Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 29 tháng 12 năm 2022

    Quê Hương tổng họp

    Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tăng cường xét nghiệm, chẩn đoán bệnh 

    28/12/2022 

    Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam Eric Dziuban. Photo Zing.vn

    Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam Eric Dziuban. Photo Zing.vn 

    Phía Hoa Kỳ hôm 28/12 cho biết rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của nước này đã giúp Việt Nam tăng cường công tác xét nghiệm để chấn đoán bệnh.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết rằng với sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ, hệ thống phòng xét nghiệm của Việt Nam “đang cải thiện các phương pháp chẩn đoán, theo dõi và dự phòng HIV, lao, cúm và các bệnh truyền nhiễm khác”.

    Cơ quan ngoại giao này nói thêm rằng với sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ, Việt Nam “đang đạt được những bước tiến lớn” trong việc tăng cường hệ thống phòng xét nghiệm nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, từ việc xét nghiệm cúm tại các chợ gia cầm sống đến giám sát dịch bệnh tại bệnh viện.

    Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi tháng Chín vừa qua, Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam Đào Hồng Lan đã tiếp ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Trong cuộc gặp đó, bà Lan “đề nghị CDC Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam trong phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là phòng chống dịch COVID-19, phòng chống HIV/AIDS, lao, công tác phòng chống kháng kháng sinh; chương trình an ninh y tế toàn cầu ở Việt Nam...”

    Mới đây, theo báo chí trong nước, ông Dziuban cho biết rằng CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong năm 2023, bao gồm việc giúp thành lập một trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia Việt Nam.

    Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam còn cho biết thêm rằng phía Mỹ sẽ hợp tác với cơ quan chức năng “trong nhiều tháng năm sắp tới” để đảm bảo mô hình CDC Trung ương của Việt Nam được thành công ngay từ đầu.

    Ngoài sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ, theo Đại sứ quán Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ mới đây đã “hỗ trợ tổ chức khám, chụp x-quang và xét nghiệm miễn phí” để tầm soát lao phổi cho người có nguy cơ và người đã nhiễm COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

    Đồng Việt Nam mất giá gần 4%

    29/12/2022

    VNTB – Đồng Việt Nam mất giá gần 4%

    Tử Long/VNTB

    Tính đến ngày 27-12, VND mất giá khoảng 3,8%”

    “Tính đến ngày 27-12, VND mất giá khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

    Hai lần tăng lãi suất điều hành, tổng mức tăng 2%; Nới biên độ tỷ giá USD/VND từ ±3% lên ±5%; Từng bước nâng tỷ giá trung tâm, với mức tăng hơn 2% trong cả năm; Nới trần tăng trưởng tín dụng từ 14% lên thêm 1,5 – 2% ngay trong tháng cuối cùng của năm… Hàng loạt các chính sách điều hành, giúp ngành ngân hàng thích ứng trong một năm kinh tế thế giới đầy biến động.

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – bà Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận một loạt bài toán khó đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2023, như: Làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/ huy động vốn và dư nợ tín dụng/ GDP đã đang ở ngưỡng cảnh báo;

    Hay làm sao ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng đô-la tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ; đồng thời, làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố như vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và niềm tin thị trường suy giảm…

    Con số mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, cho thấy đã cùng ghi nhận với số liệu của báo cáo thị trường tiền tệ tuần 19/12 – 23/12, của Bộ phận phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), khi nhóm chuyên gia này kỳ vọng tỷ giá USD/ VND kết thúc năm 2022 sẽ ở quanh vùng hiện tại, tương đương với mức mất giá khoảng 3,8% so với cuối năm 2021.

    Trong tuần qua, áp lực từ thị trường tiền tệ khiến tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng bật tăng trong đầu tuần và bắt đầu hạ nhiệt về cuối tuần. Kết tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank tăng 190 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen hầu như đi ngang. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng dao động ở mức VND 23.700/USD, cao hơn giá mua USD trên Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và do vậy Ngân hàng Nhà nước chưa ghi nhận nghiệp vụ mua/hoán đổi USD trong tuần qua.

    Nhìn chung, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân.

    Một ghi nhận từ lãnh đạo các ngân hàng thương mại, năm 2023, những khó khăn, thách thức với hoạt động ngân hàng vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED có lộ trình giảm dần quá trình tăng lãi suất sẽ làm áp lực lên tỷ giá, lãi suất được giảm bớt.

    “Các vấn đề liên quan đến trái phiếu, đầu tư công sẽ gỡ được các nút thắt, từ đó giảm áp lực cung vốn của các ngân hàng. Với chính sách linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng sẽ ứng phó tốt hơn”, ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB nhận định.

    Giới quan sát tài chính cho rằng cán cân vãng lai ở các quý năm 2023 phụ thuộc khá nhiều vào quyết định về tăng lãi suất của FED trong thời gian tới. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn và lãi phải trả cho các khoản nợ nước ngoài ngày càng tăng, du khách quốc tế tới Việt Nam chưa được cải thiện thì lượng USD vào Việt Nam có thể sẽ giảm xuống và lượng USD chảy ra khỏi Việt Nam ngày càng tăng.

    Hiện tại, giới phân tích trong nước đưa ra 3 kịch bản biến động của tỷ giá ngân hàng thương mại trong năm 2023.

    Ở kịch bản thứ nhất, lãi suất mục tiêu của FED (Fed Fund Rate Target) năm 2023 là 5%, lãi suất hiệu lực của FED được ước lượng khoảng 4,7%; tỷ giá ngân hàng thương mại là 25.609 đồng đến 25.857 đồng.

    Kịch bản thứ hai, lãi suất mục tiêu của FED khoảng 5,25% và lãi suất hiệu lực được kỳ vọng ở mức 4,95%, tỷ giá ngân hàng thương mại là 26.106 đồng – 26.355 đồng.

    Kịch bản thứ ba, lãi suất mục tiêu của FED khoảng 5,5% và lãi suất hiệu lực được kỳ vọng ở mức 5,2%; tỷ giá ngân hàng thương mại là 26.603 đồng – 26.852 đồng.

    Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước. Đồng thời,cân nhắc đưa ra những đề xuất về mở rộng đối tượng để nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ này.

    Lừa lấy mã OTP rút tiền trong thẻ tín dụng: Tạm giữ tới 86 người tại TP.HCM

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/luc-luong-cong-an-kham-xet.jpg

    Lực lượng công an khám xét văn phòng của nhóm lừa đảo rút tiền qua thẻ tín dụng. (Ảnh: Công an TP.HCM cung cấp/dẫn qua hcmcpv.org.vn). 

    86 người trong một đường dây lừa đảo bằng “chiêu” rút tiền qua thẻ tín dụng vừa bị công an bắt giữ. Nhóm này hoạt động tại 3 văn phòng trong các tòa nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM).

    Tối 28/12, Công an quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết đã phối hợp với Bộ Công an, cùng Công an TP.HCM khám xét và tạm giữ hình sự 86 người để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015.

    Trong ngày 28/12, cơ quan công an đã kiểm tra, khám xét 3 địa điểm gồm: Tầng 1 Tòa nhà Halo Building (số 60 Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình); phòng 102 Tòa nhà The Office (số 586/8 Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình); một văn phòng tại M.G Building (địa chỉ 1039 Cách Mạng Tháng Tám, phường 7, quận Tân Bình).

    Qua khám xét, công an thu giữ 109 máy tính để bàn, 67 laptop, 1 máy in, 118 điện thoại di động, 2 xe ôtô, 46 xe gắn máy các loại, 27 thẻ ngân hàng.

    Bước đầu, cơ quan điều tra xác định những nghi can này giả danh nhân viên phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng, gọi điện thoại tư vấn cho chủ thẻ. Lợi dụng việc ngân hàng áp dụng mức phí khá cao đối với chủ thẻ tín dụng khi rút tiền mặt, nhóm này gợi ý hỗ trợ.

    Những người này nói dối rằng ngân hàng đang có chính sách giúp khách thoải mái chi tiêu, có thể rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ tín dụng mà không mất phí. Để làm điều này, chủ thẻ phải chụp ảnh 2 mặt thẻ tín dụng, kèm mật khẩu để thanh toán.

    Khi có các thông tin, nhóm lừa đảo sử dụng phần mềm quẹt thẻ trên một website bán hàng. Khi ngân hàng gửi mã OTP về cho chủ thẻ, nhóm này yêu cầu chủ thẻ cung cấp lại cho nhóm. Sau đó, các nghi can vẫn chuyển 75% cho khách, đồng thời, âm thầm chuyển 25% hạn mức thẻ còn lại đi nơi khác để chiếm đoạt.

    Cơ quan điều tra cho rằng có rất nhiều người đã sập bẫy lừa đảo của nhóm này.

    Hiện, Công an quận Tân Bình đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

    Khánh Vy

    Trong 6 tháng, nữ nhân viên Công ty Tập đoàn Tiến Bộ tham ô 17 tỷ đồng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/cong-an-kam-700x480.jpg

    Bà Nguyễn Thị Hải Lý nghe công an đọc quyết định khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang) 

    Trong vòng 6 tháng, một nhân viên dự án của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã thu tiền của khách hàng rồi chiếm đoạt tới 17 tỷ đồng.

    Theo tin công bố, ngày 26/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Tham ô tài sản, xảy ra tại Văn phòng Dự án Bắc Giang (Địa chỉ: Chung cư Green City, đường Trần Quang Khải, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

    Đồng thời, đơn vị trên ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Hải Lý (SN 1974; thường trú xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; chỗ ở hiện tại tòa CT1, chung cư Green City, đường Trần Quang Khải, phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội Tham ô tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật hình sự 2015.

    Theo tài liệu điều tra, từ tháng 5-11/2021, bà Lý với vai trò là nhân viên Văn phòng Dự án Bắc Giang thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được giao nhiệm vụ thu tiền của khách hàng trong diện Nhà nước hỗ trợ tái định cư tại dự án khu nhà ở xã hội và khu nhà ở thương mại (dự án Green City, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang).

    Tuy nhiên, bà Lý đã thu tiền của nhiều khách hàng nhưng không nộp về công ty mà dùng cá nhân. Tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng 17 tỷ đồng.

    Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý.

    Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ được thành lập từ năm 1998, tiền thân là doanh nghiệp tư nhân với ngành nghề kinh doanh chính là cốp pha – giàn giáo và sản xuất thiết bị xây dựng, kinh doanh sắt thép, hiện tập trung vào lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng.

    Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ ghi nhận hơn 1.444 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 897,6 tỷ đồng (toàn bộ là nợ ngắn hạn), tài sản ngắn hạn 782 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 546,8 tỷ đồng.

    Minh Sơn

    Việt Nam muốn chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp trước ngày 31/3/2023 

    28/12/2022 

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. 

    Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 27/12 yêu cầu các bộ ngành, địa phương phối hợp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/3/2023.

    Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News), ông Chính nói rằng kết quả việc ngăn chặn cái gọi là khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sau 5 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đã “có sự tiến bộ” được cơ quan của châu Âu “công nhận”.

    Tuy nhiên, ông Chính nói rằng “vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không khắc phục sớm thì không những không gỡ được cảnh báo ‘thẻ vàng’ mà nguy cơ còn diễn biến phức tạp”.

    Theo VGP News, ông Chính nói rằng việc gỡ cảnh báo trên “không phải chỉ để đối phó với EC mà vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững”.

    Để đạt được mục tiêu trên, tin cho hay, ông Chính đã yêu cầu sự phối hợp của các bộ ngành như Bộ Ngoại giao. Bộ này được yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh các vụ việc nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân ta” cũng như “chủ trì đàm phán, sớm hoàn thành việc phân định khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước” và “trước mắt tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực này”.

    Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu phạt “thẻ vàng” vào tháng 10/2017 và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng IUU.

    Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”.

    “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.

    Vụ AIC: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được cho là ‘cầm đầu' các vụ thông thầu

    29/12/2022

    Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC.

    Nguồn hình ảnh, Internet

    Chụp lại hình ảnh, 

    Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC.

    Chiều 28/12, ngày thứ 7 xét xử vụ án vi phạm đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Đồng Nai gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng bà Nhàn là người "chủ mưu, cầm đầu và đạo diễn" các vụ thông thầu.

    VKS nhận định các vụ án thông thầu ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được tổ chức tinh vi, phân vai đầy đủ dưới sự "chủ mưu, cầm đầu và đạo diễn" của bà Nhàn. Mỗi người được phân công trách nhiệm cụ thể với các quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng. 

    Phiên tòa cũng tranh luận về vấn đề "bỏ trốn". Theo đó, luật sư bào chữa cho rằng, "nhiều bị cáo bị quy kết bỏ trốn là không đúng", do họ đã xuất cảnh từ khi vụ án chưa khởi tố. Luật sư đề nghị tạm đình chỉ điều tra bị can hoặc gỡ lệnh truy nã với những bị cáo này.

    Tuy nhiên, công tố viên dẫn quy định pháp luật, cho hay toà chỉ có thể xét xử vắng mặt khi người đó bỏ trốn, đã phát lệnh truy nã mà không có kết quả hoặc đang ở nước ngoài, vì lý do bất khả kháng không thể về tham dự phiên toà. 

    Còn trong vụ án này, bà Nhàn và 7 người bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan những bị can khác nên nhà chức trách không tạm đình chỉ điều tra bị can mà vẫn truy tố, xét xử "là đúng".

    Về ý "không bỏ trốn", VKS lập luận rằng, luật không quy định thời điểm nên trốn trước hay sau khi khởi tố "đều bị cáo buộc là bỏ trốn, không chịu trách nhiệm trước pháp luật".

    Điều này phù hợp với chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, người trong bài phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi 18/11 đã nói rằng: "Người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải truy tố, xét xử, không thể thoát được."

    Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong một sự kiện công nghệ tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)

    Nguồn hình ảnh, aicgroup.com

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong một sự kiện công nghệ tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)

    Vụ án được Tổng bí thư quan tâm

    Cũng trong cuộc họp ngày 18/11 nói trên, bài phát biểu kết luận được đăng toàn văn trên trang Tuổi Trẻ Online dài độ 4.000 chữ có đến ba lần nhắc đến vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC, được coi là vụ án "trọng điểm". Cụ thể:

    "Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc: (1) Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; (2) Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; (3) Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; (4) Vụ án xảy ra tại Công ty AIC."

    Kết luận nêu thêm vụ án (6) về "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan."

    Và lần nhắc thứ ba về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty AIC và các công ty thành viên thực hiện. 

    Ngày 29/4/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ đấu thầu mua trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Cùng bị khởi tố là ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, và bảy người khác là nhân viên của AIC và các công ty liên quan.

    AIC cùng các đơn vị khác bị cáo buộc là "thông đồng, nâng khống giá" để trúng thầu, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 152 tỷ đồng.

    Chiều 28/12, đại diện khẳng định AIC sẽ phải bồi thường 152 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án, chứ không phải ba cá nhân là bà Nhàn, ông Trần Mạnh Hà và bà Hoàng Thị Thúy Nga ( đều là nguyên Phó Tổng giám đốc AIC) như VKS đề nghị. Do đã phong toả hơn 107 tỷ đồng của AIC tại các tài khoản ngân hàng và nếu cần, nhà chức trách có thể phong toả thêm để phục vụ bồi thường.

    Tuy nhiên, theo VKS, đây là vụ án hình sự nên trách nhiệm bồi thường thuộc về những người gây ra hành vi trái pháp luật. Bởi thế, bà Nhàn phải bồi thường 2/3 thiệt hại; hai phó tổng AIC Hà và Nga bồi thường 1/3.

    Trước đó, ngày 18/08/2022, tờ VnExpress thông tin Cựu giám đốc AIC Group, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy người bị khởi tố sai phạm liên quan đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.

    Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã "khởi tố, bắt tạm giam ba cán bộ Sở Y tế Quảng Ninh là Hoàng Đình Sơn, cựu phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình y tế; Phạm Ngọc Dũng, cựu chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính; Nguyễn Quý Thịnh, chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính.

    "Trong hôm nay, Cơ quan điều tra khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Hồng Sơn, phó tổng giám đốc AIC; Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng AIC; Trương Thị Xuân Loan, trưởng ban 3 AIC; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Mopha", vẫn dẫn VnExpress.

    Bà Nhàn tại Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản - Hà Nội năm 2019.

    Nguồn hình ảnh, aicgroup.com

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bà Nhàn tại Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản - Hà Nội năm 2019.

    Bà Nhàn là người giữ các mối liên hệ quan trọng?

    Vào tháng Năm, Việt Nam ra quyết định truy nã bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC.

    Bà Nhàn sinh năm 1969 ở Bắc Ninh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

    Theo quyết định truy nã, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

    Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sinh ngày 01/01/1969 ở Bắc Ninh.

    Tháng 11/2018, tin cho hay Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc (The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Rosette) cho nữ Viện sĩ người Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

    Đây là lần đầu tiên Huân chương Mặt trời mọc được trao cho một cá nhân dưới tuổi 50.

    Trang web Sứ quán Nhật Bản cho biết ngày 24/11/2018, tại Nhà riêng của Đại sứ Nhật, đã tổ chức lễ trao tặng huân chương cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Nơ thắt hoa hồng trong đợt trao tặng huân chương cho người nước ngoài mùa thu năm 2018.

    AIC được thành lập từ năm 2005, ban đầu kinh doanh xuất khẩu lao động. Theo báo chí, những năm sau này, AIC trúng nhiều gói thầu cung cấp trang thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

    Hiện nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ Việt Nam là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ở đâu.

    Thế nhưng, một số nguồn nước ngoài không chỉ nói bà đã rời Việt Nam đi châu Âu mà còn mô tả bà Nhàn như một người quan trọng trong các quan hệ quốc tế.

    Báo Haaretz của Israel trong một bày ngày 01/5 vừa qua nói các hợp đồng về an ninh, quốc phòng của Israel xuất khẩu sang Việt Nam có thể gặp rủi ro sau lệnh bắt giam "nữ môi giới chủ chốt".

    Bài nói bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là "một nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua".

    Truyền thông Việt Nam vào tháng 5/2022 nói bà Nhàn đã bỏ trốn ngày 19/6/2021.

    Vẫn nguồn tin trên nói nữ doanh nhân VN đã "sang châu Âu được hơn một năm".

    https://www.bbc.com/vietnamese


    Không có nhận xét nào