Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 19 tháng 01 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Anh phá lệ, Mỹ, Đức càng thêm áp lực phải gửi xe tăng cho Ukraine 

    19/01/2023 

    VOA News 

    Xe tăng Challenger 2 của Anh.

    Xe tăng Challenger 2 của Anh. 

    Ukraine kêu gọi phương Tây tăng tốc giao cho Ukraine võ khí trong lúc binh sĩ Ukraine ngày càng bị áp lực từ quân xâm lược Nga, trước cuộc họp quan trọng của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ở Ramstein, Đức, vào thứ Sáu này.

    Tổng thống Ukraine tán dương loan báo của Anh rằng sẽ cấp 14 xe tăng Challenger 2 cho Kyiv. “Đó chính xác là những gì chúng tôi đang cần,” ông Zelenskyy nói.

    Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chính của Anh. Đội xe 14 chiếc là một phần trong gói viện trợ quân sự lớn Anh dành cho Ukraine mà trong đó có cả các phi đạn phòng không tầm trung, các hệ thống phòng không Starstreak, xe thiết giáp Bulldog, đạn dược…

    Phát ngôn nhân Điện Kremlin, Dmitry Peskov, phản pháo: “Chiến dịch đặc biệt sẽ tiếp tục, các xe tăng này…sẽ cháy như những cái khác. Mục tiêu của chiến dịch đặc biệt sẽ được hoàn thành.”

    Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đầu tuần này nói với Quốc hội đây là gói hỏa lực tác chiến quan trọng nhất mà Anh cấp cho Ukraine tính tới nay.

    Áp lực lên Đức

    Đức ngày càng chịu áp lực về việc gửi cho Ukraine xe tăng Leopard 2 cũng như việc chấp thuận yêu cầu từ các nước đòi Đức tái xuất khẩu xe tăng.

    Xe tăng Leopard 2 được xem là ngựa chiến của nhiều quân đội ở châu Âu.

    “Tín hiệu chính trị từ Anh có thể chưa đủ để Đức xúc tiến việc gửi xe tăng chiến đấu quan trọng,” nhà phân tích quốc phòng Liana Fix tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nói với VOA.

    Thế chiến thứ 3

    Ba Lan và Phần Lan muốn gửi xe tăng Leopard sang Ukraine.

    Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 18/1 cũng lên tiếng ủng hộ việc gửi xe tăng cho Ukraine.

    “Đã tới lúc; họ đang cấp bách cần thêm thiết bị và cá nhân tôi ủng hộ việc cung cấp xe tăng cho Ukraine,” ông Michel nói với các nghị sĩ EU.

    Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis, cùng ngày cho hay ông trông đợi sẽ có loan báo rằng có thêm xe tăng chiến đấu quan trọng được gửi sang Ukraine.

    Chờ Mỹ đi trước

    Đức đang chờ Washington đi trước, nhà phân tích Fix cho hay.

    “Luôn từng bước một, mất thời gian dài trước khi có quyết định. Đức trong bất kỳ tình huống nào cũng không nắm vai trò lãnh đạo, họ chỉ hành động nếu Mỹ hành động song hành. Điều này phản ánh quan ngại của Đức về leo thang với Nga,” phân tích gia này cho biết.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sắp chủ trì cuộc họp Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein Air Base ở Đức vào ngày 20/1.

    Những người tham gia dự kiến sẽ phối hợp viện trợ quân sự thêm cho Ukraine. Nhóm này bao gồm khoảng 50 đồng minh muốn giúp Ukraine tự vệ.

    Cuộc họp tới đây gửi một tín hiệu quan trọng, phân tích gia Fix nói.

    “Nó cho thấy phương Tây không hài lòng với một cuộc xung đột đóng băng, một cuộc chiến tranh đóng băng, với một lệnh ngừng bắn sơ bộ, mà liên minh phương Tây thấy Ukraine cần phải đạt thêm thắng lợi lớn,” chuyên gia này nói với VOA.

    Thủ tướng New Zealand bất ngờ thông báo từ chức

    19/01/2023

    Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo từ chức trong cuộc họp báo tại Napier, New Zealand, ngày 19/01/2023. AP - Warren Buckland 

    Thùy Dương /RFI

    Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, hôm nay 19/01/2023 bất ngờ thông báo từ chức sau 5 năm rưỡi lãnh đạo đất nước. Bà Ardern cho biết sẽ rời chức vụ vào ngày 07/02, khi chỉ còn 9 tháng là đến kỳ bầu cử Quốc Hội. Theo AFP, sau thông báo của thủ tướng Ardern, phó thủ tướng New Zealand Grant Robertson cho biết ông sẽ không ra ứng cử kế nhiệm bà Arderne.   

    Thủ tướng Jacinda Ardern, 42 tuổi, được quốc tế biết đến nhiều, với hai lần được lên trang bìa hai tạp chí Vogue và Time. Trong nước, suốt một thời gian dài, thủ tướng Jacinda Ardern đạt tỉ lệ được lòng dân cao kỷ lục. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, theo các cuộc thăm dò dư luận, điểm tín nhiệm của đảng Lao Động cầm quyền và của chính bà đều sụt giảm, trong bối cảnh kinh tế xuống cấp và cánh hữu đối lập đang khôi phục lực lượng.

    Từ Wellington, thông tín viên Richard Tindiller tường trình :

    Giọng nói nghẹn ngào, xúc động, thủ tướng đã thông báo với báo giới rằng đơn giản chỉ vì bà không còn sức lực để tiếp tục cương vị mà bà đã đảm nhiệm từ 5 năm rưỡi nay. Bà Jacinda Ardern lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ khi mới 37 tuổi. Thế nhưng, các nhiệm kỳ của bà đều được đánh dấu bằng những sự hỗn loạn : các vụ khủng bố nắm vào các đền thờ Hồi giáo ở Christchurch hồi năm 2019, vụ núi lửa Whakaari phun trào cướp đi mạng sống của 22 người.

    Đến năm 2020, đối mặt với đại dịch Covid-19, bà đã đóng cửa hoàn toàn biên giới New Zealand trong suốt hơn 2 năm. Nhờ chiến lược đó, New Zealand là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm Covid thấp nhất thế giới. Thế nhưng, sau đó, bà đã phải đối mặt với phong trào Freedom Convoy, phong trào duy nhất tại nước này phản đối các biện pháp phòng dịch.  

    Về đời sống cá nhân, mọi người vẫn nhớ hình ảnh bà mẹ trẻ Jacinda Ardern dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm 2018 với con gái mới 3 tháng tuổi.   

    Hôm nay, Ardern tuyên bố bà chỉ là một con người, rằng các chính trị gia cũng là con người và đối với bà, đã đến lúc phải từ chức.

    Cuộc bỏ phiếu trong đảng Lao Động để tìm người kế nhiệm thủ tướng Jacinda Ardern sẽ diễn ra vào ngày 22/01 tới đây ».  

    Airfinity: 36,000 người có thể chết vì COVID mỗi ngày tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán

    Một báo cáo nghiên cứu mới của Anh cho thấy, trong thời gian Tết Nguyên đán này, mỗi ngày có thể có 36,000 người chết vì COVID-19 tại Trung Quốc.

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/du-doan-cua-affinity.jpg

    Trong thời gian Tết Nguyên đán này, mỗi ngày có thể có 36.000 người chết vì COVID-19 tại Trung Quốc. (Chụp màn hình Airfinity) 

    Thời điểm nhạy cảm khi đỉnh dịch trùng đỉnh lưu lượng giao thông

    Tết Nguyên Đán năm 2023 sẽ bắt đầu vào ngày 22 tháng Giêng, thời điểm trước sau dịp này hàng năm Trung Quốc phải đối mặt giai đoạn khắc nghiệt về lưu lượng giao thông (xuân vận). Theo ước tính chính thức của nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tổng lưu lượng hành khách trước Tết năm nay sẽ đạt 2,1 tỷ người, tăng gần 100% so với năm ngoái; cơ quan chức năng cũng chỉ ra đỉnh điểm dòng người trước Tết năm nay trùng với đỉnh điểm dịch bệnh, là đợt giao thông dịp Tết nhạy cảm nhất trong những năm gần đây do COVID-19.

    Nhật báo Bắc Kinh (BJD) đưa tin hôm 7/1, nói rằng hiện tại rất khó để tìm được vé tàu cho một số tuyến khứ hồi ở Trung Quốc. Ngày 6/1 trang “Kinh tế và Tài chính Mới Trung Quốc” (Hunfdc.com) đã kiểm tra trang web 12306 (Trung tâm Dịch vụ Khách hàng Đường sắt Trung Quốc), phát hiện thấy lượng vé tàu nhiều tuyến đường phổ biến đã được bán hết.

    Nhu cầu về các chuyến bay cũng gia tăng. Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trong dịp Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày bố trí 11.000 chuyến bay chở khách, bằng khoảng 73% so với cùng kỳ năm 2019. Xét về lượng đặt vé, phổ biến nhất là các tuyến Bắc Kinh-Tam Á, Thượng Hải-Bắc Kinh, Bắc Kinh-Hải Khẩu, Thâm Quyến-Côn Minh… Giá vé máy bay cũng tăng, giá vé máy bay một chiều từ Bắc Kinh đến Tam Á vào đêm giao thừa đã vượt quá 3.000 nhân dân tệ.

    Nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, ông Wu Zunyou từng công khai tuyên bố rằng tình hình dịch bệnh sẽ có những “khúc ngoặt”, trong đó từ nửa cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 là giai đoạn dòng người về quê trong dịp Tết có thể làm leo thang dịch bệnh COVID-19.

    Dự đoán từ ​​Airfinity

    Trước thực tế là ĐCSTQ đã nhiều lần che giấu sự thật về tình hình dịch bệnh, giới quan tâm bên ngoài thấy lo ngại thay cho sự an toàn của người dân ở Đại Lục.

    Báo cáo mới nhất từ công ty phân tích dữ liệu sức khỏe ​​Airfinity (có trụ sở tại Vương quốc Anh) dự đoán dịp Tết Nguyên đán mỗi ngày Trung Quốc có thể có 36.000 người chết vì COVID, khiến đây trở thành một trong những khoảng thời gian nguy hiểm nhất của làn sóng dịch tại Trung Quốc lần này.

    Trước đó, Airfinity ước tính rằng dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ đối mặt với đỉnh điểm làn sóng đầu tiên này vào ngày 13/1, theo đó số người nhiễm COVID-19 trong một ngày sẽ lên tới 3,7 triệu người. Khoảng 10 ngày sau đỉnh dịch làn sóng này ở Trung Quốc, số trường hợp tử vong trong một ngày sẽ đạt đến đỉnh điểm với 25.000 người.

    Dữ liệu của Airfinity cho thấy tốc độ bùng phát ở Trung Quốc là đáng báo động. Giám đốc phân tích của Airfinity, ông Matt Linley cũng chỉ ra ước tính trong 2 tuần tới hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc sẽ phải hứng chịu gánh nặng trầm trọng hơn, hậu quả là nhiều bệnh nhân trong trường hợp bình thường có thể điều trị được nhưng có thể sẽ tử vong vì bối cảnh quá tải khả năng chăm sóc.

    Trong khi đó, Tuần báo Tin tức Trung Quốc (inewsweek) ngày 15/1 có cảnh báo rằng ở vùng đông bắc rộng lớn và lạnh giá của Trung Quốc vào dịp đón năm mới là lúc các bệnh nhân địa phương có thể lại phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn, lý do vì hệ thống y tế thời điểm này thiếu hụt.

    Hồi năm ngoái, ngày 31/12 Nhật báo Nông dân Trung Quốc từng có bình luận rằng nguồn lực y tế yếu kém ở các vùng nông thôn của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh COVID-19 ở các vùng nông thôn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo số liệu của nhà chức trách, vào năm 2020 bác sĩ và nhân viên y tế thôn bản của Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% tổng số nhân viên y tế cả nước, nhưng họ phụ trách dịch vụ y tế cho gần 500 triệu người dân nông thôn.

    Tiểu Quỳ, Vision Times

    Nhà nghiên cứu của Đại học Kansas bị kết án vì che giấu mối liên hệ với Trung Quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/Kansas_Researcher_Trial_22081530861042-700x420.jpg-.jpeg

    Nhà nghiên cứu Đào Phong (Franklin Feng Tao) trong bức ảnh tư liệu không đề ngày tháng do Đại học Kansas cung cấp. Lời nhận định mở đầu được đưa ra hôm thứ Ba, ngày 22/03/2022, trong phiên tòa xét xử ông Đào, một nhà nghiên cứu bị buộc tội che giấu công việc mà ông thực hiện ở Trung Quốc trong thời gian ông làm việc tại Đại học Kansas. (Ảnh: Kelsey Kimberlin/Đại học Kansas qua AP, Tư liệu) 

    Một cựu nhà nghiên cứu của Đại học Kansas đã bị kết án tù có thời hạn, theo đó người bị kết án đã thực hiện đủ thời gian thi hành án tại trại tạm giam, mà không bị phạt hoặc bồi thường vì tội che giấu công việc ông thực hiện ở Trung Quốc trong thời gian ông làm việc tại trường đại học này.

    Ông Đào Phòng (Feng “Franklin” Tao) đã bị kết án hôm 18/01 vì tội khai man.

    Ông Đào đã bị bắt vào năm 2019 cùng với khoảng hai chục nhà nghiên cứu khác, những người bị buộc tội che giấu mối liên hệ của họ với Trung Quốc.

    Ông bị kết án vào tháng 04/2022 với tội danh khai man, cùng với ba tội danh khác về gian lận điện tín (wire fraud). Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang đã hủy bỏ các cáo buộc gian lận điện tín này hồi tháng 09/2022, vì không có bằng chứng nào cho thấy ông Đào đã nhận được tiền thưởng cho công việc liên quan đến học bổng nghiên cứu này.

    Liên quan đến việc khai man, ban hội thẩm đã kết tội ông vì đã không tiết lộ rằng ông có tên trong chương trình Học giả Trường Giang, một chương trình nhân tài của Trung Quốc, trên các mẫu đơn về xung đột lợi ích và đơn xin tài trợ của liên bang.

    Ông Đào đã về Trung Quốc để thành lập một phòng thí nghiệm và chiêu mộ nhân tài cho Đại học Phúc Châu theo yêu cầu của chương trình này, nhưng ông lại nói với Đại học Kansas rằng ông đã ở Đức trong khoảng thời gian đó.

    Các công tố viên liên bang đề nghị mức án hai năm rưỡi tù giam cho ông Đào. Họ cáo buộc rằng hành động của ông Đào đã khiến trường đại học Kansas và các cơ quan liên bang phải trả hàng trăm ngàn dollar [để tài trợ cho dự án nghiên cứu của ông], nhưng ông lại lừa dối Đại học Kansas, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Quỹ Khoa học Quốc gia bằng cách khai man về công việc ông đã làm cho Đại học Phúc Châu ở Trung Quốc.

    Các luật sư của ông Đào đã đề nghị một bản án tù có thời hạn, nói rằng vụ án này đã hủy hoại danh tiếng của ông, sự ổn định tài chính của gia đình ông, và một con đường công danh rạng rỡ khác. Đội luật sư bào chữa của ông cũng cho biết ông đã hoàn thành dự án nghiên cứu được tài trợ từ các khoản trợ cấp liên bang.

    Sự nhập nhằng trong các vụ án còn sót lại của Sáng kiến Trung Quốc

    Vụ kiện chống lại ông Đào là một phần của Sáng kiến ​​Trung Quốc thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, một chương trình của Bộ Tư pháp nhằm hạn chế các nỗ lực gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đang cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng.

    Quyết định của thẩm phán không đưa ra án tù cho ông Đào có thể sẽ được xem là một đòn giáng khác vào tính hợp pháp của Sáng kiến ​​Trung Quốc và các chương trình kế thừa của sáng kiến này, vốn đã bị hủy hoại bởi các vụ án bị bãi bỏ và các cáo buộc phân biệt chủng tộc.

    Vụ án này xảy ra sau một số vụ việc tương tự trong suốt năm qua, trong đó các quan chức liên bang đã bắt giữ và buộc tội những người làm gián điệp cho Trung Quốc chỉ để đột ngột hủy bỏ các vụ án mà không đưa ra lý do rõ ràng.

    Ví dụ, hồi đầu tuần này, các công tố viên liên bang ở New York đã hủy bỏ vụ kiện của họ đối với một sĩ quan Sở Cảnh sát New York bị truy tố vì cáo buộc làm gián điệp cho nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Quyết định này đã được đưa ra mà không có lý do rõ ràng.

    Sáng kiến ​​Trung Quốc và những thất bại được cho là của chương trình này cuối cùng đã khiến những người chỉ trích cáo buộc các quan chức liên bang phân biệt chủng tộc và lập hồ sơ chủng tộc. Đổi lại, Bộ Tư pháp đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, không tìm thấy bằng chứng nào về sự thiên vị chủng tộc.

    Bất chấp phát hiện đó, bộ này đã chấm dứt chương trình này, tuyên bố rằng họ muốn tránh “nhận thức có hại” về sự thiên vị và thay vào đó sẽ tập trung vào các mối đe dọa cấp quốc gia.

    Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich. 

    Hồng Ân biên dịch


    Mỹ lại loay hoay câu chuyện trần nợ

    Thứ Năm này chính phủ Mỹ sẽ chạm “trần nợ” – tức giới hạn số tiền có thể vay bằng trái phiếu. Thật ra Quốc hội có thể đơn giản là xoá quy định trần nợ. Nhưng điều đó là gần như không thể.

    Đảng Cộng hòa, sau khi quay lại kiểm soát Hạ viện, muốn cắt giảm lớn chi tiêu liên bang, bao gồm bảo hiểm y tế công và các chương trình xã hội khác. Đảng Dân chủ, bên kiểm soát Thượng viện, từ chối.

    Bộ Tài chính sẽ tạm thời dùng các thủ thuật kế toán đặc biệt để đảm bảo có đủ tiền trang trải chi phí, từ chi bảo hiểm xã hội cho đến thanh toán trái phiếu. Giới phân tích tin rằng bộ sẽ còn làm như vậy cho đến quý ba, tức cuối tháng 6. Một khi thời hạn đó đến gần, thị trường toàn cầu sẽ trở nên căng thẳng về khả năng Mỹ vỡ nợ. Bài học lịch sử cho thấy Quốc hội nhiều khả năng sẽ có được thỏa hiệp vào phút cuối. Nhưng với quyền lực lên cao của phe cứng rắn trong đảng Cộng hòa, nhất là những người đã cản trở cuộc bầu cử chủ tịch hạ viện, mọi chuyện sẽ rất khó đoán.

    Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì lãi suất thấp

    Các lãnh đạo ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất 9% tại cuộc họp vào thứ Năm. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tỏ rõ quyết tâm giữ tăng trưởng kinh tế và tín dụng thông thoáng, qua đó giúp ông có vị thế tốt bước vào cuộc bầu cử ngày 14 tháng 5.

    Năm ngoái, ông Erdogan đã gây áp lực buộc ngân hàng phải giảm lãi suất từ 14% xuống 9%. Lạm phát lên tới 85,5% vào tháng 10 đã khiến người nghèo và tầng lớp trung lưu thấp – những cử tri nòng cốt của ông Erdogan – bị ảnh hưởng nặng. Kể từ đó, lạm phát giảm xuống còn 64,3% và tỉ lệ ủng hộ của tổng thống được cải thiện. Dự trữ ngoại hối đang tăng nhờ tiền mặt từ Nga và các nước vùng Vịnh, dù nhanh chóng bị ngân hàng trung ương bán ra để giữ giá đồng lira.

    Hồi tháng 12, chính phủ đã tăng lương tối thiểu lên 55%, lần tăng lớn thứ ba trong năm 2022. Họ cũng hạ thấp tuổi nghỉ hưu, qua đó cho phép thêm 2 triệu người được nhận lương hưu. Một cuộc hối lộ cử tri giữa ban ngày.

    Thái Lan khai trương nhà ga 1 tỷ đô ở Bangkok

    Nhà ga xe lửa lớn nhất Đông Nam Á sẽ khai trương vào thứ Năm. Có tên chính thức là Nhà ga Trung tâm Krung Thep Aphiwat (“vinh quang của Bangkok”), và được gọi là Bang Sue Grand Central, nhà ga này nằm ở phía bắc thủ đô Thái Lan, có 24 sân ga, và có thể phục vụ 600.000 hành khách mỗi ngày.

    Cho đến gần đây, đường sắt của Thái Lan nổi tiếng với động cơ diesel cũ kỹ và các vụ trật bánh. Nhà ga trung tâm trước đây của Bangkok đã có từ năm 1916. Chính phủ kỳ vọng đầu tư vào đường sắt sẽ giúp thúc đẩy du lịch và giảm tắc nghẽn đường bộ. Nhà ga mới, mất hơn mười năm thi công và tiêu tốn khoảng 1 tỷ đô la, là một phần của cuộc bùng nổ giao thông đô thị ở Bangkok. Nó sẽ là trung tâm trung chuyển của các tuyến tàu trong nước và quốc tế, phục vụ các chuyến tàu đi lại hàng ngày, các chuyến đường dài, và về lâu dài là tàu cao tốc. Nó cũng sẽ kết nối ba sân bay, và là trạm trung chuyển cho các chuyến tàu từ Côn Minh, Trung Quốc, đến Singapore vào cuối thập kỷ này.

    Hôm nay có đình công quy mô lớn ở Pháp

    Nước Pháp sẽ có một ngày hỗn loạn vào thứ Năm khi mọi công đoàn trong nước kêu gọi biểu tình, tuần hành và đình công để phản đối kế hoạch tăng tuổi hưởng lương hưu tối thiểu từ 62 lên 64 của chính phủ. Các nhà tổ chức đặt mục tiêu có 1 triệu người tham gia. Xe lửa, tàu điện ngầm, xe buýt, sân bay và trường học đều sẽ bị ảnh hưởng.

    Nhờ tuổi thọ cao và tuổi nghỉ hưu trung bình thấp, người Pháp có thời gian nghỉ hưu lâu hơn so với hầu hết các nước OECD. Họ không muốn từ bỏ đặc quyền này: thăm dò cho thấy hai phần ba phản đối việc tăng tuổi hưởng lương hưu lên 64.

    Nhưng tổng thống Emmanuel Macron sẽ không ở trong nước. Ông dự kiến dự hội nghị thượng đỉnh ở Barcelona, nơi Pháp và Tây Ban Nha sẽ ký một hiệp ước song phương để củng cố tình hữu nghị. Một số bộ trưởng tháp tùng ông sẽ sẵn sàng trở lại Paris sớm nếu mọi việc vượt quá tầm kiểm soát.

    Ứng cử viên tổng thống Đài Loan tuyên bố sẽ không nhân nhượng Trung Quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/william-lai-2.jpg

    Phó Tổng thống Đài Loan William Lai (Getty Images) 

    Nhân nhượng với Trung Quốc sẽ không mang lại hòa bình, Phó Tổng thống Đài Loan cho biết hôm thứ Tư (18/1), vài ngày sau khi ông được bầu làm người đứng đầu đảng cầm quyền và trở thành ứng cử viên tổng thống hàng đầu trong cuộc bầu cử tiếp theo.

    Ông William Lai, 63 tuổi, được coi là người có khả năng kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn, vốn bị cấm tái tranh cử sau khi nhiệm kỳ bốn năm thứ hai của bà kết thúc vào tháng 5/2024.

    So với bà Thái, ông Lai vẫn luôn bày tỏ thái độ cứng rắn hơn về nền độc lập của Đài Loan, và ông bị Bắc Kinh công khai chỉ trích vì lý do đó.

    “Nhân nhượng không thể mua được hòa bình,” ông Lai nhấn mạnh trong những bình luận đầu tiên về Trung Quốc kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP).

    Ông kêu gọi người dân Đài Loan đoàn kết trước “sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán của Trung Quốc”, nói rằng “chỉ bằng cách đoàn kết tất cả mọi người và tăng cường khả năng phòng thủ, chúng ta mới có thể thực sự bảo vệ an ninh của mình”.

    Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. 

    Trung Quốc đã tăng cường gây áp lực về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan kể từ cuộc bầu cử năm 2016 của bà Thái, khi bà bác bỏ lập trường của Trung Quốc và coi hòn đảo này là một quốc gia có chủ quyền.

    Bắc Kinh cho hay, bất kỳ động thái nào của Đài Loan hướng tới tuyên bố độc lập chính thức sẽ dẫn đến phản ứng quân sự. Trong 3 năm qua, chính quyền Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các cuộc xâm nhập quân sự vào vùng biển và vùng trời gần Đài Loan.

    Ngày 18/1, ông Lai nhận định, không cần phải tuyên bố độc lập vì Đài Loan “đã là một quốc gia có chủ quyền”, đồng lời lặp lại những bình luận trước đó của bà Thái Anh Văn.

    Đài Loan thề sẽ tự bảo vệ mình nếu bị tấn công, nói rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là vô hiệu vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từng chưa bao giờ cai trị hòn đảo này. Đài Loan khẳng định, chỉ 23 triệu người dân trên đảo mới là người quyết định tương lai của mình.

    Nhật Minh (Theo Reuters)

    Đình công trên khắp nước Pháp phản đối cải cách lương hưu của TT Macron

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/dinh-cong-tren-khap-nuoc-phap.jpg

    Đình công trên khắp nước Pháp phản đối cải cách lương hưu của TT Macron (Ảnh chụp màn hình video) 

    Các chuyến tàu sẽ dừng hoạt động ở Pháp vào ngày 18/1, các lớp học sẽ đóng cửa và các doanh nghiệp phải tạm dừng vận hành, khi công nhân đồng loạt nghỉ việc trong nỗ lực phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Macron, trong đó đẩy tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi.

    Ngày đình công và biểu tình diễn ra trên toàn quốc này là một phép thử lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron, cũng như đối với các công đoàn.

    Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số cử tri Pháp bất bình với chính sách cải cách mà chính phủ cho là cần thiết để đảm bảo hệ thống lương hưu không bị phá sản.

    Thách thức đối với các công đoàn là liệu họ có thể biến sự phản đối cải cách đó thành một cuộc biểu tình xã hội quy mô lớn kéo, và cuối cùng khiến chính phủ đảo ngược chính sách hay không.

    “Lạm phát, điều kiện làm việc, lương hưu … (mọi người) đã chán ngấy với tất cả những điều này và đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ tham gia cùng chúng tôi,” ông Simone Legendre, thành viên của liên đoàn CFE-CGC đại diện cho giới công nhân cho biết.

    Đối với Tổng thống Macron, điều đáng quan ngại là uy tín trong việc cải cách của ông – cả ở trong nước và với những người đồng cấp ở Liên minh châu Âu, cũng như khả năng kiểm soát chi tiêu công.

    Theo ước tính của Bộ Lao động, việc đẩy lùi tuổi nghỉ hưu thêm hai năm và kéo dài thời gian chi trả sẽ mang lại thêm 17,7 tỷ euro (19,1 tỷ USD) tiền đóng góp lương hưu hàng năm, cho phép hệ thống hài hòa vốn vào năm 2027. Các công đoàn lại phân tích rằng, có nhiều cách khác để đảm bảo khả năng tồn tại của hệ thống hưu trí.

    Người phát ngôn chính phủ Oliver Veran cho hay, nội các vẫn “bình tĩnh, kiên quyết” trước cuộc đình công và kêu gọi công nhân không làm tê liệt đất nước.

    Trong khi đó, các công đoàn mô tả đây là một điểm khởi đầu cho nhiều cuộc đình công và biểu tình tiếp theo.

    Giáo sư Bruno Palier của Science Po nhận xét: “Điều mà không ai có thể biết, và ngay cả các công đoàn cũng không dự đoán là liệu người Pháp có đủ can đảm để… phong tỏa đất nước hay không.”

    Do cuộc đình công, giao thông công cộng sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng vào ngày 18/1. Theo nhà điều hành đường sắt SNCF, chỉ có từ 1/3 đến 1/5 tuyến TGV tốc độ cao sẽ hoạt động, hầu như không có chuyến tàu địa phương hoặc khu vực nào hoạt động.

    Khoảng 70% giáo viên tiểu học tuyên bố họ sẽ đình công. “Không có gì tốt trong cuộc cải cách này,” bà Rozenn Cros ở thành phố Cannes miền Nam nước Pháp bày tỏ. Bà và các giáo viên khác đang chuẩn bị cho cuộc đình công, với các biểu ngữ có nội dung “Nói không với 64.”

    Liên minh CGT cứng rắn của Pháp đã đe dọa cắt nguồn cung cấp điện cho các nhà lập pháp và tỷ phú, trong khi chính phủ thông báo 10.000 cảnh sát sẽ xuống đường để cố gắng đảm bảo các cuộc biểu tình không biến thành bạo lực.

    Trong một diễn biến khác, Tổng thống Macron và một số bộ trưởng của ông sẽ có mặt tại Barcelona trong ngày 18/1 để họp với chính phủ Tây Ban Nha.

    Minh Ngọc (Theo Reuters)

    90% thuốc COVID gửi cơ quan xét nghiệm Thượng Hải là giả

    18/01/2023

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/anh-chup-man-hinh-2023-01-18-luc-120635-ch-700x366-2.jpg

    Bao bì của thuốc giả, thuốc được ngụy trang thành Primovir (ảnh: newtalk). 

    Một cơ quan xét nghiệm ở Thượng Hải gần đây đã tiết lộ rằng 90% thuốc điều trị COVID gốc được gửi đi kiểm định là hàng giả.

    Cơ quan xét nghiệm Xinbodi, nói với Xinmin Evening News, rằng họ không thể phát hiện chất Nirmatrelvir trong 90% mẫu thuốc được kiểm định.

    Nirmatrelvir là chất có khả năng ức chế một protein của SARS-CoV-2, ngăn sự nhân lên của vi rút, thường được kết hợp với chất Ritonavir – làm chậm sự phân hủy của Nirmatrelvir giúp thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn ở nồng độ cao hơn. Nếu không có Nirmatrelvir, những viên thuốc điều trị COVID sẽ bị coi là giả.

    Thay vào đó, cơ quan xét nghiệm Xinbodi cho biết, họ đã phát hiện ra chất Oseltamivir, thành phần chính của thuốc cảm cúm.

    Phòng thí nghiệm đã được yêu cầu kiểm tra các loại thuốc gốc này từ đầu tháng 12, với các mẫu được lấy từ khắp đất nước. Lúc cao điểm có ngày nhận 200 mẫu.

    Xinbodi cho biết hầu hết các mẫu là thuốc thật trong những ngày đầu. Nhưng các phiên bản giả đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn.

    Tờ Xinmin Evening News đã chụp lại bao bì của thuốc giả, thuốc được ngụy trang thành Primovir, phiên bản Ấn Độ của Paxlovid của Pfizer. Tờ báo tuyên bố rằng không thể phân biệt được sự khác biệt giữa bao bì của thật và giả.

    Trong cuộc khủng hoảng của Trung Quốc đối với các phương pháp điều trị COVID, các loại thuốc gốc của Ấn Độ đã nổi lên như những lựa chọn hợp lý nhất. Trên mạng, chúng được bán với giá từ 260 – 430 USD mỗi hộp.

    Chính phủ Trung Quốc vẫn coi việc nhập khẩu thuốc gốc của Ấn Độ là bất hợp pháp. Do đó, người mua không thể yêu cầu bồi thường nếu họ mua phải sản phẩm giả.

    Như truyền thông Đại lục đã chỉ ra, khi xuất trình giấy chứng nhận kiểm nghiệm rằng thuốc họ mua là giả, người mua sẽ chỉ phản bác lại: “Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng những gì bạn đã kiểm định là sản phẩm của tôi?”.


    Không có nhận xét nào