Header Ads

  • Breaking News

    CIVICUS Monitor: Không gian dân sự Việt Nam 2022 ‘bị đóng kín’

    Báo cáo: Bỉ trở thành trung tâm châu Âu của nạn buôn người Việt Nam 

    VOA Tiếng Việt 

    08/12/2022

    CIVICUS Monitor: Không gian dân sự Việt Nam 2022 ‘bị đóng kín’ 

    Tổ chức CIVICUS Monitor đánh giá rằng không gian dân sự tại Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục ở tình trạng “bị đóng kín” (closed) do chính quyền hạn chế chặt chẽ quyền tự do hội họp ôn hòa.

    Tại Việt Nam, nơi không gian dân sự được đánh giá là “bị đóng kín”, “quyền tự do hội họp ôn hòa bị hạn chế chặt chẽ về mặt luật pháp lẫn thực tiễn”, CIVICUS Monitor cho biết trong một thông cáo báo chí vào ngày 7/12.

    Theo tổ chức này, trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương, các cuộc biểu tình đã được ghi nhận tại ít nhất 27 quốc gia trong năm ngoái. Người dân được huy động để cải cách chính trị và kinh tế, để tìm kiếm công lý và đòi quyền lợi của mình.

    “Các cuộc biểu tình này được tổ chức ở các quốc gia được đánh giá là bị cản trở và đàn áp, nhưng cũng xảy ra ở các chế độ độc tài nơi không gian dân sự được đánh giá là bị đóng, chẳng hạn như Trung Quốc và Việt Nam”, báo cáo cho biết.

    Chính quyền đã phản ứng với những cuộc biểu tình này theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc quấy rối và bắt giữ tùy tiện những người biểu tình cũng như sử dụng vũ lực quá mức và đôi khi gây chết người, bao gồm cả việc sử dụng súng, để phá vỡ các cuộc biểu tình, báo cáo cho biết thêm.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị cho ý kiến phản hồi về đánh giá của CIVICUS Monitor, nhưng chưa được phản hồi.

    Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) – một tổ chức chuyên thiết lập một mạng lưới có ảnh hưởng gồm các tổ chức ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, và mở rộng phạm vi xã hội dân sự - cho biết rằng hiện tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 4 quốc gia có tình trạng không gian dân sự bị đóng kín, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Lào và Việt Nam.

    Trong các năm qua, Việt Nam liên tục bị CIVICUS đánh giá trong tình trạng này do các nhóm nhân quyền trong mạng lưới báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dưới chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó chính quyền hình sự hóa có hệ thống và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, hạn chế quyền tự do đi lại, đàn áp phương tiện truyền thông, và duy trì sự kiểm duyệt mạng xã hội.

    Đánh giá của CIVICUS về không dân sự tại Việt Nam cũng tương tự như đánh giá của Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc trước đó.

    “Ở Việt Nam, những hạn chế ngày càng tăng của chính phủ đối với không gian dân sự và các quyền tự do cơ bản, cũng như việc kết án những người bị buộc tội liên quan đến hoạt động nhân quyền của họ và nỗ lực thúc đẩy một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là điều đáng lo ngại”, bà Nada Al-Nashif , Quyền Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết tại phiên họp thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

    Bà Al-Nashif kêu gọi chính phủ đảm bảo sự tham gia đa dạng và mạnh mẽ của xã hội dân sự, bao gồm cả những người bảo vệ nhân quyền, và trả tự do cho những người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù một cách tùy tiện vì những hoạt động nhân quyền của họ.

    Đánh giá của CIVICUS dựa trên mức độ bảo vệ 3 quyền tự do dân sự cơ bản ở mỗi nước, bao gồm: quyền tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa và tự do biểu đạt. Theo đó, từng nước được xếp vào 1 trong 5 nhóm: đóng kín (closed); bị đàn áp (repressed); bị cản trở (obstructed); bị thu hẹp (narrowed); và cởi mở (open).

    Trong thời gian qua, CIVICUS liên tục lên tiếng về tình hình nhân quyền Việt Nam, nói rằng chính phủ nước này đã sử dụng một loạt các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để buộc tội và bỏ tù các nhà hoạt động và các blogger, một số bị kết án tù dài hạn.

    Từ trước đến nay, các quyền tự do hiệp hội bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam với các nhóm xã hội dân sự độc lập vấp phải những rào cản về thủ tục đăng ký phức tạp và bị hạn chế nhận tài trợ nước ngoài, thậm chí một số thành viên bị giam cầm vì các báo buộc “vi phạm an ninh quốc gia”, trong khi báo chí tư nhân bị cấm hoạt động và chính quyền kiểm duyệt gắt gao các nền tảng mạng xã hội.

    https://www.voatiengviet.com

    Báo cáo: Bỉ trở thành trung tâm châu Âu của nạn buôn người Việt Nam 

    VOA Tiếng Việt 

    08/12/2022

    Một biểu ngữ kêu gọi ngăn chặn tệ nạn buôn người ở Việt Nam. Liên Hiệp Quốc ước tính các mạng lưới buôn lậu đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu mỗi năm.

    Một biểu ngữ kêu gọi ngăn chặn tệ nạn buôn người ở Việt Nam. Liên Hiệp Quốc ước tính các mạng lưới buôn lậu đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu mỗi năm. 

    Một báo cáo của Trung tâm Di cư Liên bang Bỉ vừa công bố hôm thứ Tư (8/12) cho biết nạn buôn người nói chung và đặc biệt là buôn người từ Việt Nam sang châu Âu đã gia tăng trong thập niên qua, và những kẻ buôn người ngày càng hoạt động tích cực ở Bỉ khiến nước này trở thành trung tâm của châu Âu của các đường dây buôn người từ Việt Nam.

    Theo báo cáo của Trung tâm Di cư Liên bang Bỉ Myria, từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 5 năm 2020, trong số 335 người Việt Nam được đưa lậu vào châu Âu, gần 60% đã đi qua các điểm trú tạm ở Bỉ và Pháp trước khi đến Vương quốc Anh.

    Tờ Politico dẫn lời chuyên gia Stef Janssens, nhà nghiên cứu về nạn buôn người tại Myria, cho biết: “Do vị trí địa lý gần với Pháp và Anh, Bỉ trở thành trung tâm quan trọng của các mạng lưới buôn lậu người Việt Nam”.

    Báo cáo cũng tiết lộ rằng 28 nạn nhân của nạn buôn người trong các vụ trầm trọng, bao gồm việc nhắm mục tiêu vào trẻ vị thành niên và sử dụng bạo lực hoặc đe dọa, đã được ghi danh tham gia một chương trình tư vấn ở Bỉ vào năm ngoái, trong đó có 23 người là người Việt Đây là con số cao thứ hai trong vòng 10 năm qua.

    Trình trạng buôn người từ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi 39 di dân Việt Nam được phát hiện chết trong một chiếc xe tải đông lạnh ở hạt Essex, đông nam nước Anh, khi đang trên đường đến Anh từ Zeebrugge, Bỉ, vào tháng 10 năm 2019. Một số nạn nhân được cho là bị buôn bán bất hợp pháp sang châu Âu để làm lao động cưỡng bức.

    Mạng lưới tội phạm người Việt gây ra thảm kịch này đã hoạt động ở Bỉ từ năm 2018 và buôn lậu hơn 150 người sang châu Âu tính cho đến năm 2020, và đã kiếm được khoảng 7 triệu euro trong thời gian này, báo cáo cho biết, đồng thời thêm rằng nạn buôn người vẫn tiếp tục diễn ra sau thảm kịch chấn động trên, thậm chí giá vận chuyện cho hành trình nguy hiểm này còn tăng lên sau đó.

    “Các nạn nhân được tuyển dụng với những lời hứa hão huyền về việc làm và thường lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Họ chủ yếu được buôn lậu vào Vương quốc Anh trong những điều kiện nguy hiểm đến tính mạng và phải làm việc trong điều kiện bóc lột trên đường đi, bao gồm cả ở Bỉ”, báo cáo viết.

    “Chúng tôi thấy rằng các nạn nhân Việt Nam bị nhốt trong điều kiện tồi tệ tại các trại tạm trú, cho đến khi họ thu xếp xong việc thanh toán các khoản nợ”, chuyên gia Stef Janssens cho biết.

    Một cô gái Việt Nam 16 tuổi được trích dẫn trong báo cáo nói rằng “Ở Hy Lạp, người đứng đầu nơi trú ẩn hỏi tôi có muốn ngủ với anh ta không, điều đó có nghĩa là để quan hệ tình dục. Nếu tôi làm điều đó, tôi có thể được rời đi sớm hơn”.

    Do tiêu tốn chi phí quá lớn cho chuyến đi, các nạn nhân thường phải gánh những khoản nợ khổng lồ, khiến họ dễ bị bóc lột về kinh tế khi phải làm việc bất hợp pháp tại các tiệm làm móng, nhà hàng… tại Bỉ.

    Nạn buôn người từ Việt Nam sang châu Âu đã trở thành một vấn nạn trong những năm gần đây. Một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng các mạng lưới buôn lậu người Việt Nam đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu mỗi năm, một giao dịch bất hợp pháp giúp cho các mạng lưới này kiếm khoảng 300 triệu euro mỗi năm.

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào