Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn văn Tuấn - “Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ”

    15/02/2023

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2023/02/image-10.png?w=204

    " ... Tóm lại, điểm qua những sự thật trên, tôi nghĩ rằng Vũ Hoàng Chương không viết những ‘câu thơ máu me’ trên. Trong tập thơ Hoa Đăng và bài Lửa Từ Bi hoàn toàn không có những câu thơ đó. Có thể xác định rằng những câu thơ máu me đó là do Trần Bạch Đằng ‘sáng tác’ trong cuốn tiểu thuyết mang tính chánh trị của ông, và đặt vào miệng của thi sĩ họ Vũ.

    Nhưng điều đáng nói ở đây là nhiều người có học tin vào sự bịa đặt đó và gán cho thi sĩ những câu chữ sắt máu đó! Lại có người tích cực lan truyền những thông tin sai lệch trên và chỉ trích thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thật không hiểu nổi tại sao có những người làm những việc sai quấy như thế."

    Có khá nhiều bạn tin rằng đó là câu thơ trên là của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nhưng sự thật thì có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự ‘bịa đặt’ từ một cuốn tiểu thuyết.

    Cho những ai chưa biết về thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976), ông là một nhà thơ lớn và có lẽ sáng chói nhứt trên văn đàn miền Nam trước 1975. Ông người gốc Nam Định nhưng di cư vào Nam từ năm 1954, từng làm giáo viên (thời đó gọi là ‘giáo sư’) trường trung học Chu Văn An ở Sài Gòn. Ông có nhiều sáng tác để đời, và từng được xưng tụng là ‘Ngôi sao Bắc Đẩu’ của thi ca Việt Nam. Sau năm 1975, ông bị bắt đi tù ‘cải tạo’, và qua đời ngày 6/9/1976 tại TPHCM.

    Vài ngày trước, báo Tuổi Trẻ loan một tin thú vị rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương (hình) từng được đề cử Giải Nobel Văn học năm 1972 [1]. Theo Hàn lâm viện Thuỵ Điển, người đề cử là “Thang Lang”, rất có thể là Linh mục Thanh Lãng (1924 – 1978), giáo sư thuộc Đại học Văn Khoa Sài Gòn (trước 1975).

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2023/02/image-13.png?w=1024

    Những người được đề cử giải Nobel Văn học năm 1972 

    Từ cái tin đó, người ta (đa số là tre trẻ) đi tìm hiểu về thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mà chắc đa số họ họ mới nghe tới lần đầu. Người ta tìm thấy những câu thơ sau đây và cho rằng ông là tác giả viết vào năm 1957:

    “Lò phiếu trưng cầu, một hiển linh

    Đốt lò hương, gửi mộng bình sinh

    Từ nay trăm họ câu an lạc

    Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh!

    Có một ngày ta trở lại cố đô

    Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ

    Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy

    Đại định thăng Long, một bóng cờ”.

    Rồi người ta nhảy vào bình luận rằng thi sĩ cũng là người … sắt máu, rằng thơ văn thời VNCH cũng máu me lắm chứ chẳng nhân văn gì đâu.

    Câu hỏi quan trọng là Vũ Hoàng Chương có viết những câu trên? Ông đã qua đời sau tù cải tạo, nên chẳng thể hỏi ông. Vậy thì những câu thờ ‘máu me’ trên xuất phát từ đâu, trong bài thơ nào? Đến đây thì vấn đề trở nên … lộn xộn. Lộn xộn vì mạng xã hội.

    ‘Lửa từ bi’?

    Có người khẳng định rằng đó là những câu thơ trong bài ‘Lửa từ bi‘. Chắc chắn khẳng định này sai. Ai sống trong Nam thuộc thế hệ tôi đều biết ‘Lửa từ bi’ là bài thơ nổi tiếng ông viết khi nghe tin Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu; bài thơ đó chẳng có những câu như trích dẫn. Thật khó tưởng tượng có người bịa đặt một cách trắng trợn như thế!

    ‘Hoa đăng’?

    ‘Hoa đăng’ là tập thơ nổi tiếng của Vũ Hoàng Chương, được xuất bản vào năm 1959. Thế là có người tỏ vẻ biết chuyện văn nghệ khẳng định rằng Chế Lan Viên (lúc đó ở ngoài Bắc) sau khi đọc tập thơ Hoa đăng đã viết bài ‘chửi’ Vũ Hoàng Chương thậm tệ. Bài của Chế Lan Viên đăng trên Nghiên cứu văn học, 4/1960, tr. 34-41. Nhưng trong bài viết đó của Chế Lan Viên không có những câu thơ máu me trên. Chế Lan Viên trích 3 câu trong bài thơ ‘Từ đây’ nhưng không đầy đủ, và lên án Vũ Hoàng Chương rất tệ [3]. (Sau này thì chính ông Chế Lan Viên ân hận về những gì ông chỉ trích người khác).

    Một cách chính xác, Vũ Hoàng Chương viết trong bài ‘Từ đây’ (trong tập thơ ‘Hoa đăng’) [2] có những câu sau đây:

    Lá phiếu Trưng-cầu một hiển linh

    Xé tan bạo lực dưới muôn hình

    Từ đây nước Việt, Dân làm Chủ

    Ôi nhạc nào say khúc tái sinh!

    ‘Ván bài lật ngửa’?

    Thật ra, những câu thơ máu me mà mấy người trên mạng lan truyền (“Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ”) là … ‘phịa’. Ông Trần Bạch Đằng (dưới bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý) trong tiểu thuyết ‘Ván bài lật ngửa’ đã sáng tác ra những câu đó và đặt vào miệng của Vũ Hoàng Chương [4]. Trần Bạch Đằng mô tả buổi sáng của “Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc” (6/1 đến 15/1/1957), và viết như là tường thuật rằng Vũ Hoàng Chương đã đọc những câu sau đây trong Đại hội (sẽ nói thêm dưới đây):

    “Tôi làm bài này để cảm tác thời cuộc nhân có việc trưng cầu dân ý suy tôn Ngô chí sĩ…

    (Nhà thờ đằng hắng lấy giọng)

    Lá phiếu trưng cầu, một hiển linh.

    Đốt lò hương gửi mộng bình sinh

    Từ nay trăm họ câu hoan lạc

    Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh

    Có một ngày ta trở lại Cố Đô

    Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ

    Trên tầng chí sĩ ban tay vẫy

    Đại định Thăng Long, một bóng cờ…“

    Đến đây thì các bạn đã biết rõ rằng những câu thơ mà người ta trích dẫn trên mạng và gán cho tác giả Vũ Hoàng Chương là từ ông Trần Bạch Đằng, một cán bộ tuyên huấn hay cũng có thể xem là một nhà báo.

    Từ đó, người ta trích dẫn và lan truyền rộng rãi làm cho người đọc tưởng là của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều người có vẻ có học miền ngoài mà cũng tin rằng đó là những câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Mạng xã hội thật là tai hại!

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2023/02/image-12.png?w=1024

    Đại hội Văn hoá Toàn quốc 1957

    Thật ra, chỉ một đoạn tiểu thuyết trích dẫn trên, Trần Bạch Đằng sai vài chỗ. Chẳng hạn như Đại hội diễn ra từ ngày 7/1/1957 (chứ không phải 6/1/1957). Nhà thơ mà Trần Bạch Đằng đề cập là ‘Võ Huyền Đắc’, nhưng thật ra là Vi Huyền Đắc. Còn mấy chữ tiếng Anh thì đều sai hay phịa ra.

    Chương trình của đại hội khá phong phú, chứ không phải chỉ văn hoá. Trong 9 ngày đại học, họ đã bàn về:

    • tư tưởng tự do;

    • vấn đề khoa học của con người;

    • quan niệm về văn hoá;

    • nghệ thuật nhiếp ảnh;

    • văn nghệ;

    • hội hoạ;

    • báo chí;

    • giáo dục;

    • luân lí xã hội;

    • luật học;

    • kĩ thuật;

    • y tế (trang 192 rất đáng đọc)

    Không thấy của thi sĩ Vũ Hoàng Chương có vai trò gì trong Đại hội Văn Hóa Toàn Quốc 1957. Bạn nào muốn tìm hiểu Đại hội thì có thể download toàn văn 407 trang từ địa chỉ dưới đây:  

    Click to access Dai%20Hoi%20Van%20Hoa%20Toan%20Quoc_.pdf

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2023/02/image-11.png?w=706

    Tóm lại, điểm qua những sự thật trên, tôi nghĩ rằng Vũ Hoàng Chương không viết những ‘câu thơ máu me’ trên. Trong tập thơ Hoa Đăng và bài Lửa Từ Bi hoàn toàn không có những câu thơ đó. Có thể xác định rằng những câu thơ máu me đó là do Trần Bạch Đằng ‘sáng tác’ trong cuốn tiểu thuyết mang tính chánh trị của ông, và đặt vào miệng của thi sĩ họ Vũ.

    Nhưng điều đáng nói ở đây là nhiều người có học tin vào sự bịa đặt đó và gán cho thi sĩ những câu chữ sắt máu đó! Lại có người tích cực lan truyền những thông tin sai lệch trên và chỉ trích thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thật không hiểu nổi tại sao có những người làm những việc sai quấy như thế.

    Câu chuyện này chẳng khác gì chuyện báo chí VN viết rằng sau chiến thắng Đống Đa, Nguyễn Huệ sai quân đem cành đào Nhật Tân về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Thật ra, trong chánh sử không có chỗ nào nói như thế cả. Ấy vậy mà nó trở thành đề tài cho một vở kịch! (Y chang như Ván Bài Lật Ngửa trở thành phim).

    ______

    [1] https://tuoitre.vn/vu-hoang-chuong-tung-duoc-de-cu-giai-nobel-van-hoc-20230211154512635.htm

    [2] Bài thơ ‘Từ đây’ trong tập thơ ‘Hoa đăng’:

    https://baithohay.com/hoa-dang-1959-tap-tho-vu-hoang-chuong-hay-dac-sac-nhat-phan-3.html

    [3] Trong bài viết chỉ trích Vũ thi sĩ rất rất nặng nề và qui chụp, Chế Lan Viên viết như sau:

    “Tôi nhớ không có trật tự gì về cái xứ hỗn loạn ‘thế giới tự do’ mà anh ca tụng. Nhưng chỉ cần anh đọc báo Sài-gòn. Đúng hơn, chỉ cần anh đọc xong và suy nghĩ. Đối chiếu với thơ anh mà suy nghĩ. Tôi chắc anh sẽ hối hận vì những câu ca tụng một cuộc ‘trưng cầu dân ý’ mà ý dân được trưng bằng súng lục, nhà tù:

    Lá phiếu trưng cầu một hiển linh

    Xé tan bạo lực dưới muôn hình

    Từ đây nước Việt dân làm chủ…”

    Rồi ở đoạn cuối, Chế Lan Viên lên lớp:

    “Chúng ta cùng ở một tầng lớp mà ra. Chúng ta cũng là những người ra từ một phong trào thơ mới. Chúng ta bắt đầu cùng có mặt trong cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày nay hầu hết những nhà thơ cũ thờ ấy đều đã sống lại, trưởng thành: Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Anh Thơ, Lưu trọng Lư, Nguyễn xuân Sanh, Huyền Kiêu. Ít nhiều chúng tôi đều có cái tự hào đã đóng góp gì cho thơ, cho dân tộc.

    Còn anh? Và Đinh Hùng, bạn anh nữa, các anh đã làm gì? Đọc tập thơ Hoa Đăng, tôi rất giận anh, mà lại thương anh! Các anh ca tụng một bọn bán nước, bán máu người, đã làm tâm hồn và thơ ca anh xuống dốc. Các anh chửi một chính Đảng, một nền tư tưởng mà rồi đây cũng sẽ hết sức cứu lấy các anh.

    Hãy làm lại cuộc đời mình đi Vũ hoàng Chương. Nghĩa là nếu không có thiện chí như Henri Heine thì cũng cần dè dặt như bà má.”

    [4] https://isach.info/mobile/story.php?story=van_bai_lat_ngua__nguyen_truong_thien_ly&chapter=0045

    Đây là nguồn gốc của những ‘câu thơ máu me’. Trong tiểu thuyết chánh trị ‘Ván bài lật ngửa’, Trần Bạch Đằng viết:

    “Phần cuối của buổi sáng khai mạc đại hội văn hóa dành cho những văn nhân, có tên tuổi phát biểu ý kiến. Sở nghiên cứu chính trị nhận xét từng người phát biểu như sau:

    Phạm Việt Tuyền, chủ bút báo Tự Do: Quá hăng hái nên lạc đề.

    Võ Huyền Đắc, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ: Rất chung, không rõ lập trường.

    Đinh Hùng: quan điểm chống Cộng nổi bật nhưng quá kiêu và nói về cá nhân mình hơi nhiều. Cử tọa xì xào.

    Vũ Hoàng Chương:

    – Xưa tôi làm “thơ say” nay tôi làm “thơ tỉnh”. Tại đại hội này tôi xin đọc một bài thơ…

    (Có tiếng nói từ hàng quan khách: Thi vương dù say hay tỉnh vẫn: “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.)

    Tôi làm bài này để cảm tác thời cuộc nhân có việc trưng cầu dân ý suy tôn Ngô chí sĩ…

    (Nhà thờ đằng hắng lấy giọng)

    Lá phiếu trưng cầu, một hiển linh.

    Đốt lò hương gửi mộng bình sinh

    Từ nay trăm họ câu hoan lạc

    Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh

    Có một ngày ta trở lại Cố Đô

    Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ

    Trên tầng chí sĩ ban tay vẫy

    Đại định Thăng Long, một bóng cờ…

    Vỗ tay…

    Fanfani dạm hỏi người bên cạnh các từ ‘đầm Dao‘, ‘chén Quỳnh‘ và le lưỡi khi cô dịch câu ‘Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ‘. Ngô Đình Nhu cau mày. Rheinardt nửa như cười nửa như mím môi. Nguyễn Thành Luân lặng lẽ. Số khác, trong đó có Đông Hồ, Trần Tuấn Khải,… thở dài.”

    https://nguyenvantuan.info


    Không có nhận xét nào