Header Ads

  • Breaking News

    Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 13

    HGBT

    1 tháng 9, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GIO-LOC-1-800x450-1-1.png

    Chương 4: 1945-1946

    ___________

    Buôn súng

    Một ngày cuối năm 1945, tôi đang cùng một đại úy người Việt trong quân đội Trung Hoa đi bộ dọc theo bờ một con kênh khá lớn, gần đường Cát Dài ở Hải Phòng. Tuy là người Việt, nhưng sanh ở Trung Hoa nên anh nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Tàu. Bỗng nhiên anh chỉ tay vào một chiếc thuyền đang giương buồm, phăng phăng rẽ sóng trên con kênh và la lên:

    -Pháo, pháo!

    Tôi nhìn xuống chiếc thuyền buồm, tưởng đâu người ta đang đốt pháo, nhưng chẳng thấy pháo đâu cả, nên hỏi lại anh đại úy:

    -Pháo đâu? 

    Anh lại chỉ tay và nói:

    -Kia kìa, ở đầu thuyền kia kìa! 

    Tôi nhìn theo ngón tay anh chỉ, thì ra là một khẩu đại bác 75 ly của Pháp. Vào những năm 1945-1946, như thế là chuyện thường xảy ra hằng ngày. Trước kia việc sử dụng súng là độc quyền của người Pháp, nhưng kể từ khi Nhật đảo chính Pháp tối 9-3-1945, các loại súng ngắn được bán lậu trong dân chúng rất nhiều, nhất là từ khi Việt Minh lên nắm chính quyền, việc buôn súng gần như trở thành một nghề dễ kiếm được nhiều lời.

    Trước đây ít lâu tôi đã được một sĩ quan trong quân đội Trung Hoa dẫn tới xem một khẩu đại bác cũng 75 ly ở một ngôi nhà ở gần khu Tam Giản. Khẩu đại bác này được để ngay giữa sân, chỉ được phủ lên trên bằng vài chiếc chiếu. Chắc chắn công an Việt Minh phải biết, nhưng đành làm ngơ vì sợ quân đội Tàu. Viên sĩ quan Trung Hoa cho tôi biết giá khẩu súng này là một triệu đồng Quan Kim, tiền Trung Hoa, lúc ấy đã bị xuống giá, tương đương với mười triệu bạc Việt Nam do Ngân hàng Đông Dương của Pháp phát hành.

    Mua khẩu đại bác này sẽ được tặng hai thùng đạn, một thùng là đạn xuyên phá, một thùng là đạn dẫn hỏa. Đảng bộ Hải Phòng không mua khẩu súng này vì giá hơi cao và vì mới mua được hai khẩu đại bác nòng dài có tầm sát thương khoảng bảy cây số. Hôm anh em trong trụ sở bắn thử khẩu súng này ở sân sau, vì ở đây có một đống than vụn rất lớn, cao ngang đầu người, không ngờ tiếng nổ quá lớn, làm cho mấy người đang mua bán ở trong Chợ Sắt gần đấy tưởng đâu là thành phố bị ném bom, túa ra cổng chợ, bỏ chạy tán loạn.

    Mặc dù công an Việt Minh không dám đụng đến việc bán súng lậu của các sĩ quan trong quân đội Trung Hoa, nhưng lại rất gắt gao tìm bắt những vụ buôn bán súng của người dân thường. Mục đích không phải là thi hành pháp luật mà là cướp đoạt súng của họ để làm của riêng. Một vụ cướp ngày như thế đã xảy ra ở Hà Nội, tại hẻm Chùa Vua gần phố Huế, ở nhà của một anh bạn tôi là anh Nguyễn Hợp Phố vào cuối năm 1945. Vì nhà có dư một phòng nên anh Phố cho một người bạn ở nhờ. Anh này là một tay buôn súng tài tử.

    Một hôm anh ta hẹn với một người quen cần mua súng đến nhà để xem một khẩu súng quay (rulô) hiệu Saint Etienne của Pháp, một khẩu súng ngắn báng dẹp hiệu Browning và một khẩu báng dẹp hiệu Map. Đúng hẹn người này tới nhà anh Phố, nhưng lại mang theo hai người bạn nữa, được anh giới thiệu là bạn học cũ, cũng đang muốn tìm mua súng. Sau vài chuyện xã giao, người bạn anh Phố mở tủ áo, mang ba khẩu súng vừa kể bày trên bàn ăn. Ba người khách mua súng cầm từng khẩu lên xem rất kỹ, vì không thể bắn thử súng được tại nhà này, nên họ kéo “quy lát” xem đạn có bật đều ra khỏi lỗ bên phải nòng súng không, như trường hợp nếu bắn thật thì vỏ đạn sẽ văng ra như thế.

    Với súng quay thì họ bấm cò liên tiếp khẩu súng không có đạn để xem độ quay có đều đặn không. Sau khi xem xong, họ bàn tán với nhau, có vẻ hài lòng và bắt đầu hỏi giá từng khẩu súng. Trong khi đang trả giá thì một người trong bọn khách mua súng bỗng đứng lên, đi vào nhà trong tìm chỗ tiểu tiện. Thấy ở buồng trong không có ai, ngoài trừ anh Phố đang nằm ngủ trưa, người ấy ung dung trở lại phòng khách, nhưng vừa tới gần chỗ để ba khẩu súng, anh tra rút phắt một khẩu súng ngắn trong túi quần ra, vừa chĩa vào người bạn của anh Phố, vừa nói:

    –Giơ tay lên, nếu không tôi bắn! Chúng tôi là công an đến bắt anh về tội buôn súng trái phép và tịch thu tang vật!

    Tội nghiệp người bạn của anh Phố, sợ quá, vừa giơ tay vừa run, trong khi hai tên công an nhanh nhẹn gói ba khẩu súng bằng một tờ giấy gói hàng khổ lớn rồi đi giật lùi ra cửa, có người bạn học cũ của anh Phố đi theo. Sau này dò hỏi, được biết mấy tên ăn cướp súng là công an Việt Minh thật, còn người bạn học cũ của anh Phố là điềm chỉ viên của công an. Những khẩu súng ăn cướp được, chúng bán lấy tiền xài riêng, không nộp cho Sở Công An.

    Trong giới buôn bán súng, khẩu súng được ưa chuộng nhất vì dễ bán và bàn được giá cao là khẩu “pooc hooc” tức khẩu Mauser bán tự động của Đức, nòng dài, báng gỗ, trông giống như một khẩu tiểu liên, băng đạn tương tự như đạn súng trường. Cái báng gỗ ở trong rỗng, nếu tháo ra thì thành bao súng dài lê thê, các sĩ quan Trung Hoa rất thích súng “pooc hooc,” ông nào cũng đeo một khẩu lủng lẳng bên hông.

    Đấu bút và đấu súng

    Chiếc xe hơi Citroen “11 légère” màu đen cũ rích, đời 1918, tưng ảnh “Bác Hồ” thật lớn ở trên mui đang bon bon chạy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (đường Cát Dài cũ) thành phố Hải Phòng. Hai bên sườn xe có bích chương mang những dòng chữ “Triệt để ủng hộ cuộc bầu cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” xen lẫn với các hình công nhân nam, nữ đứng dưới búa, liềm và cờ đỏ sao vàng. Trên xe chật ních người. Chốc chốc họ lại dùng loa bằng giấy gọi to:

    –Nghe đây! Nghe đây! Đồng bào hãy chuẩn bị đi bầu thật sớm, thật đông đủ. Hồ Chủ Tịch muôn năm!

    Khi chiếc xe hơi từ từ quẹo phải về phía Chợ Sắt, bỗng nhiên có nhiều tiếng súng ngắn nổ chát chúa. Ba, bốn thanh niên núp sau thân cây me đang bắn xối xả vào chiếc xe Citroen. Chiếc xe lạng ra giữa đường rồi súng từ trong xe lẻ tẻ bắn lại, tạo thành một trận giặc trên đường phố làm cho người đi đường hết vía, bỏ chạy tán loạn. Trong vài phút chiếc xe hơi rồ máy chạy mất hút. Những người nổ súng cũng lẫn vào đám đông, biến mất. Không biết trong xe hơi có ai trúng đạn không?

    Đấy là chuyện xảy ra gần như hằng ngày vào đầu năm 1946 ở Hà Nội và Hải Phòng và các thành phố khác ở miền Bắc Việt Nam. Những người tấn công chiếc xe đi cổ động cho cuộc “bầu cử Quốc hội” là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng hay Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.

    Cùng thời gian này, tại Hà Nội, tờ nhật báo Việt Nam của Việt Nam Quốc Dân Đảng do văn hào Khái Hưng làm chủ bút chạy những hàng tít lớn, in đậm trên đầu trang nhất “Cuộc bầu cử bịp bợm do Việt Minh tổ chức sẽ bầu ra một Quốc Hội toàn Cộng Sản,” “Toàn dân cương quyết tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội bịp bợm do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản tổ chức.” Còn trên tờ Thiết Thực, cơ quan trung ương của Thanh Niên Đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng đóng tại “Khu Tự Trị” Ngũ Xã, hàng ngày in đậm trên trang đầu “Đả đảo cuộc bầu cử Quốc hội bịp bợm của Cộng Sản lưu manh.” hay “Toàn dân cương quyết không đi bầu, không bỏ phiếu cho Cộng Sản.”

    Ngũ Xã lúc ấy được gọi là “Khu Tự Trị” vì chỉ có một con đường đất nhỏ duy nhất, hai bên là hồ nối liền với đường lớn bên ngoài. Thanh niên nam, nữ trong Thanh Niên Đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng mang mũ “ca lô” gắn sao trắng bằng kim khí, vũ trang súng ngắn hoặc tiểu liên báng sắt ngày đêm canh gác trên đường độc đạo này, nên trinh sát Việt Minh không bao giờ dám bén mảng tới. Vì “Khu tự Trị” Ngũ Xã gần tòa báo Việt Nam và trụ sở của trung ương Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội trên đường Quan Thánh nên nhiều lớp huấn luyện cán bộ thường được mở tại đây.

    Tại tòa báo Sao Trắng ở Hải Phòng, cơ quan tuyên truyền của Việt Nam Quốc Dân Đảng Đệ Nhất Khu bộ tức các tỉnh thuộc miền duyên hải Bắc Việt nằm kế bên nhà hát lớn, trông ra vườn hoa Bóp Kèn, máy in ngày đêm chạy không ngớt, in truyền đơn của Quốc Dân Đảng hô hào đồng bào hãy tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội 1946 của Cộng Sản. Số truyền đơn này được cán bộ vũ trang của Quốc Dân Đảng vừa đi bán báo Sao Trắng, vừa phát cho đồng bào.

    Nhiều nhất ở Hải Phòng và các tỉnh Kiến An, Hải Dương. Riêng tại các tỉnh đã được giải phóng như Móng Cái và Quảng Yên, đảng bộ Quốc Dân Đảng (bao gồm cả Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng) liên tiếp triệu tập nhiều cuộc mít tinh để giải thích cho đồng bào rõ tính cách lừa bịp của cuộc bầu cử Quốc hội do Đảng Cộng Sản núp dưới danh hiệu Mặt Trận Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh) tổ chức, mục đích củng cố và hợp pháp hóa chính quyền độc tài, phản dân chủ của Hồ Chí Minh và đồng bọn.

    Trong cuộc tranh đấu quyết liệt để phá cuộc bầu cử Quốc hội của Cộng Sản, nhiều chiến sĩ Quốc Dân Đảng, đôi khi là các thanh niên nam, nữ mới mười tám hay hai mươi tuổi, đã bất chấp những nguy hiểm cho bản thân. Trong cuộc “chiến tranh ngoài đường phố” này không ít đảng viên Quốc Dân Đảng và đoàn viên Thanh Niên Đoàn Quốc Dân Đảng đã gục ngã trước họng súng của trinh sát và công an Cộng Sản. Những tên trinh sát trong thời kỳ này ngày đêm theo sát những người ra vào mấy tòa báo Việt Nam ở Hà Nội và Sao Trắng ở Hải Phòng. Chúng sẵn sàng dùng vũ lực bắt cóc ngay trên đường phố những người chúng tình nghi là đảng viên Quốc Dân Đảng tới nhận và phân phối báo, truyền đơn để phá cuộc bầu cử Quốc hội Cộng Sản.

    Một hôm tôi từ tòa báo Sao Trắng lên Hà Nội, tới tòa báo Việt Nam ở đường Quan Thánh. Khoảng 5 giờ chiều, ở tòa báo Việt Nam ra, trông trước, trông sau, không thấy ai khả nghi, tôi nhanh nhẹn nhảy lên một toa tàu điện lúc ấy đang chạy không nhanh lắm (tôi học được môn “nhảy tàu điện” đang chạy hồi còn học lớp nhất tiểu học – lớp năm bây giờ – do mấy bạn học cùng lớp truyền cho).

    Tôi định đến Ngõ Trạm, gần phố Hàng Da, để tìm một người chuyên sửa các loại súng ngắn. Cách đây mấy tuần, tôi mua được một khẩu súng quay (rulô) hiệu Smith Wesson của một sĩ quan Trung Hoa bán lại. Khẩu súng trông còn khá mới, chỉ có nòng súng chỗ tiếp giáp với vòng quay hơi bị nứt. Tôi e khi bắn, đạn có thể làm cho nòng súng toác ra, nên muốn tìm một người thợ máy chuyên sửa súng để nhờ anh ta hàn chỗ nòng bị nứt lại. Chẳng may hôm ấy anh ta đi vắng. Thấy còn sớm tôi lại đáp tàu điện xuống phố Huế, ghé thăm một người bạn học cũ ở ngõ Chùa Vua. Lúc tôi ở nhà người bạn ra thì trời đã sẩm tối. Yên chí không có ai theo dõi, tôi lững thững đi bộ tới Chợ Hôm, lên tàu điện về tòa báo Việt Nam.

    Độ mười phút sau, tàu điện dừng lại ở chỗ hai đoàn tàu chờ để tránh nhau, gần rạp chiếu bóng Majestic. Tàu dừng lại khá lâu để chờ đoàn tàu từ bờ hồ Hoàn Kiếm xuống. Như có lính tính báo trước, tôi bỗng nhiên cảm thấy như có ai đang chăm chú nhìn mình. Để đề phòng sự bất trắc, tôi ra đầu toa, bước xuống đất rồi nhanh lẹ đi vòng xuống cuối toa, đứng yên nghe ngóng. Quả nhiên tôi thấy có vài người đã ra khỏi tàu điện, bước xuống đất, nhìn ngang nhìn ngửa như muốn tìm ai. Trong ánh đèn đường vàng vọt, tôi không rõ mấy người này có trông thấy tôi không?

    Vừa lúc ấy đoàn tàu chuyển bánh, tôi nhanh nhẹn bước lên bậc thang ở cuối toa, vào ngồi yên trong toa tàu. Một lát, tàu lại ngừng ở chỗ hai đoàn tàu tránh nhau, gần nhà thuốc tây Vũ Đỗ Thìn ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Trong toa hành khách ngồi chật kín như nêm cối, không khí rất ngột ngạt. Tôi bỏ ra đứng ở đầu toa gần bực lên xuống. Ở đây cũng nhiều người đứng. Thoạt đầu tôi cũng không chú ý có ba thanh niên đứng bao quanh tôi. Tự nhiên một tên trong bọn người này, cao lớn, vạm vỡ, chừng gần ba mươi tuổi, hất hàm bảo tôi:

    –Xuống chứ!

    Tôi rất ngạc nhiên vì tôi chưa hề quen biết anh ta bao giờ. Tôi đang lưỡng lự không biết làm gì thì anh ta lại hối tôi:

    –Xuống đi chứ!

    Thôi đúng là công an Việt Minh rồi. Không hiểu sao trong lúc thập phần nguy hiểm này tôi không cảm thấy sợ. Vừa khi ấy, tên công an rút thẻ công an, giơ trước mặt tôi. Tôi liếc thấy “các” nửa vàng nửa đỏ với hàng chữ to “Bắc bộ phủ – Sở công an…”

    Nhanh như chớp tôi thò tay vào túi trong áo veston, lúc ấy đang mùa đông, trời lạnh, tôi mặc cả bộ complet, rút phắt khẩu súng rulô chĩa vào mặt tên công an. Tên này hốt hoảng lao mình xuống đất, co giò chạy. Hai thanh niên khác cũng đồng thời nhảy xuống đất, chạy theo tên này. Thì ra, bất thần thấy tôi móc súng, chĩa sát vào miệng hắn, tên công an hồn vía lên mây, lao xuống đường thoát thân, còn hai tên khác nhảy theo là đồng bọn của hắn. Tôi móc súng chĩa vào miệng tên công an chỉ là bản năng tự vệ, lúc ấy tôi không nghĩ đến việc khẩu súng của tôi là súng hỏng, không có nạp đạn!

    Để đánh lừa dư luận, Mặt Trận Việt Minh tức đảng Cộng Sản trá hình đã sử dụng những thủ đoạn đê tiện nhất. Thấy tờ nhật báo Đồng Minh của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội vạch trần bộ mặt Cộng Sản của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và các tên chóp bu trong chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” đồng thời đả kích dữ dội cuộc “bầu cử Quốc hội” của chúng, Bộ Tuyên truyền do Trần Huy Liệu làm bộ trưởng tung ra một tờ nhật báo cũng lấy tên là Đồng Minh nhưng khi đọc báo này mọi người đều té ngửa vì nội dung hoàn toàn khác hẳn tờ Đồng Minh chánh hiệu. Từ trang nhất đến các trang trong, bài nào cũng đề cao “Hồ Chủ Tịch” và chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.” Những tên bồi bút cộng sản thi nhau quảng cáo cho cái Quốc hội bù nhìn sắp ra mắt quốc dân. Những người chẳng may mua lầm tờ Đồng Minh giả hiệu đều tỏ ra bực tức, có khi họ ném tờ báo xuống đất.

    Mấy người đi bán báo trên đường phố muốn tránh cảnh vàng thau lẫn lộn này, thường rao to:

    –Đồng Minh chính hiệu đây! Đồng Minh chính hiệu đây!

    Xen lẫn với tiếng rao “Đồng Minh ơ” nghe thật buồn cười. Một chuyện ngộ nghĩnh khác là bọn trinh sát Việt Minh thường lởn vởn ở mấy phố vắng để cướp các báo Việt Nam, Thiết Thực, Sao Trắng, Đồng Minh. Vì vội vàng, nhiều khi chúng giằng co với các em bán báo để giật tờ Đồng Minh chánh hiệu, không ngờ lại cướp lầm tờ Đồng Minh giả hiệu của Cộng Sản. Trong trường hợp này người bán báo; chính là người của chúng, thường la lối om sòm:

    –Báo của bên mình mà!

    Bọn cộng sản tổ chức cuộc bầu cử “Quốc hội” vào thời kỳ số đồng bào biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ còn rất ít. Tỷ lệ mù chữ, di sản ngu si hóa của thực dân Pháp, rất cao, ở vùng quê có nơi lên đến 95%. Từ trước khi Mặt Trận Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, một số nhà giáo đã phát động phong trào chống mù chữ, thường được gọi là “học i tờ,” mở những lớp dạy học tối, dạy quốc ngữ không lấy học phí cho người nghèo tại hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt và một số trường tiểu học. Mặc dù sao này phong trào chống mù chữ được gọi là “bình dân học vụ” có mở rộng thêm nhiều ở khắp các tỉnh nhưng cũng không đáp ứng nổi nhu cầu học chữ quốc ngữ của quần chúng.

    Trước hoàn cảnh này, cộng sản bèn nghĩ ra cách đối phó. Đó là cử tri mù chữ đi bỏ phiếu sẽ nhờ những người viết hộ tại phòng bỏ phiếu. Người viết hộ này lấy trong số học sinh các trường trung, tiểu học và một ít sinh viên đại học. Trên nguyên tắc, người viết hộ cử tri phải tôn trọng ý kiến của người nhờ mình viết. Tuy nhiên không ít người viết hộ là cán bộ của mặt trận Việt Minh, tự ý viết theo ý mình.

    Thí dụ cử tri muốn bỏ phiếu cho học giả Nguyễn Công Tiễu nhưng người viết hộ lại viết tên Phạm Văn Đồng (thủ tướng). Để bảo vệ nguyên tắc bỏ phiếu kín, những người viết hộ ngồi ngay bên cạnh thùng phiếu được ngăn cách với thùng phiếu bằng một tấm màn vải. Sau khi viết hộ, thay vì đưa lại phiếu bầu cho người nhờ viết, thì người này tự ý cầm phiếu bầu bỏ vào thùng!

    Trong cuộc đấu bút và đấu súng giữa Cộng Sản và Quốc Dân Đảng năm 1945-1946, không phải lúc nào Cộng Sản cũng ở thế thượng phong. Buổi sáng hôm ấy, khoảng gần một tháng sau Tết Nguyên Đán, tôi đang ở trong trụ sở của Thị bộ Quốc Dân Đảng Hải Phòng, bỗng có năm anh thuộc ban tuyên truyền của Thị bộ bước vào, nét mặt đầy tức bực giận dữ. Năm anh này trước đây thuộc Thị bộ Hà Nội của Đại Việt Quốc Dân đảng, nên các anh được cử xuống công tác tại Thị bộ Hải Phòng. Tôi đọc bản công tác lệnh thấy có ấn ký của Chủ tịch Trương Tử Anh, con dấu khá to, lớn hơn các con dấu bình thường, nên cử mấy anh vào ban tuyên truyền của Thị bộ. Cả năm anh đều mang súng quay (rulô) và mặc áo sơ mi may bằng vải dù (máy bay) nên trông rất hùng dũng.

    Tôi chưa kịp hỏi thì một anh đã khoa tay nói lớn:

    –Nó ngang nhiên xé nát bích chương của mình ngay trước mặt chúng tôi. Anh nghĩ có tức không? Phải làm sao bây giờ?

    -Nó xé bích chương của mình ở đâu? Tôi hỏi.

    -Ở ngay trước cửa nhà hát lớn kia kìa. Một anh khác trả lời.

    Nhà hát Lớn chỉ cách trụ sở của tòa báo Sao Trắng chưa đầy năm mươi mét.

    Từ nửa tháng nay, càng gần đến ngày bầu cử “Quốc hội” thì những cuộc đụng độ giữa trinh sát Việt Minh và cán bộ Quốc Dân Đảng càng xảy ra nhiều hơn. Cướp truyền đơn chống bầu cử, cướp báo Sao Trắng, nay lại xé bích chương ngay trước Nhà hát Lớn thì là quá ngang ngược không thể tha thứ được. Tôi cũng tức muốn phát điên. Vừa lúc ấy hai, ba anh cùng lên tiếng một lúc.

    –Xin cho bắt thằng xé bích chương về trụ sở hỏi tội.

    Tôi tán thành ngay. Chỉ độ mười phút sau tôi nhìn ra cửa tòa báo, thấy có hai người đàn ông đang bị các anh cán bộ của Quốc Dân Đảng chĩa súng rulô vào lưng, áp giải về trụ sở. Hỏi ra thì người dong dỏng cao, trạc ba mươi tuổi trông có vẻ trí thức là Lê Đại Thanh, trưởng ty Thông tin của thành phố Hải Phòng. Trước ngày Việt Minh cướp chính quyền, Lê Đại Thanh là giáo viên. Còn người kia ít tuổi hơn là lao công gác phòng thông tin. Vì trụ sở không có phòng giam nên tạm thời phải nhốt hai người này vào hầm trú ẩn để tránh máy bay đồng minh thời Đệ Nhị Thế Chiến.

    Hầm này chiều dài độ ba mét, rộng gần một mét, có nóc che kín, chỉ có một cửa vào, nên tối om. Vì bỏ hoang đã lâu nên cỏ mọc xanh um, trông như một nấm mộ lớn. Tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi mới nhận ra mình hơi lố. Thật ra chính bên mình mới là trịch thượng. Ty thông tin của thành phố nằm ngay ở tầng trệt của Nhà hát Lớn. Ở mặt tiền có làm hai cái bảng lớn có cửa lưới để dán những thông cáo chính thức.

    Hôm ấy các anh cán bộ tuyên truyền của Thị bộ Quốc Dân Đảng đã ngang nhiên tới mở cửa hai cái bảng này và dán bích chương hô hào đồng bào chống “bầu cử Quốc hội” đè lên bích chương của cộng sản cổ động cho cuộc bầu cử, ngộ nghĩnh nhất là cái bích chương chống “bầu cử Quốc hội” bỗng nhiên nằm ngay dưới hàng chữ kẻ bằng sơn trắng “thông báo chính thức của Tòa Thị Chính.”

    Lẽ tất nhiên khi các anh cán bộ tuyên truyền của Quốc Dân Đảng vừa quay đi thì người gác dan vội chạy ra mở cửa lưới của hai cái bảng, xé tờ bích chương chống bầu cử. Thời ấy những việc tương tự như thế cũng thường xảy ra trên mặt trận tuyên truyền. Tuy nhiên về nguyên tắc, Quốc Dân Đảng và Việt Minh (cộng sản) đang ở trong một chính phủ “liên hợp” tại Hà Nội. Mặc dù hai bên quốc-cộng vẫn đương đầu chống nhau vừa bằng tuyên truyền vừa bằng vũ lực, nhưng công khai tới Ty Thông tin của thành phố để dán bích chương của Quốc Dân Đảng đè lên bích chương của chính quyền cộng sản thì quả là trịch thượng.

    Tối hôm ấy Lê Đại Thanh và người gác dan bị dẫn lên phòng khách của Thị bộ Quốc Dân Đảng để “hỏi cung”. Mới bị giam chưa đến một ngày mà Lê Đại Thanh đã bơ phờ, mặt xanh như tàu lá.

    Anh Phi Hải, ủy viên nội vụ của thị bộ lấy tay lắc nhẹ vai anh ta hỏi:

    –Tại sao anh dám ra lệnh xé bích chương của chúng tôi?

    -Tôi không ra lệnh xé bích chương. Sáng nay tôi vừa đi có việc về thì bị các anh bắt.

    Anh Phi Hải liền quay lại hỏi người gác dan:

    –Ai ra lệnh cho anh xé bích chương của Quốc Dân Đảng?

    Không có ai ra lệnh cho tôi cả. Thật quả tôi không biết đó là bích chương của các ông. Lúc ấy tôi đứng ở trong, nhìn ra thấy có một số người đến dán giấy gì vào bảng thông cáo chính thức, nên tôi vội chạy ra xé đi, khi đọc lại thì tôi mới biết là bích chương của Quốc Dân Đảng.

    -Anh là trưởng ty anh phải chịu trách nhiệm!

    Anh Phi Hải hất hàm bảo Lê Đại Thanh.

    -Tính mạng tôi bây giờ ở trong tay các anh, xin các anh hiểu cho trường hợp của tôi. Tôi không phải là đảng viên của Đảng Cộng Sản. Giọng nói của anh ta trở nên run run.

    Anh Hải đáp:

    –Chúng tôi sẽ không giết anh như những đồng chí của anh đã thủ tiêu, giết đảng viên của Quốc Dân Đảng. Nhưng chúng tôi phải tạm giam anh để chờ quyết định của cấp trên.

    Sau này điều tra lại thì lời khai của Lê Đại Thanh chỉ đúng một phần. Trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, hắn chỉ là đoàn viên của mặt trận Việt Minh. Nhưng sau ngày 19 tháng 8, khi cộng sản lợi dụng cuộc biểu tình của công chức và sự nhu nhược của Khâm Sai Phan Kế Toại cướp được chính quyền ở Hà Nội và Hải Phòng thì Lê Đại Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng Sản, lúc ấy ngụy trang dưới danh hiệu “Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Xít”. Sở dĩ phải đổi tên vì Hồ Chí Minh đã “giải tán” Đảng Cộng Sản Đông Dương trước sức ép của quốc tế và sự tranh đấu lột mặt nạ cộng sản của Quốc Dân Đảng và các đảng cách mạng quốc gia khác. Lẽ tất nhiên việc “giải tán” Đảng Cộng Sản chỉ là một hình thức lừa bịp của Hồ Chí Minh.

    Sau khi Lê Đại Thanh bị bắt gần một tuần lễ, tôi có việc đi lên tòa báo Việt Nam ở Hà Nội mất hai ngày. Khi trở về, được mấy anh ở trụ sở Hải Phòng cho biết là Việt Minh đã huy động một cuộc biểu tình tuần hành lớn, ước lượng từ năm đến ngàn người tại vườn hoa Bóp Kèn mang hàng chục biểu ngữ:

    –“Trả tự do cho chiến sĩ Lê Đại Thanh và chiến sĩ bảo vệ thông tin.”

    Tôi không còn nhớ được tên của anh này vì đã quá lâu. Đoàn biểu tình rầm rộ tiến về trụ sở của Quốc Dân Đảng, vừa đi vừa hô khẩu hiệu ầm ĩ.

    “Đả đảo Việt Nam Quốc Dân Đảng bắt người trái phép.”

    “Cương quyết đòi trả tự do ngay cho hai chiến sĩ của mặt trận.” 

    Điều đáng chú ý là đi dẫn đầu đoàn biểu tình toàn là phụ nữ và trẻ con, rất ít đàn ông. Mãi tít đằng sau mới thấy lác đác vài thanh niên. Đoàn biểu tình đã tới gần nhà lục lăn ở giữa vườn hoa, nhà này có bục cao để nhạc đoàn của lính khố xanh (garde indigène) thời Pháp còn cai trị, mỗi sáng chủ nhật tới đó trình diễn nhạc, phần lớn là kèn đồng, cho công chúng xem. Từ đó đến trụ sở của Quốc Dân Đảng chỉ còn hai trăm mét.

    Bình thường trước trụ sở trong vọng canh có bao cát vây quanh “sĩ binh” (danh từ hồi đó để chỉ người lính thường chưa có cấp bậc gì) bên Quốc Dân Đảng, còn Việt Minh thì gọi là “vệ binh”, mặc binh phục bằng vải kaki, đầu đội “calô” có gắn ngôi sao trắng, cầm súng trường “Fusil Indochinois” của Pháp cũ, canh gác. Do tình trạng khẩn trương ngày hôm ấy, khẩu “Fusil Indochinois” thường lệ đã được thay thế bằng cây tiểu liên “Tommy gun.”

    Trên bao lơn của trụ sở lúc ấy có gần mười người, anh Thanh Hùng, anh Phi Hải, anh Khải, anh Lâm Tầu (anh là người Việt, cấp bậc đại úy trong quân đội của Tưởng Giới Thạch sang Việt Nam để tước khí giới của quân đội Nhật). Ngoài ra còn có ba đại tá và một trung sĩ Nhật đã đào ngũ gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Mọi người hồi hộp theo dõi đám biểu tình. Tiếng hô:

    –Tiến lên! Tiến lên! Mỗi lúc càng thêm dồn dập.

    Rõ ràng đoàn biểu tình không có ý dừng lại mà mưu toan dùng số đông, ào vào chiếm trụ sở của Thị bộ Quốc Dân Đảng. Tình hình cực kỳ nguy ngập. Anh Thanh Hùng la lớn:

    –Phải bắn thôi!

    Anh Lâm Tầu vừa lên đạn khẩu “Fusil Indochinois” vừa hỏi:

    –Bắn thằng nào?

    Nhiều người cùng lên tiếng một lúc:

    –Bắn thằng mặc áo sơ mi trắng cầm loa giấy ở đằng cuối đám biểu tình. Nó là cán bộ Việt Minh xách động đấy!

    Anh Lâm đưa súng lên vai bóp cò: Đoàng!

    Chẳng thấy ai trúng đạn. Những người biểu tình càng hăng hái xông tới. Người trung sĩ Nhật bỗng giật lấy khẩu súng từ tay anh Lâm Tầu và nhanh nhẹn bấm cò. Một tiếng nổ chát chúa. Tên cầm loa giấy rụng xuống như tàu lá. Những người biểu tình bỏ chạy tán loạn như ong vỡ tổ. Sau này mới biết trung sĩ Nhật bắn ngay vào mồm tên cán bộ xách động, đúng lúc tên này đang hô khẩu hiệu.

    Tuy nhiên ba ngày sau chúng tôi nhận được lệnh từ Trung Ương Quốc Dân Đảng ở đường Đỗ Hữu Vị, Hà Nội, đánh xuống ra lệnh trả tự do cho Lê Đại Thanh và người gác dan để tránh các chuyện rắc rối trong khi ta đang “liên hiệp”.

    CÒN TIẾP


    Không có nhận xét nào