Header Ads

  • Breaking News

    Vụ tập kích Sơn Tây Phần 11



    P11

    Cuộc tập kích Sơn Tây là một cuộc hành quân đầu tiên của quân đội trong lịch sử Hoa Kỳ, được xúc tiến dưới sự kiểm soát trực tiếp của Văn phòng chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng hỗn hợp quân đội. Bộ tư lệnh trung gian do vị Tổng tư lệnh Thái Bình Dương chỉ huy cũng chỉ là một cơ quan được “thông báo” và nhận lệnh yểm trợ công tác này yểm trợ mà thôi chứ không được thay đổi gì kế hoạch cả. Một viên tướng 3 sao, sau khi được biết về cuộc tập kích này, tỏ ý thắc mắc tại sao cuộc hành quân này lại được Lầu Năm Góc trực tiếp chỉ huy. Ông ta hỏi Blackburn tại sao lại không để cho Bộ chỉ huy gồm có lục, hải, không quân, đóng tại căn cứ Macdin ở Florida điều khiển việc này. Bộ chỉ huy này được thành lập từ thập niên 60 để huấn luyện và di chuyển mọi lực lượng chiến thuật hỗn hợp ra các nước ngoài. Câu thắc mắc hoặc lời đề nghị của viên tướng này không ích lợi gì cả. Bộ chỉ huy tam quân này (STRICOM) ở cách xa các vùng Đông Nam Á thì việc điều khiển công tác liên hệ sẽ không sát thực tế. John W. Vogt yêu cầu viên tướng này gạt chuyện Sơn Tây riêng qua một bên để lo các việc khác của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp thì tốt hơn.

    Sau khi chấm dứt mọi việc rắc rối nêu trên thì Manor và Simons lại gặp những phiền phức khác. Một tháng sau khi họ được chỉ định chỉ huy công tác này thì vào ngày thứ tư 16 tháng 9 họ được gọi đến văn phòng Tham mưu trưởng hỗn hợp để báo cáo mọi việc. Vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm ấy, Manor đã thuyết trình cho các vị tham mưu trưởng về mọi quan niệm kỹ thuật liên hệ đến việc thi hành kế hoạch. Ông ta trình bày rằng các lực lượng tình nguyện sẽ chấm dứt thực tập và sẽ sẵn sàng xuất phát vào ngày thứ năm 8 tháng 10. Ông ta đề nghị cuộc tập kích giải cứu tù binh sẽ được thực hiện vào ngày 21 tháng 10.

    Khoảng hơn một tuần lễ sau vào ngày thứ năm 24 tháng 9, Manor lại được gọi đến Washington để trình bày công tác tập kích lên Bộ trưởng Quốc phòng Laird. Giám đốc CIA là Richard Helms cũng có mặt trong buổi họp này. Một lần nữa Manor đề nghị thời điểm xuất phát là từ 20 đến 25 tháng 10. Bộ trưởng Laird nói ông ta sẽ xét lại việc chấp thuận đề nghị trong khi chờ đợi phối hợp với cấp cao hơn. Ông ta không nói cho Manor biết về các cố gắng ngoại giao đang được xúc tiến vào phút chót để thoả hiệp về việc thả tù binh, hoặc nếu những cố gắng ngoại giao này thất bại thì ông ta sẽ trình Tổng thống xin chấp thuận việc tập kích. Nhưng ông ta đồng ý là đã đến lúc cần phải trình bày cho vị chỉ huy Thái Bình Dương là đô đốc John McCain biết rõ về một công tác mà Washington sắp thi hành ngay sau lưng của ông ta.

    Ngày hôm sau, thứ sáu 25 tháng 9, Blackburn và Mayer trình bày với McCain, “ông già vĩ đại của Thái Bình Dương” là họ đang chuẩn bị để thi hành một cuộc tập kích tại Sơn Tây. Họ trình bày cho ông ta rõ mọi chi tiết, kể luôn những tù binh nào đã được xác nhận hoặc được nghi ngờ đang bị giam giữ tại đó. Đô đốc McCain biết rằng con trai của ông, bị bắt cầm tù 3 năm về trước và đã bị lính Bắc Việt đánh đập, sẽ là một trong những tù binh bị “bỏ rơi” ở lại, cho dù chiến dịch Bờ Biển Ngà sẽ thành công hay thất bại. Blackburn và Mayer nhìn thấy nỗi đau buồn trong ánh mắt của một người cha, lo âu nhưng vẫn rất can đảm. McCain nói với họ rằng, ông ta hoan nghênh mọi kế hoạch đã được trình bày. Ông ta sẽ làm mọi việc trong phạm vi quyền hành để giúp đỡ cho công tác thành công. Ông ta cũng đồng ý rằng vì lý do bảo vệ an ninh nên chỉ có một người nữa trong Bộ chỉ huy của ông ta được biết về công tác này, đó là vị tham mưu trưởng. McCain nói là ngay cả vị chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương cũng không nên cho biết: cơ quan SACSA có thể làm việc trực tiếp với viên chỉ huy hạm đội phản ứng nhanh 77 ở vịnh Bắc Bộ để phối hợp mọi liên lạc với hải quân trong việc yểm trợ cuộc tập kích. Xem ra là toàn thể Bộ tham mưu đang chỉ đạo cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á đã bị bịt mắt không biết gì về một cuộc hành quân nghiêm trọng sẽ được thực hiện ngay trong vùng trách nhiệm của họ như vậy là để giữ cho 61 tù binh Mỹ có thêm được cơ hội may mắn trở về nhà an toàn.

    Trong giai đoạn này của cuộc chiến Việt Nam, hai mươi tháng dưới chính quyền của Nixon đã có 1.463 lính Mỹ bị bắt làm tù binh hoặc mất tích tại Đông Nam Á. Vấn đề lo lắng cho số phận của họ đã trở nên một vấn đề thời sự nóng bỏng nhất trong nước. Vợ của các tù binh và những người mất tích trong một năm qua đã tạo nên một nguồn dư luận lo lắng, thể hiện nhiều cách bày tỏ tình cảm khác nhau. Hàng triệu người Mỹ, từ học sinh trung học cho đến những người lớn tuổi trong một đất nước đang cay đắng về chiến tranh đều mang ở tay những vòng có khắc tên tù binh và kẻ mất tích. Những vòng đeo tay bằng nhôm hoặc bằng đồng 1/4 inch có khắc tên và ngày của những người bị bắn rơi, bị bắt cầm tù hoặc bị mất tích. Những người mang các vòng đeo tay này đã tuyên bố sẽ không tháo ra cho đến khi nào tên của người lính được xác nhận hoặc là được thả trở về nhà.

    Những cuộc can thiệp về ngoại giao đối với Bắc Việt Nam cũng thất bại tương tự. Ba ngày sau khi Borman thuyết trình tại quốc hội, Henry Kissinger bay đi Paris để hội đàm với đại sứ David Bruce vào cuối phiên họp thứ 85 của cuộc hòa đàm Paris. Nhưng trong thực tế ông ta đến Paris để gặp gỡ bí mật ông Xuân Thủy, trưởng đoàn hòa đàm của Bắc Việt Nam lần thứ hai trong tháng ấy. Những chuyến đi trong tháng 9 này của Kissinger là để tiếp theo 4 lần đi bí mật đến Paris trước đó trong vòng một năm để gặp riêng ông Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nam. Kissinger đánh điện về nhà với nội dung thất vọng: Không có sự tiến triển nào về vấn đề tù binh.

    Ngày chủ nhật 27 tháng 9, Tổng thống Nixon rời Washington để đi châu Âu lần thứ hai và đây là lần công du thứ 3 ra ngoại quốc kể từ khi ông ta vào Nhà Trắng. Chuyến đi dài 12.000 dặm này sẽ đưa ông ta đến thăm năm quốc gia trong chín ngày, gồm: Nam Tư, Italia, Tây Ban Nha, Anh

    và Iceland. Bí thư báo chí của Nhà Trắng Ronald Ziegler đã tự tuyên bố rằng Tổng thống có thể sẽ gặp giáo hoàng Paul VI và cũng trong ngày hôm đó sẽ viếng thăm hạm đội 6 đang tập dượt trên Địa Trung Hải. Trong thông cáo chính thức không đề cập đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Laird và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Moorer đi theo Tổng thống nhưng trên thực tế họ có đi cùng.

    Hai vị này đã gặp Tổng thống trên chiến hạm Springfield vào buổi chiều ngày ấy. Laird và Moorer có trình với Nixon về đề nghị giải cứu tù binh Mỹ ra khỏi Sơn Tây, một vị trí nằm sâu trên đất Bắc Việt Nam. Họ nói rõ cuộc tập kích sẽ được xuất phát trong vòng bốn tuần lễ nữa, nhưng một quyết định chấp thuận cần phải được ban hành sớm hơn để có đủ thời gian chuẩn bị công tác.

    Trong thời điểm này, Nixon đang phải đương đầu với sự kiện quân đội Mỹ có thể can thiệp vào Trung Đông. Jordany đang bị xâu xé bởi cuộc nội chiến và các chiến xa của của Syria đã vượt qua biên giới của Jordany. Một cuộc ngừng bắn đã được thương lượng trong các tháng trước đó giữa Israel và Ai Cập nhưng có thể sẽ thất bại. Tổng thống Ai Cập là Gamal Abdel Nasser qua đời ngay trong ngày đó. Và bây giờ thì Laird và Moorer lại đặt thêm vấn đề can thiệp quân sự mới tại Đông Nam Á nữa.

    Nixon duyệt qua tình trạng tù binh với hai vị này và nói ông ta chấp nhận việc giải cứu trên nguyên tắc. Nhưng ông ta muốn họ trình bày cho Kissinger rõ mọi chi tiết trước khi ông ta có thể quyết định khi nào thì việc giải cứu được thi hành. Trong khi Laird và Moorer đi thăm Hy Lạp và Manta trong ba ngày thì Nixon đánh điện gọi ngay Bruce và viên phụ tá là Philip Habid đến gặp ông ta tại Iceland. Ông ta muốn hai viên chức này cân nhắc mọi điều hơn thiệt việc cố gắng tìm cách trao trả tù binh tại hội nghị hơn là việc tổ chức một cuộc tập kích vào Bắc Việt Nam, mặc dù ông ta không nói rõ cho họ biết là đang có kế hoạch này. Báo cáo của hai viên chức này không được rõ ràng lắm.

    Tuy nhiên trên một lĩnh vực khác lại nhận được nguồn tin đáng phấn khởi và vô cùng quan trọng. Trung Quốc đã hoan nghênh một cuộc viếng thăm của nhà văn Edgar Snow. Ngày thứ năm mồng 1 tháng 10, Snâu sẽ được mời đứng cạnh Chủ tịch Mao Trạch Đông trong lễ quốc khánh của Trung Quốc. Đây là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ cho Washington biết là Mao đang muốn xích lại gần, thân thiện với một kẻ thù thâm độc trong suốt 25 năm qua. Sáng kiến này đem đến việc chấm dứt cuộc xâm chiếm Campuchia vào tháng tư và tháng năm cùng với cuộc xung đột giữa hai phe đã không còn nữa.

    Nixon trở về Washington vào thứ hai ngày 15 tháng 10 để tuyên bố trước 3.000 người đang tụ tập để đón chào ông tại căn cứ không quân Andrews rằng: Hoa Kỳ đang có nhiều tiến triển trong cuộc hoàn thành mục tiêu tại Việt Nam, và ông ta cũng tiên đoán rằng nhiều biến cố trong tương lai sẽ chứng minh việc này.

    Ngay sau khi Tổng thống trở về thì Laird, Moorer, Blackburn và Manor được tin là cuộc tập kích Sơn Tây “có thể” sẽ bị hoãn lại sau ngày 20-25 tháng 10. Ngày 24 tháng 10, là ngày kỷ niệm thứ 25 của Liên Hiệp Quốc, họ biết rõ ngày đó và muốn nhắc nhở Nhà Trắng ghi nhớ lễ kỷ niệm này. Họ không biết rằng ngày 25-10 thì Tổng thống Yahya Khan của Pakistan sẽ gặp Nixon để hội đàm về việc đi viếng thăm Trung Quốc vào giữa tháng 11. Và Tổng thống Yahya Khan sẽ truyền đạt ý muốn của Nixon về các cuộc hội đàm cấp cao ở Bắc Kinh. Họ cũng không biết rằng

    tại văn phòng đặc biệt của Tổng thống, ban tham mưu của Kissinger đang thảo đi thảo lại một bài diễn văn cho Tổng thống đọc vào ngày 26 tháng 10. Vào đêm đó, Chủ tịch Ceausescu của

    Rumani được nghênh tiếp tại Nhà Trắng trong một bữa dạ tiệc và Nixon sẽ hoan nghênh sự giao dịch tốt đẹp trước sau như một của Rumani đối với Hoa Kỳ… đối với Liên Xô… và đối với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Hoa Kỳ đã đề cập đến đất nước cộng sản Trung Hoa với tên gọi chính thức là “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

    Nếu cuộc tập kích bị hoãn lại, thì thời điểm thuận lợi về thời tiết chỉ có thể xảy ra đến cuối tháng

    11. Manor và Simons sẽ dùng thời gian còn lại này để kiện toàn kế hoạch của họ. Nhưng ngày tháng càng trôi qua thì một vài chuyên viên về kế hoạch Sơn Tây có cảm tưởng rằng cuộc tập kích sẽ bị bãi bỏ. Còn đối với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Tôm Moorer thì cho rằng cuộc tập kích sẽ được Tổng thống chấp thuận. Tuy nhiên Moorer vẫn còn hai điều lo âu. Điều thứ nhất là “không biết ngày nào thì sẽ có quyết định tối hậu”; và điều thứ hai là việc có thể xảy ra bất ngờ “Họ sẽ không cho phép chúng ta làm việc này”. Moorer tâm sự: “Đây là kinh nghiệm của đời tôi. Trong hình thức chính phủ của ta lúc nào cũng có nhiều kẻ đến với nhiều lý do khác nhau để bác bỏ điều này điều nọ. Điều tốt nhất đối với chúng ta để chứng tỏ rằng chúng ta không bao giờ làm điều gì sai trái và không muốn sai trái thì đừng bao giờ làm gì cả”. Nhưng ông ta cũng nhấn mạnh rằng Laird và Tổng thống Nixon muốn mọi việc đều phải được chuẩn bị hoàn hảo để đạt tới thành công. Cả hai vị này đều nghĩ rằng với thời gian thêm một tháng nữa thì việc huấn luyện sẽ tốt đẹp hơn.


    Trong thời gian đó, việc phối hợp cho công tác tập kích cũng trở nên kiện toàn hơn. Ngày thứ tư 7 tháng 10, Blackburn bay từ căn cứ Eglin sau một cuộc thực tập ban đêm với đầy đủ trang bị để về thuyết trình cho phó đô đốc Noel Gayler, chỉ huy NSA về cuộc tập kích Sơn Tây. Gayler hứa giúp đỡ Blackburn và yểm trợ đầy đủ. Ông ta tuyên dương hành động can đảm này và vô cùng khâm phục việc Simons sẽ đích thân cùng với binh sĩ đổ bộ xuống địa điểm mục tiêu.

    Ngày hôm sau, Manor và Simons từ Eglin bay về Washington. Lần này thì Blackburn mời cả hai người đến thuyết trình cho vị phụ tá an ninh của Tổng thống là Henry Kissinger. Trong khi chuẩn bị gặp Kissinger thì Blackburn, Manor và Simons hội đàm với D.Bennett và Dick Steward ở cơ quan DIA, với Milt Zaslov ở cơ quan NSA và với Dick Elliot ở cơ quan CIA để kiểm tra lại những tin tức tình báo cuối cùng mới nhận được. Bắc Việt Nam luôn luôn thay đổi hệ thống phòng không. Một trong hai máy rađa ở phi trường Phúc Yên, căn cứ phòng không chính của Hà Nội cách Sơn Tây 20 dặm về phía Đông Bắc đã được di chuyển đi chỗ khác. Họ không biết tại sao và cũng không biết chuyển đi đâu. Blackburn tỏ vẻ lo lắng. Không biết bí mật có bị tiết lộ không? Có phải là máy rađa ấy đã được chuyển đến một chỗ nào khác để theo dõi việc tập kích Sơn Tây chăng?

    Máy rađa của Bắc Việt Nam sẽ là một trở ngại chính trong vòng 55 phút ở quanh vùng mục tiêu, đấy là thời gian mà toán tập kích sẽ xuất phát từ biên giới Lào đến mục tiêu. Còn có một máy rađa khác nữa có thể theo dõi họ từ hướng bắc. Máy này được sử dụng trong tuyến đường bay 5 độ, cách khoảng từ 4 phút rưỡi đến 5 phút mỗi vòng quay kiểm soát. Như vậy toán phục kích phải xâm nhập đúng vào thời điểm ở giữa, tạm gọi như là “xỏ mũi kim”. Không có cách gì để che giấu máy bay khỏi năm lưới ra-đa. Càng gần đến mục tiêu thì lại có thêm một máy rađa nữa có thể kiểm soát họ từ hướng nam. Tuy nhiên, nếu bay thấp và xuyên qua những đường bay đúng theo kế hoạch thì các loại máy bay C-130, trực thăng, và A-1 có thể thoát được màn lưới rađa.


    Nhưng nếu họ bay trệch hướng và không đủ độ cao thì sẽ bị máy ra-đa phát hiện trong vòng từ 8 đến 15 phút cách mục tiêu. Vì lý do đó cho nên phi hành đoàn Sơn Tây đã phải bỏ nhiều thời gian thực tập các đường bay xâm nhập, mặc dù có hy vọng là nếu các lực lượng hải quân gây ra các cuộc oanh kích đánh lạc hướng thì máy rađa lại đổi theo về hướng khác, chủ tâm về hướng Hải Phòng chứ không phải hướng Lào.

    Blackburn cũng lo lắng về việc phát hiện một ăngten truyền tin tình báo của Trung Quốc đặt trên một dãy núi ở đất Lào cách Hà Nội 100 dặm về hướng tây. Ông ta có yêu cầu là cho các chuyên viên tình báo thử dùng máy bay oanh tạc bắn gãy cọc ăngten đó. Nhưng các chuyên viên nói không cần thiết trong trường hợp lực lượng của Manor cố gắng giữ yên lặng không liên lạc truyền tin cho đến khi Simons thật sự đổ bộ xuống đất. Nếu vậy các hệ thống truyền tin xuất phát đi và đến từ các trạm ở Thái Lan vẫn giữ nguyên tình trạng liên lạc bình thường trước cuộc tập kích.

    Không kể máy rađa chưa phát hiện được, Blackburn, Manor và Simons nghĩ rằng các chuyên viên tình báo đã có lý họ đã coi hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam nhỏ nhoi không đáng kể. Nhưng có một cái gì ngộ nghĩnh đang xảy ra ở Sơn Tây hoặc là không xảy ra. Và lúc này, hơn một nửa các chuyến bay trinh sát của máy bay Buffalo Hunter có tầm bay thấp theo chương trình đã bị bắn rơi hoặc bị loại bỏ. Các tin tức tình báo về trại giam đã thu hẹp tới mức các chuyên viên điều tra nghiên cứu hình ảnh của phòng 213 chỉ còn có thể tìm tòi các chi tiết khác của các hình ảnh do máy bay SR-71 chụp được trên độ cao 80.000 bộ hoặc cao hơn nữa về doanh trại nhỏ bé. Các hình ảnh này làm người ta ngạc nhiên: doanh trại hình như bỏ trống.

    Thông thường trong một chuyến công tác tốt, nếu không có mây hoặc nhiều bóng che khác bao phủ mục tiêu thì máy chụp ảnh kỹ thuật trên máy bay trinh sát SR-71 có thể chụp được nhiều hình ảnh khá rõ ở độ cao cách mặt đất 15 dặm, các chuyên viên DIA cũng có thể đếm được số người ở trong sân trại tù Sơn Tây. Công tác trinh sát SR-71 lần cuối cùng bay ở độ cao và nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh vào ngày thứ bảy 3 tháng 10 đã chụp được nhiều hình ảnh rất rõ ràng nhưng không có hình bóng người nào.

    Manor đã ghi chú trong báo cáo sau công tác của ông ta là tất cả các chuyến bay trinh sát từ ngày 6 tháng 6 đến ngày 3 tháng 10 đã ghi nhận được dấu hiệu giảm bớt về hoạt động trong số hình ảnh chụp được. Nhưng điều này có thể do số tù binh Mỹ đã bị giam kín trong phòng thêm một thời gian nữa. Blackburn nhớ lại khi ông ta ngồi thảo luận với một vài chuyên viên DIA, kiểm soát từng tấm ảnh chụp được đã có người nói rằng: “Hình như họ không còn dùng doanh trại này nữa”. Simons cũng có một ý nghĩ tương tự. Sau này ông ta có nói rằng: “Các tấm ảnh người ta cho tôi biểu lộ một điều khác lạ về các thảo mộc. Cỏ mọc đầy trong doanh trại”. Và ông ta tự nghĩ: “Có thể họ đã hạn chế mọi sinh hoạt của tù binh. Hoặc có thể họ đã giam kín tù binh trong phòng”. Nhưng ông ta cũng nghĩ rằng: “Có thể họ đã di chuyển tù binh đi nơi khác”.

    Còn tiếp





    Nguyên bản tiếng Anh: The Raid

    Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer

    Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ

    Không có nhận xét nào