Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 23 tháng 9 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Điện Kremlin: Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ chiếm được ở Ukraine 

    Tác giả Jack Phillips 

    Thứ sáu, 23/09/2022

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/09/Medvedev-Putin-700x420-1.jpg

    Tổng thống Nga Vladimir Putin (Phải) và phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev tham dự cuộc họp với các thành viên chính phủ ở Moscow, Nga, vào ngày 15/01/2020. (Ảnh: Sputnik/Dmitry Astakhov/Pool qua Reuters/File Photo) 

    Hôm thứ Năm (22/09), một quan chức hàng đầu của Nga cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực chiếm được ở Ukraine, vài ngày sau bài diễn văn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động một phần quân đội

    “Các nước cộng hòa trong khu vực Donbas và các vùng lãnh thổ khác sẽ được sáp nhập vào Nga,” cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram. Ông đang đề cập đến khu vực Donetsk và khu vực Luhansk đã bị Nga chiếm đóng vào năm 2014. 

    Mặc dù ông Putin không đề cập thẳng đến vũ khí hạt nhân trong bài diễn văn của mình, nhưng ông gợi ý rằng Moscow “chắc chắn sẽ sử dụng mọi vũ khí mà mình có để bảo vệ Nga và người dân của chúng tôi” trước khi nói thêm rằng “đó không phải là lời nói suông.” 

    Cũng trong bài diễn văn đó, nhà lãnh đạo Nga đã ban hành một sắc lệnh trong đó quy định rằng số lượng người được gọi nhập ngũ sẽ do Bộ Quốc phòng quyết định. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Bộ sẽ huy động 300,000 quân dự bị có kinh nghiệm chiến đấu và phục vụ trong đợt đầu. 

    Nhưng bài đăng của ông Medvedev rõ ràng hơn và đề cập thẳng đến vũ khí hạt nhân. 

    Ông đăng trên Telegram, theo một bản chuyển ngữ, “Nga đã thông báo rằng không chỉ khả năng huy động mà bất kỳ vũ khí nào của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược và các loại vũ khí dựa trên các nguyên tắc mới, đều có thể được sử dụng cho mục đích bảo vệ này.” 

    Bài diễn văn của ông Biden

    Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến bài diễn thuyết của ông Putin trong bài diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư (21/09) tại thành phố New York, nói rằng Hoa Kỳ không “tìm kiếm chiến tranh lạnh” với Nga. 

    Tổng thống nói, “Quyền tồn tại của Ukraine như một nhà nước, quyền tồn tại của Ukraine với tư cách là một dân tộc. Dù quý vị ở đâu, bất cứ điều gì quý vị tin, thì điều đó sẽ … khiến quý vị cảm thấy rất sợ hãi.” 

    Hành động này diễn ra khi các nhà chức trách thân Nga ở bốn khu vực do Nga nắm giữ ở Ukraine lên kế hoạch trưng cầu ý kiến ​​cử tri bắt đầu từ thứ Sáu (23/09) về việc trở thành một phần của Nga — một hành động có thể làm leo thang chiến sự và tiến trình giống với sách lược mà Điện Kremlin đã thực hiện khi họ sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. 

    Trên chiến trường Ukraine, quân đội Nga và quân đội Ukraine đã bắn nhau bằng hỏa tiễn và pháo binh khi cả hai bên không chịu nhường lãnh thổ bất chấp những thất bại quân sự gần đây đối với Moscow cũng như thiệt hại đối với đất nước bị xâm lược sau gần bảy tháng chiến tranh. 

    Một số nhà phân tích cho rằng bài diễn văn của ông Putin chỉ là đang khoác lác trong một nỗ lực ngăn chặn NATO và Ukraine leo thang xung đột. 

    “Tôi nghĩ điều đó báo hiệu rằng ông ấy muốn mọi người nghĩ rằng ông ấy sẽ mạo hiểm chiến tranh hạt nhân,” ông Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nói với NBC News trong tuần này. “Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là ông ấy có khả năng cao hơn để làm điều đó so với ngày hôm qua.”

    Ông O’Brien nói thêm rằng nếu ông Putin “nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào trên mảnh đất mà ông gọi là Nga sẽ trở thành một sợi dây kích hoạt hạt nhân, thì Ukraine vốn dĩ đã phá vỡ điều đó ở Crimea.”

    Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
    Hồng Ân biên dịch

    Chiến tranh Ukraina : Liên Âu bất đồng trong việc đón tiếp người Nga trốn quân dịch

    Xe hơi xếp hàng bên phía Nga chờ qua biên giới để vào Phần Lan, tại cửa khẩu Nuijamaa, Lappeenranta, Phần Lan, ngày 22/09/2022. AFP - LAURI HEINO 

    Kể từ lúc tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo lệnh “động viên một phần” những người Nga trong độ tuổi có thể chiến đấu hôm 21/09/2022, nhiều người đã quyết định chạy trốn khỏi Nga. Họ đi máy bay sang Serbia, Armenia hay Gruzia, nhưng cũng có nhiều người quyết định chạy tới biên giới Liên Hiệp châu Âu (EU). 

    Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm chi tiết :

    Theo Ủy Ban châu Âu, trên nguyên tắc, Liên Âu đoàn kết với những người dân Nga can đảm bày tỏ sự phản đối của mình đối với những gì mà chế độ của Vladimir Putin đang làm. Ủy Ban chủ trương có một lập trường chung của tất cả các quốc gia thành viên đang đối mặt với làn sóng người Nga « xếp hàng » ở biên giới và cũng nhấn mạnh rằng nếu có người xin tị nạn, luật pháp quốc tế buộc những cơ quan có thẩm quyền phải xem xét yêu cầu của họ.

    Nhưng quan điểm chung này phải "tính đến các vấn đề về an ninh", ngầm hiểu là việc thanh lọc những di dân mới. Nói đến an ninh không phải là chuyện nhỏ bởi tình đoàn kết này, trên lý thuyết, chỉ là một ảo vọng. Các nước châu Âu sẽ khó có thể phối hợp với nhau bởi các nước giáp biên giới Nga không mấy mặn mà trong việc chào đón dòng người có thể là những người trốn tránh lệnh động viên.

    Ngoại trưởng Latvia đề cập đến những rủi ro an ninh đáng kể và từ chối ngay việc coi họ là những người phản đối quân dịch vì lý do đạo lý, bởi vì nhiều người trong số họ đã không phản đối việc Nga giết hại người Ukraina. Kể từ cuối tháng 8, khi Liên Âu đình chỉ thỏa thuận ký kết với Matxcơva về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa cho công dân Nga, mỗi nước thành viên Liên Âu có quyền tự quyết định về chính sách cấp thị thực nhập cảnh.

    Trung Quốc xả kho dự trữ thịt lợn

    Hệ triết lý của Tư tưởng Tập Cận Bình có thể rất mơ hồ. Nó đề ra các mục tiêu bao gồm hiện thực hóa “khát vọng mới của nhân dân về cuộc sống tốt đẹp hơn,” một khái niệm cũng rất mơ hồ. Nhưng đôi khi, bộ máy hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ cụ thể hóa quan điểm có tính tổng quát này. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, một cơ quan lập kế hoạch, một trong những khát vọng của người dân về cuộc sống tốt hơn là giá thịt lợn ổn định.

    Với lễ Quốc khánh đang đến gần vào ngày 1 tháng 10, ủy ban muốn giúp các gia đình có đủ khả năng thưởng thức món thịt yêu thích của mình. Vào thứ Sáu, họ sẽ giải phóng hàng nghìn tấn thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ của nhà nước, lần thứ ba trong tháng này. Làm vậy sẽ giúp kiềm chế giá, vốn đã cao hơn 22% trong tháng 8 so với một năm trước. Ủy ban cũng cam kết ngăn chặn tình trạng thổi giá và thông đồng giữa các nhà cung cấp thực phẩm. Có lẽ khát vọng về cuộc sống mới tốt hơn của các nhà sản xuất thịt chỉ đứng hàng thứ hai.

    Nga chuẩn bị sáp nhập các vùng đông Ukraine

    Vào thứ Sáu, các chính phủ bù nhìn do Nga cài đặt tại bốn vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine sẽ bắt đầu hỏi người dân xem họ có muốn sáp nhập vào Nga hay không. Giống như cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 ở Crimea, kết quả “đồng ý” sẽ là cái cớ cho việc sáp nhập chính thức.

    Thăm dò sẽ diễn ra trong vòng 5 ngày ở các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia do Nga kiểm soát. Dĩ nhiên tiến trình sẽ không tự do hay công bằng. Các phương tiện truyền thông Nga đã công bố các cuộc thăm dò dự đoán tỷ lệ ủng hộ lên tới 80% -91%. Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố cuộc thăm dò của chính người Nga cho thấy không quá 10% dân số sẽ đi bỏ phiếu. Tại Zaporizhia, cảnh sát vũ trang sẽ tháp tùng quan chức bầu cử đi đến từng nhà để lấy phiếu.

    Trong bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21 tháng 9, tổng thống Vladimir Putin cho biết ông sẽ đảm bảo quá trình sáp nhập với đầy đủ các loại vũ khí của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Các đối thủ phương Tây của Nga đã lên án kế hoạch sáp nhập, với tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi nó là “một trò hề.” Ukraine đang kêu gọi công dân không tham gia và rời khỏi các khu vực trên, đặc biệt là đàn ông trưởng thành – để tránh bị huy động cầm súng bắn vào chính đất nước của mình.

    Đảng Dân chủ Mỹ có thể sẽ thắng Thượng viện 

    Trong 22 cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây của Mỹ, đảng của tổng thống đương nhiệm chỉ thắng thêm ghế Thượng viện có sáu lần. Nhưng lần này, đảng Dân chủ đang kỳ vọng các ứng viên kém nổi bật của đảng Cộng hòa sẽ biến cuộc bầu cử năm nay trở thành lần thứ bảy. Trong số các cuộc đua cạnh tranh nhất là ở Bắc Carolina, nơi Donald Trump sẽ tổ chức mít tinh cùng với Ted Budd, một nghị sĩ Cộng hòa kiêm chủ cửa hàng súng và đồng tài trợ cho dự luật cấm phá thai sau 15 tuần mang thai trên toàn quốc.

    Mặc dù đảng Cộng hòa thắng Bắc Carolina trong cả chín trên mười cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, thăm dò dư luận đang cho thấy ông Budd sẽ thua trước đối thủ thuộc đảng Dân chủ, Cheri Beasley, một cựu thẩm phán bang có quan điểm ôn hòa. Mô hình dự báo của Economist vẫn cho thấy ông Budd có nhiều khả năng thắng hơn, nhưng cơ hội của ông đang giảm. Viễn cảnh về các lệnh cấm phá thai mới đã tiếp thêm sức mạnh cho các đảng viên Dân chủ trên toàn quốc. Chỉ 46% người Mỹ ủng hộ dự luật do ông Budd tài trợ. Và vấn đế này có vẻ sẽ giúp đảng Dân chủ giữ lại – hoặc thậm chí là mở rộng – thế đa số tại Thượng viện của mình. Nhìn chung, mô hình của Economist cho thấy đảng Dân chủ sẽ thắng thêm một ghế Thượng viện vào tháng 11.

    Chính phủ Anh chuẩn bị công bố kế hoạch ngân sách

    Vào thứ Sáu, tân bộ trưởng tài chính Anh Kwasi Kwarteng sẽ trình một kế hoạch ngân sách dự kiến. Với cái tên “sự kiện tài khóa,” bài phát biểu của ông Kwarteng sẽ tiết lộ một loạt các biện pháp cắt giảm thuế và trợ cấp. Đáng chú ý nhất, chính phủ sẽ phác thảo cách họ dự định chi trả cho gói bảo đảm năng lượng hơn 100 tỷ bảng Anh (113 tỷ USD), sau khi đã cam kết giảm hóa đơn năng lượng trung bình năm của một hộ gia đình xuống còn 2.500 bảng Anh từ mức 6.000 bảng Anh như dự đoán.

    Việc cắt giảm thuế có thể bao gồm cải cách thuế trước bạ, thuế bán nhà, cũng như giảm nhanh thuế thu nhập cơ bản. Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao, đây là tin đáng hoan nghênh cho cử tri. Nhưng nó làm tổn hại đến ngân sách của chính phủ. Chỉ riêng năm ngoái, thuế trước bạ mang về gần 19 tỷ bảng Anh. Và không như một ngân sách thông thường, “sự kiện tài khóa” này không đi kèm một dự báo kinh tế đầy đủ của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, một cơ quan giám sát chính phủ. Dự kiến sẽ có tranh cãi kịch liệt.

    Chính phủ Anh cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

    Liz Truss

    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh, 

    Bà Liz Truss từng tham gia một nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ chuyên cổ vũ cho chính sách tự do, vì thị trường

    Ngân sách ngắn hạn mới nhất mà chính phủ Anh công bố cắt giảm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp đi theo đúng truyền thống chủ nghĩa thị trường siêu tự do.

    Mục tiêu chung là làm đảo ngược xu thế suy thoái và đặt “tăng trưởng lên trên hết” (pro-growth agenda) cho kinh tế Anh.

    Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Kwasi Kwarteng vừa công bố trước Quốc hội ngân sách ngắn hạn (mini budget) của tân chính phủ thuộc đảng Bảo thủ.

    Các nét chính của ngân sách này, phản ánh tư tưởng ‘siêu tự do’ (libertarianism) của Thủ tướng Liz Truss (47 tuổi), gồm các nét sau:

    1.   Mức thuế thu nhập thấp nhất người dân ở Anh phải đóng cho nhà nước sẽ giảm từ 20% xuống 19%, tính từ tháng 4/2023, khi năm tài khóa mới bắt đầu. 

    Hiện dân Anh phải đóng ba mức thuế thu nhập: 20% cho thu nhập năm từ 12.570 – 50.270 bảng Anh; 40 0% cho mức thứ nhì, từ 50.271 tới 150 nghìn bảng Anh; và mức 45% cho ai có thu nhập năm trên 150 nghìn bảng. Người có thu nhập dưới 12.570 bảng/năm không phải đóng đồng thuế nào cả.  

    Thay đ̀ổi này sẽ khiến 31 triệu người ở Anh được lợi 170 bảng/năm từ mức thuế thấp hơn.

    Để so sánh, Việt Nam hiện có nhiều mức thuế thu nhập khác nhau, từ 5% tới 10, 15, 20…và cao nhất là 35% cho thu nhập trên 80 triệu VND/tháng. 

    2.   Theo luật ngân sách mới, mức thuế 45% cho nhóm thu nhập cao nhất ở Anh sẽ bị xóa, và họ sẽ chỉ phải trả thuế thu nhập 40%. 

    3.   Phí địa bạ khi mua bán nhà sẽ được điều chỉnh. Người mua địa ốc chỉ phải trả khoản phí này khi giá trị bất động sản từ 250 nghìn bảng trở lên.

    Còn với người mua nhà lần đầu, giá trị BĐS phải vượt ngưỡng 425 nghìn bảng thì họ mới bắt đầu phải trả khoản phí này, gọi là stamp duty. Đây là cách giúp các gia đình trẻ có thể mua, sở hữu bất động sản vì thị trường Anh quá nóng những năm qua. 

    4.   Tiền thưởng cho dân làm trong ngành ngân hàng sẽ không bị hạn chế, và thuế doanh nghiệp cũng không tăng, theo như một kế hoạch chính phủ tiền nhiệm nêu. 

    Ý tưởng của chính phủ Truss là tạo các điều kiện thu hút tiền qua hệ thống ngân hàng quốc tế vào Anh.

    5.   Thuế đánh vào bia rượu tạm được hưởng chế độ miễn trừ nhằm thúc đẩy chi tiêu ngành ẩm thực, giải trí. 

    Riêng rượu vang được hưởng quy chế ưu đãi thuế trong vòng 18 tháng và các quán bia được hưởng thuế 0% cho mọi thùng bia dưới 20 lít. 

    6.   Du khách nước ngoài tới Anh sẽ được hưởng chế độ miễn thuế VAT – tương tự như hàng không thuế (duty free) hiện chỉ có ở các sân bay, cửa khẩu. Quy chế này giúp tăng thu nhập cho ngành du lịch và sản xuất nội địa Anh. 

    Ngoài ra, chính phủ của bà Liz Truss còn tung ra kế hoạch mở 40 khu vực thu hút đầu tư (new investment zones) bằng chế độ thuế thấp, các quy định về môi trường đơn giản hóa (điều khiến các nhóm bảo vệ môi trường phê phán) trong nghị trình ‘Tăng trưởng là trên hết”.

    Nhóm Truss-Kwarteng muốn đạt điều gì?

    Nghị trình của chính phủ bà Liz Truss mà mục tiêu là tự do hóa tối đa các cách quản lý kinh tế, nhằm xóa bớt rào cản, để kinh tế Anh tăng trưởng trở lại, đã được nói đến từ khi bà Truss chuẩn bị lên làm thủ tướng.

    Theo Robert Jackman viết hồi đầu tháng 9 trên Reason.com, một chuyên trang cổ vũ cho tự do tư tưởng và tự do kinh tế thị trường (free mind, free markets), ngay từ khi trúng cử vào Hạ viện Anh năm 2010, bà Liz Truss đã tham gia tích cực nhóm Free Enterprise Group của các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhằm tìm cách thay đổi chính sách sao cho thân thiện với thị trường và doanh nghiệp hơn. 

    Ông Kwarteng, bộ trưởng tài chính (người gốc Ghana), là bạn thân của bà Truss và thường cùng chia sẻ quan điểm rằng tháo gỡ rào cản để kinh tế thị trường tăng động lực cho Anh.

    Được gọi là nhóm theo chủ nghĩa siêu tự do – libertarianism, họ tin rằng quốc gia cần một chính quyền nhỏ (bộ máy tinh giản, tiêu ít tiền công cho bản thân), và vai trò của chính phủ là khuyến khích người dân tự sáng tạo, và vai trò của nhà nước hỗ trợ chứ không bắt chẹt dân, doanh nghiệp bằng vô số quy định, giấy tờ quan liêu.

    Nay, đã có quyền lực trong tay, ông Kwarteng nêu ra viễn kiến để kinh tế tăng trưởng trung bình 2,5%/năm.

    Đồng bảng Anh lại vừa sụt giá so với USD

    Theo một đánh giá của BBC News, nghị trình của Bộ trưởng Tài chính Anh là “đơn giản hóa luật thuế, tăng thu nhập và sức mua của dân, tăng đầu tư, khuyến khích sáng tạo, tăng năng suất sản xuất”.

    Viễn kiến tự do tuy thế vẫn cần ‘đầu tư’ từ ngân sách.

    Theo ông Kwarteng, để cắt giảm thuế, chính phủ sẽ phải vay thêm 37 tỷ bảng. 

    Thế nhưng, chính phủ Anh tính rằng chỉ cần nền kinh tế tăng trưởng thêm 1% thì nguồn thu công cho ngân khố sẽ có thêm 47 tỷ bảng. Việc đầu tư cho tương lai gần như vậy là có logic của nó. 

    Dù vậy, phía chỉ trích chính sách cắt thuế của nhà nước Anh cho rằng cần phải mất nhiều năm thì động lực do cắt giảm thuế mới đủ thời gian tạo tác động tăng trưởng mạnh trở lại cho Anh. 

    Lo ngại mới nhất về cách 'cắt thuế mà không đủ chi' của ngân sách khiến thị trường tiền tệ phản ứng xấu: đồng bảng Anh sụt giảm thêm nữa, xuống dưới 1,11 USD trưa ngày 23/09 giờ London. 

    Đây là mức đ̀ồng tiền Anh xuống thấp nhất trong 37 năm qua so với đôla Mỹ. 

    Đảng Lao động, đang ngồi ghế đối lập trong Hạ viện Anh vừa lên tiếng chê chính sách cắt giảm thuế mới nhất này của chính phủ Bảo thủ “chỉ làm lợi cho nhóm giàu có, thu nhập cao nhất”. 

    Biểu tình lan ra hàng chục thành phố ở Iran sau cái chết của một phụ nữ

    Biểu tình ở Tehran ngày 21/9

    Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh, 

    Biểu tình ở Tehran ngày 21/9/ 23 tháng 9 2022

    Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố sẽ điều tra cái chết của một phụ nữ bị cảnh sát giam giữ sau khi vụ này gây ra các cuộc biểu tình lan rộng. 

    Phát biểu trong chuyến thăm Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Raisi cũng cáo buộc phương Tây đạo đức giả vì bày tỏ lo ngại về cái chết của Mahsa Amini. 

    Cô đã chết vài giờ sau khi cảnh sát bắt giam cô vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc về khăn trùm đầu. 

    Ít nhất 17 người đã chết trong đợt bất ổn tồi tệ nhất ở Iran trong nhiều năm. 

    Cô Amini, một phụ nữ người Kurd ở thành phố Saqez, đã chết trong bệnh viện ở Tehran hôm thứ Sáu sau ba ngày hôn mê.

    Biểu tình ngày 21/9 ở Tehran

    Nguồn hình ảnh, STR/EPA-EFE/REX/Chụp lại hình ảnh, 

    Biểu tình ngày 21/9 ở Tehran

    Ông Raisi lặp lại kết luận của nhân viên điều tra rằng cô gái trẻ không bị đánh đập.  

    Cảnh sát Iran nói cô đã bị "suy tim đột ngột". 

    Những người biểu tình bác bỏ kết luận, chỉ ra các báo cáo rằng các sĩ quan đã dùng dùi cui đập vào đầu cô Amini. 

    Tổng thống theo đường lối cứng rắn cảnh báo những người biểu tình rằng "những hành động hỗn loạn" là không thể chấp nhận được. 

    Ông cáo buộc các quốc gia phương Tây có "tiêu chuẩn kép", chỉ dẫn đến các vụ giết người của cảnh sát Anh và Mỹ. 

    Ông nói thêm: “Hàng ngày ở các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Hoa Kỳ, chúng tôi thấy những người đàn ông và phụ nữ chết trong các cuộc chạm trán với cảnh sát, nhưng không thấy nguyên nhân và đối phó với bạo lực này.”

    Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran, có quan hệ mật thiết với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã kêu gọi cơ quan tư pháp truy tố "những kẻ tung tin đồn thất thiệt" trong nỗ lực ngăn chặn đà biểu tình.  

    Lực lượng Vệ binh cũng bày tỏ sự cảm thông đối với gia đình cô Amini. 

    Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra khoảng 80 thành phố và thị trấn. 

    Trong một cuộc phỏng vấn với BBC Persian, Amjad, cha của Amini cho biết ông không được nhà chức trách cho phép nhìn thấy toàn bộ thi thể của cô sau khi được quấn để chôn cất, mà ông chỉ nhìn thấy mặt và chân của cô. 

    "Có những vết bầm tím trên bàn chân của cô ấy", ông nói và cho biết thêm rằng đã yêu cầu các bác sĩ kiểm tra nhưng chưa nhận được phản hồi. 

    Ông Amini cũng bác bỏ tuyên bố từ Bộ trưởng Nội vụ và Giám đốc pháp y của Tehran rằng con gái ông đã có vấn đề về sức khỏe từ trước. 

    “Họ đang nói dối,” ông nói. "Con tôi đã không đến bất kỳ bệnh viện nào trong 22 năm qua, ngoài một vài lần ốm liên quan đến cảm lạnh."

    Các cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra sau tang lễ, khi những người phụ nữ vẫy khăn trùm đầu và hét lên "cái chết cho kẻ độc tài" - một câu hát thường nhắm vào Lãnh tụ Tối cao, Ayatollah Ali Khamenei. 

    Các cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức bởi các sinh viên tại một số trường đại học ở Tehran, trước khi lan nhanh trên khắp đất nước.


    Không có nhận xét nào