Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Kỳ cảnh báo Ukraine về sự hỗ trợ suy giảm



    Lập kế hoạch, cung cấp vật liệu, phối hợp tác chiến: Nếu không có Hoa Kỳ, sẽ không có nhiều chuyện xảy ra ở Ukraine và cuộc chiến phòng thủ chống lại cuộc xâm lược Nga có lẽ đã thất bại. Đằng sau hậu trường, Washington đang mong đợi những kết quả rõ ràng từ Kiev. Bởi vì sự hỗ trợ có thể chấm dứt.

    Hoa Kỳ đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine cầm cự trong một thời gian dài. Tiền và vũ khí được gửi đến Đông Âu. Không chỉ bao nhiêu đó, Hoa Kỳ còn điều phối Liên minh các quốc gia hỗ trợ. Họ luôn giữ vị thế dẫn đầu trong việc giúp đỡ và các nước châu Âu nối bước theo sau. Họ cũng lên kế hoạch chiến lược chi tiết với giới lãnh đạo Ukraine. Quân đội Hoa Kỳ thì cung cấp kinh nghiệm và thông tin.

    Khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở Kiev, ông và phái đoàn của mình đã dành hàng giờ để trao đổi với đồng minh Ukraine. Người đứng đầu nhà nước Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã rất biết ơn. "Các cuộc đàm phán của chúng tôi đã rất hiệu quả, rất quan trọng và cần thiết," Zelensky nói. "Cuộc trò chuyện này đưa chúng tôi đến gần chiến thắng hơn." Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi quân đội Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào đất nước của ông, trước tiên ông gọi điện đến Nhà Trắng. Cho đến ngày nay, Nhà Trắng vẫn là đối tác đầu tiên được tham khảo các vấn đề chiến lược. Tuy nhiên kể từ đầu năm nay, các cuộc đàm phán cấp cao đều được nhấn mạnh: “Thời gian để chiến thắng còn rất ngắn”.

    *

    Áp lực lên Kiev

    Tính đến ngày 21 tháng 2, Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp nhiều viện trợ nhất: tổng cộng 73,18 tỷ euro, bao gồm 44,34 tỷ euro cho vũ khí, đạn dược, v.v., cũng như 25,11 tỷ euro viện trợ tài chính và 3,72 tỷ euro viện trợ nhân đạo.

    Anh Quốc đứng sau với tổng viện trợ trị giá 8,03 tỷ euro.

    Nước đứng thứ ba là Đức với 6,15 tỷ euro.

    EU hỗ trợ Ukraine 35 tỷ euro, tổng số viện trợ lên 54,9 tỷ euro.

    Đối với Ukraine, hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ có nghĩa là: nhận lấy áp lực. Tờ Washington Post viết rằng, ngay khi những chiếc xe tăng hạng nặng đầu tiên bắt đầu lăn bánh vào tháng 4, Washington muốn thấy một cuộc tiến công và đạt được kết quả. Một số thành viên cấp cao của chính phủ đã nói rõ điều này với những người có trách nhiệm ở Kiev vào tháng Giêng. Giám đốc CIA William Burns đã cung cấp tin tức cho Zelensky về kế hoạch của Nga. Những thành công quyết định trên chiến trường cần phải đạt được trong những tháng tới.

    Điều này mâu thuẫn với câu nói "sẽ hỗ trợ cho đến khi cần thiết" mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức Mỹ khác vẫn nhắc đi nhắc lại, cũng như những lời phản đối cho rằng Mỹ đang mưu đồ cho một cuộc chiến lâu dài.

    *

    Hỗ trợ của Hoa Kỳ đang suy giảm

    Lời cảnh báo giới lãnh đạo Ukraine phải “khẩn trương lên” là có lý do chính trị. Đa số ghế của đảng Dân chủ trong Quốc hội đã bị mất và đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Cho đến nay, hầu hết những người bảo thủ đã ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có thể tiếp tục mãi như vậy. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 đang cận kề và không ai biết chắc rằng, ông Biden sẽ đưa ra chiến dịch tranh cử như thế nào để gây tác động đối với công chúng và quốc hội.

    Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang suy giảm, đặc biệt là trong số các cử tri Cộng hòa. 9% cử tri Cộng hòa nói với Pew Research vào tháng 3. 2022 rằng: Hoa Kỳ đang hỗ trợ quá mức cho Ukraine. Vào tháng Giêng này, con số lên đến 40%.

    Tham khảo trên toàn thể cử tri, con số phản đối đã tăng từ 7 lên 26%. Trong một cuộc thăm dò của AP, 29% người Mỹ cho biết họ phản đối việc cung cấp vũ khí, trong khi 48% ủng hộ. Vào tháng 5 năm 2022, con số ủng hộ còn là 60%.

    Người Mỹ không có trải nghiệm tốt đẹp trong các cuộc chiến lâu dài ở nước ngoài. Tại Việt Nam, từ năm 1964 đến năm 1975, Hoa Kỳ đã chiến đấu với cộng sản miền Bắc hơn một thập kỷ, chung cuộc là hàng trăm nghìn binh lính chấn thương tâm lý và sự thất bại. Công cuộc "kiến thiết quốc gia" ở Iraq đã phá sản và khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan sau 20 năm, Taliban lại lên nắm quyền. Mọi thứ đã sụp đổ, chỉ trong vài ngày.

    Trong cuộc chiến ở Ukraine, Hoa Kỳ không có "boots on the ground", tức là không có quân đội riêng, và họ đã sôi sục theo được một năm. Nhưng những kinh nghiệm của cái gọi là "forever wars, cuộc chiến miên viễn" trước đó có thể ảnh hưởng đến dư luận và do đó cũng ảnh hưởng đến những người ra quyết định trong Quốc hội.

    "Chúng tôi đang cố gắng truyền đạt cho họ rằng, chúng tôi không thể thực hiện mọi thứ mãi mãi", một quan chức chính phủ cấp cao của Hoa Kỳ nói về các cuộc đàm phán với Ukraine. Theo đó, chính phủ của Biden khó có thể tưởng tượng rằng Quốc hội trong tương lai sẽ phê duyệt viện trợ ở mức độ tương tự như trước đây. Chính phủ Hoa Kỳ muốn xoa dịu phe Cộng hòa và đẩy nhanh tiến trình chiến tranh ở châu Âu càng nhiều càng tốt. Để các đảng viên Cộng hòa tiếp tục bỏ phiếu cho các chương trình viện trợ, họ phải biết rằng các đảng viên Dân chủ xung quanh Biden đang thúc đẩy chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong tương lai gần.

    *

    Giải phóng Crimea là không thực tế

    Hoa Kỳ và Ukraine dường như không phải lúc nào cũng thống nhất về chiến lược quân sự. Theo truyền thông Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ không xem thành phố Bakhmut có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến và cho rằng, các nguồn lực cũng như quân đội nên được triển khai tốt hơn ở nơi khác. Ngược lại, Zelensky không muốn từ bỏ các vị trí đã chiến đấu quyết liệt trong nhiều tháng vì chúng mang tính biểu tượng cho Ukraine. Người Nga đã phải trả giá đắt bằng máu trong cuộc chiến tranh giành thành phố này. Người Mỹ nghĩ khác, họ xem hiệu quả của một cuộc tiến công mùa xuân quan trọng hơn, bởi vì nó sẽ quyết định cuộc chiến.

    Mục tiêu của hai nước là giống nhau, ít nhất là về mặt bên ngoài: không còn quân đội Nga trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Điều đó bao gồm Crimea. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin chắc rằng quân đội Ukraine sẽ cần nhiều vũ khí hơn mức họ hiện có để chiếm lại bán đảo. Các chính trị gia trong Quốc hội Hoa Kỳ biết tất cả những điều này, họ được các cơ quan mật vụ thông báo về tình trạng của cuộc chiến và họ cũng sẽ điều chỉnh lá phiếu cho phù hợp. Điều này sẽ quyết định việc Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine một cách hào phóng như thế nào trong tương lai.

    Ít nhất là cho đến cuối mùa hè - là khi khoản viện trợ đã được Quốc hội thông qua cạn kiệt - Mỹ sẽ vẫn duy trì vai trò của mình; để Ukraine có thể giải phóng càng nhiều vùng đất càng tốt, trước khi mọi người cùng ngồi vào bàn với Tổng thống Nga Putin. Đây sẽ là một lối thoát lạc quan theo quan điểm của Hoa Kỳ: Ukraine bẻ gãy cuộc tấn công của Nga, giải phóng các khu vực lớn của mình ở phía nam và từ đó buộc Putin phải tham gia đàm phán trước cuối năm nay. Điều này có xảy ra hay không phụ thuộc vào: sự hỗ trợ của liên minh phương Tây, phản ứng của quân đội Nga - và những gì xảy ra trên chiến trận.

    *

    (Tôi phải cắt bỏ vài đoạn nhỏ không quan trọng, vì bài quá dài. VTP-LTH)

    Không có nhận xét nào