Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 19 tháng 10 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ông Blinken: Trung Quốc muốn đẩy nhanh mốc thời gian chiếm Đài Loan 

    Tác giả Tom Ozimek 

    Thứ tư, 19/10/2022

    Ông Blinken: Trung Quốc muốn đẩy nhanh mốc thời gian chiếm Đài Loan

    Ngoại trưởng Antony Blinken nói chuyện với các phóng viên tại Đại học Stanford ở Stanford, California, hôm 17/10/2022. (Ảnh: Josh Edelson/AFP/Getty Images) 

    Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc có ý định chiếm Đài Loan theo một “tiến trình thời gian nhanh hơn nhiều” so với những gì đã dự kiến trước đây, theo Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã cảnh báo rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm giành quyền kiểm soát hòn đảo tự quản này, có khả năng bằng vũ lực. 

    Hôm 17/10, ông Blinken đã đưa ra nhận xét này tại một sự kiện do Viện Hoover và Đại học Stanford đồng tổ chức, cùng với cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice. 

    Ông đi sâu vào chủ đề xung đột địa chính trị bằng bài diễn văn đầu tiên về tình hình ở Ukraine, nói rằng điều đó “làm phiền tất cả chúng ta một cách sâu sắc” và rằng Nga đang cố gắng thay đổi đường biên giới bằng vũ lực và “khuất phục quốc gia khác theo ý muốn của mình.” 

    Ông Blinken sau đó đã quay sang chủ đề Trung Quốc, nói rằng đất nước dưới quyền cai trị của ông Tập đã trở nên “bức chế hơn ở trong nước” và “hung hăng hơn ở ngoại quốc.” 

    “Trong nhiều trường hợp, điều đó đặt ra một thách thức đối với lợi ích của chúng ta, cũng như giá trị của chúng ta,” ông tiếp tục, đồng thời lập luận rằng Hoa Kỳ đang tìm cách duy trì trật tự quốc tế tự do thời hậu Đệ nhị Thế chiến, còn Trung Quốc lại nhắm đến việc áp đặt một “trật tự phi đạo đức sâu sắc” về các vấn đề thế giới. 

    Trong nhiều thập niên và cả dưới thời chính phủ Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, một dấu hiệu nổi bật trong chính sách của Hoa Kỳ là cam kết giải quyết một cách hòa bình những khác biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan, ông nói, và cho biết thêm rằng cách tiếp cận này, cho đến gần đây, đã “thành công vang dội.” 

    Mặc dù Hoa Kỳ đã chấm dứt bang giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 và chuyển sang công nhận Bắc Kinh theo chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì mối bang giao không chính thức bền chặt với Đài Bắc và bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc cung cấp cho nước này những vũ khí cần thiết để tự vệ. 

    Ông Blinken cho biết chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan đã được quản lý tốt và theo cách tránh được xung đột với Bắc Kinh trong khi cho phép người dân Đài Loan “thực sự phát triển.” Nhưng điều đó hiện đang thay đổi. 

    Ông Blinken nói: “Đã có một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Đài Loan trong những năm gần đây.” 

    Ông tiếp tục: “Thay vì gắn bó với nguyên trạng đã được thiết lập theo hướng tích cực, thì một quyết định căn bản cho rằng nguyên trạng đó đã không còn được chấp nhận và Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất theo một tiến trình thời gian nhanh hơn nhiều.” 

    “Và nếu các biện pháp hòa bình không khởi tác dụng, thì họ sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế và có thể, nếu các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả, thì sẽ dùng đến biện pháp vũ lực — để đạt được các mục tiêu của họ. Và đó là những gì đang phá vỡ sâu sắc hiện trạng và tạo ra căng thẳng to lớn,” ông Blinken nói thêm. 

    Lời nhận xét của ông được đưa ra một ngày sau khi ông Tập nói tại Đại hội Đảng Cộng sản kéo dài hai lần một thập niên hôm 16/10 rằng “bánh xe lịch sử đang lăn bánh hướng tới sự thống nhất của Trung Quốc” với Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh nhìn nhận là một tỉnh nổi loạn. 

    Mặc dù ông Tập nói rằng việc đưa Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh tốt nhất sẽ được thực hiện một cách hòa bình, nhưng ông lại cho rằng chế độ cộng sản vẫn bảo lưu “lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết.” 

    Các quan chức trong chính phủ ông Biden đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự ở Eo biển Đài Loan nhằm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. 

    Trong một số trường hợp, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Đài Loan tự vệ trước cuộc xâm lược của các lực lượng cộng sản Trung Quốc.

    Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gia tăng kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đến thăm Đài Loan hồi tháng Tám, với việc Bắc Kinh đáp trả bằng một loạt các hoạt động tập trận, bao gồm cả việc bắn hỏa tiễn vào vùng biển xung quanh hòn đảo này.

    Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

    Thanh Tâm biên dịch

    Mỹ sẽ khiến Iran khó bán võ khí cho Nga 

    19/10/2022 

    Reuters 

    Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel.

    Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel. 

    Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có các bước “thiết thực, mạnh mẽ” để gây khó khăn hơn cho Iran trong việc bán máy bay không người lái và phi đạn cho Nga, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel tuyên bố hôm 18/10 và nói thêm rằng Washington đã có một số công cụ để buộc cả Moscow và Tehran phải chịu trách nhiệm.

    Ông Patel, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, nói các biện pháp đó có thể bao gồm các chế tài và kiểm soát xuất khẩu.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước thiết thực, mạnh mẽ để khiến việc bán vũ khí này trở nên khó khăn hơn, bao gồm các chế tài, các hành động kiểm soát xuất khẩu đối với bất kỳ thực thể nào liên quan”.

    “Việc Nga làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh với Iran là điều mà toàn thế giới - đặc biệt là các nước trong khu vực - nên coi là một mối đe dọa sâu sắc.”

    Ukraine cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất trong các cuộc tấn công mấy tuần gần đây. Iran phủ nhận việc cung cấp và hôm 18/10 Điện Kremlin cũng phủ nhận việc sử dụng chúng.

    Reuters ngày 18/10 loan tin Iran hứa với Nga rằng họ sẽ cung cấp phi đạn đất đối đất và nhiều máy bay không người lái hơn.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá rằng máy bay không người lái của Iran đã được sử dụng hôm 17/10 trong một cuộc tấn công vào giờ cao điểm tại thủ đô Kyiv của Ukraine, một quan chức Mỹ nói. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karinne Jean-Pierre cũng cáo buộc Tehran nói dối khi nói rằng máy bay không người lái của Iran không được Nga sử dụng ở Ukraine.

    Vào tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài đối với một công ty Iran mà họ cáo buộc điều phối các chuyến bay quân sự để vận chuyển máy bay không người lái của Iran đến Nga cùng với ba công ty khác mà họ cho là có liên quan đến việc sản xuất máy bay không người lái của Iran.

    Đức : Chủ tịch cơ quan an ninh mạng bị cách chức vì bị nghi có liên hệ với tình báo Nga

    19/10/2022

    Ông Arne Schönbohm, nguyên chủ tịch cơ quan an ninh mạng, bộ Nội Vụ Đức. © Photo prise par Ordercrazy, Wikimedia commons 

    Trong bối cảnh quan hệ Nga - Đức căng thẳng do tác động từ chiến tranh Ukraina, từ khoảng chục ngày qua, Arne Schönbohm, chủ tịch Cơ quan An ninh Công nghệ Thông tin Liên bang, trực thuộc bộ Nội Vụ Đức, bị chỉ trích về mối liên hệ với chính quyền Nga. Sự thật dù chưa được làm sáng tỏ, nhưng bộ trưởng Nội Vụ Đức, Nancy Faeser ngày 18/10/2022 đã quyết định bãi nhiệm ông Arne Schönbohm. Berlin hiện giờ lo ngại về nguy cơ Matxcơva cho tiến hành các hoạt động phá hoại ngầm tại Đức. 

    Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết thêm chi tiết :

    « Niềm tin cần thiết của công luận vào tính trung lập và không thiên vị của cơ quan đang có vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh tổng hợp của Nga như hiện nay ». Đây là giải thích trong ngày hôm qua của phát ngôn viên bộ Nội Vụ Đức, bộ chủ quản Cơ quan an ninh mạng (BSI), về việc bãi nhiệm lãnh đạo cơ quan này.

    Arne Schönbohm, tại vị từ 6 năm nay, bị các phương tiện truyền thông chỉ trích là có mối liên hệ gần gũi với một hiệp hội tư vấn an ninh mạng do ông đồng sáng lập cách nay 10 năm. Một trong những thành viên của hiệp hội này bị nghi ngờ có liên hệ với tình báo Nga. Chủ tịch hiệp hội là người thân cận với chính quyền Matxcơva và đã được mời làm quan sát viên trong kỳ bầu cử tổng thống Nga vừa rồi.

    Bộ Nội Vụ nhấn mạnh cần tôn trọng nguyên tắc giả định vô tội. Một chuyên gia của đảng Xanh, thuộc phe đa số cầm quyền, lấy làm tiếc rằng những lời chỉ trích nhắm vào lãnh đạo bị bãi nhiệm của cơ quan an ninh mạng không thật cụ thể. Nhưng hình ảnh của tổ chức đã bị tổn hại, trong khi mối đe dọa của Nga trong lĩnh vực này lại thường xuyên được nhắc đến. Các cuộc tấn công gần đây nhắm đến đường ống dẫn khí đốt Nordstream hay một vụ ngầm phá hoại đường sắt quy mô lớn hồi đầu tháng 10 lại làm dấy lên các cuộc tranh luận.

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ra tập 3 của video “Đối thoại với Nhân dân Trung Quốc”

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/cuu-bo-truong-ngoai-giao-HK.jpg

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã phát hành tập thứ ba của loạt video “Đối thoại với Nhân dân Trung Quốc” (Ảnh chụp màn hình video ghi tại Viện Hudson). 

    Ngày 18/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát hành tập thứ ba của loạt video “Đối thoại với nhân dân Trung Quốc”, gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là lý do chủ chốt khiến quan hệ Mỹ – Trung tồi tệ.

    Sau đây là bài phát biểu dài hơn 2 phút của ông Pompeo hiện là Chủ tịch Ban cố vấn của Trung tâm Trung Quốc – Viện Hudson.

    “Xin chào các bạn, đây là Mike Pompeo, tôi đang nói chuyện với các bạn tại Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson. Trong 1000 ngày làm việc tại Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã đánh thức thế giới tự do trước nguy cơ ĐCSTQ. Thách thức đó là ĐCSTQ đe doạ thế giới tự do và đàn áp người dân Trung Quốc.

    Nói thẳng thắn, tôi ngạc nhiên tại sao cho đến chính quyền Trump thì chúng ta mới bắt đầu làm điều đó.

    Con trai tôi gọi đó là một trong những cách diễn đạt dí dỏm của bố, vì vấn đề liên quan ‘nguy cơ Đỏ’ của ĐCSTQ.

    Tôi nghĩ chúng tôi đã mất nhiều thời gian để nhận ra vấn đề này, bởi vì người Mỹ lạc quan. Có lẽ chúng tôi quá chân thật.

    Mỹ muốn xây dựng tình hữu nghị với Trung Quốc. Và mối quan hệ của chúng tôi lâu đời hơn nhiều so với quan hệ với ĐCSTQ. Rất lâu trước khi Richard Nixon đến thăm Bắc Kinh vào năm 1972, vào năm 1861 Tổng thống Lincoln đã cử một phái viên tên là Burlingame đến Trung Quốc.

    – Như chúng ta đã biết, Burlingame rất được ngưỡng mộ từ người Hoa và người Mỹ ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

    Trong chính quyền Trump,

    Chúng tôi có rất nhiều tweet về ‘người tên lửa nhỏ’ [tức lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un] , nút vũ khí hạt nhân, [tác phẩm] ‘Lửa và cuồng nộ’ [Fire and Fury: Inside the Trump White House]. Nhưng chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi muốn ngăn chặn hành vi gây hấn.

    Chúng tôi biết rằng các chế độ như ĐCSTQ là những kẻ xâm lược.

    Mỗi năm ĐCSTQ lấy đi của người Mỹ việc làm và hàng trăm tỷ đô la. Họ truyền bá những lời tuyên truyền và dối trá yêu ma hóa nước Mỹ.

    Họ theo dõi chúng ta thông qua TikTok, Huawei và các công nghệ khác.

    Họ thực hiện việc xây dựng quân đội thời bình lớn nhất trong lịch sử. Họ đang cố gắng che đậy sự thật về đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

    Mỹ rõ ràng không phải là kẻ xâm lược.

    ĐCSTQ cũng gây áp lực cho người Úc, Canada, Séc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và bất kỳ ai đăng hình ảnh gấu Pooh trên WeChat.

    Tóm lại, người dân Trung Quốc sống dưới giám sát và kiểm duyệt gắt gao nhất trên thế giới, sống trong cảnh bố thí từ một Chính phủ lưu manh.

    Vậy vấn đề nằm ở đâu? Đó là mấy chữ: Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

    Kể từ ngày 13/9, Viện Hudson, một tổ chức tư tưởng bảo thủ ở Mỹ nơi cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo làm việc, đã tung ra một loạt video về các bài phát biểu của ông Pompeo, nhằm mục đích đối thoại với người dân Trung Quốc và vạch trần sự cai trị của ĐCSTQ, video đã thu hút chú ý rộng rãi.

    Chủ đề của tập đầu tiên là “ĐCSTQ không đại diện cho nhân dân Trung Quốc”; tập thứ 2 được phát hành ngày 26/9 và có tựa đề “ĐCSTQ xuyên tạc về vấn đề chủng tộc của Mỹ”. Video chỉ ra việc ĐCSTQ tuyên bố đại diện cho Trung Quốc và nền văn minh Trung Hoa là phát ngôn giả dối mà chính họ tự biết. Vì một chính phủ thực sự đại diện cho nhân dân sẽ không chi tiêu cho việc trấn áp và giám sát người dân nhiều hơn chi tiêu quốc phòng.

    Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ đã không hài lòng về điều này. Đầu tháng này, cựu Ngoại trưởng Pompeo đã tweet một bức thư từ ĐCSTQ gây sức ép với Viện Hudson, ông viết rằng “ĐCSTQ muốn ngăn cản tôi nói sự thật, đây là điều không thể”.

    Tiêu Nhiên, Vision Times

    Nhật Bản gấp rút tái vũ trang trước tham vọng xâm lược Đài Loan của Trung Quốc

    Ngân Hà (theo Reuters)

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/wd-japan_army_-_kazuhiro_nogiafpgetty_images.jpg

    Giữa Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra từ Chủ nhật (16/10) và lần Đại hội tiếp theo vào năm 2027, Nhật Bản sẽ tiến hành hoạt động xây dựng vũ khí lớn nhất kể từ Thế chiến II trong một cuộc đua nhằm ngăn chặn Bắc Kinh leo thang quân sự ở Đông Á, theo các quan chức chính phủ Nhật Bản và các nhà phân tích an ninh.

    Nhật Bản xác định Trung Quốc là đối thủ chính trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019, lo ngại rằng việc Bắc Kinh liên tục gây áp lực lên Đài Loan và hiện đại hóa quân sự nhanh chóng gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Theo các chuyên gia an ninh, lo lắng đó càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, và điều này cũng khiến sự phản đối của công chúng Nhật Bản đối với việc tái vũ trang dần suy giảm.

    Takashi Kawakami, giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, cho biết chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ ràng nguy cơ và sẽ làm bất cứ điều gì có thể. Ông nói thêm, vào năm 2027 khi thời điểm cán cân quyền lực của Đông Á có thể nghiêng về phía Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản có thể tập hợp sự ủng hộ để tăng chi tiêu quốc phòng.

    Ngoài việc là lần tiếp theo các đại biểu Đảng Cộng sản tập trung tại Bắc Kinh, năm 2027 còn là cột mốc quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và kỷ niệm 100 ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Tại cuộc điều trần trước Quốc hội năm ngoái, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể “lộ diện” trong năm đó.

    Đối với Nhật Bản, để mất Đài Loan vào tay Trung Quốc đại lục kiểm soát có thể là một thảm họa vì nó sẽ gây nguy hiểm cho các tuyến vận tải chính cung cấp gần như tất cả dầu cho Nhật Bản và nhiều nguyên liệu mà nước này sử dụng để sản xuất. Nó cũng sẽ cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận Tây Thái Bình Dương từ các căn cứ trên đảo.

    Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản tham gia vào các kế hoạch quốc phòng cho biết: “Có nhiều sắc thái ý kiến ​​khác nhau, nhưng nhìn chung, các quan chức chính phủ có cùng quan điểm về tầm quan trọng của năm 2027.”

    “Điều này đã được thảo luận trong nội bộ”, ông nói thêm, yêu cầu không nêu danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Nhật Bản đang sử dụng Trung Quốc như một cái cớ để tăng cường quân sự.

    “Các lực lượng chính trị ở Nhật Bản đã nhiều lần sử dụng Trung Quốc như một cái cớ để cố tình thổi phồng căng thẳng khu vực. Khi làm như vậy, phía Nhật Bản chỉ tìm cớ để củng cố quân đội và mở rộng quân đội của mình”, Bộ này cho biết.

    Tại đại hội ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đẩy nhanh kế hoạch xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới của Trung Quốc và tuyên bố đất nước của ông sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Lan.

    Vấn đề Đài Loan

    Các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc làm cho nước này khó có thể cam kết trực tiếp bảo vệ Đài Loan. Nhưng với lãnh thổ gần nhất của Nhật Bản chỉ cách hòn đảo khoảng 15 km, nước này có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Bắc Kinh.

    Một quan chức chính phủ Nhật Bản khác tham gia vào kế hoạch cho biết Trung Quốc có thể cố gắng chiếm các đảo của Nhật Bản gần với Đài Loan để thiết lập hệ thống phòng không và chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào.

    Vào tháng 8, Trung Quốc đã phóng tên lửa vào vùng biển cách các đảo này chưa đầy 160 km trong các cuộc tập trận sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

    Các căn cứ quân sự, sân bay, cảng biển và các trung tâm hậu cần khác của Nhật Bản cũng có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc vì chúng sẽ là nơi tập trung lực lượng Mỹ.

    Yasuhiro Matsuda, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo và là cựu nghiên cứu viên cấp cao của Bộ Quốc phòng, cho biết khi xây dựng kế hoạch phòng thủ, Nhật Bản cần xem xét kịch bản Washington không đáp trả cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.

    Chạy đua vũ trang

    Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mà nước này gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đã giúp chuyển biến dư luận ở Nhật Bản khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến, vốn đã thống trị chính sách quốc phòng trong nhiều thập kỷ.

    Trong một cuộc thăm dò dư luận do đài truyền hình NHK công bố vào tháng này, 55% trong số 1.247 người được khảo sát cho biết họ ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng, so với 29% phản đối. Trong số những người ủng hộ phát triển quân đội hùng mạnh hơn, 61% cho rằng Nhật Bản nên làm bằng việc cắt giảm chi tiêu công.

    Vào tháng 7, Thủ tướng Fumio Kishida đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện quốc gia với cam kết tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông hứa sẽ tăng gấp đôi ngân sách quân sự lên khoảng 10 nghìn tỷ yên trong vòng 5 năm.

    Số tiền tăng thêm này đó sẽ dùng để chi trả cho các tên lửa tầm xa hơn có thể tấn công tàu chiến ở xa và các mục tiêu trên bộ ở Trung Quốc hoặc Triều Tiên.

    Các dự án lớn bao gồm máy bay chiến đấu phản lực mới để triển khai vào những năm 2030, rất có thể sẽ được hợp nhất với máy bay tàng hình Tempest do Anh đề xuất. Việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp của Mỹ như Lockheed, Boeing và Northrop Grumman Corp.

    Thủ tướng Kishida sẽ tiết lộ chi tiết về kế hoạch chi tiêu quân sự vào tháng 12 cùng với một chiến lược an ninh được cải tiến. Chiến lược đó được kỳ vọng sẽ mang lại cho Nhật Bản vai trò an ninh khu vực lớn hơn bên cạnh Hoa Kỳ, quốc gia có hàng nghìn quân, hàng trăm máy bay và hàng chục tàu chiến được triển khai tại Nhật Bản.

    Các nhà phân tích cho rằng, sự tập trung của Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ không bị lung lay, ngay cả khi đối thủ hàng đầu của họ, Triều Tiên, đang trong chu kỳ thử tên lửa mới. Sau vụ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ Kim Jong Un được cho là sẽ tiếp sau một vụ thử hạt nhân.

    Một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết, Nhật Bản muốn để Hàn Quốc dẫn đầu trong việc đối phó với nước láng giềng phương bắc hiếu chiến của mình.

    Đồng bảng Anh gần như sụp đổ — một lời cảnh báo về khủng hoảng toàn cầu 

    Tác giả Antonio Graceffo 

    Thứ tư, 19/10/2022

    Đồng bảng Anh gần như sụp đổ — một lời cảnh báo về khủng hoảng toàn cầu

    Ảnh minh họa về một người phụ nữ cầm các tờ bảng Anh, chụp vào ngày 30/05/2022. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters) 

    Sự sụt giảm của đồng bảng Anh có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. 

    Tình trạng gần như sụp đổ của đồng bảng Anh hồi tháng trước chỉ là một trong nhiều câu chuyện như vậy về các đồng tiền đang suy giảm và sự can thiệp của ngân hàng trung ương đang diễn ra trên toàn cầu. Sự việc này như một điềm báo đáng sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sắp xảy ra. 

    Đồng USD đã đạt mức cao nhất trong 20 năm. Gần như tất cả các loại tiền tệ khác đều đang mất giá, và các bước mà các chính phủ đang thực hiện để bảo vệ đồng tiền của họ đang gây ra lạm phát. Các quốc gia đang giảm dự trữ bằng đồng dollar của họ và mua vào tiền tệ riêng của nước họ, nhưng hàng hóa, dầu mỏ, và năng lượng đều được định giá bằng dollar. Nợ ngoại quốc cũng phải trả bằng dollar. Do đó, việc cạn kiệt nguồn dự trữ USD sẽ làm cho các khoản thanh toán quốc tế này trở nên đắt đỏ hơn. 

    Để giải cứu đồng bảng Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã can thiệp và mua lại số bảng Anh trị giá 73 tỷ USD. Kết quả là dự trữ ngoại tệ của Vương quốc Anh sụt giảm với mức kỷ lục là 54 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Vương quốc Anh đã giảm liên tục trong 12 tháng qua, chỉ đạt mức 171 tỷ USD trong tháng Chín. 

    Nhưng không chỉ có Vương quốc Anh thực hiện các bước như vậy. Chính phủ Nhật Bản đã chi gần 20 tỷ USD trong tháng Chín để hỗ trợ đồng yên. Ấn Độ đã chi 75 tỷ USD để hỗ trợ đồng rupee. Và Bắc Kinh đã cảnh báo các ngân hàng nhà nước chuẩn bị tiếp tục mua vào hàng loạt để cứu một đồng nhân dân tệ gặp khó khăn. Để chống lại lạm phát, vốn đã ở mức 18%, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cấm tăng giá. Vì lệnh cấm tăng giá không tác động được đến chi phí, nên các nhà cung cấp sẽ từ chối bán với giá thấp hơn, và đất nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hàng. 

    Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đang lên kế hoạch chi tiêu hỗ trợ 388 tỷ USD để chống lại giá năng lượng tăng ở Liên minh Âu Châu. Biện pháp này sẽ làm tăng lạm phát đồng thời tăng nợ. 

    Cuộc khủng hoảng gần đây xảy ra hôm 26/09 khi đồng bảng Anh mất gần 5% giá trị chỉ qua một đêm, chạm mức thấp nhất trong 37 năm. Đồng bảng Anh, thường có giá trị cao hơn một chút so với đồng dollar, gần như ngang bằng ở mức 1.035 USD so với đồng bạc xanh. Sau nhiều tháng mất giá, đồng bảng Anh có giá trị thấp hơn 21% so với hồi tháng Một. Sự lao dốc này đã diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố một kế hoạch tài khóa ứng phó mới chưa qua đánh giá tác động (mini budget) — nhằm thúc đẩy nền kinh tế — chống lại lạm phát bằng cách thực hiện cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm. Chính phủ cũng đã thông báo giảm thuế đối với việc bán địa ốc và giới hạn giá năng lượng. Đồng thời, Vương quốc Anh có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng. 

    Trong sáu tháng tới, việc cắt giảm thuế dự kiến ​​sẽ tiêu tốn của chính phủ 48.17 tỷ USD, trong khi hỗ trợ năng lượng dự kiến ​​sẽ tiêu tốn 64.12 tỷ USD. Chênh lệch giữa chi phí năng lượng thực tế và giới hạn giá của chính phủ sẽ được chính phủ trả cho các công ty sản xuất năng lượng. Và những khoản thanh toán này sẽ được tài trợ bằng nợ chính phủ tăng lên. Kết quả là, chính phủ buộc phải tăng trần nợ, cho phép họ vay nhiều hơn. 

    Trong khi đó, chi phí đi vay của chính phủ Vương quốc Anh đã tăng đáng kể do lãi suất tăng và sự hoài nghi do cam kết tăng chi tiêu và tăng nợ chính phủ của Vương quốc Anh gây ra. Nợ công của nước này vốn đã vượt quá 85% tổng sản phẩm quốc nội. 

    Cắt giảm thuế trong khi tăng chi tiêu chính phủ và nợ công đều là những chính sách nới rộng làm tăng thêm lạm phát. Hồi tháng Chín, kỳ vọng lạm phát giá tiêu dùng đã tăng lên 9.5%. Lạm phát cao sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Vương quốc Anh là hơn 9%. Ngoài ra, 39.8% thanh niên được xem là không hoạt động, có nghĩa là họ không còn tìm kiếm việc làm. Tổng số thanh niên từ 18 đến 24 tuổi “không đi học, không có việc làm, hoặc không được đào tạo” (NEET) là 12.5%. Lạm phát cao kết hợp cùng với thất nghiệp phù hợp với định nghĩa của lạm phát đình trệ. 

    Các nhà đầu tư đang bỏ phiếu bằng hành động. Trong 16 tháng qua, tiền đã liên tục chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Vương quốc Anh. Chỉ riêng trong tháng Chín, các nhà đầu tư đã rút 2.7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư của Vương quốc Anh như một kết quả của việc công bố mini budget. Đầu tư chảy ra khỏi một quốc gia sẽ khiến đồng tiền mất giá. Phần lớn đầu tư rời khỏi các quốc gia khác đang chảy vào Hoa Kỳ, tình trạng này lại đang thúc đẩy đồng dollar tăng giá. 

    Các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là Vương quốc Anh, đang vướng vào một vòng luẩn quẩn của lạm phát, giá trị tiền tệ thấp, khó khăn thanh toán quốc tế, chi phí vay nợ cao, nợ tăng, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đồng USD tăng giá, và nỗi sợ công dân chết cóng vào mùa đông này.

    Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).

    Iran đồng ý cung cấp tên lửa, máy bay không người lái cho Nga

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/ntdvn_1-79x.jpeg

    Các tòa nhà dân cư chìm trong đống đổ nát trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, hôm 18/10/2022 tại Kozacha Lopan, Kharkiv oblast, Ukraine. (Ảnh: Carl Court/Getty Images) 

    Iran đã ký thỏa thuận cung cấp cho Nga tên lửa đất đối không và nhiều máy bay không người lái, các quan chức cấp cao của Iran nói với tờ Reuters. Động thái này được cho là có khả năng ‘chọc giận’ Mỹ và các cường quốc phương Tây.

    Thoả thuận này được thống nhất vào ngày 6/10, khi Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber cùng hai quan chức của Lực lượng vệ binh cách mạng và một quan chức của Hội đồng an ninh tối cao thăm Moscow để đàm phán với Nga về việc cung cấp vũ khí.

    “Phía Nga đề nghị Iran cung cấp thêm máy bay không người lái và các tên lửa đạn đạo với độ chính xác cao, đặc biệt là tên lửa Fateh và Zolfaghar”, một nhà ngoại giao Iran cho biết.

    Tờ Reuters đưa tin, một quan chức phương Tây cũng xác nhận về thỏa thuận giữa Iran và Nga. Ông cho biết thỏa thuận này nhằm cung cấp các tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất, trong đó có Zolfaghar.

    Một trong những dòng máy bay không người lái mà Iran đồng ý cung cấp cho Nga là Shahed-136, thường được gọi là máy bay tấn công không đối đất “kamikaze”. Phương tiện này có thể mang một đầu đạn nhỏ và sẽ phát nổ khi va chạm.

    Fateh-110 và Zolfaghar là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn của Iran có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 300 km đến 700 km.

    Một nhà ngoại giao Iran bác bỏ cáo buộc của các quan chức phương Tây rằng thương vụ chuyển giao nói trên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) từ năm 2015.

    “Chúng được sử dụng ở đâu không phải vấn đề của bên bán. Chúng tôi không chọn phe trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine giống như phương Tây. Chúng tôi muốn chấm dứt khủng hoảng thông qua các biện pháp ngoại giao”, nhà ngoại giao nói.

    Trước đó, Ukraine nói rằng lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 để tấn công trong những tuần gần đây.

    Hôm 18/10, Bộ Ngoại giao Iran bác bỏ các ‘cáo buộc vô căn cứ’ về việc nước này đang cung cấp máy bay không người lái và các loại vũ khí khác cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Cùng ngày, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc rằng lực lượng của họ dùng máy bay không người lái Iran để tấn công Ukraine.

    Khi được hỏi liệu lực lượng Nga có sử dụng máy bay không người lái của Iran ở Ukraine không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông “không có bất kỳ thông tin nào”.

    “Thiết bị của Nga với danh pháp tiếng Nga đã được sử dụng. Tất cả câu hỏi tiếp theo nên được chuyển đến Bộ Quốc phòng”, ông nhấn mạnh.

    Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.

    Sự xuất hiện của tên lửa và máy bay không người lái Iran trong các cuộc tấn công của Nga chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các cường quốc phương Tây.

    Iran sẽ ‘rất nhanh’ cung cấp vũ khí cho Nga

    Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá rằng máy bay không người lái của Iran đã được sử dụng vào thứ Hai (17/10) trong một cuộc tấn công vào giờ cao điểm ở thủ đô Kyiv của Ukraine.

    Phát ngôn viên Nhà Trắng Karinne Jean-Pierre cáo buộc Tehran nói dối rằng máy bay không người lái của họ không được sử dụng ở Ukraine.

    Một quan chức ngoại giao châu Âu đánh giá rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc sản xuất vũ khí do các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực công nghiệp của nước này. Do đó, Moscow đang chuyển sang nhập khẩu vũ khí từ các đối tác như Iran và Triều Tiên.

    Nhà ngoại giao châu Âu nhận định, máy bay không người lái và tên lửa sẽ là những vũ khí mà Nga đang nhắm tới.

    Khi được hỏi về thương vụ bán tên lửa đất đối đất của Iran cho Nga, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết: “Tôi không có bất cứ thông tin gì vào thời điểm này”.

    Bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, các nhà cầm quyền Iran muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Nga để chống lại khối Ả Rập vùng Vịnh mới nổi. Theo đó, việc khối này được Mỹ hậu thuẫn có thể khiến cho cán cân quyền lực Trung Đông xa rời Cộng hòa Hồi giáo.

    Tham mưu trưởng Liên quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Hossein Salami hồi tháng trước cho biết, một số “cường quốc lớn trên thế giới” sẵn sàng mua thiết bị quân sự và quốc phòng từ Iran.

    Hôm 18/10, truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi, cố vấn quân sự của Lãnh đạo tối cao Iran, rằng hiện có 22 quốc gia muốn mua máy bay không người lái của Iran.

    Các nhà cầm quyền Iran cũng đang chịu áp lực từ các cuộc biểu tình trên toàn quốc bùng lên sau cái chết của cô gái 22 tuổi vì “trang phục không phù hợp”.

    Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 17/10 đã kêu gọi trừng phạt Iran về việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Khối này cũng nhất trí áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt riêng đối với chiến dịch trấn áp tình hình bất ổn của Tehran.

    “Phía Nga muốn mua hàng trăm tên lửa của Iran, thậm chí cả những tên lửa tầm trung, nhưng chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi có thể xuất xưởng sớm vài trăm tên lửa đất đối đất tầm ngắn Zolfaghar và Fateh 110 theo yêu cầu của họ”, một quan chức Iran nói.

    Một quan chức Đông Âu theo dõi hoạt động chuyển giao vũ khí của Nga cho biết, ông hiểu rằng thỏa thuận vũ khí này đang diễn ra mặc dù ông không có bằng chứng cụ thể.

    Một nhà ngoại giao Iran khác cho biết, Moscow đã yêu cầu cụ thể về tên lửa đất đối đất tầm ngắn Fateh 110 và Zolfaghar, và việc vận chuyển sẽ diễn ra trong tối đa 10 ngày.

    Nga tấn công bằng máy bay không người lái

    Iran đang trong đàm phán để khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đó giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lại các giới hạn đối với hoạt động hạt nhân của nước này.

    Theo tờ Reuters, đàm phán hiện đang đi vào bế tắc, do đó bất kỳ tranh chấp nào giữa Tehran và các cường quốc phương Tây về việc bán vũ khí cho Nga đều có thể làm suy yếu các nỗ lực nhằm đi đến một thỏa thuận.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, Washington nhất trí với đánh giá của Anh và Pháp rằng việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga sẽ vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ  năm 2015.

    Hồi tháng 9, Tehran đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin về việc cung cấp máy bay không người lái tấn công tầm xa Arash 2 tinh vi của Iran, ba quan chức Iran nói với tờ Reuters.

    Khi được hỏi lý do từ chối, một trong những quan chức Iran đã viện dẫn một số vấn đề rằng, có “trục trặc về kỹ thuật”.

    “Các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng lo ngại rằng, nếu Nga sử dụng máy bay không người lái Arash 2 này ở Ukraine thì người Mỹ có thể tiếp cận công nghệ của chúng tôi”, vị quan chức này cho hay.

    Lam Giang

    Người Hàn Quốc nghĩ gì về Chiến tranh Việt Nam?

    Ảnh tư liệu khoảng năm 1966, quân đội Hàn Quốc tại miền Nam Việt Nam

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ảnh tư liệu khoảng năm 1966, quân đội Hàn Quốc tại miền Nam Việt Nam

    19 tháng 10 2022

    Vào đầu tháng Mười, chính phủ Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ phim Hàn Quốc "Ba chị em" (Litte Women) khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam.

    Việt Nam nói phim này vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 4, điều 9 Luật báo chí về xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc và vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. 

    Trong phim có đoạn đối thoại mà Việt Nam cho là “ca ngợi tội ác của lính đánh thuê Hàn Quốc trong chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam giai đoạn năm 1967”, theo tường thuật trên VTC News. 

    Báo Lao Động nói: “Phim có những phân cảnh đưa nhiều dữ liệu sai lệch về chiến tranh Việt Nam và về lý do những người lính Hàn Quốc sang Việt Nam tham chiến.” 

    Câu chuyện cho thấy Cuộc chiến Việt Nam còn là vấn đề lịch sử chưa nguôi ngoai trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.

    BBC đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Eugene Y. (Gene) Park, chuyên ngành chính trị và xã hội Triều Tiên, công tác ở Đại học Nevada, Reno, Hoa Kỳ. 

    Nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard năm 1999, ông là tác giả của nhiều sách như Korea: A History (2022).

    Eugene Y. (Gene) Park: Trước khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987-1988, cách hiểu duy nhất được công khai rõ ràng về vai trò của đất nước trong Chiến tranh Việt Nam là Hàn Quốc đã sẵn sàng và tự hào hy sinh để bảo vệ tự do của Nam Việt Nam chống lại những người cộng sản.  

    Ta biết Hoa Kỳ và 15 thành viên Liên Hợp Quốc khác đã hỗ trợ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Vì vậy, lập trường công khai của Hàn Quốc về Chiến tranh Việt Nam đã thúc đẩy cảm giác tự hào về việc Hàn Quốc trả được món nợ Chiến tranh Triều Tiên cho thế giới tự do. Họ trả nợ bằng cách giúp đỡ Nam Việt Nam với tư cách là nước đóng góp quân lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. 

    Kể từ năm 1988, thái độ của Hàn Quốc đối với Chiến tranh Việt Nam lại phản ánh sự phân cực chính trị tiếp tục của đất nước khi nhìn về vấn đề Bắc Triều Tiên. Đối với phe hữu của Hàn Quốc, Triều Tiên là phản diện vì Hàn Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất của người dân Triều Tiên và do đó cuối cùng Bắc Triều Tiên phải bị tiêu diệt.  

    Còn phía cánh tả chính trị, Bắc Triều Tiên là một quốc gia đại diện cho khoảng 25 triệu trong số 80 triệu người dân Hàn Quốc và do đó phải được đối xử phù hợp. Chưa kể rằng, vào đêm trước khi đế quốc thực dân Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vào tháng 8 năm 1945, chính Hoa Kỳ đã đề xuất với Liên Xô để chia cắt Triều Tiên.

    BBC: Chiến tranh Việt Nam có chỉ là một “vấn đề nhỏ” và không ảnh hưởng đáng kể đến dư luận ở Hàn Quốc?

    Ít nhất là đối với những người Hàn Quốc ở độ tuổi học sinh tiểu học vào cuối những năm 1970 trở lên, Chiến tranh Việt Nam không phải là vấn đề nhỏ.  

    Đặc biệt xét về việc những người sinh ra những năm 1960 mà hiện đang đóng những vai trò nổi bật ở Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực, thì cách họ nói về Chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng đến dư luận.

    BBC: Chiến tranh Việt Nam được thể hiện như thế nào ở Hàn Quốc?  

    Cũng tùy. Đối với những người nghiêng về cánh tả, Hàn Quốc đã gửi quân đến Chiến tranh Việt Nam vì những ưu đãi mà Mỹ đưa ra, bao gồm nhiều hợp đồng béo bở cho các tập đoàn mới nổi của Hàn Quốc, tăng cường hơn nữa khả năng quân sự của Hàn Quốc và tái khẳng định tổng thể cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp Bắc Triều Tiên gây hấn.  

    Cánh tả của Hàn Quốc có xu hướng cởi mở trong việc thừa nhận, ví dụ, các hành động tàn bạo đối với dân thường Việt Nam do quân đội Hàn Quốc gây ra và các biện pháp khắc phục khác nhau.  

    Đối với những người nghiêng về bên hữu, Chiến tranh Việt Nam là cơ hội của Hàn Quốc để trả nợ cho Hoa Kỳ và các quốc gia "tự do" khác đã giúp đỡ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên và thực hiện nghĩa vụ là một thành viên của thế giới "tự do" để chống lại chủ nghĩa cộng sản. 

    Với nhóm này, những đau khổ của dân thường Việt Nam do quân đội Hàn Quốc gây ra là một khía cạnh đáng tiếc, không thể tránh khỏi của một cuộc chiến tranh hiện đại.  

    Còn phần lớn người Hàn Quốc giữ hoặc bày tỏ quan điểm ở giữa. Đối với họ, cũng như những người phe tả và phe hữu, Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển - có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư và khách du lịch.

    BBC: Liệu có một cuộc tranh luận về việc chính phủ và nghệ sĩ Hàn Quốc nên nói về những người lính Hàn Quốc ở Việt Nam như thế nào? Họ là anh hùng hay nạn nhân? 

    Tôi không nghĩ rằng có nhiều tranh luận. Như ở nhiều quốc gia dân chủ nơi mức độ tự do báo chí được đảm bảo đáng kể, thì ở Hàn Quốc, người sử dụng phương tiện truyền thông báo chí hoặc truyền hình có sự lựa chọn và, và nhìn chung, dư luận xã hội bị phân cực.  

    Trừ khi hai miền Triều Tiên đạt được một thỏa thuận chung sống hòa bình với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì cách người Hàn Quốc nói về những người lính trong Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự chia rẽ chính trị nội bộ ở Hàn Quốc.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce4r7l45d3po


    Không có nhận xét nào