Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Cao Quyền - Yếu tố nhân quyền trong ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh

    Nhìn vào lịch sử cận đại của Trung Quốc liên quan đến “nhân quyền” ta thấy một sự khác biệt rõ rệt dưới hai chế độ Mao trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

    Chế độ Mao kéo dài từ 1949 đến 1976. Trong chế độ này đã không có cái gì gọi là “nhân quyền” dưới bàn tay cai trị sắt máu của vị hoàng đế đỏ. Mao giết hại 30 triệu người trong Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại, đặc biệt nhằm vào giới trí thức chịu ảnh hưởng của Tây Phương. Không chỉ cá nhân của những nhân vật này mà cả gia đình họ cũng bị trừ khử một cách tàn nhẫn vô nhân đạo.

    Sang thời Đặng Tiểu Bình không khí sắt máu được giảm đi đôi chút : chỉ có cá nhân mới chịu trách nhiệm về hành vi của họ, còn gia đình, bạn bè, giai cấp trong đó họ lệ thuộc thì không bị ảnh hưởng. Nhiều người sau khi bị giam giữ lại thấy xuất hiện trên chính trường khi được trả lại tự do.

    Đầu thập kỷ 1970, khi Hoa Kỳ tái lập bang giao với Trung Quốc, cuộc Cách Mạng Văn Hoá vẫn còn tiếp diễn và chỉ chấm dứt sau khi Mao qua đời vào năm 1976. Thời gian sau này, Đặng lên cầm quyền nên nỗi lo âu về vi phạm “nhân quyền” của Hoa Kỳ cũng được đôi phần giảm nhẹ. Nhưng cũng chẳng được bao lău thì ngày 4/6/1989 vụ tàn sát Thiên An Môn lại nổ ra, và bắt đầu từ lúc này thì mối lo “nhân quyền” bị vi phạm, trở thành mối lo của toàn thể thế giới.

    Hoa Kỳ đi tìm một đường lối ngoại giao “nhân quyền” hữu hiệu

    Sau vụ tàn sát Thiên An Môn Hoa Kỳ phản ứng dữ dội bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Trước những phản ứng cương quyết này của Washington, Đặng Tiểu Bình không những lo cho tương lại kinh tế của Trung Quốc đang bị phá hỏng mà còn lo cho cả vấn đề “hội nhập” của Trung Quốc vào thế giới văn minh.

    Dần dần Đặng bắt đầu tuân theo một vài nguyên tắc hành xử của cộng đồng thế giới, trong đó có việc xin tham gia Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Mặc dầu tham gia nhưng khi các lãnh đạo Trung Quốc bị chỉ trích vì vi phạm “nhân quyền” thì họ vẫn gân cổ cãi rằng: đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không ai có quyền can thiệp đến.

    Cãi như thế là họ không hiểu chính văn hóa và phong tục của họ. Không thể nói rằng Khổng Tử không quan tâm đến “nhân quyền” khi ông dạy rằng trí thức và toàn dân có quyền nổi lên để lật đổ các chế độ chuyên chế bất nhân vô đạo của các vua chúa ngày xưa.

    Một vài lãnh tụ hiện tại có thể giả vờ không biết đến “nhân quyền”, nhưng ngày nay thì không ít những người trong giới trí thức tại những đô thị văn minh và tại những vùng quê hẻo lánh, đều quan tâm đến và hiểu rất rỏ “nhân quyền” là gì.

    Advertisements

    Report this ad

    Sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa và cuộc tàn sát Thiên An Môn thì giờ đây, người dân Trung Quốc đã nhận thức được đúng mức tính quan trọng của “nhân quyền” và đòi hỏi phải được ghi vào hiến pháp. Và nếu nhìn sang Đài Loan để thấy ở đấy người ta tôn trọng “nhân quyền” như thế nào, thì không thể nói bừa rằng người Trung Quốc không biết gì đến “nhân quyền”.

    Hoa Kỳ đã làm được những gì cho nhân quyền tại Trung Quốc

    Có thể nói rằng, nếu chỉ dùng ngoại giao để thúc đẩy sự thi hành nhân quyền tại Trung Quốc thì Hoa Kỳ đã chỉ đạt được những kết quả rất biên tế (marginal). Còn nếu muốn thúc đẩy bằng áp lực thì chỉ có áp lực kinh tế là tương đối mang lại một vài kết quả cụ thề được ghi nhận như sau.

    Người ta nhớ lại là tổng thống Clinton, sau khi gỡ bỏ những điều kiện “nhân quyền MFN” khỏi những hợp đồng kinh tế vào năm 1994, đã đề nghị ký kết với Trung Quốc về cách ứng xử liên quan đến “nhân quyền”, chẳng hạn như cấm dùng sức lao động của trẻ em, cấm theo dõi khuynh hướng chính trị của công nhân trong những xí nghiệp có ngoại quốc tham gia, nhưng đã không được Trung Quốc hoan nghênh.

    Tuy nhiên vào thời gian này, người ta đã thấy xuất hiện một số NGO nhân quyền do những trí thức nổi tiếng điều khiển, chẳng hạn như Hội Nghiên Cứu Về Nhân Quyền do một cựu khoa trưởng trường Đại Học Thanh Hoa làm chủ tịch. Và cũng trong thời gian này một số đề tài liên quan đến nhân quyền cũng đã đước các lãnh đạo tại Bắc Kinh đem ra thảo luận.

    Mỗi năm Trung Quốc đều gửi một phái đoàn tham dự hội nghị của Ủy Ban Nhân Quyền LHQ nhóm họp tại Genève. Và nếu để ý người ta còn thấy rằng trong thời gian gần đây, vào tháng hai hoặc tháng ba, trước khi Ủy Ban Nhân Quyền nhóm họp, Trung Quốc còn trả lai tự do cho một số tù nhân lương tâm nổi tiếng, hoặc công bố những bản báo cáo về cải thiện chế độ lao tù. Tất cả những cố gắng nay nhằm chứng minh là Trung Quốc đã tôn trọng Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được ký kết.

    Người ta cũng chưa quên là trong một cuộc họp báo tổng thống Clinton còn tuyên bố dự định thành lâp một Liên Ủy Ban Nhân Quyền Mỹ-Trung và mời cựu tổng thống Jimmy Carter làm chủ tịch, nhưng ông Carter từ chối vì sợ mang tiếng làm trò cười cho thiên hạ. Vậy mà ít lâu sau, kế hoạch của TT Clinton lại được một số NGO Mỹ thực hiện cùng một số NGO Trung Quốc. Kết quả thâu lượm được không hẳn đã là một trò cười vì đã được cả hai bên đồng ý và khuyến khích Hoa Kỳ công bố.

    Có hai cách nhìn, một bi quan, một lạc quan, về những kết quả nhân quyền Hoa Kỳ đã thâu lượm được tại Trung Quốc. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua hai cách nhận xét này.

    Cách nhìn bi quan

    Advertisements

    Report this ad

    Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển lẫy lừng tử ba thập kỷ nay. Nhìn vào sự phát triển lẫy lừng này, một số người Tây Phương và doanh nhân Trung Quốc hy vọng rằng sự phát triển đó sẽ dần dần làm cho Trung Quốc tiến đến dân chủ và chấm dứt sự lạm dụng nhân quyền. Tuy nhiên thực tế đó đã không xảy ra tại Hoa Lục, như đã xảy ra ở nước Đức vào thập kỷ 1930.

    Thực tế là ở Trung Quốc, sự phát triển kinh tế không ảnh hưởng gì đến sự tôn trọng nhân quyền. Các doanh nhân Hoa Kỳ và Tây Phương với phong cách tư bản họ du nhập vào Trung Quốc từ mấy thập kỷ nay cũng không làm cho Trung Quốc có những bước tiến về con đường dân chủ. Từ ảnh hưởng của tư bản, người Trung Quốc chỉ chọn lấy những nguyên tắc có lợi cho chế độ độc tài như các nguyên tắc về doanh thương và tư hữu, còn loại ra tất cả những gì liên quan đến các đạo luật dân sự hay nhân quyền. Bắt đầu từ năm 1989 người dân Trung Quốc đã phát động việc đi kiện nhà nước tại các tòa án nhưng chưa ai được thắng kiện bao giờ.

    Sự kiện các nước vùng Á Châu-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, đã tuần tự biến thành dân chủ theo đà phát triển kinh tế của họ không có nghĩa là một hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra tại Trng Quốc. Đi sâu vào sự tìm hiểu lý do này, nhiều người bi quan cho rằng sở dĩ như vậy là vì Trung Quốc rộng lớn hơn Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan gấp nhiều lần, và có một dân tộc ít chữ nghĩa hơn. Ngoài ra còn phải kể cả việc trong giới các lãnh đạo Trung Quốc chưa có người nào được huấn luyện tại Tây Phương.

    Thời Mao Trạch Đông trị vì thì vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc được coi như rất tệ hại, vì Mao không chịu bất cứ một áp lực nào liên quan đến vấn đề này. Đến thời Đặng Tiểu Bình thì vấn đề nhân quyền đã khá hơn đôi chút nhưng vẫn không thể tin rằng phát triển kinh tế sẽ tự động dẫn đến dân chủ và tôn trọng nhân quyền tại Hoa Lục. Việc này nhất định phải có những bàn tay con người quyết tâm thực hiện. Đối với Trung Quốc thì chính vì thế mà còn cần nhiều thời gian hơn nữa.

    Cách nhìn lạc quan

    William Overholt, tác giả cuốn The Rise Of China, nhận xét về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc như sau : “Chính trị gia và báo chí Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến số phận nhân quyền của khoảng 2000 người chống đối và quên hẳn tình trạng cải thiện tự do của 1/5 nhân số toàn cầu”.

    Thật vậy, con số người chống đối chế độ và bị đàn áp hiện nay ở Trung Quốc là con số thấp nhất kể từ thập kỷ 1950. Kể từ thời gian đó đến nay, người dân Trung Quốc đã được hưởng nhiều tự do ngôn luận hơn và báo chí phát hành đã lên tới con số 10.000 thuộc đủ loại ấn phẩm. Điều phải nói ở đây là 90% trong số ấn phẩm đó đã không phải chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Think Tanks Trung Quốc phát triển rầm rộ. Các loại sách lề trái cũng được phép xuất bản và nhiều khi trở thành best sellers, chẳng hạn như cuốn “China can say No”. Nói chung, người dân Trung Hoa ngày nay có nhiều tự do lập ngôn hơn, miễn sao đừng biểu hiện bằng những động thái đe dọa vị thế cầm quyền của Đảng.

    Advertisements

    Report this ad

    Về mặt tôn giáo thì tuy chưa thể nói là có đã có tự do toàn diện, nhưng con số tín đồ theo đạo Thiên Chúa và đạo Phật tiếp tục gia tăng. Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Hong Kong cho biết số người theo đạo Thiên Chúa ngày nay ở vào khoảng 100 triệu.

    Các tòa án Trung Quốc vào lúc này cũng đã tiến gần đến truyền thống và thủ tục của các tòa án Tây Phương và mất dần cách xử tùy tiện của các kangaroo courts. Học giả Merle Goldman, người đấu tranh quyết liệt cho nhân quyền tại Trung Quốc, xác nhận là về phương diện phẩm, nhân quyền tại Trung Quốc ngày nay đã tiến triển rất nhiều so với các thời kỳ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Thời Mao, các tù chính trị thường bị tra tấn và chết trong ngục, nhưng ngày nay thì họ chỉ bị giam giữ một thời gian rồi lại được trả tự do như trường hợp của Ngụy Kinh Sinh.

    Văn hóa Trung Quốc đánh giá các nhân quyền về cơm ăn áo mặc, về nhà cửa, về an ninh và ổn định xã hội. cao hơn những nhân quyền về tự do chính trị của Tây Phương. Cho nên nếu đứng về cơ sở này mà xét thì phải nói rằng gần đây Trung Quốc đã đạt được những bước tiến khá dài.

    *

    Nhận xét về cả hai cách nhìn nói trên ta có thế đi đến kết luận như sau : dân trí ngày nay ở Trung Quốc đã lên cao, nên giữa người dân và các nhà lãnh đạo đã có một sự khác biệt về quan điểm liên quan đến nhân quyền. Trong khi các lãnh đạo chậm tiến hơn vẫn còn giữ một số quan điếm bảo thủ, thì nhân dân đã mở rộng lòng để đón nhận những bài học về văn minh tiên tiến. Trào lưu này đang phát triển rất nhanh và rất mạnh, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nơi khác.

    Cho nên những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền cần được Hoa Kỳ đẩy mạnh hơn nữa và nhắc nhở hàng ngày để phá tan sự im lặng mà người dân Hoa lục và tại nhiều nơi khác, cho là đồng lõa. Mọi cố gắng đều không phải là vô ích vì thời gian đang ở về phía những con người Tự Do của thế giới ./.

    Nguyễn Cao Quyền

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2014/12/31


    Không có nhận xét nào