Header Ads

  • Breaking News

    Tự do Tôn giáo 2022 - Việt Nam quyết xoá bỏ các nhóm độc lập

     Tự do Tôn giáo 2022 - Việt Nam quyết xoá bỏ  các nhóm độc lập

    Một số sự kiện về Tôn giáo - Tín ngưỡng ở Việt Nam 2022 /Photo: RFA 

    Năm 2022, Tự do tôn giáo Việt Nam bị đánh giá là tồi tệ hơn khi hàng loạt các tôn giáo, cơ sở sinh hoạt tôn giáo độc lập bị Chính quyền Hà Nội dùng mọi phương cách, từ vận động, ngăn chặn, tấn công, cho tới bỏ tù… hòng xoá bỏ bất kỳ nhóm tôn giáo nào không đi theo khuôn khổ của Nhà nước.

    Việt Nam bị Hoa Kỳ giám sát đặc biệt về Tự do tôn giáo

    “Tình hình nói chung tệ đi. Tuy nhiên là nó lộ liễu nhiều hơn, tức là trước đây họ (chính quyền VN - PV) cũng có những biện pháp trấn áp nhưng không lộ liễu bằng trong vòng 12 tháng vừa qua. Không hiểu vì lý do gì mà phía Việt Nam không còn giấu giếm nữa. Trước đây họ kín đáo hơn.” - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho quyền Tự do tôn giáo nhận định chung về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2022.

    Hồi tháng 4/2022, Uỷ Ban Tự do tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) công bố Báo cáo về Tự do Tôn giáo năm 2022. Theo đó, tổ chức này đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì những vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo.

    Đầu tháng 6/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021, trong đó có tình hình ở Việt Nam. Nội dung báo cáo lên án Việt Nam sách nhiễu tín đồ tôn giáo thuộc các nhóm không đăng ký. 

    Ngày 2/12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố Việt Nam nằm trong nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Các nước bị đưa vào danh sách này vì đã can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

    Vào chiều ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” dựa trên thông tin không chính xác về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam; đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền con người và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

    Siết chặt quản lý tôn giáo

    Trong năm qua, hai bản dự thảo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, được tổ chức lấy ý kiến để đưa ra Quốc hội thông qua.

    Dự thảo thứ nhất là Dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017 - quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng - tôn giáo. Và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng - tôn giáo. 

    Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng nhận định với RFA hồi tháng 7/2022 rằng nếu được thông qua thì đây sẽ là một bước lùi rất đáng quan ngại về chính sách đối với các tôn giáo.

    Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162 bổ sung những quy định và biện pháp quản lý đối với hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến, nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc “đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người”. Yêu cầu này được đưa ra vì hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến nở rộ trong suốt hai năm dịch COVID.

    Đối với Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng - tôn giáo, nếu thành luật sẽ là công cụ bóp nghẹt tự do tôn giáo ở Việt Nam, với các điều khoản như:

    Phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu không tổ chức giảng dạy môn học lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo.

    Cảnh cáo nếu không thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hàng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phạt từ mười đến 20 triệu đồng đối các tổ chức không được Nhà nước cấp phép hoạt động, và buộc phải chấm dứt các hoạt động tôn giáo.

    Phạt năm đến 10 triệu nếu không hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử người làm chức sắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Nếu tổ chức hội nghị liên tôn giáo, hội nghị có yếu tố nước ngoài khi không được cơ quan Nhà nước chấp thuận sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

    Để siết chặt sự quản lý của Nhà nước đối với các sinh hoạt tôn giáo, Chính quyền bổ nhiệm một đại tá công an làm Trưởng ban tôn giáo Chính phủ; đồng thời thành lập phòng ban mới phụ trách về các “tôn giáo lạ”, đẩy mạnh công tác tập huấn cán bộ về tôn giáo - tín ngưỡng.

    Vào tháng 1/2022, ông Vũ Hoài Bắc được bổ nhiệm làm Trưởng ban tôn giáo Chính phủ. Ông này từng giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh và Cục trưởng Cục An ninh điều tra.

    Tháng 9/2022, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội công bố quyết định thành lập Phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng tôn giáo mới với nhiệm vụ tham mưu, giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tín ngưỡng và hiện tượng tôn giáo mới.

    Cũng trong tháng Chín, lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng tổ chức tập huấn trực tuyến cho hơn 3000 cán bộ về chuyên đề tôn giáo, được nói là để trao đổi kinh nghiệm đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Việt Nam, phản bác hoạt động xuyên tạc, tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền trên không gian mạng.

    Xoá đạo Dương Văn Mình vào năm 2023

    dvminh.png

    Công an tháo gỡ phông trắng thờ phụng đạo Dương Văn Mình, thay bằng hình Hồ Chí Minh 

    Trong năm qua, những tín đồ theo đạo Dương Văn Mình phải đối mặt với các đợt trấn áp, tấn công mạnh mẽ từ Chính quyền các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là từ sau khi ông Dương Văn Mình qua đời vào tháng 12/2021.

    Đạo Dương Văn Mình bị Nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách “tổ chức bất hợp pháp”, núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, tập hợp lực lượng quần chúng, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông, âm mưu thành lập “Nhà nước Mông”, có ý đồ “li khai, tự trị”… Do đó, cần phải bị xoá bỏ.

    Chính phủ ban hành Đề án số 78 năm 2021, với mục tiêu ngăn chặn, tiến tới triệt tiêu đạo Dương Văn Mình vào năm 2023.

    Hôm 18/5, toà án tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt 12 người H’mong, là tín đồ của đạo Dương Văn Mình, các mức án từ hai năm đến bốn năm tù giam. Báo chí Nhà nước không đưa tin về phiên tòa này. Những người này bị bắt hồi tháng 12/2021, trong cuộc bố ráp của lực lượng công an vào đám tang của ông Dương Văn Mình, người sáng lập ra đạo. Cả 12 người bị cáo buộc dưới tội danh “Chống người thi hành công vụ”.

    Vào rạng sáng ngày 2/8, tám điểm nhóm của đạo này trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã bị công an bố ráp đồng loạt.

    Tháng 9/2022, Chính quyền huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tổng kết đợt cao điểm 100 ngày “tuyên truyền, đấu tranh” với những người theo đạo Dương Văn Mình. Kêt quả là có 49 hộ/312 nhân khẩu ký cam kết từ bỏ đạo, xóa xong 6/6 nhà đòn, tháo dỡ 66/66 tấm phông trắng.

    Cấm đoán người H’mong theo đạo Tin lành

    Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng nhận định, trong năm qua, nhiều trường hợp đồng bào người H’Mong theo đạo Tin Lành ở miền Bắc và một số trường hợp ở Nghệ An báo cáo bị Chính quyền dùng nhiều phương cách để ngăn cấm họ theo đạo Tin Lành:

    “Chẳng hạn như ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An có hàng loạt các vụ phải bỏ đạo, nếu không thì sẽ bị trục xuất khỏi làng. Có những phụ nữ bị đuổi ra khỏi bản làng và không được gặp con của mình nữa, chỉ được quyền quay về gặp con sau khi đã bỏ đạo Tin Lành.”

    Ông Thắng còn nêu thêm trường hợp hai vợ chồng người H’Mong theo đạo tin lành. Người chồng là công dân Mỹ đang làm hồ sơ bảo lãnh vợ cùng với bốn con ở Việt Nam. Khi Chính quyền địa phương biết gia đình này theo đạo Tin Lành, ông Thắng nói, lực lượng chức năng đã đến đe doạ sẽ phá nhà cửa, đuổi ra khỏi làng. Đồng thời, cán bộ địa phương cũng tịch thu giấy khai sinh của các con, gây cản trở cho người cha trong việc bảo lãnh gia đình sang Mỹ.

    Một trường hợp khác ở Nghệ An, Ông Xồng Bá Thông, là người sắc tộc H’Mong cho biết vào ngày 4/6, chính quyền huyện Kỳ Sơn, xã Na Ngoi, cả tỉnh Nghệ An tổ chức một cuộc bỏ phiếu để trục xuất gia đình ông Thông với 13 thành viên ra khỏi địa phương vì lý do tôn giáo. Và theo ông Thông thì người dân không ai dám bỏ phiếu chống lại quyết định trên.

    Quấy rối các nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên

    Công an thành phố Buôn Ma Thuột phá rối các buổi lễ cầu nguyện tại Hội Thánh Tin Lành độc lập

    Ông Y Cơi - một tín đồ theo đạo Tin Lành đấng Christ ở thành phố Buôn Ma Thuột (Dak Lak) cho biết tình hình đàn áp năm nay căng thẳng hơn trước. Công an địa phương thường xuyên vào phá các buổi lễ cầu nguyện của các tín đồ vào mỗi chủ nhật hàng tuần:

    “Hiện nay, bên Chính quyền Việt Nam đang làm căng hơn, nhất là đến ngày làm lễ thờ phượng Chúa vào Chúa nhật. Lần nào họ cũng đến sách nhiễu. Họ muốn Hội Thánh Tin Lành đấng christ Tây Nguyên tan rã.

    Trước đây tôi cũng đã làm đơn yêu cầu họ hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo nhưng mà họ không trả lời cho tôi và cho các hội thánh tư gia khác.”

    Hôm 5/7, Công an đã ngăn chặn buổi cầu nguyện tại tư gia của hơn 40 tín đồ theo một hội thánh Tin lành độc lập, tại nhà ông Y Tlup Adrơng, tại buôn K’mrơng Prong B, xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

    Vào đầu tháng 11, nhiều tín đồ thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Đắk Lắk tố cáo công an thành phố Buôn Mê Thuột đã liên tục theo dõi, phá rối các buổi thực hành nghi lễ thờ phượng Chúa của họ trong gần một tháng qua.

    Điển hình là sự việc xảy ra tại Hội thánh tư gia nhà ông Y Nguyệt Bkrông và nhà ông Y Lui Byă, ở Buôn Kdun xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột vào sáng 30/10. Những tín đồ này cho biết liên tục bị canh gác và bị mời làm việc trong suốt tháng 10/2022.

    Cựu tù nhân lương tâm Nay Y Blang, 46 tuổi, một người Thượng theo đạo Tin lành ở buôn Bưng Bê, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho RFA biết ông và gia đình liên tục bị sách nhiễu bởi chính quyền địa phương sau khi ông có cuộc gặp với viên chức ngoại giao ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM vào tháng tám năm nay để báo cáo tình hình liên quan. Ngày 30/9, ông có lịch hẹn gặp với phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhưng bị lực lượng an ninh địa phương câu lưu khi trên đường đi đến buổi gặp mặt.

    Chính quyền Việt Nam đã rất nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành của các tín đồ tôn giáo ở Tây Nguyên là một tổ chức phản động, lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước.

    Vào tháng 1/2022, trang web báo Công an nhân dân có bài viết cáo buộc hội thánh Tin lành Đấng Christ quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và ở Mỹ để “tập hợp lực lượng, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền, tiến tới thành lập Tôn giáo riêng, Nhà nước riêng của người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. 

    Cáo buộc này bị các tín đồ Tin lành độc lập bác bỏ. Họ nói chỉ có mong muốn được tự do thờ phượng Chúa mà không theo sự chỉ đạo của bất kỳ ai.

    Tổng kết 30 năm chủ trương kiểm soát đạo Cao Đài

    Trong tháng 3 năm nay, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương làm việc với một loạt các tỉnh thành, bao gồm Đà Nẵng, Bến Tre, Tây Ninh, Tiền Giang… để tổng kết 30 năm thực hiện Thông báo số 34-TB/TW ngày 14/11/1992 của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài.

    Thông báo số 34 được đóng dấu mật, có một số nội dung đáng chú ý như: Không khuyến khích phát triển các tôn giáo, trong đó có đạo Cao Đài; Không cho phép các hệ phái Cao Đài lập bộ máy hành chính nhà nước và không cho thống nhất các hệ phái Cao Đài toàn quốc dưới bất kỳ hình thức nào; Ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động của bọn phản động, ngoài nước lợi dụng đạo Cao Đài để chống phá nhà nước…

    Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, nơi tập trung phần đông người theo đạo Cao Đài, cho biết trong 30 năm qua, Chính quyền địa phương đã hướng dẫn tín đồ, chức sắc, chức việc chấp hành tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Công an tỉnh Tây Ninh cũng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn những đối tượng chống phá, phá hoại để giữ ổn định an ninh trong tôn giáo…

    Theo ghi nhận của RFA, Bà Nguyễn Xuân Mai, một tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926, bị công an Việt Nam câu lưu, tra hỏi sau chuyến đi đến thủ đô Washington (Hoa Kỳ) để tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022, diễn ra từ ngày 28 đến 30/6, cũng như gặp nhiều tổ chức quốc tế để vận động cho tự do tôn giáo của Việt Nam.

    Học viên Pháp luân công một số tỉnh thành bị can nhiễu

    Một học viên Pháp Luân Công, tên viết tắt là HQ nhận xét với RFA rằng việc tu luyện, thực hành Pháp luân công cơ bản là không bị ngăn cản ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người luyện Pháp luân công bị đàn áp ở một số địa phương như Đà Lạt, Bình Dương, Bến Tre…

    “Chính phủ của mình không cấm Pháp luân công cho nên học viên hầu hết là được tự do tu luyện, chỉ có một số nơi không hiểu vì lý do gì mà công an can nhiễu, đánh đập học viên. Còn những người học viên như mình thì chỉ thực hành pháp, tu luyện, không làm điều xấu, không tham gia chính trị, không vi phạm pháp luật quốc gia.”

    Tình trạng học viên Pháp luân công ở Lâm Đồng bị sách nhiễu đã diễn ra cả năm nay. Họ bị quấy rối, ngăn cản, xịt hơi cay vào mặt, hay thậm chí là bị trẻ em đổ chất bẩn vào đầu. Một số công an địa phương bị nhận diện là người tiếp tay hoặc thậm chí là trực tiếp ra tay. Hồi tháng 4/2022, các học viên đã gởi đơn tố cáo về hành vi tấn công, đe doạ của một nhóm côn đồ nhắm vào các học viên Pháp luân công, nhưng không được hồi đáp.

    Ngày 15/2, Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk xử phạt đối với bốn học viên Pháp luân công vì đã phát các tài liệu liên quan đến việc tu luyện Pháp luân công.

    Tương tự, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Bến Tre hồi tháng 8/2022 phạt một người phụ nữ giữ 67 ấn phẩm được cho là không rõ nguồn gốc có liên quan đến Pháp Luân Công.

    Ngoài ra, trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo Nhà nước đăng bài chỉ trích Pháp luân công. Bài viết “Nhận diện thủ đoạn tẩy não dân chúng của Lý Hồng Chí và Pháp Luân Công” nói rằng những người truyền bá Pháp luân công là lừa đảo, tâm thần, hoang tưởng cực độ.

    Vụ án Tịnh thất Bồng Lai

    image (1).jpeg

    Toà án Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, vào hôm 3/11, tuyên y án tổng cộng 23 năm tù giam đối với sáu thành viên ở Tịnh thất Bồng Lai, nay đổi tên là Thiềm am bên bờ Vũ trụ.

    Cả sáu người đều bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 BLHS.

    Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã đưa sáu thành viên tịnh thất vào danh sách các nạn nhân của việc đàn áp tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới.

    Tịnh thất Bồng Lai là một tư gia thờ Phật, không đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền. Nơi này nhiều lần bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam  đề nghị chính quyền địa phương xoá bỏ.

    Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, bình luận về vụ án Tịnh thất, cho biết việc bắt bỏ tù những người này cho thấy Việt Nam đang vi phạm điều 18 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị:

    “Nó lại còn vi phạm Điều 18 của điều khoản mà Việt Nam đã ký kết với Liên Hiệp Quốc trong Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị, là không được quyền độc quyền về niềm tin hoặc tôn giáo, không được quyền ép người khác phải theo tôn giáo của mình...

    Thành ra đây là một vi phạm hết sức trắng trợn, lộ liễu, ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo của một nhóm người.”

    Hiện, những người trong Tịnh Thất Bồng Lai đã bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Sáng ngày 16/12, Toà án huyện Đức Hoà, Long An đã ký quyết định thi hành bản án hình sự năm năm tù giam với ông Lê Tùng Vân, người bị cho là chủ mưu trong vụ án, năm nay đã 90 tuổi và đang trong tình trạng sức khoẻ yếu.

    Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có lãnh đạo mới

    Hôm 1/9, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận - có một Hội đồng trưởng lão mới và Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ được suy tôn làm Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, chức vụ cao nhất của Giáo hội vào lúc này. Theo Di chúc của Hoà thượng Thích Quảng Độ, việc điều hành Viện Tăng Thống đã được uỷ thác cho Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, sau khi ông qua đời vào ngày 22/2/2020.

    Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tiếp tục bị Chính quyền một số địa phương sách nhiễu.

    Vào tháng 9/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra thông cáo lên án công an thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã sách nhiễu hai thành viên của giáo hội. Theo thông cáo, hai huynh trưởng của Giáo hội đã đến chùa Ba La Mật, tỉnh Đồng Nai để thăm Hòa thượng Thích Nhật Ban. Tuy nhiên, công an đã bao vây chùa, kiểm tra hành chính, giấy tờ tuỳ thân và yêu cầu hai người này phải rời đi.

    Sáng ngày 10/12, một đoàn cán bộ của UBND xã Hoà Bình (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kéo xuống lập biên bản, ngăn chặn chùa Thiên Quang làm cổng tạm bằng cây trụ tiêu. Đúng một tháng trước, chính quyền huyện Xuyên Mộc cũng đã cho người đến tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang của cơ sở tôn giáo này.

    Ngày 13/12, chính quyền thị trấn Plei Kần và huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đưa nhiều công an và hàng chục người đến cưỡng chế Sơn Linh Tự, một cơ sở tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Việc cưỡng chế được thực hiện trong đầu giờ sáng và đến khoảng 11 giờ thì hoàn tất việc phá huỷ Sơn Linh Tự của Đại đức Thích Nhật Phước khi vị tu hành này không có mặt tại hiện trường.

    Phật giáo Hoà Hảo “dễ thở” hơn chút ít

    Đối với đạo Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý, ông Nguyễn Ngọc Tân, hiện là đại diện truyền thông của Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý, nói với RFA rằng tình hình hiện nay có dễ thở hơn thời gian trước.

    Trong năm qua, ông Tân cho biết không có trường hợp nào bị tấn công gây thương tích nặng, cũng như không có ai bị bắt bỏ tù. Tuy nhiên, các ngày lễ lớn của Phật giáo Hoà Hảo đều bị Chính quyền địa phương tổ chức canh gác tại các điểm lễ, ngăn chặn tín đồ đến tham dự:

    “Gần đây thì tương đối dễ thở hơn nhưng cũng còn nhiều khó khăn trong Vấn đề đi lại của những người chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy. Những ngày nhạy cảm thì thường an ninh sẽ theo dõi”

    Ngày 26/3, Ban Trị Sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý tổ chức ngày lễ kỷ niệm lần thứ 75 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt. Lực lượng an ninh tỉnh An Giang được điều động xuống đóng chốt ở hai đầu điểm lễ chính của tại xã Long Giang, An Giang, nhằm ngăn cản tín đồ về dự lễ.

    Sáng ngày 16/12, trước lễ kỷ niệm ngày Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ lần thứ 103, công an và an ninh tỉnh An Giang cũng đã rải quân và đóng chốt ở hai đầu điểm lễ, các bến phà để ngăn chặn không cho tín đồ và trị sự viên của Giáo Hội từ nơi khác đến.

    Ráo riết ngăn chặn truyền đạo mới

    Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho rằng từ năm 2000 đến 2020, hiện tượng các tôn giáo mới, tôn giáo lạ xuất hiện và phát triển mạnh ở vùng Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc.

    Thống kê của cơ quan chức năng nói trong giai đoạn này có 15 hiện tượng tôn giáo mới. Trong đó, một số tôn giáo bị Chính quyền dán nhãn là tà đạo, quyết tâm triệt phá, bao gồm đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Dương Văn Mình, Pháp Luân Công, Hội Thánh đức Chúa Trời, Hà Mòn, Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam…

    Công an tỉnh Kon Tum hồi tháng 5/2022 công bố sau 13 năm triển khai quyết liệt, đã xoá bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn trên địa bản tỉnh này.

    Báo Công an nhân dân hồi đầu năm cáo buộc “Pháp môn Diệu âm” có mục đích trục lợi về kinh tế, có màu sắc chính trị, chia rẽ tôn giáo, dân tộc. Hiện nay đã có nhiều tín đồ trên cả nước như: Hà Nội, Lào Cai, Bạc Liêu, Thanh Hóa, cần Thơ, Bình Thuận, Đà Nẵng, Lai Châu, Cà Mau, Hà Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tuyên Quang, Đồng Nai…

    Tháng 5/2022, Công an xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) tạm giữ, lấy lời khai của một nhóm tám người sinh hoạt “Nhất quán đạo”, đồng thời thu giữ toàn bộ kinh sách, tài liệu…

    “Đạo Trời Thái Bình”, một tôn giáo mới vừa xuất hiện ở tỉnh Bình Phước cũng bị xếp vào nhóm tà đạo. Ngày 5/10, Công an Bình Phước đã ngăn chặn, thu giữ tài liệu của hai người bị cáo buộc là có hành vi tuyên truyền, lôi kéo người tham gia.

    Ngày 3/12, một nhóm gồm 16  người tại tổ 33, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng tổ chức sinh hoạt “Hội Thánh Đức Chúa Trời”; lực lượng chức năng đột nhập vào nơi sinh hoạt giải tán nhóm và buộc cam kết không được sinh hoạt và truyền giảng về giáo phái này.

    https://www.rfa.org


    Không có nhận xét nào