Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Kỳ - Thượng viện thông qua dự luật ngân sách $1.7 ngàn tỷ

    Dự luật còn phải được tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày mai thứ Sáu và sẽ được thông qua để tránh việc chính phủ phải đóng cửa vào đêm mai.

    Viện trợ cho Ukraine năm 2023 lên tới $44.9 tỷ


    Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, trưởng khối Dân chủ đa số của Thượng viện, ra dấu vui mừng với phóng viên khi bước vào cuộc họp báo công bố dự luật ngân sách 2023 trị giá $1.7 ngàn tỷ mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua. Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images

    Thượng viện Hoa Kỳ hôm nay thứ Năm 22 tháng Mười Hai đã thông qua một dự luật ngân sách khổng lồ, trị giá khoảng $1.7 ngàn tỷ, tài trợ cho hoạt động của chính phủ từ nay đến hết tháng Chín 2023, vượt qua được sự bế tắc bế tắc vào phút cuối về vấn đề nhập cư.

    Dự luật là một danh mục những khoản chi tiêu trong nước và quốc phòng, tài trợ các chương trình kinh tế của Tổng thống Biden và cung cấp một loạt các khoản viện trợ khẩn cấp mới, kể cả viện trợ cho Ukraine.

    Dự luật còn phải được tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày mai thứ Sáu và sẽ được thông qua để tránh việc chính phủ phải đóng cửa vào đêm mai.

    Cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện có kết quả 68-29, vượt quá túc số cần thiết 60-40; trong đó 18 thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã cùng bỏ phiếu thuận với 50 thượng nghị sĩ Dân Chủ bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các dân biểu Cộng Hòa trong Hạ viện.

    Về đại thể, dự luật ngân sách – được gọi với cái tên không chính thức là omnibus (bao trùm) – sẽ cung cấp gần $773 tỷ cho các chương trình trong nước và hơn $850 tỷ cho quân đội cho đến cuối tháng Chín 2023. Trong các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng về dự luật ngân sách, đảng Cộng hòa đòi tài trợ mạnh mẽ cho Ngũ Giác Đài còn đảng Dân chủ muốn tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục, lao động và kinh tế.

    Theo bản tóm tắt dự luật được báo The Washington Post đăng tải, khoản chi lớn nhất của ngân sách năm 2023 sẽ là chi tiêu quốc phòng, tăng thêm $69.3 tỷ (gần 10%) so với mức $797.7 tỷ của năm ngoái. Đầu tháng này, Quốc hội đã thông qua dự luật Ủy quyền Quốc phòng quốc gia (National Defense Authority Act) dự kiến tiêu tốn $850 tỷ, nhưng phải đợi đến dự luật ngân sách thì khoản tiền đó mới được bố trí.


    Chi tiêu quốc phòng bao gồm nhiều mục khác nhau, trong đó có việc nâng lương 4.6% cho quân nhân, đóng thêm 11 chiến hạm, thêm 19 chiến đấu cơ liên hợp và sửa chữa nhiều chiến đấu cơ khác. Ngân sách cũng dành cho Bộ Quốc phòng $139.7 tỷ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển những công nghệ chiến tranh mới như hỏa tiễn siêu vượt âm, nhằm bắt kịp và vượt qua các đối thủ Nga và Trung Quốc.

    Khoản ngân sách nội địa $773 tỷ, tăng thêm $68 tỷ (gần 9%) so với năm ngoái sẽ được chi cho nhiều bộ ngành, liên quan tới chăm sóc y tế, môi trường, lao động, giáo dục và kinh tế. Liên ngành lao động, nguồn nhân lực và giáo dục được bố trí nhiều tiền nhất, $207.4 tỷ, tăng thêm $10.4 tỷ so với năm ngoái; kế tiếp là ngành cựu chiến binh với $152 tỷ, tăng 26.6 tỷ nhằm xây dựng nhiều cơ sở phục vụ việc chữa bệnh và chăm sóc cựu chiến binh.

    Dự luật cũng dành tỷ 58.7 tỷ cho việc thực hiện Luật Cơ sở Hạ tầng trị giá $1.2 ngàn tỷ; trong số này có 10 tỷ để cải thiện nguồn cung cấp nước của quốc gia, và dành $1.8 tỷ để thực hiện Luật CHIPS và Khoa học 2022 đầu tư vào lĩnh vực chế tạo vi mạch bán dẫn. Cả hai luật này đều đã được Quốc hội thông qua trong năm 2022.

    Nổi bật trong dự luật ngân sách năm 2023 là khoản viện trợ $44.9 tỷ cho Ukraine, bao gồm viện trợ quân sự, kinh tế và hỗ trợ nhân đạo; con số này nhiều hơn yêu cầu của chính quyền Biden và được Thượng viện thông qua ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đọc bài phát biểu ấn tượng trước lưỡng viện Quốc hội, trong đó ông cảm ơn chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ cũng như yêu cầu Mỹ tiếp tục hỗ trợ cuộc kháng chiến của người dân Ukraine, coi đó như một khoản đầu tư vào duy trì tự do và dân chủ chống độc tài xâm lược.

    Khoản viện trợ Ukraine còn lớn hơn khoản ngân sách $27 tỷ dùng cho khắc phục hậu quả thiên tai gần đây ở Hoa Kỳ, bao gồm trận bão Fiona ở Puerto Rico, bão Ian tàn phá Florida, lũ lụt và cháy rừng ở New Mexico. Một đề nghị của chính quyền Biden dành $9 tỷ cho công cuộc phòng chống đại dịch COVID như thúc đẩy xét nghiệm, chữa trị và vaccine đã bị các nhà lập pháp bác bỏ, không đưa vào dự luật ngân sách vì cho rằng không cần thiết nữa.

    Một điều khoản trong dự luật có thể có tác động mạnh tới người nghèo là yêu cầu thu hẹp chương trình bảo hiểm y tế miễn phí cho người thu nhập thấp, gọi là Medicaid. Trong thời gian đại dịch COVID, nhiều biện pháp đã được ban hành để giúp cho người nghèo có cơ hội được chăm sóc y tế miễn phí theo Medicaid nhưng nay dự luật yêu cầu rút lại các biện pháp đó.

    Các nhà lập pháp sau đó đã bổ sung hai biện pháp bảo vệ phụ nữ mang thai và cho con bú tại nơi làm việc, một là dự luật the Pregnant Workers Fairness Act, chống lại việc phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai khi tuyển dụng hoặc khi làm việc và dự luật PUMP yêu cầu người sử dụng lao động phải bố trí thời gian và nơi chốn cho nữ công nhân cho con bú trong lúc làm việc.


    Ứng dụng tạo và chia sẻ các đoạn video ngắn có tên TikTok của Trung Quốc sẽ bị cấm trên các thiết bị của chính phủ và quân đội Mỹ vì lo ngại về an ninh. Ảnh gian hàng TiKTok tại một hội chợ trò chơi điện tử ở Nhật. Ảnh Tomohiro Ohsumi/Getty Images

    Tuy là dự luật về ngân sách liên bang như dự luật vừa được Thượng viện thông qua còn bao hàm nhiều dự luật “con” khác, sẽ được hoàn chỉnh trong chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm tới. Đáng chú ý nhất là dự luật về Cải cách Kiểm phiếu và Chuyển giao quyền lực tổng thống (the Electoral Count Reform and Presidential Transition Improvement Act) do hai thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng hòa-Maine) và Joe Manchin (Dân chủ – West Virginia) đồng bảo trợ, theo đó các nhà lập pháp tiểu bang phải tôn trọng kết quả kiểm phiếu phổ thông và phó tổng thống chỉ giữ vai trò có tính chất nghi lễ trong phiên họp Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu cử.

    Dự luật cấm cài đặt và sử dụng ứng dung điện toán TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị của chính phủ, kể cả điện thoại, vì lo ngại về an ninh và quyền riêng tư, lo ngại dữ liệu của người Mỹ có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào