Header Ads

  • Breaking News

    Chuyển động Quốc Phòng từ ngày 6 tháng 1 đến 12 tháng1 năm 2023

    Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

    13/01/2023

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/01/04b_su-57-felon_piotr_butowski.jpg


    Chiến tranh Nga – Ukraine:

    Nga đẩy mạnh đánh chiếm thị trấn Soledar của Ukraine

    Quân đội Nga đã tăng cường tấn công vào thị trấn Soledar ở miền đông Ukraine, buộc quân đội Ukraine phải đẩy lùi làn sóng tấn công do lực lượng lính đánh thuê dẫn đầu, các quan chức ở Kiev cho biết. Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Ba rằng Nga và các lực lượng của nhóm Wagner có lẽ hiện đang kiểm soát hầu hết thị trấn khai thác muối sau những đợt tiến công trong bốn ngày qua. Soledar, cách Bakhmut vài km, nơi quân đội của cả hai bên đã chịu tổn thất nặng nề trong một số cuộc chiến tranh hào khốc liệt nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine gần 11 tháng trước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai cho biết rằng Bakhmut và Soledar đang đứng vững bất chấp sự tàn phá trên diện rộng.

    Xem thêm tại: SCMP, Russia pushes to capture Ukraine’s Soledar, as fighting leaves battlefield ‘covered with corpses’. Truy cập ngày 11/1/2023

    Nga thay tướng phụ trách chiến tranh Ukraine trong đợt cải tổ quân đội mới nhất

    Nga đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh cho cuộc chiến ở Ukraine. Ông Gerasimov, giống như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ các blogger quân sự hiếu chiến của Nga vì nhiều thất bại trên chiến trường và việc Moscow không giành được chiến thắng trong một chiến dịch mà Điện Kremlin dự kiến ​​chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Bộ Quốc phòng cho biết Sergei Surovikin, một vị tướng khét tiếng được truyền thông Nga đặt biệt danh là “Tướng quân Armageddon”, người được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh quân đội vào tháng 10, sẽ tiếp tục làm cấp phó của Gerasimov.

    Xem thêm tại: Guardian, Russia replaces general in charge of Ukraine war in latest military shake-up. Truy cập ngày 11/1/2023

    Nga gửi thêm quân đến Belarus khi lo ngại về cuộc tấn công mới gia tăng

    Bộ Quốc phòng Belarus đã xác nhận sự xuất hiện của quân Nga vào thứ Sáu và cho biết Tổng thống Alexander Lukashenko đã đến thăm một căn cứ quân sự nơi quân đội Nga đóng quân. Trong chuyến thăm, Lukashenko và một đại diện giấu tên của quân đội Nga thảo luận về cuộc tập trận chung của hai nước. Bộ Quốc phòng Belarus cho biết mục tiêu của việc thành lập một lực lượng chung là nhằm tăng cường bảo vệ và phòng thủ Nhà nước Liên minh [giữa Nga và Belarus]. Sự việc diễn ra sau khi Belarus, quốc gia ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ nhận thêm vũ khí và thiết bị từ nước láng giềng khi hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia sends more troops to Belarus as fears of new attack grow. Truy cập ngày 7/1/2023

    Nga sử dụng máy bay phản lực Su-57 mới chống lại Ukraine

    Lực lượng hàng không vũ trụ Nga gần như chắc chắn đã sử dụng Su-57 để thực hiện các nhiệm vụ chống lại Ukraine. Su-57 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và một loạt vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa không đối không và không đối đất tầm xa và được thiết kế để có khả năng tàng hình nên khó bị radar phát hiện. Các nhiệm vụ có thể chỉ giới hạn ở việc bay qua lãnh thổ Nga, phóng tên lửa không đối đất hoặc không đối không tầm xa vào Ukraine. Nga rất có khả năng ưu tiên tránh thiệt hại về uy tín, giảm triển vọng xuất khẩu và tổn hại công nghệ nhạy cảm với hành động trên.

    Xem thêm tại: UK Defence Journal, Russia using new Su-57 jets against Ukraine. Truy cập ngày 9/1/2023

    Tình báo Ukraine nói Hạm đội Nga mất thêm hai soái hạm

    Một nguồn trong cộng đồng tình báo của Ukraine cho biết Hai tàu lớn của Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga – tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov và tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Đô đốc Kuznetsov – được cho là không thể hoạt động. Theo đó, lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho con tàu đã không vượt qua được các bài kiểm tra cần thiết khi quá trình khởi động của nó bị hủy bỏ, trong khi hệ thống bảo vệ bức xạ của con tàu cũng bị lỗi. Người ta phát hiện ra rằng lớp bảo vệ lỗi thời của các thanh than chì, được sản xuất từ ​​​​năm 1980, đã bị hư hỏng do ăn mòn. Ngoài ra, hầu hết các thành phần chất lượng cao đều bị thiếu do các nhà máy quốc phòng của Nga không thể sản xuất chúng.

    Xem thêm tại: UK Inform, Russian fleet loses another two flagships – intelligence source. Truy cập ngày 6/1/2023

    Đạn pháo bay trên tiền tuyến của Ukraine bất chấp lệnh ‘ngừng bắn’

    Các cuộc đáp trả pháo kích qua lại giữa Ukraine và Nga đã được báo cáo dọc theo chiến tuyến của thành phố Bakhmut của Ukraine, thị trấn Kreminna và các địa điểm khác ở khu vực Donetsk và Luhansk vào thứ Sáu sau khi Moscow bắt đầu ra lệnh cho các lực lượng của mình duy trì thỏa thuận ngừng bắn đơn phương từ trưa lễ Giáng Sinh theo Chính thống giáo. Tên lửa của Nga cũng dội xuống các khu dân cư ở các thành phố Kherson và Kramatorsk trước khi thỏa thuận ngừng bắn dự kiến ​​bắt đầu vào trưa giờ Moscow.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Artillery shells fly on Ukraine’s front lines despite ‘ceasefire’. Truy cập ngày 7/1/2023

    Ukraine bác bỏ tuyên bố của Nga về binh sĩ thiệt mạng tại một trường học

    Các quan chức tại một trường dạy nghề ở một thành phố miền đông Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng hàng trăm binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công tên lửa, nói rằng một tên lửa chỉ thổi bay cửa sổ và làm hư hại các lớp học và không hề có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện hay thương vong nào của binh lính Ukraine. Nga đặc biệt chỉ đích danh trường dạy nghề ở Kramatorsk là mục tiêu tấn công trong cuộc chiến kéo dài gần 11 tháng. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa của họ đã bắn trúng hai căn cứ tạm thời có 1.300 binh sĩ Ukraine trong thành phố, khiến 600 người thiệt mạng vào cuối ngày thứ Bảy.

    Xem thêm tại: AP News, Ukraine school rejects Russian claim of troops killed there. Truy cập ngày 11/1/2023

    Mỹ công bố khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine

    Mỹ sẽ cung cấp hơn 3,75 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga vào nước láng giềng. Washington sẽ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley, lựu pháo tự hành, xe bọc thép chở quân, tên lửa đất đối không, đạn dược và các vật dụng khác để hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, gói viện trợ còn bao gồm các phương tiện bảo vệ phục kích kháng mìn (MRAP), hệ thống tên lửa dẫn đường phóng nhiều lần (GMLRS), tên lửa đất đối không, mìn chống phương tiện. Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow, được sử dụng để phòng không, cũng sẽ được gửi tới Ukraine. Các tên lửa sẽ được phóng từ bệ phóng Buk, một hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng. Tuy nhiên, có những lo ngại tiềm ẩn rằng đảng Cộng hòa có thể cản trở việc viện trợ trong tương lai – đặc biệt là khi sự hỗn loạn bùng phát trong Hạ viện. Kevin McCarthy, người từng là lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện trong phiên họp trước và hiện đang là Chủ tịch Hạ viện, hồi tháng 10 cho biết đảng Cộng hòa có thể rút lại tài trợ cho Ukraine vào năm 2023 nếu họ chiếm đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Hai trong số các đảng viên Cộng hòa đã phản đối McCarthy cho đến chiều thứ Sáu – Hạ nghị sĩ Florida Byron Donalds và Hạ nghị sĩ Texas Chip Roy – đã kêu gọi Hạ viện thay đổi các quy tắc lãnh đạo và tranh luận về viện trợ Ukraine. Các quan chức Mỹ tin rằng 45 tỷ USD sẽ là gói viện trợ lớn cuối cùng của Ukraine trước khi gói chi tiêu hiện tại hết hạn vào ngày 30 tháng 9.

    Xem thêm tại: Reuters, U.S. announces over new military aid for Ukraine. Truy cập ngày 7/1/2023. CNN, American aid to Ukraine ramps up but House GOP drama causes worry over future military help. Truy cập ngày 7/1/2023

    Lầu Năm Góc nói cuộc chiến của Putin không thay đổi mục tiêu nhưng thiếu nhân lực, nhuệ khí

    Lầu Năm Góc cho biết mục tiêu chiếm lãnh thổ Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin sẽ không thay đổi, nhưng các lực lượng Nga tiếp tục gặp phải những điểm yếu về quân sự bao gồm cả số lượng binh sĩ Nga hạn chế. Laura Cooper, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng chuyên về Nga và Ukraine, nhận định rằng ông Putin đã không từ bỏ mục tiêu thống trị Ukraine và tiếp tục giành lấy lãnh thổ của Ukraine. Điểm yếu của quân đội Nga đã xung đột với mục tiêu mà Putin nhắm tới, đồng thời bà cho biết tinh thần chiến đấu của quân đội Nga cũng đang xuống rất thấp.

    Xem thêm tại: Reuters, Putin war aims unchanged but lacks manpower, morale -Pentagon. Truy cập ngày 8/1/2023

    Lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho Ukraine 18 khẩu pháo M109 Paladin 155mm

    Vào ngày 6 tháng 1 năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó lần đầu tiên Mỹ sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine 18 khẩu pháo tự hành bánh xích M109 Paladin 155mm. Xe được vận hành bởi 4 người chỉ huy, pháo thủ, người nạp đạn và lái xe. Thân xe và tháp pháo được làm bằng giáp nhôm hàn toàn bộ với lớp giáp cải tiến và lớp lót đạn đạo Kevlar. M109A6 Paladin được trang bị một khẩu pháo M284 cỡ nòng 155 mm 39 và bệ súng M185 có nhiều cải tiến mới. Pháo 155 mm của M109A6 Paladin có tầm bắn tối đa 24 km với đạn pháo tiêu chuẩn và 30 km với đạn hỗ trợ. Xe chở được tổng cộng 39 viên đạn. Nó cũng có thể bắn đạn pháo dẫn đường Excalibur GPS với tầm bắn tối đa 40 km.

    Xem thêm tại: Army Recog, For the first time US to supply Ukraine with 18 M109 Paladin 155mm howitzers. Truy cập ngày 8/1/2023

    Mỹ trao hợp đồng hệ thống chống drone ‘Vampire’ trị giá 40 triệu đô la cho công ty quốc phòng Ukraine

    Lầu Năm Góc đã trao cho L3Harris Technologies một đơn đặt hàng trị giá 40 triệu USD để gửi các hệ thống chống drone “Vampire” cho Ukraine vào giữa năm nay. Hệ thống Vampire bao gồm một bệ phóng tên lửa dẫn đường bằng laser có thể nhanh chóng được lắp đặt trên một chiếc xe tải dân sự. L3Harris cho biết họ sẽ cài đặt 14 bộ công cụ lên các phương tiện tiện ích mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Các bộ dụng cụ này cho phép lực lượng mặt đất của Ukraine tấn công các mục tiêu trên mặt đất cũng như máy bay không người lái mà Nga đang sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

    Xem thêm tại: Defense News, Pentagon awards $40M ‘Vampire’ contract for Ukraine’s drone defenses. Truy cập ngày 11/1/2023

    Đức, Pháp, Ba Lan sẽ viện trợ phương tiện chiến đấu cho Ukraine

    Pháp sẽ sớm đàm phán với Ukraine để sắp xếp việc cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép diệt tăng bánh lốp AMX-10 RC. AMX-10 RC là xe tăng hạng nhẹ được trang bị một pháo 105mm và hai súng máy. Loại xe này được thiết kế chủ yếu cho các nhiệm vụ trinh sát và có đủ giáp để bảo vệ chống lại vũ khí bộ binh hạng nhẹ. Chúng chạy bằng bánh xe chứ không phải bánh xích, giúp di chuyển tốt hơn so với xe tăng hạng nặng. Đức cũng sẽ viện trợ cho Ukraine 40 xe chiến đấu bộ binh Marder trước cuối tháng Ba. Xe chiến đấu bộ binh là một loại xe bọc thép được trang bị vũ khí hạng nặng được sử dụng để di chuyển binh lính xung quanh chiến trường. Nó thường được triển khai cùng với xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT). Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong chuyến thăm thành phố Lviv tuyên bố sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopards 2 trong khuôn khổ liên minh với các nước châu Âu khác và với sự đồng ý của Đức. Leopard 2 được coi là một trong những MBT được bảo vệ tốt nhất trên thế giới, đồng thời mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa hỏa lực và tính cơ động. Xe tăng Leopard 2A4 được trang bị pháo nòng trơn L44 120 mm do công ty Rheinmetall của Đức sản xuất.

    Xem thêm tại: Defense News, France eyes delivery of tank-killing vehicles to Ukraine. Truy cập ngày 6/1/2023; EI, Germany will send Marder infantry fighting vehicles to Ukraine, official says. Truy cập ngày 7/1/2023; Army Recog, Poland is ready to transfer up to 14 Leopard 2 tanks to Ukraine. Truy cập ngày 12/1/2023

    Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

    Trung Quốc tức giận khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

    Một tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Năm, một phần của hoạt động thường lệ  nhưng điều này đã khiến Trung Quốc nổi giận. Phía Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke Chung-Hoon đã thực hiện quá cảnh tại Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết con tàu đi theo hướng bắc qua eo biển, và các lực lượng của họ đã theo dõi hành trình của nó và không nhận thấy điều gì khác thường.

    Xem thêm tại: Reuters, U.S. warship sails through sensitive Taiwan Strait; China angered. Truy cập ngày 6/1/2023

    Trung Quốc phóng ba vệ tinh mới vào vũ trụ

    Trung Quốc đã gửi thành công ba vệ tinh mới vào không gian từ Địa điểm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh đảo Hải Nam vào thứ Hai. Các vệ tinh, Shijian-23, Shiyan-22A và Shiyan-22B, đã được phóng lên một phiên bản sửa đổi của tên lửa đẩy Trường Chinh-7 vào lúc 6:00 sáng (Giờ Bắc Kinh). Vệ tinh Shijian-23 chủ yếu được sử dụng cho các thí nghiệm khoa học và xác minh kỹ thuật, trong khi các vệ tinh Shiyan-22A và Shiyan-22B phục vụ các thử nghiệm xác minh trên quỹ đạo của các công nghệ mới như giám sát môi trường không gian. Vụ phóng là nhiệm vụ bay thứ 459 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh.

    Xem thêm tại: ChinaDaily, China launches three new satellites into space. Truy cập ngày 10/1/2023

    PLA điều 57 máy bay đến gần Đài Loan trong cuộc tập trận cường độ cao

    Quân đội Trung Quốc đã gửi 57 máy bay và 4 tàu chiến đến gần Đài Loan trong 24 giờ trước 6 giờ sáng thứ Hai, trong một hoạt động dường như là một phần của cuộc tập trận tác chiến chung của hải quân và không quân do Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của đại lục công bố hôm Chủ nhật. Mục đích của cuộc tập trận là kiểm tra năng lực tác chiến chung, đồng thời kiên quyết chống lại các hành động khiêu khích của các thế lực bên ngoài và lực lượng ly khai Đài Loan độc lập. Hai máy bay ném bom H-6 có khả năng hạt nhân và ba máy bay không người lái trinh sát BZK-005 cũng bị phát hiện đi vào vùng nhận dạng phòng không phía đông nam của Đài Loan. Đây là lần thứ hai PLA tổ chức tập trận cường độ cao gần đảo trong vòng chưa đầy một tháng.

    Xem thêm tại: SCMP, PLA sends 57 planes near Taiwan in high-intensity combat exercise. Truy cập ngày 10/1/2023

    Trung Quốc ‘gửi tín hiệu’ bằng cách triển khai các tàu tuần duyên lớn nhất gần Natuna của Indonesia

    Các chuyên gia hàng hải khu vực cho biết quyết định của Bắc Kinh gửi các tàu tuần duyên lớn nhất của họ đến tuần tra quần đảo Natuna của Indonesia là một nỗ lực nhằm “gửi một tín hiệu” đến khu vực khi nước này ngày càng trở nên hung hăng ở Biển Đông. Tuần trước, các báo cáo trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu cho biết tàu dẫn đầu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi qua vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, nằm ở phía bắc tỉnh Quần đảo Riau của Indonesia. CCG 5901, tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới, được cho là đã rời cảng Tam Á của Trung Quốc ở đảo Hải Nam vào ngày 16 tháng 12 và đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia vào ngày 30 tháng 12. Collin Koh, nghiên cứu viên thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết việc triển khai quân của Bắc Kinh chắc chắn là “để gửi một tín hiệu đến cả Indonesia và Việt Nam”. Ông Koh cho biết hiệp định này diễn ra khi cả Jakarta và Hà Nội đã hoàn tất quá trình đàm phán kéo dài 12 năm nhằm phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của họ ở Biển Đông, đồng thời lưu ý rằng hiệp định này là công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khí đốt của Indonesia sang Việt Nam, theo một thỏa thuận đã được thống nhất vào năm 2017.

    Xem thêm tại: SCMP, China ‘sending a signal’ by deploying largest coastguard vessels near Indonesia’s Natuna. Truy cập ngày 12/1/2023

    Trung Quốc nối lại đe dọa, cảnh báo Đài Loan độc lập sẽ bị ‘trừng phạt’

    Trung Quốc đã nhắc lại mối đe dọa tấn công Đài Loan từ lâu và cảnh báo rằng các chính trị gia nước ngoài tương tác với hòn đảo tự trị này đang “đùa với lửa”. Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư rằng Bắc Kinh đã cam kết trong năm mới sẽ “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” và “đập tan âm mưu giành độc lập cho Đài Loan”. Các chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan trong những tháng gần đây của các chính trị gia nước ngoài, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi và nhiều chính trị gia từ Liên minh Châu Âu, đã khiến Bắc Kinh tức giận và thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự lớn quanh Đảo của lực lượng Trung Quốc, mà Đài Bắc coi là một cuộc diễn tập cho cuộc xâm lược.

    Xem thêm tại: Al Jazeera,  China renews threat, warns Taiwan independence will be ‘punished’. Truy cập ngày 12/1/2023

    Đặc phái viên Đài Loan tại Nhật Bản chia sẻ quan điểm về chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản

    Đại diện Đài Loan tại Nhật Bản Frank Hsieh cho biết có lý khi Tokyo xác định Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với an ninh quốc gia của họ sau cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc vào tháng 8, là phản ứng trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Năm tên lửa đạn đạo do Trung Quốc phóng đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản vào ngày 4/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết vào thời điểm đó. Hsieh cho biết Bắc Kinh có thể dễ dàng bắn tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản với lý do tập trận quân sự. Đối với Nhật Bản, sự an toàn của người dân là rất quan trọng, vì vậy Trung Quốc tất nhiên là một mối đe dọa và đặt ra thách thức an ninh.

    Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan envoy to Japan shares views on Japan’s national security strategy. Truy cập ngày 7/1/2023

    Đài Loan bắt giữ các sĩ quan quân đội bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc

    Đài Loan đã bắt giữ ba sĩ quan tại ngũ và một sĩ quan Không quân đã nghỉ hưu bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc. Cựu sĩ quan này rời quân ngũ năm 2013 và bắt đầu kinh doanh ở Trung Quốc, nơi ông được tuyển dụng để xây dựng một đường dây gián điệp. Các công tố viên nghi ngờ ông đã tuyển dụng sáu sĩ quan và được trả từ 200.000 Đài tệ (6.510 USD) đến 700.000 Đài tệ thông qua một công ty bình phong. Ông ta và ba sĩ quan phục vụ trong Lực lượng Không quân và Hải quân đã bị giam giữ ở thành phố Cao Hùng, và ba sĩ quan tại ngũ khác đã được tại ngoại. Đài Loan nỗ lực loại bỏ hoạt động gián điệp trong lực lượng vũ trang của mình. Mỹ từ lâu cũng đã lo lắng về khả năng giữ bí mật công nghệ và các bí mật khác của hòn đảo tự trị này khỏi bàn tay của Bắc Kinh.

    Xem thêm tại: Bloomberg, Taiwan Holds Military Officers Suspected of Spying for China. Truy cập ngày 6/1/2023

    Nhật Bản dự định xây dựng mạng lưới kho đạn gần Đài Loan

    Các quan chức quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc kế hoạch xây dựng hàng chục kho đạn dược và vũ khí trên các hòn đảo xa xôi phía tây nam để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng Đài Loan tiềm tàng. Hiện tại, Nhật có khoảng 1.400 cơ sở lưu trữ đạn dược trên toàn quốc, nhưng 70% nằm ở đảo chính Hokkaido ở cực bắc nước này, cách các đảo của mình ở biển Hoa Đông hơn 2.000 km. Các kho mới sẽ được đặt tại Quần đảo Nansei, bao gồm Okinawa và kéo dài về phía Đài Loan từ mũi phía nam của đảo chính Kyushu ở cực nam của Nhật Bản. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ Kishida nhằm gia tăng khả năng chống lại các mối đe dọa đối với Nhật tại đảo Nansei.

    Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan nears plan for ammo storage network closer to Taiwan. Truy cập ngày 9/1/2023

    Nhật Bản mở rộng căn cứ quân sự trên đảo gần Đài Loan sau cuộc tập trận tên lửa của Trung Quốc

    Nhật Bản đang mở rộng căn cứ quân sự trên một hòn đảo nhỏ phía đông Đài Loan vài tháng sau khi tên lửa đạn đạo của quân đội Trung Quốc rơi gần bờ biển của họ vào năm ngoái, khiến người dân địa phương lo lắng trong bối cảnh căng thẳng quân sự trong khu vực ngày càng tồi tệ. Yonaguni, một tiền đồn xa xôi của tỉnh Okinawa phía nam Nhật Bản, nằm cách Đài Loan  và gần quần đảo Điếu Ngư khoa3nb 110km. Công tác mở rộng đang được tiến hành ở Yonaguni để mở rộng căn cứ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và triển khai một đơn vị tên lửa đất đối không tới đảo. Với sự hiện diện của các lực lượng Nhật Bản và sự gần gũi của hòn đảo với Đài Loan – khiến Yonaguni trở nên quan trọng về mặt chiến lược.

    Xem thêm tại: SCMP, Japan to expand island military base near Taiwan after China’s missile drills. Truy cập ngày 11/1/2023

    Nhật ký hiệp ước quốc phòng với Anh

    Nhật Bản và Anh có kế hoạch ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) khi Thủ tướng Fumio Kishida thăm Anh vào tuần tới. Hiệp ước sẽ thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của Lực lượng Anh và quân nhân Anh tại Nhật Bản. Theo đó, thỏa thuận quốc phòng này sẽ bãi bỏ yêu cầu kiểm tra nhập cảnh khi nhân viên ở lại quốc gia của nhau để tập trận chung hoặc mục đích khác và đơn giản hóa các thủ tục mang vũ khí và đạn dược, giúp dễ dàng tiến triển việc huấn luyện chỉ huy tổng quát. Cho đến hiện tại, Úc là quốc gia duy nhất mà Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận quốc phòng tương tự. Tokyo và London cũng đã tổ chức các cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của họ trong cái gọi là các cuộc đàm phán an ninh hai cộng hai. Ngoài ra, Nhật và Anh cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung có sự tham gia của SDF và quân đội Anh, dựa trên quan điểm chung rằng an ninh ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời.

    Xem thêm tại: Japan News, Japan, Britain to sign defense pact. Truy cập ngày 7/1/2023

    Mỹ và Nhật Bản cam kết hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn để chống lại sự phát triển kinh tế và quân sự nhanh chóng của Trung Quốc

    Các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và Nhật Bản hôm thứ Tư đã cam kết tăng cường quan hệ an ninh, mở rộng hợp tác trên không gian và tích hợp tốt hơn các hệ thống vũ khí và quân nhân khi căng thẳng gia tăng ở Đông Á và Nhật Bản trở nên mạnh mẽ hơn trong việc chống lại dấu ấn kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Cuộc họp của Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ-Nhật diễn ra khi Nhật Bản bắt tay vào việc củng cố lập trường quốc phòng mang tính lịch sử trước hội nghị thượng đỉnh vào thứ Sáu giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã ở London hôm thứ Tư, ký một hiệp ước quốc phòng song phương lớn với Anh để tạo điều kiện cho các cuộc tập trận quân sự chung dễ dàng hơn, trước khi bay tới Washington.

    Xem thêm tại: SCMP, US and Japan vow stronger security cooperation to counter China’s rapid economic and military growth. Truy cập ngày 12/1/2023

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines từ chức giữa tin đồn về tình trạng bất ổn quân sự

    Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Jose Faustino Jnr đã từ chức làm dấy lên suy đoán về tình trạng bất ổn quân sự mới. Marcos hôm thứ Bảy đã cắt ngắn nhiệm kỳ của tổng tham mưu trưởng quân đội, Trung tướng Bartolome Bacarro, người mà ông đã bổ nhiệm cách đây 5 tháng, và thay thế bằng một vị tướng sắp nghỉ hưu mà không giải thích về động thái bất ngờ này. Việc ông Bacarro đột ngột bị sa thải đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng phục hồi của quân đội sau khi cảnh sát quốc gia đặt trong tình trạng báo động vào cuối tuần.

    Xem thêm tại: SCMP, Philippine defence chief resigns in latest security shake-up amid military unrest speculation. Truy cập ngày 10/1/2023

    Triều Tiên đang phát triển HIMARS cho tên lửa hạt nhân

    Triều Tiên đang phát triển một hệ thống tên lửa phóng nhiều lần 600mm khổng lồ có thể tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật với tên gọi KN-25. Để so sánh, hệ thống HIMARS của Mỹ có thể bắn tổng cộng sáu quả đạn tên lửa 227mm phóng loạt dẫn đường có tầm bắn 43 dặm hoặc một tên lửa thuộc hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội 610mm, với tầm bắn lên đến 186 dặm. Các hình ảnh cho thấy dường như mỗi bệ phóng KN-25 có thế mang tối đa tới sáu tên lửa. Nếu KN-25 có thể mang vũ khí hạt nhân, thì mỗi tên lửa sẽ có thể bay tới 250 dặm, đồng nghĩa với việc những hệ thống vũ khí này có khả năng gây sát thương lớn hơn nhiều so với các loại vũ khí hạt nhân chiến trường được quân đội Mỹ trang bị trong quá khứ.

    Xem thêm tại: T&P, North Korea is developing a HIMARS for nuclear missiles. Truy cập ngày 6/1/2023

    Ấn Độ, Anh tổ chức tập trận hải quân ngoài khơi Andaman & Nicobar

    Với việc Trung Quốc áp dụng lập trường hung hăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hải quân của Ấn Độ và Anh sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung ngoài khơi quần đảo Andaman và Nicobar trong 5 đến 6 ngày tới. HMS Tamar là một trong hai tàu Hải quân Hoàng gia được triển khai thường trực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như được nêu trong Đánh giá tích hợp của Anh. Chuyến thăm của con tàu tới Ấn Độ là cơ hội để tăng cường hơn nữa nỗ lực nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải chung, đồng thời nhấn mạnh ý định hợp tác của Anh và Ấn Độ trong Khu vực Ấn Độ Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

    Xem thêm tại: Daily Pioneer,  India, UK to hold naval drills off A&N. Truy cập ngày 7/1/2023

    Các cuộc không kích gần biên giới Ấn Độ khi quân đội Myanmar ném bom phiến quân

    Chính quyền quân sự của Myanmar đã tiến hành các cuộc không kích vào căn cứ của một nhóm vũ trang sắc tộc gần biên giới với Ấn Độ, phiến quân và phương tiện truyền thông cho biết hôm thứ Tư, với một quả bom rơi gần ranh giới quốc tế. Vụ đánh bom của năm máy bay phản lực vào tối thứ Ba đã giết chết năm chiến binh tại trụ sở của Mặt trận Quốc gia Chin (CNF). Nhưng cảnh sát Ấn Độ cho biết quả bom đã thực sự rơi thẳng xuống lòng sông cạn ở cột mốc ranh giới quốc tế.

    Xem thêm tại: SCMP, Air strikes near India border as Myanmar junta bombs rebels. Truy cập ngày 12/1/2023

     

    Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

    Thông tin tình báo Anh có thể đã bị ‘điệp viên hai mang’ người Đức tuồn cho Nga

    Thông tin tình báo Anh có thể đã bị tuồn cho Nga bởi một điệp viên hai mang người Đức. Các giám đốc gián điệp của Anh rất tức giận về vụ việc và một nhân vật cấp cao trong Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) Carsten L đã bị bắt vì tội phản quốc vào tháng 12. Phía Đức tin rằng người này chịu trách nhiệm tuồn thông tin chiến trường nhạy cảm từ cuộc chiến Ukraine cho người Nga. Vụ việc có thể sẽ có “những hệ lụy sâu sắc” đối với sự hợp tác trong tương lai giữa BND và các cơ quan gián điệp phương Tây khác trong thời gian tới.

    Xem thêm tại: Telegraph, British intel may have been leaked to Russia by German ‘double-agent’. Truy cập ngày 8/1/2023

    Na Uy hộ tống khinh hạm trang bị tên lửa Zircon của Nga tới Địa Trung Hải

    Na Uy đang theo dõi tàu khu trục nhỏ Đô đốc Gorshkov của Nga khi nó đang di chuyển gần bờ biển Na Uy để thực hiện các nhiệm vụ trên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Biển Địa Trung Hải. Đô đốc Gorshkov là tàu chiến đầu tiên của Nga triển khai hệ thống tên lửa siêu thanh Zircon trên tàu đi qua vùng biển Na Uy. Bộ Quốc phòng Na Uy lưu ý rằng họ biết về hải trình của con tàu và đang theo dõi bằng máy bay giám sát hàng hải P-3 và các tàu Hải quân Hoàng gia Na Uy. Tàu Đô đốc Gorshkov đã hỗ trợ thử nghiệm tên lửa Zircon với tầm bắn 1.000 km, tên lửa này sẵn sàng được trang bị cho các tàu chiến mặt nước cũng như tàu ngầm trong giai đoạn thử nghiệm trên biển.

    Xem thêm tại: Defbrief, Norway escorting Russia’s Zircon missile-equipped frigate sailing to the Mediterranean. Truy cập ngày 7/1/2023

    Thụy Điển cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng, phòng thủ mạng dưới sự lãnh đạo của EU

    Chính phủ liên minh của thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã xác định, nhất quán về mục đích, tăng cường năng lực và khả năng sẵn sàng phòng thủ của châu Âu là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine, Thụy Điển ủng hộ các giải pháp có thể thúc đẩy phòng thủ tập thể ở châu Âu bằng cách sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự của đồng minh không chỉ được sản xuất tại EU mà còn theo các thỏa thuận mua sắm chung. Thụy Điển đang sử dụng la bàn chiến lược của EU, được thiết kế để cung cấp đánh giá mối đe dọa chiến lược chung về những thách thức mà toàn khối phải đối mặt.

    Xem thêm tại: Defense News, Sweden vows to push defense collaboration, cyber defense at EU helm. Truy cập ngày 8/1/2023

    Ba Lan đặt mua thêm xe tăng Abrams

    Bộ trưởng QP Ba Lan Mariusz Błaszczak đã ký thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD để mua thêm xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất. Thỏa thuận bao gồm việc cung cấp 116 xe tăng M1A1 ABRAMS, cùng với các thiết bị đi kèm, bao gồm 12 xe sửa chữa M88A2 HERCULES, 8 hệ thống M1074 Cầu tấn công hỗn hợp di động , 6 xe chỉ huy M577 và các thiết bị khác. Khả năng chiến đấu của Xe tăng M1 Abrams đã được chứng minh và hiện đang đóng vai trò là xe tăng chủ lực của Quân đội Mỹ. M1 Abrams ​​sẽ tăng cường đáng kể an ninh khu vực và khả năng liên minh.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Poland orders more Abrams tanks. Truy cập ngày 8/1/2023

    Máy bay không người lái bị bắn hạ ở căn cứ không quân Ain al-Asad của Iraq

    Các hệ thống phòng thủ tại căn cứ không quân Ain al-Asad của Iraq, nơi Mỹ đóng quân, đã bắn hạ một máy bay không người lái gần căn cứ vào Chủ nhật nhưng các nguồn tin giữa quân đội Iraq và liên minh do Mỹ dẫn dắt xung đột với nhau về vụ việc. Liên minh quân sự quốc tế do Mỹ lãnh đạo cho biết mình đã tiến hành “một cuộc diễn tập tác chiến có liên quan đến việc sử dụng Hệ thống máy bay không người lái” tại căn cứ Ain al-Asad. Phía quân sự Iraq cho rằng chiếc máy bay không người lái có thể có mục đích thù địch, không rõ liệu nó có đang thực hiện nhiệm vụ giám sát hay liệu nó có mang theo bất kỳ chất nổ nào hay không.

    Xem thêm tại: Reuters, Drone shot down over Iraq’s Ain al-Asad air base. Truy cập ngày 9/1/2023

    Mỹ áp lệnh trừng phạt mới nhắm vào nguồn cung drone của Iran cho Nga

    Mỹ hôm thứ Sáu đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các nhà cung cấp drone của Iran được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với sáu giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị của Công ty Công nghiệp Hàng không Qods (QAI), vốn nhà sản xuất quốc phòng chủ chốt của Iran chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất drone. Các biện pháp trừng phạt hôm thứ Sáu phản ánh những lo ngại của Mỹ về hợp tác quân sự giữa Iran và Nga và việc Nga sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công Ukraine.

    Xem thêm tại: Reuters, New U.S. sanctions target supply of Iranian drones to Russia. Truy cập ngày 7/1/2023

    Ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở châu Phi mở rộng sang bán vũ khí

    Do cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng quốc phòng và an ninh trên khắp châu Phi – một xu hướng có thể xâm nhập vào thị phần của Nga. Bên cạnh việc xuất khẩu vũ khí sang các nước châu Phi, Trung Quốc đã xuất khẩu các nhà thầu an ninh và quân sự tư nhân (PMSC) để bảo vệ các cơ sở khai thác, cảng và đường sắt – những dự án được tài trợ thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

    Xem thêm tại: SCMP, China’s growing influence in Africa extends to arms sales, report says. Truy cập ngày 10/1/2023

    Mỹ tạm dừng dẫn độ con trai ‘El Chapo’ sau khi 29 người thiệt mạng trong chiến dịch truy bắt

    Một thẩm phán liên bang ở Thành phố Mexico đã tạm dừng việc dẫn độ con trai của Joaquin “El Chapo” Guzmán, người được cho là thủ lĩnh băng đảng ma túy Ovidio Guzmán, sang Mỹ vào thứ Sáu, một ngày sau khi anh ta bị bắt trong một chiến dịch căng thẳng ở miền bắc Mexico dẫn đến cái chết của nhiều người. 29 người. Vụ bắt giữ gần đây nhất của anh ta diễn ra vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến thăm Thành phố Mexico để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ.

    Xem thêm tại: CNN, Extradition of ‘El Chapo’ son to the US halted after 29 killed in arrest operation. Truy cập ngày 8/1/2023

    Mỹ thuyết phục Anh phê duyệt máy bay chiến đấu F-16 cho Argentina trong bối cảnh có báo cáo về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Nam Mỹ

    Một viện nghiên cứu của Học viện Hải quân Mỹ (USNI), đã công bố một báo cáo vào tháng 8 năm ngoái về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Argentina thông qua thương mại, tài chính và sức mạnh. Báo cáo bày tỏ lo ngại rằng sự gần gũi ngày càng tăng giữa hai nước có thể biến thành quan hệ quân sự khi Buenos Aires đã quyết định tham gia với Trung Quốc để đánh giá JF-17 Thunder của Trung Quốc-Pakistan như một lựa chọn khả thi để tăng cường sức mạnh không quân của mình. Thêm vào đó, báo cáo cũng đề cập đến chính sách an ninh hậu Chiến tranh Falklands của Anh kéo theo rủi ro đẩy Argentina xích lại gần Trung Quốc và đề xuất đầu tư hợp tác an ninh chung giữa Anh và Argentina.

    Xem thêm tại: Eurasian Times, US Convincing UK To Approve F-16 Fighters To Argentina Amid Reports Of Chinese Military Base In South America. Truy cập ngày 8/1/2023

     

    Chuyên mục Phân tích:

    Chúng ta biết gì về xe chiến đấu Bradley?

    Mỹ đã hứa sẽ viện trợ cho Ukraine xe chiến đấu bọc thép Bradley khi Washington tìm cách gia tăng nỗ lực của Kyiv trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ngoài ra, Mỹ sẽ viện trợ thêm xe chống mình chống tập kích hạng nhẹ (MRAP) và các loại khí tài khác như xe chở lính, tên lửa đất đối không, đạn dược và pháo tự hành. Thêm vào đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine 40 xe bọc thép Marders trong một tuyên bố chung với tổng thống Joe Biden. Vậy xe bọc thép Bradley có gì? Về cấu tạo, Bradley là một xe bọc thép hạng trung có bánh xích được trang bị súng 25mm với trọng lượng khoảng 36 tấn và có thể di chuyển ở vận tốc khoảng 61 km/h. Xe Bradley được vận hành bởi một đội gồm ba người và tùy thuộc vào phiên bản mà có thể chở bảy binh sĩ tham chiến. Ngoài ụ súng, nó còn có thể mang bệ phóng tên lửa dẫn đường không dây phóng bằng ống (TOW) có khả năng chống tăng. Liệu phương tiện chiến đấu của Mỹ có khác gì so với Đức và Pháp? Tương tự với Bradley, xe trinh sát bọc thép cơ động cao có bánh xe AMX-10 RC của Pháp được trang bị súng 105mm và có thể chứa đội vận hành đến bốn người. Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức được trang bị súng 20mm và vũ khí chống tăng bộ binh hạng nhẹ (MILAN), có đội vận hành ba người và có thể chở được năm đến sáu khi tham chiến. Thời gian vận chuyển tùy thuộc vào phương thức vận chuyển, nếu bằng đường thủy thì sẽ mất vài tuần, nếu bằng đường bộ với các xe có tại châu Âu thì thời gian sẽ được rút ngắn. Nhưng tại sao Ukraine lại yêu cầu loại xe này? Ukraine muốn sử dụng tên lửa TOW gắn trên Bradley kết hợp với xe tăng của mình như một phần của đội cơ giới với vũ khí kết hợp, đây là một chiến thuật chiến đấu tiên tiến Ukraine sẽ được huấn luyện trong những tuần sắp tới. Cuối cùng, vẫn chưa rõ liệu xe tăng mà Ukraine như M1 Abrams xe đến sau đợt xe Bradley hay không do phía NATO không sẵn sàng gửi chúng vì lo sợ sẽ làm leo thang cuộc chiến.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, What is the Bradley Fighting Vehicle? Truy cập ngày 7/1/2023

    Vì sao “đầu bếp” của Putin lại muốn vùng Soledar của Ukraine đến vậy?

    Đối với các nhà phân tích, nếu Moscow có thể chiếm Soledar, một thị trấn sản xuất muối phía đông nam chiến trường Ukraine, thì đây sẽ là một phần thưởng chiến thắng an tủi nỗ lực quân sự thất bại của Nga. Đối với Điện Kremlin và các phe ủng hộ Nga, việc chiếm thị trấn với dân số trước chiến tranh gần 10.000 người sẽ là một chiến thắng đột phá. Và đối với Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner của Nga và là “đầu bếp” của Putin, Soledar cho phép tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, một kho vũ khí và một vị trí cao hơn trong trật tự phân cấp của Điện Kremlin. Bất chấp vô số cuộc tấn công, pháo kích và tổn thất hàng nghìn binh sĩ được báo cáo, bao gồm các chiến binh được tuyển mộ từ các nhà tù của Nga, lính dự bị mới được huy động và những người lính bị ép nhập ngũ từ các khu vực do quân ly khai kiểm soát ở Ukraine, Tập đoàn Wagner đã thất bại trong việc chiếm Bakhmut một cách dứt khoát. Thất bại này đặc biệt đáng xấu hổ sau một loạt các thất bại và rút lui kéo dài hàng tháng của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine đã làm nổi bật điều mà một số nhà quan sát coi là một lực lượng Nga vô tổ chức, phối hợp kém và có sĩ khí kém. Do đó, thứ Moscow cần là một chiến thắng, chí ít là một chiến thắng có thể được thổi phòng trên báo đài do Nga kiểm soát nếu không phải là một chiến thắng mang tính chiến lược. Ngoài ra, thị trấn Soledar cũng là một địa điểm chủ chốt trong việc bao vây Bakhmut. Nhưng những gì bên dưới và xung quanh vựa muối cũng giải thích tại sao Prigozhin của Wagner lại khao khát kiểm soát thị trấn và độc chiếm nó trong mắt Điện Kremlin. Muối hấp thụ nước và ngăn rỉ sét, và Moscow bắt đầu chất vào mỏ những vũ khí chiến lợi phẩm của Đức Quốc xã và hàng trăm nghìn vũ khí nhỏ của Liên Xô vào cuối những năm 1950. Trước chiến tranh, vựa muối này cung cấp khoảng 90% muối cho toàn Ukraine, và các cuộc chiến xung quanh thị trấn đã khiến giá tăng đột biến. Thêm vào đó, các vùng lân cận của thị trấn cũng rất giàu thạch cao tuyết hoa, loại đất sét có giá trị để làm đồ gốm và than đá và Prigozhin có lợi ích kinh doanh ngoài việc duy trì một đội quân tư nhân.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Why does ‘Putin’s chef’ want Ukraine’s Soledar so badly? Truy cập ngày 12/1/2023

    Nếu Mỹ, Trung Quốc và Đài Bắc tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng, chiến tranh sẽ là điều tất yếu

    Năm 2022 là một năm khó khăn đối với Trung Quốc. Đại dịch Covid và những thay đổi về lãnh đạo ĐCS Trung Quốc làm gia tăng thêm sự bất định. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất năm qua mà Trung Quốc phải đối mặt là cuộc khủng hoảng gây ra bởi chuyến thăm Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. So với ba vấn đề áp lực trên, Đài Loan là một vấn đề mang tính lịch sử. Trong khi tranh cãi pháp lý xung quanh vị thế của Đài Loan vẫn tiếp diễn, các thế lực chính trị đằng sau vấn đề Đài Loan đã lớn mạnh và quyết đoán hơn trong những năm gần đây. Một mặt, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và là một cường quốc quân sự hàng đầu. Mặt khác, Đài Loan không chỉ phát triển thành xưởng lắp ráp chip lớn nhất thế giới nhưng còn được dẫn dắt bởi đảng chính trị chống đối việc tái thống nhất. Hơn nữa, Mỹ đã duy trì vị thế của mình là nền kinh tế lớn nhất thế giới và siêu cường quân sự duy nhất trong khi đặt Trung Quốc là ưu tiên lớn nhất của mình. Kết quả là, cho dù Trung Quốc có vượt qua được ba thách thức kể trên vào năm 2023, vấn đề Đài Loan vẫn được dự đoán sẽ trở lại đáng báo động hơn. Trước tiên, Đài Loan đã kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự từ 4 tháng lên 1 năm và gia tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2023 với 19 tỷ USD, tăng 13.9% so với năm ngoái. Trùng hợp thay, trước khi Đài Loan gia tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự bốn ngày, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật phân bổ hợp nhất trong đó cung cấp cho Đài Bắc gói vay trị giá 2 tỷ USD thông qua Chương trình tài trợ quốc phòng nước ngoài. Dù gói cho vay này không quá to tát so với 45 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nó vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với Đài Loan khi ngân sách quốc phòng của hòn đảo trong năm 2023 chỉ có 19 tỷ USD. Quan trọng hơn, động thái này có thể biểu tượng hóa một sự can thiệp bình thường mới và sâu hơn của Mỹ vào vấn đề quốc phòng của Đài Loan. Đáp trả lại các động thái này của Đài Bắc và Washington, Bắc Kinh điều động kỷ lục 71 máy bay chiến đấu xung quanh Đài Loan, thực hiện hàng loạt các cuộc tập trận sau chuyến thăm của bà Pelosi và gần đây nhất là việc tàu sân bay Liêu Ninh và phi đội tấn công tập trận gần lãnh thổ của Mỹ tại đảo Guam, có vị trí trung tâm tại chuỗi đảo thứ hai. Về ngân sách quốc phòng năm nay, Mỹ giữ vị trí thứ nhất với 857.9 tỷ USD và Trung Quốc thứ hai với 210 tỷ USD. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại phải làm ầm lên vấn đề này? Không phải chúng ta đã quá quen với sự lên xuống trong quan hệ giữa Mỹ-Trung trong quá khứ rồi sao? Chẳng phải từ lâu chúng ta đã tin rằng có thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên Đài Loan, với ý chí chính trị và sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ cản trở nền độc lập của Đài Loan sao? Sẽ không có xung đột vũ trang trên eo biển Đài Loan khi và chỉ khi việc Đài Loan độc lập trở thành hiện thực, bất kể điều đó có được tuyên bố hay không. Cuối cùng, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy việc chạy đua vũ trang và các cuộc đối đầu ngày càng thường xuyên xung quanh Đài Loan nói riêng và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung sẽ sớm chậm lại.

    Xem thêm tại: SCMP, War over Taiwan could be inevitable as US, China and Taipei boost military spending. Truy cập ngày 6/1/2023.

    Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tái định hình trật tự an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như thế nào?

    Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang kích động hệ thống an ninh do Mỹ dẫn đầu tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gia tăng chi tiêu quân sự của khu vực. Vậy sự chuyển dịch này ảnh hưởng thế nào đến sự ổn định toàn cầu? Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Đại hội Đảng thứ 20 rằng đất nước của ông nhắm đến việc đứng đầu thế giới về sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế đến năm 2049. Tuyên bố mới của Trung Quốc về vai trò lãnh đạo toàn cầu là “thách thức thực sự” đầu tiên đối với cấu trúc an ninh hiện tại của châu Á. Trước nhất, hệ thống liên minh chuyển tiếp (hub-and-spoke) của Mỹ đã là trọng tâm của cấu trúc an ninh châu Á trong gần bảy thập kỷ. Theo đó, Mỹ là trung tâm của hệ thống trong khi Nhật, Hàn, Philippines, và Úc được gọi là guồng quay chuyển tiếp. Ngoài ra, Washington cũng có quan hệ đối tác an ninh với một số quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả mối quan hệ đặc biệt với Đài Loan. Mối quan quan hệ Mỹ-Đài được điều chỉnh bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 với quy định rằng bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan thông qua các biện pháp cưỡng chế phải được coi là gây ra mối đe dọa đối với Mỹ đồng thời cho phép Washington cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Bắc. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn tránh tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào, ngoại trừ mối quan hệ lịch sử với Triều Tiên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã củng cố quan hệ đối tác an ninh với Nga, Campuchia, Lào, Iran và Pakistan. Ngoài hai mạng lưới an ninh này, còn có những đối tác khác tại châu Á được thiết kế nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Ví dụ như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hay Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Để đối phó với thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự bất ổn địa chính trị ngày càng tăng, các quốc gia như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã công bố các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới. Nổi bật nhất là Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đã gắn chặt thêm mối quan hệ giữa các quốc gia này trong những năm gần đây. Thêm vào đó, còn một loạt các thỏa thuận hợp tác và quan hệ đối tác song phương chủ yếu khác, như cuộc tập trận quân sự Samudra Shakti giữa hải quân Indonesia và Ấn Độ. Ngoài ra còn có cái gọi là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam có với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Về vấn đề lợi ích, các nghiên cứu cho thấy các chủ thể khác nhau có lợi ích và tầm nhìn khác nhau đối với việc tái thiết trật tự an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng nhìn chung, mục tiêu của Mỹ và đồng minh của mình là ngăn chặn các yêu sách địa chính trị của Trung Quốc và chia sẻ gánh nặng của việc đó với nhiều bên tham gia.

    Xem thêm tại: DW, How China’s rise is reshaping Indo-Pacific security order. Truy cập ngày 6/1/2023

    Liệu việc Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ có quá trễ hay quá thiếu sót?

    Trong khi nhiều người Đài Loan bình thường vẫn phủ nhận mối đe dọa đang gia tăng của Trung Quốc, hầu hết các nhà lãnh đạo của hòn đảo đã nhận thức được mối nguy hiểm và đang hành động để ngăn chặn nó cách muộn màng. Việc máy bay Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, con số này đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022 và tiếp tục ở mức báo động trong năm mới. Những cuộc xâm nhập như vậy có mục đích nhằm nhắc nhở Đài Loan rằng họ đang phó mặc cho Bắc Kinh và chúng phục vự như cuộc diễn tập cho một cuộc tấn công trong tương lai. Phần đông người Đài Loan trông chờ vào việc Mỹ sẽ đến viện trợ trong một cuộc chiến dù Washington từ lâu đã duy trì chính sách “nhập nhằng chiến lược” khiến cho việc tham chiến của Mỹ tại hòn đảo này không rõ ràng. Thêm vào đó việc chứng kiến cuộc chiến tại Ukraine đã thuyết phục các quan chức Đài Loan rằng để có thể có được sự hỗ trợ quốc tế, Đài Bắc cần phải thể hiện khả năng và ý muốn tự mình ngăn chặn một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Đài Loan đang đối phó với mối nguy hiểm ngày càng tăng bằng cách thực hiện các bước chậm trễ để xây dựng hệ thống phòng thủ của mình. Đài Bắc đang tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2023 lên 13,9%, mở rộng nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm và mua các hệ thống vũ khí tiên tiến như tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không Stinger và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) từ Mỹ. Nhưng khác với Ukraine, Đài Loan với dân số và diện tích khu vực nhỏ hơn vẫn còn một chặng đường rất dài để có thể ngăn chặn một mối đe dọa quân sự từ một quốc gia đông dân và mạnh hơn Nga. Ngoài việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và tuyển thêm lính nghĩa vụ, Đài Loan cũng phải thay đổi cơ cấu quân đội của mình. Các lực lượng vũ trang Đài Loan có quan điểm rất truyền thống, chỉ dựa vào các tàu mặt nước, xe tăng và máy bay chiến đấu thì khó có thể sống sót trước một loạt tên lửa của Trung Quốc. Theo sự thúc giục của Washington, Đài Loan đang cố gắng chuyển hướng đến một “chiến lược bất đối xứng”, trong đó sử dụng tên lửa của chính mình để chống lại một cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc. Nhưng nhiều hệ thống mà Đài Loan muốn có từ Mỹ, chẳng hạn như HIMARS và Stingers, có thể mất nhiều năm để chuyển giao vì năng lực sản xuất hạn chế đang được ưu tiên cho Ukraine. Ngoài nhu cầu về vũ khí hạng nặng mới sẽ mất nhiều năm để đạt được là nhu cầu đào tạo mới, tổ chức mới và học thuyết mới để sử dụng hiệu quả nhất tất cả các hệ thống mới này. Câu hỏi đặt ra là liệu Đài Loan có đủ thời gian để chuẩn bị hay không. Đài Loan và Trung Quốc đang chạy đua hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình và PLA với tài trợ tốt hơn đang chiến thắng. Đài Loan cho rằng thành công của Ukraine trong cuộc chiến chống lại người Nga và thu hút được sự ủng hộ của quốc tế sẽ khiến Tập Cận Bình tạm hoãn việc phát động một cuộc xâm lược với nhiều rủi ro. Nhưng ông Tập cũng có thể rút ra một bài học đáng báo động từ cuộc chiến hiện nay: Kho vũ khí hạt nhân của Nga đang ngăn cản Mỹ gửi lực lượng của mình đến hỗ trợ Ukraine. Có lẽ điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không mạo hiểm chiến tranh với Trung Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân vì số phận của Đài Loan?

    Xem thêm tại: Washington Post, Taiwan is finally beefing up its defenses. Will it be too little, too late? Truy cập ngày 10/1/2023

    Hàn Quốc sẽ có vai trò gì tại eo biển Đài Loan?

    Mỹ mong đợi Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì ổn định khu vực khi quân đội Hàn đã ngày càng lớn mạnh hơn. Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng trong một tình huống bất ngờ nào đó xảy ra ở eo biển Đài Loan, thì Hàn Quốc chắc chắn sẽ có vai trò hỗ trợ cho hòn đảo này. Trên thực tế, đã có những tiền lệ quan trọng như việc Hàn Quốc hỗ trợ quân sự cho các nỗ lực chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và Iraq, đồng thời lực lượng không quân và hải quân của Hàn cũng có thể được triển khai tới eo biển Đài Loan để trợ chiến cho Mỹ. Nhưng sự tham gia quân sự của Hàn Quốc chắc chắn sẽ kích hoạt việc trả đũa của Trung Quốc. Trung Quốc đã thể hiện mô hình “giết gà dọa khỉ” khi đối đầu với nhiều bên chơi, như đã thấy ở Biển Đông. Trong trường này, Hàn Quốc chính là gà khi Trung Quốc ám chỉ rằng Seoul là “mắt xích yếu nhất” trong hệ thống liên minh của Mỹ tại Đông Á. Theo đó, tên lửa của Trung Quốc có thể dễ dàng phóng tới các căn cứ của Hàn, và Hải quân-Lục quân PLA sẽ chặn hay tấn công tàu hải quân Hàn tại Hoàng Hải ngay trước khi chúng kịp đến eo biển Đài Loan. Mặt khác, các hành động khiêu khích quân sự đồng thời của Triều Tiên cũng có thể giúp Trung Quốc phân chia khí tài quân sự của Mỹ giữa eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Có lẽ vì những lý do này, chính phủ Hàn Quốc đã thận trọng trong việc làm rõ vai trò tiềm năng của mình trong một kịch bản bất ngờ ở Đài Loan. trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở Eo biển Đài Loan vào tháng 12 năm 2021, thì Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ rằng không có cuộc thảo luận nào giữa hai chính phủ về vai trò của Hàn Quốc trong trường hợp bất ngờ ở Đài Loan. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ đó là công chúng Hàn sẵn sàng ủng hộ sự đóng góp tích cực của Hàn đối với việc phòng thủ Đài Loan. Theo nhiều khảo sát cho thấy, con số ủng hộ việc Hàn tham gia vào các vấn đề quân sự tại eo biển Đài Loan trong trường hợp bất ngờ luôn cao hơn, ví dụ như 64,5% người đồng tình rằng Hàn nên hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Đài Loan trong khi 42% người cho rằng vai trò của Hàn trong trường hợp này nên bị hạn chế. Do khả năng trả đũa của Trung Quốc và các hành động khiêu khích mang tính cơ hội của Triều Tiên trên Bán đảo, sự tham gia trực tiếp của Hàn Quốc vào các hoạt động chiến đấu rất có thể sẽ tạo ra hai mặt trận khủng hoảng. Do đó, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, trọng tâm chính của Hàn Quốc nên là ngăn chặn sự xâm lược của Triều Tiên đồng thời hỗ trợ hậu phương cho các hoạt động của Mỹ, ví dụ như thông qua tiếp cận căn cứ, cung cấp đạn dược, sơ tán phi chiến đấu và các hoạt động phi chiến đấu khác chẳng hạn như bảo trì hệ thống vũ khí và tăng cường khả năng trinh sát của Mỹ.

    Xem thêm tại: Asia Times, South Korea would play role in a Taiwan contingency. Truy cập ngày 7/1/2023

    Hàn Quốc có nguy cơ mất đi nền tảng đạo đức với sự trả đũa ăn miếng trả miếng với Triều Tiên

    Việc 5 máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc gần đây đã khiến người dân Hàn Quốc tức giận và kêu gọi hành động trả đũa. Mong muốn đáp trả khi bị đe dọa là điều dễ hiểu, nhưng có một vấn đề lớn ở đây: các quy tắc tham gia trong hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên (CTTT) không cho phép trả đũa, trả thù hoặc trừng phạt như một phần của hành vi tự vệ. Điều này có nghĩa là, bằng cách đáp trả những hành vi vi phạm Hiệp định Đình chiến trong CTTT của Triều Tiên bằng các phản ứng ăn miếng trả miếng, Hàn Quốc có nguy cơ tự mình vi phạm thỏa thuận. Và mặc dù người dân Hàn Quốc có quyền lựa chọn con đường đó, nhưng để làm như vậy thì phải trả giá bằng việc đánh mất nền tảng đạo đức cao, điều rất quan trọng đối với sự hỗ trợ quốc tế. NATO định nghĩa các quy tắc tham gia (ROE) là các chỉ thị cho các lực lượng quân sự, bao gồm cả các cá nhân, việc xác định hoàn cảnh, điều kiện, mức độ và cách thức mà lực lượng hoặc các hành động có thể được hiểu là khiêu khích có thể được áp dụng. Đơn giản hơn, nó phác thảo những gì những người lính chiến đấu trong một cuộc chiến có thể và không thể làm. Chiến tranh Triều Tiên chưa bao giờ chính thức kết thúc và hiệp định đình chiến kết thúc chiến tranh tích cực vẫn còn hiệu lực. Theo hiệp định đình chiến, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC)/Bộ Tư lệnh Lực lượng Phối hợp (CFC) Quy định 525-4 — với tiêu đề Quy tắc Tham gia Đình chiến (AROE) — chi phối hành động của các lực lượng chiến đấu ở phía nam Đường Phân giới Quân sự. Phần quan trọng nhất của AROE là sử dụng vũ lực. Khi sử dụng vũ lực, người ta phải cân nhắc ý định, sự cần thiết và tính tương xứng. Nếu một người lính địch được trang bị vũ khí và tiến về phía bạn, đó là một hành động thù địch, nhưng nếu kẻ thù đang nhắm vũ khí vào bạn, thì đó là một hành động có ý định thù địch. Sau đó, một người lính phải quyết định xem có cần phải bắn kẻ thù hay không trước chính mình bị bắn. Trên thực tế, AROE nhấn mạnh quyền tự vệ trên nhiều trang, bằng chữ in đậm và rõ ràng. Điều mà các quy tắc không dung thứ là các hành động leo thang và sử dụng vũ lực như một sự suy nghĩ muộn màng hoặc để trả thù. Những lý do chính mà công chúng coi AROE là một lực cản đối với chủ quyền quốc gia của họ là do có quá nhiều hoặc quá ít niềm tự hào dân tộc, và những trường hợp các chỉ huy hèn nhát của Hàn Quốc đã sử dụng AROE như một cái cớ để không thực hiện các hành động cứng rắn hơn. Trong khi chính quyền Moon chiều chuộng Triều Tiên, tìm mọi cách để tránh thách thức Bình Nhưỡng, thì chính quyền Yoon đang nỗ lực tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự trước các mối đe dọa của Triều Tiên. Thật không may, nó đang làm như vậy theo cách nhấn mạnh các phản ứng ăn miếng trả miếng và thậm chí vi phạm thỏa thuận đình chiến, góp phần làm gia tăng căng thẳng. Bên cạnh việc CHDCND Triều Tiên có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ngay cả khi Hàn Quốc giết tới 1.000 người Triều Tiên để đáp trả một hành động khiêu khích, Bình Nhưỡng có khả năng kiểm soát truyền thông của mình và có thể che giấu kết quả này. Nhưng ở Hàn Quốc, quân đội và chính phủ sẽ phải giải thích về số ca tử vong ít hơn nhiều và biện minh cho phản ứng của mình với người dân Hàn Quốc. Nếu đó là kết quả của những hành động vượt ra ngoài phạm vi tự vệ, Seoul cũng sẽ phải giải thích về thiệt hại nhân mạng này với các đồng minh của mình.

    Xem thêm tại: NK News, Seoul risks losing moral high ground with tit-for-tat retaliation to North Korea. Truy cập ngày 7/1/2023

    https://nghiencuuquocte.org/2023/01/13


    Không có nhận xét nào