Header Ads

  • Breaking News

    Chuyển động Quốc Phòng từ ngày 25 tháng 11 đến 1 tháng 12 năm 2022

    Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

    Chiến tranh Nga – Ukraine

    Nga tấn công miền nam Ukraine khi Kyiev chật vật khôi phục điện

    Nga đã thực hiện các cuộc không kích vào các thành phố trên khắp miền nam Ukraine vào cuối tuần qua, trong khi giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ở khu vực Donetsk. Các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng đã đảo lộn cuộc sống ở Ukraine trong sáu tuần qua. Tính đến thứ Bảy, sáu triệu người trên khắp Ukraine đã bị mất điện do các cuộc tấn công. Mỹ, Ukraine và các nước khác đã cáo buộc Nga cố gắng khiến người dân Ukraine phải khuất phục bằng cách khiến họ không có điện khi mùa đông đến gần và nhiệt độ giảm xuống.

    Xem thêm tại: WSJ, Russian Airstrikes Hit Southern Ukraine as Country Scrambles to Restore Electricity. Truy cập ngày 27/11/2022

    Nga triển khai hệ thống phòng không Viking mới tới Ukraine

    Moscow đang triển khai hệ thống tên lửa đất đối không cao cấp 9K317M Buk-M3 tại vùng Kadiivka (tên cũ – Stakhanov) do Nga chiếm đóng vào ngày 28/11. Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk-M3 hay còn gọi là Viking được dùng để đánh chặn mọi loại tên lửa hành trình và mục tiêu khí động học. Viking có khả năng tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không trong phạm vi từ 2,5 đến 70 km, với tốc độ 3.000 m/s ở độ cao từ 15 m đến 35 km. Lực lượng Nga đã nhận được tổ hợp đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 Viking vào năm 2016.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Russia deploys new Viking air defense system to Ukraine. Truy cập ngày 28/11/2022

    NATO cáo buộc Nga dùng mùa đông làm vũ khí trong cuộc chiến và sẽ không ngừng viện trợ cho Ukraine

    Ukraine đã chuẩn bị cho nhiều cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác vào thứ Hai đồng thời cảnh báo về khả năng sơ tán thủ đô. Nga đã tiến hành các cuộc oanh tạc bằng tên lửa quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine gần như hàng tuần kể từ đầu tháng 10, với mỗi đợt tấn công có tác động lớn hơn lần trước do thiệt hại tích lũy và mùa đông lạnh giá bắt đầu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý định sử dụng sương giá, tuyết và băng để làm lợi thế cho mình, không chỉ trên chiến trường mà còn nhằm vào thường dân Ukraine.

    Cùng lúc, Tổng thư ký NATO kêu gọi các nước thành viên cam kết viện trợ nhiều hơn cho Kiev trong mùa đông giữa lúc Nga không ngừng tấn công. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao đã thừa nhận các vấn đề về nguồn cung và năng lực khi họ cũng thảo luận về viện trợ phi vũ khí như nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị mùa đông và thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái – đã được chuyển giao thông qua gói hỗ trợ của NATO.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, NATO says Russia using winter as a weapon in Ukraine war. Truy cập ngày 29/11/2022; NATO chief says alliance will not back down on Ukraine aid. Truy cập ngày 29/11/2022

    Mỹ xem xét mở rộng kế hoạch đào tạo lực lượng Ukraine

    Theo nhiều quan chức Mỹ, chính quyền Biden đang xem xét mở rộng đáng kể hoạt động huấn luyện mà quân đội Mỹ cung cấp cho các lực lượng Ukraine, bao gồm cả việc hướng dẫn tới 2.500 binh sĩ Ukraine mỗi tháng tại một căn cứ của Mỹ ở Đức. Theo chương trình mới, Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm binh sĩ Ukraine các chiến thuật tinh vi hơn, bao gồm cách phối hợp các cuộc diễn tập bộ binh với sự hỗ trợ của pháo binh – quá trình huấn luyện “dữ dội và toàn diện hơn nhiều” so với những gì Ukraine đã nhận được ở Ba Lan hoặc Anh.

    Xem thêm tại: CNN, US considers dramatically expanding training of Ukrainian forces, US officials say. Truy cập ngày 30/11/2022

    Quân đội Ukraine sử dụng pháo FH70 do Ý viện trợ

    Những hình ảnh đầu tiên được công bố trên tài khoản Facebook của Bộ tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho thấy các binh sĩ Ukraine sử dụng pháo kéo FH70 155mm và xe đầu kéo IVECO Astra SM 66.40 Prime Mover do Ý viện trợ. FH70 có thể bắn tất cả các loại đạn 155mm tiêu chuẩn của NATO và có thể bắn ở tầm bắn tối đa 30 km bằng các loại đạn có tầm bắn mở rộng, chúng thường được kéo bởi một xe tải quân sự 5 tấn, chở theo cả đội triển khai và đạn dược. Loại pháo này cũng được trang bị một APU (Bộ nguồn phụ trợ) cho phép FH-70 tự di chuyển và cho phép khả năng bắn và né (shoot and scoot).

    Xem thêm tại: Army Recog, Ukraine army releases pictures showing the use of FH70 howitzers donated by Italy. Truy cập ngày 1/12/2022

    Luxembourg giao cho Ukraine 6 máy bay không người lái Primoco One 150 do CH Séc sản xuất

    Luxembourg đã chuyển giao cho Ukraine các thiết bị quân sự và phương tiện chiến đấu bao gồm xe chiến thuật HUMVEE, tên lửa dẫn đường NLAW, hệ thống nhìn đêm, lều quân sự, máy phát điện cũng như đạn dược bao gồm tên lửa 122mm cho BM-21 MLRS (Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần), RPG-7 và đạn 12,7mm. Primoco One 150 là máy bay không người lái (UAV) cỡ trung được phát triển và sản xuất bởi công ty Primoco của Séc. Máy bay không người lái này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ giám sát và trinh sát và đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên cho các ứng dụng quân sự vào tháng 9 năm 2020.

    Xem thêm tại: Army Recog, Luxembourg delivers to Ukraine six Czech-made Primoco One 150 drones. Truy cập ngày 26/11/2022

    Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Bỉ ký tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành thành viên EU và NATO

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã ký một tuyên bố ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của EU và NATO vào thứ Bảy trong chuyến thăm làm việc của ông De Croo tới Kiev. TT Zelensky cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Bỉ vì đã sẵn sàng cung cấp các máy phát điện cần thiết và các thiết bị khác hiện cực kỳ cần thiết cho Ukraine trong bối cảnh Ukraine mất điện sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Cả hai nhà lãnh đạo thảo luận về sáng kiến ​​Ngũ cốc từ Ukraine và Zelensky cảm ơn Bỉ vì sớm hỗ trợ kế hoạch này.

    Xem thêm tại: Yahoo News, Zelensky and Belgium’s prime minister sign declaration of support for Ukrainian EU and NATO membership. Truy cập ngày 26/11/2022

    Nhà sáng lập Wagner cho biết cựu tướng thủy quân lục chiến Mỹ làm việc cho nhóm lính đánh thuê Nga

    Người đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết hôm thứ Sáu rằng một cựu tướng thủy quân lục chiến Mỹ đang làm việc cho nhóm. Trả lời tờ báo Helsingin Sanomat, Prigozhin cho biết rằng có khoảng 20 người Phần Lan đang chiến đấu cho Wagner. Những người lính này đang chiến đấu trong một tiểu đoàn của Anh [một phần của Wagner PMC], được chỉ huy bởi một một cựu tướng Thủy quân lục chiến Mỹ. Trong nhiều năm, nhóm Wagner bị nghi ngờ là công cụ để hiện thực hóa các tham vọng ở nước ngoài của Điện Kremlin, bao gồm cả Ukraine, nơi tổ chức này đã đi đầu trong cuộc xâm lược hồi tháng Hai của Moscow.

    Xem thêm tại: SCMP, Wagner founder says ex-US Marine general working for Russian mercenary group. Truy cập ngày 27/11/2022

     

    Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

    Quân đội Mỹ sẵn sàng trở lại Vịnh Subic, Philippines sau 30 năm vắng bóng để đáp trả sự hiện diện của Trung Quốc

    Quân đội Mỹ có thể sẽ quay trở lại Vịnh Subic sau 30 năm từ bỏ nơi từng là căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở châu Á do lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Căn cứ Hải quân cũ của Mỹ tại Vịnh Subic giáp với Biển Đông, đã trở thành một cảng tự do nhộn nhịp sử dụng khoảng 150.000 người dân địa phương do Chính quyền Đô thị Vịnh Subic quản lý. Manila và Washington đã đàm phán về việc thiết lập thêm 5 địa điểm ở quốc gia châu Á này để xây dựng các cơ sở quân sự của Mỹ và triển khai vũ khí theo Thỏa thuận hợp tác củng cố quốc phòng.

    Xem thêm tại: SCMP, US military poised to return to Subic Bay, Philippines after 30 year absence, to counter China’s presence. Truy cập ngày 25/11/2022

    Nỗ lực vũ trang cho Đài Loan của Mỹ đối mặt với thách thức mới với cuộc chiến Ukraine

    Các quan chức Mỹ đang lo ngại cuộc chiến ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm khoản tồn đọng gần 19 tỷ đô la vũ khí dành cho Đài Loan, và điều này làm trì hoãn thêm các nỗ lực vũ trang cho hòn đảo này khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Dòng lưu chuyển vũ khí đến Ukraine hiện đang chạy ngược lại với những đòi hỏi dài hạn về chiến lược nhằm trang bị vũ khí cho Đài Loan. Khoản tiền vận chuyển tồn đọng trị giá hơn 14 tỷ đô la vào tháng 12 năm ngoái nay đã tăng lên 18,7 tỷ đô la, bao gồm đơn đặt hàng 208 tên lửa chống tăng Javelin và một đơn hàng riêng cho 215 tên lửa đất đối không Stinger hồi tháng 12/2015.

    Xem thêm tại: WSJ, U.S. Effort to Arm Taiwan Faces New Challenge With Ukraine Conflict. Truy cập ngày 28/11/2022

    Ấn Độ, Mỹ tổ chức các cuộc tập trận gần biên giới Trung Quốc đang tranh chấp

    Quân đội Ấn Độ và Mỹ hôm thứ Ba đã tham gia một cuộc tập trận tầm cao ở địa hình đồi núi lạnh giá gần biên giới tranh chấp của Ấn Độ với Trung Quốc, vào thời điểm cả hai nước đang cố gắng kiểm soát căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh. Cuộc tập trận thường niên diễn ra xung quanh Auli, một khu đồn trú trên đồi ở bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc giám sát, kỹ năng tác chiến trên núi, sơ tán thương vong và chiến đấu với viện trợ y tế trong điều kiện địa hình và khí hậu bất lợi đồng thời bao gồm hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và các hoạt động liên quan đến gìn giữ hòa bình.

    Xem thêm tại: Diplomat, India, US Armies Hold Exercises Close to Disputed China Border. Truy cập ngày 30/11/2022

     

    Trung Quốc tố tàu Mỹ ‘xâm nhập trái phép’ vùng biển gần Trường Sa

    Trung Quốc cho biết họ đã xua đuổi một tàu hải quân Mỹ “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville của Mỹ gần đây đã đi qua eo biển Đài Loan. Trung Quốc cáo buộc hành động của quân đội Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và Mỹ là “kẻ tạo ra rủi ro an ninh” trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chuyến đi của tàu USS Chancellorsville là một bằng chứng chắc chắn khác về tham vọng bá chủ của Mỹ và nỗ lực “quân sự hóa” Biển Đông của nước này. Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ cho biết trên tài khoản mạng xã hội WeChat của mình rằng quân đội Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng “báo động cao”.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, China says US ship ‘illegally intruded’ in waters near Spratlys. Truy cập ngày 29/11/2022

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sẵn sàng hợp tác với ông Kim Jong Un vì sự ổn định toàn cầu và khu vực

    Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Bảy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận trong một bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. KCNA không đề cập đến các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng làm gia tăng căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên sau cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.

    Xem thêm tại: Reuters, China’s Xi, in message to North Korea’s Kim, says willing to work together for regional, global stability -KCNA. Truy cập ngày 27/11/2022

    Trung Quốc công bố hệ thống phòng không tầm ngắn mới có khả năng nhắm vào drone

    Phát triển các hệ thống phòng không tầm ngắn để phát hiện máy bay bay thấp như máy bay không người lái đã trở thành trọng tâm chính đối với quân đội đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Được gọi là các hệ thống SHORAD, chúng rất quan trọng trong việc bảo vệ chống lại công nghệ không người lái trong chiến tranh tương lai –lĩnh vực mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nói nên được ưu tiên. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là hệ thống vũ khí tích hợp tên lửa phòng không Type 625E, được phát triển bởi China South Industries Group Corporation và China North Industries Group Corporation. Hệ thống Type 625E kết hợp súng phòng không và tên lửa trên xe tải chiến thuật 8×8 –tương tự hệ thống Pantsir của Nga và hệ thống Phòng không tầm ngắn cơ động của Mỹ.

    Xem thêm tại: SCMP, China has unveiled new short-range air defence systems that target drones. Truy cập ngày 26/11/2022.

    Tàu Trung Quốc với khẩu pháo lớn nhất từ ​​​​trước đến nay đi vào vùng biển Nhật Bản

    Một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc trang bị khẩu pháo lớn chưa từng thấy đi vào lãnh hải của Nhật Bản xung quanh một nhóm đảo tranh chấp mà Tokyo đặt tên là Senkakus nhưng Bắc Kinh là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hôm thứ Sáu. Hai tàu đã lần lượt đi vào lãnh hải Nhật Bản vào khoảng 2h35 sáng (giờ địa phương) thứ Sáu. Vào khoảng 10 giờ sáng, thêm hai tàu nữa xuất hiện với một tàu mang súng 76 ly. Đây là lần thứ 32 trong năm nay các tàu Trung Quốc đã được phát hiện gần Điếu Ngư, bao gồm cả ở vùng tiếp giáp, trong 23 ngày liên tiếp.

    Xem thêm tại: SCMP, Chinese ship with largest-ever cannon enters Japan waters near Diaoyu islands. Truy cập ngày 27/11/2022

    Hàn Quốc, Nhật Bản đua nhau đáp trả máy bay Trung Quốc, Nga

    Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết các máy bay chiến đấu chiến lược của Nga và Trung Quốc, bao gồm cả máy bay ném bom tầm xa Tupolev-95 đã tiến hành các cuộc tuần tra chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông. Trước đó vào thứ Tư, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho biết họ đã điều động các máy bay chiến đấu để đáp trả các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga đến gần không phận của họ. Tham mưu trưởng liên quân Seoul cho biết hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc liên tục đi vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc ngoài khơi bờ biển phía nam và đông bắc của nước này bắt đầu từ khoảng 5h50 sáng.

    Xem thêm tại: SCMP, South Korea, Japan scramble jets in response to Chinese, Russian warplanes – Moscow says airspace not violated in joint patrols. Truy cập ngày 1/12/2022

    Nhật tìm cách mua 500 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ

    Bộ Quốc phòng Nhật đang xem xét việc mua tới 500 tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất trước năm tài chính 2027 nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để sở hữu các khả năng phản công. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã xác nhận kế hoạch thúc đẩy các cuộc đàm phán mua bán trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden vào ngày 13 tháng 11. Đảng Dân chủ Tự do và đối tác liên minh cầm quyền Komeito về cơ bản đã đồng ý về việc sở hữu khả năng phản công có thể phá hủy các bãi phóng tên lửa của kẻ thù và các mục tiêu khác vì mục đích tự vệ. Một phương tiện cụ thể cho khả năng phản công được hình dung là tên lửa đất đối hạm Type 12 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất.

    Xem thêm tại: Japan News, Japan seeks to buy up to 500 Tomahawk cruise missiles from U.S. Truy cập ngày 1/12/2022

    Indonesia và Pháp cùng ‘xích gần về mặt chiến lược’ sau thỏa thuận máy bay chiến đấu trị giá 8 tỷ USD

    Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã gặp người đồng cấp Indonesia tại Jakarta hôm thứ Sáu, ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước sau một thỏa thuận mua máy bay chiến đấu trị giá 8 tỷ USD được ký hồi đầu năm nay. Indonesia đặt hàng 42 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trong một thỏa thuận trị giá 8,1 tỷ USD được nhất trí vào tháng Hai. Hai nước cũng đang đàm phán về việc mua hai tàu ngầm tấn công lớp Scorpene của Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu đã gặp người đồng cấp Mitchowo Subianto khi Indonesia chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối khu vực Hiệp hội các quốc gia ASEAN.

    Xem thêm tại: SCMP, Indonesia and France share ‘strategic intimacy’, French minister says after US$8 billion fighter jet deal. Truy cập ngày 26/11/2022

    Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, để mắt tới Trung Quốc

    Canada đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào Chủ nhật, vạch ra khoản chi 1,7 tỷ USD nhằm tăng cường quân sự và an ninh mạng trong khu vực đồng thời cam kết đối phó với một Trung Quốc “gây rối” trong khi vẫn hợp tác về biến đổi khí hậu và thương mại. Trong chiến lược mới, Canada thắt chặt các quy tắc đầu tư nước ngoài để bảo vệ tài sản trí tuệ và ngăn chặn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc chiếm đoạt nguồn cung khoáng sản quan trọng. Canada đang tìm cách tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển nhanh trong hoạt động kinh tế.

    Xem thêm tại: SCMP, Canada unveils new Indo-Pacific strategy, with eye on ‘disruptive’ China. Truy cập ngày 28/11/2022

    Diễn tập Hàng hải ASEAN-Ấn Độ sẽ được tổ chức vào đầu năm tới

    Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) hôm thứ Năm cho biết cuộc tập trận hàng hải đầu tiên giữa ASEAN và Ấn Độ sẽ được tổ chức vào quý đầu tiên của năm tới. Saurabh Kumar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, cũng cho biết các bộ trưởng quốc phòng ASEAN-Ấn Độ sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối tháng này để thảo luận về hợp tác quốc phòng và các vấn đề liên quan đến an ninh. Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ tại Campuchia nhằm đánh giá thực trạng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên và hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và kết nối.

    Xem thêm tại: NDTV, ASEAN-India Maritime Exercise To Be Held Early Next Year. Truy cập ngày 28/11/2022.

    Tư lệnh quân đội Indonesia để mắt đến các cuộc tập trận chung lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

    Quân đội Indonesia cho biết họ đang tìm cách mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – gồm Brunei, Malaysia và bốn thành viên của Quad – trước một Trung Quốc hung hăng hơn. Tướng Andika Perkasa cho biết một phái đoàn quân sự của Mỹ sẽ đến Jakarta vào đầu tháng 12 để thảo luận về kế hoạch cho cuộc tập trận chung mang tên Lá chắn Garuda vào năm tới. Cuộc tập trận hồi tháng 8 này đã trở thành cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ ​​trước đến nay, với tổng cộng 13 quốc gia tham gia đối thoại an ninh nhằm chống lại sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.

    Xem thêm tại: Nikkei Asia, Indonesian military chief eyes wider joint drills in Indo-Pacific. Truy cập ngày 29/11/2022

    Hai tàu hộ vệ tên lửa và tuần tra Ấn Độ thăm TP.HCM

    Chuyến thăm của hai tàu Hải quân Ấn Độ dưới quyền chỉ huy của đại tá Saurabh Thakur, thuyền trưởng tàu INS SHIVALIK, nhằm củng cố giao lưu hàng hải giữa hải quân hai nước và tăng cường gắn kết hữu nghị giữa hai quốc gia, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 – 2022). Đại sứ quán Ấn Độ cho biết hợp tác quốc phòng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hải quân Ấn Độ có tương tác chặt chẽ với Hải quân Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực huấn luyện, sửa chữa, bảo dưỡng và hỗ trợ hậu cần.

    Xem thêm tại: TTO, Hai tàu hộ vệ tên lửa và tuần tra Ấn Độ thăm TP.HCM. Truy cập ngày 1/12/2022

    Việt Nam tổ chức giao lưu cảnh sát biển với 7 nước tham dự

    Sáng 1-12, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ nhất, năm 2022. Tại buổi gặp, thiếu tướng Trần Văn Xuân – phó chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam – cho biết chương trình giao lưu nhằm góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, tạo đồng thuận cao trong quá trình phối hợp, hợp tác thực hiện nhiệm vụ giữa cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực vì một vùng biển hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển trên biển. Có 7 nước tham dự chương trình bao gồm Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Thái Lan.

    Xem thêm tại: TTO, Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức giao lưu cảnh sát biển với 7 nước tham dự. Truy cập ngày 1/12/2022

     

    Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi:

    Châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi từ chiến tranh

    Các quan chức hàng đầu của châu Âu rất tức giận với chính quyền Joe Biden và cáo buộc Mỹ kiếm bộn tiền từ chiến tranh trong khi các nước EU phải gánh chịu hậu quả. Các quan chức EU chỉ trích Joe Biden về giá xăng cao ngất trời, mua bán và trao đổi vũ khí khi cuộc chiến tại Ukraine có nguy cơ phá hủy sự thống nhất của phương Tây. Những bình luận bùng nổ của các quan chức, nhà ngoại giao và bộ trưởng ở những nơi khác theo sau sự tức giận ngày càng tăng ở châu Âu về các khoản trợ cấp của Mỹ có nguy cơ phá hủy ngành công nghiệp châu Âu.

    Xem thêm tại: Politico, Europe accuses US of profiting from war. Truy cập ngày 25/11/2022

    Bỉ chặn xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Anh

    Bỉ và Anh xuất hiện xích mích sau khi chính phủ Bỉ chặn xuất khẩu công nghệ quan trọng để duy trì khả năng răn đe hạt nhân của Anh mặc dù cả hai nước đều là đồng minh của NATO. Tranh chấp đã leo thang bởi Anh đã đe dọa hủy bỏ đơn đặt hàng vũ khí trị giá tới 514,90 triệu bảng Anh (600 triệu euro) cho hợp đồng súng máy do FN Herstal của Bỉ sản xuất trừ khi việc xuất khẩu được nối lại. Các nguồn tin từ chính phủ Bỉ lo ngại tranh cãi này gây nguy hiểm đối với sự thống nhất của phương Tây và NATO vào thời điểm chiến tranh đang diễn ra ở châu Âu.

    Xem thêm tại: The Times, Belgium blocks export of nuclear technology to UK. Truy cập ngày 25/11/2022

    Lực lượng Phòng vệ Israel nhận 50 xe bọc thép Plasan SandCat mới cho các cuộc tấn công ở Bờ Tây

    Ngày 25/11, Bộ Quốc phòng Israel thông báo đã mua 50 xe bọc thép cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) để sử dụng trong các cuộc đột kích xuyên đêm qua Bờ Tây. Quân đội Israel đã nhiều lần phải hứng chịu hỏa lực của người Palestine trong các chiến dịch của mình. Bộ Quốc phòng Israel cho biết các phương tiện Plasan ‘Sand Cat’ đã được nhận thông qua một đơn đặt hàng “cấp tốc”. SandCat là một loại xe bọc thép composite được thiết kế bởi Plasan Sasa (nay là Plasan) của Israel.

    Xem thêm tại: Army Recog, Israel Defense Force gets 50 new Plasan SandCat armored vehicles for West Bank raids. Truy cập ngày 26/11/2022

     

    Chuyên mục Phân tích:

    Chiến tranh với Trung Quốc là điều không thể ngó lơ

    Đồng tình với quan điểm của cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd rằng Mỹ và đồng minh không thể nào tránh khỏi một cuộc chạm trán với Trung Quốc trong tương lai gần, Mick Ryan, cựu tướng Úc đã có một vài nhận định về tình hình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt tại eo biển Đài Loan và những gì Úc nên làm để ngăn Trung Quốc thôn tính Đài Loan trong thời gian tới.

    Các phản ứng của Mỹ và đồng minh gần đây đưa ra lời cảnh báo về việc Trung Quốc sẽ lặp lại cuộc xâm lược Ukraine tại Đài Loan, nhưng với thời gian đang dần rút ngắn lại. Với lời phát biểu của ông Tập tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vừa qua về vấn đề Đài Loan, vị chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra một cái nhìn rõ ràng về ý định của mình đối với hòn đảo, dẫn đến quá hiện đại hóa quan đội với mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu tại Mỹ về một cuộc chạm trán giữa phương Tây và Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng Úc vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Ryan cho rằng Úc nên có quan điểm của mình về mọi mặt từ quân sự, ngoại giao, các phương pháp kinh tế và tình báo để đóng góp cùng với các đồng minh vào việc răn đe khả năng ông Tập sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc.

    Vậy Úc nên ưu tiên gì trong khả năng răn đe hay phản ứng trước cuộc xung đột như thế trong 12 tháng tới? Ryan đưa ra 5 ưu tiên mà chính phủ Úc cần làm để có thể gia tăng khả năng răn đe của mình.

    Thứ nhất, cần phải nhìn nhận rằng có khả năng xảy ra một cuộc chiến tại Đài Loan.

    Thứ hai, Úc cần phải đảm bảo sự phòng bị không chỉ cho một cuộc chiến tại Đài Loan mà còn ở những nơi khác, thậm chí là sát sườn mình. Vì không phải cuộc chiến nào trong thời gian tới cũng sẽ liên quan tới Đài Loan.

    Thứ ba, một chiến lược an ninh quốc gia là rất cấp thiết. Một chiến lược an ninh quốc gia không chỉ khiến cho mục tiêu chiến lược của quốc gia trở nên minh bạch mà còn đưa ra các ưu tiên và nguồn cho lực cho các mối đe dọa trong nước và quốc tế. Các quyết định chi tiêu trọng điểm của chính phủ vẫn còn hạn chế và vẫn chưa có mô hình an ninh quốc gia tốt nhất nào áp dụng cho Úc.

    Thứ tư, Úc cần giải thích rõ cách răn đe sự hung hăng của Trung Quốc trước người dân, nền công nghiệp, kinh tế và láng giềng của mình để có thể ưu tiên các nguồn lực khan hiếm của đất nước. Về cơ bản, Úc cần một lý thuyết răn đe cho một cường quốc vũ trang thông thường tầm trung vượt ra khỏi chiếc ô răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ.

    Cuối cùng, Úc cần phải có bản Đánh giá Quốc phòng mang tính chiến lược đúng đắn. Việc rò rỉ có chọn lọc bản đánh giá cho thấy chính phủ đang tập trung vào cấu trúc trên không, trên không kết hợp trên biển giả định rằng tất cả các cuộc xung đột trong tương lai sẽ diễn ra trên biển và trên không. Chiến tranh có thể diễn ra trên biển và trên không nhưng chỉ có thể thắng được trên mặt đất. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu những người lính Úc thiếu các khả năng và trang thiết bị cốt lõi như xe tăng, năng lực tấn công tầm xa, phòng không và đạn tuần kích (loitering ammunition).

    Xem thêm tại: SMH, Rudd is right – we can’t wish away a war with China. Truy cập ngày 25/11/2022

    Nỗ lực tái chiếm Crimea của Ukraine sẽ đẫm máu và trắc trở

    Sau cuộc phản công thắng lợi tại Khakiv ở phía đông và Kherson ở phía Nam tạo ra khí thế mới, Tổng thống Zalensky đã đưa ra mục tiêu tiếp theo là “lấy lại mọi tấc đất” mà Nga đã chiếm, gồm vùng Donbas và Crimea. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng nỗ lực tái chiếm hai vùng trên của Ukraine sắp tới bằng chiến dịch quân sự sẽ khiến cho Nga leo thang cuộc chiến và thậm chí có thể vượt qua lằn ranh hạt nhân.

    Mykhailo Zabrodsky, cựu chỉ huy không quân Ukraine cho rằng chiến dịch tái chiếm Ukraine là khả thi và vốn được chuẩn bị cho 2023 nhưng thời điểm bắt đầu chiến dịch vẫn là một dấu hỏi. Các nguồn tin từ lực lượng Ukraine cho biết mọi việc vẫn tiến hành đúng theo kế hoạch bao gồm các chiến dịch giành lại lãnh thổ Nga chiếm đóng trước ngày 24 tháng 2. Các con đường dẫn đến Crimea hiện nằm trong tầm bắn của hỏa lực Ukraine, bao gồm cả các hệ thống tên lửa HIMARS. Chính quyền Crimea do Nga lập đang chuẩn bị cho các đợt tấn công trên bộ, xây dựng các cứ điểm phòng thủ và chiến hào, tuyên bố các mối đe dọa khẩn cấp đến một vài phần của bán đảo.

    Nhưng Ukraine dường như tập trung hỏa lực của mình vào nơi khác trước. Với khả năng tấn công cơ động vừa chạy vừa bắn (hit-and-run) của mình, Ukraine tiếp tục đặt việc cắt đứt cây cầu đất liền nối Crimea với Nga trở thành ưu tiên trong thời gian tới. Nhưng những cuộc chiến tại Crimea đã được chứng minh bởi lịch sử là luôn đẫm máu bởi thương vong trong những cuộc chiến trong vòng một thế kỷ qua lên tới hàng ngàn binh sĩ. Đô đốc Mykola Zhibarev và Andrii Ryzhenko, một đại úy hải quân sinh tại Crimea, cho rằng cách tốt nhất để giành được Crimea là thông qua ngoại giao, trong khi đó một chiến dịch quân sự là không hề cần thiết. Thêm vào đó, Trung tướng Zabrodsky khẳng định rằng Ukraine không có ý định bước vào một cuộc chạm trán vô nghĩa tại Crimea và có những khả năng “thú vị” khác cho khả năng tấn công hỗn hợp (combined arms manoeuvre) bằng cách sử dụng bộ binh, tấn công trên biển và trên không. Sự thống trị của hải quân và không quân Nga có thể bị cản trở bằng các phương pháp phi đối xứng, một lối đánh gây bất ngờ của Ukraine kể từ cuộc không kích bằng drone vào hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol vừa qua. Tuy nhiên, dù phần đông dân số tại các khu vực bị Nga chiếm đóng tỏ thái độ thù địch đối với Moscow, nhưng vẫn giờ đây một số người đã chấp nhận sự thống trị của Nga (như cộng đồng người Tatar tại Crimea) khiến cho Ukraine phải đối mặt với sự kháng cự từ những người như vậy. Do đó, chủ trương quyết liệt tái chiếm của tổng thống Zalensky sẽ là một nỗ lực quân sự với cái giá rất đắt.

    Xem thêm tại: Economist, A Ukrainian attempt to retake Crimea would be bloody and difficult. Truy cập ngày 28/11/2022

    Liệu xe tăng đã hết thời trong cuộc chiến tại Ukraine?

    Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy sự bùng nổ về vũ khí tấn công sử dụng công nghệ máy bay không người lái. Sự chuyển giao công nghệ tấn công này làm dấy lên câu hỏi liệu có phải xe tăng tấn công trên mặt đất đã trở nên lỗi thời, đặc biệt trong cuộc chiến tại Ukraine hiện nay? Tartarigami, một sĩ quan quân đội Ukraine trên twitter đã đưa ra một vài nhận định về vấn đề này. Tartarigami cho rằng xe tăng vẫn đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến tại Ukraine và việc loại bỏ xe tăng sẽ khiến cho tình hình đối Ukraine trở nên tồi tệ hơn. Quan điểm cho rằng xe tăng không còn cần thiết xuất phát từ việc kết hợp vũ khí lỏng lẻo của quân đội Nga thể hiện qua các vấn đề như hợp tác và giao tiếp, huấn luyện nửa vời, hậu cần không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Nga đã học từ Ukraine và bắt chước sử dụng kết hợp máy bay không người lái (UAV) và xe tăng chủ lực (MBT), nhưng điểm khác biệt là Nga có nhiều xe tăng hơn và thay đổi sao cho giảm thiểu tối đa chạm mặt với các vũ khí chống tăng (AT). Vậy Nga thực hiện điều này bằng cách nào?

    Trước nhất, Nga sử dụng drone 4 cánh (quadcopter) để thực hiện việc trinh sát, tìm và xác định các mục tiêu hay AT. Sau đó, thay vì đối đầu trực tiếp, xe tăng đến vị trí núp, cố gắng ở xa tầm ngắm của AT. Dù trong quá khứ chiến thuật này không hiệu quả nhưng giờ đây đã khác với sự hỗ trợ của drone điều chỉnh hướng bắn. Thêm vào đó, xe tăng vẫn là công cụ hữu hiệu tại chiến trường ở thành thị. Lấy mặt trận Mariupol làm ví dụ khi Nga dùng xe tăng phá nát các tòa nhà cao tầng nhằm phá vòng hỏa lực bộ binh của Ukraine. Mìn là một rắc rối lớn đối với xe tăng, nhưng Nga sử dụng hệ thống rà phá mìn bằng dây để khắc phục điều này. Pháo kích cũng là một cách hữu hiệu khác để tiêu diệt xe tăng nhưng chỉ trừ khi chúng bắn trúng trực tiếp vào mục tiêu.

    Xe tăng tiếp tục là một giải pháp “đa năng và hữu hiệu” cho nhiều tình huống vì tính dễ thích ứng của chúng. Bất kỳ xe tăng hồi những năm 80, 90 nào được tân trang đều có thể giúp Ukraine mở rộng khả năng phòng thủ và tấn công. Tuy nhiên, AT của Ukraine đang cạn dần và xe tăng của Nga vẫn đang tiếp tục kéo đến. Do đó, đã đến lúc phương Tây cần bắt tay vào việc cung cấp cho Ukraine nhiều loại đạn dẫn đường, các phương tiện AT, cũng như các loại xe tăng đời cũ, và huấn luyện đội lái.

    Tổng hợp tại: Twitter, Tanks continue to play a crucial role in the Russian invasion of Ukraine. Truy cập ngày 26/11/2022

    Phương Tây cần gấp rút gia tăng khả năng sản xuất công nghiệp quốc phòng

    Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy những tác động của sự suy giảm năng suất công nghiệp quân sự của các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, và sự trở lại của cái mà Viện Binh chủng Hoàng gia (RUSI) gọi là chiến tranh quy mô công nghiệp (industrial scale warfare). Cuộc chiến này tiêu tốn lượng nhân lực, trang bị, xăng dầu, đạn dược và vũ khí khổng lồ như pháo ống và rocket. Đạn dược cho các loại vũ khí này đã được sử dụng nhiều tới không tưởng, đặc biệt trong các giai đoạn then chốt trong chiến dịch Donbans hồi tháng 5 và tháng 6.

    Nhiều báo cáo chỉ ra sự suy giảm về lượng dữ trự đạn dược của Mỹ và các quốc gia thành viên NATO. Nhiều quốc gia khác, như Hàn Quốc, trở thành nguồn cung ứng mới đáp ứng các yêu cầu đạn dược của Ukraine. Điều đó cho thấy phương Tây đang gặp vấn đề về việc cưỡng ép nền công nghiệp quốc phòng của mình. Hầu hết các quốc gia đã thống nhất và cắt giảm khoản chi công nghiệp quốc phòng. Sản xuất hàng loạt quy mô lớn nhường bước cho việc sản xuất định kỳ, rủi ro thấp, quy mô nhỏ (và đắt đỏ). Nếu phương Tây muốn tái thiết khả năng nhằm thiết kế, sản xuất và dự trữ lượng lớn đạn dược cần cho cả hai nhiệm vụ răn đe và phản ứng trong thế kỷ 21 thì một chương trình mở rộng công nghiệp sẽ rất cần thiết.

    Nga đã bắt đầu huy động nền công nghiệp của mình với lời phát biểu của ông Putin rằng công nghiệp quốc phòng sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm cho việc đạt được các mục tiêu gia tăng sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự. Trung Quốc cũng đã phát triển khả năng công nghiệp dồn dập nhằm sản xuất lượng lớn gần như mọi dạng thức của vật liệu quốc phòng. Bắc Kinh có khả năng đóng tàu ở mức độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến 2, cùng với khả năng sản xuất hệ thống chiến đấu trên không và mặt đất. Các khả năng công nghiệp ngày càng tăng của đối thủ là chỉ dấu cho phương Tây thấy rắng cần phải tái khôi phục khả năng sản xuất hàng loạt và dự trữ các vũ khí trọng yếu và đạn dược cho các cuộc chiến sắp tới. Việc mở rộng khả năng công nghiệp quốc phòng là một phần không thể thiếu của năng lực răn đe thông thường. Việc sở hữu khả năng công nghiệp tổng thể thể hiện ý chí của các quốc gia chủ động phòng thủ trước các quốc gia hung hăng như Nga và Trung Quốc.

    Mặc dù vấn đề đang tập trung vào việc viện trợ Ukraine nhằm đánh bại Nga, sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương trở thành một thách thức hiện tại. Các quốc gia châu Âu sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về khả năng công nghiệp nội địa. Các chương trình phải cân nhắc tính dẻo dai của nền công nghiệp thông qua khả năng nhân đôi và phân tán (dispersing). Đồng thời, cần phải cân bằng giữa sản xuất đạn dược và các hệ thống nền tảng, giữa các hệ thống có người lái và không người lái. Các công ty nhỏ và vừa cần nguồn đầu tư từ cả chính quyền và các tập đoàn quốc phòng lớn. Tất cả đều phải chấp nhận rủi ro lớn hơn, trong khung thời gian ngắn hơn với sự phát triển. Sản xuất công nghệ mới có thể mang lại lợi thế quyết định cho binh sĩ, thủy thủ và phi công. Cuối cùng, nếu việc huy động nhân sự là thành phần chủ chốt của khả năng răn đe thông thường thì việc mở rộng số lượng nhân sự trong các thiết chế quân sự cũng như ngành công nghiệp quốc phòng đều phải như nhau.

    Xem thêm tại: Engelsberg Ideas, The West needs to boost its industrial capacity fast. Truy cập ngày 25/11/2022

    Phương tiện pháo binh hư hỏng ở Ukraine: một vấn đề đối với Lầu năm góc

    Quân đội Ukraine bắn hàng ngàn quả đạn pháo vào các mục tiêu của Nga mỗi ngày, sử dụng các khẩu pháo công nghệ cao do Mỹ và các đồng minh cung cấp. Nhưng những vũ khí đó đã dần cạn kệt sau nhiều tháng sử dụng quá mức, hoặc bị hư hỏng hoặc phá hủy trong chiến đấu, và hàng tá trong số chúng đã bị đưa ra khỏi chiến trường để sửa chữa. Các loại pháo do phương Tây sản xuất đã mang lại cho binh lính Ukraine một cứu cánh khi họ bắt đầu cạn kiệt đạn dùng cho những khẩu pháo thời Liên Xô của mình, và việc giữ cho chúng hoạt động, và cung cấp đầy đủ đạn dược, trở nên quan trọng đối với các đồng minh của Ukraine.

    Khi đạn cho các loại pháo thời Liên Xô của Ukraine như đạn 152 mm trở nên khan hiếm ngay sau cuộc xâm lược, các khẩu pháo tiêu chuẩn của NATO bắn đạn 155 mm đã trở thành một trong những vũ khí quan trọng nhất của Ukraine, với kho dự trữ lớn các loại đạn tương thích do các đối tác của Kiev nắm giữ. Lầu Năm Góc đã gửi 142 khẩu lựu pháo M777 tới Ukraine, đủ để trang bị cho khoảng 8 tiểu đoàn, số liệu gần đây nhất về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cho thấy. Quân đội Ukraine đã sử dụng lựu pháo để tấn công quân đối phương, để pháo kích các sở chỉ huy với số lượng nhỏ đạn dẫn đường chính xác và thậm chí để rải các bãi mìn chống tăng nhỏ.

    Các loại vũ khí pháo phương Tây cung cấp cho Ukraine, dưới dạng bệ phóng tên lửa và lựu pháo, có nhu cầu bảo trì rất khác nhau. Trước đây, các phương tiện HIMARS cần ít thao tác để tiếp tục bắn đạn, loại đạn này được chứa trong các cụm ống nạp sẵn. Nhưng lựu pháo về cơ bản là loại súng lớn được nạp đạn – đạn nặng khoảng 90 pound mỗi quả – và bắn hàng trăm hoặc hàng nghìn lần, điều này cuối cùng sẽ gây tổn hại cho các bộ phận bên trong của khẩu pháo. Lực lượng Ukraine đang bắn từ 2.000 đến 4.000 quả đạn pháo mỗi ngày, một con số thường xuyên vượt qua Nga. Theo thời gian, tốc độ đó đã gây ra nhiều vấn đề cho binh lính Ukraine khi sử dụng pháo M777, chẳng hạn như đạn không bay xa hoặc chính xác.

    Xem thêm tại: NY Times, Artillery Is Breaking in Ukraine. It’s Becoming a Problem for the Pentagon. Truy cập ngày 26/11/2022

    Thế thượng phong của Bắc Kinh ở Biển Đông

    Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và việc bành trướng khả năng quân sự ở khu vực, kết hợp với chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân quy mô lớn của Trung Quốc đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng của quân đội Mỹ trong việc duy trì ưu thế trong khu vực. Mỹ phải đối diện với sự thật rằng có rất ít lựa chọn ngoài việc nhượng bộ ở Biển Đông trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Điều Trung Quốc thực sự muốn là thuyết phục phần còn lại của châu Á rằng cuộc tranh giành vị trí bá chủ đã kết thúc. Do đó, mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức mạnh quân sự của Mỹ ở Biển Đông không phải là sự chuẩn bị cho chiến tranh của Trung Quốc mà là những âm mưu trong thời bình của nước này.

    Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông thì lực lượng của Trung Quốc sẽ có những lợi thế rõ ràng, những lợi thế mà Bắc Kinh đã xây dựng trong nhiều năm. Mỹ có thể vô hiệu hóa các căn cứ không quân và hải quân mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Nhưng nỗ lực này sẽ rất tốn kém, mất thời gian và không chắc chắn vì các lực lượng của Mỹ ở quá xa khu vực và khả năng quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo đã giúp thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Thêm vào đó, khả năng tình báo tín hiệu và radar của Trung Quốc ở các đảo rất lớn và quan trọng nhất là rất nhiều. Và nhờ các hệ thống vũ khí đất đối không, chống hạm, gây nhiễu và các loại vũ khí khác, các đảo này có khả năng phòng thủ cao hơn nhiều người tưởng.

    Tiếp đó, không có giải pháp quân sự nào ở Biển Đông, nhưng sức mạnh cứng của Mỹ sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược thành công nào. Mỹ và các đối tác an ninh khác phải tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực cho khu vực. Nhưng vai trò quan trọng nhất mà quân đội Mỹ có thể thực hiện là trực tiếp răn đe thay mặt cho Philippines, giữ cho các lực lượng của Mỹ ở đủ gần để đe dọa trả đũa Trung Quốc một cách đáng tin cậy nếu nước này sử dụng vũ lực chống lại Manila. Manila và Washington gần đây đã đưa ra những nỗ lực đã lâu để hiện đại hóa liên minh của họ, nhưng thời gian không còn nhiều.

    Xem thêm tại: Foreign Affairs, Beijing’s Upper Hand in the South China Sea. Truy cập ngày 1/12/2022


    https://nghiencuuquocte.org/2022/12/02


    Không có nhận xét nào