Header Ads

  • Breaking News

    Jeffrey A. Tucker - Mặt trái của từ thiện



    Anh Samuel Bankman-Fried, đương thời là Giám đốc điều hành FTX, làm chứng tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 09/02/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

    Không có gì dễ khiến người ta sa ngã hơn một động lực được mọi người tôn vinh là hoàn hảo. Sẽ luôn có nguy cơ rằng một động lực không còn gì phải bàn cãi như vậy hoạt động như một lớp vỏ bọc hoàn hảo cho những hành vi trái đạo đức nghiêm trọng. Tôi chợt nhớ đến những bài viết của ông H.L. Mencken về chủ nghĩa thanh giáo. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông đã trau dồi nhận thức sắc sảo về cách thức và thời điểm các nhân vật của công chúng sử dụng sự thuần khiết về đạo đức như lớp vỏ bọc ngụy trang cho điều ngược lại.

    Khái niệm “lòng vị tha hữu hiệu” của triết gia William MacAskill[1] là một trường hợp điển hình. Mặc dù tôi đã không chú ý đến khái niệm này cho đến khi xảy ra vụ bê bối dữ dội và đáng kinh ngạc của FTX, nhưng khái niệm này dường như đã đạt được tầm quan trọng ngày càng tăng trong thế giới ý tưởng. Lý thuyết này hoàn toàn vặt vãnh đến mức khó có thể tin rằng sẽ có ai xem trọng nó. Nội dung chỉ đơn giản là cho rằng người ta nên kiếm thật nhiều tiền để có thể cho đi thật nhiều tiền.

    Thật là thú vị! Thật vô cùng sáng tạo!

    Nhưng không phải thế đâu.

    Tất nhiên, đó là điều mà những người thuộc giới siêu giàu trong Thời Đại Vàng Son[2] đã làm nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa, chẳng hạn như, ông Andrew Carnegie[3] và anh Sam Bankman-Fried. Ông Carnegie là một thiên tài đã làm việc vô cùng chăm chỉ trong suốt cuộc đời, với một kho kiến thức được trau dồi, tính kỷ luật, và sự khôn ngoan đúc kết qua kinh nghiệm, và luôn có một khát khao bền bỉ về năng suất. Ông cũng mang lợi ích của chủ nghĩa công nghiệp hiện đại đến với công chúng. Rốt cuộc, để trở nên giàu có thực sự trên thị trường thì thật sự rất khó. Quý vị phải tìm ra cách nào đó để phụng sự người khác và trở nên ưu việt hơn đối thủ.

    Ngược lại, anh Bankman-Fried là một thanh niên có ăn có học, với các mối quan hệ gia đình mạnh mẽ, và rơi vào một công chuyện làm ăn bất hợp pháp. Và rồi bỗng nhiên như quý vị biết đấy, chỉ trong vòng ba năm, chỉ bằng cách sống tốt ở Bahamas và liên tục thức trắng đêm ở Adderall, anh đã trở thành một tỷ phú ở tuổi đôi mươi. Cứ như ảo thuật vậy!

    Trong thời kỳ thông thường, khi một người trẻ thiếu kinh nghiệm nào đó chuyển đến Bahamas, tuyên bố đã khôn ngoan hơn cả một ngành công nghiệp đã thành hình, bán một số đồng airtoken như một loại vật mang giá trị nào đó, quảng bá rằng anh ta là người bảo vệ tốt nhất cho khoản tiết kiệm của quý vị, và sau đó đi nịnh bợ các chính trị gia, thì một vài hồi chuông cảnh báo nhất định sẽ vang lên.

    Vậy thì làm thế nào mà anh ta lại không bị phát giác?

    Điều then chốt là anh ta đã giả vờ rằng anh mang một trái tim hào hiệp và chỉ theo đuổi việc làm điều tốt đẹp cho thế giới này. Bằng cách nào đó, trong thời đại mà việc cổ vũ tinh thần cho công dân quan trọng hơn kết quả, thì những lời nói kỳ diệu đó đã khiến ngay cả những người rất thông minh cũng phải gạt sang một bên trí tuệ của họ. Anh cũng rất giỏi trong việc đóng vai một Zuckerberg 2.0, quan tâm đến phúc lợi của cộng đồng hơn là, những việc như nói các câu văn hoàn chỉnh và là ủi quần áo chẳng hạn.

    Vì vậy, không, tôi chưa đọc cuốn sách của ông MacAskill nhưng có vẻ như rõ ràng là chủ nghĩa vị lợi sáng bóng của anh Bankman-Fried hóa ra chỉ là tấm bình phong cho một băng nhóm tội phạm rộng lớn. Cũng xin lưu ý rằng Trung tâm Lòng vị tha Hữu hiệu (Centre for Effective Altruism) của ông MacAskill đã nhận được một món quà nhân đạo hào phóng trị giá 14 triệu USD từ quỹ tương lai của chính FTX. Cả anh Sam và ông William đều được hưởng sự uy tín về học thuật, nhờ các podcast thời thượng quảng bá kế hoạch của họ và cho phép họ nói luyên huyên trong một giờ về quan điểm của họ về cuộc sống.

    Bài học mà tôi rút ra được từ điều này là thế giới của những ý tưởng — cả trong giới hàn lâm và giới truyền thông — rất dễ bị phỉnh gạt khi nghệ sĩ lừa đảo giỏi ngón nghề tung ra đúng những từ và cụm từ có uy tín cao trong giới thượng lưu. Kiếm tiền để cho đi tiền là một trong những điều như vậy trong thời đại của chúng ta. Đó là tín hiệu đức hạnh tối thượng: Tôi không tham lam đâu; tôi hết sức hào phóng ấy chứ!

    Về khía cạnh kinh tế, khái niệm này có thể thiếu trí tuệ hơn là thông minh. Giả sử các con của quý vị mở quầy bán nước chanh và kiếm được 20 USD khi làm việc cả ngày thứ Bảy. Các cháu có thể lấy 20 USD đó để đầu tư vào biển hiệu, nhập về nhiều hàng hơn, và bày biện thành một gian hàng lớn hơn, và có thể kiếm được 40 USD vào cuối tuần tới. Có thể trong suốt mùa hè, con quý vị kiếm được 200 USD sau khi trừ chi phí vốn và thậm chí sau khi trừ chi phí nhân công do thuê bạn bè của các cháu. Giờ thì đó mới là một bài học quan trọng trong cách thức kinh doanh.

    Hoặc các con của quý vị có thể bỏ việc sau một ngày và trao 20 USD cho Hội Nhân đạo. Các cháu có được sự hài lòng vì đã làm điều tốt nhưng các cháu không làm điều đó nữa và chắc chắn các cháu không còn gì để đầu tư cho tương lai của dự án này. Lựa chọn khác là vào cuối mùa hè các cháu quyên góp một nửa cho từ thiện và giữ lại toàn bộ 100 USD. Tôi nhận ra rằng con đường này là một con đường tốt hơn tất cả. Tuy nhiên, ngày nay, có một niềm tin kỳ lạ nhưng hợp thời rằng kiếm tiền là bẩn thỉu, thô thiển, và không ai nên đi kiếm tiền mà thay vào đó hãy cho đi lợi nhuận của họ.

    Còn bản thân những người nhận thì sao? Làm thế nào mà các tổ chức từ thiện nhận quyên góp lại vui mừng kiếm tiền từ công việc của người khác và giữ lại tất cả? Tại sao ông MacAskill bằng cách nào đó không được kỳ vọng sẽ trả lại 14 triệu USD mà ông đã lấy từ FTX — có vẻ như số tiền đó được dùng để mua một số trụ sở vô cùng sang trọng — cho những người gửi tiền vào FTX đã bị lừa đảo? Tại sao các tổ chức từ thiện nhận giúp đỡ không được mong đợi rằng bản thân họ sẽ có lòng vị tha hữu hiệu? Tại sao mệnh lệnh đạo đức về lòng vị tha lại áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận mà không áp dụng cho các tổ chức khổng lồ — với đội ngũ nhân viên vênh váo và giám đốc điều hành được trả lương cao quá mức — vốn tự gọi mình là bất vụ lợi?

    Lý thuyết của tôi là phong cách từ thiện này chỉ đơn thuần là sự chuyển giao sự thúc đẩy của lòng tham từ người tạo ra lợi nhuận sang người nhận tiền từ thiện. Hoạt động bất hợp pháp thậm chí còn được thực hiện tốt hơn khi những người nhận tiền từ thiện chính là gia đình và thân hữu của người chủ hoạt động kiếm tiền đó, như trong trường hợp lần này. Ví dụ, anh Sam đã cho tổ chức vận động hành lang của anh trai mình (không thực sự là một tổ chức từ thiện) ít nhất 1 triệu USD. Đó gọi là giữ tấm lòng vị tha trong gia đình!

    Có rất nhiều tổ chức nhận tiền từ thiện khác, bao gồm các trường đại học Stanford, Johns Hopkins, và Brown, nhiều công ty vaccine khác nhau, một tổ chức từ thiện khác tuyên bố sẽ trao tiền cho các blogger mà hóa ra hầu hết là những người khác nhau có liên quan rất nhiều tới Trung tâm Lòng vị tha Hữu hiệu và FTX. Sau đó, có những tổ chức truyền thông như Vox và ProPublica cũng nhận được sự hào phóng phi thường này.

    Tất cả cộng lại thành một mạng lưới tài trợ rộng lớn, trong đó hàng tỷ dollar được đổ vào chỗ này hay chỗ khác. Mặc dù quý vị có thể gọi đó là một vụ lừa đảo hoặc một hoạt động rửa tiền, nhưng từ ngữ đầu tiên xuất hiện trong đầu không phải là lòng vị tha.

    Hiện giờ chúng ta có một điều tra viên đang xem xét toàn bộ hoạt động lừa đảo này và tuyên bố rằng FTX có các phương pháp hạch toán tồi tệ, vì vậy, tất nhiên, anh này không thể theo dõi tất cả các khoản tài trợ ở nơi này nơi khác. Thật là tiện lợi phải không nào? Và cũng thật là thuận tiện khi anh chàng này chẳng hay biết gì về công nghệ đến mức anh đã nói với một ủy ban của Thượng viện rằng Slack chẳng là gì ngoài một phòng trò chuyện (chat room), điều này hiển nhiên là không đúng sự thật. Có vẻ như nỗ lực làm cho ra nhẽ ngọn ngành của vụ che đậy này lại có mọi dấu hiệu trên thế giới của việc chính bản thân việc điều tra là một sự che đậy. Giống như thời điểm thuận tiện cho bản cáo trạng của Bộ Tư pháp: bộ này đã ngăn anh Sam buộc tội chính mình (và những người khác) trong các phiên điều trần của Thượng viện.

    Và áp lực từ đâu khiến các tổ chức, cá nhân nhận tiền cho đi các khoản tiền đó? Tất cả bọn họ hiện giờ đều đang làm việc để xóa các trang web công khai của họ về bất kỳ liên kết nào đến FTX. Vì vậy, ví dụ, Together Trial, tổ chức tuyên bố đã lật tẩy thuốc ivermectin, có một trang web bị thay đổi một cách bí ẩn. Cái tên FTX đã bị xóa hoàn toàn khỏi trang web này mặc dù FTX từng là một nhà tài trợ lớn.

    Trước đó:


    Sau đó:


    Quý vị đã thấy cách mạng lưới này hoạt động chưa? Thực tế ở đây đang được quyết định thông qua việc tiết lộ: những gì họ nói với quý vị là những gì chúng ta đáng ra phải tin là thật sự. Đó là một thế giới của những lời phỉnh gạt mà trong đó [ranh giới giữa] sự thật và ảo mộng bị lu mờ: anh Bankman-Fried chỉ đơn thuần là một thiên tài bị hiểu lầm và hàng chục tỷ USD bị mất chỉ là sai sót về kế toán.

    Những người trong số quý vị có óc điều tra có thể tự tìm hiểu một số khoản tài trợ công để xem ai là ai và ai làm cái gì. Quý vị chỉ có thể có được thông tin về các khoản tài trợ này trên Archive.org vì trang web chính đã mất hút khỏi tầm mắt. Những người nhận tiền từ thiện chắc chắn biết họ là ai. Các nhân viên tuyên truyền cũng vậy. Thay vì tỏ ra vị tha, hiện tại họ đang hy vọng rằng họ sẽ có thể giữ được khoản tiền lấy được của mình. Cũng thực sự hữu hiệu đấy!

    Chú thích:

    [1] William David MacAskill, sinh ngày 24/03/1987, là một triết gia và tác giả người Scotland, đồng thời là một trong những người khởi xướng phong trào lòng vị tha hữu hiệu.

    [2] Thời Kỳ Vàng Son (Gilded Age) đề cập đến thời kỳ lịch sử vào cuối thế kỷ 19 (những năm 1870-1900) của Hoa Kỳ, đặt theo tên tiểu thuyết đương thời của Mark Twain và Charles Dudley Warner. Đây là thời kỳ nền kinh tế Mỹ có sự phát triển tột bậc về mọi phương diện, thời đại của “các tỷ phú ăn cướp nhưng sau đó làm từ thiện” (BBC Tiếng Việt), giúp cho Mỹ quốc giàu mạnh nhưng cũng mang lại nhiều vấn đề.

    [3] Andrew Carnegie (1835-1919) là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. Ông là người giàu thứ ba trong lịch sử thế giới và là người đã góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19.

    Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

    Ông Jeffrey A. Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng ngàn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông. Ông cũng là tác giả của mười cuốn sách bằng năm thứ tiếng, gần đây nhất là cuốn “Liberty or Lockdown” (“Tự Do hay Phong Tỏa”). Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết cho một chuyên mục kinh tế hàng ngày cho The Epoch Times và về các chủ đề kinh tế, công nghệ, triết học xã hội, và văn hóa.

    Thanh Nguyên biên dịch

    Không có nhận xét nào