Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 23 tháng 12 năm 2022

    Quê Hương tổng hợp

    Thêm hai bị cáo trong vụ án AIC đang trốn truy nã gửi thư về tòa từ Mỹ

    RFA
    23/12/2022

    Thêm hai bị cáo trong vụ án AIC đang trốn truy nã gửi thư về tòa từ Mỹ

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai 

    Courtesy Báo Chính phủ 

    Thêm hai  người đang trốn truy nã trong vụ án Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế AIC và Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Nai gửi thư đến phiên tòa đang diễn ra tại Hà Nội.

    Truyền thông Nhà nước ngày 23/12 dẫn thông báo của các luật sư bào chữa tại phiên xử như vừa nêu. Theo đó hai người gồm bà Đỗ Mỹ Hạnh- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa) và ông Ngô Thế Vinh- Giám đốc Công ty Việt Tiên, đã gửi đơn và tâm thư đến tòa.

    Bà Đỗ Mỹ Hạnh xin Tòa xét xử công tâm và chấp nhận mọi phán quyết; ông Ngô Thế Vinh trình bày hoàn cảnh gia đình và bản thân là đang phải chăm sóc cho con bị ốm ở Hoa Kỳ và ông này cũng đang trị bịnh theo chỉ định của bác sỹ nên không thể về Việt Nam tham dự phiên xử.

    Vào ngày 21/12 vừa qua, luật sư của một người đang trốn truy nã khác là ông Nguyễn Đăng Thuyết- nguyên Giám đốc Công ty Thành An, Hà Nội, cho Tòa biết ông này đang ở Mỹ và xin được xử vắng mặt, chấp nhận mọi phán quyết của tòa. Ông Thuyết xuất cảnh sang Hoa Kỳ vào tháng 4/2021 để giám hộ cho hai con chưa thành niên đang học tại Xứ Cờ hoa.

    Vụ án thông thầu giữa lãnh đạo Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của chủ tịch đang trốn truy nã Nguyễn Thị Thanh Nhàn và lãnh đạo Đồng Nai tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh được bắt đầu xét xử tại Tòa Hà Nội ngày 21/12 theo như kế hoạch đề ra.

    Dù có nhiều kêu gọi ra đầu thú nhưng chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người trong cùng vụ đang trốn truy nã không có mặt tại phiên xử. Những người trốn truy nã khác gồm Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.

    Indonesia và Việt Nam kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế 

    23/12/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 22/12/2022. Photo Twitter Indonesian Embassy in Hanoi @IndonesiaHanoi.

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 22/12/2022. Photo Twitter Indonesian Embassy in Hanoi @IndonesiaHanoi. 

    Indonesia và Việt Nam vừa kết thúc đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của hai nước trên Biển Đông sau hơn một thập niên xảy ra tranh chấp, truyền thông hai nước loan tin.

    “Sau 12 năm đàm phán tích cực, Indonesia và Việt Nam cuối cùng đã kết thúc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước dựa trên Công ước của LHQ về luật Biển UNCLOS 1982,” Văn phòng của Tổng thống Indonesia Joko Jokowi cho biết trong một tuyên bố chính thức sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Dinh tổng thống Bogor hôm 22/12.

    Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc hoàn tất đàm phán về đường ranh giới EEZ của Indonesia-Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho người dân hai nước. Ông cũng bày tỏ ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia vào năm tới và lập trường của ASEAN coi Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và ủng hộ tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

    Chủ tịch Phúc hiện đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia từ ngày 21-23/12.

    Vùng đặc quyền kinh tế là vùng trải dài 200 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia công nhận quốc gia đó có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng này. Vùng EEZ được quy định trong Công ước UNCLOS 1982.

    Bộ Ngoại giao Indonesia trước đây ghi nhận rằng có sự chồng chéo về quyền tài phán ở một số khu vực giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền bao gồm Brunei Darussalam, Philippines, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Trung Quốc, điều này đã gây ra khả năng xung đột cao.

    Từ trước đến nay, Việt Nam và Indonesia đã vướng vào tranh chấp chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông trong nhiều năm.

    Các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước xung đột về các hoạt động của ngư dân Việt Nam trong khu vực, với việc Indonesia bắt giữ và tiêu hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam bị cáo buộc xâm phạm trái phép và đánh bắt trái phép. Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia trấn áp các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trong khu vực mà Jakarta tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Natuna.

    Từ năm 2010 đến nay, hai nước đã có hàng chục vòng đàm phán liên quan các tuyên bố về EEZ chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông, truyền thông Việt Nam loan tin.

    Trước đó, “Cuộc họp kỹ thuật lần thứ 15 về việc xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia-Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào ngày 26–27 tháng 9/2022, theo Thông Tấn Xã Indonesia Antara.

    Các chuyên gia về luật biển quốc tế và an ninh khu vực khen ngợi động thái này của Jakarta và Hà Nội.

    Ông Derek Grossman thuộc công ty RAND Corporation của Hoa Kỳ hôm 23/12 viết trên Twitter rằng đây là “một tin tốt lành”.

    Ông Dejun Liu nhà điều hành trang mạng Free in China ở Bắc Kinh nhận định rằng việc phân định này là một động thái được các nhà phân tích khu vực khen ngợi nhưng “có khả năng khiến Trung Quốc khó chịu”.

    Tại cuộc họp báo hôm 22/12, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng phối hợp duy trì duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

    Cũng trong dịp này, cả hai nước đã đồng ý với mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương hàng năm lên 15 tỷ USD trước năm 2028.

    Indonesia cũng đặt mục tiêu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Việt Nam bắt đầu từ năm 2026 từ mỏ ngoài khơi Tuna nằm gần biên giới biển Indonesia và Việt Nam, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia cho Reuters biết hôm 23/12.

    Bộ trưởng năng lượng Indonesia Arifin Tasrif nói với các phóng viên rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể cung cấp từ 100 đến 150 triệu feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày thông qua đường ống dẫn khí từ khối Tuna do Harbor Energy vận hành.

    Tai nạn giao thông trong năm qua khiến hơn 6.300 người chết tại VN

    RFA
    23/12/2022

    Tai nạn giao thông trong năm qua  khiến hơn 6.300 người chết tại VN

    Ảnh minh họa: giao thông trên đường phố Hà Nội năm 2020 

    AFP 

    Tai nạn giao thông làm chết hơn 6.300 người tại Việt Nam trong năm qua.

    Thống kê tổng kết của Cục Cảnh sát Giao thông Việt Nam được truyền thông Nhà nước loan đi ngày 23/12 cho thấy số liệu vừa nêu. Cụ thể thời gian tính là từ 15/12/2021 đến 14/12/2022.

    Tổng số vụ tai nạn giao thông ghi nhận được suốt thời gian này là 11.450 vụ. Ngoài số tử vong, số bị thương do tai nạn giao thông năm qua là hơn 7.800 người.

    Cục Cảnh sát Giao thông Việt Nam so số liệu năm 2022 với cùng kỳ năm 2019, thì số vụ tai nạn giao thông giảm hơn 35%), số tử vong giảm hơn 16%) và số bị thương giảm gần 43%.

    Hơn 130 ca chết vì sốt xuất huyết trong năm 2022 tại VN

    RFA
    23/12/2022

    Hơn 130 ca chết vì sốt xuất huyết trong năm 2022 tại VN

    Ảnh minh họa; bệnh nhân sốt xuyết huyết tại một phòng bệnh ở Hà Nội năm 2015 

    AFP 

    Dịch sốt xuất huyết tính đến lúc này của năm 2022 đã làm chết 133 người tại Việt Nam, trong tổng số gần 355 ngàn ca nhiễm bệnh.

    Bộ Y tế Việt Nam công bố số liệu vừa nêu vào ngày 22/12. So với cùng kỳ năm ngoái, số nhiễm sốt xuất huyết trong nước năm nay tăng hơn năm lần, và số tử vong tăng 107 trường hợp.

    Hiện thời tiết lạnh không thuận lợi cho muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sản nên số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm đi trong những tuần cuối năm 2022.

    Tuy vậy, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân không nên chủ quan mà phải tuân thủ những hướng dẫn phòng ngừa bệnh do cơ quan này đưa ra.

    Muỗi kháng thuốc trừ sâu xuất hiện nhiều tại Việt Nam

    RFA
    23/12/2022

    Muỗi kháng thuốc trừ sâu xuất hiện nhiều tại Việt Nam

    Ảnh minh họa: muỗi vằn Wolbachia được nuôi trong phòng thì nghiệm tại Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore ngày 7/2/2007 

    AFP 

    Muỗi kháng cực mạnh với thuốc trừ sâu đã được phát hiện ở Việt Nam và Campuchia. Điều này gây quan ngại cho công cuộc phòng ngừa những loại bệnh do muỗi truyền đi trong cộng đồng dân cư. Đó là các dịch bệnh sốt xuất huyết, sốt rét vàng da và vi-rút Zika.

    Mạng báo NewScientist loan tin ngày 21/12 dẫn nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Viện Quốc gia Bệnh Truyền nhiễm tại Tokyo. Nhóm này lấy mẫu 23 nhóm muỗi từ các nước Ghana, Đài Loan, Việt Nam và Indonesia.

    Mỗi nhóm được phun loại thuốc trừ sâu với hàm lượng lớn chất thường được dùng trong thuốc trừ sâu- chất permethrin. Loại thuốc này diệt muỗi với tỷ lệ lên đến 99%. Tuy vậy, nhóm muỗi lấy từ Việt Nam chết không quá 20%.

    Nhóm nghiên cứu phát hiện có một biến chủng đặc biệt trong nhóm muỗi từ Việt Nam. Biến chủng có tên L982W kháng thuốc trừ sâu.

    Ngoài phát hiện mới này, trước đây nhóm cũng đã phát hiện tổng cộng 10 loài muỗi kháng thuốc trừ sâu, trong đó có một số mang biến chủng L982W kết hợp với những biến chủng khác.

    Việt Nam bắt Đại sứ ở Nhật và phó chủ tịch Hà Nội 

    Ảnh ông  Vũ Hồng Nam (trái) và Chử Xuân Dũng

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ảnh ông Vũ Hồng Nam (trái) và Chử Xuân Dũng 

    22/12/2022

    Bộ Công an Việt Nam thông báo vừa bắt giữ nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, và phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, liên quan vụ án ở Bộ Ngoại giao và nhiều nơi.

    Thông cáo nói: "Mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngày 22/12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 03 bị can."

    Vũ Hồng Nam, sinh năm 1963; nghề nghiệp: Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

    Chử Xuân Dũng, sinh năm 1973; nghề nghiệp: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

    Phạm Bích Hằng, sinh năm 1969; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty Cổ phần Vina Mi Chi, về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự. 

    Đảng điều tra

    Trước đó ngày 21/12, UBKT Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

    Thông cáo của cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản ngày 21/12 nêu ra các vi phạm của Bộ Ngoại giao Việt Nam. 

    “Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19."

    "Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam."

    "Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội; làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giảm uy tín của tổ chức đảng và Ngành Ngoại giao.”

    "Liên quan đến những vi phạm trên còn có trách nhiệm của một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tại các Đảng bộ: Bộ Ngoại giao; Văn phòng Chính phủ; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Cục Quản lý xuất, nhập cảnh, Bộ Công an và một số tổ chức đảng, đảng viên khác."

    Đại sứ Vũ Hồng Nam là ai?

    Trang web Sứ quán Việt Nam tại Nhật hiện vẫn ghi tên ông Vũ Hồng Nam đang là Đại sứ từ 2018 tới nay.

    Sinh năm 1963, ông Nam có bằng Thạc sỹ Quan hệ Quốc tế, ba ngoại ngữ: Nhật, Anh, Nga.

    Từ 2014 tới 2018, ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

    Từ tháng 10/2018 tới nay, ông là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản. 

    Cho tới cuối tháng 6/2022, ông Nam vẫn còn xuất hiện trên báo chí phát biểu về quan hệ Việt - Nhật.

    Tiến sĩ giáo dục Chử Xuân Dũng

    Ông Chử Xuân Dũng là phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từ tháng 12/2020.

    Ông có bằng Tiến sĩ khoa học giáo dục, Thạc sĩ Toán, Thạc sĩ Giáo dục học, ĐH Sư phạm Toán.

    Từ 2017 tới 2020, ông là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.


    Không có nhận xét nào