Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngàyThứ năm 03 tháng 11 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chiến tranh Ukraina : Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia bị ngắt kết nối với lưới điện

    03/11/2022

    Trung tâm thủ đô Kiev của Ukraina mất điện sau khi cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị quân đội Nga oanh kích. Ảnh chụp ngày 24/10/2022. REUTERS - GLEB GARANICH 

    Tập đoàn điện lực Energoatom của Ukraina hôm nay 03/11/2022 thông báo trên mạng Telegram rằng Zaporijjia, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, hiện đang bị quân Nga chiếm đóng, đã bị ngắt kết nối với mạng lưới điện. 

    Các vụ oanh kích của Nga hôm 02/11 dường như đã làm hỏng hai đường điện cao thế cuối cùng của nhà máy Zaporijjia còn kết nối với lưới điện chung. Le Monde cho biết tập đoàn điện lực Energoatom một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp áp dụng các biện pháp để phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân đang bị quân Nga chiếm đóng càng sớm càng tốt, buộc quân Nga rút toàn bộ quân khỏi địa điểm nhà máy và thành phố Enerhodar, cũng như khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ của Ukraina đối với Zaporijjia.

    Sáng hôm nay, ông Dmytro Orlov, thị trưởng thành phố Enerhodar, đã cảnh báo rằng ít có khả năng nhà máy còn được duy trì ở « chế độ an toàn » và « đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu », ngụ ý chỉ còn rất ít thời gian nên phải khẩn trương hành động để thay đổi tình thế.

    Do Nga vẫn liên tục oanh kích các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina từ hôm 31/10, nên tình trạng mất điện tại nhiều nơi trong cả nước ngày càng nghiêm trọng.

    Thông tín viên RFI Stéphane Siohan từ Kiev cho biết thêm :

    Hôm qua, thứ tư, 16.000 hộ gia đình ở thủ đô Kiev vẫn còn bị cúp điện. Dù chính quyền vùng đã hứa khôi phục dịch vụ, nhưng nhiều đợt cắt điện, mỗi lần vài giờ, vẫn tiếp diễn ở các khu phố tả ngạn sông Dniepr, dường như là để giảm tải lưới điện. Tối thứ Ba, toàn bộ khu vực phía đông thành phố vẫn còn chìm trong bóng tối, và tiếng máy phát điện vẫn vang lên trong đêm.

    Hiện giờ, cư dân Kiev đang tích trữ các bộ sạc điện di động, để có thể nạp điện cho điện thoại và máy tính, còn lại thì họ dùng nến để thắp sáng. Ngay cả khi có điện, nhiều người vẫn tránh tiêu thụ điện vào giờ cao điểm, để mạng lưới điện không bị quá tải do đã bị suy yếu sau các vụ oanh kích.

    Đường phố hầu như không còn đèn chiếu sáng công cộng, nhiều người lưu thông trên đường với đèn pin, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao bởi vì nhiều đèn tín hiệu giao thông không còn hoạt động.

    Nhưng nhìn chung, tinh thần của người dân Kiev hoàn toàn không bị ảnh hưởng, họ dường như đã sẵn sàng đối mặt với thử thách này. Tuy nhiên, thị trưởng Kiev cũng đã lên kế hoạch lắp đặt hàng ngàn điểm phân phối nước và vật liệu sưởi ấm, nếu tình trạng cúp điện lan rộng.

    Mỹ tố cáo Triều Tiên cung cấp đạn pháo cho Nga 

    03/11/2022 

    Reuters 

    Phát ngôn viên An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby.

    Phát ngôn viên An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby. 

    Hoa Kỳ có thông tin rằng Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng “đáng kể” đạn pháo cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, phát ngôn viên An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby loan báo ngày 2/11.

    Ông Kirby nói tại một cuộc họp báo rằng Triều Tiên đang cố gắng che giấu các lô hàng bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.

    “Các tín hiệu chúng tôi nhận được cho thấy CHDCND Triều Tiên đang bí mật cung cấp và chúng tôi sẽ theo dõi xem liệu các lô hàng đó có được nhận hay không”, ông Kirby nói và cho biết thêm rằng Washington sẽ tham vấn với Liên hiệp quốc về vấn đề trách nhiệm đối với các lô hàng vừa kể.

    Ông Kirby nói: “Chúng tôi biết họ sẽ chuyển những quả đạn này đi đâu,” nhưng từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào vì Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn khả thi.

    Ông Kirby cho biết số lượng đạn pháo không phải không đáng kể, nhưng không có khả năng thay đổi động lực hoặc kết quả của cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây chết chóc cho người dân Ukraine, ông nói.

    “Và chắc chắn nó sẽ không thay đổi sự tính toán của chúng tôi ... hoặc với rất nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi về các loại khả năng mà chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho người Ukraine”, ông nói.

    Ông Kirby cho biết các chuyến hàng của Triều Tiên không chỉ là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng hỗ trợ Nga mà còn cho thấy tình trạng thiếu vũ khí của Moscow do các chế tài và kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu.

    Hồi tháng 9, Triều Tiên nói chưa bao giờ cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga và không có kế hoạch làm như vậy, đồng thời yêu cầu Mỹ “ngậm miệng lại” và ngừng tung tin đồn nhằm “làm hoen ố” hình ảnh Triều Tiên.

    Đề cập đến các vụ phóng phi đạn của Triều Tiên ngày 2/11, ông Kirby nói rằng các phi đạn này không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho nhân sự Mỹ trong khu vực và nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng họ có khả năng ở đó để bảo vệ các đồng minh của mình.

    Triều Tiên đã bắn ít nhất 23 phi đạn ra biển hôm 2/11, trong đó có một phi đạn rơi cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60 km, mà Tổng thống Yoon Suk-yeol của Hàn Quốc mô tả là “xâm phạm lãnh thổ”.

    Đây là lần đầu tiên một phi đạn đạn đạo rơi gần vùng biển của Hàn Quốc kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945, và là lần đầu tiên miền Bắc bắn nhiều phi đạn nhất trong một ngày. Hàn Quốc đã ban hành báo động không kích và phóng phi đạn đáp trả.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên ngày 2/11 là Hoa Kỳ sẽ xem xét các công cụ và thẩm quyền bổ sung có thể dùng để chống lại viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga.

    Ả Rập Xê Út chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ: Cuộc tấn công của Iran sắp xảy ra

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/11/lanh-tu-rian.jpg

    Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (via REUTERS) 

    Ả Rập Xê Út được cho là đang chia sẻ thông tin tình báo với các quan chức Mỹ về việc Iran có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công sắp xảy ra.

    Hôm thứ Ba (ngày 2/11), dựa trên nguồn tin của ba quan chức Hoa Kỳ, ABC News đã đưa tin về việc chia sẻ tin tức tình báo của Ả Rập Xê Út.

    Ả Rập Xê Út nhận định, một cuộc tấn công như vậy sẽ là nỗ lực để chính quyền Tehran chuyển hướng sự chú ý khỏi các cuộc biểu tình nhân quyền lớn đang diễn ra tại Iran. Các cuộc biểu tình trên đường phố ở Iran đã bùng lên sau cái chết của cô Mahsa Amini 22 tuổi vào tháng 9. Cô Mahsa đã tử vong khi bị cảnh sát đạo đức của chính phủ Iran giam giữ vì bị cáo buộc vi phạm luật tôn giáo của quốc gia Hồi giáo này.

    Theo hãng tin The Foreign Desk, Iran cũng sẽ thực hiện các cuộc tấn công vào thành phố Erbil của Iraq.

    Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc lưu ý, Hoa Kỳ “lo ngại về tình hình bị đe dọa trong khu vực” nhưng không thay đổi quan điểm của mình về những vấn đề như vậy.

    Ông nhấn mạnh: “Như những gì chúng tôi đã nói trước đây, và tôi sẽ nhắc lại điều đó, đó là chúng tôi sẽ bảo lưu quyền bảo vệ và tự vệ cho dù các lực lượng của chúng tôi đang phục vụ ở đâu, dù ở Iraq hay ở nơi nào khác.”

    Mặc dù Ả Rập Xê Út đang nỗ lực cáo buộc rằng Iran đang tìm cách làm chệch hướng sự phản đối trong nước và quốc tế về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nhưng chính Vương quốc Hồi giáo này cũng được coi là một trong những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về vi phạm nhân quyền – tra tấn và giết những người phản đối chính phủ.

    Các tổ chức giám sát nhân quyền báo cáo, cho đến lúc này trong năm này, đã có 120 vụ hành quyết ở Ả Rập Xê Út, bao gồm cái chết của 81 người đàn ông trong vụ hành quyết hàng loạt vào tháng 3.

    Ả Rập Xê Út cũng công bố bản đánh giá tình báo của mình trong bối cảnh nước này đang chiến đấu với phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.

    Gia Huy (Theo Just The News)

    Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc

    Thủ tướng Đức sẽ thăm Bắc Kinh vào thứ Năm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và Olaf Scholz là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm thủ đô Trung Quốc kể từ đầu đại dịch covid-19. Chuyến đi của ông mang tính biểu tượng rất lớn, nhưng không đơn giản như nhiều người nghĩ.

    Sau khi đắc cử vào năm 2021, ông Scholz đã cam kết trong thỏa thuận liên minh của mình là sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ kinh tế Đức-Trung bằng cách bảo vệ tốt hơn lợi ích của Đức và theo dõi hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Giờ đây, cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và cuộc khủng hoảng năng lượng theo sau, đã cho thấy phụ thuộc vào một nhà nước chuyên chế nguy hiểm ra sao. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp Đức, Trung Quốc quan trọng hơn Nga rất nhiều.

    Đi cùng ông Scholz là hơn chục giám đốc điều hành các công ty lớn của Đức, những người muốn sản xuất nhiều hơn ở Trung Quốc hoặc mua nhiều khoáng sản quan trọng hơn để sản xuất ô tô. Và gần đây ông đã phê duyệt, bất chấp bị phản đối, thương vụ bán cổ phần một cảng container ở Hamburg cho một công ty vận tải biển của nhà nước Trung Quốc. Xem ra chiến lược của ông Scholz là tiếp nối lập trường mềm mỏng với Trung Quốc của người tiền nhiệm Angela Merkel.

    Trump thăm Iowa

    Từng là một trong những bang chiến trường của Mỹ, Iowa ngày nay đã trở thành một thành trì của đảng Cộng hoà. Dù vậy, thứ Năm này cựu tổng thống Donald Trump vẫn sẽ đến Sioux City để tổ chức mít tinh với Chuck Grassley, thượng nghị sĩ Cộng hòa đã 89 tuổi của bang, và Kim Reynolds, thống đốc đảng Cộng hòa, trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8 tháng 11.

    Dù ông Grassley đang lần đầu tiên bị thử thách thực sự trong 42 năm ở Thượng viện, ít người tin đối thủ Dân chủ của ông, Mike Franken, có nhiều cơ hội. Bà Reynolds cũng đang dẫn trước. Vì vậy, ông Trump, người hiếm khi làm điều gì mà ông không nghĩ sẽ có lợi cho mình, có thể có một lý do khác để đến thăm Iowa.

    Khi được hỏi vào tháng 10 về việc tranh cử tổng thống, ông Trump đã nói “có thể sẽ làm lại.” Iowa luôn là bang đầu tiên bỏ phiếu sơ bộ cho các ứng viên tổng thống. Còn nhớ hồi năm 2016, ông Trump đã về thứ hai trong một đám đông ứng viên vô cùng đa dạng, từ đó tạo lực đẩy đưa ông trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hoà. Liệu đây có thể là động thái đặt nền móng cho năm 2024 của ông?

    Các lựa chọn khó khăn của Ngân hàng Trung ương Anh

    Thị trường đang kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Anh sẽ nâng lãi suất chính thức thêm 0,75 điểm phần trăm vào thứ Năm lên 3%. Nếu vậy, đây sẽ là mức tăng mạnh nhất trong hơn ba thập niên qua, đẩy lãi suất thế chấp lên cao và làm giảm nhu cầu. Các nhà hoạch định chính sách sẽ biện minh rằng lạm phát năm 10,1% trong tháng 9 có thể trở nên cố hữu nếu không hành động.

    Đây không phải lựa chọn dễ dàng của Ngân hàng Trung ương Anh. Cụu thủ tướng Liz Truss đã khiến thị trường kinh hãi với lời hứa cắt giảm thuế. Giờ đây, Rishi Sunak có thể sẽ làm ngược lại. Ông có thời gian đến ngày 17 tháng 11 để công bố kế hoạch ngân sách, khiến thị trường hoài nghi về triển vọng tài khoá. Có lẽ sẽ chưa thể biết các hộ gia đình được nhận trợ giúp hóa đơn năng lượng ra sao sau tháng 4.

    Vẫn chưa rõ liệu lạm phát liên quan đến giá năng lượng cao sẽ kéo dài dai dẳng hay liệu chi phí cao sẽ làm suy yếu nhu cầu và giúp hạ giá. Trong bối cảnh đó, thật khó để vừa chống lạm phát vừa ngăn không cho kinh tế suy thoái.

    Tân tổng thống Brazil thận trọng với Petrobras

    Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ của Brazil, Petrobras, sẽ công bố thu nhập quý ba vào thứ Năm. Chắc chắn có ​​dòng tiền mạnh mẽ và cổ tức cho nhà đầu tư. Song đây sẽ là quý cuối cùng tại chức của Caio Mário Paes de Andrade, giám đốc điều hành của Petrobras kể từ tháng 6.

    Tập đoàn lớn nhất Brazil đã là một công cụ chính trị kể từ ngày đầu thành lập vào những năm 1950. Jair Bolsonaro, người vừa thất bại trong cuộc bầu cử hôm 30 tháng 10, đã sa thải 3 giám đốc Petrobras chỉ trong một nhiệm kỳ tổng thống 4 năm. Luiz Inácio Lula da Silva, người lên nhậm chức vào tháng 1 tới, sẽ sớm công bố nhóm của ông, trong đó có tân giám đốc Petrobras.

    Ông Lula sẽ phải cẩn thận trong các quyết định về Petrobras để không nhắc lại những sai lầm trong nhiệm kỳ trước, từ năm 2003 đến 2010. Năm 2014, Petrobras bị phát hiện là trung tâm của âm mưu tham nhũng bị phanh phui bởi cuộc điều tra Lava Jato. Tám giám đốc Petrobras đã bị kết án. Bản thân ông Lula cũng phải nhận bản án 12 năm, dù chỉ ngồi tù một năm rưỡi (nhờ toà tối cao lật lại phán quyết và xoá tội cho ông). Ông sẽ phải chọn giám đốc một cách cẩn thận.

    Lãnh đạo phe đối lập Nga tiết lộ nước cờ của ông Tập Cận Bình

    Ông Garry Kasparov, một nhà lãnh đạo phe đối lập ở Nga nhận định rằng, Ukraine cuối cùng sẽ thắng thế và Nga có thể trở thành “thuộc địa” của Trung Quốc. Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do dự trong việc xử lý vấn đề Đài Loan, thì rất có thể một thỏa thuận “Nga – Đài Loan” sẽ được ký kết. Điều đó sẽ tác động không nhỏ đến cục diện thế giới.

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/11/ntdvn_1-999.jpeg

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu tại lễ bế mạc Đại hội 20 ngày 22/10/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images) 

    Ngay cả vấn đề eo biển Đài Loan cũng bị ảnh hưởng sau khi bùng nổ chiến tranh Nga – Ukraine. Ông Garry Kasparov, kiện tướng cờ vua người Nga, người trước đây từng chiến đấu với siêu máy tính IBM “Deep Blue” của IBM, và là một nhà lãnh đạo đối lập của nước này, gần đây đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn truyền thông rằng, Ukraine cuối cùng sẽ thắng thế và Nga có thể trở thành “thuộc địa” của Trung Quốc. Ông nhận định rằng, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do dự trong việc xử lý vấn đề Đài Loan, thì rất có thể một thỏa thuận “Nga – Đài Loan” sẽ được ký kết.

    Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình Obozrevatel của Ukraine, ông Kasparov nói rằng cuộc chiến Nga – Ukraine cuối cùng sẽ mang lại chiến thắng cho Ukraine và thay đổi tình hình chính trị ở Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ khó lòng “sống sót”, nhưng kết cục ra sao thì còn phụ thuộc vào lập trường của phương Tây.

    Ông dự đoán rằng, sự sụp đổ của Nga sẽ khởi đầu từ hệ thống quản lý và kết thúc bằng những khó khăn về kinh tế. Nga có thể chọn hai con đường trong tương lai. Thứ nhất là trở thành một phần của châu Âu và mất một phần lãnh thổ. Thứ hai là trở thành “thuộc địa của Trung Quốc”.

    Ông Kasparov nói rằng, từ quan điểm địa chính trị, nếu Nga bị đánh bại và bắt đầu tan rã, thì khó có thể tưởng tượng được điều này sẽ mang đến bao nhiêu quyền lực cho Trung Quốc. Nhìn vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã sở hữu quyền lực tuyệt đối kể từ thời Mao Trạch Đông.

    Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Do đó, điều mà Trung Quốc gọi là “thống nhất” Đài Loan thực chất là “xâm lược”, ông nhận định. Trung Quốc không thể tấn công Đài Loan mà không kích động đối đầu với Mỹ. Thế nên ông Tập Cận Bình có thể đưa ra đề xuất rằng “chúng tôi giao Putin, còn Mỹ giao Đài Loan”. Chỉ là ông Biden không nên đồng ý trước đề nghị này.

    Ông Kasparov nhấn mạnh rằng, vấn đề Đài Loan không chỉ là vấn đề địa chính trị mà còn là vấn đề kinh tế. Đài Loan là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Nếu những “chiến lợi phẩm kinh tế” này rơi vào tay Trung Quốc thì nước này sẽ càng giống như “hổ mọc thêm cánh”. Cùng với sự sụp đổ của Nga, Trung Quốc có thể tiếp quản Đông Siberia và Vùng Viễn Đông Nga.

    “Công bằng mà nói, Mỹ chưa sẵn sàng để đối phó với tình huống này”, ông nhận định.

    Ông Kasparov nói thêm rằng: “Về phần Nga, nước này có thể trở thành “quốc gia vệ tinh” của Trung Quốc, hoặc có thể từ bỏ một phần lãnh thổ của mình để đổi lấy cơ hội hội sáp nhập vào châu Âu. Tôi tin rằng người Mỹ hiểu rất rõ điểm này. Động thái này cũng cho thấy rõ ràng rằng Nga đã thua. Vì vậy nếu có một thỏa thuận “Nga – Đài Loan”, đó cũng là một yếu tố cần xem xét, vì Đài Loan có tầm quan trọng đối với Trung Quốc”.

    Tờ Sanli News đưa tin, ông Kasparov trước đó đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông rằng, nếu Nga thực sự chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine trong vòng vài ngày, Trung Quốc sẽ sẵn sàng tấn công Đài Loan.

    Theo các nguồn tin, ông Kasparov từng 23 lần vô địch cờ vua toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2006. Ông đã đấu với siêu máy tính IBM “Deep Blue” hai lần vào các năm 1996 và 1997. Ván đầu tiên “Deep Blue” thắng, và ván thứ hai “Deep Blue” thua. Với con số chung cuộc là hai trận thắng, ba trận thua và một trận hòa, ông đã tuyên bố giải nghệ vào năm 2005 và tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Kể từ đó, ông trở thành một trong những đối thủ lớn nhất của ông Putin.

    Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan, trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, ông Jakub Janda, Giám đốc Trung tâm Chính sách An ninh Giá trị Châu Âu, đã tuyên bố vào ngày 2/11 tại diễn đàn “Đối thoại An ninh Đài Bắc 2022” rằng, nếu Ukraine có sự chuẩn bị sớm hơn, họ sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Nga, và Đài Loan cũng vậy. Ông Jakub Janda cũng nhắc nhở Đài Loan rằng, việc phòng thủ chống lại cuộc xâm lược tiềm tàng cần phải có khí tài và ý chí. Không có ý chí, xã hội sẽ sụp đổ cho dù có đủ đạn dược. Về vấn đề bảo vệ an ninh mạng, ông Sameer Patil, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên Ấn Độ, cho rằng lực lượng hỗ trợ chiến lược của ĐCSTQ đã tạo ra mối đe dọa vùng xám và khiến không gian mạng trở thành đấu trường của cạnh tranh địa chính trị. Có thể thấy thông qua cuộc chiến Nga – Ukraine, các mối quan hệ cạnh tranh này có liên quan mật thiết đến hoạt động không gian mạng, nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân và cản trở liên lạc. Vì vậy, Đài Loan cần mở rộng các cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin chống lại thông tin sai lệch trong tương lai. Đài Loan cũng cần tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng với các quốc gia có cùng chí hướng. 

    Lam Giang

    Trận chiến Kherson sẽ khốc liệt và kéo dài?

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/11/kherson-700x366.jpg

    Binh sĩ Ukraine tuần tra tại một khu vực lực lượng này tái kiểm soát ở biên giới Kherson hôm 7/10. (Ảnh: AFP). 

    Quân đội Ukraina và Nga đang chuẩn bị một trận chiến lớn tại Kherson, thành phố chiến lược ở miền nam bị Matxcơva chiếm đóng từ đầu cuộc chiến. Hai bên đang dồn lực lượng cho một trận đánh quyết định có thể mang lại bước ngoặt trên chiến trường. Với Kyiv, giành lại vùng đất miền nam này là mục tiêu ưu tiên.

    Tuy nhiên trận phản công trong vùng Kherson khó khăn hơn rất nhiều so với các vùng khác như Kharkiv (ở đông bắc), như thừa nhận gần đây của Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, ông Oleksii Reznikov. Đó là vì tình hình thời tiết xấu và địa hình có nhiều kênh rạch dẫn nước mà giờ đây quân đội Nga sử dụng như các giao thông hào để phòng thủ.

    Mặc dù đầu tháng 10, Ukraina đã có được những đột phá, khi tuyên bố lấy lại 600 km đất trong hai tuần, tuy nhiên theo giới chuyên gia quân sự, cuộc phản công của Ukraina ở mặt trận Kherson dự báo sẽ còn kéo dài và khốc liệt.

    Đài RFI của Pháp dẫn lời Thibault Fouillet, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp ( FRS) nhận định: “Hai phe đều đã có thời gian cùng cố các vị trí của mình và đều chịu những tổn thất lớn. Không còn có chuyện đột phá nhanh ở Kherson để sau đó tiến về Crimea như Kyiv đã từng tuyên bố”.

    Để chuẩn bị cho trận chiến giành lại Kherson, quân đội Ukraina đã bao vây thành phố nằm bên bờ tây con sông Dnipro, dồn quân Nga vào bẫy. Quân Ukraina trước hết nhằm vào hệ thống hạ tầng giao thông, cầu nối thành phố với bên ngoài. Tuy nhiên quân Nga cũng đã và đang chuẩn bị và gia cố hệ thống phòng thủ dọc theo bờ sông Dnipro.

    Ông Sim Tack, chuyên gia về chiến lược quân sự thuộc Force Analysis, cơ quan tư vấn an ninh của Mỹ phân tịch: “Phương pháp của quân Ukraina là phá hủy mạng lưới hậu cần của quân Nga trước khi mở các đợt tấn công lớn. Chiến lược này nhằm cô lập quân đối phương nhưng đồng thời để giữ nguồn lực và quân số”.

    Theo chuyên gia này “Người ta không biết khi nào các đơn vị của Ukraina vào được thành phố Kherson. Điều chắc chắn đó là hiện nay quân Nga đang rất tích cực chuẩn bị” cho trận đánh lớn.

    Dù quân Ukraina tiến tương đối chậm, tướng Sergueï Sourovikine, tổng chỉ huy quân đội Nga trên chiến trường Ukraina, đã tuyên bố quân của ông có thể sẽ phải đưa ra “những quyết định cực kỳ khó khăn” ở Kherson. Những thừa nhận như vậy rất hiếm hoi ở Matxcova.

    Những ngày qua, chính quyền thân Nga đang kiểm soát thành phố này đã tiến hành di tản ồ ạt dân thường. Trong một tuần đã có hơn 70.000 người dân rời khỏi thành phố, theo thông báo của ông Vladimir Saldo, lãnh đạo hành chính thành phố Kherson hôm 27/10.

    Ngày 01/11, chính quyền Kherson thông báo tiến hành đợt di tản thường dân mới, dự kiến sẽ đưa khoảng 100.000 dân ra khỏi Kherson trong những ngày tới. Phía Nga khẳng định việc làm đó là để bảo vệ ‘công dân’ trong khi đó Kyiv tố cáo Matxcơva tổ chức lưu đày ồ ạt người dân sang Nga.

    Tại Kherson, Nga dường như quyết kháng cự với quân Ukraina. Đầu tuần trước, chính quyền do Nga dựng lên trong vùng thông báo thành lập lực lượng dân quân địa phương và kêu gọi tất cả đàn ông còn ở lại trong thành phố có thể gia nhập đội quân này.

    Trần Phong

    Chính phủ Mỹ chi hơn 13 tỷ đô giúp người nghèo trả tiền điện 

    03/11/2022 

    Reuters 

    Giá xăng dầu cao tại các cây xăng ở Mỹ kể từ tháng 12/2021.

    Giá xăng dầu cao tại các cây xăng ở Mỹ kể từ tháng 12/2021. 

    Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ cấp 13,5 tỷ đô la giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Mỹ giảm chi phí sưởi ấm trong mùa đông này, Tòa Bạch Ốc tuyên bố ngày 2/11.

    Trong số này, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cấp 4,5 tỷ đô tài trợ cho Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Gia đình có Thu nhập thấp (LIHEAP), Bộ cho hay.

    Người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ trả thêm tới 28% để sưởi ấm trong mùa đông năm nay so với năm ngoái do chi phí nhiên liệu tăng cao và thời tiết lạnh hơn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo hồi tháng 10.

    Tòa Bạch Ốc cho biết, khoản tài trợ mới sẽ giúp người Mỹ trong chi phí sưởi ấm và các hóa đơn điện nước chưa thanh toán cũng như sửa chữa các thiết bị gia dụng bằng điện hầu giảm chi phí năng lượng của họ.

    Ngoài ra, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ sẽ phân bổ 9 tỷ đô la tài trợ từ Đạo luật Giảm lạm phát để hỗ trợ lên đến 1,6 triệu hộ gia đình trong việc nâng cấp để giảm hóa đơn năng lượng.

    90% trong số chừng 130 triệu hộ gia đình Hoa Kỳ dựa vào khí đốt tự nhiên hoặc điện để sưởi ấm. Phần còn lại sử dụng dầu đốt, khí propan hoặc củi.

    EIA dự báo trung bình một hộ gia đình sẽ chi khoảng 931 đô la cho khí đốt trong mùa đông này và khoảng 1.359 đô la cho nhiệt điện, nghĩa là tăng 28% về khí đốt và tăng 10% về điện năng so với năm ngoái.

    Nhà nào dùng dầu đốt sẽ chi khoảng 2.354 đô la để sưởi ấm trong mùa đông này, tăng 27% so với năm ngoái, trong khi những người sử dụng khí propan sẽ thấy chi phí của họ tăng 5% lên 1.668 đô la, theo dự báo của EIA.

    Bất chấp sự gia tăng lớn về chi phí, khí đốt sẽ vẫn là nguồn nhiệt rẻ nhất của quốc gia.

    Tổng thống Biden: Nền dân chủ đang bị đe dọa trong cuộc bầu cử giữa kỳ

    Biden

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tổng thống Biden bị đảng Cộng hòa cáo buộc tìm cách "chia rẽ và làm chệch hướng"

    Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc người tiền nhiệm Donald Trump và những người ủng hộ ông Trump phá hoại nền dân chủ, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới.

    “Đừng nhầm lẫn, nền dân chủ nằm trong lá phiếu của tất cả chúng ta," ông Biden, đảng viên Dân chủ, nói.

    Ông Biden đề cập đến lời đe dọa của một số ứng viên Đảng Cộng hòa từ chối chấp nhận kết quả nếu họ thua cuộc.

    Đảng Cộng hòa phản bác, nói rằng ông Biden đang tìm cách "chia rẽ và làm chệch hướng".

    Hầu hết các dự báo đều cho rằng đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi ở Thượng viện thì chưa rõ đảng nào sẽ giành thắng lợi. 

    Thành phần chính trị của các viện có ảnh hưởng rất lớn đến việc ông Biden và đảng của ông có thể thông qua luật mới dễ dàng như thế nào.

    Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào tối thứ Tư, ông Biden cáo buộc cựu Tổng thống Trump đã làm gia tăng sự tức giận, hận thù, đả kích và bạo lực bằng cách từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

    Đề cập đến vụ tấn công gần đây vào chồng của bà Nancy Pelosi của Đảng Dân chủ - người đứng đầu Hạ viện, ông Biden cho rằng bạo lực là hậu quả của những lời nói dối sinh ra từ âm mưu và ác ý.

    Chính phủ Hoa Kỳ tuần trước đã phát đi một thông cáo tới các cơ quan thực thi pháp luật cảnh báo về "mối đe dọa ngày càng cao" của chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước trước cuộc bầu cử giữa kỳ.

    Bài phát biểu của ông Biden được đọc tại Union Station ở Washington DC, cách vài con phố nơi những người ủng hộ Trump đã xông vào Điện Capitol của Mỹ vào năm ngoái trong nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

    "Khi tôi đứng đây hôm nay, có những ứng cử viên tranh cử cho mọi cấp độ chức vụ ở Mỹ - thống đốc, quốc hội, tổng chưởng lý, ngoại trưởng - những người sẽ không cam kết chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử mà họ tham gia," ông nói.

    Đảng Cộng hòa nói Tổng thống Biden đang cố gắng đánh lạc hướng người Mỹ.

    Lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, người sẽ trở thành lãnh đạo Hạ viện của Quốc hội nếu đảng của ông giành được quyền kiểm soát vào tuần tới, đã tweet: "Tổng thống Biden đang cố gắng chia rẽ và làm chệch hướng vào thời điểm mà nước Mỹ cần đoàn kết."

    Một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos trong tuần này cho thấy một nửa số người Mỹ tin rằng gian lận cử tri là một vấn đề phổ biến, mặc dù những trường hợp như vậy là cực kỳ hiếm.

    Theo CBS, đối tác của BBC tại Mỹ, trong số 595 đảng viên Cộng hòa tranh cử chức vụ ở khắp các tiểu bang, chỉ hơn một nửa - 306 người - nêu lên nghi ngờ về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

    Bắc Hàn: Kim Jong-un muốn thu hút sự chú ý của Biden trước bầu cử giữa kỳ Mỹ

    Rupert Wingfield-Hayes

    Thông tín viên Tokyo

    7 giờ trước

    People in Tokyo walk past a TV screen showing Kim Jong-un

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Vụ phóng diễn ra một ngày sau khi ghi nhận số lượng tên lửa kỷ lục được phóng từ Bắc Hàn vào vùng biển ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc

    Đó là một buổi sáng hoang mang và cân não đối với những người sống ở miền bắc Nhật Bản.

    Lúc 07:50, còi báo động một cuộc không kích vang lên khắp các tỉnh Miyagi và Yamagata và các chương trình truyền hình bị tạm dừng để phát thông báo kêu gọi mọi người đến nơi trú ẩn. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết một tên lửa bắn từ Bắc Hàn đang hướng tới Nhật Bản. 

    Sau đó, họ rút lại tuyên bố và thông báo tên lửa bắn xuống Biển Nhật Bản mà không đi qua lãnh thổ Nhật Bản.

    Từ quỹ đạo ban đầu và thời gian bay (khoảng 30 phút), các nhà chức trách Nhật Bản theo dõi tên lửa dường như đã nghĩ rằng nó sẽ đi qua Nhật Bản. Thay vào đó, nó dường như đã bay trên một cái gọi là "quỹ đạo loft" lên cao trong không gian và sau đó dốc ngược xuống Biển Nhật Bản.

    Tokyo ban đầu cho biết tên lửa đã bay qua Nhật Bản, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada sau đó cho biết nó "không đi qua quần đảo Nhật Bản, mà biến mất trên Biển Nhật Bản".

    Thủ tướng Kishida sau đó đã lên án "các vụ phóng tên lửa lặp đi lặp lại" của Bắc Hàn, gọi đây là "hành động gây phẫn nộ".

    Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Bắc Hàn đã bắn ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm xa và hai tên lửa tầm ngắn.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng một quả có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

    Seoul đã đáp trả bằng cách bắn ba tên lửa của mình. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun-dong và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho rằng các vụ phóng là "đáng chê trách, vô đạo đức" trong một cuộc điện đàm hôm thứ Năm, theo Hàn Quốc.

    Vì vậy, báo động sai - mọi người hãy bình tĩnh và quay về bên ly cà phê sáng của mình. Thật không hẳn là thế. Đầu tiên, bắn tên lửa đạn đạo về phía nước láng giềng mà không có cảnh báo gì trước, để mặc họ tự đoán vị trí rơi của tên lửa, không phải là hành vi hợp lẽ. Nó mang tính chất cực kỳ khiêu khích và nguy hiểm, và hoàn toàn nằm ngoài các chuẩn mực quốc tế.

    Thứ hai, điều này diễn ra một ngày sau khi Bắc Hàn phóng số lượng tên lửa kỷ lục vào vùng biển ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc.

    Bắc Hàn đang có chủ đích gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng. Các nhà phân tích cho rằng nước này có thể đang xây dựng thứ gì to tát hơn, chẳng hạn như một vụ thử hạt nhân, hoặc một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa toàn diện ở Thái Bình Dương, hoặc cả hai.

    Đây là kiểu cách mà chúng ta từng thấy Bình Nhưỡng sử dụng trong quá khứ để thu hút sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là từ Washington, và buộc Hàn Quốc, Nhật Bản cùng Hoa Kỳ phải nhượng bộ và mở cuộc đối thoại. Hiện Bắc Hàn đang dùng chiêu trò này một lần nữa. 

    BBC

    Loạt phóng mới nhất của Bắc Hàn diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu giữ kỳ quan trọng của Mỹ - và ông Kim sẽ hy vọng rằng việc phô trương năng lực quân sự của mình sẽ thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ.

    Nhưng Bình Nhưỡng còn lâu mới hoàn thiện được công nghệ tên lửa của mình - đặc biệt là tên lửa tầm xa và các phương tiện tái lắp. Vì vậy, những thử nghiệm như thế này không chỉ nhắm vào Nhật Bản mà còn nhắm vào Mỹ. Mục đích của Bắc Hàn là có vũ khí tầm xa đáng tin cậy có thể bắn được tới Mỹ.

    Nếu ý định của Bắc Hàn là nắn gân Nhật Bản, thì điều đó đang phản tác dụng. Phe cánh hữu Nhật Bản từ lâu đã muốn tái vũ trang cho nước này và từ bỏ hiến pháp hòa bình thời hậu chiến.

    Cùng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Bình Nhưỡng cho họ tất cả những lời lý do thỏa đáng mà họ cần. Ngày càng có nhiều công chúng Nhật Bản ủng hộ việc tái vũ trang toàn bộ.

    Tại Tokyo, Bộ Quốc phòng đang đề xuất tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và lần đầu tiên có được tên lửa tấn công tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong Bắc Hàn.

    Nhiều vụ phóng của Bắc Hàn diễn ra khi Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận không quân song phương lớn nhất từ ​​trước đến nay, mà Bình Nhưỡng đã chỉ trích mạnh mẽ là "hung hăng và khiêu khích".

    Bất chấp các lệnh trừng phạt làm tê liệt, Bình Nhưỡng đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân từ năm 2006 đến 2017, và được cho là đang lên kế hoạch cho lần thứ bảy.

    Bình Nhưỡng đã tiếp tục nâng cao khả năng quân sự của mình - vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - nhằm đe dọa các nước láng giềng và thậm chí có khả năng đưa lãnh thổ Mỹ vào phạm vi tấn công.

    Việt Nam yêu cầu EU giảm biện pháp kiểm tra chất cấm trong mì ăn liền 

    02/11/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Mì ăn liền của Việt Nam bị EU liệt kê là sản phẩm phải tuân theo các quy định về kiểm soát dư lượng EO kể từ tháng 2/2022.

    Mì ăn liền của Việt Nam bị EU liệt kê là sản phẩm phải tuân theo các quy định về kiểm soát dư lượng EO kể từ tháng 2/2022. 

    Bộ Công Thương Việt Nam vừa yêu cầu Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật của WTO tại Việt Nam) có ý kiến với EU xem xét giảm thiểu các biện pháp kiểm tra sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam về dư lượng ethylene oxide (EO), còn được gọi là “chất cấm” hoá học trong thực phẩm.

    Yêu cầu của Bộ Công Thương được đưa ra trong một tài liệu được gửi tới Văn phòng SPS vào ngày 28/10 để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 84 của Ủy ban SPS của WTO.

    Trước đó, vào tháng 2 năm 2022, EU đã liệt kê mì ăn liền của Việt Nam là sản phẩm phải tuân theo các quy định về kiểm soát dư lượng EO.

    Trong tháng 7 vừa qua, hàng loạt các nước EU đã đưa ra cảnh báo và cấm một số loại mì ăn liền và bánh phở khô của Việt Nam vì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU.

    Trong đó, Đức cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà và hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Thuận An, Bình Dương) có chứa chất cấm ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU. Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP.HCM) và trả lại hàng. Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia vì lý do bánh phở được sản xuất từ gạo biến đổi gene bất hợp pháp nên nước này thu hồi sản phẩm.

    “Cho tới nay, qua hơn 8 tháng triển khai quy định trên, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mì ăn liền xuất khẩu vào EU đã và đang tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam”, Tạp chí Thương Trường dẫn văn bản của Bộ Công thương nói.

    Bộ ngày đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thảo luận với các cơ quan liên quan và giải trình sự khác biệt trong việc áp dụng các quy định về kiểm soát dư lượng EO đối với thực phẩm ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

    Bộ Công thương cũng yêu cầu EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng EO trong mì ăn liền của Việt Nam kể từ tháng 2 năm 2022, giảm thiểu các biện pháp kiểm tra EO cũng như yêu cầu về giấy chứng nhận dư lượng EO, từ đó từng bước loại bỏ các biện pháp này.

    Việc sử dụng EO trong thực phẩm, nông nghiệp hay giới hạn về dư lượng EO trong thực phẩm đã được nhiều quốc gia trên thế giới quy định và áp dụng chặt chẽ lâu nay. Tại EU, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.

    Cho đến nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

    https://www.voatiengviet.com/a/6816854.html


    Không có nhận xét nào