Header Ads

  • Breaking News

    Ngô Nhân Dụng - Tập Cận Bình tự đẩy vào chân tường



    Địa vị Tập Cận Bình trong nước Trung Quốc càng ngày càng vững nhưng địa vị của Trung Quốc trên thế giới thì không chắc.

    Khi Tập Cận Bình ra lệnh triệt hạ các công ty tin học và internet lớn nhất nước như Alibaba, Tencent, vân vân, và cấm đoán không cho các công ty trò chơi điện tử hoạt động, ông ta đã tự chặt chân chặt tay nền kinh tế Trung Quốc.

    Trước mắt thế giới, Mỹ và Trung Quốc là hai hình ảnh hoàn toàn đối nghịch. Nước Mỹ đang chia rẽ cùng cực, hai đảng chính trị sắp giành giựt quyền kiểm soát quốc hội; nội bộ mỗi đảng cũng chia phe. Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tay Tập Cận Bình, một “đại lãnh tụ” với triển vọng sẽ nắm quyền trong mấy chục năm sắp tới.

    Trong bài diễn văn dài 104 phút, Tập Cận Bình hoàn toàn tin tưởng vào địa vị lãnh đạo vững chắc của mình, địa vị thống trị của đảng Cộng sản trên 1.4 tỷ dân, và địa vị nước Trung Quốc với sản lượng kinh tế $17.7 ngàn tỷ mỹ kim và giao thương với 120 quốc gia khác, trên con đường làm bá chủ thế giới.

    Chỉ có một dấu hiệu bất ổn: Bản báo cáo kinh tế đáng lẽ được đưa ra trong kỳ đại hội Đảng thứ 20 (Nhị Thập Đại) đã bị hoãn lại, không nêu lý do. Ngân hàng Thế giới (World Bank) tiên đoán kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ chỉ gia tăng được 2.9%, thấp hơn tỷ số 5.9% trong năm 2021.

    Sau 10 năm củng cố quyền hành, Tập Cận Bình làm cho Trung Quốc giảm bớt cơ hội tiến xa hơn. Bất cứ một chế độ độc tài nào cũng rơi vào thứ cạm bẫy như vậy, tự đẩy mình vào chân tường vì không chấp nhận một ý kiến nào khác mình.

    Tuy vậy, Tập Cận Bình chưa yên tâm, tiếp tục dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại trừ các đối thủ trong nội bộ. Theo báo Wall Street Journal, trong số 281 thành viên Thường Vụ Tỉnh Ủy, hiên nay tất cả đều là tay chân của Tập, trừ bảy người! Năm ngoái, trong khi “đóng cửa” cả nước để ngăn bệnh dịch Covid, Tập Cận Bình vẫn thanh trừng 627,000 đảng viên, nhiều gấp 4 lần con số bị bắt năm 2012 khi Tập mới lên nắm quyền. Một lãnh tụ kỳ cựu vẫn ủng hộ Tập Cận Bình ngay từ đầu là Vương Kỳ San, hai năm nay cũng không được yên. Năm 2020, hai tay chân của Vương bị thanh trừng; một người cháu rể bị bắt giam.

    Trước đây Tập Cận Bình đã đặt chỉ tiêu tăng gấp đôi Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) vào năm 2035, để vượt qua kinh tế Mỹ. Trong bài diễn văn Đại hội 20 Tập Cận Bình đã không nhắc tới mục tiêu đó nữa. Vì mục tiêu này sẽ khó đạt được. Thời điểm 2035 được đưa ra trước cuộc kiểm tra dân số năm 2020. Năm đó, đã thấy dấu hiệu dân số Trung Quốc bắt đầu giảm và sẽ giảm nhanh hơn tiên đoán trước đây. Trong năm 2021 chỉ có 10.6 triệu trẻ sơ sinh ra đời, năm 2022 sẽ xuống thấp hơn. Số người trong tuổi lao động đã lên cao nhất vào năm 2014, sau đó bắt đầu giảm. Tập Cận Bình đã điều chỉnh các mục tiêu nhấn mạnh đến “tự túc” về kỹ thuật tân tiến, coi là ưu tiên số một trong chính sách kinh tế quốc gia.

    Trong bài diễn văn trước Đại hội 20, Tập Cận Bình chỉ nói đến chữ “kinh tế” tất cả 22 lần, so với 102 lần trong bài nói chuyện ở đại hội 18 năm 2012. Tương tự, năm nay Tập chỉ nhắc đến chữ “thị trường” tất cả ba lần so với 24 lần vào 10 năm trước. Ngược lại, những chữ “an ninh” đã được dùng 50 lần, so với 36 lần kỳ trước.

    Tập Cận Bình không che dấu mục tiêu của Trung Cộng là vượt lên trên kinh tế Mỹ. Năm ngoái, nói chuyện với các nhà khoa học Trung Quốc, ông bảo, “Canh tân kỹ thuật là mặt trận chính trong chiến lược Trung Quốc đối đầu với Mỹ. Ngân sách về nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Trung Quốc đã lớn hơn của cả Âu châu từ năm 2014 và hiện nay đang bằng 85% ngân sách R&D của Mỹ. Số bằng sáng chế và các công trình nghiên cứu khoa học trong nước đã vượt qua nước Mỹ trong năm nay.”

    Nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai kinh tế Trung Quốc là chính sách mới của chính phủ Joe Biden nhằm ngăn chặn đường dây tiếp liệu các kỹ thuật tin học cao cấp; lấy lý do an ninh nước Mỹ có thể bị đe dọa.

    Ngày 7 tháng 10, Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra các lệnh cấm bán những chất bán dẫn và “chip” có thể dùng trong các máy “siêu vi tính” (supercomputers) của Trung Quốc; trong đó có các máy móc dùng để cải tiến kỹ thuật hàng không. Ông Greg Allen, nguyên giám đốc ngành Trí khôn Nhân tạo (AI) bộ quốc phòng Mỹ, nói thẳng rằng đó là một đòn nặng nề để “cắt cổ tất cả những cái đầu của con rồng sản xuất chip” của Trung Quốc.

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã từng nói Mỹ và các nước Âu châu cần hợp tác để ngăn chặn sự phát triển kỹ thuật của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ có một chính sách cấm bán các kỹ thuật có thể dùng trong hai lãnh vực dân sự và quân sự; chính sách này áp dụng nặng hay nhẹ tùy theo chính quyền mỗi lúc một khác. Các dụng cụ trong ngành viễn thông hoặc sản xuất chíp thường thuộc loại “song dụng” như vậy. Ngành sản xuất hàng máy bay của Trung Quốc có thể hoàn toàn bị tê liệt nếu bị Mỹ cấm vận.

    Trong cuộc chạy đua khoa học kỹ thuật giữa hai nước, Trung Cộng dựa trên các doanh nghiệp nhà nước, được sử dụng các ngân quỹ khổng lồ, còn nước Mỹ dựa trên sự hợp tác giữa chính phủ và tư nhân. Tuần báo The Economist tính ra rằng nước Mỹ sử dụng $800 tỷ đầu tư vào canh tân kỹ thuật trong năm 2020, bằng 3.8% GDP, trong đó hơn $600 tỷ là do các công ty tư bỏ ra. Con số này cao hơn $660 tỷ đầu tư ở Trung Quốc, lớn bằng 2.7% GDP. Tiền đầu tư của Trung Cộng không nâng cao được hiệu năng sản xuất bằng các xí nghiệp ở Đài Loan. Người Trung Quốc có thể tiến rất nhanh trong các ngành kỹ thuật cũ đã được thế giới khai thác, thí dụ khi xây dựng các đường xe lửa cao tốc, các hàng không mẫu hạm và trong việc sản xuất pin điện chạy xe hơi. Nhưng khi dụng tới các kỹ thuật hoàn toàn mới mẻ thì phải mất vài chục năm để đuổi kịp các công ty Mỹ.

    Các lệnh cấm mới của chính quyền Biden còn không cho phép công dân Mỹ được giúp cải thiện kỹ thuật máy vi tính và tin học của Trung Quốc. Nhiều công ty Mỹ đang hoạt động ở bên Trung Quốc và các công ty của nước này đang yêu cầu một số người Mỹ nhân viên của họ tạm ngưng làm việc, trong khi điều tra coi có thể vi phạm lệnh cấm hay không.

    Bên ngoài, Tập Cận Bình làm cho Trung Quốc ngày càng bị cô lập. Cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, một người Thái gốc Quảng Đông đời thứ tư, mới nhận xét: “Tất cả các nước Đông Nam Á đang chịu áp lực phải lựa chọn, hoặc theo Mỹ, hoặc theo Trung Quốc. Các nước khác trên thế giới cũng lâm vào tình trạng này, phải chọn một trong hai phe.”

    Tháng Bảy vừa qua, người đứng đầu FBI ở Mỹ và MI5 ở Anh quốc cùng lên tiếng báo động: “Mối đe dọa lâu dài lớn nhất cho nền kinh tế và an ninh của hai quốc gia phát xuất từ Bắc Kinh,” theo tuần báo Time. Trên nhật báo New York Times ngày 18 tháng 10, Bret Stevens tiết lộ ông Christopher Wray, giám đốc FBI từ năm 2020 đã nói, “Hiện giờ cứ 10 tiếng đồng hồ FBI lại mở một cuộc điều tra phản gián mới liên can đến Trung Cộng.”

    Chế độ độc tài là một trở lực chính khiến Trung Cộng khó tiến bộ. Khi Tập Cận Bình ra lệnh triệt hạ các công ty tin học và internet lớn nhất nước như Alibaba, Tencent, vân vân, và cấm đoán không cho các công ty trò chơi điện tử hoạt động, ông ta đã tự chặt chân chặt tay nền kinh tế Trung Quốc. Số tiền đầu tư vào các ngành kỹ thuật mới nhất đã giảm 11% trong ba quý đầu năm 2022, so với năm 2019. Trong cùng thời gian đó, tiền đầu tư “mạo hiểm” (venture capital) ở Mỹ trong các ngành này đã tăng thêm 70%.

    Nhưng không ai có thể nói cho ông Tập Cận Bình biết chính sách của ông sai lầm như thế nào. Địa vị Tập Cận Bình trong nước Trung Quốc càng ngày càng vững nhưng địa vị của Trung Quốc trên thế giới thì không chắc.

    Không có nhận xét nào