Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 04 tháng 8 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bà Nancy Pelosi thăm Hàn Quốc, ủng hộ phi hạt nhân hóa Triều Tiên 

    04/8/2022 

    Reuters 

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gặp người tương nhiệm Hàn Quốc Kim Jin-pyo ở Seoul hôm 4/8 2022. (Foto: Kim Min-Hee via REUTERS)

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gặp người tương nhiệm Hàn Quốc Kim Jin-pyo ở Seoul hôm 4/8 2022. (Foto: Kim Min-Hee via REUTERS) 

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và người tương nhiệm Hàn Quốc hôm 4/8 tuyên bố ủng hộ các nỗ lực duy trì năng lực răn đe mạnh mẽ đối với Triều Tiên và tiến tới phi hạt nhân hóa quốc gia này.

    Trong uyên bố chung được đưa ra sau khi bà Pelosi gặp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo tại Seoul, hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang tiến triển của Triều Tiên.

    “Cả hai bên đều bày tỏ lo ngại về tình hình nguy hại từ mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên”, tuyên bố cho biết.

    “Chúng tôi nhất trí ủng hộ những nỗ lực của chính phủ hai nước nhằm đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình thực tế thông qua hợp tác quốc tế và đối thoại ngoại giao, dựa trên khả năng răn đe mạnh mẽ, mở rộng đối với Triều Tiên”.

    Bà Pelosi cũng nói tại cuộc họp báo rằng bà và ông Kim đã thảo luận về các cách thức thúc đẩy hợp tác về các vấn đề an ninh khu vực và các vấn đề kinh tế và khí hậu.

    Bà Pelosi đã đến Hàn Quốc vào cuối ngày 3/8 sau khi ghé qua Đài Loan trong thời gian ngắn ngủi. Bà đã gặp các quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Seoul hôm 4/8 trước cuộc hội đàm với ông Kim và các nhà lập pháp khác.

    Sau đó cùng ngày, bà Pelosi có kế hoạch đến thăm Khu vực An ninh Chung gần biên giới liên Triều với nhiều tầng lớp kiên cố và được Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo và Triều Tiên cùng nhau tuần tra, một quan chức Hàn Quốc cho biết.

    Bà Pelosi sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm khu vực này sau cựu Tổng thống Donald Trump, người đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở đó vào năm 2019.

    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol không gặp bà Pelosi do ông đang đi nghỉ theo lịch đã có trong tuần này, nhưng hai ông bà đã điện đàm kéo dài 40 phút , trong đó ông hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Mỹ để phát triển liên minh chiến lược toàn cầu, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Tae-hyo nói trước báo giới.

    Ông Yoon cũng nói rằng chuyến thăm dự định của bà Pelosi tới khu vực biên giới liên Triều sẽ là ‘dấu hiệu răn đe mạnh mẽ đối với Triều Tiên’.

    Phủ tổng thống Hàn Quốc trong một thông cáo báo chí riêng cho biết trong cuộc điện đàm ông Yoon đã bày tỏ hy vọng sẽ gặp bà Pelosi khi ông công du Mỹ để thảo luận các cách thức củng cố liên minh hai nước.

    Truyền thông Hàn Quốc suy đoán ông Yoon có thể tránh gặp trực tiếp bà Pelosi để tránh làm cho Trung Quốc khó chịu, sau chuyến đi của bà đến Đài Loan vốn đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

    Tuy nhiên, Choi Young-bum, thư ký cấp cao của tổng thống về quan hệ công chúng, nói với các phóng viên rằng ‘mọi quyết định được đưa ra trên cơ sở xem xét lợi ích quốc gia’ và sẽ không có thay đổi nào trong lập trường đặt liên minh Hàn-Mỹ lên trên hết.

    Khi được hỏi liệu lợi ích quốc gia có bao gồm quan hệ ngoại giao và tình hình khu vực hay không, ông Choi từ chối trả lời.

    Trung Quốc bắn nhiều tên lửa vào vùng biển Đài Loan 

    04/8/2022 

    Reuters 

    Người dân Đài Loan theo dõi tin tức về cuộc tập trận qua truyền hình

    Người dân Đài Loan theo dõi tin tức về cuộc tập trận qua truyền hình 

    Trung Quốc hôm 4/8 đã bắn nhiều tên lửa xung quanh Đài Loan khi họ khởi động các cuộc tập trận quân sự chưa từng có, một ngày sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo tự trị này mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của họ.

    Không lâu sau thời gian dự kiến bắt đầu vào lúc 4h GMT (11h, giờ Hà Nội), đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV loan báo tập trận đã bắt đầu và sẽ kết thúc vào lúc 4h GMT ngày 7/8. Đài này cho biết các cuộc tập trận này, lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, sẽ bao gồm bắn đạn thật ở vùng biển và trong không phận xung quanh Đài Loan.

    Bộ Tư lệnh Mặt trận miền Đông Trung Quốc cho biết họ đã hoàn thành nhiều đợt bắn tên lửa quy ước vào vùng biển phía đông Đài Loan nằm trong kế hoạch tập trận.

    Lần cuối cùng Trung Quốc bắn tên lửa vào vùng biển xung quanh Đài Loan là vào năm 1996.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết một số tên lửa Đông Phương đã được bắn vào vùng biển đông bắc và tây nam của hòn đảo.

    Trung Quốc cũng phóng 2 tên lửa gần quần đảo Mã Tổ của Đài Loan nằm ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, vào khoảng 2h chiều giờ địa phương, theo hướng các khu vực tập trận đã được Trung Quốc công bố, theo một báo cáo an ninh nội bộ của Đài Loan mà Reuters được xem và được một nguồn tin an ninh Đài Loan xác nhận.

    Các quan chức Đài Loan tố cáo các cuộc tập trận này vi phạm các quy tắc của Liên Hợp Quốc, xâm chiếm không gian lãnh thổ của Đài Loan và trực tiếp thách thức tự do hàng hải và hàng không.
    Trung Quốc đang tiến hành tập trận trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế đông đúc nhất và đó là ‘hành vi vô trách nhiệm, phi pháp’, Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan nói.

    Phát ngôn nhân chính phủ Đài Loan lên án nặng nề các cuộc tập trận, và cũng cho biết trang chủ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Phủ Tổng thống đã bị tin tặc tấn công.

    Các tàu hải quân và máy bay quân sự Trung Quốc đã băng qua trung tuyến eo biển Đài Loan nhiều lần vào sáng ngày 4/8, một nguồn tin Đài Loan được thông báo về việc này nói với Reuters.
    Đến trưa ngày 4/8, các tàu quân sự của cả hai bên vẫn ở trong khu vực và gần khu vực.

    Đài Loan đã tập hợp chiến đấu cơ và triển khai các hệ thống tên lửa để theo dõi nhiều máy bay Trung Quốc vượt giới tuyến.
    “Họ bay vào rồi bay ra, hết lần này đến lần khác. Họ liên tục quấy rối chúng tôi”, nguồn tin Đài Loan cho biết.

    Trung Quốc, vốn nói họ có quyền chiếm Đài Loan bằng vũ lực, hôm 4/8 cho biết mối bất hòa của họ với hòn đảo tự trị này là vấn đề nội bộ của họ.

    “Sự trừng phạt của chúng tôi đối với phe cứng rắn đòi độc lập cho Đài Loan, các thế lực bên ngoài ủng hộ độc lập là hợp lý, hợp pháp”, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết.

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi chuyến thăm đài Loan của bà Pelosi là hành động ‘cuồng loạn, vô trách nhiệm và cực kỳ phi lý tính’ của Mỹ, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.

    Phát biểu tại cuộc họp ngoại trưởng Đông Nam Á ở Phnom Penh, Campuchia, ông Vương nói rằng Trung Quốc đã nỗ lực ngoại giao tối đa để ngăn chặn khủng hoảng, nhưng sẽ không bao giờ cho phép lợi ích cốt lõi của họ bị tổn hại.

    Đài Loan đã sử dụng máy bay phản lực để xua đuổi 27 máy bay chiến đấu của Trung Quốc

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/08/The-World-in-Brief-Aug-4th.jpg

    Đài Loan đã sử dụng máy bay phản lực để xua đuổi 27 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo, theo lời các quan chức Đài Loan. 22 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan. Sự kiện xảy ra sau khi Nancy Pelosi rời Đài Loan, nơi bà tái khẳng định “sự đoàn kết của Mỹ” với hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình. Trên cương vị Chủ tịch Hạ viện, Pelosi là chính trị gia Mỹ cấp cao nhất đến thăm hòn đảo trong vòng 25 năm qua.

    OPEC và các đồng minh đã nhất trí tăng sản lượng dầu nhỏ thêm 100.000 thùng/ngày, tương đương chỉ 0,1% nhu cầu toàn cầu. Quyết định này sẽ khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thất vọng. Trong những tuần gần đây, cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp với thái tử Ả Rập Saudi, Muhammad bin Salman, để thuyết phục cường quốc dầu khí này bơm thêm dầu, giúp giảm giá năng lượng toàn cầu.

    Cuộc xâm lược của Nga đang yếu dần

    Các nguồn lực cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga dường như sắp cạn kiệt. Richard Moore, Giám đốc MI6, cơ quan tình báo hải ngoại của Anh, đã nói như vậy vào tuần trước. Các cuộc tấn công của Nga ở Donetsk, phía đông Ukraine, đều diễn ra một cách nửa vời. Trong khi đó, vành đai phòng thủ của lính Ukraine nhằm bảo vệ cho các thành phố Slovyansk và Kramatorsk vẫn được giữ vững.

    Thay vào đó, phần lớn giao tranh hiện đang diễn ra ở miền nam đất nước, nơi Ukraine gia tăng các cuộc phản công nhắm vào thành phố Kherson. Pháo kích nổ ra dữ dội, và lính Nga đang tiến hành nhiều cuộc không kích hơn. Ukraine hy vọng sẽ tận dụng lợi thế nhờ các loại vũ khí tầm xa: hôm thứ Hai, nước này đã nhận thêm 4 hệ thống HIMARS của Mỹ và 3 bệ phóng tên lửa tương tự từ châu Âu. Tuy nhiên, việc đẩy Nga ra khỏi tỉnh Kherson sẽ rất khó. Nga được cho là đã điều động 10 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn để củng cố khu vực, gần như tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự của họ tại đây. Như cuộc chiến đã cho thấy, lực lượng phòng thủ thường sẽ là nhóm chiếm ưu thế, cho dù đó là Nga hay Ukraine.

    Hãng hàng không Đức Lufthansa phục hồi doanh số nhưng đối đầu bất ổn

    Lufthansa sẽ chứng minh sự phục hồi ấn tượng của các hãng hàng không quốc gia châu Âu khi báo cáo kết quả quý II vào thứ Năm này. Hành khách đang đổ xô sử dụng dịch vụ hàng không kể từ sau các vụ đóng cửa vì đại dịch. Các số liệu sơ bộ cho thấy lợi nhuận trước lãi vay và thuế lên tới 400 triệu euro (405 triệu đô la) so với mức lỗ trong cùng kỳ năm ngoái là 827 triệu euro trên doanh thu 8,5 tỷ euro. Tình hình cũng khả quan hơn ở nhiều nơi khác. IAG, chủ sở hữu của British Airways, gần đây đã công bố có lãi quý đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch, Air France-KLM cũng đạt thành tích tương tự.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu du lịch mùa hè tăng vọt, tình trạng thiếu nhân lực đã gây ra hỗn loạn và buộc các sân bay phải yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm lịch trình. Lạm phát tăng vọt đã dẫn đến nhu cầu tiền lương cao hơn và đe dọa đình công. Các nhân viên mặt đất của Lufthansa đã đình công, và tuần này các phi công của hãng cũng đã bỏ phiếu áp đảo yêu cầu phải hành động. Một cuộc suy thoái khác đang rình rập và có lẽ vẫn còn quá sớm để mong đợi sự hồi sinh của ngành hàng không.

    Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ khai mạc tại Dallas

    Vào thứ Năm, hàng ngàn người sẽ đến Dallas, Texas, để tham dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (Conservative Political Action Conference, CPAC). Tự xưng là “tập hợp những người bảo thủ có ảnh hưởng nhất trên thế giới,” CPAC là sân khấu cho nhiều nhân vật cánh hữu của Mỹ và quốc tế: bao gồm Viktor Orban, Thủ tướng dân túy của Hungary, người sẽ phát biểu vào thứ Năm.

    Có hai điều chúng ta cần theo dõi. Đầu tiên là vai trò của Donald Trump. Trong bài phát biểu của mình, cựu Tổng thống Mỹ có thể đưa ra manh mối về việc liệu ông có ý định tái tranh cử vào năm 2024 hay không. Hầu hết các diễn giả khác tại CPAC đều là những người trung thành với Trump.

    Thứ hai là các chính sách. Với việc lật ngược phán quyết Roe vs. Wade, nhiều người bảo thủ tin rằng mình đang có cơ hội để thúc đẩy các mục tiêu khác, chẳng hạn như trao cho phụ huynh nhiều quyền hơn trong chương trình giảng dạy. Những người bảo thủ có thể đã thất bại ở Kansas, nhưng điều đó sẽ chỉ kích động các thống đốc của Texas, Mississippi, và Oklahoma, những người sẽ phát biểu tại hội nghị, cũng như hầu hết những ai đang mong chờ cánh hữu trở lại.

    Ngân hàng Trung ương Anh chuẩn bị tăng lãi suất 

    Đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Anh phải quyết định có tăng lãi suất hay không. Khi ủy ban chính sách tiền tệ của nước này nhóm họp vào thứ Năm, các nhà đầu tư kỳ vọng mức tăng 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong 27 năm qua. Việc tăng lãi suất cao bất thường có thể giúp chế ngự áp lực lạm phát trong nước. Dù tỷ lệ lạm phát tính theo năm 9,4% của Anh vào tháng 6 chủ yếu là do các cú sốc bên ngoài (mà trên hết là giá năng lượng toàn cầu), nhưng áp lực trong nước, chẳng hạn như tăng trưởng tiền lương, cũng đóng một vai trò nào đó.

    Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng lo sợ sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong lúc nó đang suy yếu, vì vậy họ có thể giới hạn mức tăng, chỉ 0,25 điểm phần trăm. Một động thái như vậy vẫn có thể báo hiệu hy vọng rằng lạm phát trong nước có thể tự giảm xuống. Thị trường lao động của Anh không còn thắt chặt nữa. Các nhà bán lẻ đang do dự trước khi chuyển phần gia tăng chi phí cho khách hàng. Giá năng lượng có thể tăng cao ngất ngưởng thêm 70% vào mùa thu này, làm ngân sách cạn kiệt và cắt giảm nhiều hoạt động. Ngân hàng đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn.

    Ba ngân hàng lớn của Úc thông báo tăng lãi xuất hôm nay

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/08/4-biggest-banks-of-australia-1.jpg

    Vào hôm thứ Ba tuần này, Ngân Hàng Trung Ương Úc (The Reserve Bank of Australia (RBA)) thông báo thăng lãi xuất 0.5% để đối phó với đà lạm phát tại Úc.

    Vào sáng hôm nay, Ngân hàng lớn nhất của Úc, Commonwealth Bank thông báo sẽ tăng lãi xuất 0.5% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18 tháng 8.

    Với sự gia tăng này khiến cho tiền lời thấp của ngân hàng Commonwealth Bank (variable rate) tăng lên 3.79%.

    Chỉ vài giờ sau, hai ngân hàng lớn khác của Úc cũng thông báo sẽ tăng lên lãi xuất 0.5%.

    Khách hàng của Westpac sẽ phải trả thêm tiền lời bắt đầu từ ngày 18 tháng 8, trong lúc đó khách hàng của ANZ sẽ bắt đầu từ ngày 12 tháng 8.

    Lãi xuất biến động (variable rate) của hai ngân hàng này đang từ 3.69 đến 3.79%.

    Trong 4 ngân hàng lớn nhất của Úc chỉ còn có ngân hàng National Bank là chưa có quyết định nhưng gần như chắc chắn nó sẽ xảy ra trong vài ngày tới.

    Hiện tại tỉ lệ lạm phát của Úc là 6.1% – cao nhất trong 21 năm qua kể từ năm 2001.

    Với quyết định tăng lãi xuất 0.5% của Ngân Hàng Trung Ương Úc khiến cho một người mượn $500,000 để mua nhà phải trả thêm mỗi tháng $140.

    Sự gia tăng này chưa phải là lần cuối, các nhà kinh tế của Úc cảnh báo rằng lãi xuất sẽ lên cao nhất vào cuối năm nay trước khi có thể hạ xuống.  

    ASEAN bất lực trước các hành vi coi thường toàn khối của thành viên Miến Điện?

    04/8/2022

    Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 03/08/2022 trước khi ông Lavrov dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Cam Bốt. AP 

    Họp tại Phnom Penh ngày 03/08/2022 trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 55, lãnh đạo ngành ngoại giao nhiều nước Đông Nam Á đã có những lời lẽ rất cứng rắn đối với tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại Miến Điện sau hàng loạt những hành động bị cho là coi thường ASEAN. 

    Tuy nhiên, câu hỏi được giới quan sát đặt ra là do những bất đồng trong nội bộ về cách đối phó, lại bị nguyên tắc đồng thuận hạn chế, liệu Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á có thể buộc được thành viên ngỗ nghịch này đi vào khuôn khổ hay không.

    Trong phát biểu khai mạc Hội Nghị Các Ngoại Trưởng ASEAN, chính chủ tịch luân phiên của ASEAN là thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã lên tiếng bày tỏ nỗi “thất vọng” trước vụ chính quyền quân sự Miến Điện hành quyết 4 nhà đối lập, bất chấp phản đối của ASEAN và nhiều quốc gia hay tổ chức trên thế giới.

    Theo ông Hun Sen, “toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN đều vô cùng thất vọng và lo lắng trước vụ hành quyết những nhà đối lập bất chấp những lời kêu gọi của tôi và những người khác, đề nghị (chính quyền Miến Điện) xét lại bản án tử hình, vì lợi ích đối thoại chính trị, hòa bình và hòa giải”.

    Chủ tịch ASEAN không ngần ngại cảnh cáo: “Nếu có thêm nhiều tù nhân bị hành quyết, chúng tôi - tức là ASEAN - sẽ buộc phải suy nghĩ lại về vai trò của mình đối với đồng thuận 5 điểm giữa ASEAN và Miến Điện”.

    Lời cảnh báo trên đây được đưa ra trong bối cảnh hôm 25/07 vừa qua, tập đoàn quân sự Miến Điện đã hành quyết 4 người, trong đó có hai nhà đấu tranh vì dân chủ, với cáo buộc hỗ trợ “khủng bố”. Sự kiện này bị coi là một cái tát vào mặt ASEAN, vì diễn ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên, trong đó hồ sơ Miến Điện chắc chắn được bàn thảo.

    Đối với ngoại trưởng Singapore, Vivian Balakrishnan, việc tập đoàn quân sự Miến Điện thi hành án tử hình lần đầu tiên từ hơn 30 năm nay là “một bước lùi nghiêm trọng”, trong lúc đồng nhiệm Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng vụ hành quyết chứng tỏ “tập đoàn quân sự Miến Điện coi thường” bản đồng thuận 5 điểm mà họ đã đồng ý vào tháng 04/2021 với ASEAN, nhằm chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng.

    Ngoài những tuyên bố phẫn nộ, ASEAN lần này được cho là có thể tiến tới việc quyết định thêm một số biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhắm vào Miến Điện. Theo một bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần này, mà hãng tin Pháp AFP đọc được, ngoài việc bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc”, ASEAN còn kêu gọi có những “hành động cụ thể” chống lại chế độ quân sự.

    Câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có đồng ý được về các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với quân đội Miến Điện hay không?

    Trên báo La Croix ngày 04/08, bà Sophie Boisseau du Rocher, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), cho rằng “ASEAN có ít lựa chọn và hơn nữa đã bị mắc kẹt ngay từ đầu với thảm kịch Miến Điện. Chính quyền quân phiệt vừa gia hạn tình trạng khẩn cấp ít nhất sáu tháng: một cách khác để dồn Hiệp Hội ASEAN vào chân tường”. 

    Cho đến giờ, ASEAN mới chỉ có một biện pháp trừng phạt là loại tập đoàn quân sự Miến Điện ra khỏi các hội nghị của ASEAN, một biện pháp hầu như không có tác dụng.

    Hãng tin Anh Reuters ngày 03/08 trích lời một nhà ngoại giao châu Á xin giấu tên tỏ vẻ rất hoài nghi về những biện pháp mới mà ASEAN chuẩn bị thực hiện. Theo giới quan sát, biện pháp tối hậu mà ASEAN có thể tiến hành là khai trừ Miến Điện, nhưng theo báo La Croix, một nguồn tin ngoại giao thông thạo với các cuộc đàm phán đang diễn ra  khẳng định rằng khả năng này hoàn toàn không được đề cập đến.

    Ngoại trưởng Trung Quốc huỷ cuộc gặp song phương với Nhật sau tuyên bố của G7 về Đài Loan

    04/8/2022

    Ngoại trưởng Trung Quốc huỷ cuộc gặp song phương với Nhật sau tuyên bố của G7 về Đài Loan

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hôm 4/8/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị huỷ cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản dự kiến diễn ra vào ngày 4/8 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia. 

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho báo chí biết, Bắc Kinh không hài lòng với tuyên bố chung của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm: Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Pháp và Mỹ (G7) về vấn đề Đài Loan.

    Hôm 3/8, nhóm các nước G7 kêu gọi Trung Quốc xử lý căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan một cách hoà bình.

    Tuyên bố được đưa ra vào khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới Đài Loan từ tối ngày 2/8 khiến Bắc Kinh tức giận.

    “Không thể dùng chuyến thăm làm cớ để biện minh cho hoạt động quân sự hung hăng ở eo biển Đài Loan. Nghị sĩ từ các quốc gia của chúng tôi công du quốc tế là việc bình thường” - tuyên bố của các ngoại trưởng G7 do phía Đức đưa ra nêu rõ.

    Bà Pelosi dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nhà lập pháp Nhật Bản vào ngày 5/8 tại Tokyo.

    Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi hôm 3/8 từ chối đưa ra bình luận về chuyến thăm của bà Pelosi mà chỉ nói chung chung là chuyến thăm cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng quốc tế và rằng Mỹ và Trung Quốc có quan hệ ổn định.

    Tokyo sau đó đã có phản đối chính thức đối với các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan mà một số vùng tập trận được Tokyo coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình gần với phía tây nam của Đài Loan. 


    Không có nhận xét nào