Toàn cảnh phiên bỏ phiếu và kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ hôm 12/10/2022 lên án Nga sáp nhập bốn vùng của Ukraine /AFP
Ngày 12/10, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc lên án Nga tự ý sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, dù trước đó Đại sứ Đặng Hoàng Giang trong bài phát biểu nhấn mạnh nguyên tắc "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia."
Một số nhà bình luận chính trị cho rằng, Nhà nước Việt Nam thể hiện sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động khi cùng với 34 nước khác bỏ phiếu trắng.
Thất vọng với lá phiếu của Việt Nam
Ông Will Nguyễn, một nhà vận động nhân quyền nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ nếu Hồ Chí Minh còn sống đến ngày hôm nay, ông sẽ xấu hổ với Chính phủ Việt Nam và việc họ bỏ phiếu trắng. Nếu thực sự không có gì quý hơn độc lập và tự do, lá phiếu lẽ ra phải rõ ràng là ủng hộ Ukraine. Và trước tình hình phức tạp ở Biển Đông, các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã phản bội di sản của Hồ Chí Minh."
Nhà thơ Hoàng Hưng, một nhà phản biện xã hội từ Sài Gòn cho rằng, thái độ của Hà Nội làm nhiều người thất vọng, và theo ông Nhà nước Việt Nam hiện nay không muốn đối đầu với Nga vì có nhiều liên quan giữa Hà Nội và Moscow trong quốc phòng và khai thác dầu khí chung ở Biển Đông.
Ông nhận định:
“Nó nằm trong cả một cái đường lối của Việt Nam từ đầu cuộc chiến rồi, tức là không bỏ phiếu để lên án Nga.
Thế nhưng mà cũng phải lưu ý những lời phát biểu của đại diện Việt Nam trên Đại Hội đồng vẫn luôn khẳng định Việt Nam kêu gọi tôn trọng Hiến chương LHQ và chủ quyền quốc gia, không dùng vũ lực. Với những lời tuyên bố như thế, người ta hiểu ngay Nga là xâm lược thế nhưng (Việt Nam- PV) lại bỏ phiếu trắng. Đây là một mâu thuẫn ai cũng thấy.”
Trong bài phát biểu ngay trước cuộc bỏ phiếu tại New York, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khẳng định, Hà Nội thấu hiểu giá trị của hòa bình do phải trải qua nhiều thập kỷ hứng chịu chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Ông đại sứ nhắc lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Với bài phát biểu trên, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ bỏ phiếu tán thành Nghị quyết trên của LHQ đồng nghĩa với việc phản đối cuộc xâm lược hiện nay của Nga ở Ukraine, mà truyền thông Việt Nam vẫn gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tương tự với giọng điệu của Moscow.
Tuy nhiên, Việt Nam lại cùng 34 quốc gia khác trong đó có Trung Quốc bỏ phiếu trắng, chỉ có năm quốc gia bỏ phiếu chống gồm chính Nga, Belarus, Bắc Hàn và hai quốc gia khác.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia quan hệ quốc tế người Úc, bình luận trong tin nhắn gửi đến RFA:
“Việt Nam, giống như Ấn Độ, phụ thuộc vào Moscow về vũ khí và công nghệ quân sự của Nga. Theo quan điểm của Việt Nam, họ không muốn thấy Nga suy yếu. Về nhiều mặt, Nga là một người bạn đáng tin cậy, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Thực sự, Nga là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam.”
Một nữ giáo viên nghỉ hưu ở Hà Nội chia sẻ qua tin nhắn rằng, các lá phiếu của chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo thể hiện "hội chứng sợ Nga."
Bà cũng cho rằng bằng thái độ này Việt Nam muốn tỏ ra coi trọng tình bạn thủy chung với Nga cũng như nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũ.
“Hiện tại Trung Quốc đang là đồng minh của Nga nên Bắc Kinh làm gì thì Hà Nội làm theo mà không sợ bị Putin quở trách. Nhưng yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam bỏ phiếu chống hay phiếu trắng là hội chứng sợ Nga và Trung Quốc của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Bất lợi cho Việt Nam trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc
Lá phiếu trắng của Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi quốc gia độc đảng này được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Giáo sư Carl Thayer nhận xét:
“Việc Việt Nam bỏ phiếu phản đối lên án Nga sáp nhập Ukraine bất hợp pháp có thể gây hại cho Việt Nam. Cuộc bỏ phiếu này làm xói mòn lòng tin của Hoa Kỳ và EU đối với Việt Nam như một đối tác tin cậy và thành viên xây dựng của cộng đồng quốc tế. Nếu cuộc chiến ở Ukraine trở thành một cuộc xung đột kéo dài, Việt Nam có thể được coi là một phần của vấn đề vì đã tiếp tay cho Nga.”
Ông Đỗ Thái Bình ở Sài Gòn nhận định, lá phiếu này là "điều sỉ nhục cho dân tộc." Ông nói:
“Việt Nam bỏ phiếu trắng tức là đứng ngoài cuộc xâm lược, tức là ủng hộ vi phạm nhân quyền lớn nhất thế giới. Đó là điều xỉ nhục một dân tộc vốn yêu công lý, yêu hoà bình và ghét xâm lược, nó không đại diện cho tiếng nói thật sự của dân tộc này!”
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nói rằng, Nhà nước Việt Nam thường nói mình là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhưng từ khi Nga xâm lược Ukraine đây là lần thứ ba Hà Nội bỏ phiếu trắng và một lần phản đối đối với các nghị quyết bất lợi cho Moscow.
Ông nhận xét với RFA:
“Ở đây thể hiện Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam vô trách nhiệm với quốc tế khi mà hơn 100 nước lên án Nga còn Việt Nam thì đi ngược lại với trào lưu chung.
Việt Nam cũng vô trách nhiệm đối với chính đất nước bởi vì Việt Nam là một nước nhỏ nằm cạnh Trung Quốc có rất nhiều tham vọng về lãnh thổ.
Nếu trong tương lai Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột thì chắc chắn Việt Nam sẽ không được cộng đồng quốc tế quan tâm và ủng hộ trước sự xâm lăng của Trung Quốc.”
Nhắc lại các tội ác của Nga đối với dân thường Ukraine trong cuộc xâm lược hiện nay, cựu tù nhân lương tâm cáo buộc Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam không nhận thức được thiện ác khi không lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Việt Nam và Nga có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị nhiều vũ khí tân tiến của Nga, trong đó có tàu ngầm Kilo, máy bay Su-30, xe tăng…
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích thời sự ở Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về hiệu quả của các loại vũ khí này khi quân Nga đang thất thế trên chiến trường Ukraine, bên cạnh tính phi nghĩa của cuộc xâm lược mà Moscow đang tiến hành ở nước láng giềng.
Nhà báo tự do Nguyễn Đình Ấm từ Hà Nội đặt dấu hỏi về sự phụ thuộc của Việt Nam vào Nga trong việc bảo vệ đất nước:
“Hãy xem, muốn bảo vệ được đất nước thứ nhất phải chính nghĩa, vậy ủng hộ kẻ xâm lược có chính nghĩa không?
Thứ hai nước mình nhỏ yếu cần phải có sự ủng hộ của đa số các nước trong đó các nước hùng mạnh, văn minh không xâm lược nước khác. Vậy Nga có phải là nước hùng mạnh văn minh không? Đi xâm lược, tàn phá, giết hại dân người ta lại bị đánh cho te tua...
Vậy dựa vào kẻ như thế thì có nên cơm cháo gì không?”
Liên hệ giữa cuộc xâm lược của Nga hiện nay ở Ukraine và âm mưu bá quyền của Trung Quốc, nhiều người lên tiếng cảnh tỉnh ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng thủ đoạn của Nga trong việc cưỡng ép trưng cầu dân ý để chiếm đoạt bốn vùng lãnh thổ của Ukraine đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, cổ vũ các nước lớn có thể trắng trợn chiếm đoạt các nước nhỏ, bất chấp những luật lệ quốc tế.
Theo bà, Việt Nam luôn nằm trong nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm và tình thế càng nguy hiểm hơn nếu Đại Hội đồng LHQ không đoàn kết đủ để ngăn chặn hành vi xâm lược của Nga hiện nay.
Bà nói trong tin nhắn gửi đến RFA:
“Những hành vi ngầm chấp nhận Nga xâm lược Ukraine của đại diện Việt Nam không khác gì tiếng vỗ tay của con ếch tán thưởng ngọn lửa dưới đáy nồi đang luộc chín đồng loại và dần luộc chết chính mình.”
Theo bà, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng, đồng nghĩa với việc chấp nhận hành vi xâm lược và đàn áp nhân quyền đó của Nga chỉ một ngày sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là “một sự phản bội nhân quyền, khiến cho Việt Nam thêm mất uy tín và sẽ bị cô lập trên thế giới.”
Sau cuộc bỏ phiếu, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin về kết quả bỏ phiếu, tuy nhiên lại không công bố lá phiếu của Việt Nam cho dân chúng biết.
Nhà thơ Hoàng Hưng, một trong những người chủ chốt của ban vận động Văn đoàn Việt, bình luận về việc này:
“Nếu anh vì những vấn đề tế nhị và vị thế của một nước yếu mà anh bỏ phiếu trắng thì có thể thông cảm. Nhưng không dám công khai việc đó (lá phiếu- PV) với dân chúng trong nước thì tôi cho đó là dở.”
Trước cuộc bỏ phiếu này, Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng cho các Nghị quyết phản đối cuộc xâm lược của Nga và một lần bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Không có nhận xét nào