Header Ads

  • Breaking News

    Robert Genetski * - Chính sách kiềm chế tiền tệ của Fed sẽ còn trong bao lâu?



    Tờ 100 USD mới in trong ảnh này. (Ảnh: Only_NewPhoto/Shutterstock)

    Trong thời điểm có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử được tính của mình, Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu rút tiền ra khỏi nền kinh tế vào đúng thời điểm nền kinh tế đang suy giảm. Việc xác định thời điểm không tốt cho hành động mới nhất của Fed đặt ra câu hỏi chính mà các nhà đầu tư muốn trả lời —chính sách kiềm chế tiền tệ của Fed sẽ còn trong bao lâu?

    Suy đoán về thời điểm và mức độ của các hành động chính sách của Fed rõ ràng là chủ quan, nhưng có vẻ như là chính sách của Fed là như vậy. Thời điểm để có bất kỳ thay đổi nào khỏi sự kiềm chế [tiền tệ] phụ thuộc vào mức độ của suy thoái và con số lạm phát sắp tới.

    Mức độ suy thoái có thể ở mức vừa phải, nhưng những hành động sai lầm của Fed sẽ khiến suy thoái trở nên nghiêm trọng. [Trong khi] các chính sách của chính phủ điều chỉnh sản xuất và hiệu quả năng lượng cũng như các rào cản pháp lý khác đã làm suy yếu sức mạnh lịch sử của Mỹ rồi.

    Kể từ năm 1900, nền kinh tế Hoa Kỳ đã trải qua 5 giai đoạn kinh tế kém hiệu quả rõ rệt, khi mức sống đã ngừng tăng trưởng hoặc đã giảm sút và người Mỹ mất niềm tin vào tương lai của đất nước. Mỗi giai đoạn này đều chứng kiến ​​sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu liên bang, các quy định của chính phủ lan rộng nhiều hơn đối với hành vi của các cá nhân và doanh nghiệp, và mức thuế cao hơn.

    Ngoại trừ thuế suất cao hơn, những đặc điểm nêu trên là các chính sách của hai năm rưỡi qua. Chu kỳ hiện tại đại diện cho lần thứ 6 mà các chính sách kinh tế đã làm suy yếu nền kinh tế, khiến nền kinh tế hết sức dễ bị tổn thương khi Fed thắt chặt tiền tệ.

    Lạm phát sẽ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng miễn là tốc độ chi tiêu trên ngưỡng 4% đến 5%. Cho đến nay, chi tiêu 2 con số đã thúc đẩy lạm phát 2 con số. Dữ liệu chi tiêu và thu nhập gần đây cho thấy mức chi tiêu tăng vừa phải từ 7% đến 9%. Việc tăng chi tiêu sẽ phải tiếp tục chậm lại để kiềm chế lạm phát.

    Bất chấp những khó khăn hiện tại do năng suất giảm và lạm phát tăng cao, chính phủ không có dấu hiệu đảo ngược các chính sách. Mặc dù khó tin nhưng Quốc hội đang xem xét tăng thuế và tăng hơn nữa mức chi tiêu và các quy định của chính phủ. Bằng cách làm suy yếu năng suất và lợi nhuận doanh nghiệp, các chính sách này càng làm tăng thâm hụt liên bang và thúc đẩy chi tiêu liên bang thêm nữa để tài trợ cho khoản nợ rất lớn của chính phủ. Những chính sách như vậy sẽ thúc đẩy lạm phát cao hơn và lãi suất cao hơn.

    Khi nền kinh tế suy yếu đi, Fed đang sử dụng các công cụ tiền tệ của mình để kiềm chế lạm phát. Fed dự định tiếp tục tăng lãi suất và bán chứng khoán trong nỗ lực giảm cung tiền. Giảm cung tiền sẽ làm chậm tốc độ chi tiêu và cuối cùng làm chậm lạm phát.

    Đây cũng chính là Fed đã từng phớt lờ các lời kêu gọi kiềm chế tiền tệ vào đầu năm 2021. Vào tháng Hai năm đó, Dân biểu Warren Davidson (Cộng Hòa-Ohio) bày tỏ lo ngại về mức tăng 25% trong nguồn cung tiền. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã trả lời: “Đã có lúc chính sách tiền tệ tổng hợp là yếu tố quan trọng quyết định lạm phát và điều đó đã không còn xảy ra trong một thời gian dài”. Đánh giá thấp tầm quan trọng của nguồn cung tiền là một sai lầm nghiêm trọng.

    Một sai lầm khác của Fed là việc bỏ qua độ trễ giữa việc thực hiện và kết quả kinh tế của các chính sách của họ.

    Trong lịch sử, phải mất 6 đến 9 tháng để chính sách của Fed tác động đến tốc độ chi tiêu. Độ trễ có thể ngắn hơn nếu thay đổi chính sách lớn và dài hơn nếu thay đổi chính sách ở mức độ vừa phải. Có thể mất nhiều thời gian hơn, từ 2 đến 3 năm, để kiềm chế lạm phát một khi nó đã ăn sâu vào nền kinh tế. Fed đã muộn màng trong hành động này và đang cố gắng thay đổi nhanh chóng để hạn chế nguồn cung tiền.

    Fed đã chuyển sang chính sách tiền tệ thu hẹp?

    Một trong những cách để đo lường sự kiềm chế tiền tệ là đo lường các thành phần thô của tiền đi vào nền kinh tế. Theo thước đo này, chính sách tiền tệ vẫn mở rộng cho đến tháng Sáu bất chấp sự hạn chế theo dự kiến ​​của Fed.

    Một thước đo sự kiềm chế tiền tệ khác là chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn. Ở đây, tiền vẫn mở rộng nhưng đã được điều tiết. Việc điều tiết cho thấy các thị trường tài chính kỳ vọng Fed sẽ thành công trong việc giảm lạm phát cuối cùng.

    Tuy nhiên, một biện pháp kiềm chế tiền tệ khác là tăng lãi suất ngắn hạn. Đây là biện pháp ưa thích của Fed. Kể từ tháng Ba, lãi suất mục tiêu của Fed đã tăng từ căn bản là 0 lên mức dự kiến 2¼% ​​đến 2¾% vào cuối tháng Bảy. Mặc dù mức tăng rất ấn tượng, nhưng lãi suất vẫn rất thấp so với mức tăng chi tiêu và lạm phát.

    Có sự không chắc chắn về mức độ mà lãi suất hiện hành đủ để làm chậm chi tiêu và kiềm chế lạm phát. Sự không chắc chắn này được phản ánh trong các thị trường tài chính, hiện dự đoán lãi suất mục tiêu của Fed sẽ đạt 4% đến 4½% vào cuối năm nay.

    Nếu Fed mắc phải những sai lầm tương tự trong việc áp dụng các biện pháp kiềm chế như đã làm trong việc tạo ra lạm phát hiện tại, thì nó sẽ tiếp tục rút tiền ra khỏi nền kinh tế ít nhất là đến cuối năm 2022. Với độ trễ bình thường giữa kiềm chế tiền tệ và nền kinh tế, cuộc suy thoái hiện tại sẽ kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2023.

    Nếu nền kinh tế tiếp tục suy giảm với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng vào năm 2023, Fed sẽ buộc phải xem xét chuyển trở lại một chính sách trung lập hơn hoặc ít hạn chế hơn. Khả năng chuyển sang một chính sách như vậy là ít nhất 6 tháng đến một năm nữa.

    Bất cứ khi nào có sự chuyển đổi sang chính sách tiền tệ mở rộng, các điều kiện tài chính sẽ nới lỏng. Tuy nhiên, điều đó không thể giải quyết các vấn đề căn bản hơn của nền kinh tế. Giải quyết các vấn đề căn bản sẽ cần sử dụng cùng một giải pháp đã khôi phục sự thịnh vượng kinh tế trong suốt lịch sử của nước Mỹ — các chính sách sẽ phải chuyển hướng khỏi một chính phủ quá khích và quay trở lại các nguyên tắc cổ điển của thị trường tự do truyền thống.

    Tin tốt là sau mỗi chu kỳ mà nền kinh tế Mỹ phải chịu một bước thụt lùi lớn, các cử tri và các nhà hoạch định chính sách cuối cùng đã chọn thay đổi hướng đi. Chi tiêu liên bang và các quy định bị hạn chế, chính phủ giảm can thiệp vào thị trường, và thuế suất được cắt giảm. Trong mỗi trường hợp, việc quay trở lại công thức thành công truyền thống của Mỹ đã nhanh chóng khôi phục lại sự thịnh vượng.

    * Tiến sĩ Robert J. Genetski là một diễn giả, tác giả, nhà bình luận chuyên mục, và là một trong những nhà kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ. Ông đã giảng dạy môn kinh tế học tại Trường Kinh doanh Sau Đại học thuộc Đại học Chicago và NYU. Cuốn sách gần đây nhất của ông có nhan đề “Rich Nation, Poor Nation: Why Some Nations Prosper While Others Fail” (Quốc Gia Giàu, Quốc Gia Nghèo: Tại Sao Một Số Quốc Gia Thịnh Vượng Trong Khi Một Số Quốc Gia Khác Lại Thất Bại). Trang web của Tiến sĩ Genetski là ClassicalPrinciples.com.

    Nhật Thăng biên dịch

    Không có nhận xét nào