Header Ads

  • Breaking News

    Vĩnh Liêm – Nguồn thơ dậy lửa Phần 4. Hết

    (Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)


    Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 47 năm. Sống ở Mỹ đã 47 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:

    PHẦN I: GIẢI PHÓNG (những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)

    PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)

    PHẦN III: ĐỔI MỚI (những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)

    PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)

    PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)

    PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)

    PHẦN VII: THA THIẾT (nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)

    Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 47 năm xa quê hương.

    (Thung lũng Liên-Sơn, 31-12-2022)

    VĨNH LIÊM

    -------------

    (Kỳ 4 - Tiếp theo kỳ 3)

    17. NHỮNG CÁI NHẤT

    Những cái NHẤT – chỉ Việt Nam mới có,
    Khắp Đông-Tây bạn tìm kiếm không ra.
    Người ở xa khi về lại thăm nhà,
    Bạn mới thấy những gì tôi nói đúng.

    NHẤT thứ nhất là đường dây THAM NHŨNG,
    Cấp càng cao thì tham nhũng càng nhiều.
    Cứ đút đưa cho cán bộ quan liêu,
    Thì mọi việc sẽ trơn tru, tốt đẹp.


    NHẤT kế tiếp: CHỬI THỀ sôi bọt mép,
    Từ trẻ thơ cho tới lớp người già.
    Chẳng ngượng ngùng khi địt mẹ, địt cha,
    Cứ văng tục cho sướng mồm đã miệng.

    NHẤT XẢ RÁC – vứt bừa là xong chuyện,
    Vứt cục xương xuống đất thế là xong!
    Vứt khăn ăn, tàn thuốc… nhẹ như không,
    Coi mọi việc vứt bừa là chuyện nhỏ.


    Cái NHẤT nữa là dân hay KHẠC NHỔ,
    Khạc khơi khơi, khạc bất cứ chỗ nào.
    Các bãi đờm vung vảy chẳng là bao,
    Khạc đã cổ, mặc ai nhìn ai thấy.

    Trong cái NHẤT hàng đầu là ĐÁI BẬY,
    Đái vào tường, cột điện… sướng rân người.
    “Cấm đái” ư? Thì cứ đái khơi khơi,
    Người mắc đái chẳng phải là tật xấu.


    Cái NHẤT chót: Người lái xe quá ẩu,
    Lái ngược chiều cũng cứ lái tự nhiên.
    Xe Honda là phương tiện ưu tiên,
    Cứ lái ẩu, chẳng cần theo luật lệ.

    Những cái NHẤT – Việt Nam hơn quốc tế.

    (Đức Phố, 12-05-2010)


    18. THÂU NGẮN NGÀY VỀ QUÊ HƯƠNG


    Thư em hỏi bao giờ anh trở lại,

    Nhìn quê hương yêu dấu nhuộm tiêu điều.

    Dòng sông Cửu vẫn hàng ngày xuôi chảy,

    Nhưng lòng người thì mệt mỏi, buồn thiu.


    Ba năm chẵn loay hoay quanh câu hỏi,

    Lòng mênh mang đeo đẳng nỗi buồn phiền.

    Đêm trở giấc bên tai nghe tiếng gọi,

    Của những người mang thống khổ triền miên.


    Người ở lại mong đợi ngày giải thoát,

    Bằng bom hơi hay thuốc độc không màng.

    Chết thanh thản hơn sống đời lây lất,

    Dưới bàn tay hung bạo bọn sài lang.


    Xưa khoai sắn chỉ ăn chơi đỡ bữa,

    Nay sắn khoai không đủ để mà ăn!

    Khi trở bệnh không thuốc thầy chạy chữa,

    Đành nằm chờ lưỡi hái của tử thần.


    Ngày lao động gấp đôi lần thuở trước,

    Áo sờn vai mà vải vụn chẳng còn.

    Đêm giải trí bằng Mác-Lê lý thuyết,

    Nhờ “Bác Hồ” ưu ái mới trơ xương.


    Một lũ qủi mang mặt người dạ thú,

    Bởi nhân danh Bác, Đảng trở thành người.

    Say hút máu đám dân lành vô tội,

    Nỗi oán hờn chồng chất khắp nơi nơi.


    Trong một nước quyền Tự Do dẫy chết,

    Lửa bạo tàn vùi dập tuổi thơ ngây.

    “Tân tín ngưỡng” của giáo điều Mác-xít,

    Biến thân người thành thân xác cỏ cây.


    Người vượt biển với trăm may ngàn rủi,

    Mặc sóng to, thuyền thẳng hướng mà đi.

    Cơn đói khát làm thân người rủ rượi,

    Dù bao lâu, chí vẫn quyết kiên trì.


    Tin “tị nạn bằng thuyền” như vũ bão,

    Đập vào đầu bọn cầy cáo gian manh.

    Ôi! Cái chết trong tự do tuyệt hảo!

    Giữa trời cao biển rộng một màu xanh.


    Tự Do đó được đổi bằng sinh mạng,

    Ngục tù nào xiềng xích được Tự Do?

    Trong bóng tối chứa triệu lần ánh sáng,

    Trong khốn cùng có mơ ước ấm no.


    Tiếng gào thét của đoàn người tị nạn,

    Vang dội cùng khắp Mỹ đến trời Âu.

    Làm rung động bức thành trì Cộng sản,

    Dù Mác-Lê sống lại cũng lật nhào.


    Em sẽ thấy quê hương mình rực rỡ,

    Khi bình minh xua đuổi hết màn đêm.

    Kẻ hung bạo sắp đến giờ tắt thở,

    Mác-Lê nào cứu được chúng đâu em!


    (St. Louis, 8-10-1978)


    19. CẢM NHẬN


    Anh hiện tại lạnh đầy mây quá khứ,

    Trong tương lai chắc cũng chẳng đổi dời.

    Như tượng đá trăm năm mưa nắng gội,

    Còn lại gì sau cuộc sống nổi trôi?!


    Em hiện tại bão dâng đời thiếu phụ,
    Giấc mơ xưa xếp xó chuyện hoang đường.

    Cầu đã gãy, ngẩn ngơ thời ẩn trú,

    Thương nhịp cầu hay cuộc sống bi thương?


    Mắt có mở nhìn sâu đời quạnh quẽ?

    Cỏ cây xưa cũng nát nụ cười xuân.

    Ôi! Hạnh phúc mong manh như giọt lệ!

    Mắt môi đây mà tình cũ chưa gần!


    Anh nhấm nháp vị đời quen chất đắng,

    Tìm hương xưa trong giấc ngủ cô đơn.

    Ngày vẫn chảy xuôi theo hồn vắng lặng,

    Gọi tên em qua ngấn lệ u buồn.


    Ôi! Cuộc sống tan dần như lá mục!

    Tình phất phơ như hạt tuyết lưng trời.

    Em lây lất kéo lê đời tù ngục,

    Sống để cùng tham dự một trò chơi!


    (St. Louis, 5-01-1979)


    20. MONG MỘT NGÀY VỀ



    Tôi có người em tuổi đôi mươi

    Năm năm đã tắt hẳn nụ cười

    Tương lai khép lại bên đồng vắng

    Tâm sự cùng mây và đất trời.


    Tôi có mẹ cha luống mỏi mòn

    Vì khô nước mắt đợi chờ con

    Tuổi già héo hắt như cành trúc

    Không nỡ lìa xa cảnh nước non.



    Quê mẹ giờ đây lắm điêu tàn

    Ai còn giữ được chút tâm can

    Hãy nghe tiếng vọng từ sâu thẳm

    Tiếng uất nghẹn lời trong tối tăm.


    Tôi vẫn hằng mong một ngày về

    Phá tan xiềng xích của u mê

    Dẹp lò cải tạo, xây trường học

    Xóa bỏ ngôn từ của Mác-Lê.



    Tôi có mơ chi ở xứ này

    Cuộc đời lao động rã đôi tay

    Thức ăn đông lạnh không hương vị

    Nuốt vội cho trôi hết tháng ngày.


    Nghĩ đến 5 năm chợt giật mình

    Ai khen “lao động là quang vinh”?

    Mồ hôi thấm ướt bao nhiêu áo

    Đổi lấy Tự Do lẫn cực hình!



    Đừng quá bi quan! Hỡi bạn ta!

    Chớ quên nợ nước với thù nhà

    Ngày mai sẽ tới, ta về nước

    Diệt bọn sài lang, cứu quốc gia.


    (Suối bạc, 10-10-1980)


    21. NGÀY VỀ CÓ EM


    Người em nhỏ báo tin vượt tuyến,

    Thư cho tôi, em kể chuyện nhà.

    Và nhắc đến những ngày trên biển,

    Khiến lòng tôi chợt thấy xót xa.


    Em bỏ lại mẹ già gian khổ,

    Chiếc khăn tang còn quấn trên đầu.

    Ba em chết trong lao tù Đỏ,

    Xác biến thành phân bón vườn rau!


    Em con “Ngụy” phải đi “học tập”,

    Chúng dán em cái nhãn “Ngụy quyền”.

    Thêm mũ “Xịa” làm tăng vẻ đẹp…

    Em ngoan hiền nên lắm truân chuyên!


    Ngày rời nước, em bùi ngùi khóc,

    Tiễn con yêu, Mẹ có dặn dò:

    “Tuổi khôn lớn nên thành gia thất,

    Ở phương nào con nhớ biên thơ”.


    Mẹ không dạy em lòng yêu nước,

    Nhưng tình thương Người rất bao la.

    Em không thể quên tình cốt nhục,

    Ơn sinh thành, mồ mã ông cha…


    Em thôi thúc ngày về phục quốc,

    Nhớ cho em chung một chuyến tàu.

    Quyết tẩy sạch những điều ô nhục,
    Quê thanh bình, tình thắm em trao.


    “Nơi hải ngoại anh đừng mê ngủ,

    “Bả phồn hoa hủy diệt niềm tin.

    “Đừng bắt chước những phường vong bản,

    “Quên quê hương, nòi giống dân mình.


    “Hãy nuôi dưỡng tinh thần bất diệt,

    “Hỡi người anh thế hệ ba mươi!

    “Ngày trở lại chiến công oanh liệt,

    “Khúc hoan ca vang dậy đất trời”.


    Sức trai trẻ thẹn cùng em nhỏ,

    Tuổi hai mươi nhiệt huyết em đầy.

    Tôi chí thấp, tài hèn sâu bọ,

    Sống bằng thừa, chẳng có tương lai!...


    Xin dâng hiến quãng đời còn lại,

    Cho quê hương thống khổ triền miên.

    Làm viên đá lót đường thoải mái,

    Vạn lần hơn sống kiếp oan khiên.


    Tôi thao thức đợi ngày Cách Mạng,

    Từ lòng dân - đạp phá xích xiềng.

    Để cứu lấy quê hương hoạn nạn,

    Ôi phút giây hào khí thiêng liêng!


    (Suối Bạc, 5-10-1980)

    VĨNH LIÊM

    (Hết Phần I)

    Không có nhận xét nào