Header Ads

  • Breaking News

    Chúng ta có nên bảo vệ thiên nhiên vì lợi ích của chính nó?

    Vì giá trị kinh tế?

    Bởi vì thiên nhiên làm chúng ta hạnh phúc?

    ĐÚNG LÀ VẬY

    Nguồn: Should we protect nature for its own sake? For its economic value? Because it makes us happy? Yes, The Conversation, Dec 5, 2022.

    Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

    Đã xuất bản: 01:12 giờ chiều ngày 2 tháng 6 năm 2022 

    Cập nhật lần cuối: 8:01 tối ngày 5 tháng 12 năm 2022 


    Bầy cò Marabou đậu trên cây lúc mặt trời mọc ở Vườn quốc gia Serengeti, Tanzania. Sergio Pitamitz /VWPics/Nhóm hình ảnh toàn cầu qua Getty Images

    Tuyệt chủng là một phần của sự sống trên Trái Đất. Xuyên suốt phần lớn lịch sử của hành tinh chúng ta, nhiều loài đã thành hình, tiến hóa và cuối cùng biến mất. Tuy nhiên, ngày nay, các hoạt động của con người đã đẩy nhanh quá trình này một cách đáng kể. Trái Đất đang mất đi động vật, chim chóc, bò sát và các sinh vật sống khác nhanh đến mức một số nhà khoa học tin rằng hành tinh này đang bước vào đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trong lịch sử.

    Vào ngày 7 tháng 12 năm 2022, Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập các chính phủ từ khắp nơi trên thế giới tại Montreal cho một hội nghị kéo dài 10 ngày nhằm thiết lập các mục tiêu mới để bảo vệ các hệ sinh thái của Trái Đất và đa dạng sinh học của chúng – sự đa dạng của sự sống ở mọi cấp độ, từ các gien cho đến những hệ sinh thái. Đa số nhất trí rằng đang có một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, nhưng có nhiều quan điểm khác nhau về lý do tại sao việc bảo vệ sự đa dạng này lại quan trọng.

    Một số người, nền văn hóa và quốc gia tin rằng đa dạng sinh học đáng được bảo tồn vì các hệ sinh thái cung cấp nhiều dịch vụ nuôi dưỡng sự thịnh vượng, sức khỏe và sự an lạc của con người. Những người khác khẳng định rằng mọi sinh vật đều có quyền tồn tại, không liên can tới chuyện chúng có ích gì cho con người. Ngày nay, người ta ngày càng hiểu ra rằng thiên nhiên làm phong phú đời sống của con người bằng cách tạo cơ hội để chúng ta kết nối với nhau và với những nơi chúng ta quan tâm.

    Là một nhà sinh vật học bảo tồn, tôi đã dự phần vào nỗ lực đánh giá đa dạng sinh học trong nhiều năm. Dưới đây là cách tư tưởng trong lĩnh vực này tiến triển và việc tại sao tôi tin rằng có nhiều lý do hợp lệ như nhau để bảo vệ thiên nhiên.

    Đa dạng sinh học mô tả mức độ đa dạng di truyền bên trong các loài và biên độ của các loài tạo nên các hệ sinh thái.

    Bảo vệ mọi loài

    Sinh học bảo tồn [conservation biology] là lĩnh vực khoa học với sứ mệnh: bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học trên toàn thế giới. Nó ra đời vào những năm 1980, khi tác động của con người lên Trái Đất đang trở nên rõ ràng một cách đáng báo động.

    Trong một bài luận năm 1985, Michael Soulé, một trong những người sáng lập lĩnh vực này, đã mô tả những gì ông coi là nguyên tắc cốt lõi của sinh học bảo tồn. Soulé lập luận rằng đa dạng sinh học vốn đã tốt và nên được bảo tồn vì nó có giá trị nội tại. Ông cũng đề xuất rằng các nhà sinh vật học bảo tồn nên hành động để cứu đa dạng sinh học ngay cả khi khoa học vững chắc không có sẵn để đưa ra các quyết định.

    Đối với các nhà phê bình, các nguyên tắc của Soulé giống như chủ nghĩa hoạt động vì môi trường hơn là khoa học. Hơn nữa, đôi khi không phải ai cũng đồng ý rằng đa dạng sinh học vốn đã tốt.

    Xét cho cùng, động vật hoang dã có thể phá hoại mùa màng và gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Tiếp xúc với thiên nhiên có thể dẫn tới bệnh tật. Và một số sáng kiến ​​bảo tồn đã khiến người dân phải di dời khỏi nơi sống hoặc cản trở sự phát triển vốn có thể cải thiện đời sống con người.

    #Biếnđổikhíhậu và thời tiết khắc nghiệt được đưa vào danh sách những mối đe dọa đối với hơn 11.000 loài động vật, nấm và thực vật ở mọi khu vực trên thế giới, theo Sổ đỏ IUCN™
    bit.ly/3AhWuZJ#COP27 @IUCNssc @theoceanagency 

    — IUCN Red List (@IUCNRedList) 15 tháng Mười Một, 2022 

    Định giá các dịch vụ của thiên nhiên

    Bài luận của Soulé đã thúc đẩy nhiều nhà nghiên cứu đẩy mạnh một cách tiếp cận khoa học hơn về bảo tồn. Họ tìm cách định lượng trực tiếp giá trị của các hệ sinh thái và vai trò của các loài trong đó. Một số học giả tập trung vào việc tính toán giá trị của hệ sinh thái đối với con người.

    Họ đã đi đến kết luận sơ bộ rằng tổng giá trị kinh tế của các hệ sinh thái trên thế giới trị giá trung bình 33 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm theo đô la năm 1997. Vào thời điểm đó, con số này gần gấp đôi giá trị toàn cầu của toàn bộ thị trường tài chính thế giới.

    Ước tính này bao gồm các dịch vụ như thiên địch giúp kiểm soát sâu bệnh phá hoại mùa màng; các loài vật hỗ trợ thụ phấn giúp sản xuất trái cây và rau củ; những vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn và các hệ thống tự nhiên khác làm vùng đệm cho bờ biển chống lại bão và lũ lụt; đại dương cho cá làm thực phẩm; và rừng cung cấp gỗ cùng các vật liệu xây dựng khác.

    Các nhà nghiên cứu đã tinh chỉnh các ước tính về giá trị của những ích lợi này, nhưng kết luận chính của họ vẫn như cũ: Thiên nhiên có giá trị kinh tế cao đáng kinh ngạc mà các thị trường tài chính hiện tại không tính đến.

    https://www.youtube.com/watch?v=Qs0qkoIDc7o&t=3s

    Nhiều chuyên gia cho rằng tư duy kinh tế thông thường không nhận ra cái giá của việc hủy hoại thiên nhiên – nhưng việc tính toán các giá trị của đa dạng sinh học có thể thay đổi điều đó. 

    Nhóm thứ hai bắt đầu định lượng giá trị phi tiền tệ của thiên nhiên đối với sức khỏe, hạnh phúc và sự an lạc của con người. Các nghiên cứu thường yêu cầu mọi người tham gia các hoạt động ngoài trời, chẳng hạn như đi dạo trong không gian xanh, đi bộ đường dài trong rừng hoặc chèo thuyền trên hồ. Sau đó, họ đo lường sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của các đối tượng.

    Nghiên cứu này phát hiện ra rằng việc dành thời gian trong tự nhiên có xu hướng làm giảm huyết áp, giảm hoóc-môn liên quan đến căng thẳng và lo lắng, giảm nguy cơ trầm cảm và cải thiện chức năng nhận thức cũng như một số chức năng miễn dịch. Những người có tiếp xúc với thiên nhiên sống tốt hơn những ai tham gia vào các hoạt động tương tự nhưng trong bối cảnh phi tự nhiên, chẳng hạn như đi bộ trong thành phố.

    Các loài mất đi làm suy yếu hệ sinh thái

    Hướng nghiên cứu thứ ba đặt ra một câu hỏi khác: Khi các hệ sinh thái mất đi các loài, liệu chúng có thể vẫn hoạt động và cung cấp các dịch vụ không? Công việc này được thúc đẩy chủ yếu bởi các thí nghiệm trong đó các nhà nghiên cứu trực tiếp kiểm soát sự đa dạng của các sinh vật sống khác nhau trong các môi trường khác nhau, từ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến nhà kính, tại những lô đất trên các cánh đồng, rừng và khu vực ven biển.

    Đến năm 2010, các nhà khoa học đã công bố hơn 600 thí nghiệm, kiểm soát hơn 500 nhóm sinh vật trong hệ sinh thái nước ngọt, biển và đất liền. Trong một đánh giá năm 2012 về các thí nghiệm này, các đồng nghiệp và tôi đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng khi các hệ sinh thái mất đi tính đa dạng sinh học, chúng trở nên kém hiệu quả, kém năng suất và kém ổn định hơn. Và chúng ít có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ làm nền tảng cho sự an lạc của con người.

    Ví dụ, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng việc mất đa dạng di truyền làm giảm năng suất cây trồng và mất đa dạng giống cây làm giảm sản lượng gỗ rừng. Chúng tôi cũng tìm được bằng chứng cho thấy các đại dương có ít loài cá hơn cho sản lượng đánh bắt kém tin cậy hơn và các hệ sinh thái có sự đa dạng thực vật thấp hơn dễ bị sâu bệnh xâm lấn hơn.


    Một bãi cỏ tiêu chuẩn, ở bên trái, là một loại cây độc canh hỗ trợ rất ít cho sự sống. Một phiên bản hỗn hợp, đa dạng hơn, ở bên phải, cung cấp thức ăn cho các loài vật hỗ trợ thụ phấn. woodleywonderworks/FlickrCC BY

    Chúng tôi cũng chỉ ra rằng có thể phát triển các mô hình toán học mạnh mẽ có thể dự đoán hợp lý mức độ mất đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến một số loại dịch vụ có giá trị từ các hệ sinh thái.

    Có nhiều lý do để bảo vệ thiên nhiên

    Trong nhiều năm, tôi tin rằng công trình này đã xác định giá trị của các hệ sinh thái và định lượng xem sự đa dạng sinh học cung cấp những dịch vụ hệ sinh thái như thế nào. Nhưng tôi nhận ra rằng những lập luận khác để bảo vệ thiên nhiên cũng có giá trị và thường nghe thuyết phục hơn đối với nhiều người.

    Tôi đã làm việc với nhiều người quyên góp tiền hoặc đất đai để hỗ trợ bảo tồn. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe ai nói rằng họ làm điều đó vì giá trị kinh tế của đa dạng sinh học hoặc vai trò của nó trong việc duy trì các dịch vụ hệ sinh thái.

    Thay vào đó, họ chia sẻ những câu chuyện về việc đã lớn lên cùng những buổi đi câu cá với cha mình, tổ chức các buổi họp mặt gia đình tại cabin hoặc chèo thuyền với một người quan trọng đối với họ ra sao. Họ muốn truyền lại những trải nghiệm đó cho con cái để giữ gìn mối quan hệ gia đình. Các nhà nghiên cứu ngày càng nhận thức rõ rằng những giá trị quan hệ như vậy – kết nối với cộng đồng và với những địa điểm cụ thể – là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người chọn bảo tồn thiên nhiên.

    Tôi cũng biết nhiều người có niềm tin tôn giáo sâu sắc và hiếm khi bị ảnh hưởng bởi các lập luận khoa học về bảo tồn. Nhưng khi Giáo hoàng Francis công bố thông điệp Laudato si' năm 2015: Chăm sóc Ngôi nhà chung của Chúng ta và nói rằng những con chiên của Chúa có trách nhiệm đạo đức phải chăm sóc cho tạo tác của ngài, những người thân, bạn bè và đồng nghiệp tôn giáo của tôi đột nhiên muốn biết về sự mất mát đa dạng sinh học và những gì họ có thể làm cho nó.

    Các cuộc khảo sát cho thấy 85% dân số thế giới gắn bó chặt chẽ với một tôn giáo lớn. Các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo lớn đã công bố các tuyên bố tương tự thông điệp của Giáo hoàng Francis, kêu gọi những môn đệ của họ trở thành những người quản lý Trái Đất tốt hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, một phần lớn nhân loại gán giá trị đạo đức cho thiên nhiên.

    Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng thiên nhiên cung cấp cho nhân loại giá trị to lớn. Nhưng một số người chỉ đơn giản tin rằng các loài khác có quyền tồn tại hoặc tôn giáo của họ bảo họ phải là những người quản lý tốt của Trái Đất. Theo tôi thấy, nắm bắt những quan điểm đa dạng này là cách tốt nhất để nhận được sự ủng hộ toàn cầu nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và sinh vật sống của Trái Đất vì lợi ích của tất cả mọi người.

    Tác giả: Bradley J. Cardinale

    Trưởng ban Khoa học và Quản lý Hệ sinh thái đại học Penn State.

    Tuyên bố công khai

    Bradley J. Cardinale nhận tài trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Ông liên kết với Hiệp hội vì Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ, Hiệp hội Sinh thái Hoa Kỳ, Viện Khoa học Sinh học Hoa Kỳ, Hiệp hội Bảo tồn Sinh học, Hiệp hội Khoa học Nước ngọt và Trung tâm Chính sách và Luật môi trường của Trung tây Hoa Kỳ.

    http://www.phantichkinhte123.com/2022/12


    Không có nhận xét nào