Header Ads

  • Breaking News

    Vụ tập kích Sơn Tây Phần 16

    Còn tiếp 1 kỳ

    Nguyên bản tiếng Anh: The Raid

    Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer

    Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ

    P16

    Khi hai người gặp lại nhau, họ đều vui mừng. Hoàng cầu chúc cho “Alfred” được thắng lợi trong việc thăng cấp và xin lỗi lần này không thể gặp nhau lâu được. Khi chia tay, Hoàng đưa cho “Alfred” một bao thuốc lá Điện Biên, “Alfred” còn nhớ rõ lời nói của Hoàng: “Đây này, anh dùng để hút cho vui trên chuyến bay. Thuốc lá này hơi nặng cho nên đừng hút quá nhanh”. “Alfred” để ý thấy bao thuốc lá đã mở. Hoàng vừa cười vừa nói tiếp: “Tôi mở ra để xem thử thuốc lá có còn tốt không”. Ngày hôm sau trong khi chờ đợi máy bay tại phi trường Gia Lâm, “Alfred” châm một điếu hút. Thuốc nặng quá. Ngoài ra Hoàng cũng biết là ông ta không hút thuốc lá. Như vậy rõ ràng là bao thuốc lá này có một ý nghĩa gì đó. Ngay khi đến HongKong, “Alfred” liền đưa những điếu thuốc lá ấy cho một người bạn nhờ kiểm tra.

    Gói thuốc lá của Hoàng đã được phân tích tại Washington vào buổi trưa ngày thứ năm tiếp theo, một vài giờ trước khi Bennett gặp Blackburn tại văn phòng của Moorer. Các chuyên viên phân tích mật mã của DIA đều thắc mắc khi nhận thấy rõ ràng là Hoàng đã sử dụng một cái mã của các tù binh để viết về số lượng tù binh bị giam giữ trong mỗi trại. Các chuyên viên này hy vọng là Hoàng vẫn còn nhớ rõ các cách mã hóa khác. Nhưng trong danh sách các trại giam lại không thấy có trại Sơn Tây. Theo như số lượng Hoàng cho biết thì tất cả vào khoảng 150 người, hiện đang bị giam giữ trong một trại tù mà từ trước đến nay chưa hề ai nghe đến, địa điểm đó gọi là Đồng Hới.

    Khi các chuyên viên phân tích hình ảnh của DIA lục soát lại những tấm hình mới nhất chụp được về doanh trại bộ đội ở Đồng Hới thì họ thấy khu vực doanh trại này đã được nới rộng ra một

    cách đáng kể. Những vách tường mới đã được dựng lên để ngăn doanh trại ra nhiều khu nhỏ và các chòi gác đã có thêm lính gác. Cũng trong thời gian này thì các chuyên viên hình ảnh lại trình bày cho Bennett thấy những tấm ảnh mới nhất về Sơn Tây do máy bay trinh sát SR-71 vừa chụp được. Một vài tấm ảnh này đã được chụp qua hệ thống hồng ngoại tuyến chứng tỏ rằng doanh trại này vẫn sinh động hình như có một số người nào mới được chuyển về Sơn Tây.

    Đấy là tin tức xấu do Bennett đưa ra sau khi ông ta đã giải thích nguồn gốc xuất phát và ông ta cũng nói cho Moorer và Blackburn biết đây là loại tin tức được đánh giá vào hạng B3 có nghĩa là gần đến đỉnh cao nhất của sự xác thực. B có nghĩa là nguồn tin tình báo ở nước ngoài. 3 có nghĩa là nguồn tin này đáng được tin cậy, có đường dây liên lạc trực tiếp với người đưa tin.

    Sau khi nghe Bennett nói, Blackburn vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng rằng Sơn Tây có thể bị bỏ trống. Ông ta nói với Moorer và Bennett: “Cái tên đưa tin này từ trước đến nay chưa há miệng nói gì cả. Tôi không thể chấp nhận hoàn toàn được, tôi muốn tìm hiểu thêm họ đã đưa ra kết luận này bằng cách nào”. Ông ta yêu cầu Moorer cho phép được báo cáo lại việc này vào 6 giờ sáng mai với sự đánh giá chất liệu tin tức theo ý riêng của ông ta. Moorer và Bennett đều đồng ý. Khi rời văn phòng Moorer, Bennett nói với Blackburn cùng xuống trung tâm thu thập và theo dõi tin tức của DIA tại phòng số 2D 921 để “nhân viên của tôi trình bày mọi việc cho anh rõ. Nếu anh cần điều gì thì cho tôi biết ngay. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta cũng đã quá muộn rồi”.

    Bennett tỏ vẻ bị kích động khi thốt ra tiếng “quá muộn”, vì còn nhiều tin tức xấu khác nữa. Dù Sơn Tây có ở trong tình hình nào đi nữa, và cho dù tất cả các trại giam đều được giải thoát một cách thành công thì đối với nhiều tù binh Mỹ khác vẫn là điều quá muộn.

    Ngoài danh sách 6 tù binh đã chết mà nhà hoạt động hoà bình Cora Weiss chuyển giao vào ngày 13 thứ 6 tuần trước, Bennett còn nhận được tin có thêm 11 người nữa vừa mới chết. Tên của những người này hiện có trong một danh sách mà bà ta vừa mới nhận được và chỉ chịu chuyển giao cho chính quyền trong bốn ngày nữa, có nghĩa là thứ hai 23 tháng 11. Nhưng dù sao thì DIA và NSA cũng đã khám phá ra được danh sách bí mật này qua hệ thống Gamma của họ.

    Từ hơn một năm nay bà Cora Weiss vô tình trở thành người mang tin cho giới tình báo Mỹ mà không biết.

    Kể từ 1969 đến nay, cứ mỗi lần Cora Weiss bước xuống máy bay sau khi từ Hà Nội về, hoặc sau khi đi thăm phái đoàn hòa đàm Bắc Việt Nam ở Paris về, thì bà ta đều bị theo dõi. Cơ quan NSA cũng đã lập hệ thống kiểm thính để nắm lấy mọi điện tín, các cuộc điện thoại đi xa, các công điện, qua những trạm vi ba đặc biệt của cơ quan này. Bà ta chỉ là một trong nhiều đối tượng bị theo dõi, trong số này gồm có cả lãnh tụ phong trào Báo đen, nữ diễn viên màn bạc Jane Fonda, nhà hoạt động phản chiến Tom Hayden và tất cả những ai đi thăm Bắc Việt Nam về. Đấy là một phần của những hoạt động tình báo đặc biệt gọi là hệ thống Gamma do cả hai cơ quan NSA và DIA thực hiện, và đây cũng là việc bất hợp pháp vì lẽ đã theo dõi công dân Hoa Kỳ khi họ sử dụng các đường dây liên lạc nội địa hoặc ở nước ngoài. Đây cũng là một hoạt động tinh vi, tốn kém, và đôi khi cũng rất hữu hiệu. Một vài viên chức được phép biết về hệ thống kiểm thính này đã phải thề sống chết không bao giờ được mở miệng nói ra tiếng “Gamma” này.

    Có vào khoảng 20 mật danh khác nhau dùng để chỉ về hệ thống kiểm thính Gamma. Tất cả đều

    dùng nhóm bốn chữ như: “Gamma Jet”, “Gamma Walt” hoặc “Gamma Quilt”. Mỗi chữ sau là dùng để chỉ một mục tiêu, một phương pháp hoặc một nguồn gốc đặc biệt. Một trong những hệ thống này có liên hệ đến việc kiểm soát thư tín được gọi là “bảo đảm thư tín”. Thư từ của bà

    Cora Weiss thường xuyên bị kiểm soát. Một phần khác của hoạt động tình báo đặc biệt này mang ngụy danh là “Delta” mặc dù hoạt động này chỉ chuyên về việc thu lượm tin tức quân sự của Liên Xô. Tại cơ quan DIA tất cả mọi hệ thống kiểm thính này đều do một sĩ quan gọi là viên chức Gamma Delta phụ trách. Các loại tin tức này đều được liệt vào hạng “tối mật” (Trine), bên cạnh có ghi chú nhóm chữ dành riêng cho mỗi loại “Trine” là loại tin tức có độ mật cao nhất trong các loại tin tức tình báo đặc biệt này.

    Điều mà cả hai cơ quan NSA và DIA muốn tìm hiểu trong trường hợp của bà Cora Weiss là để xem trước bà ta có tin tức nào mới về tù binh không, hoặc có bản danh sách mới nào về tù binh đã chết không, về tên tuổi người chết và tù binh hoặc viên chức Bắc Việt Nam nào mà bà ta đã tiếp chuyện trực tiếp hoặc bà thấy, cùng với tất cả những gì đã quan sát được nhưng không muốn báo lại cho chính quyền Mỹ biết. Hệ thống kiểm thính vừa qua đã xác nhận tình trạng thất vọng của tù binh Mỹ. Trong số 17 người vừa được tin đã chết có ghi trong hai danh sách của bà ta, thì 11 người đã bị bắt cầm tù tại miền Bắc Việt Nam, còn 5 người được ghi là mất tích cũng ở miền Bắc, một người mất tích ở Lào. Không có tin tức nào cho biết trường hợp hoặc nguyên nhân xảy ra những cái chết đó.

    Nguồn tin này lại càng thúc giục thêm việc tìm hiểu xem có còn tù binh Mỹ nào hiện đang bị giam giữ ở Sơn Tây không. Blackburn vội vàng về lại văn phòng và chỉ thị cho Mayer điện thoại gấp cho Harris ở DIA. Ông ta muốn gặp ngay toàn thể toán chuyên viên của Harris để sẽ đích thân kiểm soát lại từng mẩu tin, từng mẩu tài liệu nhỏ.

    Đã gần đến 5 giờ 30 chiều. Mayer gọi điện thoại và trở lại văn phòng báo cáo cho Blackburn thêm nhiều tin tức xấu nữa. Tất cả nhân viên DIA đã về nhà hết.

    Blackburn không tin nổi điều này và nổi điên lên. Ông ta cầm điện thoại gọi ngay Harris và yêu cầu lập tức gọi tất cả mọi nhân viên trở lại. Harris đề nghị là toán chuyên viên DIA sẽ đến vào sáng sớm mai để xem lại mọi việc. Có thể giờ này mọi người đang bị kẹt xe trên đường về.

    Blackburn nói ông ta vẫn sẵn lòng chờ đợi cho đến khi nào Harris gọi được tất cả mọi người trở lại sở làm cho dù phải lùi xe trở lại. Điều mà Blackburn muốn là bất cứ “tay” nào cũng phải trở về Lầu Năm Góc ngay sau khi Harris tập hợp lại được “đàn bò đi lạc” của ông ta. Blackburn cũng muốn họ phải đem đến văn phòng từng mẩu tin nhỏ đã thu lượm được về Sơn Tây. Ông ta không cần biết là họ sẽ phải làm việc thêm 12 tiếng đồng hồ nữa. Moorer đang đợi một báo cáo vào đúng 6 giờ sáng mai. Nếu các chuyên viên xác định được là Sơn Tây đã bị bỏ trống thì Moorer sẽ ra lệnh hoãn cuộc tập kích. Nhưng nếu mọi người không làm việc kịp thì cuộc tập kích này sẽ xuất phát theo thời điểm đã định trong khi mọi chuyên viên tình báo quân sự quốc gia đang ngủ ngon trên giường tại các vùng ngoại ô Virginia.

    Harris đã gọi được mọi người trở lại. Mãi cho đến khuya đêm ấy, Blackburn, Mayer và Harris còn ngắm nhìn hình ảnh, lắng tai nghe, và xem xét kỹ lưỡng mọi điều do chuyên viên DIA trình bày tại sao họ đã biết được các tù binh không còn ở Sơn Tây nữa. Mọi người bàn cãi về các điều này.

    Riêng Mayer thì đồng ý với các dữ kiện đã được trình bày. Ông ta nghĩ là Blackburn nêu ra lệnh đình hoãn cuộc tập kích. Đối với Mayer thì doanh trại mới ở Đồng Hới trông có vẻ là một mục tiêu đầy hứa hẹn hơn: doanh trại này cũng ở vùng vắng vẻ như Sơn Tây và có nhiều tù binh bị giam giữ trong ấy. Ông ta suy luận là mọi người nên hoãn lại để một hoặc hai tháng nữa sẽ tiến công doanh trại mới thì tốt hơn.

    Blackburn nói ông ta vẫn chưa bị thuyết phục. Ông ta đồng ý nguồn tin của Hoàng chuyển giao là rõ ràng tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác và cơ quan DIA đã biết được địa điểm mới. Nhưng tin tức này đã xuất phát từ một nguồn gốc mà theo sự suy nghĩ riêng của Blackburn thì nó không có cơ sở chắc chắn nếu như không muốn nói là đáng ngờ. Trong khi đó thì các chuyên viên nghiên cứu hình ảnh của DIA, đoán chắc rằng có một số người nào đó đã được chuyển về lại Sơn Tây. Trong nhiều tuần lễ vừa qua doanh trại này đã có vẻ sinh động nhiều hơn. Chỉ có một điều là họ chưa biết được ai đã được di chuyển về trại ấy.

    Blackburn không thể hiểu được tại sao mọi người lại có thể đi đến một kết luận như vậy từ đống tài liệu bề bộn bày ra trước mặt. Vì lẽ đó, ông ta yêu cầu các chuyên viên của Harris phải kiểm soát lại một lần nữa mọi phương cách phân tích từ đầu đến cuối. Ông ta nổi cáu với họ là không biết họ sẽ làm gì để có thể tìm ra đầu hoặc đuôi trong đống dữ kiện ấy. Ông ta cũng sững sờ kinh ngạc về những lời giải thích của họ. Khi thì họ nói chắc chắn rằng các tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác, khi thì lại nói họ vẫn nghi ngờ là có lẽ tù binh đã được chuyển về lại Sơn Tây.

    Sau này ông ta nhớ ra, là đã từng chán ngán bảo họ: “Này các anh đừng làm trò hề, đừng có úp mở. Tôi chỉ cần câu trả lời thẳng vấn đề. Tôi sẽ trở lại đây vào lúc 5 giờ sáng mai. Đến 6 giờ sáng tôi sẽ đi với tướng Bennett vào trình cho đô đốc chủ tịch Hội đồng An ninh hỗn hợp biết rõ là tù binh vẫn còn ở đấy hoặc tù binh không còn ở đấy nữa. Tôi chỉ yêu cầu các anh một câu trả lời chắc chắn vào 5 giờ sáng mai. Họ có ở đó không, hoặc họ không có ở đó. Chỉ có vậy thôi.

    Không úp mở, không giải thích, không bàn tán, không nói năng gì thêm nữa. Tôi cần biết vẻn vẹn có bấy nhiêu thôi, bởi vì 6 giờ sáng mai thì đô đốc Chủ tịch và Tổng thống sẽ phải quyết định cho xuất phát công tác hay không. Chúng ta sẽ được phép lên đường hay không”.

    Blackburn nói với họ là cho đến giờ này ông ta vẫn chưa biết mảy may gì về quyết định này cả. Ông ta nói thêm: “Nhưng điều tôi muốn là câu trả lời rõ ràng và các anh cũng đừng nên nằm mơ để tìm ra câu trả lời trong giấc ngủ. Tôi muốn rằng câu trả lời đó được căn cứ trên sự thông minh sáng suốt. Các anh nên trở về văn phòng ở Arlington hoặc đi bất cứ nơi nào các anh muốn để làm việc ngay, bởi vì đến 5 giờ sáng mai thì chúng ta cần câu trả lời xác đáng chứ không phải một đống phân bò”.

    Blackburn biết chắc là câu trả lời sẽ như thế nào. Cuộc tập kích sẽ được thi hành. Mặc dù các tù binh vẫn còn ở đó hay đã đi rồi là chuyện còn trong nghi vấn, nhưng với 95 đến 97% yếu tố hoàn toàn tin tưởng là Simons có thể đổ bộ vào và thoát ra một cách an toàn, thì cũng là điều đáng được thi hành. Nếu sau này được biết tin là các tù binh đã được chuyển về lại Sơn Tây mà không có sự cố gắng giải cứu họ ra thì đấy là điều không thể tha thứ được và Blackburn cũng lo sợ rằng “chúng ta sẽ không bao giờ có một cơ hội may mắn nữa”.

    Chẳng còn việc gì để làm nữa cho nên ông ta và Mayer lái xe về nhà. Họ mới vừa thiêm thiếp ngủ thì điện thoại lại réo lên, lúc đó là 4 giờ sáng. Một công điện của Manor gửi về lúc 3 giờ 56 phút cuộc tập kích có thể sẽ được thi hành 24 giờ sớm hơn thời điểm đã định. Manor đã ra lệnh

    cho Simons và toán phản ứng nhanh 77 thi hành công tác, và đã báo cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương biết vào buổi sáng thứ 6 ngày hôm ấy 20 tháng 11 trong khi trời còn tối đen. Blackburn và Mayer phải vội vã quay trở về Lầu Năm Góc với cặp mắt mờ vì mất ngủ sau suốt một tuần lễ đầy ác mộng và bây giờ thì kết cục lại sắp xảy ra.

    Blackburn thầm nghĩ trong khi lái xe xuống chỗ đỗ xe ở đường George Washington: “Lạy Chúa toàn năng, bây giờ thì đến lượt bọn chuyên viên tình báo lại cố thuyết phục Moorer ra lệnh đình hoãn mọi việc!”. Đối với ông ta thì một cuộc tập kích thành công vào một “lỗ trống” cũng còn hơn là chẳng có cuộc tập kích nào cả.

    Mayer thì lại có sự quan tâm khác hẳn. Trên đường đến Lầu Năm Góc ông ta nghĩ: “Ông tướng điên khùng Blackburn này định xâm lăng Bắc Việt Nam hay sao mà lại để cho Simons nhảy vào một trại tù trống rỗng”. Nhưng ông ta cũng còn nhiều vấn đề khác phải lo nghĩ đến. Nếu cuộc tập kích được lệnh thi hành thì ông ta chỉ còn có một vài giờ nữa để chuẩn bị mọi việc tối hậu tại Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc. Đô đốc Moorer, Bộ trưởng Laird và hàng lô tướng tướng tá khác sẽ cần có đầy đủ thuyết trình trước mặt họ để theo dõi diễn biến công tác. Cách đây mấy giờ, ông ta đã từ Lầu Năm Góc trở về và đã nghĩ rằng cuộc tập kích có thể sẽ được xuất phát vào ngày thứ bảy. Như vậy thì ông ta vẫn còn ngày thứ sáu để chuẩn bị mọi thứ.

    Ngay khi đến Lầu Năm Góc, Mayer điện thoại gọi tất cả sĩ quan trực trong trung tâm chỉ huy và DCSOPS để báo động cho mọi người biết là chiến dịch Kingpin sẽ được lệnh thi hành ngày hôm đó. Trong thời gian này thì Blackburn gặp lại Harris và toán chuyên viên DIA. Lúc 5 giờ sáng, ông ta bình tĩnh hỏi mọi người: “Có hay không?”. Họ bắt đầu ú ớ: “Có, nhưng mà…”. Blackburn cắt ngang: “Không có nhưng mà gì cả. Tất cả điều tôi muốn biết là họ có ở đấy hay không? Đấy cũng là điều tôi sẽ nói với đô đốc Chủ tịch và đấy cũng là điều cấp trên của các anh sẽ nói với đô đốc Chủ tịch. Nếu đô đốc cần hỏi thêm điều gì thì các anh sẽ trả lời sau. Nhưng bây giờ thì các anh chỉ có việc nói cho tôi biết họ có ở đó hay không. Đô đốc cần câu trả lời chứ không cần câu hỏi”.

    Đã đến giờ Blackburn đi gặp Moorer và Bennett tại văn phòng chủ tịch. Bennett tỏ ra ngây thơ. Ông ta một tay cầm tập công điện, hình ảnh và nói: “Đây là đống tài liệu tôi nhận được chứng minh rằng tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác”. Ở tay khác ông ta cầm một tập hồ sơ dày rồi nói tiếp: “Đây là tất cả tài liệu chứng minh rằng họ vẫn còn ở đó”.

    Moorer hỏi: “Theo anh thì chúng ta phải làm gì?”. Bennett trả lời: “Tôi đề nghị chúng ta cho lệnh thi hành”. Blackburn cố gắng che giấu sự nhẹ nhõm trong lòng.

    Sau này Blackburn nhớ lại: “Bennett đã cầm trong tay lệnh thi hành án tử hình. Suýt nữa thì mọi việc đều tan vỡ. Tôi biết chắc là Simons sẽ nhảy vào đó và đem người của ông ta thoát ra an toàn. Tôi muốn công tác này phải được xuất phát”.

    Moorer kéo Bennett đi vào phòng 3 F.880 của Bộ trưởng Laird. Tại đấy, trong bữa điểm tâm, cả hai nói cho Bộ trưởng Quốc phòng biết là Manor đã ban hành lệnh cho xuất phát công tác giải

    cứu tù binh ở tại một trại giam mà bây giờ thì họ biết có lẽ đã bị bỏ trống, nhưng Manor thì không biết điều này. Bennett trình bày với Laird là tù binh đã được đưa đi nơi khác nhưng theo ý kiến riêng của ông ta thì có lẽ số tù binh này cũng đã được chuyển về lại Sơn Tây.

    Thật lòng mà nói thì các tấm ảnh do máy bay trinh sát vừa chụp được đã không mang lại một kết luận chính xác nào. Các chuyến bay thất bại của Buffalo Hunter và việc thiếu các hình ảnh chụp được ở tầm thấp đã làm cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn. Thời tiết cũng quá gay gắt. Ví dụ như chuyến bay vào ngày 6 tháng 11 vừa qua đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp nhưng lại là bức ảnh chụp đám mây ở cách xa trại giam độ một dặm, mặc dù đấy là vùng trời ở ngay trên khu trại. Vào ngày 13 tháng 11 cũng đã có nhiều đám mây khác bao phủ ngay trên trại, tạo ra bóng che cho nên các hình ảnh chụp được không rõ. Ngoài các việc trên thì khu vực mục tiêu vẫn tỏ ra có vẻ bình thường. Ngày thứ tư 18 tháng 11 là cơ hội cuối cùng để cho xuất phát, máy bay trinh sát chụp ảnh để kiểm tra sự có mặt của tù binh. Nhưng chuyến bay SR-71 này bị trục trặc kỹ thuật và phải đáp xuống Thái Lan. Vì không có thiết bị đặc biệt để tháo gỡ phim chụp ảnh, cũng vì không có nhân viên được phép xem xét hệ thống trang bị máy bay, cho nên các cuộn phim đã không được gửi về Yokota kịp thời để phân tích, phải đợi cho đến tối ngày thứ sáu 20 tháng 11 mới chuyển đi được. Đợi đến lúc ấy thì cuộc tập kích đã mở màn rồi.

    Khi Bennett được tin là hình ảnh chụp trong ngày 18 tháng 11 đã thất bại, ông ta lập tức cho một chuyến bay trinh sát khác xuất phát vào sáng sớm ngày 20. Chuyến bay này có nhiệm vụ bay 2 vòng qua vùng mục tiêu. Các chuyên viên hình ảnh của SAC và DIA sẽ lập tức nghiên cứu các ảnh chụp được và kết quả sẽ được chuyển ngay từ Yokota đến cho Manor tại căn cứ Sơn Trà ở Đà Nẵng qua hệ thống điện thoại “tự động” bằng mật đàm vào 8 giờ tối hôm ấy. Tức là 3 giờ 30 phút trước khi toán của Simons sẽ rời Udorn để đi Bắc Việt Nam.

    Moorer trình với Laird nếu kết quả của hình ảnh đem lại tin tức xấu thì vẫn còn đủ thời gian để đình hoãn cuộc tập kích qua hệ thống công điện hỏa tốc. Tuy nhiên ông ta trình bày thêm là vẫn còn 50% hy vọng. Ông ta muốn cố gắng thử một lần nữa xem sao. Và ông muốn cho thi hành công tác dù chỉ còn hy vọng 10%.

    Tin tức 17 tù binh đã chết luôn luôn đè nặng lên tâm trí ông ta. Chính Moorer cũng bị cấu xé, dằn vặt trong tâm trạng này. Sau này ông có giải thích là lúc bấy giờ không có gì là “toàn trắng” hoặc “toàn đen” cả. Thật là mỉa mai vì cũng trong một ngày mà khi thì có nguồn tin cho biết là cuộc tập kích Sơn Tây sẽ quá chậm, khi thì một nguồn tin khác lại thúc giục ông ta phải gấp rút cho lệnh xuất phát.

    Bộ trưởng Laird đồng ý và nói với Moorer nên cho thi hành cuộc tập kích Sơn Tây như đã định. Nếu trại tù này trống rỗng, hay cuộc tập kích bị thất bại vì một lẽ nào đó, thì sẽ cố tìm cách che giấu dư luận là cuộc tập kích chưa bao giờ xuất phát cả.

    Một thời gian dài sau khi cuộc tập kích đã chấm dứt, Mayer có nhận định rằng: “Có lẽ đấy là quyết định gay go nhất mà Laird phải đưa ra”.

    Ngay sau khi Moorer và Bennett rời văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng thì giám đốc CIA là

    Richard Helms đến gặp. Laird thảo luận mọi hệ thống kiểm thính Gamma và những báo cáo tình báo mâu thuẫn với Helms, nhưng cuối cùng đã cho Helms biết là ông ta đã quyết định cho thi

    hành cuộc tập kích theo kế hoạch. Laird cũng châm biếm nói thêm rằng khi cuộc tập kích đang được thi hành thì cũng là lúc mà chồng của Cora Weiss sẽ có mặt ở Hà Nội. Khi Helms ra về, Laird kiểm soát lại một lần nữa tất cả các báo cáo về thời tiết ở Đông Nam Á. Có hai quyết định đã được ghi rõ trong tập thuyết trình về chiến dịch Kingpin đang ở trước mặt ông ta đấy là quyết định cho phép thi hành hoặc không thi hành theo thời tiết quyết định này phải được ban hành lúc 9 giờ 18 phút buổi sáng theo giờ Washington, và quyết định thứ hai là đình hoãn công tác ngay trước giờ xuất phát, quyết định này phải ban hành lúc 10 giờ 08 phút. Laird dùng điện thoại trực tiếp và an toàn gọi thẳng đến Nhà Trắng xin được nói chuyện với Tổng thống. Ông ta trình bày cho Nixon về những tin tức bi quan mà Moorer và Bennett đã trình bày qua bữa điểm tâm vừa rồi, về những kết quả của hệ thống kiểm thính Gamma của NSA và CIA đã tiết lộ cho biết bà

    Cora Weiss có một danh sách thêm 11 tù binh chết nữa, nâng tổng số lên 17 người chết trong tháng. Điều tệ hại nhất là trong danh sách cuối cùng đó có ghi tên tuổi ba người đã chết vào năm 1970, một người chết vào tháng 10, và một người vừa mới chết cách đây 15 ngày. Laird cũng trình cho Tổng thống biết là có tin báo rằng các tù binh ở Sơn Tây đã bị di chuyển đi chỗ khác nhưng các hình ảnh do máy bay SR-71 vừa chụp được lại cho thấy là trại tù này đã có một số người mới được chuyển đến. Vì lẽ đó Laird vẫn quyết định cho thi hành cuộc tập kích. Nixon đồng ý. Ông ta yêu cầu Laird thông báo mọi diễn biến công tác cho ông ta rõ.

    Còn tiếp 1 kỳ


    Không có nhận xét nào