Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 27 tháng 01 năm 2023

    Anh đột kích đường dây buôn người ở London, phát hiện 3 nạn nhân người Việt

    26/01/2023



    Cảnh sát quận Essex, Anh, phát hiện một ngôi nhà có trồng 500 cây cần sa hôm 1/2/2022. Anh là một trong những quốc gia điểm đến lớn nhất của các nạn nhân buôn người từ Việt Nam.

    Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia (NCA) của Anh vừa thực hiện một loạt các cuộc đột kích trên khắp London và phát hiện 3 người Việt có thể là nạn nhân buôn người, còn gọi là nô lệ thời hiện đại.

    Đây là một phần của cuộc điều tra về một nhóm tội phạm có tổ chức bị nghi ngờ sử dụng nạn nhân buôn người để vận hành các trang trại cần sa.

    Ba người đàn ông đã bị bắt vào sáng 25/1 vì tình nghi phạm tội buôn người và sản xuất cần sa.

    Các vụ đột kích diễn ra sau một chiến dịch vào tháng 4/2022 khi NCA phát hiện ra một trang trại cần sa khổng lồ hoạt động bên ngoài một nhà máy ở Stroud, Gloucestershire.

    Cảnh sát tìm thấy 3 nạn nhân có thể là nô lệ thời hiện đại. Tất cả đều là công dân Việt Nam và đang làm việc tại cơ sở trên.

    Cảnh sát đã thu giữ và tiêu huỷ khoảng 500 cây cần sa, có giá trị hơn 400.000 bảng Anh.

    Một giới chức điều tra cấp cao của NCA, Neil Gardner, cho biết: “Ba cá nhân đã được bảo vệ an toàn, nhưng có khả năng còn nhiều nạn nhân khác mà chúng tôi chưa biết”.

    Một báo cáo mới đây cho biết số lượng tội phạm nô lệ thời hiện đại ở Anh vào năm 2022 đã tăng gấp 11 lần so với năm 2015. Tính trung bình, các báo cáo về tội phạm nô lệ hiện đại đã tăng khoảng 56% mỗi năm kể từ năm 2015.

    Những “nô lệ thời hiện đại” thường bị bóc lột, cưỡng bức lao động, làm những công việc bất hợp pháp hoặc bị lấy nội tạng.

    Ước tính trên toàn cầu vào năm 2022 có khoảng 49,6 triệu người đang sống trong chế độ nô lệ hiện đại, tương đương với tỷ lệ 1/150 người. Con số này đánh dấu mức tăng thêm 9,3 triệu kể từ lần ước tính toàn cầu gần đây nhất vào năm 2017.

    Mỹ điều tra bán phá giá máy phun rửa áp lực nhập khẩu từ Việt Nam

    26/01/2023



    Ảnh minh họa một người dùng máy phun rửa áp lực tại Mỹ.

    Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra kết luận nói rằng họ tiến hành điều tra bán phá giá mặt hàng máy phun rửa áp lực nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, sau khi có đơn kiện cáo buộc rằng sản phẩm này bán tại Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý.

    Dựa trên dữ liệu của nguyên đơn FNA Group, Inc., Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho biết có lý do để tin rằng máy phun rửa áp lực nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc đang hoặc có khả năng được bán tại Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị hợp lý (LTFV), theo công báo đăng ngày 25/1 của chính phủ Hoa Kỳ (federalregister.gov).

    Công báo cho biết nguyên đơn đã xác định 14 nhà sản xuất và/hoặc nhà xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc có hành vi này và Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành gửi bản câu hỏi liên quan đến chất lượng và giá trị cho từng pháp nhân đó.

    Trong số 14 công ty Việt Nam, có 4 công ty ở Hải Dương, 3 công ty ở Hà Nội, 3 công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, 2 công ty ở Hưng Yên, 1 công ty ở Hải Phòng và 1 công ty ở Bình Dương.


    Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra kết luận nói rằng họ tiến hành điều tra bán phá giá mặt hàng máy phun rửa áp lực nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Photo Federal Register.

    Công bố cho biết cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 18/1/2023 và sẽ đưa ra kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày.

    Trước đó, vào ngày 29/12/2022, công ty FNA Group, Inc. đã đệ đơn lên DOC và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cáo buộc rằng máy phun rửa áp lực chạy bằng xăng (GPPW) của Trung Quốc và Việt Nam đang được bán tại Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị hợp lý.

    Đơn kiện cho biết các công ty tìm cách áp thuế chống bán phá giá (AD) đối với hàng nhập khẩu là máy phun rửa áp lực chạy bằng xăng từ Trung Quốc và Việt Nam, cáo buộc biên độ bán phá giá dao động từ 136,7% đến 242,34% đối với sản phẩm từ Trung Quốc và 103,28% đến 209,22% đối với sản phẩm từ Việt Nam.

    VOA đã liên lạc Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam và đề nghị cho ý kiến về quyết định này của DOC, nhưng chưa được phản hồi.

    Nguyên đơn cáo buộc rằng ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự trong nước của Hoa Kỳ đang bị thiệt hại đáng kể, hoặc có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể, do loại hàng nhập khẩu hàng - đang bị điều tra - được bán thấp hơn mức giá hợp lý. Ngoài ra, nguyên đơn còn cáo buộc rằng mặt hàng nhập khẩu này vượt quá ngưỡng giới hạn theo quy định của Đạo luật Thuế quan 1930 của Mỹ.

    Theo trang Lexology, kim ngạch nhập khẩu máy phun rửa áp lực chạy bằng xăng từ Trung Quốc và Việt Nam vào Mỹ trong năm 2021 là 712,7 triệu đôla.

    “Nhộn nhịp” ấu đả khi “ăn Tết”

    Gần 10 năm trở lại đây, một thống kê chỉ có ở Việt Nam: Số người đánh nhau trong dịp Tết.

    An Vui

    27/01/2023


    Karaoke với loa kẹo kéo gây ồn là một trong những nguyên nhân đánh nhau ngày Tết – Ảnh: Thanh Niên

    Theo Thanh Niên, chỉ trong bốn ngày nghỉ Tết Quý Mão, bệnh viện Việt Nam tiếp nhận gần 92,300 trường hợp cấp cứu, trong đó 1,983 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chín ca tử vong.

    Chi tiết hơn, báo Tuổi Trẻ nêu số ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau trong bốn ngày Tết 2023 (tính từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng Mùng Ba Tết) là trên 2,000 người nhập viện do… đánh nhau, chiếm 1.1% các ca cấp cứu, 43% số này phải vào viện điều trị và đã có chín người chết.

    So sánh các năm: Tết 2022, trong sáu ngày từ 29 đến Mùng Năm Tết, Việt Nam có gần 2,900 ca cấp cứu do đánh nhau, trong đó có 195 ca tử vong. Còn Tết 2021, Việt Nam có 2,778 ca cấp cứu do đánh nhau, trong đó có bảy ca tử vong. Những cái Tết từ năm 2020 trở về trước cũng tương tự, với hàng ngàn ca cấp cứu vì đánh nhau.

    Nguyên nhân dẫn đến đánh nhau trong “ba ngày Tết” ở Việt Nam là do bia rượu, đánh bạc thua, gây ồn vì hát karaoke. Dẫn lời nhiều chuyên gia tâm lý, Thanh Niên cho biết đây là hiện tượng nhức nhối và thật sự đáng báo động của xã hội Việt Nam.

    Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, chuyên viên tâm lý ĐH Sư Phạm Sài Gòn, lối hành xử hung hãn, lạm dụng bạo lực, dùng “nắm đấm” để giải quyết vấn đề, đặc biệt là vào dịp Tết thể hiện rằng, một số người, trong đó có nhiều người trẻ thiếu kỹ năng sống, không biết cách dằn lòng khi xử sự, lại thích ra vẻ ta đây.

    Chuyên viên tâm lý Vũ Nhật Thịnh, thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, Sài Gòn cho rằng giới trẻ ngày nay hung hăng hơn, truyền thống kính trên nhường dưới đang bị ngó lơ, trong nhiều vụ đánh nhau, người nhỏ tuổi không chùn tay đánh luôn cả người cao tuổi…

    Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thanh Hoa, thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, Sài Gòn, kể chuyện vừa xảy ra ở huyện Cần Đước, Long An, quê của bà: Sau khi ngà ngà men rượu, một nhóm thanh niên đi trên đường, thoáng thấy nhóm trạc tuổi đi ngược chiều, nhóm thanh niên này đã kiếm chuyện gây gổ, đánh nhau khiến hai người phải vào bệnh viện.

    Bên cạnh số lượng người cấp cứu do đánh nhau có phần giảm so Tết 2022, số người bị thương tật vì pháo nổ Tết năm nay tăng. Tính trong bốn ngày nghỉ Tết có 365 trường hợp cấp cứu do pháo nổ các loại, tăng 34% so với Tết 2022. Bên cạnh đó, có gần 30 trường hợp cấp cứu do vật liệu nổ tự chế, trong số đó có hai người chết.

    Số lượng người thương vong vì tai nạn giao thông cũng tăng. Theo Tuổi Trẻ, trong bốn ngày nghỉ Tết, các bệnh viện đã cấp cứu cho trên 16,300 người bị tai nạn giao thông, tăng 3.7% so với Tết 2022, trong đó 179 người chết, tăng 17 người so với năm ngoái.

    Tiền uống trà sữa ở Sài Gòn còn nhiều hơn tiền ăn

    An Vui

    27/01/2023


    Trà sữa là đồ uống được ưa thích thứ hai ở Việt Nam, có doanh thu hơn $300 triệu một năm, với 53% khách hàng là nữ (Ảnh: VnEconomy)

    Nhiều người trẻ ở Hà Nội và Sài Gòn sẵn sàng mua cà phê hoặc trà sữa giá từ 40,000 đồng ($1.7) – 70,000 đồng ($2.98), cao hơn tiền một bữa ăn.

    Đó là kết quả khảo sát hơn 3,000 khách hàng ở Hà Nội và Sài Gòn của iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự.

    Có 58% số người được hỏi sẵn sàng chi 40,000 đồng mua đồ uống, với 44% chi tiêu từ 40,000 – 70,000 đồng, tương đương giá cà phê và trà sữa tại Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House… Còn 14% chi hơn 70,000 đồng, tương đương giá cà phê và trà sữa tại Starbucks, Runam Bistro…

    Mức chi tiêu cho cà phê, trà sữa cao hơn số tiền mua bữa sáng, trưa và tối, vì trung bình người Việt bỏ 10,000-30,000 đồng ($0.43-$1.28) cho bữa sáng, và từ 31,000-50,000 đồng ($1.32-$2.13) cho bữa trưa và tối.

    Kết quả khảo sát cũng chỉ ra có 26% số người thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng ($852.4 trở lên) sẵn sàng chi hơn 70,000 đồng mua đồ uống; còn số người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng (dưới $213) chỉ chi từ 20,000-40,000 đồng ($0.85-$1.7).

    Xét theo giới tính, 48% nữ giới và 35% nam giới sẵn sàng chi từ 41,000 -70,000 đồng ($1.75-$2.98) một lần mua cà phê hoặc trà sữa.

    Theo số liệu Euromonitor, đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 338,600 cửa hàng F&B (dịch vụ nhà hàng và đồ uống), xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR) giai đoạn 2016-2022 khoảng 2%. Quy mô doanh thu ngành này của Việt Nam đạt gần 610,000 tỷ đồng ($25,998,200), tăng 39% so với năm 2021, tuy nhiên đang có dấu hiệu chựng lại vào quý IV/2022.


    Chi tiêu mua đồ uống của người Việt theo mức thu nhập (Đồ họa của VnExpress)

    Sau cà phê, trà sữa là món đồ uống được ưa chuộng thứ 2 tại Việt Nam (23%). Những người mua trà sữa chủ yếu là nữ giới (53%), người trẻ trong độ tuổi từ 15-22 chiếm 35%. Cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 1,500 quán trà sữa với gần 100 thương hiệu khác nhau.

    Hồi Tháng Tám 2022, báo cáo do Momentum Works và Qlub đồng thực hiện về ngành công nghiệp trà sữa cho thấy Việt Nam đứng vị trí thứ ba khu vực với doanh thu $362 triệu mỗi năm (tương đương 8,500 tỷ đồng). Đứng thứ nhất là Indonesia với doanh thu năm lên đến $1,6 tỷ. Thứ hai là Thái Lan với doanh thu $749 triệu. Ngành trà sữa tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 20% và đạt quy mô gần $300 triệu từ năm 2017.

    Mặc dù ngành trà sữa ở Đông Nam Á từ lâu đã bị thống trị bởi các thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu Đài Loan, nhưng điều này đang thay đổi khi một số thương hiệu Trung Quốc đại lục bắt đầu tràn vào. Vì thế, thị trường Việt Nam hiện có nhiều loại trà sữa sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quá hạn, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

    Đầu Tháng Tám 2022, Hà Nội phát hiện nhiều nguyên liệu pha chế trà sữa chứa chất bảo quản vượt ngưỡng giới hạn so với tiêu chuẩn cơ sở tự công bố, với tác dụng gây buồn nôn, viêm hệ tiêu hóa, nguy hiểm hơn nếu kết hợp với một số benzen có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư, đó là cảnh báo của Phó GS-TS Trần Đáng, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

    Trong mắt người Sài Gòn, nhiều sản phẩm đang bán tại Hà Nội hoặc xuất phát từ các cửa hàng Hà Nội đều là hàng sản xuất tại Trung Quốc đại lục, kể cả các loại ô mai, mứt trái cây… vốn từng được xem là “đặc sản Hà Nội”.

    Tết ‘ế ẩm’, Tết ‘ảm đạm’

    27/01/2023

    Nguyễn Lại


    Ảnh tư liệu - Hình ảnh ngày giáp Tết Quý Mão tại phố Hàng Mã, Hà Nội.

    “Năm nay doanh nghiệp khó khăn thì anh em nhiều người cũng không có lương thưởng gì. Bây giờ về ăn Tết và trong túi không dằn được mấy chục triệu thì tất nhiên là buồn rồi và ăn nói nó cũng không được tự tin lắm.” Đó là lời tâm sự của anh N.T.N,phóng viên lâu năm cho một cơ quan báo chí trung ương tại Hà Nội, nói về không khí ăn Tết của gia đình anh năm nay khi về ăn Tết cùng ông bà.

    Anh cho biết hai vợ chồng cố tình về sớm để đi chợ Tết ở quê nhưng thất vọng vì cảnh èo uột, buôn bán ế ẩm, chứ không nhộn nhịp, sôi động và vui tươi như mọi năm.

    “Ngay cả siêu thị cũng không đông đúc lắm, hàng hoá cũng không nhiều. Tóm lại là kinh tế cũng khó khăn nên mọi người cũng không mua sắm nhiều,” anh mô tả.

    Một cái Tết vui vẻ, sung túc bên gia đình như mong ước đã không trở thành hiện thực, anh nói và cho biết ngay chiều mùng 4 gia đình anh đã lập tức về Hà Nội để trở lại công sở thay vì kéo dài cái Tết đến chiều mùng 8 như dự định.

    Cùng cảm giác thất vọng như thế, anh Nguyễn Ngọc Anh, một viên chức vừa mới trở về Việt Nam sau vài năm công tác ở nước ngoài, cho biết anh thấy giật mình vì sự đìu hiu, ảm đạm tại các siêu thị cũng như tại các hội chợ Tết ở thành phố Việt Trì, nơi bố mẹ anh sinh sống. Có vẻ như trước những khó khăn về thu nhập, về công ăn việc làm sau gần 3 năm đại dịch và nạn lạm phát, giá cả leo thang thì không mấy ai còn quan tâm đến Tết, chả ai buồn mua sắm gì mấy.

    “Giáp Tết mà trong siêu thị vẫn còn đầy đồ. Đi trên đường thì mình thấy mấy xe tải quất ế, người ta không bán được và người ta phải đưa về thôi,” anh Ngọc Anh cho biết. Khi đi chúc Tết bạn bè, người thân, anh cũng cảm nhận chung một bầu không khí trầm lắng trong ngày đầu năm mới Quý Mão.

    “Hôm trước mình đi rửa xe, gặp một ông ông có một cái garage chuyên sửa xe, mình hỏi thường thường tháng giáp Tết này thì chú sửa được bao nhiêu cái xe. Ông ấy nói thường là cứ tháng giáp Tết garage của ông sửa khoảng 100 cái xe nhưng năm nay thì ông ấy sửa được có 30 cái. Trước đây, Tết người ta còn đi độ xe để đi chơi Tết như độ đèn led, đèn xenon chẳng hạn. Nhưng năm nay khó khăn người ta không đi độ xe như thế nữa,” anh kể và cho biết thêm rằng tình cảnh của ông chủ garage là tình cảnh chung của phần lớn mọi người, trong đó có vợ chồng anh. Mọi năm dịp Tết, vợ chồng anh có được vài chục triệu tiền thưởng,nhưng năm nay chỉ hơn chục triệu cầm về quê biếu bố mẹ nên vợ chồng anh cũng chẳng dám sắm sửa gì.

    Anh Nguyễn Văn Thông, một chủ kinh doanh hoa cảnh tại Tuyên Quang, cho VOA Việt ngữ biết: “Bầu không khí nó cũng trầm lắng, ảm đạm chứ nó không được như mọi năm. Có lẽ là sau COVID thì nó cũng khó khăn, rồi bầu không khí chung của đất nước nó cũng căng thẳng và lan toả xuống mọi hang cùng ngõ hẻm. Chợ hoa thì trăm người bán mà có chưa tới trăm người mua. Nói chung là kinh doanh vừa rồi nó cũng ế ẩm, hoa lan là cứ phải giảm giá 60 – 70%. Điều đấy nó cũng phản ánh cái sức mua. Có một câu phổ biến là dân cũng hết tiền rồi.”

    Anh Thông nói năm nay nhà anh mất Tết. Mặc dù đã dự đoán trước sức mua thấp và hạn chế đầu tư đến mức tối đa, nhưng anh vẫn lỗ hàng chục triệu đồng. Vì thế mà năm nay nhà anh ‘không có Tết gì hết.’

    Sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách kỷ lục trong một ngày, lo hạ tầng vỡ trận

    27/01/2023



    Hành khách ngồi chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM hồi năm 2014 (minh hoạ)

    Reuters

    Trong ngày mùng 6 Tết (tức 27/1) sân bay Tân Sơn Nhất ở TPHCM đã đón gần 150.000 khách, phục vụ 916 lượt cất và hạ cánh. Con số này được báo chí Nhà nước ghi nhận là mức cao kỷ lục so với nhiều năm trước đại dịch COVID-19.

    Vào năm 2019 tức là năm trước khi đại dịch xuất hiện, lúc cao điểm Tết Nguyên đán, sân bay tiếp nhận 128.000 lượt khách.

    Báo Nhà nước dẫn lời đại diện sân bay cho biết, trong tổng lượng khách đến sân bay ngày mùng 6 Tết, phần lớn theo chiều đến, với gần 91.000 người. Trong đó, ga quốc nội chiếm đa số khi đón hơn 71.000 khách, còn lại ở ga quốc tế. Chiều đi từ sân bay trong hôm nay ước tính khoảng 58.000 khách (ga quốc nội hơn 39.000 và gần 19.000 khách ở ga quốc tế).

    Ước tính trong cả dịp Tết Quý Mão, Tân Sơn Nhất đón hơn 3,8 triệu hành khách với gần 27.000 lượt chuyến bay, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 khi dịch chưa bùng phát.

    Báo Tuổi Trẻ có bài viết viết về nỗi lo hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất vỡ trận khi lượng khách đông kỷ lục.

    Theo bài báo, “"Chắp vá" là từ có thể hình dung được khi sân bay đã nhiều lần tìm cách cơi nới hạ tầng nhưng quá tải vẫn không tránh khỏi. Điều này được lãnh đạo Tân Sơn Nhất thẳng thắn nhìn nhận.”

    Theo Tuổi Trẻ, sau nhiều lần sửa chữa , cố gắng cơi nới sân bay này cũng chỉ đạt năng lực khai thác 15 triệu hành khách, hiện phục vụ lượng khách gấp đôi thì không có một nhà ga nào trên thế giới có thể đạt được hiệu quả khai thác như mong đợi.

    Bộ GTVT kỷ luật Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ

    RFA
    27/01/2023


    Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam

    Công thương, SBIC-RFA edited

    Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) Vũ Anh Tuấn vừa nhận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm trong quản lý làm thất thoát, lãng phí lớn tiền và tài sản của Nhà nước.

    Quyết định kỷ luật được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành và được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 27/1.

    Cùng với ông Tuấn, Bộ GTVT cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Thành Đồng –Thành viên Hội đồng thành viên SBIC.
    Cả hai ông Tuấn và Đồng trước đó đã bị Uỷ ban kiểm tra trung ương (UBKT) thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách.

    Hồi cuối tháng 12/2022, UBKT trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC.

    UBKT trung ương cho rằng ban thường vụ đảng uỷ SBIC các nhiệm kỳ từ 2010 đến 2020 đã buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để một số đơn vị trực thuộc và một số cá nhân vi phạm trong việc sử dụng kinh phí tái cơ cấu doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước.

    Tiền thân của SBIC là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tuy nhiên, công ty này liên tục thua lỗ và không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng.


    Quê Hương tổng hợp

    Không có nhận xét nào