Header Ads

  • Breaking News

    Kỷ niệm 93 năm ngày Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy Phần 5

    10/2/1930 -  10/2/2023

    Võ Thái Hà

    Phần 5. Hết

    10/02/2023

    Tiếng Dân ngày 8 tháng 3 năm 1930  Số 262


    II. Những tài liệu thể hiện sự chỉ đạo của chính quyền thực dân ở Đông Dương đối với hệ thống chính quyền các cấp về việc nghiên cứu và giải quyết sự kiện phản kháng của 18 sinh viên Đông Dương tại Khu học xá ở Paris.

    * Công văn số 4108/SG ngày 15-7-1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi những người đứng đầu các khu vực hành chính địa phương, Viện trưởng Viện Hàn lâm, Tổng Giám đốc Học chính Đông Dương ở Hà Nội.

    Trong công văn này, Toàn quyền Đông Dương dùng từ “những người phản kháng” để chỉ số sinh viên đã gửi đơn thỉnh cầu ngày 12-4-1930 lên Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Phần quan trọng nhất của công văn, Toàn quyền Đông Dương viết: “Phần lớn trong số những người phản kháng là con của các kỳ hào bản xứ và nhất là nhờ địa vị của cha mẹ mà họ có thể được hưởng rất nhiều thuận lợi mà Khu học xá đem lại cho học sinh nội trú. Một vài trong số những thanh niên này được cấp học bổng, một số khác là công dân Pháp; nhiều người không còn là vị thành niên”.

    Cuối cùng, Toàn quyền Đông Dương đưa ra ba chỉ thị đối với cấp dưới, nhưng thực chất là ba biện pháp nhằm trục xuất 18 sinh viên đã ký tên trong đơn và đàn áp sinh viên yêu nước:

    “1. Thông báo cho cha mẹ của 18 sinh viên đã ký đơn để họ đưa con về nước.

    2. Thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để không còn một sự việc nào tượng tự xảy ra.

    3. Thông báo cho tôi [Toàn quyền] những thông tin của Sở Cảnh sát và An ninh Trung ương về những người Đông Dương chưa rõ trong danh sách”.

    Tài liệu này cũng chứng tỏ rằng, mặc dù chính quyền thuộc địa đã nỗ lực trong việc tạo ra một tầng lớp trí thức thân Pháp, mục đích xây dựng một hàng ngũ tay sai cho họ về phương diện văn hóa nhưng kết quả đã đi ngược lại với mong muốn và nỗ lực của họ. 

    III. Những tài liệu thể hiện các biện pháp mà chính quyền thuộc địa các cấp đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương trong việc giải quyết sự kiện phản kháng của 18 sinh viên Đông Dương tại Khu học xá ở Paris.

    * Bản sao công văn “Mật” ngày 24-7-1930 của Thống sứ gửi Đốc lý Hải Phòng chỉ thị việc giải quyết vụ hai con trai Bạch Thái Bưởi ký tên vào đơn gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Pháp xin ân xá cho những người đã bị Tòa Đại hình Hà Nội kết án tử hình (được Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương để báo cáo việc thực hiện công văn số 4108/SG ngày 15-7-1930 về vụ việc đã nêu).

    Công văn viết:

    “Tôi yêu cầu Ông triệu tập ngay Bạch Thái Bưởi đến văn phòng của Ông để báo cho ông ta biết về thái độ không thích đáng của các con ông ta. Ông đừng quên nhấn mạnh rằng sự thoải mái và sự phát triển về học vấn của chúng cũng như của cải đáng thèm thuồng mà cha mẹ chúng thu được là nhờ có sự giúp đỡ và dưới sự bảo hộ của Chính quyền Pháp.

    Ông cũng tuyên bố với Bạch Thái Bưởi rằng, vì các con của ông ta, sau khi đã cân nhắc, đã tự đứng trong hàng ngũ của bọn tội phạm, những kẻ đã giết các sĩ quan của chúng ta ở Yên Bái, thì kể từ nay trở đi, chúng sẽ không bao giờ được hưởng một tí nào sự khoan dung của chúng ta nữa”.

    * Bản sao công văn“Mật” ngày 26-7-1930 của Đốc lý Hải Phòng báo cáo đã triệu tập Bạch Thái Bưởi đến văn phòng thông báo việc đưa Bạch Thái Sáu và Bạch Thái Bảy về Việt Nam.

    IV. Những tài liệu thể hiện sự theo dõi sinh viên Việt Nam học tại Pháp của chính quyền thuộc địa.   

    * Bản sao lá thư ngày 20-7-1930 của Nguyễn Văn Trí, trú tại 41 đại lộ Magenta, Paris (quận X) gửi cho bố là ông Nguyễn Văn Thinh, trú tại nhà số 1 quai Lamothe de Carrier, Nam Định trong đó có nhắc tới việc trở về của Bạch Thái Sáu (bản sao thư do Sở Mật thám gửi Thống sứ Bắc Kỳ). Đoạn cuối thư có câu: “Bố mẹ chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy Sáu tới một mình. Nhưng bố mẹ hãy tin rằng, nếu có lần con cái không vâng lời bố mẹ, thì bởi chúng không thể làm cách nào khác. Con sẽ nói với bố mẹ về việc này lâu hơn vào một dịp khác” (những câu này đã bị mật thám gạch chân. Điều đó có nghĩa là chúng đã rất đề phòng với những người trẻ tuổi có học vấn này).

    * Một số công văn trao đổi dưới dạng “Kín” (Confidentielle) giữa Thống sứ Bắc Kỳ, Giám đốc Sở Mật thám, Công sứ tỉnh Thái Bình với Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tri huyện Đồng Quan và biên bản hỏi cung một số sinh viên Việt Nam từng du học ở Pháp về…                                                                                       

    Những tài liệu trên đây là những cứ liệu chứng tỏ rằng, ngay cả những người có lợi ích gắn với chính quyền thực dân ở thuộc địa cũng phản đối chúng khủng bố phong trào cách mạng trong những năm 1930, đặc biệt sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sự trục xuất 18 sinh viên Đông Dương du học ở Pháp và sự bắt bớ, theo dõi học sinh, sinh viên Việt Nam của chính quyền thuộc địa sau khởi nghĩa Yên Bái vẫn không làm cho nhân dân ta chùn bước. 

    - Cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù trước những thế lực xâm phạm đến chủ quyền Dân Tộc nói lên ý nghĩa sáng ngời của chủ thuyết Dân Tộc Độc Lập

    facebook_1607813014997_6743656560057062011

    Không phải vô nguyên cớ mà Đảng trưởng  Nguyễn Thái Học trở nên lưu danh thiên cổ trong lịch sử Việt Nam. Cái chết của ông chỉ là một trong những điều mà các thế hệ những người Việt yêu nước phải nghiêng mình kính trọng, bên cạnh đó, còn rất nhiều điều khác nữa vẫn ít khi được nhắc tới.

    Trong lịch sử hôm nay, với sự mô tả rất dè sẻn dường như có chủ ý, phần lớn người Việt Nam chỉ biết đến các bậc tiền nhân Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng thất bại và sự hy sinh mà thôi. Các ghi chép dễ tìm thấy, chỉ gói gọn trong câu chuyện Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của mình hiên ngang ra máy chém ngày 17-6-1930. Nhưng trên thực tế, một Nguyễn Thái Học nằm trong trái tim người Việt, còn là một nhà đấu tranh cải cách ôn hòa, trước khi chọn kháng chiến vũ trang như giải pháp cuối để dành độc lập tự do cho người Việt.

    Từ khi là thanh niên ở độ tuổi 20, Nguyễn Thái Học từng nghĩ đến chuyện thuyết phục người Pháp để thay đổi đất nước trong hòa bình – mà đời nay, ngôn ngữ thường dùng là “góp ý xây dựng, đưa đất nước tiến bộ.”. Năm 1925, viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Thái Học đã từng gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varene một kiến nghị cải cách nền công thương Việt Nam, thư đề nghị xây một trường Cao đẳng về công nghệ ở Hà Nội, và một dự án chi tiết về cải cách giúp cho dân nghèo Việt Nam. Nhưng nhiệm kỳ của Alexandre Varene rất ngắn ngủi (chưa đến 6 tháng – https://bit.ly/37AfdA7) nên ông này không để tâm.

    Tháng 6-1927, Nguyễn Thái Học còn gửi đơn đến thống sứ Bắc Kỳ để xin phép mở một nguyệt san với mục tiêu trí-đức-thể-dục cho người Việt, có tên là Nam Thanh nhưng cũng bị nhà cầm quyền từ chối. Thật ra lúc này Nguyễn Thái Học đã bắt đầu bị mật thám lưu ý, và coi là thành phần có khả năng tuyên truyền chống chế độ, xâm phạm lợi ích của tổ chức, công dân thuộc nhà cầm quyền.

    Nói như vậy để biết, mọi người yêu nước đều bắt đầu với tinh thần ôn hòa, muốn đóng góp để xây dựng đất nước. Nhưng khi họ bị chà đạp, bị áp các điều luật mơ hồ, bỏ tù… thì nguồn năng lượng tự nhiên đó, sẽ biến từ kiên nhẫn ôn hòa sang những hình thái khác. Lịch sử cho thấy rõ như vậy.

    - Hành động yêu nước và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Yên Báy, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khi bị hành quyết là hy sinh cho tổ quốc, cho một nước Việt Nam Vạn Tuế .

    Biểu thị tinh thần phản kháng dân tộc quyết liệt của thành phần trí thức trẻ với nền giáo dục ảnh hưởng cách mạng của xã hội tây phương để chống lại áp bức và chà đạp các quyền Dân Tộc Độc Lập, Tự Do Kinh tế và Tự Do Văn Hóa để mang đến mục tiêu cuối cùng cho dân tộc mà Đảng đã đề ra là Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc.

    Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Báy và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. 

    Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém. 

    Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”. 

    Không phải chỉ Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, mà những đồng chí can trường của ông cũng chưa bao giờ là người quen cầm súng hay ném bom. Hầu hết là tuổi trẻ trí thức nhưng sẳn sàng hy sinh để bảo vệ lý tưởng và chống lại cường quyền, đứng về phía nhân dân. Phó Đức Chính, người vẫn mỉm cười, bước lên cùng chịu chém đầu vào ngày 17-6, đã dũng liệt lặp lại lời của Nguyễn Thái Học “Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu. Không thành công thì thành nhân”. (tài liệu của đảng viên VNQDĐ Hoàng Văn Đào ghi, 1970, một phần đăng trên tuần báo Tân Dân).

    Đất nước hiện đang bị lâm nguy trước họa xâm lăng của giặc bành trướng Trung Cộng phương Bắc với đảng Cộng Sản  Việt Nam là tay sai, tinh thần bất khuất Yên Báy cần được toàn đảng, toàn dân gìn giữ  trân trọng tiếp nối để Tổ Quốc vĩnh viễn được Độc Lập, Dân Quyền thật sự được Tự Do, Dân Sinh thật sự được Hạnh Phúc.

    Tài liệu tham khảo:

    https://vietquoc.org/vu-an-yen-bai-khong-thanh-cong-thi-thanh-nhan-2/#more-29826

    http://www.tvvn.org/vu-an-yen-bai-khong-thanh-cong-thi-thanh-nhan-tran-gia-phung/

    https://nhacsituankhanh.wordpress.com/

    http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/tai-lieu-moi-phat-hien-co-lien-quan-den-cuoc-khoi-nghia-yen-bai-nam-1930.htm

    http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/viet-nam-quoc-dan-dang-qua-tai-lieu-luu-tru-hai-ngoai-phap-ky-ii-quoc-dan-dang-nhung-nam-1928-1929.htm

    http://www.trantrungdao.com/?p=5259


    Không có nhận xét nào