Header Ads

  • Breaking News

    Anders Corr * - Hoa Kỳ sẽ chi tiêu thêm 1.7 ngàn tỷ USD nữa, với ít trách nhiệm giải trình dân chủ

    Nhật Thăng biên dịch

    28/12/2022

    Hoa Kỳ sẽ chi tiêu thêm 1.7 ngàn tỷ USD nữa, với ít trách nhiệm giải trình dân chủ

    Các sĩ quan Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ đứng dưới chân các bậc thang dẫn tới Phòng họp Hạ viện khi cuộc bỏ phiếu về gói chi tiêu trị giá 1.7 ngàn tỷ USD diễn ra, tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 23/12/2002. Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu sẽ tài trợ cho chính phủ trong năm 2023 này. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images) 

    Các chính trị gia của chúng ta lại đang chi tiêu nhiều hơn những gì họ có, một lần nữa (và hết lần này đến lần khác vẫn như thế). Đó là một mối nguy ngày càng lớn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, nền kinh tế mà an ninh quốc gia của Hoa Kỳ dựa vào. 

    Việc đổ lỗi về mặt tài khóa cho dự luật chi tiêu “tổng hợp” trị giá 1.7 ngàn tỷ USD mới nhất được Thượng viện thông qua hôm 22/12 trước thời hạn hôm 23/12, chủ yếu hướng về Đảng Dân Chủ. Nhưng dự luật này nhận được phiếu bầu từ 18 thành viên Đảng Cộng Hòa, trong đó có Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, ông Tom Cotton, ông Lyndsey Graham, và ông Mitt Romney. 

    Các thành viên Đảng Cộng Hòa đang được đền đáp bằng những khoản vụn vặt từ Quốc hội do Đảng Dân Chủ kiểm soát, đặc biệt là một khoản tăng gần 10% trong ngân sách quốc phòng, so với mức tăng gần 6% trong chi tiêu phi quốc phòng, và 45 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Ông McConnell gọi dự luật này là một chiến thắng. 

    Chí ít thì dự luật đó phần nào mang tính lưỡng đảng. Hầu hết người Mỹ sẽ tìm thấy điều gì đó để thích hoặc không thích trong dự luật chi tiêu tổng hợp này. Nhưng điều vẫn chưa được giải quyết là làm thế nào để chi trả cho bộ máy chính phủ ngày càng cồng kềnh hơn trong thời kỳ lạm phát gia tăng và nợ quốc gia ngày càng tăng. 

    Được tờ The Wall Street Journal gọi là “một đống bốc hơi”, tờ National Review gọi là một “vụ bê bối” và tờ New York Times gọi là một mớ “bùng nhùng”, dự luật này gồm 858 tỷ USD dành cho quân đội và 772.5 tỷ USD dành cho chi tiêu trong nước. 

    Các dự luật chi tiêu tổng hợp mà không có đủ thời gian cho công chúng phân tích và bình luận kỹ lưỡng thì về căn bản là phi dân chủ. Các dự luật kiểu này trao quyền lực cho các nhóm lợi ích đặc biệt và các nhà trung gian thuộc giới tinh hoa của mình trong Quốc hội nhưng lại hạn chế những gì lẽ ra phải có: hàng tháng trời tranh luận công khai và sửa đổi luật, kể cả tranh luận công khai và sửa đổi về loại bỏ lãng phí tài chính. 

    Một chiến lược tương tự đã được sử dụng để kết thúc các quy trình dân chủ cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng trị giá 858 tỷ USD và Đạo luật Giảm Lạm Phát được đặt tên không chính xác, vốn bao gồm 433 tỷ USD chi tiêu mới. 

    Cả hai dự luật này đều bao gồm nhiều điều khoản về các chủ đề không liên quan, khiến cho việc quản lý trở nên mờ mịt và không thể tiếp cận được đối với công chúng. Vì vậy, nhìn chung những dự luật này làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng các chính trị gia hàng đầu của chúng ta dường như không thể tăng tính minh bạch của chính phủ, hạn chế quyền lực hậu trường to lớn của họ đối với việc đánh thuế và chi tiêu, hoặc giảm ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đặc biệt. 

    Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) nói tại một cuộc họp báo về dự luật chi tiêu tổng hợp rất lớn của Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/12/2022, trong một cảnh trích từ một video phát trực tiếp của NTD. (Ảnh: NTD)

    Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) nói tại một cuộc họp báo về dự luật chi tiêu tổng hợp rất lớn của Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/12/2022, trong một cảnh trích từ một video phát trực tiếp của NTD. (Ảnh: NTD) 

    Quá trình này là có trù tính từ trước. Vì các nhà lãnh đạo Quốc hội của Đảng Dân Chủ không thể thông qua các dự luật của mình một cách riêng lẻ, nên họ đã thông qua các dự luật chi tiêu ngắn hạn trong vài tháng qua. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng vào cuối năm, “buộc” họ phải kết hợp các dự luật thành một gói rất lớn gắn vào một dự luật chi tiêu tổng hợp gồm nhiều nội dung “phải thông qua”, nếu không thì chính phủ của chúng ta sẽ bị đóng cửa, chúng ta chạm trần nợ, hoặc việc cắt giảm ngân sách trở thành điều bắt buộc. 

    Đó là tống tiền, chứ không phải dân chủ. Việc này trao quyền lực quá mức cho các nhà lãnh đạo Quốc hội, những người hành động như những tay gác cổng phi dân chủ, hơn là trao quyền cho mỗi đại diện cá nhân và trách nhiệm của họ trong việc cân nhắc công khai vì lợi ích của các cử tri và người dân Mỹ nói chung. 

    Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) đã gọi dự luật chi tiêu tổng hợp này là “một hành động tống tiền đối với Thượng viện Hoa Kỳ ngay trước thềm Giáng Sinh.” Ông đã đúng khi chỉ trích các nhà lập pháp vì đã soạn ra dự luật này “hoàn toàn trong bí mật.” 

    Chi tiêu “bắt buộc” cho các dịch vụ xã hội đang làm tăng gánh nặng nợ của Mỹ. Nếu không có tranh luận công khai, trách nhiệm đối với các phiếu bầu, và nhiều cơ hội hơn để đưa ra các sửa đổi, thì sẽ khó hơn để Hoa Kỳ đưa ra quyết định về những lựa chọn khó khăn để khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính của mình. 

    Dự luật chi tiêu tổng hợp dài 4,155 trang, hay còn gọi là “Đạo luật Phân bổ Hợp nhất” này, đã được chuyển đến các thượng nghị sĩ vào tối muộn hôm 19/12 và được thông qua ba ngày sau đó, chỉ một ngày trước kỳ nghỉ lễ của Quốc hội. Ba ngày là thời gian không đủ để bất kỳ ai đọc và hiểu thấu đáo, chứ đừng nói đến tranh luận, về hàng ngàn trang mà các thượng nghị sĩ đang biểu quyết thành luật. 

    Ông Schumer, kiến ​​trúc sư trưởng của hành động không thể chấp nhận được này, đã thúc giục bỏ phiếu nhanh chóng về các sửa đổi dự luật. Ông tìm cách giới hạn thời gian bỏ phiếu xuống còn 10 phút cho mỗi người, chúc mừng các thượng nghị sĩ khi họ hoàn thành việc bỏ phiếu trong thời gian ngắn hơn. Ông nói sau khi một thượng nghị sĩ bỏ phiếu, “Đó là 8 phút rưỡi. Hãy duy trì như vậy. Hãy ngồi yên tại chỗ của các vị.” 

    Bởi vì rốt cuộc thì tất cả các dự luật được đóng gói lại với nhau, nên có rất ít trách nhiệm giải trình đối với việc bỏ phiếu vội vã và nhìn chung là không có sự hiểu biết đầy đủ này. Chẳng hạn, có rất ít người có thể giải mã được thượng nghị sĩ nào ủng hộ hay phản đối trách nhiệm giải trình trong bầu cử, hoạt động đánh bắt tôm hùm, Ukraine, về hưu, biên giới, TikTok, mang thai, và các biện pháp chăm sóc sức khỏe trong (hoặc không có trong) dự luật tổng hợp bởi vì cuối cùng tất cả đều được gom vào kết hợp với phần còn lại hoặc bị loại trong vòng 10 phút bỏ phiếu sửa đổi. Do đó, dự luật được thông qua mà không có trách nhiệm dân chủ hoặc trách nhiệm tài chính cần thiết. 

    Có những thời điểm mà chi tiêu thâm hụt có thể chấp nhận được, ví dụ, vào thời kỳ Mỹ quốc ở đỉnh cao quyền lực vào những năm 1950 hoặc 1990 khi thế giới sử dụng số USD dư thừa cho dự trữ ngoại hối ngân hàng trung ương của họ. Nhưng trong hai thập niên qua, mức dự trữ đồng USD đã giảm từ hơn 70% xuống dưới 60%. 

    Giờ đây, dự luật cho phép chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh Hoa Kỳ nợ 100 ngàn tỷ USD và các nghĩa vụ dịch vụ xã hội chưa thanh toán trong tương lai, 1 ngàn tỷ USD khác được đề nghị để xóa nợ cho sinh viên, và lạm phát tăng vọt. 

    Nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã vượt quá 31 ngàn tỷ USD trong năm 2022 và sẽ tăng lên 225% GDP vào năm 2050. Thay vì tìm các nguồn doanh thu mới và cắt giảm lãng phí dư thừa, thì về căn bản là chúng ta đang in tiền. 

    Việc in tiền sẽ làm tăng lạm phát và khiến Cục Dự trữ Liên bang nghĩ rằng họ phải tăng lãi suất để bóp nghẹt nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách hút số USD “dư thừa” ra khỏi hệ thống. Nền kinh tế của chúng ta đang đi xuống, liều thuốc lãi suất cao còn tệ hơn cả chính lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao chỉ trì hoãn lạm phát cho đến sau này, bởi vì tất cả số tiền đã vay đó phải được hoàn trả với lãi suất ngày càng tăng. Việc hoàn trả này cuối cùng sẽ đẩy tiền quay trở lại lưu thông, nơi chúng sẽ lại gây ra lạm phát. 

    Chúng ta đang sống bằng thời gian vay mượn, còn chiếc đồng hồ thì bị hỏng. Nền kinh tế của chúng ta, vốn là chỗ dựa cho nền dân chủ của chúng ta, thì đang ốm yếu. Quốc hội phải bắt đầu đưa ra những lựa chọn khó khăn. Chúng ta phải tìm nguồn thu mới hoặc cắt giảm chi tiêu.

    * Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào