(Piotr Smolar, LeMonde 21/12/2022) Đây là cách kỷ niệm 300 ngày chiến tranh trên đất nước mình một cách ngoạn mục. Volodymyr Zelensky được chờ đón tại Washington ngày thứ Tư 21/12/2022 - một chuyến thăm được giữ bí mật cho đến phút chót, và được xác định trong đêm bằng một thông cáo của Nhà Trắng.
Nhà lãnh đạo công du ngoại quốc lần đầu tiên kể từ khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02 nhằm lật đổ ông và nhanh chóng chiếm Kiev. Như vậy tự thân chuyến đi này còn chứng tỏ thất bại toàn diện của Kremlin.
Volodymyr Zelensky hội đàm với đồng nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng, rồi phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện vào buổi tối. Nguyên thủ Ukraina sẽ cảm ơn các nghị sĩ về sự ủng hộ chính trị, tài chánh, và tha thiết đề nghị họ tiếp tục nỗ lực này.
Hai tổng thống đã điện đàm hôm 11/12. Nhà Trắng gởi thư mời chính thức ba ngày sau. Được chính thức hóa vào ngày 18/12, nhưng việc chuẩn bị chuyến công du vẫn bí mật cho đến tối thứ Ba 20/12 tại Washington.
Trước đó ít lâu, chủ tịch phe Dân Chủ của Hạ viện, bà Nancy Pelosi đã viết thư nhắc nhở các nghị sĩ rằng sự hiện diện của họ tại điện Capitol rất quan trọng kể từ thứ Tư, loan báo tối hôm ấy có một sự kiện về « dân chủ », nhưng không nói cụ thể. Tối thứ Ba, một viên chức cao cấp xác nhận với báo chí về chuyến thăm của tổng thống Ukraina và cho biết một vài thông tin.
Joe Biden và Volodymyr Zelensky gặp gỡ tại Nhà Trắng trong buổi chiều, với các cộng sự thân cận nhất. Hai nguyên thủ sẽ có cuộc « thảo luận sâu về chiến lược », về diễn tiến các trận giao tranh trên thực địa, nhu cầu của quân đội Ukraina, sự ủng hộ của phương Tây bằng đủ các dạng thức, và các trừng phạt đối với Nga.
Sự quan trọng về tính biểu tượng, chính trị và quân sự
Joe Biden và Volodymyr Zelensky đã liên lạc với nhau rất nhiều lần kể từ 9 tháng qua, qua video hay điện thoại. Họ đã gặp ở Nhà Trắng hôm 01/09/2021, lúc đó chính quyền Mỹ vẫn đang tập trung cho cuộc triệt thoái hỗn loạn gây tranh cãi khỏi Afghanistan. Ngược lại từ đầu cuộc xâm lăng, đây là lần đầu tiên hai tổng thống trực tiếp hội đàm - trái với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, Joe Biden chưa đến Kiev.
Về mặt an ninh, chuyến đi Washington của ông Zelensky không phải là không có rủi ro. Nhưng rõ ràng là mang tính biểu tượng rất cao, rất quan trọng về chính trị và quân sự, trong lúc Ukraina chuẩn bị bước vào năm thứ hai của cuộc chiến.
Hôm thứ Ba, tổng thống Ukraina đã đến thành phố Bakhmut ở miền đông, nơi quân Nga tấn công từ nhiều tháng qua. Những trận giao chiến ở đó thật khủng khiếp. Quân đội Ukraina hết sức cần đạn dược để chận đứng địch quân. Volodymyr Zelensky tuyên bố : « Chúng tôi làm tất cả những điều có thể và không thể, được dự kiến cũng như bất ngờ, để những người hùng của chúng tôi có được phương tiện giành chiến thắng ».
Chính quyền Biden tiếp đón ông với một bằng chứng ủng hộ mới : viện trợ quân sự bổ sung khoảng 1,8 tỉ đô la ; gồm một thiết bị quan trọng chưa từng thấy : một giàn hỏa tiễn Patriot, được Kiev đòi hỏi từ mùa xuân nhằm đối phó với thế mạnh trên không của kẻ xâm lăng. Những tuần gần đây, với vô số vụ hỏa tiễn Nga đánh vào cơ sở hạ tầng dân sự, yêu cầu này đã được lặp lại nhiều lần.
Hoa Kỳ đã tháo khoán gần 20 tỉ đô la quân viện cho Ukraina trong năm nay, không ngừng tăng cường về số lượng và chất lượng vũ khí, đạn dược cung cấp. Dù vậy chính quyền Biden vẫn tế nhị không đóng góp vào việc leo thang, mở rộng vành đai chiến tranh, liên quan đến những quốc gia khác ngoài hai nước tham chiến, hay thúc đẩy Matxcơva dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật.
Ukraina lo ngại
Vì lý do trên, Washington đã không giao cho Kiev các drone tác chiến MQ-1C Gray Eagle hay hệ thống hỏa tiễn tầm xa ATACMS có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ngược lại, hỏa tiễn Patriot được coi là một hệ thống phòng vệ, giúp đáp trả các cuộc không kích hay bắn hỏa tiễn. Tối thứ Ba, viên chức cao cấp trên khẳng định quân đội Mỹ sẽ huấn luyện các quân nhân Ukraina tại một nước thứ ba - chắc hẳn là Đức - về việc sử dụng giàn hỏa tiễn địa-không rất tối tân này. Có thể mất nhiều tuần lễ, thậm chí nhiều tháng.
Đối với ông Volodymyr Zelensky, chuyến thăm Washington là cách để một lần nữa nhấn mạnh đến chính nghĩa của Ukraina trong các cuộc tranh luận ở phía Mỹ, trong khi công luận bắt đầu lơi. Việc Dân Chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, cũng gây lo ngại về việc Quốc hội tiếp tục hỗ trợ kể từ tháng Giêng. Nhà Trắng nói rằng vẫn tin vào sự ủng hộ vững chắc của lưỡng đảng.
Câu nói đang là trào lưu của phía Cộng Hòa là chấm dứt ký « séc khống » cho Ukraina. Nhưng trên thực tế câu này khá mơ hồ, có thể là tăng cường kiểm tra việc chuyển giao vũ khí, chứ không phải giảm xuống. Một viên chức cao cấp Mỹ giải thích : « Đó không phải là gởi thông điệp cho một đảng chính trị nào, mà cho Putin và thế giới, rằng nước Mỹ luôn bên cạnh Ukraina lâu đến chừng nào còn cần thiết ».
Gói viện trợ mới
Cả Ukraina lẫn chính quyền Biden đều không có lợi khi để sự bất nhất này kéo dài tại Quốc hội. Thế nên gói viện trợ mới khá lớn, mà ông Volodymyr Zelensky đến để nhắc nhở rằng vô cùng thiết yếu. Đợt này lên đến 45 tỉ đô la. Nhà Trắng cách đây một tháng đề nghị 37,7 tỉ đô lan nhưng Quốc hội đã tăng thêm, như thường lệ.
Gói viện trợ này là một trong những phần thương lượng gắt gao ở Capitol liên quan đến một dự luật được mệnh danh là « omnibus », chi ra số tiền khổng lồ 1.700 tỉ đô la, trong đó 858 tỉ dành cho quốc phòng. Văn bản gồm trên 4.000 trang được tranh luận dữ dội, đề cập đến các chủ đề đa dạng như bảo hiểm y tế cho cựu quân nhân, cấm sử dụng TikTok với các điện thoại di động của chính phủ, mở rộng khám bệnh từ xa về Covid, hay củng cố quy định kiểm phiếu.
Mỗi đảng, Cộng Hòa và Dân Chủ, đều rút ra các lý do để thất vọng và hài lòng. Cần có 10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa thêm vào các lá phiếu Dân Chủ để dự luật được thông qua từ nay đến thứ Sáu. Một bộ phận của phe Cộng Hòa ở Hạ viện tức giận trước Mitch McConnell, thủ lãnh đảng ở Thượng viện vì ông nói sẵn sàng ủng hộ dự luật. Chuyến thăm của ông Zelensky có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông qua dự luật này nhờ chuyển trọng tâm sang hướng khác.
Không có nhận xét nào