Header Ads

  • Breaking News

    Sinh viên Trung Quốc biểu tình trên khắp Vương quốc Anh để ủng hộ các cuộc biểu tình ở đại lục

    Tác giả Lily Zhou 

    02/12/2022

    Sinh viên Trung Quốc biểu tình trên khắp Vương quốc Anh để ủng hộ các cuộc biểu tình ở đại lục

    Sinh viên Trung Quốc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở London hôm 27/11/2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Steven Leung) 

    Hoa kiều nói rằng ủng hộ nhân quyền Trung Quốc phù hợp với lợi ích của Vương quốc Anh 

    Các sinh viên từ Trung Quốc đại lục đã tổ chức các buổi cầu nguyện và tập hợp tại một số thành phố ở Vương quốc Anh, hưởng ứng các cuộc biểu tình rộng khắp nhằm phản đối các chính sách zero COVID của chính quyền đã diễn ra trên khắp Trung Quốc và trên toàn cầu. 

    Những cảnh tượng hiếm hoi của các cuộc biểu tình rầm rộ gợi nhớ đến phong trào dân chủ năm 1989 này đã dấy lên sau một vụ hỏa hoạn khiến nhiều người tử vong ở một chung cư tại Tân Cương, nơi các nạn nhân được cho là bị nhốt trong tòa nhà theo các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về COVID của Trung Quốc và xe cứu hỏa được cho là bị chậm trễ do các hàng rào phong tỏa và những chiếc xe hơi bị mắc kẹt trên các con đường. 

    Các quan chức cho biết vụ hỏa hoạn này đã khiến 10 người thiệt mạng và chín người bị thương, nhưng những con số này vẫn được bàn cãi, do có các số liệu khác nhau lan truyền trên mạng. Ông Umit Hamit, chủ tịch Diễn đàn Tự do Duy Ngô Nhĩ, nói với Đài Á Châu Tự do rằng người dân địa phương cho biết 44 người đã thiệt mạng, trong đó có một số trẻ em. The Epoch Times không thể xác thực một cách độc lập con số này. 

    Trong bối cảnh công an Trung Quốc bắt đầu đàn áp các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, các sinh viên ở Vương quốc Anh đã tổ chức các buổi cầu nguyện tại các thành phố bao gồm London, Manchester, Edinburgh, Bristol, Glasgow, Cardiff, Leeds, Cambridge, và Belfast để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn tại thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề (Wulumiqi) hay còn gọi là Ürümqi của Tân Cương, và ủng hộ những người biểu tình ở Trung Quốc. 

    Theo sau cuộc đàn áp một buổi cầu nguyện trên Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) của Thượng Hải cho các nạn nhân của vụ cháy chung cư bùng phát ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, hôm 24/11/2022, một biển báo nói về Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề và những ngọn nến được nhìn thấy ở Belfast, Bắc Ireland, hôm 30/11/2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Xiaoxi)

    Theo sau cuộc đàn áp một buổi cầu nguyện trên Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) của Thượng Hải cho các nạn nhân của vụ cháy chung cư bùng phát ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, hôm 24/11/2022, một biển báo nói về Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề và những ngọn nến được nhìn thấy ở Belfast, Bắc Ireland, hôm 30/11/2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Xiaoxi) 

    Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc sống tại London đã ca ngợi các sinh viên và kêu gọi Vương quốc Anh hỗ trợ những người biểu tình này, nói rằng việc ưu tiên lợi ích kinh tế hơn nhân quyền đã gây phương hại đến lợi ích của Vương quốc Anh. 

    Các cuộc biểu tình lan rộng

    Sau vụ hỏa hoạn tang tóc ở Ô Lỗ Mộc Tề, các buổi cầu nguyện và biểu tình đã được tổ chức tại một số thành phố và trường đại học trên khắp Trung Quốc. 

    Theo các video và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, người biểu tình tại Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề ở Thượng Hải đã công khai yêu cầu ĐCSTQ và lãnh đạo Tập Cận Bình từ chức. Một hình ảnh khác xuất hiện cho thấy các quan chức đã dỡ bỏ các biển báo trên đường trong đêm, và công an đã bắt giữ những người biểu tình vào ngày hôm sau. 

    Người dân biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế COVID-19, tại địa điểm diễn ra buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề, tại Thượng Hải, trong một ảnh tĩnh trích từ video được phát hành hôm 27/11/2022. (Ảnh: Từ video do Reuters thu được)

    Người dân biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế COVID-19, tại địa điểm diễn ra buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề, tại Thượng Hải, trong một ảnh tĩnh trích từ video được phát hành hôm 27/11/2022. (Ảnh: Từ video do Reuters thu được) 

    Một nữ sinh tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, Nam Kinh đã cầm một tờ giấy trắng A4 để phản đối kiểm duyệt. Cô đã ở yên lại vị trí của mình với hai bàn tay không sau khi tờ giấy bị giật đi mất, làm dấy lên cái gọi là “phong trào giấy trắng” trên toàn cầu. Các sinh viên ngoại quốc cũng đã dùng tấm biển tự cắt về Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề để thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Thượng Hải. 

    Tại một buổi cầu nguyện tại Đại học Cambridge hôm thứ Ba (29/11), sinh viên Đại học Oxford tên Lao Đạo (bí danh) cho biết anh cảm thấy mình có trách nhiệm phải tham gia. 

    Anh Lao cho biết anh yêu mến Trung Quốc — đất đai, con người, và ẩm thực — nhưng không nhất thiết phải ưa chuộng hệ thống chính trị. 

    Anh nói: “Để cho một thảm kịch như vậy không được chú ý đến sẽ là tiếp tay và khuyến khích cho chế độ độc tài. Đó cũng là sự vô trách nhiệm của tôi với tư cách là một công dân.” 

    Một sinh viên Cambridge ẩn danh cho biết cô đã không về nhà được trong bốn năm qua và lo lắng cho cha mình, người đang sống theo chính sách zero COVID hà khắc. 

    Anh Ma Lạc (Ma Luo), một sinh viên Cambridge, nói với The Epoch Times rằng anh được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm của những người biểu tình ở Trung Quốc và mong muốn truyền đạt yêu cầu cũng như lòng dũng cảm của họ. 

    Sau khi một vụ cháy chung cư ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc làm ít nhất 10 người thiệt mạng, người ta thấy những tấm bảng và nến trong một buổi lễ tưởng niệm tại Đại học Cambridge, Anh, hôm 29/11/2022. (Ảnh: The Epoch Times)

    Sau khi một vụ cháy chung cư ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc làm ít nhất 10 người thiệt mạng, người ta thấy những tấm bảng và nến trong một buổi lễ tưởng niệm tại Đại học Cambridge, Anh, hôm 29/11/2022. (Ảnh: The Epoch Times) 

    Nhà văn Mã Kiến: Phong trào giấy trắng đại diện cho hy vọng

    Theo các ước tính khác nhau, khoảng từ 1,000 đến 3,000 người, nhiều người trong số họ dường như là sinh viên Trung Quốc, đã có mặt tại cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở London hôm Chủ Nhật (27/11). 

    Ông Mã Kiến (Ma Jian), một tác giả người Trung Quốc từng đạt giải thưởng, người đã quan sát cận cảnh phong trào dân chủ năm 1989, cho biết đã lâu ông không thấy nhiều thanh niên Trung Quốc đại lục biểu tình như vậy trong một thời gian dài. 

    Không giống như các cuộc biểu tình khác trong vài thập niên qua, “rất nhiều sinh viên Trung Quốc sẵn sàng xuất hiện tại đại sứ quán Trung Quốc — nơi họ sợ hãi nhất và bị kiểm soát chặt chẽ nhất,” ông nói với The Epoch Times hôm thứ Ba (29/11). 

    Sau khi nghe các bài diễn thuyết và nói chuyện với các sinh viên, ông Mã cho biết trong suốt đại dịch COVID đã có rất nhiều phẫn uất tích tụ, và các sinh viên đã tận mắt nhìn thấy sự khác biệt giữa nền dân chủ và chế độ độc tài. 

    Theo cái gọi là chính sách zero COVID của ĐCSTQ, “họ hoặc bị ngăn trở về nước hoặc rời khỏi Trung Quốc, hoặc gia đình của họ có thể bị cấm ra vào ở chính ngôi nhà của mình. Họ có thể trở nên nghèo hơn, và cha mẹ họ có thể mất việc làm sau khi nơi làm việc của họ bị phá sản,” ông Mã nói. 

    “Một sinh viên nói về cặp cha mẹ Hồi giáo đang bị đàn áp của mình, một sinh viên khác nói rằng gia đình họ bị nhốt theo các quy tắc kiểm dịch và buộc phải chịu đói, những người khác nói về giá lương thực tăng vọt,” ông Mã nhớ lại, cho biết thêm rằng một số sinh viên cũng kể về bạn học của họ bị bắt vì tham gia biểu tình ở Trung Quốc. 

    Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, nói lên quan điểm chính trị đã trở thành điều cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là sau phong trào dân chủ năm 1989. 

    “Đó là dấu hiệu của các chế độ độc tài, tất cả những sinh viên trẻ tuổi này đều đã được ông bà cha mẹ họ bảo rằng hãy tránh xa chính trị,” ông Mã nói. “Nhưng họ vẫn sẵn sàng lên tiếng, trong nhiều trường hợp không cần sự ủng hộ của gia đình. Tôi tán thưởng họ.” 

    “Phong trào giấy trắng” khiến ông Mã nhớ lại một bối cảnh tương tự hồi năm 2018, khi các nghệ sĩ Hồng Kông tổ chức một cuộc biểu tình im lặng cầm những tấm bảng trắng sau khi một địa điểm hủy bỏ bài diễn văn của ông Mã. 

    Những tờ giấy trắng này là “những tia lửa đại diện cho cảm xúc thực sự của mọi người,” ông nói. “Đó là di sản của việc tranh đấu chống chủ nghĩa độc tài, sự kiểm duyệt, và chủ nghĩa toàn trị.” 

    Những sinh viên này “có thể bị trục xuất và giam giữ, bị các bậc cha mẹ ruồng bỏ, và phải trải qua khó khăn để nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, giống như các sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn [năm 1984] và ở Hồng Kông, nhưng họ đã giương cao ngọn hải đăng của hy vọng,” ông nói. 

    Trung Quốc và thế giới trước giao lộ

    Khi được hỏi chính phủ Vương quốc Anh nên làm gì, ông Mã nói: “Nếu các chính trị gia Anh gửi một thông điệp ủng hộ rõ ràng, nói với các sinh viên rằng hành động của họ là vì lợi ích tốt nhất của cả Trung Quốc và Vương quốc Anh, đồng thời cam kết bảo vệ những người đang lo sợ bị bức hại, thì điều đó chắc chắn sẽ khuyến khích nhiều sinh viên lên tiếng hơn.” 

    Ông cũng cảnh báo rằng Vương quốc Anh không nên phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc để cân nhắc về môi trường và nhân công giá rẻ, nói rằng ĐCSTQ đã thực sự trở thành một nước thực dân hiện đại bằng cách kiểm soát chuỗi cung ứng của thế giới. 

    Ảnh tư liệu không ghi ngày tháng của nhà văn đạt giải Mã Kiến. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Mã Kiến)

    Ảnh tư liệu không ghi ngày tháng của nhà văn đạt giải Mã Kiến. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Mã Kiến) 

    Nhà nghiên cứu Trung Quốc Thiệu Giang (Shao Jiang), từng là sinh viên biểu tình trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, cũng kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh cứng rắn hơn đối với các vấn đề nhân quyền, nói rằng nếu làm khác đi thì cuối cùng sẽ khiến chính nền dân chủ của Vương quốc Anh phải trả giá. 

    Hôm thứ Hai (28/11), Thủ tướng Rishi Sunak cho biết cái gọi là “thời hoàng kim” của mối bang giao Trung-Anh đã kết thúc, đồng thời nói rằng Vương quốc Anh sẽ tăng cường khả năng phục hồi và an ninh kinh tế. 

    Tuy nhiên, ông đã không gọi nhà cầm quyền Trung Quốc là một mối đe dọa, và nói rằng Vương quốc Anh sẽ đứng lên chống lại các đối thủ cạnh tranh của Vương quốc Anh bằng “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ” thay vì “luận điệu cao cả” và “luận điệu Chiến Tranh Lạnh đơn giản,” làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia này sẽ thỏa hiệp. 

    Bàn về ý nghĩa của các cuộc biểu tình gần đây đối với tương lai của Trung Quốc, ông Thiệu nói rằng dường như số lượng người biểu tình như vậy là chưa đủ để đạt được quy mô lớn. 

    Khi đối mặt với chiến thuật chia để trị của ĐCSTQ, người dân Trung Quốc cần sẵn sàng mạo hiểm lợi ích cá nhân của mình và đứng lên bảo vệ người khác rồi mới có thể thúc đẩy sự thay đổi thực sự, ông Thiệu lập luận, đồng thời cho biết thêm rằng nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho các nền dân chủ phương Tây. 

    Nói về việc chính ông bị bắt trong khi biểu tình trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Vương quốc Anh hồi tháng 10/2015, đánh dấu sự khởi đầu của cái gọi là thời hoàng kim, ông Mã lập luận rằng việc đầu hàng chế độ Trung Quốc đã dẫn đến sự xói mòn nhân quyền ở Vương quốc Anh. 

    Ông Mã đã bị bắt vì tội làm mất trật tự trong khi biểu tình phản đối vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, cảnh sát đã đột kích vào nhà ông trước khi đưa ra cáo buộc chống lại ông. 

    Người sống sót sau vụ thảo sát ở Quảng trường Thiên An Môn kiêm nhà hoạt động dân chủ Thiệu Giang (Shao Jiang) cầm biểu ngữ trước khi bị bắt trong chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại London, vào ngày 21/10/2015. (Ảnh: Si Gross/Epoch Times)

    Người sống sót sau vụ thảo sát ở Quảng trường Thiên An Môn kiêm nhà hoạt động dân chủ Thiệu Giang (Shao Jiang) cầm biểu ngữ trước khi bị bắt trong chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại London, vào ngày 21/10/2015. (Ảnh: Si Gross/Epoch Times) 

    Một cuộc điều tra của Văn phòng Độc lập về Ứng xử của Cảnh sát (IOPC) cuối cùng không phát hiện ra có sĩ quan cảnh sát nào có hành vi sai trái (pdf), nhưng một báo cáo của IOPC đã được biên tập lại rất nhiều (pdf) cho thấy phái đoàn Trung Quốc đã cố gắng áp dụng các hình thức gây áp lực khác nhau đối với Sở Cảnh sát Thủ đô. 

    “Kết thúc thời hoàng kim nghĩa là gì? Vương quốc Anh sẽ thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với nhân quyền ở Trung Quốc, chẳng hạn như quyền của các nhân viên tại Foxconn hay tiếp tục theo đuổi thị trường Trung Quốc?” ông đặt câu hỏi. “Khi kiếm được lợi nhuận ở Trung Quốc trước thời ông Tập Cận Bình, giới tinh hoa chính trị và tài chính Anh đã xem xét lý do tại sao chi phí nhân công ở Trung Quốc lại thấp hay chưa?” 

    Đề cập đến câu hỏi chưa có lời đáp về nguồn gốc của COVID-19, ông Thiệu cho biết ông tin rằng phương Tây đang đứng trước “giao lộ” giữa sự xói mòn và củng cố nền dân chủ. 

    Ông lập luận rằng mối đe dọa đáng kể nhất mà ĐCSTQ đặt ra không phải là về quân sự hay kinh tế, mà là đối với tự do và dân chủ của phương Tây. 

    “Điều quan trọng hơn là liệu quý vị có thể bảo vệ hệ thống dân chủ của chính mình hay không, nếu quý vị xem trọng lợi ích kinh tế hơn nhân quyền, thì quý vị sẽ làm tha hóa giá trị của mình bất kể có sự xâm nhập của ĐCSTQ hay không,” ông nói, cho rằng luật mới của Vương quốc Anh nhắm vào các cuộc biểu tình gây rối là một dấu hiệu đáng lo ngại của chủ nghĩa độc đoán.

    Cô Lily Zhou là một phóng viên tại Ireland chuyên đưa tin về Vương quốc Anh. Ban đầu cô Lily tham gia ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trước khi chuyển hướng tập trung vào Vương quốc Anh vào năm 2020. Quý vị có thể liên lạc với cô Lily tại lily.zhou@epochtimes.com.

    Thanh Nhã biên dịch

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào