Header Ads

  • Breaking News

    Nghiên cứu: Trung Cộng đã khiến virus phát triển lan tràn như thế nào?



    Hình ảnh kính hiển vi điện tử cho thấy SARS-CoV-2 (hình tròn màu vàng) gây ra bệnh COVID-19 xuất hiện từ các tế bào nuôi cấy. (Ảnh: NIAID)

    11 lời khuyên giúp nâng cao hệ miễn dịch

    Trong ba năm qua, Trung Quốc không may đã trở thành mảnh đất “trù phú” cho virus phát triển. Một đợt bùng phát virus cần ba yếu tố: nguồn lây nhiễm, đường lây truyền và nhóm người dễ bị bệnh. Môi trường địa chính trị đặc biệt của Trung Quốc hội tụ đầy đủ cả ba điều kiện này.

    Trong cuộc họp nội bộ ngày 21/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo có 248 triệu người khả năng đã nhiễm COVID-19 trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12.

    Kể từ khi virus bùng phát, Trung Quốc đã tuyên bố số ca mắc và tử vong do COVID rất thấp hoặc bằng không. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc không cung cấp dữ liệu một cách minh bạch, và bên ngoài Trung Quốc cũng không cách nào xác nhận số ca mắc COVID thực tế tại quốc gia này.

    Có thể đã xảy ra nhiều đợt bùng phát tiềm ẩn ở Trung Quốc trong những năm qua, và cũng có thể đã có nhiều biến thể SARS-CoV-2 đang hoành hành ở quốc gia này.

    Sự quay ngược đột ngột với chính sách zero- COVID-19 trước đó, cùng với mật độ dân số cao, tạo nên sự lây lan nhanh chóng, và đe dọa đến sức khỏe của nhóm người dễ tổn thương.

    Trong ba năm, người dân Trung Quốc đã bị “giam giữ tại gia” hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn. Việc thiếu thuốc men và các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết, cộng với áp lực giám sát chặt chẽ của chính quyền Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân, làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến họ dễ bị nhiễm bệnh hơn.

    Dân số nhiễm bệnh càng lớn thì khả năng đột biến virus càng cao. Virus đột biến có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch tự nhiên và lây lan nhanh chóng. Theo Tiến sĩ Shan-Lu Liu, giáo sư Khoa Vi sinh tại Đại học tiểu Bang Ohio, biến thể BF.7 đã được báo cáo ở Trung Quốc có khả năng trốn thoát hệ miễn dịch rất cao. Tiến sĩ Yunlong Cao cũng đã thử nghiệm biến thể Omicron XBB.1.5 có tốc độ lây lan nhanh nhất trong phòng thí nghiệm của ông ở Trung Quốc và đăng tải kết quả trong một nghiên cứu.

    Trong khi đó, quần thể càng dễ bị bệnh thì càng tạo ra nhiều biến thể gây bệnh trầm trọng hơn.

    Trong những năm qua, một vòng luẩn quẩn giữa sự xuất hiện các biến thể virus và miễn dịch suy yếu có thể đã làm gia tăng sự bùng phát virus hiện nay ở Trung Quốc. Do đó, không hoàn toàn bất ngờ khi COVID-19 đang lan rộng như một cơn sóng thần ở Trung Quốc.

    Bên cạnh đó có thể còn có những yếu tố khác góp phần vào sự gia tăng đột ngột của dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay như ở dưới đây.

    Biểu hiện khi nhiễm virus của mỗi người là khác nhau

    Đại dịch năm 1918 (Cúm Tây Ban Nha) được xem là đại dịch tồi tệ nhất của thế kỷ 20, đã lấy đi sinh mạng của 20 đến 50 triệu người trên toàn thế giới.

    Trong trận đại dịch đó, để tìm hiểu cách thức virus lây lan từ người sang người, các bác sĩ ở Boston đã tiến hành một thí nghiệm nghiên cứu sự lây truyền của virus cúm.

    Họ để dịch tiết từ mũi và hầu họng của các bệnh nhân bị cúm tiếp xúc với mắt, mũi và miệng của những tình nguyện viên khỏe mạnh.

    Chúng ta khoan nói về đạo đức nghiên cứu, hãy cùng xem kết quả của nghiên cứu này.

    Kết quả là không ai trong số 62 tình nguyện viên bị nhiễm virus cúm. Người duy nhất bị nhiễm bệnh và tử vong là một bác sĩ tiến hành thử nghiệm.


    Không có ai trong số 62 tình nguyện viên khỏe mạnh bị nhiễm virus cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. (Ảnh: The Epoch Times)

    Các bác sĩ ở San Francisco đã lặp lại thí nghiệm trên 50 đối tượng khỏe mạnh và ghi nhận kết quả tương tự là không ai bị nhiễm bệnh.

    Thí nghiệm này cho chúng ta biết rằng mỗi người không phản ứng giống nhau khi tiếp xúc với virus. Mặc dù tiếp xúc với virus như nhau, nhưng yếu tố nội tại – khả năng chống lại virus của hệ miễn dịch – có thể quyết định khả năng được bảo vệ hoặc nhiễm bệnh của một người.

    Như đã đề cập trước đó, nhiều nguyên nhân có thể đã làm suy yếu hệ miễn dịch của người dân Trung Quốc. Khi khả năng miễn dịch bị suy yếu trầm trọng, các biến thể virus có thể xâm nhập từ mũi đến hầu họng, khí quản, phế quản và cuối cùng là hai lá phổi, gây ra các triệu chứng nặng, chẳng hạn như “phổi trắng.”

    Hội chứng “phổi trắng” hay suy hô hấp cấp tiến triển nhanh đã được báo cáo ở Trung Quốc. Khi chụp CT hoặc X-quang, lá phổi bình thường hầu như có màu đen vì bên trong chứa đầy khí. Hình ảnh phổi trắng xóa có nghĩa là trong các phế nang chứa đầy dịch viêm. Bệnh nhân có hội chứng này thường bị giảm nồng độ oxy máu xuống rất thấp.

    Đối với yếu tố môi trường bên ngoài, tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan dịch bệnh.

    RNA của SARS-CoV-2 có thể ẩn giấu trong cơ thể như một quả bom hẹn giờ

    Không giống như virus cúm hoặc virus viêm gan A, cơ thể không dễ loại bỏ SARS-CoV-2. RNA của virus vẫn có thể tồn tại trong cơ thể sau khi khỏi bệnh vài tháng.

    Theo thuyết trung tâm của sinh học phân tử, thông tin di truyền sẽ được phiên mã từ DNA sang RNA, sau đó được dịch mã từ RNA sang protein.


    Thuyết trung tâm của sinh học phân tử: thông tin di truyền đi từ DNA sang RNA – “sự phiên mã”, sau đó từ RNA sang protein – “sự dịch mã”. (Ảnh: The Epoch Times)

    Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận thấy rằng RNA của SARS-CoV-2 có thể được sao chép ngược và tích hợp vào bộ gene của tế bào bị nhiễm bệnh. Đó là một trong những lý do khiến bệnh nhân tiếp tục sản xuất RNA của virus sau khi khỏi bệnh COVID-19.

    Bài báo nghiên cứu được đăng trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia vào tháng 05/2021.

    Exon là một phần của bộ gene biểu hiện các protein. Người ta ước tính rằng, khoảng 29% RNA của virus gắn vào exon, cho thấy những biến đổi tiềm tàng trong hệ miễn dịch và chức năng tế bào.


    RNA của SARS-CoV-2 làm thay đổi DNA ở người. Exon là một phần của bộ gene biểu hiện các protein, ảnh hưởng đến kiểu hình, cân nặng, miễn dịch và các chức năng cơ thể. (Ảnh: The Epoch Times)

    RNA virus tồn tại trong cơ thể như một quả bom hẹn giờ. Khi khả năng miễn dịch đủ mạnh, tế bào sẽ tiêu diệt kịp thời các thành phần virus, không cho chúng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị tổn thương, virus có thể tự nhân lên trong tế bào, từ đó trở lại trạng thái hoạt động.

    Người ta ghi nhận trong các nghiên cứu rằng căng thẳng kinh niên làm suy yếu khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm virus. Chính sách zero-COVID của Trung Quốc đã gây ra căng thẳng tinh thần dai dẳng kinh niên cho người Trung Quốc, từ đó làm suy yếu khả năng miễn dịch chống lại virus.

    Ông Li Junlong, một nhà khoa học của Học viện Hàng không vũ trụ Trung Quốc, được xác nhận nhiễm COVID-19 và sau đó đã khỏi bệnh. Một thời gian sau, ông bị sốt và được đưa đến ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt) vào buổi sáng nhưng đã qua đời vào chiều hôm đó. Ông ra đi khi ở độ tuổi 58.

    Vũ công nổi tiếng Zhao Qing và nhiều quan chức nổi tiếng khác của Trung Quốc cũng đã tử vong vì virus, cùng với vô số người không có cáo phó xuất hiện trong các bản tin.

    Các vấn đề an toàn quan trọng của vaccine COVID bất hoạt ở Trung Quốc


    Các kháng thể có hại gắn với protein bề mặt của virus, từ đó đẩy nhanh quá trình xâm nhập của virus vào tế bào khỏe mạnh. Hiệu ứng này được gọi là hiện tượng “tăng phụ thuộc kháng thể”. (Ảnh: The Epoch Times)

    Cơ thể có những kháng thể có lợi và có hại.

    Virus xâm nhập vào tế bào bằng cách gắn với protein bề mặt và thụ thể trên các tế bào khỏe mạnh. Các kháng thể có lợi giúp tiêu diệt protein bề mặt của virus. Các kháng thể có hại gắn với protein bề mặt, đẩy nhanh quá trình xâm nhập của virus vào tế bào khỏe mạnh. Hiệu ứng này được gọi là “tăng phụ thuộc kháng thể” (ADE).

    Các nhà khoa học từ Đại học Thâm Quyến, Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu trên Tập san Quốc tế về Bệnh truyền nhiễm vào tháng 11/2020, suy đoán rằng hiện tượng ADE có thể xảy ra với SARS-CoV-2.

    Nghiên cứu khoa học đã chứng minh sự tồn tại của ADE ở các loại coronavirus như SARS-CoV và MERS-CoV. SARS-CoV-2 có cùng thụ thể virus và trình tự bộ gene tương tự SARS-CoV; do đó, ADE có thể xảy ra với SARS-CoV-2.

    Sự tồn tại của ADE cho thấy rủi ro tiềm ẩn trong việc chích vaccine.

    Vaccine bất hoạt là loại vaccine chứa virus đã được bất hoạt. Sau khi chích vaccine vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại virus. Nhưng các virus bất hoạt không hoàn toàn chết, chỉ là hiệu quả và khả năng nhân lên bị giảm thiểu. Trong nhiều nghiên cứu, virus bại liệt bất hoạt type I được chứng minh có thể phóng thích virus hoạt động từ tế bào được nuôi cấy.

    Theo Nature, rất khó để kiểm soát chất lượng của vaccine bất hoạt ở Trung Quốc, vì 2.4 tỷ liều đã được chích cho người dân và 1 tỷ liều khác đã được dùng ở trên 110 quốc gia khác.

    Vaccine COVID-19 Vero Cell do Sinopharm và Sinovac sản xuất có chứa chủng virus SARS-CoV-2 từ đợt bùng phát ban đầu đã bất hoạt, nhắm vào đường hô hấp dưới. Hầu hết người dân Trung Quốc dùng vaccine COVID bất hoạt. Điều này có thể lý giải cho hội chứng “phổi trắng” không thể giải thích do nhiễm Omicron, cũng như tỷ lệ lây nhiễm vô cùng cao ở Trung Quốc trong một thời gian ngắn.

    Hơn nữa, vaccine có thể ức chế chức năng miễn dịch, kích hoạt khả năng tái hoạt động của các virus ngủ đông khác trong cơ thể, chẳng hạn như virus Varicella Zoster (VZV). Các nhà nghiên cứu từ Đại học Trung Nam ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đã báo cáo các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp tự miễn do VZV sau khi chích vaccine COVID-19.

    Chính sách Zero-COVID gây ra sợ hãi và căng thẳng kinh niên, làm suy yếu khả năng miễn dịch

    Trong một bài báo trước, tôi đã báo cáo về một nghiên cứu dùng mô hình động vật để nghiên cứu tác động sức khỏe của sợ hãi và căng thẳng kinh niên do tương tác xã hội lặp đi lặp lại: một nhóm chuột nhỏ hơn, yếu hơn được nhốt vào lồng của những con chuột hung dữ, mạnh mẽ hơn.


    Một mô hình động vật để nghiên cứu tác động của sợ hãi và căng thẳng kinh niên với sức khỏe. Một nhóm chuột nhỏ hơn, yếu hơn được đưa vào lồng của những con chuột khỏe hơn, hung dữ hơn. (Ảnh: The Epoch Times)

    Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con chuột yếu hơn không chỉ bị căng thẳng tâm lý mà còn thể hiện sự nhầm lẫn, gia tăng mức độ tế bào T-helper type 2 và tăng các cytokine gây viêm. Những điều này dẫn đến hiện tượng viêm kinh niên.


    Sợ hãi và căng thẳng làm tăng các cytokine gây viêm, dẫn đến tình trạng viêm kinh niên. (Ảnh: The Epoch Times)

    Tác động tâm lý đối với khả năng miễn dịch của một người là một chủ đề được nghiên cứu kỹ lưỡng. Một bài báo nghiên cứu đăng trên Tập san Brain, Behavior, and Immunity giải thích trầm cảm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch như thế nào. Trầm cảm dẫn đến việc phóng thích hormone phóng thích corticotropin ở trung tâm, hormone này kích hoạt trục thượng thận tuyến yên hạ đồi và hệ thần kinh giao cảm. Sau đó, các chức năng miễn dịch chống virus và chống khối u bị ức chế, dẫn đến viêm và giảm phản ứng của tế bào lympho (bạch cầu). Đổi lại, những thay đổi miễn dịch như vậy có liên quan đến nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm và sự xuất hiện của các rối loạn viêm.


    Trầm cảm làm suy yếu khả năng miễn dịch. (Ảnh: The Epoch Times)

    Một bài báo trên Tập san Nature Reviews Immunology nêu chi tiết cách hệ miễn dịch tương tác với hệ thần kinh và hệ nội tiết trung ương và cách những tương tác này ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Tóm lại, khi các tế bào miễn dịch chủ chốt (bao gồm tế bào T và tế bào giết tự nhiên) bị suy yếu, khả năng miễn dịch chống virus của cơ thể sẽ giảm, làm tăng khả năng nhiễm virus và vi khuẩn.

    Trầm cảm cũng có thể làm tăng sản xuất các cytokine tiền viêm, dẫn đến tình trạng viêm kinh niên. Những cytokine này có thể dễ dàng kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm một loạt bệnh kinh niên; điều này có thể dẫn đến suy giảm thêm chức năng miễn dịch của cơ thể và có thể làm giảm thêm khả năng miễn dịch chống virus của cơ thể, tạo thêm vòng luẩn quẩn và khiến mọi người dễ bị nhiễm trùng mới hơn.

    Điều này giúp giải thích tác hại của chính sách zero-COVID vô lý ở Trung Quốc. Mọi người bị đối xử một cách vô nhân đạo và tính mạng của họ bị đe dọa bởi chính sách phong tỏa hơn là bởi chính virus.

    Ngoài ra, căng thẳng kinh niên có thể gây thoái hóa thần kinh bằng cách thay đổi biểu hiện gen, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức thần kinh, teo não hoặc mất trí nhớ. Điều này càng làm suy yếu khả năng suy nghĩ tự do và độc lập thông thường của hầu hết người dân Trung Quốc.


    Căng thẳng kinh niên có thể gây thoái hóa thần kinh bằng cách thay đổi biểu hiện gen, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức thần kinh, teo não hoặc mất trí nhớ. (Ảnh: The Epoch Times)

    Căng thẳng làm tăng khả năng nhiễm virus

    Trong một nghiên cứu được đăng trên Tập san Y học New England, 394 người tham gia khỏe mạnh được cho dùng thuốc nhỏ mũi có chứa một trong năm loại virus đường hô hấp (rhinovirus 2, 9 hoặc 14, virus hợp bào hô hấp hoặc virus corona type 229E). 26 đối tượng khác được nhỏ mũi bằng nước muối.

    Kết quả cho thấy cùng với sự gia tăng căng thẳng tâm lý, tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp và cảm lạnh cũng tăng theo. Hơn nữa, tác động của căng thẳng không phụ thuộc vào các yếu tố gây nhiễu khác, bao gồm tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, tình trạng dị ứng, cân nặng, hoặc các mùa trong năm đối với khả năng nhiễm trùng đường hô hấp.


    Mức độ căng thẳng tâm lý nhiều hơn dẫn đến tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp và cảm lạnh cao hơn. (Ảnh: The Epoch Times)

    Một nghiên cứu khác đã chứng minh rằng tác nhân gây căng thẳng càng kéo dài thì tỷ lệ bị bệnh cảm lạnh thông thường càng cao, bất kể nguyên nhân căng thẳng là mối quan hệ giữa người với người, công việc hay các nguồn khác.


    Căng thẳng càng kéo dài, tỷ lệ bị bệnh cảm lạnh thông thường càng cao. (Ảnh: The Epoch Times)


    Mối liên quan giữa căng thẳng và cảm lạnh vẫn hiện diện bất kể nguyên nhân gây căng thẳng. (Ảnh: The Epoch Times)

    Chính sách không COVID đã gây ra căng thẳng và sợ hãi kinh niên trong toàn bộ người dân Trung Quốc. Việc chích ngừa hàng loạt bằng các mũi vaccine COVID bất hoạt và khả năng tái kích hoạt các ca nhiễm trùng trong quá khứ cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID hiện nay ở Trung Quốc.

    Những triệu chứng cần lưu ý

    Đối với những người ở trong hoặc ngoài Trung Quốc, hãy ghi nhớ các dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể là biểu hiện của nhiễm COVID nặng sau đây.

    Sốt: Sốt dai dẳng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng phổi liên quan đến COVID-19. Hãy lưu ý rằng việc lạm dụng thuốc hạ sốt có thể che lấp các triệu chứng, ức chế hệ miễn dịch và làm bệnh nặng hơn.

    Khó thở: Theo dõi nồng độ oxy trong máu. Nếu dưới 93%, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

    Lơ mơ, lú lẫn, khó chịu hoặc phản ứng chậm: Những triệu chứng này cũng có thể là do nồng độ oxy trong máu thấp.

    Rối loạn tiêu hóa dai dẳng như buồn nôn, nôn, và tiêu chảy: Những triệu chứng này cũng cho thấy khả năng bị nhiễm COVID-19.

    Các bệnh lý nền trở nặng, chẳng hạn như huyết áp không được kiểm soát gần đây, đau thắt ngực không ổn định, mức đường máu không được kiểm soát, v.v.

    11 lời khuyên bảo vệ khả năng miễn dịch

    Những người bên ngoài Trung Quốc có thể sợ tiếp xúc với các biến thể tiềm ẩn từ Trung Quốc, nhưng đừng để nỗi sợ hãi không cần thiết làm suy yếu khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, mọi người nên bảo vệ khả năng miễn dịch của mình tốt hơn bằng cách làm theo 11 lời khuyên sau đây:

    Đảm bảo đủ dưỡng chất, chẳng hạn như vitamin C, vitamin D, calcium có thể tăng khả năng miễn dịch chống virus.

    Tránh uống rượu và hút thuốc vì chúng có hại cho hoạt động kháng virus của các tế bào biểu mô.

    Kiểm soát lượng muối ăn vào, vì quá nhiều muối có thể giết chết các tế bào miễn dịch hữu ích trong ruột.

    Tránh đường nhân tạo gây hại cho hệ miễn dịch.

    Cố gắng kiểm soát trọng lượng cơ thể và giảm béo, vì [tích tụ] quá nhiều mỡ có liên quan đến chứng viêm kinh niên.

    Tránh uống nhiều thuốc chống viêm không steroid vì chúng có thể làm giảm khả năng miễn dịch.

    Ngủ đủ giấc. Ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ. Bàn chân có rất nhiều mạch máu và kinh mạch liên quan đến nội tạng. Ngâm chân trong nước nóng có thể kích thích lưu thông máu khắp cơ thể và do đó giúp loại bỏ chất thải trong khi ngủ.

    Thư giãn, cố gắng đừng lo lắng. Bất kể bạn đang phải đối mặt với vấn đề gì, hãy gắng sức bình tĩnh và duy trì liên hệ với những người ôn hòa, điềm tĩnh và tích cực.

    Hòa mình vào thiên nhiên; đi bộ và tắm rừng giúp tăng số lượng và chức năng của các tế bào diệt tự nhiên.

    Lựa chọn một phương pháp thiền giúp rèn luyện sức khỏe và tăng khả năng miễn dịch. Thiền định đúng cách có thể điều chỉnh các gene miễn dịch một cách toàn diện và do đó nâng cao chức năng chống virus tổng thể.

    Theo dõi các kênh truyền thông truyền tải năng lượng và thông tin tích cực. Hãy xem những bộ phim và chương trình truyền hình đề cao lòng tốt và văn hóa truyền thống.


    5 hành động giúp tăng khả năng miễn dịch chống virus. (Ảnh: The Epoch Times)

    Bất kể virus nguy hiểm đến mức nào, hãy luôn ghi nhớ thực tế rằng khả năng miễn dịch do Chúa ban cho chúng ta luôn bảo vệ chúng ta chống lại những virus đó. Các bí kíp chống virus quan trọng nhất nằm ở việc tăng khả năng miễn dịch.

    Trong một thí nghiệm do các nhà tâm lý học của Đại học Harvard thực hiện, khả năng miễn dịch của khán giả đã tăng lên khi xem những bộ phim khuyến khích lòng tốt và sự tử tế.

    Những người có quan điểm vị tha hơn về hạnh phúc có khả năng miễn dịch chống virus tốt hơn và không dễ bị nhiễm virus.


    6 hành động khác giúp tăng khả năng miễn dịch chống virus. (Ảnh: The Epoch Times)


    Không có nhận xét nào