Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 15 tháng 12 năm 2022

    Quê Hương tổng hợp

    Việt Nam sẽ làm gì với gói tài trợ khí hậu 15 tỷ USD từ G7?

    Mỹ Hằng

    BBC News Tiếng Việt

    15/12/2022

    Pham Minh Chinh

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chính phủ Việt Nam vừa đồng ý nhận gói ngân sách 15,5 tỷ USD từ Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hóa (G7) để cắt giảm điện than và chuyển dần sang năng lượng sạch. 

    Điều này có nghĩa Việt Nam đã đạt được thỏa thuận tham gia một chương trình hợp tác mang tên Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với G7 và các nước phát triển khác. 

    "Hôm nay, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc vạch ra một quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đầy tham vọng nhằm mang lại an ninh năng lượng lâu dài," Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu hôm 14/12.

    Các nước phát triển sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thỏa thuận này gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch.

    Số tiền này sẽ được giải ngân cho Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới.

    Chỉ một phần nhỏ trong khoản ngân sách này là tài trợ cho Việt Nam, còn lại là cho vay. 

    Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã và sẽ làm gì để sử dụng hiệu quả số tiền này.

    Các nước đã ký JETP?

    Hiện nay, có ba quốc gia đã ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để nhận hỗ trợ từ G7 và các nước phát triển khác. 

    Nam Phi, ký JETP năm 2021 với gói tài trợ 10 tỷ USD

    Indonesia ký JETP tại sự kiện G20 ở Bali tháng 11/2022, nhận 8,5 tỷ USD

    Việt Nam ký ngày 14/12/2022, với 15,5 tỷ USD

    Mục tiêu của thỏa thuận?

    Với thỏa thuận này, các nước phát triển sẽ giúp Việt Nam:

    Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030, thay vì dự kiến trước đây vào năm 2035

    Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn 

    Giới hạn công suất điện than tối đa ở mức 30,2 gigawatt (GW) thay vì 37 GW theo kế hoạch ban đầu 

    Cung cấp 47% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030, so với kế hoạch dự kiến hiện tại chỉ tăng 36% 

    Vì sao có số tiền này?

    Việt Nam, nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, ban đầu dự kiến ký kết JETP với G7 tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu COP27 vào tháng 11, nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung.

    Việt Nam khi đó muốn số tiền tài trợ tăng lên và có được nhiều quyền kiểm soát hơn trong việc giải ngân.

    Để thuyết phục Việt Nam ký cam kết, dưới áp lực ngày càng tăng về việc các nước giàu phải giúp các nước nghèo cắt giảm khí thải, các nhà đàm phán phương Tây do EU và Anh dẫn đầu đã nhiều lần tăng số tiền tài trợ cho Hà Nội.

    Khoản tài trợ ban đầu được G7 đưa ra chỉ 2 tỷ USD, sau đó tăng lên hơn 8 tỷ USD, nay Hà Nội đồng ý ký với số tiền lên tới 15,5 tỷ USD. 

    Một số vụ việc quốc tế quan ngại trước thỏa thuận?

    Trước khi ký thỏa thuận JETP, Việt Nam đã:

    Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman,

    Nguồn hình ảnh, goldmanprize.org

    Chụp lại hình ảnh, 

    'Anh hùng khí hậu" Ngụy Thụy Khanh hiện đang thụ án tù 9 năm

    Việt Nam đã bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường, trong đó có anh hùng khí hậu Nguỵ Thị Khanh - người nhiều năm qua đã tích cực vận động để Việt Nam bỏ dần điện than, chuyển sang năng lượng sạch.

    Ngành điện lực Việt Nam - do nhà nước độc quyền - đã ngưng mua điện mặt trời từ nhà máy Trung Nam - Thuận Nam ở tỉnh Ninh Thuận khiến tập đoàn Trung Nam đứng trước nguy cơ phá sản

    Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong. Nhiều nhà máy điện than đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là do Trung Quốc đầu tư

    Một số tổ chức NGO hoạt động tích cực trong lĩnh vực môi trường đã và sẽ sớm phải đóng cửa như CHANGE của bà Hoàng Minh Hồng - Một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo bình chọn của Forbe, hay Trung tâm Phát triển Cộng đồng LIN. 

    Việt Nam có thể làm gì để cải thiện tình hình?

    Trao đổi với BBC hồi tháng 11/2022, trước khi Việt Nam ký JETP, bà Flora Champenois, nhà nghiên cứu tại Global Energy Monitor đề xuất các việc Việt Nam có thể làm ngay từ bây giờ để thực sự tham gia vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch: 

    Theo đuổi nhiều phương thức hơn để giảm sự căng thẳng về nhu cầu năng lượng trong tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo

    Cải thiện lưới điện quốc gia

    Đảm bảo nguồn vốn cho năng lượng tái tạo, v.v. 

    Chính thức hóa việc loại bỏ dần điện than và năng lượng hóa thạch bằng các chính sách 

    duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền cao nhất để củng cố và đạt được các cam kết của mình".

    Bà Flora Champenois, nhà nghiên cứu tại Global Energy Monitor

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bà Flora Champenois, nhà nghiên cứu tại Global Energy Monitor

    Bà Flora Champenois nhấn mạnh: "Việc đáp ứng các cam kết sẽ không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được. 

    "Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với mặt trời và nguồn gió ổn định trên bờ. Với việc lập kế hoạch cẩn thận, cũng như sự tham gia của các bên liên quan trong nước và quốc tế, Việt Nam có thể trở thành nước dẫn đầu và dần dần xóa bỏ than khỏi lưới điện trong khi vẫn tiếp tục phát triển."

    WPPF: Chính phủ Việt Nam ‘chặn’ triển lãm ảnh báo chí thế giới trước giờ khai mạc 

    VOA Tiếng Việt 

    15/12/2022

    Người dân Hà Nội xem những tấm ảnh đoạt giải được trưng bày trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tại triển lãm ảnh báo chí thế giới 2021. Triển lãm năm nay bị chính quyền hủy bỏ ngay trước giờ khai mạc hôm 9/12.

    Người dân Hà Nội xem những tấm ảnh đoạt giải được trưng bày trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tại triển lãm ảnh báo chí thế giới 2021. Triển lãm năm nay bị chính quyền hủy bỏ ngay trước giờ khai mạc hôm 9/12. 

    World Press Photo Foundation (WPPF) cáo buộc chính phủ Việt Nam “chặn” triển lãm ảnh báo chí thế giới tại Hà Nội ngay trước giờ khai mạc mà không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định ngăn cản sự kiện trưng bày ảnh ra công chúng thủ đô đã được lên kế hoạch.

    Trong một tuyên bố đưa ra ngay trong ngày khai mạc dự kiến, Giám đốc điều hành WPPF, Joumana El Zein Khoury, nói rằng chỉ vài giờ trước khi Triển lãm World Press Photo 2022 được mở cho công chúng tại Hà Nội vào ngày 9/12, “chúng tôi được các nhà chức trách nói rằng triển lãm này sẽ không được phép diễn ra.”

    Mọi sắp đặt cho triển lãm đã được hoàn tất một ngày trước đó trên phố đi bộ bên bờ Hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội trước khi có “quyết định kiểm duyệt” của chính quyền, theo tuyên bố của tổ chức có trụ sở ở Hà Lan.

    “Thật đáng thất vọng khi sau bốn năm chúng tôi được phép triển lãm thường niên tại Hà Nội, chính quyền lại quyết định chặn nó vào ngày khai mạc,” bà Khoury nói trong tuyên bố.

    Đại sứ quán Hà Lan, nơi chịu trách nhiệm tổ chức triển lãm, hôm 9/12 cũng đưa ra một thông báo về việc sự kiện, dự kiến trưng bày những bức ảnh báo chí đoạt giải của nhiều tác giả trên thế giới, bị hủy bỏ.

    “Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam rất tiếc phải thông báo với Quý vị rằng Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022 dự kiến diễn ra từ 9-17/12/2022 tại phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm đã phải hủy bỏ,” thông báo viết và nói sẽ cập nhật thông tin về địa điểm sẽ diễn ra triển lãm này sau.

    Triển lãm, nếu diễn ra, sẽ là lần thứ 5 liên tiếp được tổ chức tại Hà Nội, theo Đại sứ quán Hà Lan, đơn vị đã tổ chức triển lãm các năm trước đó.

    Triển lãm ảnh báo chí của WPPF vào năm ngoái cũng đã vấp phải sự kiểm duyệt một phần của chính quyền Việt Nam khi một bức ảnh được dự kiến trưng bày cho công chúng ở Hà Nội bị yêu cầu bỏ đi vào phút cuối trước giờ khai mạc, theo bà Khoury. Bức ảnh cho thấy một phụ nữ Hồi giáo cầm tấm ảnh của Tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds của Iran bị sát hại trong một cuộc không kích của Mỹ theo lệnh của Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm 2020. Tấm ảnh có tựa đề “Lễ tưởng niệm Qasem Soleimani ở Tehran” do nhiếp ảnh gia Newsha Tavakolian người Iran, từng làm việc cho tờ New York Times, chụp.

    Các bức ảnh đoạt giải năm nay của WPPF được dự kiến trưng bày ở triển lãm đã bị hủy bỏ ở Hà Nội.

    Các bức ảnh đoạt giải năm nay của WPPF được dự kiến trưng bày ở triển lãm đã bị hủy bỏ ở Hà Nội. 

    Các tác phẩm ảnh báo chí dự kiến trưng bày ở Hà Nội năm nay, gồm những bức ảnh của 24 nhiếp ảnh gia đoạt giải, cho thấy những câu chuyện bằng hình ảnh từ các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới – trong đó có Thái Lan – cho đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine hay cháy rừng hoặc tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng đến con người như thế nào.

    “Triển lãm ảnh năm nay có nhiều hơn những câu chuyện (qua ảnh) về các cuộc biểu tình và bất ổn so với triển lãm năm 2021,” Giám đốc truyền thông của WPPF, Andrew Davies, cho VOA biết qua email và nhắc tới việc một bức ảnh về biểu tình ở Iran đã bị loại ra khỏi triển lãm năm 2021.

    Ông Davies cho biết cuộc triển lãm dự kiến diễn ra trong 9 ngày bị chính quyền từ chối cho khai mạc vào phút chót theo Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam về Hoạt động Nhiếp ảnh.

    “Chúng tôi được nói rằng, Điều 5 Mục 3 của Nghị định quy định rằng những người tham gia hoạt động nhiếp ảnh ‘không kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không truyền bá tư tưởng phản động’,” ông Davies nói.

    “Chúng tôi được nói rằng, Điều 5 Mục 3 của Nghị định quy định rằng những người tham gia hoạt động nhiếp ảnh ‘không kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không truyền bá tư tưởng phản động’."

    Andrew Davies, Giám đốc Truyền thông của WPPF

    Người đại diện WPPF, tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí trên toàn cầu, còn nói rằng chính quyền cũng nhắc đến Điều 5 khoản 5 của Nghị định cho lý do hủy bỏ cuộc triển lãm. Theo quy định này, các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh “không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật.”

    Ông Davies cho biết các bức ảnh dự kiến triển lãm gồm rất nhiều chủ đề và “không biết những câu chuyện và hình ảnh cụ thể nào đang được đề cập đến” khi chính quyền Đưa ra Nghị định 72 cho lý do hủy bỏ triển lãm.

    Theo bà Khoury, những câu chuyện qua ảnh từ khắp nơi trên thế giới được WPPF chọn trao giải giúp con người hiểu nhau hơn nhưng “một số nhà chức trách ở Việt Nam không nhìn thấy lợi ích trong đó.”

    Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố của WPPF. VOA cũng gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan được cho là hỗ trợ Đại sứ quán Hà Lan tổ chức triển lãm năm nay, nhưng không được trả lời.

    Nhiếp ảnh gia báo chí Linh Phạm, người được chọn làm giám khảo cuộc thi ảnh báo chí thế giới của WPPF cho khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương năm 2022, từ chối bình luận về sự việc WPPF cũng như trả lời câu hỏi liệu ảnh báo chí được tổ chức này lựa chọn có ảnh hưởng thế nào tới công chúng Việt Nam. Nhiếp ảnh gia tự do, từng có ảnh đăng trên báo New York Times và tạp chí National Geographic, nói rằng không thể “đưa ra được bình luận công khai về vấn đề này” tại thời điểm hiện tại.

    Việt Nam nằm trong nhóm các nước có ít tự do báo chí nhất trên thế giới với hạng 175/180, theo đánh giá của tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Tổ chức có trụ sở ở Paris của Pháp cho rằng các phóng viên độc lập và blogger ở Việt Nam thường bị giam cầm, khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong ba nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

    “Chúng tôi đã luôn vui mừng khi mang được những câu chuyện có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới đến với người dân Việt Nam,” ông Davies nói. “Và chúng tôi hy vọng sẽ đưa được triển lãm thường niên của chúng tôi trở lại Việt Nam trong những năm tới. Tất nhiên ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cam kết tự do báo chí.”

    Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia được chọn để triển lãm ảnh báo chí của World Press Photo, bên cạnh Hà Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Kể từ khi tổ chức này mang triển lãm tới Việt Nam, chưa có một tác giả nào từ quốc gia Đông Nam Á đoạt giải. Maika Elan là nhiếp ảnh gia duy nhất của Việt Nam đoạt giải ảnh báo chí thế giới của tổ chức này vào năm 2012 với bộ ảnh về những cặp đôi đồng tính ở Việt Nam.

    WPPF đang đàm phán với một số chính phủ về khả năng trưng bày toàn bộ triển lãm ảnh báo chí năm nay của tổ chức này tại không gian của một sứ quán nào đó ở Hà Nội, theo bà Khoury. Bức ảnh bị chính quyền Việt Nam loại ra khỏi triển lãm năm ngoái sau đó đã được trưng bày cho công chúng xem tại Nhà riêng của Đại sứ Hà Lan ở Hà Nội.

    Học ngay đi, còn chần chừ gì nữa

    Nguyễn Thông

    14/12/2022

    https://thuymyrfi.blogspot.com/2022/12/nguyen-thong-hoc-ngay-i-con-chan-chu-gi.html

    Thiên hạ đang chú mục, mồm năm miệng mười vào chuyện đánh gôn gãy gậy ở Quảng Nam, chuyện bóng đá tại Qatar sẽ ai nhất ai nhì. 

     À, nhà cháu mắc cái tội hay thức khuya, tối qua định thức một lèo tới 2 giờ để coi chú em Messi. Cứ thao láo con mắt đến gần 1 rưỡi thì nản, tặc lưỡi, đèo, còn nửa tiếng nữa, nằm chút cho khỏe, rồi dậy coi cho hưng phấn. Ai dè, chợp bà nó tới gần 4 giờ sáng, tỉnh ra bật tivi thì Mét Si về rồi, cho nên cấm dám viết nửa chữ về trận này.

    Không bàn gôn, bàn bóng đá không có nghĩa chẳng có chuyện gì. 

    Trung Quốc, ông Chính đi Nhật, hiện đi mấy nước châu Âu, ông Phúc tới Hàn Quốc, Thái Lan, ông Huệ qua Úc, Tân Tây Lan, ông Thưởng thăm Trung Quốc, Campuchia, ông… Nói túm lại, đi rất nhiều, mắt thấy tai nghe rất nhiều, thậm chí nghĩ ngợi “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” cũng rất nhiều. Nhưng họ có “đi một ngày đàng học một sàng khôn” không thì chưa chắc.

    Là một công dân đóng thuế nuôi các ông, là cha của những đứa con tiếp tục đóng thuế nuôi bộ máy cai trị xứ này, tôi thẳng thắn nhắc nhở rằng, các ngài tới xứ người ta, học được cái gì, tôi không rõ, nhưng phải học ngay đức tiết kiệm, giản dị, thực chất, không màu mè hoa hòe hoa sói, lòe loẹt hoa hoét, cờ đèn kèn trống của họ.

    Dù các ông bà tới thăm theo nghi thức cấp nhà nước, đại diện cho một quốc gia, nhưng người ta lấy sự giản dị chân tình, thực lòng ra đón tiếp, chứ đâu cứ phải bàn ghế, phòng ốc, tượng nọ hoa kia, băng rôn cờ quạt, như xứ này vẫn đem ra để khoe, để dọa nhau, để đốt tiền. Đừng có lý sự lý luận (đến chết bởi lý luận của các ông) bảo rằng trọng thị khách khứa thì phải thế, lễ tân quy định thế, quý người phải như thế. Vậy chả nhẽ chỉ các ông bà có lễ tân, trọng thị, quý người, còn xứ người ta thì không.

    Trừ đám Trung Quốc, Cuba cũng sặc sỡ lòe loẹt đón rước các ông (gớm, đám cộng sản giống nhau, bệnh ăn vào máu rồi, nhập vào cao hoang rồi, có chữa được khối), cứ chống mắt lên coi, những quốc gia giàu có đón rước khách giản dị thế nào. Càng giàu càng giản dị, như Nhật Bản, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg… Tại sao? Đơn giản là họ tiêu một đồng cũng phạm vào tiền của dân, nên họ biết tiếc. Họ không như đám các ông bán trời không văn tự, ném tiền qua cửa sổ, trăm nghìn đổ một trận cười như không.

    Người ta “không rượu cũng không hoa” đâu có nghĩa đang ở trong tù. Không bàn ghế hoành tráng, cờ xí phấp phới đâu có nghĩa xo xúi lùi xùi. Người ta đang làm chủ đất nước một cách tử tế đàng hoàng, chả như các ông cứ lấy son phấn hình thức để che đậy nội dung nghèo nàn, giả dối.

    Tôi nói ra điều này chẳng đơn sai, chẳng bịa. Không tin cứ hỏi ông Chính ông Huệ người trong cuộc xem tôi nói có đúng không.

    Hãy bỏ ngay những hoa hoét cờ quạt tiền hô hậu ủng đi, tôi bảo thật. Hãy làm một cuộc cách mạng để diệt thứ giặc hình thức rất tốn tiền dân chả đem lại cái gì ngoài sự chê cười, tiếng xấu (người ta cười mỉm không nói ra đó thôi). Hãy tỉnh lại, để thực sự cầm quyền một cách đàng hoàng, để không phải tự trấn an mình “mẹ nó, sợ gì”.

    NGUYỄN THÔNG 14.12.2022

    Nhà hoạt động Thạch Soong tới Mỹ sau hơn 37 năm lánh nạn 

    14/12/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    VOA Khmer 

    Ông Thạch Soong và gia đình tại một khách sạn ở thành phố Portland, Oregon, ngày 3/12/2022. Photo by Nguyen Thi Thanh Tam.

    Ông Thạch Soong và gia đình tại một khách sạn ở thành phố Portland, Oregon, ngày 3/12/2022. Photo by Nguyen Thi Thanh Tam. 

    Sau gần bốn thập niên lánh nạn chạy khỏi Việt Nam, một nhà hoạt động cho tự do của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa đến Hoa Kỳ định cư, một chặng đường mà các tổ chức quốc tế và các quốc gia đón nhận người tị nạn chưa từng nghĩ đến.

    Ông đặt chân đến Mỹ vào đầu tháng 12 để bắt đầu cuộc sống mới “tự do” tại vùng đất mà ông đã mong đợi từ lâu. Ông Thạch Soong nói với VOA Tiếng Việt vài ngày sau khi đến thành phố Portland, bang Oregon, miền tây Hoa Kỳ.

    “Tôi rất vui mừng, rất phấn khởi khi được đến bến bờ tự do ở đất nước Hoa Kỳ. Gia đình tôi rất mừng”.

    Trước khi trốn sang Campuchia và Thái Lan nhiều năm trước, ông Thạch Soong và gia đình được cho là bị chính quyền Việt Nam “đàn áp” vì vận động cho tự do tôn giáo tại quê hương của mình, nơi có đông đảo người Khmer Krom.

    Chính quyền Việt Nam cho rằng những người thuộc tổ chức Khmer Krom có ý đồ thành lập “nhà nước Khmer Krom” tại các tỉnh Tây Nam Bộ, với “thủ đoạn gây hận thù” trong đồng bào Khmer, “kích động chống đối cực đoan, tiến hành các hoạt động đòi ly khai, tự trị”. Tuy nhiên, các nhà hoạt động Khmer Krom bác bỏ cáo buộc này.

    Ông Thạch Soong chia sẻ với VOA:

    “Trong thập niên 80-90, tôi hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền của Khmer Krom”.

    Ông kể lại giai đoạn khó khăn nhất trong đời ông khi không thể sinh sống được trên chính quê hương nơi mình được sinh ra ở tỉnh Sóc Trăng.

    Ông nói:

    “Vào năm 1985, tôi bị bắt và bị giam tại huyện Long Phú khoảng một tháng. Sau khi thả tôi về họ vẫn theo dõi sát tôi. Tôi không thể ở trong địa phương mà phải bỏ nhà ra đi. Tôi đến tỉnh Bạc Liêu một vài năm, nhưng cũng không sống được nên đi Cà Mau. Không sống được ở đó vì sợ bị bắt nữa nên tôi chạy qua huyện Tri Tôn [tỉnh An Giang]. Và vẫn không thể sống ở đó được nữa vì họ cứ quần bắt những người đấu tranh nên tôi chạy qua Campuchia vào năm 2001”.

    Sau khi sang Campuchia ông bị ở tù một thời gian do tiếp tục tranh đấu cho người Khmer Krom. Sau khi mãn hạn tù, ông cáo buộc rằng ông lại tiếp tục bị an ninh cả hai nước Campuchia – Việt Nam theo dõi: “Điệp viên của Cộng sản Việt Nam cùng phối hợp với Campuchia đã theo dõi tôi sát nên tôi không thể sống ở Campuchia được nữa cho nên tôi phải chạy sang Thái Lan vào năm 2004.”

    Ông Thạch Soong, 63 tuổi, và gia đình đến thành phố Portland của Hoa Kỳ hôm 1/12, sau 37 năm tìm kiếm tự do, trong đó có 18 năm sống “bất hợp pháp” tại Thái Lan, đất nước không tham gia vào công ước LHQ về người tị nạn.

    Vì là những người cư trú bất hợp pháp, ông và gia đình bị chính quyền Thái Lan phạt gần 4.000 đôla, sau đó giảm còn khoảng 2.600 đôla vì hoàn cảnh khó khăn, rồi mới được cho đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình tị nạn của Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR), ông Thạch Soong cho biết thêm.

    Hòa thượng Son Yoeng Ratana, tại chùa Wat Khemara Rainsy ở San Jose, California, là trưởng ban thông tin của Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF), một tổ chức vận động cho tự do của người Khmer Krom, trao đổi với VOA Khmer về việc ông Thạch Soong và gia định được đến Mỹ tị nạn:

    “Ông Thạch Soong và gia đình đến được Hoa Kỳ nhờ các tổ chức (tị nạn) và nhờ chính phủ Hoa Kỳ đã công nhận ông là người tị nạn. Ông đã là người tị nạn ở thành phố Bangkok trong một thời gian dài”.

    Ông Son nói rằng nhiều người Khmer Krom tị nạn bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì vận động cho nhân quyền, tự do tôn giáo, tranh chấp đất đai và nhà cửa.

    Nhiều người trong số những người tị nạn gặp khó khăn này đã chạy trốn khỏi quê hương của họ sang Campuchia và cuối cùng là Thái Lan, xin tị nạn ở các lãnh thổ độc lập hoặc các nước thứ ba như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.

    Ông Son kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phụ trách người tị nạn tại Bangkok và tại Geneva, Thụy Sĩ, hay chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu hãy can thiệp để đưa những người Khmer Krom tị nạn ở Bangkok sang sinh sống ở một đất nước tự do vì “rằng họ không thể trở lại Kampuchea Krom, hay một số người Khmer Krom tị nạn đã trốn sang Campuchia rồi trốn sang Thái Lan nhưng không thể quay về nước được”.

    Một thành viên của KKF xác nhận với VOA Khmer rằng hiện có khoảng 205 người Khmer Krom đang sinh sống tại Thái Lan và đang xin quy chế tị nạn với UNHCR sau khi trốn khỏi Việt Nam.

    Chính quyền Việt Nam xem KKF là tổ chức “phản động”, cho rằng tổ chức này thực hiện các hoạt động tuyên truyền, “xuyên tạc, vu cáo chống phá” chính quyền Việt Nam.

    Từ Thái Lan, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), chúc mừng ông Thạch Soong và gia đình đã đến được đất nước Hoa Kỳ, nơi mà ông cho là một tin vui đối với ông và gia đình, sau nhiều năm dài kiên trì.

    Ông Robertson cho VOA Khmer biết: “Ông ấy đã trải qua giai đoạn khó khăn với nhiều thử thách và thất bại. Những câu chuyện này minh họa cho những khó khăn đối với người Khmer-Krom trong việc giành được quy chế tị nạn và cho phép họ tìm kiếm sự bảo vệ từ các nước thứ ba”.

    Trong những năm gần đây, chính phủ Thái Lan đã gia tăng các rào cản đối với những người xin tị nạn và người tị nạn. “Xu hướng mới này phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ về mối quan hệ và hợp tác ngày càng tăng giữa Việt Nam, Campuchia và chính phủ Thái Lan, khiến các nhà hoạt động Khmer Krom ở Thái Lan ngày càng khó sinh sống an toàn”, ông Robertson nói.

    Phil Robertson kêu gọi Hoa Kỳ giúp cải thiện tình hình: “Hoa Kỳ nên nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ người Khmer Krom, những người tiếp tục bị chính quyền ở khu vực miền nam Việt Nam phân biệt chủng tộc và tôn giáo.

    Chính phủ dưới sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn phủ nhận các cáo buộc này.

    https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-thach-soong-toi-my-sau-hon-37-nam-lanh-nan/6875974.html


    Không có nhận xét nào