Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 26 tháng 8 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Vương quốc Anh, Ukraine hợp tác về thương mại kỹ thuật số để phục hồi kinh tế sau chiến tranh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/08/ntdvn_gettyimages-1241854178.jpg

    Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anne-Marie Trevelyan phát biểu khi Tom Tugendhat bắt đầu chiến dịch lãnh đạo Đảng Bảo thủ của mình vào ngày 12/07/2022 tại London, Anh. (Ảnh của Leon Neal / Getty Images) 

    Anh và Ukraine đã bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số mới, nhằm giúp Ukraine xây dựng lại nền kinh tế sau cuộc xâm lược của Nga.

    Thỏa thuận thương mại kỹ thuật số sẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Ukraine  cắt giảm các rào cản trong việc kinh doanh của doanh nghiệp Ukraine, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Điều này sẽ giúp họ giao dịch với Vương quốc Anh hiệu quả hơn thông qua công nghệ như giao dịch điện tử, chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử, Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh cho biết trong một thông báo.

    Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anne-Marie Trevelyan nói rằng Vương quốc Anh “sẽ sử dụng thương mại như một lực lượng tốt” để giúp Ukraine xây dựng lại nền kinh tế sau “cuộc chiến tranh man rợ” do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động sáu tháng trước.

    Các cuộc đàm phán được khởi động sau khi có yêu cầu trực tiếp từ chính phủ Ukraine, trong đó xác định hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những lĩnh vực trọng tâm của họ đối với sự phục hồi và tái thiết đất nước.

    Thông báo được đưa ra sau khi bà Trevelyan gặp Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Mykhailo Fedorov và Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko trực tiếp tại London vào ngày 23/8.

    Ông Prystaiko ca ngợi Vương quốc Anh vì “sự hỗ trợ vững chắc” mà Anh dành cho đất nước của ông và cho biết thỏa thuận thương mại kỹ thuật số “mang tính bước ngoặt” sẽ hỗ trợ ngành công nghệ thông tin của Ukraine. Không chỉ thể, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin sẽ là “động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông cho biết thêm. 

    Viện trợ 3 tỷ đô cho thấy cam kết lâu dài của Mỹ với Ukraine

    Mỹ đánh dấu ngày độc lập của Ukraine bằng cách công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay, trị giá 3 tỷ USD. Kyiv có thể dùng số tiền này để mua mọi loại vũ khí, từ đạn pháo đến hệ thống phòng không, đánh dấu lần hiếm hoi Ukraine được tiếp cận vũ khí trực tiếp từ các công ty thay vì các kho hiện có. Song nhiều đơn đặt hàng sẽ không thể được giao cho tới ba năm nữa. Dĩ nhiên viện trợ sẽ không thể phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường. Thay vào đó, động thái này cho thấy cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ukraine, nhằm đánh bại hy vọng thắng thế của Nga.

    Lo ngại chiến sự leo thang khiến Mỹ không nhanh chóng gửi vũ khí mạnh hơn đến Ukraine. Nhưng kéo dài ván cờ cũng có rủi ro. Các nước châu Âu có thể giảm ủng hộ khi tình trạng thiếu năng lượng trở nên nghiêm trọng trong mùa đông. Thậm chí ý chí của Mỹ cũng có thể suy yếu nếu những người với tôn chỉ nước Mỹ trên hết quay lại kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Cuối cùng, chiến sự sẽ chỉ kéo dài nỗi thống khổ của người dân Ukraine.

    Ý có thể sẽ bầu một chính phủ cực hữu

    Thứ Sáu này là ngày khai mạc mùa tổng tuyển cử ở Ý: thời điểm các ứng viên được phép dán áp phích bầu cử khắp các thị trấn và thành phố. Bên cạnh truyền hình, mít tinh, và phương tiện truyền thông xã hội, áp phích là một phần quan trọng của văn hóa bầu cử ở Ý. Hiện thăm dò đang cho thấy một kết quả kịch tính: lần đầu tiên ở Tây Âu thời hậu chiến, một chính phủ cực hữu như trước Thế chiến II có thể sẽ được bầu.

    Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy đảng Anh em nước Ý, những người thừa kế đảng Phong trào xã hội Ý tân phát xít, sẽ thắng khoảng 25% phiếu bầu. Các đồng minh của họ trong Liên đoàn phương Bắc cực hữu và đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi sẽ thắng thêm 25% nữa, từ đó cấu thành đa số nghị viện. Hôm thứ Năm, thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi đã cảnh báo những người kế nhiệm của ông rằng việc tách Ý khỏi EU sẽ làm suy yếu nền kinh tế và vị thế quốc tế của đất nước. Nhưng cử tri Ý dường như không nghĩ như vậy.

    Liệu cựu thủ tướng Malaysia có được ân xá?

    Najib Razak đã bắt đầu chấp hành bản án 12 năm tù vì tội tham nhũng, nhưng liệu ông có ngồi đủ bấy nhiêu đó năm hay không? Cho đến nay những người ủng hộ ông, vốn không bị ảnh hưởng gì bởi vai trò của cựu thủ tướng trong vụ biển thủ 4,5 tỷ đô la, đã tổ chức biểu tình yêu cầu hoàng gia ân xá cho ông Najib. Làm vậy sẽ cho phép ông Najib, một nhà chính trị lão luyện, quay lại quốc hội và tìm lấy sự ủng hộ của một số cử tri. Các đối thủ của ông, với mong muốn Malaysia bỏ lại phía sau sáu thập niên cầm quyền đầy tham nhũng của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất của ông Najib, đang thu thập chữ ký để phản đối lệnh ân xá.

    Mọi con mắt giờ đây đổ dồn vào Vua Abdullah, người sẽ trị vì 18 tháng tới trong chế độ quân chủ luân phiên của Malaysia (người đứng đầu mỗi bang luân phiên làm vua). Vua hiện tại là Sultan của Pahang, bang quê nhà của ông Najib, và hai người dường như thân thiện với nhau.

    Giá năng lượng đè nặng lên các hộ gia đình Anh

    Người Anh đứng trước một mùa đông ảm đạm phía trước khi hóa đơn năng lượng tăng cao. Vào thứ Sáu, Ofgem, một cơ quan quản lý, sẽ cập nhật mức trần giá điện và khí đốt cho hầu hết các hộ gia đình. Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá khí đốt bán buôn một lần nữa lên cao chóng mặt (sau khi giảm hồi đầu mùa hè). Hóa đơn năm của một hộ gia đình trung bình có khả năng tăng lên khoảng 3.600 bảng Anh (4.260 đô la) so với hồi tháng 10, cao gấp ba lần so với một năm trước.

    Công đảng đối lập cho biết họ sẽ đóng băng hóa đơn năm trong sáu tháng ở mức 1.971 bảng Anh cho các hộ gia đình trung bình, với chính phủ chi phần còn lại. Ý tưởng này rất được ủng hộ, nhưng đắt đỏ – nhà nước phải trả tới 6 tỷ bảng Anh cho hóa đơn của nhóm 20% thu nhập cao nhất. Một giải pháp tốt hơn là giảm giá hoặc phát tiền mặt cho những người thu nhập thấp (mặc dù rất khó xác định ai đủ điều kiện). Nếu được thực hiện tốt, chính sách này khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng, trong khi vẫn giúp được những người khó khăn nhất.

    Đấu tranh pháp lý về quyền phá thai kéo dài ở Mỹ

    Hai tháng sau khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ quyền phá thai, nhiều bang đang cấm thủ thuật này. Mười ba bang đã cài sẵn luật tự động cấm phá thai sau khi phán quyết Roe vs Wade bị tòa tối cao lật lại. Vào thứ Năm, Tennessee đã cấm phá thai không ngoại lệ cho cả hiếp dâm và loạn luân. Texas cũng tăng cường thực thi luật tương tự: các bác sĩ phải đối mặt khoản tiền phạt tối thiểu 100.000 đô la cho mỗi lần phá thai, bên cạnh nguy cơ ngồi tù.

    Nhưng ở một số nơi luật cấm đang bị tranh cãi gay gắt. Hôm thứ Tư, một thẩm phán Idaho đã ra phán quyết áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn của bang, sẽ có hiệu lực từ tuần này, vi phạm luật liên bang, theo đó yêu cầu các bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Đấu tranh pháp lý đã dẫn đến tạm ngừng lệnh cấm phá thai ở Utah, Wyoming và North Dakota, nơi một luật như vậy được dự kiến có hiệu lực từ thứ Sáu. Tuy nhiên, danh sách các bang đang hoặc sắp sửa có lệnh cấm tiếp tục dài ra: cứ ba phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh đẻ thì có một người sống ở một bang như vậy.

    Từ cà phê đến bắp, thị trường hàng hóa toàn cầu nóng trở lại 

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/1.tagreuters.com2022binary_LYNXNPEI2E0ZO-FILEDIMAGE-700x420-1.jpg

    Hạt cà phê rang được trưng bày tại Bogota, Colombia, ngày 05/06/2019. (Ảnh: Luisa Gonzalez/Reuters) 

    Thị trường hàng hóa toàn cầu — từ cà phê, bắp đến dầu thô — đang nóng trở lại. Điều này có thể là một tin xấu cho các nhà hoạch định chính sách công và người tiêu dùng trong cuộc chiến lạm phát. 

    Giá cà phê đã tăng khoảng 13% trong tuần trước, lên mức cao nhất trong ba tháng là 2.40 USD/pound trên Sàn Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn ICE Hoa Kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, giá hàng hóa nông nghiệp đã tăng 6%. 

    Các nhà đầu tư lo ngại rằng tình trạng hạn hán ở Brazil có thể làm giảm sản lượng cà phê và ảnh hưởng đến nguồn cung quốc tế. Tại Minas Gerais, nơi sản xuất gần một phần ba sản lượng cà phê arabica của cả nước, đã không có mưa trong tuần qua. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo rằng lượng mưa dưới mức trung bình có thể kéo dài trong thời gian còn lại của năm 2022. 

    Các thị trường trồng cà phê chủ chốt khác đã phải chật vật để bù đắp khả năng sụt giảm sản lượng này ở Brazil. Ví dụ, xuất cảng cà phê của Việt Nam giảm 17.1% xuống 113,852 tấn, trong khi sản lượng của Colombia giảm 22% xuống 944,000 bao. 

    Nỗi lo thiếu hụt đã khiến giá bắp tăng gần 7% so với tuần trước, nâng mức tăng từ đầu năm lên trên 10%. 

    Những thách thức về thời tiết ở Bắc bán cầu đã tác động mạnh mẽ lên thị trường hàng hóa, bao gồm cả bắp. Hạn hán nghiêm trọng ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Trung Quốc đang làm tăng thêm áp lực về giá. 

    Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 55% sản lượng bắp trong nước được đánh giá ở tình trạng tốt đến xuất sắc (pdf). Con số này giảm 5% so với cùng thời điểm một năm trước. 

    Ông Phil Flynn, tác giả của Báo cáo Năng lượng, cho biết nắng nóng và hạn hán có thể làm giảm năng suất của nhiều loại cây trồng, chẳng hạn như đậu nành và lúa mì, trong bản cập nhật nông nghiệp USDA tiếp theo. 

    Ông viết: “Điều này xảy ra vào thời điểm thế giới trông đợi người nông dân Hoa Kỳ cung cấp một vùng đệm để bù đắp rủi ro mất nguồn cung từ Nga và Ukraine, hai quốc gia đang gặp khó khăn do chiến tranh.” 

    Nhìn chung, các quỹ đầu tư tập trung vào nông nghiệp đã có sự gia tăng đáng kể. Ví dụ, trong tháng trước, Quỹ Nông nghiệp Invesco DB, vốn cung cấp giá trị chịu rủi ro của cà phê, bắp, đậu tương và đường kỳ hạn, đã tăng hơn 5%. 

    Liệu giá dầu thô của Hoa Kỳ có thể chạm tới 100 USD một lần nữa không?

    Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) đã tăng gần 5% trong tuần trước, lên trên 94 USD/thùng trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX). Brent, tiêu chuẩn quốc tế cho giá dầu, đã vượt 100 USD trên ICE Futures Exchange của London. 

    Dù những lo ngại về nhu cầu toàn cầu loại bỏ đà tăng của dầu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng những lo lắng về nguồn cung đã làm hồi sinh giá dầu thô. 

    Ông Abdulaziz bin Salman al Saud, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, ám chỉ rằng OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá khi các thị trường dầu lý thuyết và thực tế trở nên “mất kết nối” và “khác biệt”. Chủ tịch OPEC Bruno Jean-Richard Itoua đã ủng hộ mức giảm sản lượng tiềm năng, nói với The Wall Street Journal rằng liên minh này có thể chọn cách bơm ít dầu hơn. 

    Các nhà phân tích thị trường đã dự đoán OPEC sẽ cân nhắc hành động này sau triển vọng năm 2023 dự báo nhu cầu chậm hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. 

    Nhưng bất kỳ quyết định nào của OPEC trong việc giảm sản lượng có thể phụ thuộc vào tình hình địa chính trị và thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây. Nếu một thỏa thuận hạt nhân mới được khôi phục, Tehran sẽ cung cấp cho thị trường năng lượng toàn cầu khoảng 1.1 triệu thùng mỗi ngày. 

    Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) đã báo cáo tuần thứ hai liên tiếp về việc nguồn cung Hoa Kỳ bị giảm. Trong tuần kết thúc hôm 19/08, tồn kho dầu thô trong nước giảm 3.282 triệu thùng, cao hơn mức ước tính của thị trường là giảm 933,000 thùng. 

    Dự trữ xăng giảm 27,000 thùng, trong khi sản lượng giảm 536,000 thùng. Nhu cầu giảm xuống 8.434 triệu thùng, giảm so với 9.348 triệu thùng của tuần trước. 

    Lần đầu tiên sau 14 năm, giá khí đốt tự nhiên chạm 10 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu) trong phiên giao dịch trong ngày của tuần này. Cái gọi là nhiên liệu cầu hiện đang duy trì chắc chắn hơn 9 USD trên NYMEX, với việc các nhà đầu tư chốt lời. 

    Nguồn cung khí đốt của Hoa Kỳ đã giữ ổn định trong mùa hè này, tăng thêm 60 tỷ feet khối vào tuần trước, theo báo cáo lưu trữ hàng tuần của EIA. Tuy nhiên, dữ liệu của EIA cũng xác nhận rằng sản lượng điện trong nước từ khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào giữa tháng Bảy. Kết quả là, nhu cầu sẽ giữ cho mức cung thắt chặt. 

    Thị trường hàng hóa toàn cầu đang tăng trở lại, có khả năng giữ Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) tăng trong thời gian còn lại của năm 2022. Nhưng Tòa Bạch Ốc tin tưởng lạm phát sẽ giảm xuống 2.8% trong năm tới (pdf). Thị trường tài chính toàn cầu có thể thách thức mức độ lạc quan này. 

    Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).

    Mỹ đình chỉ hàng chục chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/08/ekran-alintisi.jpg

    Hôm 25/8 vừa qua, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ đình chỉ 26 chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ của 4 hãng hàng không Trung Quốc. Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại quyết định tương tự của Chính phủ Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh COVID-19, theo hãng tin Reuters.

    Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho biết rằng tính đến ngày 7/8, giới chức trách Trung Quốc đã điều chỉnh lại chính sách bay, cụ thể nếu 4% số lượng hành khách trên 1 chuyến bay đến Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 thì 1 chuyến bay sẽ bị đình chỉ và sẽ có 2 chuyến bay bị đình chỉ nếu tỷ lệ mắc là 8%.

    Phía Mỹ khẳng định đã nhiều lần bày tỏ sự phản trước quy định của Trung Quốc, trong đó cho rằng chính sách này là không phù hợp với các hãng hàng không khi mà các hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi khởi hành từ Mỹ và chỉ có xét nghiệm dương tính khi họ đến Trung Quốc.

    Trước khi 2 bên có động thái đình chỉ các chuyến bay của nhau, 3 hãng hàng không Mỹ và 4 hãng hàng không Trung Quốc khai thác các chuyến bay giữa 2 nước với tần suất 20 chuyến/tuần, thấp hơn nhiều so với mức hơn 100 chuyến/tuần của thời điểm trước đại dịch.


    Không có nhận xét nào