Header Ads

  • Breaking News

    Nhạc Giáng Sinh – Hang Bê Lem và nhạc sư Hải Linh

    Trần Can/ Đọt Chuối Non



    Bài hát “Hang Bê-lem” có lẽ rất quen thuộc với người dân Việt. Mỗi mùa Giáng Sinh về, giai điệu thanh thoát của nó lại rộn ràng vang lên khắp các phố phường:

    Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…
    Nằm trong hang đá, nơi máng lừa

    Bài hát Hang Bê-lem được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 1945.

    Thầy Phanxicô Hải Linh (tên thật là Trần văn Linh, quê Ứng Luật, Kim Sơn, Ninh Bình) là một tên tuổi lẫy lừng trong giới thánh nhạc. Suốt một đời hoạt động âm nhạc đã để lại hơn 100 tác phẩm âm nhạc nhằm tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng quê hương Việt Nam.

    “Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi.”

    Nhạc sư Hải Linh sinh năm 1920 và mất năm 1988, ông là người…nghiện thuốc lào rất nặng dù từ năm 1950 đến 1956 ông đã được Cha Phạm Ngọc Chi (Giám mục giáo phận Bùi Chu) gởi sang học tại Âu Châu. Ông học nhạc tại Pontifical de Rome (Ý), rồi sau đó sang Ba Lê (Pháp), học ở trường Cesar Franck là một trường chuyên dạy về sáng tác.

    Tôn vinh Thiên Chúa nhưng cũng không quên Tán tụng Quê hương . Hai đại thi phẩm của dân tộc như CHINH PHỤ NGÂM và KIM VÂN KIỀU đã được ông phổ thành những bản hợp ca vĩ đại, mang hình thức ca nhạc giao hưởng (poème symphonique ) hay tiểu nhạc kịch (micro – opéra ).

    Nhạc sư Hải Linh là một người điều khiển hợp ca, hợp xướng (chef de Choeur) rất nổi tiếng. Những người có may mắn được xem ông điều khiển, chỉ huy ban nhạc đều kính nể. Chính ông kể rằng:

    “Lối điều khiển của tôi rất khác nên rất khó mà có thể hấp thụ mà không có người chỉ dẫn trực tiếp. Mỗi cái cất tay của tôi là một thế võ (chiêu thức) và tôi đã sáng chế ra 300 miếng võ… ”

    Hồi còn sinh tiền, cố nhạc sư Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Bê-lem :

    “Đó là bài đầu tiên mà tôi viết vào tháng 11 năm 1945. Lúc ấy tôi được 25 tuổi và đang dạy học ở trường thầy Giảng Bùi Chu.

    Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa sọan bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu-chủ nhiệm-thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại.

    Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Bê-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này : Ông sẽ chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.

    Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã in ra 500 bản với giá 3 hào hay 5 xu gì đó. Tôi gởi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Thật đúng tôi là một anh nhà quê ! Đối với thủ đô Hà Nội mà chỉ có gởi 10 bản nhạc !”

    Các bạn nghe lại “Hang Bê-lem”, bài hát Giáng sinh “thuần Việt” nhé:

    Hang Bê Lem – Ban Hợp Xướng Trùng Dương
    Hang Bê Lem – Ban Hợp Xướng Trùng Dương

     https://www.youtube.com/watch?v=t0Zg4_LSIcA&t=62s


    Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời
    Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa.
    Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lang tưng bừng
    Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng

    Đàn hát réo rắt tiếng hát, sướng ca dư âm vang xa.
    Đây chúa thiên tòa giáng sinh vì ta.
    Người hỡi hãy kịp bước tới, đến xem nơi hang Bê lem
    Ôi chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.

    Nửa đêm mừng chúa giáng sinh ra chốn nhân trần
    Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
    Nơi hang Bê lem thiên thần sướng ca
    Thiên chúa vinh danh chúng dân an hòa

    Ngày nay thiên chúa giáng sinh ra chốn gian trần
    Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
    Nơi hang Bê lem tiếng lừa thở hơi
    Tan giá đêm đông ấm thân con người.

    https://dotchuoinon.com/2022/12/21

    Không có nhận xét nào