Header Ads

  • Breaking News

    Bắc Hàn: Chúng ta có thể chứng kiến điều gì từ Kim Jong-un trong năm 2023?

    BBC News

    Tác giả, Jean Mackenzie

    Vai trò, Phóng viên từ Seoul

    03/01/2023

    Người dân Bắc Hàn đón giao thừa tại thủ đô Bình Nhưỡng

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người dân Bắc Hàn đón giao thừa tại thủ đô Bình Nhưỡng

    Bắc Hàn đã có một năm 2022 phóng tên lửa nhiều kỷ lục.

    Quốc gia này đã phóng số lượng tên lửa nhiều hơn bao giờ hết trong vòng một năm. Thực tế là số lượng tên lửa phóng vào năm 2022 bằng một phần tư tổng số lượng tên lửa mà Bắc Hàn từng phóng lên bầu trời. Đây cũng là năm mà Kim Jong-un tuyên bố Bắc Hàn đã trở thành một quốc gia hạt nhân và loại vũ khí này trở nên vĩnh viễn.  

    Điều này đã khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017, thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Bắc Hàn bằng "hoả lực và thịnh nộ".

    Vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

    Phát triển vũ khí hạt nhân

    Năm 2022, Bắc Hàn đã đạt được tiến bộ đáng kể về vũ khí của mình. Bình Nhưỡng bắt đầu năm mới bằng việc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn được thiết kế để tấn công Hàn Quốc, sau đó là tên lửa tầm trung có thể nhắm vào Nhật Bản. 

    Tới cuối năm, quốc gia này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất của mình cho đến nay - Hwasong 17, theo lý thuyết có khả năng phóng tới bất kỳ đâu trên đất liền nước Mỹ.

    Tên lửa Bắc Hàn

    Ông Kim cũng hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Sau khi tuyên bố vào tháng 09/2022 rằng việc Bắc Hàn đã trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể đảo ngược, nhà lãnh đạo này tiết lộ những vũ khí này không còn được thiết kế chỉ để ngăn chặn chiến tranh mà có thể được sử dụng để đánh phủ đầu và tấn công nhằm giành chiến thắng trong một cuộc chiến.

    Khi năm 2022 sắp kết thúc, Kim Jong-un đã tập hợp các thành viên Đảng Lao động cầm quyền của mình nhằm đặt ra các mục tiêu cho năm 2023.

    Đứng đầu danh sách của ông Kim là "tăng theo cấp số nhân" việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Ông nói, điều này phải bao gồm việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhỏ hơn, có thể được sử dụng để chiến đấu chống lại Hàn Quốc. 

    Theo Ankit Panda, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), đây là diễn biến nghiêm trọng nhất.

    Bắc Hàn phóng ICBM mạnh nhất từ trước đến nay vào cuối năm 2022

    Nguồn hình ảnh, KCNA/Chụp lại hình ảnh, 

    Bắc Hàn phóng tên lửa ICBM mạnh nhất từ trước đến nay vào cuối năm 2022

    Để chế tạo vũ khí hạt nhân chiến thuật, trước tiên Bắc Hàn phải sản xuất một quả bom hạt nhân thu nhỏ, có thể nạp vào một tên lửa nhỏ. Thế giới vẫn chưa thấy bằng chứng về việc Bình Nhưỡng có thể làm được điều này. Cộng đồng tình báo đã chờ một buổi thử nghiệm thiết bị này trong hầu như toàn bộ năm 2022 nhưng điều đó đã không xảy ra – có thể là vào năm 2023.

    Các thiết bị khác trong danh sách năm mới của ông Kim gồm một vệ tinh do thám mà ông tuyên bố sẽ được phóng lên quỹ đạo vào mùa xuân năm nay và một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bằng nhiên liệu rắn, có thể phóng tới Mỹ mà ít bị cảnh báo hơn so với mẫu hiện tại. 

    Do đó, chúng ta có thể cho rằng năm 2023 sẽ giống như năm 2022, với việc Bình Nhưỡng tiếp tục ráo riết thử nghiệm, điều chỉnh và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

    Thật vậy, trong chưa đầy ba giờ trước thềm 2023, Bắc Hàn đã tiến hành vụ thử tên lửa đầu tiên. 

    Tuy nhiên, ông Panda nói, "hầu hết các vụ phóng tên lửa trong năm tới có thể không phải là thử nghiệm mà là diễn tập huấn luyện, vì Bắc Hàn hiện đang chuẩn bị sử dụng tên lửa của mình trong một cuộc xung đột có thể xảy ra".

    Sẽ có đàm phán?

    Với một danh sách dài các mục tiêu như vậy, không chắc nhà lãnh đạo Bắc Hàn sẽ chọn quay lại đàm phán với Mỹ trong năm nay. Vòng đàm phán phi hạt nhân hóa cuối cùng đã thất bại vào năm 2019 và kể từ đó, ông Kim không có dấu hiệu muốn thảo luận. 

    Có ý kiến cho rằng Kim Jong-un đang đợi cho đến lúc ông có được lợi thế tối đa. Chỉ đến khi chứng minh được chắc chắn rằng Bắc Hàn có khả năng hủy diệt Mỹ và Hàn Quốc, ông mới quay trở lại bàn đàm phán về các điều khoản của mình.

    Thay vào đó, trong năm qua, Bắc Hàn đã xích lại gần Trung Quốc và Nga hơn. Rachel Minyoung Lee, người từng làm việc với tư cách là nhà phân tích về Bắc Hàn cho chính phủ Mỹ trong 20 năm, và hiện đang làm việc cho cơ quan Open Nuclear Network, cho rằng nước này có thể đang trong quá trình thay đổi cơ bản chính sách đối ngoại của mình.

    “Nếu Bắc Hàn không còn xem Mỹ là cần thiết cho an ninh và sự sống còn của họ, điều đó sẽ tác động sâu sắc đến hình thức của các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai”, bà nói.

    Căng thẳng trên bán đảo

    Trong khi đó, bất ổn đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

    Đối với mọi hành động được coi là "khiêu khích" của Bắc Hàn, Hàn Quốc - và đôi khi là Mỹ - sẽ trả đũa.

    Việc này bắt đầu từ tháng 5/2022, với sự xuất hiện của một tổng thống mới của Hàn Quốc, người đã hứa sẽ cứng rắn hơn với Bắc Hàn. Tổng thống Yoon Suk-yeol tin tưởng rằng cách tốt nhất để ngăn chặn Bắc Hàn là đáp trả bằng sức mạnh quân sự. 

    Ông tái khởi động các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Mỹ, đối đầu với việc Bắc Hàn thử nghiệm và phóng thêm tên lửa. Hành động này dẫn đến một vòng lặp hành động quân sự ăn miếng trả miếng, có sự tham gia của cả hai bên đưa máy bay chiến đấu đến gần biên giới và nã pháo xuống biển.

    Trong bài phát biểu năm mới, ông Kim tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân.

    Nguồn hình ảnh, KCNA/Chụp lại hình ảnh, 

    Trong bài phát biểu năm mới, ông Kim tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân

    Tuần trước, tình hình leo thang khi Bắc Hàn bất ngờ cho năm chiếc drone bay vào không phận Hàn Quốc. Hàn Quốc đã thất bại trong việc bắn hạ chúng, để lộ điểm yếu trong hệ thống phòng thủ và gây lo ngại cho dân chúng, những người thường không thường lo ngại trước các hoạt động của Bắc Hàn.

    Tổng thống Hàn Quốc cam kết miền Nam sẽ trả đũa và trừng phạt miền Bắc trước mọi hành động khiêu khích.

    Chad O'Carroll, Giám đốc điều hành của Korea Risk Group, cung cấp dịch vụ phân tích theo dõi Bắc Hàn, dự đoán rằng vào năm 2023, điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, thậm chí có thể dẫn đến thương vong. 

    “Phản ứng của cả miền Bắc và miền Nam có thể leo thang đến mức chúng ta chứng kiến mà đáp trả hỏa lực thực sự, dù cố ý hay không”, ông nói.  

    Một sai lầm hoặc một tính toán sai lầm và tình hình có thể leo thang.

    Nội bộ Bắc Hàn 

    Một câu hỏi cấp bách là năm 2023 sẽ như thế nào đối với người dân Bắc Hàn?

    Họ đã phải hứng chịu ba năm đóng cửa biên giới nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch. Ngay cả hoạt động thương mại cũng bị đình chỉ trong nỗ lực ngăn chặn virus, điều mà các tổ chức nhân đạo tin rằng đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng. Năm ngoái, trong một lần thừa nhận hiếm hoi, ông Kim đã nói về một "cuộc khủng hoảng lương thực". 

    Sau đó vào tháng 5/2022, Bắc Hàn thừa nhận đợt bùng phát virus đầu tiên, nhưng chỉ vài tháng sau tuyên bố đã đánh bại đại dịch. 

    Vậy liệu 2023 có phải là năm mà cuối cùng nước này cũng mở cửa biên giới với Trung Quốc, cho phép người dân và quá trình cung ứng quay trở lại?

    Tháng 11/2022, ông Kim lần đầu công khai con gái

    Nguồn hình ảnh, KCNA/Chụp lại hình ảnh, 

    Tháng 11/2022, ông Kim lần đầu công khai con gái

    Việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới mang lại hy vọng. Bắc Hàn được cho là đang chuẩn bị tiêm phòng cho những người sống dọc biên giới, nhưng với tình hình chăm sóc sức khỏe không ổn định của nước này, bà Lee tỏ ra thận trọng.

    “Trừ trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ, Bắc Hàn khó có thể mở lại hoàn toàn biên giới cho đến khi đại dịch được coi là kết thúc trên toàn cầu, đặc biệt là ở nước láng giềng Trung Quốc”, bà nói. 

    Một diễn biến nữa cần theo dõi là việc ai sẽ lãnh đạo Bắc Hàn sau ông Kim. Kế hoạch về người kế vị của ông vẫn chưa được công bố, nhưng năm ngoái, lần đầu tiên nhà lãnh đạo Bắc Hàn công khai một trong những người con của mình - một bé gái, được cho là con gái ông với tên gọi Kim Chu-ae (Kim Chu Ái).

    Cô bé đã được chụp hình tại ba sự kiện quân sự, nhiều bức ảnh được công bố vào ngày đầu năm mới khiến một số người suy đoán liệu cô bé có phải là người được chọn kế vị hay không.

    Dĩ nhiên, Bắc Hàn không hề dễ đoán, và 2023 có vẻ sẽ là một năm không thể đoán trước và bất ổn cũng như năm ngoái.

    https://www.bbc.com/vietnamese


    Không có nhận xét nào