Header Ads

  • Breaking News

    Ken Moriyasu - Tại sao Tập Cận Bình muốn một nội các không có bất đồng?



    Một nội các chỉ biết vâng lời của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy sẽ có những quyết định không được lòng dân trong tương lai.

    Một buổi tối tháng 11/1999, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Keizo Obuchi đang nghỉ ngơi trong căn phòng tại khách sạn Jakarta Hilton, trao đổi quan điểm với cánh báo chí tháp tùng đoàn. Ông đã đến Indonesia vào hôm đó và dường như đang có tinh thần rất phấn chấn.

    Hai hôm sau, tại Manila, ông sẽ dự bữa sáng ba bên lần đầu tiên trong lịch sử với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Châu Á đang trỗi dậy, và Obuchi mong muốn mở ra một chương mới trong quan hệ của Nhật Bản với các nước láng giềng.

    “Thưa Thủ tướng, ai là nhà lãnh đạo nước ngoài thông minh nhất mà ông từng gặp?”, một phóng viên hỏi.

    “Dễ thôi,” Obuchi trả lời. “Hồ Cẩm Đào, Phó Chủ tịch Trung Quốc, người sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất trong vài năm nữa.”

    Obuchi hồi tưởng về cuộc gặp với Hồ một năm trước đó, khi “người thừa kế Trung Quốc” đến thăm Tokyo. Lúc đó, Obuchi – còn là Ngoại trưởng – đã tiếp đón Hồ tại Nhà khách Iikura.

    Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào (phải) bắt tay Ngoại trưởng Nhật Bản Keizo Obuchi tại Nhà khách Iikura của Bộ Ngoại giao ở Tokyo vào tháng 04/1998. © Reuters

    “Vì thời gian có hạn nên tôi đã nói, ‘Thưa ngài Phó Chủ tịch, ông có phiền không nếu tôi đọc hết 11 câu hỏi mà tôi muốn hỏi ông trước, sau đó ông có thể trả lời bất kỳ câu nào mình muốn?”

    “Sau khi nghe các câu hỏi, chẳng cần ghi chú gì, Hồ Cẩm Đào đã trả lời toàn bộ 11 câu hỏi theo đúng thứ tự mà tôi nêu ra.”

    Được nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình lựa chọn, Hồ là người được giao nhiệm vụ dẫn dắt Trung Quốc bước sang một kỷ nguyên mới. Đất nước khi đó đã bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường và cần một nhà lãnh đạo thông minh, thận trọng để chèo lái con tàu.

    23 năm sau, tại đại hội toàn quốc vừa mới kết thúc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, đã bị hộ tống ra ngoài với lý do ông không được khỏe. Chủ tịch Tập Cận Bình sau đó đã thông qua một cuộc bỏ phiếu để sửa đổi điều lệ đảng, củng cố quyền kiểm soát của ông với tư cách “hạt nhân” của đảng, với một chiếc ghế trống bên cạnh.

    Hồ Cẩm Đào không phải là người duy nhất bị loại bỏ. Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cũng vậy, ông đã bị giáng chức khỏi Bộ Chính trị.

    Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi, đã được so sánh với Hồ Cẩm Đào từ khi còn trẻ, và luôn được coi là một nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai. Năm 1979, ông xếp hạng nhất ở quê nhà Hồ Bắc trong kỳ thi tuyển sinh đại học Cao Khảo, giành được danh hiệu Trạng Nguyên cao quý. Các nhà ngoại giao Nhật Bản đã đến thăm ông ở bất kỳ nơi nào ông được thuyên chuyển đến, từ Tây Tạng, Nội Mông, đến Quảng Đông, cố gắng thiết lập quan hệ từ sớm.

    Thay vì đưa Hồ Xuân Hoa vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, Tập quyết định sẽ chỉ giữ lại bên mình những kẻ trung thành.

    Quá trình ra quyết định của Trung Quốc đã chuyển từ xây dựng đồng thuận sang ép buộc thực thi. Như Tập đã lặp đi lặp lại nhiều lần, đây là một “kỷ nguyên mới” đối với Trung Quốc.

    Tuy nhiên, việc bàn luận đã bị dừng ở đây. Câu hỏi cần được đặt ra là: Tại sao Tập muốn một nội các không có bất đồng? Một số người có thể cho rằng ông đang chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo suốt đời. Nhưng Trung Quốc không phải là Triều Tiên. Thật khó để một chính trị gia như Tập, với ít thành tích nổi bật, lại có thể ở trên đỉnh quyền lực lâu đến vậy.

    Hay ông đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan? Không có gì cho thấy rằng Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn chiến lược đối với hòn đảo.

    Tuy nhiên, một giả định an toàn là Tập đã dự định tiến hành một số chính sách không được lòng dân, vậy nên ông cần một đội ngũ lãnh đạo sẽ luôn ủng hộ mình, bất kể điều gì xảy ra.

    Lauren Johnston, Giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho biết: “Đó thực chất là nội các cải cách trá hình, là một nội các thịnh vượng chung.”

    Thịnh vượng chung là khẩu hiệu mà Tập bắt đầu sử dụng vào mùa hè năm ngoái, cam kết thu hẹp bất bình đẳng thu nhập và thúc đẩy sự phát triển lấy người dân làm trung tâm. Tại cuộc họp tháng 8/2021 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của đảng, Tập đã nói về việc tăng lương cho các nhóm có thu nhập thấp, thúc đẩy sự công bằng, giúp các khu vực phát triển cân bằng hơn với nhau, và nhấn mạnh tăng trưởng lấy người dân làm trung tâm.

    Ông từng gây xôn xao khi cam kết “điều tiết hợp lý những thu nhập cao quá mức, khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp, người có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội.”

    Đương nhiên, giới nhà giàu Trung Quốc đã thể hiện sự hoài nghi đối với cam kết này. Gần đây hơn, kể từ khi đại hội toàn quốc kết thúc, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã sụt giảm do lo ngại rằng thịnh vượng chung sẽ lấn át chính sách kinh tế truyền thống.

    Thành viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Lý Cường (trái), đi sau Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 23/10. © Reuters

    Việc lựa chọn Lý Cường làm nhân vật số 2 cũng làm dấy lên hoài nghi. Xét cho cùng, với tư cách là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, ông đã làm mất lòng nhiều người khi cho phong tỏa siêu đô thị trong đợt bùng phát COVID-19 kéo dài vào đầu năm nay. Nhưng quyết định bổ nhiệm này sẽ trở nên có lý hơn nếu chúng ta xem việc Lý tuân thủ nghiêm ngặt chính sách zero-COVID của Tập, vốn là một phần trong bài kiểm tra lòng trung thành.

    “Lý Cường đã cho thấy mình sẵn sàng xử lý giới thượng lưu ở thành phố giàu có nhất Trung Quốc,” Johnston nói. Điều đó trở nên quan trọng “khi việc phân chia chiếc bánh ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì có quá nhiều miệng ăn nhưng lại ít thợ làm bánh.”

    Tại đại hội, Tập đã nhắc lại rằng đảng phải biết nhớ về cội nguồn. “Một đảng chính trị chỉ có thể đạt được sự vĩ đại dài lâu nếu nó trung thành với nguyện vọng ban đầu của mình, bất chấp những khó khăn mà nó phải trải qua,” ông nói vào ngày 23/10 khi công bố đội ngũ lãnh đạo mới.

    Johnston nhận định, “Tập muốn những người trẻ tuổi, chăm chỉ làm việc có thể tiến xa hơn, chẳng hạn như bước vào tầng lớp trung lưu, kiếm được việc làm, mua được nhà. Nếu 85% tiền lương của một thanh niên được dùng để trả tiền thuê nhà, điều đó là không bền vững.”

    Chu Kiến Vinh (Zhu Jianrong), Giáo sư tại Đại học Toyo Gakuen ở Tokyo, nói rằng việc bổ nhiệm đội hình lãnh đạo mới xuất phát từ nhận thức rằng 5 năm tới sẽ không dễ dàng. Các lệnh cấm sâu rộng mà chính quyền Biden áp dụng cho chip xuất khẩu sang Trung Quốc là một thách thức. Khôi phục hậu COVID-19 là một thách thức khác.

    “Ban lãnh đạo mới là một lực lượng đặc nhiệm,” Chu nói. “Bây giờ chiến lược đã được quyết định xong, ưu tiên là triển khai và thực thi các chính sách, chứ không phải bàn cãi về đường hướng.”

    Theo Chu, về mặt rủi ro, “Tập bây giờ đã vào đường cùng. Ông có đội ngũ của mình và giờ buộc phải mang lại kết quả.”

    Nếu sau 5 năm nữa, Tập vẫn không đạt được các mục tiêu cao cả của mình, thì rất khó để đề xuất một nhiệm kỳ thứ tư.

    Điều quan trọng là Mỹ, Nhật, và phần còn lại của thế giới phải đánh giá xem điều này có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến Đài Loan.

    Nếu việc phân chia chiếc bánh là ưu tiên hàng đầu, thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu lao vào một cuộc chiến kéo dài để chiếm Đài Loan – vốn sẽ làm tiêu hao nguồn lực của Trung Quốc và dẫn đến một chiếc bánh nhỏ hơn trước.

    Chu cho rằng “Việc thống nhất Đài Loan và nỗ lực xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại mâu thuẫn với nhau. Mục tiêu là không đánh mà thắng. Trung Quốc sẽ ưu tiên bắt kịp Mỹ về sức mạnh quốc gia tổng hợp, trong khi tránh xung đột trên chiến trường bằng mọi giá.”

    “Đó là một phiên bản mới của chiến lược ‘ẩn mình chờ thời’ của Đặng Tiểu Bình.”

    Nguồn: Ken Moriyasu, “Xi’s removal of Hu points to ‘common prosperity,’ not Taiwan invasion,” Nikkei Asia, 04/11/2022

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    Không có nhận xét nào