Header Ads

  • Breaking News

    Kevin Stocklin * - Hoa Kỳ : Các tiểu bang tham gia trận chiến trên nhiều mặt trận chống lại chính phủ, các ngân hàng, Big Tech


    Tổng chưởng lý Louisiana Jeff Landry (giữa) nói chuyện trong một cuộc họp báo tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 22/01/2020. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

    Các tiểu bang đỏ viết luật và đưa ra cáo buộc để ngăn chặn sự thông đồng giữa chính phủ và tư nhân

    2022 là một năm đầy thách thức từ các tiểu bang đỏ khi họ cố gắng chống lại những gì mà họ xem là một liên minh bất hợp pháp của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, Wall Street, và các Đại công ty Công nghệ (Big Tech) nhằm áp đặt một nghị trình cánh tả lên nước Mỹ. Cuộc xung đột này dường như đang nóng lên theo từng tháng trôi qua.

    Hồi tháng Mười, Tổng chưởng lý tiểu bang Louisiana Jeff Landry cùng Tổng chưởng lý tiểu bang Missouri Eric Schmitt đã kiện chính phủ TT Biden, cáo buộc rằng chính phủ này đã “đe dọa, lừa dối và thông đồng” với các công ty công nghệ như Facebook, Google, và Twitter để bịt miệng những người Mỹ không đồng tình với luận điệu của chính phủ. Trong điều mà các tổng chưởng lý này gọi là một “tập đoàn kiểm duyệt”, hơn 50 quan chức liên bang tại 13 cơ quan được cho là đã hợp tác với các công ty Big Tech trong nỗ lực này.

    Ông Landry nói với The Epoch Times: “Tôi tin rằng đây có thể là một trong những vụ vụ án lớn nhất được trình lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong thế kỷ này.”

    Về hồ sơ pháp lý dài 164 trang, một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng có đủ bằng chứng để cho phép vụ việc trên được chuyển sang giai đoạn tìm hiểu, và theo ông Landry thì, “kể từ khi tìm hiểu, những gì chúng tôi phát hiện ra là điều này đã vươn tới cơ quan chấp pháp của chính phủ liên bang.”

    “Họ đang làm tất cả những gì có thể để giành giật và chiến đấu nhằm ngăn chúng tôi nhận được bất kỳ thông tin nào trong số những thông tin này,” ông Landry cho biết. “Bộ Tư pháp và Tổng chưởng lý Hoa Kỳ tuyên bố rằng có một số đặc quyền đối với thông tin mà chúng tôi đang tìm kiếm; tôi muốn nhắc Tổng chưởng lý Hoa Kỳ rằng không có đặc quyền nào đối với việc vi phạm các quyền Tu chính án thứ Nhất của người Mỹ.”

    Giáo sư luật tại Đại học George Mason, ông Todd Zywicki, cho biết chính phủ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để gây áp lực buộc Big Tech phải tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của mình.

    “Trong những trường hợp chính phủ dựa vào Twitter và Facebook và các công ty này để kiểm duyệt những ngôn luận mà chính phủ cho là thông tin sai lệch, thì rõ ràng là chính phủ không chỉ đề nghị; họ đã có tất cả các loại công cụ quản lý, và họ đã thể hiện việc sẵn sàng sử dụng những công cụ đó để ép buộc ý chí của mình lên các chủ thể tư nhân,” ông Zywicki nói với The Epoch Times.

    “Tôi chỉ không nghĩ rằng mọi người nhận ra, hoặc sự thật này không bất chợt đến với họ, rằng mức độ mà các công ty này đã thực hiện hành vi xấu và sự thông đồng của họ với nhau, cũng như mức độ mà chính phủ cũng đang dựa vào họ.”

    Ông Zywicki gọi vụ kiện của các tổng chưởng lý tiểu bang là “một trong những vụ kiện quan trọng nhất, có thể là quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta.”


    Logo của công ty Facebook, một nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến và dịch vụ mạng xã hội, trên màn hình một máy điện toán xách tay. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP qua Getty Images)

    Tòa án can thiệp để ngăn chặn sự lạm quyền của chính phủ TT Biden

    Theo ông Landry, có “vô số án lệ của Tối cao Pháp viện” tuyên bố rằng vì Hiến Pháp ngăn cấm chính phủ liên bang kiểm duyệt và thực hiện các cuộc khám xét không có trát khám xét, nên Hiến Pháp cũng ngăn cấm chính phủ làm việc với các công ty tư nhân để thay mặt chính phủ thực thi những việc này.

    Ông Landry nói: “Chúng ta biết rằng chính phủ không thể bắt buộc một chủ thể tư nhân phải đi và thực thi điều mà chính phủ không thể.”

    Tuy nhiên, hiện tại các tòa án cho phép chính phủ buộc các ngân hàng phải thường xuyên rà soát hoạt động tài khoản cá nhân của người Mỹ theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng 1970. Nhưng tình huống này cuối cùng có thể đưa đến một phán quyết khác về chủ đề này nếu Tối cao Pháp viện có, trên thực tế, thụ lý vụ này. Tối cao Pháp viện hiện tại đã có một lập trường mạnh mẽ trong việc kiểm tra sự lạm quyền quá mức của chính phủ TT Biden đối với khu vực tư nhân, cũng như nỗ lực của họ trong việc tạo ra chính sách công nghiệp thông qua các cơ quan liên bang, thường là để đối phó với các vụ kiện do các quan chức ở những tiểu bang đỏ đệ trình.

    Trong vụ West Virginia kiện EPA, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết hồi tháng Bảy rằng các cơ quan liên bang không thể buộc các công ty tiện ích chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang quang năng và phong năng. Khi đi đến phán quyết này, tòa án đã xem xét một nguyên tắc được gọi là “Nguyên tắc các Vấn đề Trọng yếu” (“Major Questions Doctrine”), trong đó tuyên bố rằng các vấn đề có tầm quan trọng và tác động đáng kể đối với người Mỹ phải do các quan chức dân cử trong Quốc hội quyết định, chứ không phải do các quan chức trong bộ máy hành chính liên bang.

    Các tòa án đã phán quyết rằng hệ tư tưởng chủng tộc của chính phủ TT Biden, phù hợp với thành phần xã hội của ESG, đã vi phạm Đạo luật Dân quyền năm 1964, cấm phân biệt đối xử theo chủng tộc và giới tính. Các khoản tài trợ của chính phủ dựa trên chủng tộc của TT Biden loại trừ nông dân và các chủ nhà hàng da trắng đã bị tòa án liên bang tuyên bố là bất hợp pháp hồi tháng Sáu. Hồi tháng Một, Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng chính phủ TT Biden không thể buộc các công ty tư nhân sa thải nhân viên vì từ chối chích vaccine ngừa COVID.


    Tối cao Pháp viện trên Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn hôm 14/07/2022. (Ảnh: J. Scott Applewhite/AP Photo)

    Các tiểu bang cấm các khoản đầu tư ESG và hệ tư tưởng phân biệt đối xử

    Trong khi các tiểu bang theo đuổi các biện pháp khắc phục mang tính pháp lý, thì đồng thời họ đang soạn thảo các điều luật chống lại việc đầu tư tiền hưu trí của tiểu bang vì các lý do chính trị chứ không phải hoàn toàn vì lợi nhuận tài chính. Cho đến nay, 24 tiểu bang đã thực hiện các bước để cấm các quỹ hưu trí công của họ đầu tư vào các khoản đầu tư ESG dựa trên cơ sở này.

    Hồi tháng Tám, Florida thậm chí còn tiến xa hơn và thu hồi quyền bỏ phiếu của những người quản lý tài sản đối với cổ phần của những người hưu trí của tiểu bang. Vào tháng Tư, tiểu bang này cũng đã thông qua một đạo luật cấm phân biệt đối xử chính trị đối với nhân viên, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến các chương trình Đa dạng, Công bằng, và Hòa nhập (DEI) và Thuyết Chủng tộc Trọng yếu (CRT) trong các công ty và trường học.

    “Không ai nên được hướng dẫn để cảm thấy như thể họ không được bình đẳng hoặc xấu hổ vì chủng tộc của họ,” Thống đốc Ron DeSantis bày tỏ. “Tại Florida, chúng tôi sẽ không để nghị trình thức tỉnh thiên tả tràn ngập các trường học và nơi làm việc của chúng tôi. Ở Florida không có chỗ cho việc truyền bá tư tưởng hay phân biệt đối xử.”

    Những đại công ty ở Wall Street như JPMorgan Chase, Citibank, Goldman Sachs, Morgan Stanley, BlackRock, State Street, và Vanguard đã trở thành các mục tiêu của những nỗ lực của các tiểu bang nhằm ngăn chặn hoạt động cho vay phân biệt đối xử và đầu tư theo ý thức hệ. West Virginia là một trong những tiểu bang đi đầu trong nỗ lực này.

    “Nếu chúng tôi nhận thấy một tổ chức tài chính đang tẩy chay ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch … không phải vì tài chính của họ mà là vì quan điểm chính trị của họ, thì họ sẽ bị đưa vào danh sách các tổ chức tài chính bị hạn chế,” Thống đốc Ngân khố West Virginia Riley Moore nói với The Epoch Times.

    “Khi đã có tên trong danh sách này, thì các hợp đồng của họ sẽ bị hủy bỏ, các hợp đồng này sẽ bị chấm dứt, và sau đó họ sẽ không thể đấu thầu bất kỳ hợp đồng nào của tiểu bang trong tương lai, ngay tại đây, ở tiểu bang West Virginia này, trừ khi họ thay đổi quan điểm của mình.”

    Các ngân hàng lọt vào danh sách này bao gồm JPMorgan Chase, BlackRock, Morgan Stanley, Goldman Sachs, và Wells Fargo. Một ngân hàng khác, US bank, ban đầu đã nằm trong danh sách hạn chế của West Virginia nhưng đã đảo ngược các chính sách liên quan đến nhiên liệu hóa thạch của mình và tiếp tục kinh doanh với tiểu bang.


    Người dân đi dạo qua trụ sở Goldman Sachs New York hôm 15/04/2019. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

    Các tiểu bang khác, bao gồm Texas, Louisiana, Arizona, Kentucky, Missouri, Ohio, và South Dakota, đã ban hành luật trong năm nay về việc cấm tiểu bang của họ giao dịch kinh doanh với các ngân hàng phân biệt đối xử với các ngành công nghiệp vũ khí hoặc nhiên liệu hóa thạch. Do luật này, nên Bank of America, Goldman Sachs, và JPMorgan Chase đã bị chấm dứt hợp đồng tiểu bang ở Texas, tiểu bang phát hành lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu đô thị trị giá 4 ngàn tỷ USD.

    “Các tiểu bang cần phải hành động ngay bây giờ để có thể cứu các ngành công nghiệp của chúng ta, đồng thời cũng đẩy lùi sự vô nghĩa của ESG điên rồ này,” ông Moore nói. “Đặc biệt, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang ở một vị thế rất bấp bênh, và họ đang đến từ mọi phía để phá hủy ngành này. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ công ăn việc làm, nền kinh tế của chúng ta, và cả những người nộp thuế của chúng ta đối với các hóa đơn tiền điện và tiền nước của họ.”

    BlackRock trở thành mục tiêu chính

    Tháng Tám, 19 tổng chưởng lý đã gửi một lá thư cho tập đoàn BlackRock, nói rằng họ “đã sử dụng tài sản của công dân để gây áp lực buộc các công ty tuân thủ các thỏa thuận quốc tế như Thỏa thuận Paris, vốn buộc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng giá năng lượng, thúc đẩy lạm phát, và làm suy yếu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”

    Đáp lại, BlackRock phủ nhận việc họ sử dụng ảnh hưởng của mình để làm tổn hại đến các công ty dầu khí, nhưng đã nhắc lại quan điểm của mình rằng “các công ty có tầm nhìn tương lai đối với rủi ro khí hậu và tác động của rủi ro này đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tạo ra các kết quả tài chính dài hạn tốt hơn.” BlackRock lưu ý rằng “các chính phủ đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu đã cam kết tiến tới mức phát thải ròng bằng không trong những thập niên tới.”


    Logo BlackRock được chụp bên ngoài trụ sở chính của họ ở quận Manhattan của thành phố New York, hôm 25/05/2021. (Ảnh: Carlo Allegri/Reuters)

    Lập luận cho việc đầu tư ESG là cái được gọi là “hiệu ứng đám đông,” ý tưởng cho rằng nếu các nhà quản lý tài sản và các cơ quan chính phủ liên kết để hỗ trợ các công ty tuân thủ ESG, thì điều này sẽ thúc đẩy cổ phiếu của họ. Ngược lại, việc thoái vốn vào các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch và vũ khí, cùng với các quy định trừng phạt của chính phủ, sẽ làm tổn hại đến các công ty cổ phần trong những ngành đó.

    “Rủi ro chính trị tồn tại bởi vì họ đang tạo ra rủi ro chính trị cho phía bên kia của phong trào,” ông Tom Jones, chủ tịch của American Accountability Foundation, nói với The Epoch Times.

    “Vì vậy, quý vị để những người như ông Chuck Schumer hoặc ông Bernie Sander đó áp dụng một nghị trình chống xăng dầu thực sự tích cực, thì có lẽ sẽ có rủi ro. Nhưng nếu quý vị không tạo ra rủi ro đó, nếu quý vị không cố gắng cấm động cơ đốt trong, thì xăng là một khoản đầu tư tốt.”

    Trước áp lực của các tiểu bang, nhiều ngân hàng và các nhà quản lý tài sản đang bắt đầu thay đổi ý định, phủ nhận rằng họ phân biệt đối xử với các loại nhiên liệu hóa thạch, mặc dù đã ký cam kết làm như vậy với các câu lạc bộ ESG toàn cầu như Climate Action 100+, Liên minh Tài chính Glasgow Net Zero (GFANZ), Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA), Liên minh các Nhà quản lý Tài sản Net Zero.

    “Chúng ta đã thấy vết nứt trên con đập, chúng ta đã thấy BlackRock bắt đầu phòng ngừa rủi ro, chúng ta thấy State Street và Vanguard bắt đầu phòng ngừa rủi ro,” ông Moore nói. “Tất cả họ đều bắt đầu né tránh điều này bởi vì họ biết rằng họ đã tách mình khỏi người dân Mỹ. Không ai muốn điều này, và ai đó phải đứng lên và nói ‘đủ rồi.’”

    *Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.

    Không có nhận xét nào