Header Ads

  • Breaking News

    Vụ tập kích Sơn Tây Phần 6

    Nguyên bản tiếng Anh: The Raid

    Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer

    Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ

    P6

    Allison và Britton sẽ lái hai chiếc trực thăng để cho Simons và những người của lực lượng tiến công đổ bộ xuống Sơn Tây: Zehnder là lái phụ của chiếc trực thăng thứ ba. Người phi công thứ tư là thiếu tá Frederick Marty Donohue cũng sẽ đóng một vai trò then chốt, nhưng ông được tuyển mộ sau đó. Donohue sẽ lái chiếc trực thăng đầu tiên có vũ trang tiến công các chòi canh gác. Tuy nhiên, ngay lúc đó ông ta lại có một nhiệm vụ đặc biệt khác: chuẩn bị lái chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đầu tiên trên thế giới bằng trực thăng. Britton quả quyết rằng Donohue có đầy đủ tinh thần để sẵn sàng thực hiện việc đó.

    Donohue đã bay 131 nhiệm vụ ở Đông Nam Á. 4 lần trong số đó là nhiệm vụ đi giải cứu ở Bắc Việt Nam. Ông ta 39 tuổi quê ở California, người gầy cao, đã thực hiện gần 6.000 giờ bay lái trực thăng, có thể là nhiều giờ bay hơn mọi phi công nào khác trên thế giới. Ông ta đã được chọn là sĩ quan huấn luyện bay trong chương trình Apollo.

    Trong khi Manor và Britton tập trung những người tình nguyện của họ ở Eglin thì Simons cũng tập hợp người của ông ta tại căn cứ Fort Bragg. Hai người đầu tiên mà ông ta muốn là trung tá Elliot Snyder đảm nhiệm làm người phụ tá toàn diện cho ông, và đại úy Richard D. Meadows, cầm đầu đội tiến công khu trại tù. Cả hai người đến đóng tại Trường Bộ binh, căn cứ Fort Benning. Simons, Meadows và Sydnor biết nhau nhiều. Thời gian Simons và Blackburn công tác ở SOG tại Việt Nam thì Meadows là trung sĩ của lực lượng đặc biệt đã chiếm được cỗ trọng pháo đầu tiên của người Bắc Việt Nam tại Lào. Ngay sau đó Westmoreland phong thưởng cho Meadows chức sĩ quan đầu tiên tại mặt trận của chiến trường Việt Nam. Chính Simons đã gắn huy chương lên áo của Meadows. Simons và Meadows đã cùng nhau phục vụ ở nhiều công tác, không có một công tác nào mà Simons cần thảo luận chi tiết. Về sau Simons giải thích: “Giá tôi xin phép làm một vài việc trong số đó, thì Westmoreland có thể bị ngất xỉu một trong những việc đó Simons cho là hành động tuyệt vời nhất trong chiến cuộc Việt Nam”.

    Simons biết rằng chuyến đi Sơn Tây không phải là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của Dick Meadows. Vào năm 1968, sau khi Blackburn không còn làm việc ở cơ quan SOG nữa, Meadows vẫn còn phục vụ ở Đông Nam Á trong chuyến công tác lần thứ ba. Một toán mật báo viên CAS bị “kẹt” sâu trong đất Bắc Việt Nam, tại một địa điểm mang bí danh “Con Ó” nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng. Meadows được chỉ định dùng máy bay từ một hàng không mẫu hạm để vào đất liền giải cứu toán đó. Ông ta đến nơi quá muộn (không gặp được toán mật báo viên bị kẹt tại địa điểm trên). Nhưng Meadows đã cùng toàn đội đi giải cứu trở về an toàn. Chính Mayer sau này cũng có nhận xét về Meadows như sau: “Về con người này thì tôi không biết cách gì để nói tốt hơn nữa. Ông ta đúng là một quân nhân thuộc loại “thượng thặng, vĩ đại”: không những chỉ là anh hùng, ông ta lại còn là loại người biết hoàn thành trách nhiệm chu đáo!”.

    Elliot Snyder “gầy nhom, khô khan, cao nhỏng”- Mayer thường mô tả ông ta như là “Hung-nô, sáng suốt, tài ba, nhạy cảm gan dạ, biết phối hợp với đồng đội”. Blackburn thì gọi ông là một “xác ướp”. Khi có ai nhờ làm việc gì thường thì ông ta không có phản ứng gì. Ông ta chỉ yên lặng thi hành ngay. Trong chiến đấu, ông ta tỏ ra có một cá tính, “dị thường, tình huống càng khó khăn bao nhiêu thì ông ta lại càng bình tĩnh bấy nhiêu. Không có việc gì có thể làm cho ông ta luống cuống, nao núng được. Trong đời tôi, tôi chưa hề gặp một quân nhân nào như ông ta!”.

    Cũng như Meadows và Simons, Sydnor luôn luôn tin tưởng vào việc làm của Blackburn.

    Simons cũng cần có thêm một sĩ quan cấp cao nữa một quân y sĩ. Toán nghiên cứu kế hoạch của Blackburn đã có ghi vào danh sách chuẩn bị điều cần thiết cho công tác là phải có một bác sĩ thành thạo. Các toán lực lượng đặc biệt đều thường được huấn luyện thông thạo về khoa cứu thương, nhưng trong công tác tập kích này thì cần phải có một bác sĩ chuyên khoa, không những chỉ để giúp vào việc hoạch định kế hoạch cuối cùng mà còn phải đi theo toán tập kích để săn sóc tù binh khi được giải cứu hoặc là chăm lo cho binh sĩ của Simons nếu có việc gì trở ngại xảy ra. Simons yêu cầu Tổng y viện bộ binh giới thiệu cho một quân y sĩ thuộc loại “chiến đấu”, nhưng ông ta không thể nói rõ cho vị chỉ huy trưởng quân y biết lý do yêu cầu đi làm công tác gì.

    Một ngày vào thượng tuần tháng tám, một trung tá tên là J.R. Cataldo bước vào văn phòng của Simons. Ông ta tự giới thiệu với Simons: “Tôi là bác sĩ Cataldo. Tôi nghe nói đại tá cần một bác sĩ”. Simons hỏi lại là ông ta có biết tại sao phải cần bác sĩ không? Cataldo trả lời: không biết, nhưng ông ta sẵn sàng nhận mọi công tác. Ông ta trước đây là y sĩ trưởng của lực lượng đặc biệt

    (mũ nồi xanh) ở căn cứ Fort Bragg, đã tốt nghiệp trường chỉ huy và tham mưu ở căn cứ Fort Leavenworth, và vừa được bổ nhiệm về phục vụ tại Washington. Ông ta và vợ cùng với bốn con nhỏ hiện đang sang định cư tại vùng Alexandria, nhưng vị chỉ huy trưởng quân y yêu cầu ông ta đến căn cứ Fort Bragg để gặp Simons về một “nhiệm vụ đặc biệt” nào đó.

    Từ trước tới nay, cả hai người chưa từng gặp nhau, nhưng Cataldo chính là người mà Simons đang cần. Cataldo còn xa lạ với vùng Washington cho nên việc ông ta vắng mặt một thời gian sẽ không gây ra nhiều nghi vấn. Ông ta biết khá về các loại công tác đặc biệt: đã được huấn luyện nhảy dù hoàn hảo, đã từng làm việc với các toán mũ nồi xanh tại các vùng hoạt động, và nhất là “dân cùng hội cùng thuyền với tôi”. Sau này Simons có nhắc lại như vậy. Simons chỉ còn thắc mắc một điều: “Liệu Cataldo có chịu tình nguyện không?” ông ta nói thẳng vấn đề với Cataldo rằng một cuộc giải thoát tù binh đang được hoạch định, bao gồm một cuộc đột kích sâu vào vùng đất miền Bắc Việt Nam. “Công tác này khó khăn, nguy hiểm lắm”, Simons nói thêm, cho nên cần phải có một bác sĩ tháp tùng. Chỉ vẻn vẹn có như vậy thôi. Cataldo có chịu tình nguyện đi theo không? Cataldo trả lời ngay: “Tôi là bác sĩ của đại tá”.

    Simons tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông ta nhớ lại: “Trong danh sách nhân viên công tác, có ghi chữ bác sĩ, cho nên tôi ghi dấu vào bên cạnh chữ đó. Hỏi lại Cataldo tên của anh ta đọc như thế nào và tôi tự nghĩ thầm: “Mẹ kiếp… thế là, giờ ta có được một thằng như thế rồi”.

    Người ta mô tả bác sĩ Cataldo khác nhau. Một trong những người lập kế hoạch cho công tác Sơn Tây nói rằng: “Ông ta là người hăng say, năng nổ, tận tụy, nhưng thích được quảng cáo rùm beng về cá nhân mình” Simons nổi giận về lời nhận xét đó, ông ta nói: “Cataldo là một gã lạ lùng. Nhưng tôi muốn bảo các anh một điều là các anh không thể moi đâu ra được một tên đại úy tình nguyện làm công tác này. Có thể là sẽ có vài y sĩ đến đây để giúp đỡ việc huấn luyện, hoặc tiêm giúp vài mũi thuốc men gì đó nhưng còn chuyện đi vào tận miền Bắc Việt Nam thì thôi, xin phép?…”. Simons suýt nữa cắn nát đầu mẩu điếu thuốc xì gà nhỏ và nói tiếp: “Thế mà bây giờ lại có một trung tá đến và tình nguyện ngay. Tay nghề của anh ta có thể kiếm được cả trăm ngàn đô-la một năm. Kể ra, ông ta đã có được tài sản đó rồi, có thể xin về hưu trí nếu ông ta muốn sẵn sàng hốt thêm bạc khi mở phòng khám bệnh tư. Vì lẽ đó, tôi thấy cần phải cảnh giác đối với kẻ nào muốn hạ uy tín của Cataldo. Tôi không biết tại sao bác sĩ Cataldo lại tình nguyện nhận công tác. Ông ta thừa hiểu là rất nguy hiểm. Nhưng ông ta vẫn tình nguyện. Các anh chỉ cần ghi nhớ điều đó là đủ rồi”.

    Simons cần phải thận trọng kín đáo trong việc lựa chọn những người cần thiết khác cho toán hành động. Qua các thượng sĩ điều hành đại đội và các tờ thông báo hàng ngày tại căn cứ Fort Bragg, tin truyền miệng được loan ra là đại tá Simons đang tuyển mộ người tình nguyện. Người nào quan tâm thì đến tập hợp tại hội trường doanh trại. Thành tích và tiếng tăm của Simons đã trở thành một huyền thoại. Một hôm trước giờ ăn cơm trưa, có đến khoảng gần 500 quân nhân tụ tập lại để nghe ông ta nói chuyện. Chẳng có gì để phải nói nhiều.

    Không tiết lộ chi tiết nào cả, Simons chỉ thông báo rằng ông ta đang cần người để thi hành một công tác “tương đối nguy hiểm”. Không có tiền thưởng thêm, không có phụ cấp dành cho công vụ tạm thời khi phải tạm rời đơn vị gốc. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Người nào muốn tình nguyện thì sau bữa cơm trưa đến trình diện tại hội trường, với đầy đủ hồ sơ lý lịch cá nhân, gọi là hồ sơ đại đội số 201. Simons sẽ đích thân phỏng vấn từng người tình nguyện. Ai không quan tâm đến thì

    cũng chẳng phải lo ngại gì cả, Simons bảo đảm là chẳng có ai bị ghi vào danh sách riêng nếu có tình nguyện hoặc không.

    Suốt trong giờ cơm trưa, có nhiều quân nhân bàn tán về câu chuyện “công tác tương đối nguy hiểm” của Simons. Sau bữa cơm chỉ có một nửa số quân nhân đã tụ tập trình diện tại hội trường. Simons đã bỏ ra suốt ba ngày để phỏng vấn từng người tình nguyện một. Có Cataldo và hai thượng sĩ phụ giúp, kiểm tra kỹ lý lịch, quá trình quân vụ và hồ sơ sức khoẻ. Cataldo khám sơ sài từng người. Có chín quân nhân không được thu nhận vì quá béo, mặc dù đều là lính mũ nồi xanh cả. Mười một người có hồ sơ bệnh trạng tâm thần cũng bị từ chối. Một vài người khác thì lại có vợ đang mang thai. Simons cũng gạt tên mấy người này ra, vì ông ta không muốn để họ phải liều lĩnh trong khi đầu óc mang đầy những lo âu phù phiếm khác.

    Trong khi Simons tìm hiểu khả năng chiến đấu và đánh giá về thể lực của những người tình nguyện ông ta tìm chọn những quân nhân nào có đủ sức mạnh để cõng các tù binh ra khỏi trại giam Sơn Tây trong trường hợp cần thiết thì bác sĩ Cataldo lại thử thách phản ứng tâm lý của những người này để xem họ có nhạy cảm khi bị kích thích không, ví dụ: “ Tôi khám thấy lá gan của anh bị sưng to đây này. Chà, tại sao vậy hở chú lính, nhậu nhẹt lu bù phải không?” Nhiều câu hỏi được đặt ra để che đậy sự việc cụ thể và địa điểm thực tế của công tác, chẳng hạn như các câu hỏi: “ Anh có biết trượt tuyết không?” “Anh có thể đi bộ trong sa mạc được bao lâu mà không cần uống nước?” “Da của anh có dễ bị cháy nắng không?” “Anh có chịu được khi bị nhốt chung trong một phòng chật chội đông nghẹt những người thuộc xứ Li-băng thích ăn tỏi sống nhưng lại sợ nước không dám tắm không?”. Simons và Cataldo cuối cùng chọn lựa được 15 sĩ quan và 82 binh sĩ. Khoảng một phần ba trong số những người này đã từng phục vụ dưới quyền Simons trước đây và ông ta cũng biết rõ ít nhất là một nửa số này. Có sáu người chưa hề tham dự một trận chiến nào nhưng Simons quý lòng dũng cảm của họ. Có mười người được chọn làm đội dự bị để khi cần có người thay thế đối với lượng tập kích độ 50 người. Những người còn lại được sử dụng làm phân đội yểm trợ.

    Vào ngày thứ bảy, mồng 8 tháng 8, một thông điệp của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp do Mayer soạn thảo và trình Moorer ký vào trung tuần tháng bảy đã được gửi đi để thống nhất và ấn định rõ hệ thống chỉ huy liên hệ trên toàn thế giới. Bức thông điệp này ghi rõ một “Toán hành động hỗn hợp cấp thời” đặt dưới quyền chỉ huy của Manor và Simons và được ngụy danh là chiến dịch “Bờ Biển Ngà”. Không có một chi tiết nào khác được nêu ra mục tiêu của chiến dịch “Bờ Biển Ngà” này. Cũng trong thời gian này, Blackburn đã dọn văn phòng tham mưu của ông ta từ cơ sở Arlington về một khu an toàn khác tại khu vực quân báo quốc phòng (DIA) ở dưới căn hầm tòa nhà Lầu Năm Góc.

    Hai ngày sau, mồng 10 tháng 8, Manor và Simons đến Washington để họp với một số nhân vật mà Blackburn đã mời đến với tư cách là ủy ban kế hoạch cho chiến dịch “Bờ Biển Ngà”. Có 27 người dự họp và 13 người thuộc nhóm tiếp viện hành chính tăng cường của SACSA cũng có mặt. Trong tổng số người dự họp, có 2 người sẽ không ghi vào biên bản hội nghị tại Lầu Năm Góc, đó là: D. Elliot và R.Donohue đều là nhân viên CIA. Uỷ ban kế hoạch Blackburn giải thích rõ mỗi tuần sẽ họp từ thứ hai cho đến thứ sáu để soát xét lại và điều chỉnh một kế hoạch cần thiết cho công tác tập kích. Từ nơi đây, khi kế hoạch cuối cùng với đầy đủ chi tiết đã được soạn thảo xong thì nó sẽ được chuyển đi cho Manor và Simons tại căn cứ không quân Eglin. Blackburn và Mayer sẽ đóng vai trò “trung gian” cho hai người này, và phối hợp với Bộ Tổng tham mưu hỗn

    hợp Lầu Năm Góc.

    Trong số 38 chuyên viên kế hoạch này, có 11 người thuộc nhóm nghiên cứu, 15 người mà Blackburn đã quy tụ được từ ngày 10 tháng 6. Trong số những người mới dự họp lần đầu tiên, ngoài Manor và Simons, còn có Cataldo, Meadows, đại tá hải quân William, M.Campbell từ bộ chỉ huy điều hành hải quân đến, và một nhóm người mang đầy “vẻ tình báo” trên gương mặt.

    Một trong nhóm người này là “Blue Max” một tay chuyên viên phản tình báo hạng cừ, thiếu tá bộ binh Max E. Newman, trung tá không quân John K.Kennedy thuộc Bộ chỉ huy phòng không Thái Bình Dương, phòng ước lượng và điều hợp phương tiện. Vị trung tá này là chuyên viên của cơ quan NSA chuyên nghiên cứu về hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam. Đại tá hải quân S.Harris cùng với bốn người tháp tùng là đại điện cho phòng quân báo DIA. Trong tổng số những người tham dự cuộc họp sẽ có bốn người đi Sơn Tây.

    Một trong những quyết định đầu tiên trong buổi họp mà Manor và Simons đều đồng ý là gửi ngay đại diện đến căn cứ Eglin để chọn một bãi tập cho toán Simons và bắt đầu cung cấp hậu cần cần thiết. Vào ngày thứ tư và thứ năm, trong khi ủy ban kế hoạch vẫn còn họp bàn tại Washington thì các chuyên viên đại diện đã chọn được bãi tập tại bãi phụ số 3 trong căn cứ Eglin. Lịch sử đã được lặp lại. Chính bãi tập này là nơi cách đây 28 năm đã được chọn để huấn luyện một toán tập kích. Đây là bãi tập vắng vẻ, bỏ trống, trước đây dành cho sinh viên sĩ quan không quân sử dụng tập huấn. Nơi đây có tạm đủ các khoảng sân trống để cho trực thăng đáp xuống, có 6 căn nhà dùng làm chỗ ăn ở cho những người tập dượt, một hội trường và vài căn phòng làm lớp học, một gian hàng tạp hóa nhỏ và quán giải khát; một phòng ăn tập thể, một xưởng sửa chữa và đậu xe, một văn phòng chỉ huy với cửa sổ có song sắt có thể dùng làm trung tâm điều hành các công tác đã được dự kiến.


    Gần bên bãi tập này là một vùng đất trống, bằng phẳng, mọc đầy cây cỏ thuộc vùng đất ẩm ướt của bang Florida. Toán nghiên cứu của Blackburn đã đề nghị và Simons cũng đồng ý về sự cần thiết này là dựng một mô hình khu trại giam Sơn Tây để tập dượt trước với mọi địa hình tương tự như địa hình ngay trên đất Bắc Việt Nam. Các loại cây thông và bạch dương mọc trên vùng đất Florida có chiều cao tương tự với các loại cây mọc trong khu trại giam Sơn Tây, mặc dù tán lá không được rậm rạp bằng.

    Trong khi uỷ ban kế hoạch thảo luận các chi tiết liên quan đến sự việc này thì các chuyên viên phản tình báo tỏ ý bác bỏ ý kiến về việc xây cất toàn bộ mô hình giống như thực tế mà Blackburn và Simons dự định thực hiện. Nhiều chi tiết liên hệ được mô phỏng lại sẽ vô tình sớm tiết lộ mục tiêu công tác cho toán đi tập kích và việc xây cất một khu vực mới sẽ khó được giải thích trôi chảy đối với những ai có ý quan sát, tò mò. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, các chuyên viên tình báo nhấn mạnh: là các máy chụp ảnh địa hình thuộc hệ thống vệ tinh của Liên Xô thường xuyên bay quan sát trên vùng trời tại căn cứ không quân Eglin cũng như các đồng nghiệp người Mỹ của họ, các chuyên viên Liên Xô phụ trách phân tích và giải thích các ảnh chụp chắc hẳn cũng được huấn luyện để chuyên tìm tòi khảo sát kỹ lưỡng về bất cứ loại xây cất nào mới trong căn cứ quân sự. Cứ 24 giờ vệ tinh Cosmos 355 của Liên Xô thường bay ngang qua căn cứ Eglin hai lần với độ cao khoảng 70 hải lý. Cũng với độ cao này, vệ tinh Big Bird (Đại điểu) của Hoa Kỳ có thể chụp những ảnh về địa hình ở Xi-bê-ri cho phép một chuyên viên không ảnh thiện nghệ có thể tìm thấy được ngay cả một căn chòi nào mới dựng lên ở giữa vùng này. Các loại khảo sát điện tử hồng ngoại tuyến thậm chí có thể dò biết được căn chòi này được sử dụng bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần là 13 ngày hoặc ít hơn, các chuyên viên phân tích tình báo đều biết rõ, các cuốn phim trong vệ tinh Cosmos được tháo ra và chuyển về trung tâm nghiên cứu để tìm dấu

    vết về những dấu hiệu biến đổi như thế. Thường xuyên Liên Xô cho phóng đến hai vệ tinh vào quỹ đạo trong cùng một thời điểm nào đó, như vậy thì việc phát hiện ra mô hình trại giam Sơn Tây lại càng có thể xảy ra sớm hơn. Ngoài ra, một chiếc tàu kéo của Liên Xô đang hoạt động tại vịnh Mexico, rõ ràng là với mục đích thu thập tin tức tình báo qua hệ thống điện tử. Như vậy thì không có cách gì có thể che giấu nổi màn lưới Ra-đa về việc có thêm nhiều chuyến máy bay tấp nập lên xuống tại bãi tập số 3 và việc huấn luyện không thể xúc tiến trong sự hoàn toàn im lặng của máy truyền tin mặc dù mật mã và làn sóng phát tuyến thường xuyên thay đổi. Các chuyến máy bay lên xuống thực tập và các làn phát sóng truyền tin có thể gợi cho chiếc tàu kéo của Liên Xô một “dấu hiệu” khả nghi đủ để yêu cầu vệ tinh Cosmos 355, hoặc một vệ tinh đặc biệt khác được phóng lên quan sát thật kỹ bãi tập dã chiến số 3 tại căn cứ Eglin.

    Nhưng Simons không thể bắt tay vào việc huấn luyện người của ông ta về một cuộc tập kích ngay trong lòng đất Bắc Việt Nam với một loại “bản đồ thực tập” có sẵn tại căn cứ Fort Leavenworth. Vì lẽ đó, các chuyên viên kế hoạch quyết định xây dựng một loại mô hình có thể tháo rời và cất giấu vào ban ngày được. Có thể dùng loại gỗ 2x4 và vải bạt để dựng vách tường và doanh trại. Cổng chính, cửa lớn và cửa sổ thì có thể được sơn vẽ hoặc cắt hình ngay trên vải bạt. Như vậy thì trại giam Sơn Tây có thể “cuộn tròn” lại và cất giấu đi, các cọc gỗ 2x4 có thể được nhổ lên và các lỗ đất sâu dùng để cắm cọc sẽ được che đậy lại để không phơi dấu vết về chu vi trại giam. Các buổi tập dượt ban ngày sẽ được hạn chế theo chương trình mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ vào các thời điểm mà vệ tinh Liên Xô không ở vào vị trí chụp được căn cứ.


    Để che giấu sự thật, Simons sẽ mượn cớ nói với binh sĩ của ông ta rằng mô hình này là một cái “làng xã” nào đó mà họ sẽ tập kích vào. Nhưng ông ta muốn việc dựng mô hình phải thực hiện gấp cho xong. Ông ta đã tạm có đầy đủ tư liệu cần thiết để thi hành công tác. Blackburn đã yêu cầu DIA cho thực hiện một chuyến bay trinh sát có chụp ảnh rõ ràng về toàn bộ khu vực mục tiêu. Việc này đã được cơ quan CIA lo giúp và hoàn tất vào tháng tám. Blackburn cũng đã liên hệ với Milt Zaslov ở cơ quan NSA, người lo phối hợp về việc yêu cầu cung cấp các loại tin tức thu thập bằng máy điện tử cho Lầu Năm Góc. Cho đến thời gian này thì “hồ sơ mục tiêu” về Sơn Tây đã được đựng đầy trong nhiều tủ đứng có ngăn kéo. Trong đống hồ sơ này có cả một bộ bản đồ đặc biệt loại tỉ lệ lớn về toàn bộ khu vực mục tiêu, được in riêng chỉ có vài bản sao (tỷ lệ 1: 50.000 phân Anh); có nhiều tấm ảnh chụp lớn nhỏ khác nhau về vùng địa thế từ Sơn Tây đến sông Đà, 65 dặm về hướng Tây: nhiều tấm ảnh đặc biệt chụp rõ các ngả đường quanh co từ đất Lào vào vùng mục tiêu; và nhiều tấm ảnh khác về ngay chính khu vực mục tiêu, có hai tỉ lệ xích, mỗi ô vuông nhỏ trên tấm ảnh ngang với 100 và 200 mét vuông trên thực tế. Uỷ ban kế hoạch biết rõ từng ngọn cây trong toàn khu trại Sơn Tây: và trong vòng vài ngày sau buổi họp thứ nhất tại Washington, 710 cọc gỗ bề dài 6 bộ, bề cạnh 2x4, và 1.500 yard vải bạt được chở đến bãi tập dã chiến số 3. Tại một nơi nào đó trong căn cứ Eglin, nhiều loại cây to được đào gốc lên và trồng lại tại khu vực mô hình để tạo ra vẻ giống như các loại cây thật thực tế tại trại giam, mục tiêu để cho trực thăng thực tập bay ngang qua và đáp xuống ngay trong sân trại để cho toán tập kích của Simons hoạt động.

    Các chi tiết về tình báo cũng hết sức được quan tâm đến trên suốt đoạn đường bay dài từ đất Lào vào vùng mục tiêu và trở về. Uỷ ban kế hoạch được biết là các ảnh

    vừa do máy bay trinh sát SR- 71 chụp được không có dấu vết gì về có đổi thay lớn tại khu kế cận mục tiêu, chỉ có một địa điểm huấn luyện báo động phòng không được phát hiện ở cách 3,3 dặm về hướng đông nam của

    trại giam, và có nhiều loại xe lớn nhỏ di chuyển về hướng nam và tây của vùng mục tiêu, số lượng xe cộ nhiều hơn thường lệ.

    Các chuyên viên kế hoạch cũng được biết thêm một điều khác: các tấm không ảnh chụp được kể từ ngày 6 tháng 6 đến nay cho thấy dấu hiệu là trại tù Sơn Tây có vẻ “ít sinh hoạt” hơn thường lệ.

    Một vài cuộc “máy bay oanh kích” của Mỹ đang được thực hiện một cách khác thường tại vùng phía Bắc Lào đến vùng hướng tây Sơn Tây trong suốt thời gian toán nghiên cứu kế hoạch của Blackburn đang thảo luận về dấu hiệu “giảm mật độ sinh hoạt” đã được phát hiện tại khu trại giam. Sau này Manor có ghi chú trong bản báo cáo sau khi hoàn tất công tác đệ trình Bộ tổng tham mưu hỗn hợp rằng: “Nhiều nguồn tin tình báo khác đã giải thích rõ ràng về các dấu hiệu đổi thay mật độ sinh hoạt này”. Nhưng ông ta không nói rõ thêm ngay cả trong bản tài liệu tối mật, rằng: “nguồn tin tình báo khác” ấy là gì hoặc có thể người ta cũng không cho ông ta biết. Có thể chính ngay cả Manor và các chuyên viên kế hoạch khác về công tác Sơn Tây cũng không biết dấu hiệu này có nghĩa là trại tù Sơn Tây không những chỉ có vẻ “ít sinh hoạt” mà thôi, thật ra trại tù đã trống rỗng. Người ta cũng không cho họ biết là các dấu hiệu “những thay đổi” đó là hậu quả gây ra do các cuộc oanh kích khác thường trên đất Bắc Lào là một phần của chương trình hoạt động tối mật được gọi là “chiến dịch Popeye”. Chiến dịch Popeye chỉ là một trong nhiều mật danh được dùng để nói về các “hoạt động làm thay đổi thời tiết” do Bộ Quốc phòng và cơ quan CIA phối hợp chỉ đạo trong chiến tranh Việt Nam. Tin tức liên quan đến các loại hoạt động này được giữ kín theo một “hệ thống đặc biệt”. Số người được biết đến loại tin tức này bị hạn chế đến nỗi năm năm sau cuộc tập kích Sơn Tây, một thủ trưởng của một cơ quan tình báo đã phải giải thích rằng không những ông ta chỉ “sợ hãi” khi thảo luận đến việc này mà hơn nữa, ông ta cảm thấy

    “run rẩy” khi đề cập đến. Có ý kiến cho rằng các tù binh, mà một vài người Mỹ đang cố gắng giải thoát khỏi trại tù Sơn Tây, đã bị di chuyển ra khỏi khu vực mục tiêu kể từ tháng bảy năm 1970 vì một trận lụt nhân tạo do một vài người Mỹ khác thực hiện quanh vùng kế cận bằng các chuyến bay tạo mưa lụt với hóa chất. Nhưng bởi vì chiến dịch Popeye và các hoạt động hữu quan được xếp vào loại công tác tối mật trong chiến tranh Việt Nam cho nên các chuyên viên kế hoạch về vụ Sơn Tây và những người tham gia vào chuyến đi tập kích, đều không biết gì về các sự kiện trên.

    Chương trình thực hiện mưa nhân tạo được xúc tiến dưới nhiều mật danh khác nhau: “Chiến dịch Đồng hương”, rồi đến “Chiến dịch Trung gian”, đến khi các loại mật danh này bị “tiết lộ” thì dùng đến “Chiến dịch Popeye”- Toàn bộ chương trình này kéo dài từ tháng ba năm 1967 đến tháng bảy năm 1972, và không phải là một chương trình nhỏ bé. Có tất cả 2.602 chuyến bay được xuất phát, gần bằng với số chuyến bay oanh tạc thả bom đã được thực hiện trên vùng trời Bắc Việt Nam trong suốt các năm 1970 và 1971. Mục đích của chương trình này là làm “tăng cường các trận mưa trong mùa gió mùa hàng năm”, sử dụng các loại hóa chất gồm có chất bạc và chì để tạo ra các đám mây lạnh. Với chương trình này, người ta hy vọng rằng sẽ làm chậm trễ các đường dây tiếp tế vào đường mòn Hồ Chí Minh, do mưa nhân tạo gây ra mặt đường lầy lội trơn trượt, sụp lở và cuốn trôi đi các đoạn cầu gỗ nhỏ bắc qua sông suối. Hơn nữa, vì Bắc Việt Nam thường dùng các dòng suối trên đất Lào, theo các nhánh chảy vào sông Cửu Long, để thả trôi vật liệu xuống miền Nam. Thông thường đồ tiếp liệu được đựng trong các thùng gỗ tròn, nếu bị bom thì vẫn nổi lềnh bềnh, ngập xuống trồi lên cho nên một mục đích khác nữa của chương trình này là làm cho các dòng suối này ngập tràn nước, biến thành “thác lũ”. Lại có thêm một phần hoạt động tối mật hơn nữa nằm trong chương trình làm thay đổi thời tiết do CIA thực hiện

    ở miền Bắc nước Lào là cho đổ xuống hàng tấn hóa chất như loại “nhũ tương” trên các đường mòn và dọc theo các bờ sông, đã bị thấm ướt do mưa nhân tạo. Loại nhũ tương này làm cho các đường mòn trở nên không thể nào đi được, đầy rẫy đất cát trơn, sụt lở, còn các bờ sông thì bị sụt lở, gây ra lũ lụt.

    Trong thời gian lệnh ngừng thả bom do Tổng thống Johnson chỉ thị vào ngày 1-11-1968, tất cả “các hoạt động hóa chất dọc theo biên giới Bắc Việt Nam đã chấm dứt không bao giờ tái diễn nữa”. Nhưng hoạt động ngang qua đất Lào vào ngay trên đất Lào, thì lại được tăng cường.

    Tất cả những hoạt động hóa chất trong suốt năm 1969 đều được thực hiện ở Bắc Lào, tại một khu vực mục tiêu nhỏ cạnh biên giới Bắc Việt Nam. Khu vực này nằm ở hướng tây hoặc tây nam Hà Nội - và Sơn Tây. Vào năm 1970 thì khu vực mục tiêu được mở rộng ra bao gồm luôn cả vùng đông nam Lào, khu vực hướng tây Hà Nội và Sơn Tây cũng được nới rộng gấp đôi. Nội trong năm đó, 277 lượt bay hoạt động đã được xuất phát, 8.312 “đơn vị hóa chất” đã được thả xuống.

    Đây là số lượng cao vào hàng thứ ba tính theo hàng năm trong suốt thời gian sáu năm mà chiến dịch Popeye hoạt động. Và hầu hết các công tác thả hóa chất này được thực hiện trong thời gian giữa tháng 8 và tháng 11.

    Còn tiếp


    Không có nhận xét nào