Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Đức Hiệp - Tranh luận về chủ quyền đối với Hoàng Sa trong thập niên 1930s Phần 2. Hết

    Đọc lại phần 1: Tại đây

    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2022/07/Picture1.jpg

    Ảnh: Service géographique – Une des salles de dessinateurs annamites – Sở Địa dư – Một trong các phòng của những người vẽ An Nam (Nguồn: Recueil. Séjour d’un cartographe militaire français en Indochine 1896-1900, https://gallica.bnf.fr/ark)

    Tranh luận về chủ quyền đối với Hoàng Sa trong thập niên 1930s 

    Phần trước giới thiệu cuộc thảo luận trên báo chí Việt Nam đầu thập niên 1930s về chủ quyền Hoàng Sa, trong đó, bài của ông Trương Lập Tạo trên Tràng An báo, thật ra là dịch từ bài ‘L’histoire modern des iles Paracels” đăng trên báo “L’Éveil économique de l’Indochine” (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương) ngày 22 tháng 5 1932. 

    Đây là bài mà báo Thức Tỉnh Kinh Tế Đông Dương đăng lại từ bản chú thích (note) mật của ông Alesis Elie Lacombe viết ngày 6/5/1921, lúc đó là trưởng phòng 1 của phủ Toàn quyền Đông Dương. Bản chú thích mật này có chữ ký của ông Lacombe và ông Illisible. Trong lời nói đầu trên bản chú thích mật được đăng, báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương viết như sau (đây cũng là lý do mà chính phủ Đông Dương đã kiện báo ra tòa về tội lấy tài liệu của chính phủ)

    “Trong lúc mà ngài toàn quyền tinh tế của chúng ta, sau khi đã thành công ru ngũ được Bộ [thuộc địa] về đề tài quần đảo Hoàng Sa mà ông ta thấy là người ta đã nói quá nhiều ở Pháp về chủ đề này, và sau khi đã nhận được chỉ thị mà ông ta mong muốn: để vụ affaire này ngủ yên, chúng tôi thấy thú vị sắp làm phiền giấc ngủ của nhau bằng cách đặt vấn đề lên trên thảm.

    Chúng tôi hài lòng công bố một vài trong số các tài liệu, ưu tiên là các tài liệu chính thức, những loại tài liệu đáng chú ý nhất trong hồ sơ của chúng tôi.

    Để bắt đầu, để vinh danh tất cả các vinh danh, đăng dưới đây là bản ghi nhớ mật của ông Lacombe (Alexis Elie), lúc đó là trưởng Phòng 1 trong phủ toàn quyền Đông dương” 

    Trong bản dịch của ông Tạo có một vài chỗ thiếu sót so với bản tiếng Pháp. Tuy vậy bài dịch của ông vào năm 1938, tức là 6 năm sau bài đằng trên tờ Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương, nói chung là khá đầy đủ. Ông Trương Lập Tạo viết là bắt đầu từ năm 1898, phủ Toàn-quyền Đông-dương đã lưu ý tới quần đảo Hoàng-sa, mà trong các áng công văn còn thấy lưu lại rất nhiều dấu tích

    “Là một nhóm hải đảo thưa thớt đó đây, xung quanh toàn là hòn san hô, lẫn lộn theo những tảng đá lớn bình-bồng dưới biển, rất có nguy hiểm cho sự giao thông quanh vùng nầy.

    Nó vốn là những hoang đảo tự thuở giờ, và tùy theo mùa, nhứt là mùa gió nồm, bọn đánh cá Annam và Tàu – nhứt là người Tàu ở Hải-nam – kết bè đến đó làm cá, cho đến tháng mười, là lúc thời tiết sửa soạn qua mùa đông, thì họ lại kéo nhau trở về bổn thổ.

    Xét lại sự giao thông nơi đây chỉ tiện lợi bằng bè tre, như bọn đánh cá lâu nay thường dụng, chớ còn tàu bè mà lạc đến đây thì khó toàn thân lắm, nhứt là lúc trời lập đông, sương phủ 4 phương trời, khó nhận thấy tả, hữu trước sau.

    Đã có nhiều chiếc tàu bị đắm nơi đây vì lố cồn.

    Năm 1891 tàu Đức Marianna

    “     1895, tàu Đức Bellona

    “    1896, tàu Nhựt Imegi Maru

    Ông Tạo cho biết chỉ có vụ hai chiếc tàu đắm Nelona và Imegi Maru là có quan hệ đến lịch sử cận đại của quần đảo Hoàng-sa. Vì hai tàu này có làm giao kèo chở đồng cho nhiều hội thầu khoán người Anh ở Hương-cảng, nhưng lạc đến cồn san hô của quần đảo Hoàng-sa mà chìm. Tàu ở Hương-cảng được tin đến đó cứu cấp, kế bị giông to, đành phải tháo lui trở về mà không làm nên việc gì.

    “Lúc đó bọn đánh cá ở Hải-nam hay tin, liền thả bè đến đó định cướp giựt hai chiếc tàu chìm bỏ xác nơi đấy. Chúng cướp hết đồng dưới tàu, chở về Hải-nam, rồi nhờ bọn đồng lõa làm trung gian bán lại cho các hội thầu khoán Anh ở Hương-cảng giá phần nữa tiền.

    Các hội nầy không bằng lòng, và kêu nài tới quan Sứ-thần Anh ở bắc-kinh và quan Lãnh sự Anh ở Hải-nam. Cả hai đều hạ lịnh yêu cầu các quan tổng trấn ở Hải-nam lập tức tịch thâu đồng đó. Hai ông viện lẽ rằng lúc hai chiếc tàu kia ngộ nạn, dưới tàu đã có cho nhà đương cuộc ở Hải-nam hay mà ngăn ngừa nạn cướp bóc, nay việc đã lỡ ra họ phải chịu trách nhiệm.” 

    Nhưng các quan tổng-trấn ở Hải Nam cực lực phản đối lai., cho rằng quần đảo Hoàng-sa xưa nay là những hoang đảo và “không phải của nước Tàu cả và nước Nam, nó không thuộc quyền cai trị của phủ, huyện nào ở Hải-nam, mà cũng không có quan nào có đặc quyền coi việc cảnh sát nơi đây”.

    Cho đến năm 1908-1909, cũng không thấy nước nào có ý thôn tính quần đảo nầy”.

    Bài trên “l’Éveil économique de l’Indochine” cho biết thêm

    “Cho đến năm 1908-1909, dường như không có một cường quốc nào có ý định thôn tính quần đảo Hoàng Sa. Nhưng người Đức đã đo thủy văn từ năm 1881 đến 1884, thật không thể biết ý định thật sự của họ là gì trong những khảo sát thủy văn của họ được thực hiện hầu như trong tất cả vùng biển Trung Hoa (Hải Nam, Pakhoi, Oueitchao) lên đến tận Hạ Môn và Phúc Châu

    Báo chí Anh cũng có nhiều lần ngỏ ý yêu cầu chánh phủ Anh đặt một cây đèn pha trên một đảo nào đó ở quần đảo Hoàng-sa, vo”I mục đích duy nhất là giúp cho sự giao thông được tiện lợi không nguy hiểm cho tàu bè ở quanh vùng này.

    Năm 1898, Bộ thuộc địa (Départment des Colonies) có lệnh cho phủ Toàn-quyền báo cáo về Bộ những tài liệu về quần đảo Hoàng-sa, theo như lời yêu cầu của một nhà báo, ông Chabrier, có ngỏ ý lập trạm buôn bán cung cấp thực phẩm cho những người đánh cá nơi đây.

    “Nhờ có sứ thần Pháp ở Bắc-kinh thuở đó là ông Pichon, quan toàn-quyền Doumer mới trả lời bộ thuộc địa biết sự dự định của nhà viết báo Chabrier e khó thành công. Nhưng thừa dịp đó, quan toàn quyền Doumer có phát biểu ý kiến yêu cầu chánh phủ Pháp đặt một cây đèn pha nơi đây, để lấy đó làm cơ sở nắm giữ chủ quyền sau là không cho một nước nào khác kiếm cơ lập nghiệp nơi đây, vì sự đó tất có nguy hại cho tình thế của Đông-dương sau nầy.” 

    Tuy vậy ý kiến lập đèn pha (hải đăng) ở Hoàng Sa của Toàn quyền Paul Doumer không được hai bộ Thuộc địa và Ngoại giao thuở đó lưu ý trả lời. Từ đó mà tại phủ Toàn-quyền cũng không thấy thêm những công văn nào chứng tỏ rằng nước Pháp đã lưu ý tới quần đảo Hoàng Sa trước hơn ai.

    Tiếp theo trên Tràng An báo ra ngày 26/7/1938, ông Trương Lập Tạo viết phần hai, dựa vào bài trên tờ “Thức Tỉnh Kinh Tế Đông Dương” như đề cập ở trên, trong đó ông chỉ ra thêm một sơ suất rất có hại của viên tổng tư lịnh Hải quân Pháp ở Sài-Gòn mà báo “l’Éveil économique de l’Indochine” đã vạch rõ và chỉ trích 

    Bài dịch của ông Tạo cho biết 

    “Mãi đến năm 1907, thấy Nhựt lăm le đòi chiếm quần đảo Pratas, quan Kinh lược Quảng châu mới bắt đầu vận động đòi quyền sở hữu về cho Trung quốc tất cả những hải đảo ở dài theo miền duyên hải”.

    Đến tháng 4 năm 1909, Trung quốc mới chánh thức cử đặt một phái bộ đến quần đảo Hoàng Sa quan sát, và nhận rằng ở quần đảo Hoàng Sa rất giàu mỏ phosphates.

    “Rồi tới tháng Juin 1909, một phái bộ thứ hai của Trung quốc phái đến đó thượng quốc kỳ của họ tiếp theo 21 tiếng súng chào mừng theo lễ một cách long trọng.

    Khi hay được tin nầy, ông Beauvais, tổng lãnh sự Pháp ở Quảng-châu, lật đật đánh điện về Pháp hỏi Bộ ngoại giao cho biết ý kiến riêng để mình xử trí với việc nầy. Nhưng hình như là Bộ ngoại giao thuở đó chưa chịu lưu tâm đến vấn đề nầy nên không có trả lời cho ông Beauvais.” 

    Từ lúc đó, quần đảo Hoàng Sa không có ai nhắc đến nữa. Nhưng vào ngày 20 Septembre 1920, vấn đề quần đảo Hoàng Sa bổng xuất hiện trở lại, khi hảng tàu buôn Nhật Mitsu Bu-san Kaisha định đến quần đảo Hoàng-sa khai thác phosphates. Vì không biết quần đảo đó có phải của Pháp hay không nên, hảng tàu nầy có gởi cho Hải quân tổng tư lịnh Rémy ở Đông-dương một bức thư, trong đó hảng có ngỏ ý muốn khai mỏ ở đây.

    “Vài ngày sau, 21 Sept 1920 quan hải quân tổng tư lịnh Rémy có trả lời hảng tàu Nhựt đại ý như sau:

    “Trong bộ hải quân ở Đông Dương không có những bổn công văn nào giúp chúng tôi xác định được quấc tịch của quần đảo Tây-sa [Hoàng-sa] tuy nhiên, chúng tôi tưởng có thể cho các ông tin được rằng quần đảo nầy không phải của Pháp mà chúng tôi nói vậy là do theo trí nhớ riêng của chúng tôi thôi, chúng tôi không có trong tay những tài liệu xác thực nào chứng thật chổ đó”

    Nhưng ông Remy cũng không bỏ qua chuyện nầy. Ngày 22 Janvier 1921 ông có gởi cho quan Toàn quyền và quan Thống-đốc Nam-kỳ mỗi ngài một bức thơ, nhờ lục soát những công văn giấy tờ gì có quan hệ đến quốc tịch của quần đảo Hoàng-sa. Cả hai quan lớn không làm gì nên chuyện; quan Hải quân tổng tư-lịnh Đông-dương buộc lòng phải tự điện về bên bộ hỏi thăm.

    Số 206 – 28 Septembre 1938 [1920]

    Hải quân Saigon gởi cho Hải quân Paris.

    Quần đảo Hoàng-sa đã thành vấn đề. Ở Đông-dương tìm kiếm hoài mà thất công vô ích. Xin cho biết quốc tịch quần đảo đó do tài liệu nào.

    Rồi bên bộ trả lời như sau

    Số 569 – 23 Janvier 1921

    Hải quân Paris trả lời Hải quân Saigon

    “Trả lời số 206 của ngài – Người Tàu đã đòi làm chủ quần đảo Hoàng sa hồi 1900, bây giờ chỉ có biết bấy nhiêu thôi. Cho biết bởi đâu và vì mục đích gì người ta đặt ra câu nói nầy?”

    Mãi đến cả tháng sau, phủ Toàn-quyền [Đông Dương] mới trực tiếp lưu ý đến vấn đề nầy, bởi một bức điện-văn của bộ thuộc địa đề ngày 10 Février 1921 đánh qua hỏi ý kiến quan Toàn-quyền đối với cái tin đã đăng ở tạp chí l’Europe nouvelle, số 10 ngày 2 Février 1921  

    Nguyên văn cái tin ấy như vầy:

    “- Ở cách miền duyên hải xứ Trung-kỳ 300 cây số có một nhóm hoang đảo: là quần đảo Hoàng-sa.

    Mới đây quan lãnh sự Nhựt có viết thơ hỏi phủ Toàn-quyền có làm chủ quần đảo đó không, người ta lại trả lời rằng không, Có ông quan nào đã thảo ra bức thơ trả lời kia không biết có nghĩ rằng; nếu có một nước nào đem toàn đội tàu lăn đến trú ở đó tức là họ đủ sức phong tỏa khắp miền duyên hải Đông-dương, ông có nghĩ đến nông nổi đó không?

    Khi tiếp được điện văn của bộ Thuộc địa, phủ Toàn-quyền liền mở cuộc ăng kết [enquête, điều tra] lớn lao lại kế được tin của quan Tổng lãnh sự Beauvais ở Quảng-châu đánh qua ngày 8 Avril 1921 cho hay rằng:

    “Bởi mang lịnh số No. 831 đề ngày 30 Mars 1921 đăng quan báo tỉnh Quảng-đông (số 2619 ngày 2 Avril 1921) quan Toàn-quyền chủ tịch Quảng-đông cho hay rằng Chánh-phủ cách mạng trong phiên nhóm ngày 11 Mars 1921 đã quyết định sát nhập quần đảo Tây sa [Hoàng-sa] về Hải-nam.

    Sự quyết định nầy của Chánh-phủ Cách mạng Quảng đông đành rằng không có quan hệ đến bức thơ của quan Hải-quân Tổng tư lịnh Remy trả lời hảng tàu buôn Nhựt nói trên kia; và cũng không ăn thua gì đến cái tin đã đăng ở tạp-chí L’Europe nouvelle. Nhưng nếu đem những ngày tháng xảy ra chuyện trên đây mà so sánh lại, chúng ta không khỏi nghi ngờ rằng chánh-phủ Cách-mạng ở Quảng-đông sở dĩ đặc biệt lưu ý tới quần đảo Hoàng sa, là vì họ đã lắng nghe ý kiến của các ngài ngoại-giao họ trú ở Paris, hoặc của những thượng lưu Huê kiều [Hoa kiều] bên Pháp đã đọc qua cái tin đăng ở tạp chí L’Europe nouvelle hay là biết rõ bức thư của quan Hải quân tổng tư lịnh Remy trả lời hảng tàu buôn Nhựt.

    Xét lại câu chuyện đã xảy qua, ai cũng lấy làm tiếc hết sức mà thấy quan Hải quân tổng tư lịnh lại tự tiện trả lời một hảng tàu buôn ngoại quốc về một vấn đề mà lẽ ra ông không động chạm tới, hoặc phải dè dặt thận trọng ngôn ngữ hành động mình cho lắm. Ông lại không trưng cầu ý kiến trước với phủ Toàn-quyền, mà nhứt là với phủ Thống-đốc Nam-kỳ, lại buôn ra những câu trả lời vô cùng bất lợi cho ngày sau, thật ai cũng lấy làm ân hận 

    Người ta cũng không quên rằng bộ Hải-quân Pháp cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề về phương diện nầy, bộ ấy, khi tiếp được tin lôi thôi về quần đảo Hoàng sa thì cũng lại tự tiện trả lời, chớ không cấp báo cho hai bộ khác cũng đóng góp những phần trách nhiệm nặng nề như mình là hai bộ Thuộc địa và Ngoại giao.

    Mà, như chúng ta đã biết, hai bộ nầy lúc đó đâu có biết lưu ý đến sự quan hệ của quần đảo Hoàng-sa đối với Đông-dương.

    Cả ba bộ thửo đó mang những lỗi lầm lớn bởi đó mới có những sự rắc rối không đáng như ngày nay.

    Trương Lập Tạo” 

    Như vậy tướng Hải quân Pháp ở Đông Dương, do không hiểu biết, đã phạm sai lầm đáng tiếc mà ông Lập đã chỉ ra trên tờ Tràng An báo. Cũng vì sự trả lời không rõ ràng và chắc chắn này của ông Rémy mà người Nhật đã gởi một đoàn thám sát đến Hoàng Sa và đã đặt trên đảo Robert (Hữu Nhật) một đường sắt ngắn và một cầu dài 300 mét và đã khai thác phosphate triệt để mà cho đến năm 1933 đã không còn gì nữa như trong bản báo cáo của Dr Krempf của Viện Hải dương học (81)

    Không lâu sau khi đăng các bài của ông Trương Lập Tạo (và bài của ông Thúc Dật), ngày 5/8/1938, Tràng An báo đã có bài xã luận trên trang đầu với tựa lớn như sau 

    “Vì có vấn đề quần đảo Paracels danh hiệu nước Việt Nam sẽ xuất hiện trên trường quốc tế. 

    Chúng ta nên nhân dịp này mà làm cho quốc gia Việt Nam được thực hiện

    Nước Việt-nam trong khoảng năm sáu mươi năm nay nương náu dưới bóng cờ ba sắc [cờ tam tài của Pháp] tịch mịch êm đềm, trên trường quốc tế tranh luận lâu nay, tuồng như không ai nhắc nhủ đến danh hiệu của nó nữa. Cái danh hiệu của một nước mà không ai nhắc nhủ đến thì cái địa-vị của nước ấy ra thế nào? tưởng những nhà ái quốc ai cũng lấy làm ngậm ngùi đau đớn.

    Muốn khôi phục lại, tất phải có thời cơ dun dủi, cái thời cơ ấy, quốc-dân không thể bỏ qua. Cái thời cơ ấy ở đâu? chính là vấn đề quần đảo Paracels, hiện đang sôi nổi dư luận trên thế giới vậy.

    Quần đảo Paracels cũng như danh hiệu nước Việt-nam, lâu nay vẫn tịch mịch êm đềm, không ai nhắc nhủ đến nó. Độp một cái! chiến-hạm phi-cơ nước Nhật đùng đùng kéo đến đảo Hải-nam. Nước Pháp vì sự phòng thủ, phải đem quân và hạm đội ra đóng ở Paracels, tức thì người Tàu người Nhật đều nhao nhao lên tranh giành quyền sở hữu ở đảo ấy. Vì thế mà vấn đề quần đảo Paracels thành ra một vấn- đề quan trọng, có lẽ nay mai sẽ đem ra giữa tòa án quốc tế La Haye phân xữ, không khéo lại gây ra một cuộc binh cách cũng nên.

    Mấy số Tràng-an báo trước, bạn Thúc-dật và bạn Trương-lập-Tạo đã kê cứu lịch-sử nước Nam chiếm cứ đảo Hoàng-sa (tức Paracels) trước hai trăm năm đến nay, để cống hiến tài liệu cho chánh phủ về vấn đề tranh luận quần đảo ấy. Theo những chứng cớ xác thực mà hai bạn đã trưng ra đó, thì quần đảo Paracels đích là sở hữu của nước Việt-nam rồi. Nếu vấn-đề ấy mà ra giữa trường quốc-tế La Haye, thì nước Pháp thế nào cũng cầm chắc cái lẽ tất thắng. Nước Pháp sỡ dĩ nắm phần thắng, là nhờ có cái danh hiệu nước Việt-nam. Vậy thì từ đây cái danh hiệu Việt-nam, người ta sẽ nhắc nhũ đến luôn trên trường quốc-tế vậy.

    Không ngờ Paracels một chỗ hoang-vu cùng tịch lâu nay đối với quốc thổ Việt-nam chẵng có quan trọng bao nhiêu, bây giờ lại nhờ nó mà khiến cho danh hiệu Việt-nam tiêu điều thảm đạm trong khoảng năm sáu mươi năm nay lại mở ra một tia ánh sáng. Chính là một thời cơ may mắn cho chúng ta vịn vào đó mà nói đến việc chấn hung quốc thể, khôi phục quốc quyền. Chúng tôi không phải nói nhân cơ hội ấy mà đòi quyền độc lập đâu. Ta phải nhìn nhận rằng một nước hèn yếu như nước ta bây giờ, nếu không có Đại Pháp đương đầu, thì quần đảo Paracels dù là sở hữu của ta, mà đã là một mối tranh dành giữa Nhật với Tàu, ta cũng không dám đá động đến. Vì rằng cái lý bao giờ cũng đi theo với cái “lực”, lực mình không đủ, còn nói lý được với ai.

    Nếu nay mai người Tàu người Nhật chịu để quần đảo ấy về phần sỡ hữu của nước Nam cũng là vì cái lực của nước Pháp kèm theo đó nữa. Vậy thì trong lúc này mà ta muốn rời nước Pháp để mưu cầu độc lập, thử hỏi ta có thể nào tự tồn trong đám liệt cường hổ thị được không? Chúng tôi chỉ nói rằng nước Pháp đã lấy danh hiệu nước Việt-nam mà dành lại quần đảo Paracels, thì cũng nên làm thế nào cho danh hiệu ấy càng rực rỡ thêm, để sau này còn vô số vấn đề như vấn đề Paracels ấy xảy ra, nước Pháp còn có thể mượn danh hiệu ấy mà đối phó lại. Ấy là một dịp chấn hung quốc thể, khôi phục quốc quyền mà chúng ta có thể yêu cầu với nước Pháp mà nước Pháp cần phải nhường nhịn lại cho ta. Trong lúc “lực” ta chưa đủ không thể nói “lý” được với ai, ta cần phải tùy theo “thời cơ” để kiếm một cái “thế” mà xuất đầu lộ diện.

    Vậy thì nhân dịp này nước Pháp còn đem danh hiệu Việt-nam mà phô trương với thế giới, ta phải nên níu lấy nước Pháp làm thế nào cho quốc gia Việt-nam thực hiện ra. Nghĩa là phải đem hòa ước ngày 6 Juin 1884 Pháp Nam hai nước ký kết cùng nhau mà thi hành một cách triệt để. Điều đó Tràng-an báo vẫn hô hào trong mấy lâu nay mà các nhà chính trị Pháp cũng đã từng tuyên bố, đây chỉ là một dịp thúc dục cho chúng ta yêu cầu với nước Pháp và nước Pháp phải nên mau mau thực hành đó thôi.

    Nói cho đúng thì thi hành cái hòa ước năm 1884 ra, quốc gia Việt-nam cũng chưa hẳn mười phần thực hiện. Nhưng trong lúc ta không có thể rời nước Pháp về mặt ngoại giao và kiểm cố được, đều cần nhứt là ta được tự trị lấy nước ta. Được như thế là cũng đở lắm rồi, chứ không nên xa vọng những đều cao lớn hơn nữa. Ta phải nhận rằng trình độ nước ta bây giờ còn kém Phi luật Tân nhiều lắm. Thế mà trong mấy năm nay, nước Mỹ đã hứa cho Phi luật Tân nào có giám thoát ly nước Mỹ mà đứng riêng một mình đâu. Về phần ngoại giao binh bị, phải nhờ nước Mỹ đảm đương cho, Phi luật Tân chỉ giữ lấy phần nội trị. Tình thế nước ta cũng vậy. “Ỷ Pháp cầu tấn bộ” câu di ngôn mà cụ Phan Tây hồ dặn lại cho chúng ta đó, cũng một ý ấy mà thôi.

    Nói rút lại, nước Pháp đã lấy danh hiệu nước Việt-nam mà dành quần đảo Paracels, thì chúng ta cũng nên lấy hòa ước năm 1884 mà yêu cầu cho được cái phần nội trị hoàn toàn.

    T.A”

    Như vậy theo quan điểm của bài báo thì vì có chuyện chiến tranh Trung-Nhật và tranh chấp, căng thẳng ở quần đảo Hoàng Sa mà người Việt mới đứng lên tỏ ra chủ quyền của nước mình, và nước Việt Nam được xuất hiện từ bóng tối, có tiếng nói trong chính trường quốc tế vào năm 1938. Và kêu gọi nước Pháp thực thi đúng hòa ước Patenôtre 1884 cho đúng và để nước Việt-nam được tự trị. 

    Như đã đề cập trên, một người Việt Nam khác là ông Vĩnh Phúc đã đi trên thông báo hạm La Marne ra quần đảo Hoàng Sa và viết một bài phóng sự điều tra ở quần đảo này đăng trên Tràng An báo ngày 9/8/1938. Ông đi trên tàu thông báo hạm La Marne của Pháp ra Hoàng Sa, như vậy có thể ông là một trong những người dân sự trong đoàn người Việt được hải quân Pháp mời đi theo để tìm hiểu tình hình ở quần đảo Hoàng Sa. Tại đảo Phú Lâm ông đã đã đi dạo trên đảo, gặp một số người Nhật nói chuyên bằng tiếng Anh với họ và những người thổ dân Đài Loan làm cho công ty khai thác hải sản của Nhật. Ông đã tả quang cảnh, cây cối và bãi san hô đầy màu sắc rất đẹp cạnh đảo như sau (trong bài từ Nhật và Nhựt dùng không nhất quán, chúng tôi giữ như nguyên bản)

    “Một tuần ở đảo Hoàng Sa

    Vĩnh Phúc

    Điều tra

    Thông báo hạm La Marne từ giả Tourane dưới một bầu trời quang đảng, ít song ít gió. Mặt bể [biển] đem lại cho tôi một cái cảm giác khoan khoái chạy khắp mình. Đảo Paracels cách Tourane [Đà Na9~ng] 200 cây số và Hải-nam 250. Cứ theo tốc lực chiếc thông báo hạm nầy thì ngày hôm sau mới đến.

    Tàu lần lần chạy mau thêm để lại cửa bể Tourane mịt mù sau chân trời. Cái cảm giác lúc nãy đã đổi ra đủ thứ khó chịu: nặng đầu chóng mặt, buồn nôn… Không thể chịu những nổi cực nhọc của sự say song, tôi phải chui vào cabine mà một viên sĩ quan đã nhường lại cho, nằm li bì, dầu hết sức không thể đứng trên boong tàu nhìn mấy chiếc thuyền bé nhỏ của bạn chài lưới nhởn nhơ làm nghề giữa nơi trời nước bao la.

    Nhọc li bì, nằm nép trong cabin echo đến 9 giờ sáng hôm sau, nghe ồn áo trèo lên sân tàu theo tay chỉ của mấy người thủy thủ đã thấy một vài đảo nhỏ ở xa xa. Nhưng tàu không dừng cứ đi thẳng vì muốn đổ bộ ở đảo Boisée [Phú Lâm] trước nhất.

    “Chấm đen ở bên phải là Boisée!”. Một viên hạ sĩ quan chỉ cho tôi trông theo.

    Tàu đến gần, tôi ngạc nhiên thấy phất phới trên đám cây xanh, ngay giữa đảo, một ngọn cờ “mặt trời” đỏ chói. Hình như hiểu sự ngạc nhiên của tôi nên viên hạ sĩ quan lúc nảy vội vàng cắt nghĩa: “vì trên đảo có một công ty Nhựt bản lập cơ sở nên mới có ngọn quốc-kỳ của họ”. À ra thế.

    Tàu bỏ neo ngoài khơi vì gần đảo rất cạn, vả lại có một dãy đá mọc dài dưới nước rất nguy hiểm. Ngồi dưới xuồng đi từ từ vào đến đất, cặp mắt thật đã được hưởng những phút vô cùng khoái lạc. Mấy bải các xa xa dưới lớp nước rất cạn, phản chiếu ánh mặt trời thành một màu lục tuyệt đẹp. Nước trong một cách lạ. Đáy sâu gần 3,4 thước nhưng trông rõ như cách vài gang. Những mô đá, những cây san-hô đủ màu: xanh, đỏ, trắng, tím, lục… dưới đáy nước giống như một bức gấm thêu lòng dưới một tấm thủy tinh dày 

    Bảo Boisée cũng khá to. Đi bộ vòng quanh đảo, cũng mất chừng hơn 1 giờ rưỡi. Có vài khóm cây to, còn thì toàn một thứ cây cành to bang cổ tay nhưng gỗ rất mềm lá dài không cao quá đầu người, mọc khắp đảo. Không có một con thú vật gì, trừ một thứ chim muông (mouette) bay từng đàng [đàn] rất đẹp nhưng thịt lại hôi không ăn được. Lách mình vào giữa đảo, lá vàng rụng đầy đất, bước lên êm như đi trên thảm. Không một tiếng động, trừ ra tiếng sóng vỗ bờ xa xa: thật là một cảnh êm đềm như mộng.

    Trước hết tôi gặp một bọn người Nhựt.

    Họ đến đó tất cả là 56 người chia làm hai đội. Một đội ở trên bộ phá rừng làm nhà hiện đã xong ba cái nhà cây lợp kẽm và hiện đang làm thêm một cái to hơn. Một nữa làm cá dưới bể. Người cai quản có hơi biết tiếNg Anh nên tôi với họ cũng có thể hiểu nhau được. Theo họ, thì gần hết người ở đấy đều là thổ dân Đài-Loan chỉ có 3 người quê ở Nhật-bổn. Mỗi tháng có một chuyến tàu của công ty (tiệm chánh của công ty nầy là ở Đài Loan) (*) đưa gạo muối sang và mang cá ướp, cá muối, rùa và cẩn xa cừ họ làm được về Công-ty Nhật nầy không lấy phosphate như công ty trước. Cơ nghiệp họ ở đảo Boisée cũng nhỏ hơn trước nhiều, vì với cái hình trạng của họ hiện thời và những dấu vết của công ty trước để lại có thể quả quyết thế được. Ngay trước trại họ đóng còn thấy một cái nồi “súp de” cao hơn ba thước và vài chục thùng kẽm to tướng nằm ngổn ngang. Lại nhiều bức tường và hầm bằng béton [bê tông] đổ nát, chứng rằng cơ sở của công ty trước kia phải to lớn. Một cái cầu sắt bắt nằm ra bể [biển], nay chỉ còn lại những thanh sắt mục rơi dài dưới đáy nước, tình cờ đo tắm mới trông thấy.

    Bọn người Nhựt nầy chỉ toàn đàn ông. Họ ở đó một thời kỳ 8 tháng; đến mùa gió bảo họ lại về xứ, đổi một ê-kíp khác sang. Cơ nghiệp họ, hiện nay chưa có gì. Theo như hôm chúng tôi đến viếng họ thấy cá ướp cũng chẳng có bao nhiêu và nhà cửa cũng còn sơ sài lắm.

    Trên đảo trừ những người Nhựt ra, còn thấy nhiều mồ mã của ngư phủ Tàu không biết vì chết đuối hay đến làm ăn ở đây mà mạng vong. Nhưng đều [điều] đáng chú ý nhứt là một cái miếu con ở gần trại của người Nhựt. Theo kiến trúc ấy thật cũng khó phân biệt được của ta hay của Tàu, nhưng phần nhiều đều cho là của ta, của đội Tây sa [Hoàng sa] lập nên từ đời Minh Mạng. Nói vậy tưởng cũng không phải là vô lý.

    Chúng tôi từ giả đảo Boisée vào khoản [khoảng] sáu giờ chiều sau khi đã để lại cho mấy người Nhựt ít bao thuốc lá (French Tobacco) và ít đồng hào Đông-dương làm kỷ niệm và sau khi đã nhận được vô số võ nghiêu hào và xát [xác] cây san-hô đủ hình và đủ mùi tuyệt đẹp.

    Quần đảo Paracels có 5 đảo chánh là: Boisée [đảo Phú Lâm], Robert [đảo Hữu Nhật], Brummond [Drummond, đảo Duy Mộng], Dunran [Duncan, đảo Quang Hòa] và Patte [đảo Hoàng Sa] (**), ba đảo kể giữa không quan hệ mấy vì diện tích nhỏ không có cây to nên tàu chỉ dừng lại mỗi nơi ít giờ thôi. Trên đảo chẳng có gì cả trừ ra vài cái mộ người Tàu và ròng một thứ cây nhỏ đã thấy ở đảo Boisée. Tôi quên nói mỗi đảo xa nhau chừng 3, 4 chục cây số, tàu phải chạy hằng giờ mới đến.

    Trong khi tàu bỏ neo trước đảo Brummond [Drummond, đảo Duy Mộng], tối đến đã thấy tận chân trời một ngọn đèn phare nhấp nháy. Ngọn đèn ấy của sở địa dư Đông-dương đặt ở đảo Patte từ Novembre 1937 để giúp các nhà hàng hải tránh sự hiểm nghèo quanh quần đảo ấy trong những đêm gió bão mịt mù.

    (Chú thích: (*) Đài Loan lúc này là thuộc địa của Nhật) (**) Tên tiếng Anh của các đảo này là đặt theo tên của các sĩ quan, nhân viên điều hành của công ty East India Company tức công ty Đông Ấn của người Anh)

    Ở đây tác giả Vĩnh Phúc cho biết ngọn đèn hải đăng trên đảo Hoàng Sa được Sở địa dư Đông Dương (Service Géographique de l’Indochine) xây và hoạt động từ tháng 11 năm 1937. Sở địa dư Đông Dương được thành lập ngày 5/7/1894 tại Hà Nội có trách nhiệm chính là sản xuất các bản đồ cho toàn Đông Dương.

    Hình 27 – Service géographique – Une des salles de dessinateurs annamites – Sở Địa dư – Một trong các phòng của những người vẽ An Nam (nguồn: Recueil. Séjour d’un cartographe militaire français en Indochine 1896-1900, https://gallica.bnf.fr/ark)

    Nhờ vào sự hoạt động của hải đăng đã giúp cho các tàu của nhiều nước đi trên biển Đông trong khu vực quần đảo Hoàng Sa tránh được sự nguy hiểm đắm tàu.

    Ông Vĩnh Phúc viết tiếp về ngọn hải đăng và dự định của chính phủ Đông Dương thiết lập đài thiên văn ở đảo Patte (Hoàng Sa) và sự giàu có về hải sản ở quần đảo này

    “Trưa hôm sau tàu mới đỗ trước đảo Patte. Đảo nầy cũng bé nhỏ hơn đảo Boisée, nhưng quan hệ hơn là vì nó nằm gần bờ bể [biển] Đông-dương nhứt. Cũng như ở đảo kia, đảo nầy không có cây to.

    Ngọn đèn phare đặt về phía tây đảo, thắp bằng hơi đá (acétylène) sáu tháng phải ra thay một bận. Cách đó chừng 100 thước có một cái miếu nhỏ; sau miếu lại có một tượng đá hình người đàn bà chắp tay trước ngực. Tượng cao chừng 1m50, chạm trỗ rất đẹp. Có lẽ là của người Tàu làm chài lưới đem đến đó thờ.

    Trên đảo Patte hiện nay là nơi căn cứ của đội lính tập An Nam. Chánh phủ không những muốn lập ở đó một đài thiên văn còn muốn làm nơi trú ngụ cho những người chài lưới An Nam ra đó làm nghề.

    Tôi không muốn bàn những sự lợi ích về việc dụng binh, hay là một vấn đề gì khác, tôi chỉ tiếc ở dãy Tây-sa [Hoàng Sa] còn biết bao nhiêu mối lợi có thể nuôi sống biết bao nhiêu là gia đình. Annam bấy lâu chỉ lo bo bo quanh nhà để chịu đói cực. Không kể đến những mỏ phosphate, riêng một nghề câu cá cũng đủ làm giàu. Nhiều thủy thủ trên tàu la Marne thả sợi giây có lưỡi câu móc miếng thịt bò mà cũng có thể kéo lên được nhiều con cá rất to và rất ngon. Nếu người ta biết dùng những khí cụ thích hợp thì kết quả tất phải mĩ mãn lắm.

    Sau một tuần linh dinh trên mặt bể bước chơn lên đất bằng thật là một sự thích chí. Lúc bây giờ thật là cũng chưa ngờ mấy hòn đảo khô khan ấy ngày nay lại thành một mối tranh dành của hai cường quốc và biết đâu không vì nó mà thay đổi cuộc diện Thái bình dương

    Vĩnh-Phúc”

    Ngọn hải đăng trên đảo Hoàng Sa, mặc dầu chỉ bắt đầu hoạt động từ tháng 11 năm 1937, nhưng dự định thiết lập ngọn hải đăng này bắt đầu từ năm 1899, như trong tài liều của ông Lapicque “À propos des iles Paracels”, khi toàn quyền Đông Dương, ông Paul Doumer, chỉ định thiết lập hải đăng (phare) trên một đảo của quần đảo Hoàng Sa. Một sự điều nghiên đã được hoàn tất, tuy vậy bản báo cáo nghiên cứu này “nằm ngủ” trong thùng hồ sơ của Sở hàng hải thuộc sở công chánh (Service Maritme aux Travaux publics), đề án thực hiện này đã bị hoãn vì chi phí cao để xây và bảo trì ngọn hải đăng. Ngân sách Đông Dương có những đòi hỏi các công trình khác khẩn cấp hơn (5).

    Trong bức thư ngày 25 tháng 12 1927 của toàn quyền tạm thời (Montguillot) gởi cho Bộ trưởng thuộc địa cho biết trong một buổi họp giữa trưởng phòng Sở ngoại vụ của chính phủ toàn quyền Đông Dương với ông Kurosawa, tổng lãnh sự Nhật Bản, ông có hỏi viên chức Sở ngoại vụ là có thể cho ông ta biết như là một “ngoại lệ đặc biệt”, vài dấu hiệu của Đông Dương cho biết về tình trạng lãnh thổ của vài nhóm đảo và rặng san hô ở biển Đông giữa vĩ tuyến 7o và 12o N và trung tuyến 111o và 118o E. Ông Kurosawa cho biết rằng những nhóm đảo này được biết là quần đảo Hoàng Sa nằm ngoài phạm vi tứ giác của Nhật trên biển và vì thế chính phủ Nhật không quan tâm đến. Bức thư vì thế cho tổng trưởng thuộc địa biết là người Pháp, qua chủ quyền của chính phủ Việt Nam trên quần đảo này, có quyền tuyệt đối trên quần đảo Hoàng Sa. 

    “Do đó sự cần thiết không thể tránh khỏi là chiếm đóng những đảo này. Dĩ nhiên về mặt kinh tế thì lúc này nước Pháp không có lơị gìì trong giai đoạn đầu nhưng Pháp không thể bỏ lỡ cơ hội tiếp tục chính sách truyền thống quảng đại và nhân đạo mà không thiết lập trên những đảo nguy hiểm này một hải đăng hay trạm khí tượng làm cho an toàn sự giao thông ở vùng biển Đông này.

    …  chúng ta không thể thờ ơ và hy vọng rằng nước chúng ta sẽ sớm quyết định cắm cờ chúng ta trên những đảo nhỏ này và đảm bảo an toàn lưu thông trong tất cả vùng chung quanh quần đảo Hoàng Sa.” 

    (Ile Paracels, La Géographie: bulletin de la Société de géographie, Société de géographie, Paris, pp. 232-243, 11/1933)

    Như vậy sau khi biết Nhật không quan tâm, người Pháp bắt đầu mạnh mẽ hơn trong sự khẳng định chủ quyền của Đông Dương trên quần đảo Hoàng Sa. Chỉ bắt đầu từ` tháng 1 năm 1929, người Pháp mới bắt đầu tìm hiểu xem xét trong ngân khố tài liệu của triều đình Huế về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Công sứ Trung Kỳ, ông Le Fol, được toàn quyền Đông Dương chỉ định xem xét trong kho dữ liệu của triều đình. Bản báo cáo của ông Le Fol cho biết đến đầu thế kỷ 19, quần đảo Hoàng Sa vẫn hoang vu và vào năm 1816 vua Gia Long cắm cờ tuyên bố chủ quyền Việt Nam và một đội quân chiếm đóng Hoàng Sa.  Tư liệu trong Đại Nam Nhất Thống Chí đã cho biết cũng như tài liệu của giám mục Jean Luis Taberd, dịch từ một bài tiếng Anh đăng trên tập san Hội nghiên cứu Á Châu Bengal (Société asiatique du Bengale, Asia Society of Bengal) về sự kiện trên. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải gồm 70 người được tuyển từ làng Vĩnh An có nhiệm vụ canh giữ quần đảo Hoàng Sa.

    Năm 1929, toàn quyền Đông Dương, ông Pasquier, đã chấp nhận là Việt Nam có đủ chứng cớ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa trước khi Trung Hoa năm 1909 gởi hai tàu đến tuyên bố chủ quyền. Từ đó chính quyền Pháp khẳng định chính thức chủ quyền của Đông Dương trên quần đảo Hoàng Sa.

    Tham khảo

     (1) Écho Annamite, 2/8/1939  

    (2) Saigon, 9/7/1938, 11/7/1938, 12/7/1938

    (3) L’Éveil économique de l’Indochine, 21/2/1932,  23/4/1933

    (4)  L’Institut océanographique de l’Indochine / Exposition coloniale internationale, Paris, 1931, Indochine française, Section des sciences, Impr. d’Extrême-Orient (Hanoï), 1931.

    (5) Olivier Saix, Ile Paracels, La Géographie: bulletin de la Société de géographie, Société de géographie, Paris, pp. 232-243, 11/1933. 

    (6) Tràng An báo, 22/7/1938, 26/7/1938, 29/7/1938

    https://usvietnam.uoregon.edu

    Đọc thêm: Nghiên cứu khoa học


    Không có nhận xét nào