    - Này thằng ôn kia, mày vứt cái méo gì xuống biển thế hả?

    Anh Việt Nam cười tinh quái: 

    - Tao vứt viên C sủi.

    Thần chết: 

    - Tao lạy mày!

     

    Bài học: Hãy uống thêm C sủi để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa Thần chết Corona.

    Lãnh đạo chống dịch: 

    Bác Trọng: Chống dịch như chống giặc là có phúc. 

    Bác Phúc: Dạ có em. Nhưng để chống dịch thì vắc xin là chính. 

    Bác Chính: Dạ em biết. Nhưng giãn cách và xét nghiệm là chuyện nên làm.

    Bác Nên: Thì em đang làm đây. Mà có chuyện gì các bác cứ nhắc mãi. 

    Bác Mãi: Em mới lên chủ tịch nên mong được các bác nhắc nhở. Nếu mà không làm quyết liệt là đứt. 

    Bác Đức: Trách oan em rồi. Em quyết liệt lắm. Nhưng vẫn cần nâng cao trình độ không thì bung và toang.

    Bác Bung Ngọc Toang: Nếu bung và toang là do dân không cẩn trọng. 

    Bác Trọng: Các ông vòng quanh một lúc lại về tôi. Cuối cùng ông nào chịu trách nhiệm trước dân? 

    Bác Sáu Dân: Tôi chết lâu rồi, để cho tôi yên.

     Bọn F1 giờ vào tòa chung cư tao cúi cái mặt xuống, nếu không F0 sút vỡ cái a lô! 

    Có thể nói F0 hiện nay đã lên đến đỉnh cao của danh vọng. Ngày xưa bị xã hội hắt hủi, chửi bới, trốn chui trốn lủi, xua như xua hủi... Giờ người người nhà nhà dương tính, làm F0 sướng như vua. 

    Nhà tôi có 5 người thì 4 người làm F0, tụ tập xem tivi nấu cơm rửa bát hát karaoke. Hàng xóm hay tin cả nhà F0 sang chém gió thăm hỏi, làm nồi lẩu động viên. 

    Còn lại thằng em tôi làm F1 bị nhốt trong phòng, đến bữa đưa phích nước với gói mì tôm nhai qua ngày. 

    Vừa làm F0, tôi được công ty cho 5 triệu, được mọi người hỏi han sức khỏe, được bổ sung vào Group F0 chém gió. Còn nhớ ngày làm F1 bị cô lập, nghỉ ở nhà vẫn bị ép KPI, không làm đủ bị ăn chửi rồi trừ lương. Giờ làm F0 chẳng cần làm gì, lương vẫn đủ mà lại còn được gửi quà bánh. 

    Đó là sự thay đổi của xã hội, nếu một thứ dị biệt có quá nhiều người sở hữu thì nó sẽ thành bình thường. Ở chỗ tôi, hiện tại không làm F0 mới là dị hợm. Còn bọn F2 F3 thì không tính tiền. 

    Lều Báo

    Đợt dịch này chúng ta học được rất nhiều

    1. Chúng ta học được rằng phải tiết kiệm phòng lúc nguy cấp, không tiêu xài hết những gì mình có.

    2. Chúng ta phải biết nấu ăn phòng lúc không ai bán thức ăn nấu sẵn.

    3. Học cách trân trọng thực phẩm, không chê ỏng chê eo đồ ngon đồ dở hay để thừa.

    4. Chúng ta học cách chấp nhận mọi biến động của cuộc sống, thích nghi với những thay đổi bất ngờ.

    5. Chúng ta học cách nhường cơm sẻ áo, học cách xót thương những ai khó khăn hơn.

    6. Chúng ta học cách biết ơn, biết ơn cuộc sống và vũ trụ khi ta còn đang may mắn được hít thở ngay giây phút này.

    7. Học cách hòa hợp với bạn đời, người thân, con cái khi ở gần quá nhiều.

    8. Học cách chịu đựng sự thiếu tiện nghi.

    9. Học cách kiên nhẫn với mọi thứ mình muốn nhưng chưa thể thực hiện.

    10. Chúng ta học cách sống đơn giản và đơn giản hóa mọi vấn đề.

    11. Học cách tiêu khiển thời gian có ích, giúp đỡ cộng đồng và làm việc có ý nghĩa.

    12. Chúng ta buộc phải học cách tự học những thứ chúng ta chưa biết.

    13. Chúng ta học cách sống chậm lại, học cách sống ổn một mình, cô đơn.

    14. Chúng ta hiểu cảm giác được sống cuộc đời bình thường là quý giá chứ không phải hiển nhiên. Biết ơn một cốc cà phê, những giờ ngồi hàng quán, gặp gỡ bạn bè…

    15. Chúng ta sẽ biết rõ chữ vô thường, không gì bất biến… Chúng ta cảm giác được sự sống chết mong manh.

    16. Chúng ta biết rằng nên dành thời gian cho cha mẹ già nhiều hơn bởi có thể một biến động quét qua ta không kịp nói lời từ giã.

    17. Chúng ta học được rằng khi hết dịch sẽ không nhăn nhó khi tắc đường, nắng nóng.

    18. Học cách yêu xa dẫu đang ở cùng thành phố.

    19. Học cách thử thách sức chịu đựng của bản thân, tự chữa những bệnh nhẹ.

    20. Chúng ta biết trân quý tất cả những gì đang có trong từng khoảnh khắc.

    Trở lại Mục Lục

     _________________________________________________________

    Phần 4

    Phụ lục

    Những ca đầu tiên trên khắp thế giới – 

    “Đội quân cảm tử Tàu” đều xuất phát từ Vũ Hán 

    1 - Thái Lan: Phát hiện ca đầu tiên là một nữ du khách 61 tuổi đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 13-1-2020.

    2 - Nhật Bản: Phát hiện ca đầu tiên là một nam du khách 30 tuổi đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 16-1-2020.

    3 - Hàn Quốc: Phát hiện ca đầu tiên là nữ du khách 35 tuổi đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 20-1.

    4 - Hoa Kỳ: Phát hiện ca đầu tiên là một người đàn ông 30 tuổi trở về tiểu bang Washington từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 21-1.

    5 - Đài Loan: Phát hiện ca đầu tiên là nữ doanh nhân 55 tuổi trở về từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 21-1.

    6 - Ma Cao: Phát hiện ca đầu tiên là một người Vũ Hán đến Ma Cao đánh bạc. Công bố bệnh ngày 21-1.

    7 - Hồng Kông: Phát hiện ca đầu tiên là một người đàn ông Trung Quốc đến Hồng Kông bằng tàu cao tốc qua cửa ngõ Thâm Quyến. Công bố bệnh ngày 22-1.

    8 - Singapore: Phát hiện ca đầu tiên là một du khách Vũ Hán 66 tuổi. Công bố bệnh ngày 23-1.

    9 - Việt Nam: Phát hiện ca đầu tiên là một du khách Vũ Hán (thăm con trai và người con này cũng bị lây). Công bố bệnh ngày 23-1.

    10 - Pháp: Phát hiện ca đầu tiên là một người Pháp gốc Hoa về từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 24-1.

    11 - Nepal: Phát hiện ca đầu tiên là một du học sinh trở về từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 24-1.

    12 - Australia: Phát hiện ca đầu tiên là người đàn ông Trung Quốc khoảng 50 tuổi, đến Australia theo chuyến bay Quảng Châu - Vũ Hán - Melbourne. Công bố bệnh ngày 25-1.

    13 - Canada: Phát hiện ca đầu tiên là người đàn ông khoảng 50 tuổi, trở về từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 25-1.

    14 - Malaysia: Phát hiện 4 ca đầu tiên (cùng một gia đình) là du khách đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 25-1.

    15 - Campuchia: Phát hiện ca đầu tiên là một người đàn ông Trung Quốc đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 27-1.

    16 - Đức: Phát hiện ca đầu tiên là một người Đức có họp chung với một người đến từ Thượng Hải. Trước khi cô này sang Đức họp có tiếp xúc gia đình đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 27-1.

    17 - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất: Phát hiện ca đầu tiên là một gia đình du khách 4 người đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 29-1.

    18 - Phần Lan: Phát hiện ca đầu tiên là nữ du khách Trung Quốc 32 tuổi. Công bố bệnh ngày 30-1.

    19 - Ấn Độ: Phát hiện ca đầu tiên là một du học sinh trở về từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 30-1.

    20 - Philippines: Phát hiện ca đầu tiên là nữ du khách 38 tuổi đến từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 30-1.

    21 - Italy: Phát hiện ca đầu tiên là đôi vợ chồng du khách đến từ Vũ Hán. Vợ 65 tuổi, từng dạy Văn ở Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc đặt ở Vũ Hán. Chồng 66 tuổi, kỹ sư hóa sinh cao cấp trước khi nghỉ hưu. Công bố bệnh ngày 31-1.

    22 - Thụy Điển: Phát hiện ca đầu tiên là một phụ nữ trở về từ Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 31-1.

    23 - Bỉ: Phát hiện ca đầu tiên là 1 trong 9 người Bỉ sơ tán khỏi Vũ Hán. Công bố bệnh ngày 4-2.

    24 - Sri Lanka: Phát hiện ca đầu tiên là một phụ nữ 43 tuổi đến từ tỉnh Hồ Bắc. Công bố bệnh ngày 27-1.

    25 - Nga: Phát hiện 2 ca đầu tiên là hai người mang quốc tịch Trung Quốc. Công bố bệnh ngày 31-1-2020.

    Cứ thế virus từ Vũ Hán đã lan truyền đi khắp nơi, nhanh nhất theo đường hàng không.

    Đặc biệt có điều rất rõ ràng là thời điểm mới có dịch ở Trung Quốc, người Vũ Hán không được đến Bắc Kinh, nhưng lại được Trung Quốc cho phép đi khắp nơi trên thế giới.

    Nguồn: Tôi yêu Sài Gòn

    http://www.viet-studies.net


    Không có nhận xét nào