Header Ads

  • Breaking News

    Cái giá của sự truy tìm của Lào để trở thành "bình điện" của Đông Nam Á và nguy cơ của thị trấn di sản thế giới

    (The cost of Laos’ quest to be Southeast Asia’s ‘battery’, and the World Heritage town at risk)

    Neo Chai Chin and Lee Li Wan – Bình Yên Đông lược dịch

    Channel News Asia – 30 October 2022

    07/11/2022

    Nhà máy thủy điện Xayaburi, lớn nhất ở Lào, hoàn tất năm 2019,  Một đập mạnh hơn trên sông Mekong đã được chuẩn bị.

    Lào, đánh cuộc lớn trong thủy điện để thu hút đầu tư ngoại quốc, cung cấp điện cho một vài quốc gia nhưng đang bơi trong biển nợ.  Một đập gần cố đô đã thở thành một nguyên nhân lo ngại khác, chương trình Insight cho thấy.


    VIENTIANE – Với điện xuất cảng sang Thái Lan, Việt Nam, Cambodia, Myanmar và Malaysia và cả Singapore, Lào đã thực hiện tham vọng của họ để trở thành bình điện của Đông Nam Á (ĐNA).

    Phần lớn của những xuất cảng nầy từ thủy điện.  Gần 80 đập trong quốc gia không có bờ biển, và thêm dọc theo sông Mekong đang xếp hàng, gồm có 1 đập nằm cách thị trấn Di sản Văn hóa Thế giới Unesco Luang Prabang.

    Dự trù hoàn tất trong năm 2027, đập Luang Prabang sẽ có công suất thiết trí 1.460 MW – mạnh hơn các đập khác của Lào – với hầu hết năng lượng sẽ được bán cho Thái Lan.

    Vị trí chánh của đập đã được khai quang, và dự án đã mang nhiều doanh thương cho lái đò địa phương chẳng hạn như Thid Pheu, người đưa công nhân tới lui một làng gần vị trí xây cất.

    Lái đò người Lào Thid Pheu.

    “Chúng tôi làm được nhiều tiền hơn khi việc xây cất cần nhiều công nhân hơn, vì chúng tôi lấy 20.000 kip (1,63 USD) mỗi người.”  Thid nói, thêm rằng 6 thuyền, trong số 64 tổng cộng, cung cấp dịch vụ nầy mỗi ngày.

    “Nó có lợi cho người dân sống ở nông thôn với một ít tiền.  Nếu họ làm chủ thuyền, họ có thể kiếm tiền từ việc vận chuyển người tới lui.”

    Các rủi ro liên quan đến dự án, tuy nhiên, đã trở thành một nguyên nhân để lo ngại về làm thế nào nó có thể ảnh hưởng an toàn, di sản, môi trường và các bộ phận khác của cộng đồng.

    Các đập của Lào sẽ giúp ĐNA đáp ứng với nhu cầu năng lượng gia tăng mà không phóng thích thêm carbon; thật vậy, thủy điện chiếm phần lớn nhất của năng lượng tái tạo toàn cầu, giúp các quốc gia giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của hành tinh đang ấm lên.

    Biểu đồ trên đây cho thấy thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo hàng đầu.

    Nhưng với cái giá ra sao, chương trình Insight tìm ra.

    “Có nhiều lo ngại về đập Luang Prabang – sẽ ảnh hưởng cuộc sống của người dân và cả các giá trị Di sản Thế giới của thị trấn,” giảng sư danh dự về địa lý nhân văn Philip Hirsch của Đại học Sydney nói.

    Nó sẽ nằm giữa Pak Beng, một đập khác đang được dự trù ở thượng lưu, và đập Xayaburi ở hạ lưu.  Nó đang được phát triển bởi PetroVietnam Power và CK Power, một chi nhánh của công ty xây cất Thái CH Karnchang.

    “Bằng cách tạo nên một hồ chứa nước dài khoảng 60 đến 70 km, và tận cùng sẽ ở điểm nơi đập khác ở thượng lưu sẽ được xây… anh sẽ thay đổi sông từ một thực thể chảy thành một loạt hồ chứa nhiều bậc,” Hirsch nói.

    Vị trí của đập Luang Prabang.

    Việc xây cất đập Luang Prabang sẽ khiến cho 26 làng gồm có 10.000 người dời cư.

    Những nơi xây đập không có hạ tầng cơ sở tốt, Chanthaboun Soukaloun, giám đốc quản trị của công ty quốc doanh Electricite du Laos, nói.


    “Thỉnh thoảng không có săn sóc sức khỏe, không có bệnh viện.  Thỉnh thoảng đường vào làng chỉ trong mùa khô,” ông nói.  “Khi chúng tôi có kế hoạch tái định cư, nó sẽ giúp (người dân) cải thiện cuộc sống của họ thay vì… (làm cho) họ nghèo hơn.”

    Hirsch, tuy nhiên, nói nghiên cứu của ông “trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đập” cho thấy ngược lại.

    Một nơi tái định cư.

    “Tôi chưa bao giờ thấy một cộng đồng bị dời cư bởi một đập có thể tái lập cuộc sống của nó, lối sống của nó, thu nhập của nó đến mức mà họ có trước khi đập dược xây,” ông nói.

    Hàng ngàn người trước đây dời cư bởi 2 đập khác trong tỉnh được tái định cư trong các làng do chánh phủ xây ở nơi khác.  Và tái định cư mang một số lợi ích, ông công nhận.

    Nhưng anh không thể sống bằng trường học và đường sá và trung tâm y tế.  Anh cần cái gì đó để tạo thu nhập.

    Luang Prabang, cố đô của quốc gia, nó cũng là nơi ở trong vùng có đường nứt và tiềm năng của động đất, ông nói.  Điều nầy gây lo ngại về an toàn đập và an toàn của người dân sống gần đó.

    Lào đã trải qua vỡ đập trong quá khứ.  Trong năm 2018, một đập phụ của dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy sụp đổ do xây cất cẩu thả, làm chết 49 người, 22 người mất tích và dời cư ít nhất 7.000 người khác.

    Đập Xe Pian-Xe Namnoy ở trong tháng 7 năm 2018 dời cư cư dân trong tỉnh Attapeu. [Ảnh: AFP]

    Không có nhiều người biết rằng 2 đập khác ở Lào bị vỡ trước tai nạn nầy, Hirsch nói.  Theo sự hiểu biết của ông, chúng không gây chết người.

    Ảnh hưởng sinh thái sâu rộng

    Không có dữ kiện, theo dõi và tham gia của các bên liên hệ thích đáng, các đập thủy điện có thể làm xáo trộn cả các cộng đồng lẫn các hệ sinh thái.  Điều nầy đã rõ ràng dọc theo sông Mekong, con sông dài nhất ở ĐNA, hỗ trợ cuộc sống của trên 50 triệu người.

    Đập Xayaburi có công suất 1.285 MW đã khiến thiếu nước thủy nông trong tỉnh Nong Khai của Thái Lan, 400 km về phía hạ lưu.  Nông dân phải nối dài ống đến bơm nước từ sông khi mực nước hạ thấp, dân làng Vinai Phrompaksa, 60 tuổi, nói.

    Và khi nước được xả, nó thường rất nhanh.  Vinai nói ông “mất mọi thứ” hồi năm ngoái khi đồng lúa của ông bị ngập.

    Ớt và cà cũng hủy hoại, cũng như ruộng thuốc lá.  Nông dân như ông thực hành luân chuyển hoa màu, gồm có trồng thuốc lá sau khi thu hoạch lúa, ông nói.  Ông mất 40.000 baht (1.490 USD) đến 50.000 baht tổng cộng.

    Vinai Phrompaksa đã làm việc trên cánh đồng nầy từ khi ông còn trẻ.

    Trong tình hình không ổn định, người dân bỏ canh tác nếu ngập lụt xảy ra thường xuyên, ông nói thêm.

    Ngăn đập sông Mekong cũng làm cho độ phì nhiêu của đất nông nghiệp lâm nguy.  Các đập thu nhận phù sa và ngăn chận “phân bón tự nhiên” nầy đi đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hirsch trích dẫn.

    Nếu các kế hoạch để phát triển thủy điện trên Mekong tiến hành, nó được tiên đoán rằng trên 90% phù sa sẽ không còn đến đồng bằng vào khoảng 2040, ông nói.

    “Chúng tôi nhìn vào sông mà bình thường có thể mang 160 triệu tấn phù sa xuống ĐBSCL.”

    Điều nầy sẽ ảnh hưởng cả Thái Lan lẫn Việt Nam, 2 quốc gia xuất cảng gạo lớn nhất trên thế giới, Anoulak Kittihoun, giám đốc điều hành của Văn phòng Ủy hội Sông Mekong, nói.



     

    insight_laos_16_rice_farming

    Trồng lúa trong lưu vực sông Mekong.

    Ảnh hưởng sinh thái quả thật sâu rộng, vì sông Mekong chảy qua 6 quốc gia, kéo dài đến 4.900 km từ nguồn ở cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa.

    Trong năm 2011, khi việc chuẩn bị để xây cất đập Xayaburi bắt đầu, những người chống đối tập họp bên ngoài tòa đại sứ Lào ở Bangkok kêu gọi ngưng dự án.  Đập sẽ gây thiệt hại cho hệ sinh thái Mekong ở dông bắc Thái Lan, họ nói.

    Dân làng cũng khởi kiện chống lại các cơ quan chánh phủ Thái gồm có Cơ quan Phát Điện Thái Lan (EGAT), sẽ mua phần lớn điện được đập sản xuất.

    Nhưng họ thua kiện, và đập lớn nhất hiện nay của Lào được hoàn tất năm 2019, được tài trợ bởi 6 ngân hàng Thái và được xây bởi một công ty Thái.


    Những người chống đối trong tháng 4 năm 2011. [Ảnh: VOA]

    Ombun Thipsuna, một đại diện từ Hệ thống Cộng đồng Đông bắc trong Bảy tỉnh của Lưu vực sông Mekong, nhớ lại một ngày trong tháng 7 năm 2019 khi đập được chạy thử và sông “thình lình hạ thấp 4 m trong một đêm”.

    Dân làng không được cho bất cứ cảnh báo, và nhiều trại nuôi cá thấy cá của họ chết, bà nói.

    Các đập “có khuynh hướng ngưng và bắt đầu”, Hirsch nói.  Chúng sản xuất điện trong lúc nhu cầu đạt đỉnh rồi giữ nước vào ban đêm, khi người dân không dùng nhiều điện.

    Điều nầy có nghĩa người dân sống ở hạ lưu chịu “dao động lớn hơn rất nhiều (trong mực nước) trên căn bản hàng ngày hay cả hàng giờ” so với tự nhiên.

     

    Philip Hirsch là giảng sư danh dự về địa lý nhân văn ở Đại học Sidney.

    Ngư dân ở Nong Khai Boomrueng Bootseethat, 67 tuổi, nói: “Sông đã thay đổi và cá đang biến mất.”

    Ngư dân ở thượng lưu cũng bị ảnh hưởng.  Trong một làng của Lào ở Chom Ngua, Hieng Xayaxavanh, 27 tuổi, đã đánh cá 14 năm và thường được 10 kg cá một ngày nhưng chỉ có thể được 1 kg hiện nay.

    “Chúng tôi thường bắt được cá lớn chẳng hạn như cá tra dầu và cá tra mập.  Nhưng nay chúng tôi không thể bắt chúng vì chúng không thể bơi qua đập (Xayaburi), anh nói.

    Ngư dân và nông dân Sengathid Dalaphone nói thêm: “Rất khó để cá bơi lên và đẻ trứng.”


    Ngư dân Lào Hieng Xayaxavanh đặt lưới với hy vọng bắt được đủ cá.

    Hầu hết cá sông Mekong là di ngư, nhưng với kiến trúc đập trên sông, cá “không còn có thể hoàn tất chu kỳ sống của chúng,” Hirsch nói.

    Vào năm 2040, nếu “vô số đập” được xây trên sông và các phụ lưu của nó như dự trù, thủy sản của lưu vực sông Mekong sẽ thấy một sự sụt giảm 40 đến 80 %, Gary Lee, giám đốc chương trình ĐNA của nhóm phi chánh phủ International Rivers, trích dẫn một nghiên cứu của Ủy hội Sông Mekong, một tổ chức liê chánh phủ.

    Các nhà đầu tư được lợi hơn cư dân

    Tại sao Lào quyết định phát triển thủy điện ngay từ đầu?  Để thu hút đầu tư ngoại quốc trực tiếp và mở thị trường Lào cho thế giới bên ngoài, bộ trưởng năng lượng và hầm mỏ Daovong Phonekeo nói.


    Trên 2/3 công suất đang hoạt động hiện nay được xuất cảng, và ông nói đóng góp của thành phần điện cho tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Lào đang tiến đến 15%.

    Tiến sĩ Daovong Phonekeo được đề cử làm bộ trưởng năng lượng và hầm mỏ hồi năm ngoái.

    “Chúng tôi đã dùng tài guyên thiên nhiên của chúng tôi để mang thịnh vượng hơn,” ông nói, thêm rằng phát triển thủy điện cũng đã “giúp trực tiếp” để gia tăng mức điện hóa từ khoảng 30% trước năm 2020 đến khoảng 95% số gia đình.

    Quốc hội của quốc gia đã chấp thuận một chiến lược để lấy 75% điện từ thủy điện và 14% từ than đá vào năm 2025, với số còn lại từ các nguồn như mặt trời và sinh khí, ông nói.

    Tại sao than, nhiên liệu hóa thạch dơ nhất, đã bò vào hỗn hợp năng lượng – chỉ từ năm 2015 – ông nói: “Chúng tôi không có dầu, không có khí đốt, nhưng chúng tôi có số lượng than khá lớn.

    “Nó sẽ giúp ổn định nguồn cung cấp (điện).”

    “Trong mùa khô, khi Lào bị thiếu hụt năng lượng, họ mua lại cái đã được xuất cảng sang Thái Lan.  Nhưng điều nầy vào khoảng gấp đôi giá bán ban đầu, không có ý nghĩa kinh tế, Lee nói.

    Gary Lee là giám đốc chương trình ĐNA của International Rivers.

    “Lào sẽ cứu xét chiến lược của mình và sự lệ thuộc vào việc phát triển thủy điện đại qui mô như một phương tiện để tạo ra thu nhập,” ông thúc giục.

    Thúc đẩy thủy điện của quốc gia mang cái giá khác: Các dự án thủy điện đại qui mô đòi hỏi vay mượn, và “việc phát triển nhanh chóng” các đập đã là một “yếu tố đáng kể trong mức nợ gia tăng ở Lào”, ông nói.

    Mức nợ công của Lào đã “gia tăng đáng kể” từ năm 2019, đạt đến 14,5 tỉ USD hồi năm ngoái và gây nguy hiểm cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Thế giới cho biết hồi tháng 4.

    Nợ công và được bảo đảm gia tăng đến 88% GDP, với thành phần năng lượng chiếm trên 30% của số nợ, “trong khi chia sẻ của nợ thương mại đã gia tăng, thêm áp lực cho việc quản lý tài sản”.

    Trong năm 2020, Lào cũng bán lưới dẫn điện cho doanh nghiệp quốc doanh Trung Hoa với giá 600 triệu USD trong việc trao đổi nợ.

    Rất rõ đối với Hirsch là việc xây đập không phải là một giải pháp kinh tế thật sự cho Lào.

    “Hầu hết tiền được làm ra từ các đập thật sự được làm cho các nhà đầu tư,  Nó không thật sự cải thiện phúc lợi của người dân Lào,” ông nói.

    “Lào cần tạm ngưng và tự hỏi cái gì thật sự mang lợi cho đa số người dân Lào, không chỉ cho sự kiện và con số của bao nhiêu đầu tư ngoại quốc (họ) có thể thu hút.”

    Chanthaboun công nhận nợ của thành phần điện và nói Electricite du Laos đã “đầu tư rất nhiều” vào đường dây dẫn điện và các trạm phụ để cho cư dân Lào – trải rộng trên môt vùng đất “khá lớn” – được tiếp xúc với điện.


    Electricite du Laos đã xây một “hệ thống khổng lồ”, giám đốc quản trị Chanthaboun Soukaloun nói.

    Chánh phủ đã yêu cầu họ giải quyết vấn đề, giám đốc quản trị nói.  “Chúng tôi hữu hiệu hơn, và đầu tư thêm của chúng tôi trong tương lai phải được xem xét cẩn thận để bảo đảm rằng (nó có thể) tự trả nợ.”

    Công ty cũng đang xem xét các dạng năng lượng sạch khác.

    Ông nói công suất mặt trời hiện nay khoảng 80 MW, trong khi Lào cũng có tiềm năng điện gió ‘khá lớn”, nhất là gần biên giới Việt Nam.  Ông trích dẫn một trại gió 600 MW đang được phát triển, sẽ cung cấp điện cho Việt Nam.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com/2022/11


    Không có nhận xét nào