Header Ads

  • Breaking News

    Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải: đoàn kết với nhau để tìm ra tự do tôn giáo cho mọi người

    Hạo Nhiên ghi 

    02/02/2023

    VNTB – Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải: đoàn kết với nhau để tìm ra tự do tôn giáo cho mọi người

    Các tổ chức tôn giáo trong nước bị chính quyền xem rẻ hơn các công ty ngoại quốc. Người có đạo cũng bị coi rẻ như công dân hạng hai

    Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải trả lời phỏng vấn của cô Đinh Ngọc Tuyết, thành viên Tổ Chức Vận Động Cho Đức Tin và Công Lý cho Việt Nam tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2023 tại Washington D.C., Hoa Kỳ 

    Đến Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2023 trong tinh thần hiệp thông

    “Thế giới bây giờ như một cái làng nhỏ, mọi người cần phải liên đới, mình đến đây để mà biết xem tình trạng tự do tôn giáo ở trên thế giới đến mức nào và người dân một số nước đang bị hách hại về tôn giáo như thế nào, để mình cầu nguyện cho họ. Mình cũng cần đến đây để nói cho mọi người trên thế giới biết tình trạng nhà cầm quyền cộng sản VN bách hại tự do tôn giáo như thế nào. Chính quyền Việt Nam  đang ra sức  quốc doanh hóa các tôn giáo, đang khống chế các vị chức sắc và đang phân biệt đối xử các giáo dân, các tín đồ của của các tôn giáo như thế nào. 

    Tôi đến đây và cùng với mọi người bàn thảo, tìm ra những phương cách để bảo vệ quyền con người, quyền tự do tôn giáo và tìm cách mở rộng những quyền đó trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Một mình mình làm việc gì cũng khó. cho nên những hội nghị như thế này là rất cần thiết, mình cần phải nắm tay nhau, cần phải đoàn kết với nhau để tìm ra tự do tôn giáo cho mọi người, chỉ một thân một mình không thể làm gì được, bởi vì các chế độ độc tài luôn bách hại tự do tôn giáo, họ sẽ bóp miệng chết ngay nếu hoạt động một mình.

    Thông điệp chính tôi muốn gửi đến tại hội nghị này đó là thứ nhất nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ trước đến giờ luôn tìm cách đàn áp, phá hoại các tôn giáo. Tiêu diệt không được thì họ tìm cách quốc doanh hóa các giáo hội, tìm cách đưa người của họ vào vị trí lãnh đạo trong các giáo hội hoặc là tìm cách mua chuộc áp lực đe dọa các chức sắc tôn giáo, để thông qua các chức sắc tôn giáo, họ khống chế giáo dân tín đồ, họ muốn nô lệ hóa người dân, muốn biến các tổ chức giáo hội thành các tổ chức ngoại vi của họ, các chức sắc tôn giáo thành cán bộ tôn giáo của họ.  

    Âm mưu của họ là xã hội nào tôn giáo nấy, rất là nguy hiểm cho các tôn giáo nếu đi vào bẫy của họ, là sẽ xa rời tôn chỉ mục đích của mình và không giữ được giá trị truyền thống. Điều này rất nguy hại cho tôn giáo, cho dân tộc, cho đất nước. Họ đối xử rất là thâm độc với các chức sắc tôn giáo. Các tín đồ bị phân biệt rất nặng nề, đại khái không được học các đại học an ninh, cảnh sát, quân đội, ngoại giao, không được giữ các chức vụ cao trong hành chánh, bị theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị theo dõi không được mở các tài khoản ngân hang, không được mở bệnh viện, các trung tâm cứu trợ người già cả, người khuyết tật, không được mở trường học v.v.

    Tôi muốn nói cho mọi người biết các tổ chức tôn giáo trong nước bị chính quyền xem rẻ hơn các công ty ngoại quốc. Người có đạo cũng bị coi rẻ như công dân hạng hai.  Điều đó là là tội ác của cộng sản đối với dân tộc Việt Nam.”

    Sự đàn áp của chính quyền với công giáo

    Trước năm 2006, Chính quyền cộng sản không đàn áp tôn giáo mạnh như bây giờ, tức là trước cái vụ Hoa Kỳ gỡ danh sách Việt Nam khỏi các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo vì họ cần lấy lòng quốc tế và Hoa Kỳ, vài tháng sau khi ông Bush sang thăm VN, rồi bộ ngoại giao Hoa Kỳ làm một cái cử chỉ đẹp, nhấc Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm tự do, thì sau đó khoảng hai tháng bắt đầu từ 2007 cho đến bây giờ  cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các tôn giáo. Riêng đối với công giáo, bắt đầu năm 2007, vụ đầu tiên là vụ phá tượng Đức Mẹ ở Đồng Đinh, Ninh Bình, Phát Diệm. Sau đến vụ Tòa Khâm Sứ, vụ Thái Hà, Bầu Sen, vụ Loan Lý, Mỹ Dụ đến vụ Kẻ Bàng, Con Cuông, …Vụ Thủ Thiêm, đến vụ dòng Phaolô ở Vĩnh Long, vu Sơn La. Lai châu Điện Biên, Thái Nguyên, Đông Yên Formosa..Gần đây những vụ như  giáo xứ Bình Thuận ờ người ta bắt và kết án 8 giáo dân. Theo tôi thống kê được thì vào khoảng độ 20 vụ áp rất lớn đối với giáo hội công giáo Việt Nam từ khi Mỹ gỡ Việt Nam khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo rất nhiều tiến đồ bị bắt, mà trước đó thì ít giáo dân bị bắt. Cộng sản càng ngày càng tàn bạo và tinh vi bất công thì tôi phải lên tiếng tố cáo. 

    Trả lời câu hỏi cha nhận định thế nào về vai trò của người giáo dân Việt Nam trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền, Cha Khải trả lời:

    Người công giáo Việt Nam sống ở trong chế độ cộng sản lâu rồi, giống như những người Việt Nam khác, tức là họ bị cộng sản dùng bạo lực và tuyên truyền rất nhiều, cho nên bị ảnh hưởng như các giáo dân khác thôi. Họ cũng rất sợ hãi, tuy vậy số giáo dân lên tiếng bênh vực cho tự do tôn giáo và nhân quyền vẫn đông hơn nhưng hỏi đa số chưa thì chưa, nghĩa là số giáo dân can đảm dấn thân, đấu tranh cho công lý và sự thật có đông đủ chưa? Có được như ý Chúa muốn chưa? Thì chưa, nhưng so với những người vô thần, những người khác cùng đấu tranh cho tự do tôn giáo và tự do nhân quyền thì vẫn đông, có vẻ đông hơn và mạnh mẽ hơn, và vì vậy số giáo dân bị bắt tù bao giờ cũng nhiều hơn. 

    Ngay tại bây giờ có nhiều giáo dân điển hình, những khuôn mặt rất là ưu tú của dân tộc, những người trí thức, những người tốt lành như ông Lê Đình Lượng, thầy giáo Nguyễn Năng Tỉnh hay anh Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng, Nguyễn Văn Hóa. Các giáo dân nhờ đọc kinh thánh, nhờ học giáo lý, giáo huấn của giáo hội về vấn đề xã hội. Họ dù chưa đạt được ý Chúa muốn, nhưng tôi vẫn tự hào rằng họ vẫn là số đông trong đấu tranh cho công bằng dân chủ và quyền con người.

    Chia sẻ với bà con hải ngoại và trong nước

    Đối với người ở hải ngoại, bất phân biệt tôn giáo, đảng phái, với những người dấn thân cho quyền con người và chính nghĩa quốc gia dân tộc, làm điều tốt cho quốc gia dân tộc, tôi ủng hộ. Tôi thấy quý vị có tự do, quý vị là những người có quốc tịch của các nước dân chủ xin quý vị sống liên đới, đoàn kết với nhau. Ngày trước đã có nhiều tổ chức đấu tranh cho  quý vị được định cư ở nhiều nước, hưởng sự tự do, vậy thì bây giờ mình phải trả món nợ đó. Đến lượt mình, mình phải tham gia bảo vệ quyền lợi những người khác để trả món nợ mình đã nhận. 

    Tôi muốn người Việt ở Hoa Kỳ đừng có phân biệt tôn giáo, hãy tham gia vận động với các nghị viên đơn vị mình, các dân biểu, nghị sĩ của tiểu bang, liên bang, vận động với bộ ngoại giao của chính phủ, vận động cho các tù nhân lương tâm Việt Nam, cho các tín đồ các tôn giáo bị bắt giam, vận động các quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Tôi thấy ở Hoa Kỳ rất hay, nếu công dân có những kiến nghị gửi lên chính phủ, quốc hội  về những vấn đề như nhân quyền, tự do tôn giáo thì các nghị sĩ, các cơ quan hành pháp đều chịu khó lắng nghe và nếu bộ ngoại giao nhận được các vấn đề của quý vị họ sẽ có những kiến nghị đến chính quyền của nước sở tại như của Việt Nam. 

    Cho nên quý vị có cái vai trò rất là quan trọng, quý vị có điều kiện làm việc tốt hơn ai hết, có điều kiện để giúp đỡ người ngoài người Việt Nam. Quý vị không nên bỏ phí, nên tận dụng quý vị thế của mình là công dân Hoa Kỳ, công dân Canada, và các nước Âu châu để vận động cho dân chủ nhân quyền tự do tôn giáo, và đó là việc làm rất là hiệu quả, làm cho chính sách Việt Nam thay đổi người tất cả mọi người Việt Nam đều được nhờ và không gian sống của mọi người được mở rộng luôn, nhân phẩm được tôn trọng hơn và cuộc sống của dân mọi người được hạnh phúc hơn. Còn nếu cứ yên lặng thì người khác khổ mà mình cũng khổ.

    Một ngày nào đó cha về Việt Nam để làm việc hoặc thăm gia đình thì việc cha đang đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền có bị chính quyền làm khó dễ không

    Thưa chị Ngọc Tuyết và quý vị, ngày xưa tôi ở Việt Nam, khi tôi còn nhỏ, cộng sản đã chửi bới, đánh đập tôi rồi. Từ hồi 10 tuổi tôi sống hiền lành, đạo đức trong làng, đã bị dân quân, bị nhà cầm quyền sách nhiễu đánh đập tôi, đe dọa tôi. Khi tôi đến 17 tuổi, tôi chỉ muốn đi tu, họ đã đe dọa tôi, hăm dọa tôi đừng đi tu. Tôi chỉ muốn đi tu thôi, tôi chẳng làm gì [xấu] cả, chỉ học tập và đọc kinh cầu nguyện mà họ ngăn chận tôi đủ đường, đe dọa tôi đủ đường, áp lực cả bố mẹ, anh em tôi về cả cuộc sống và tinh thần. 

    Cho đến lúc tôi làm linh mục phục vụ tại Sài Gòn và Thái Hà, chỉ làm những việc cho giáo hội, chỉ làm những diều tôi thấy là tốt đẹp, cần phải làm  nhưng công an ở Sài Gòn luôn luôn “theo đuôi” tôi, không phải là theo dõi tôi mà là “theo đuôi” tôi, tôi đi đâu phải có người công an chìm  chạy theo đuôi tôi. Nếu tôi đi xe hơi cũng có vài chiếc xe máy chạy theo. Đài, báo, tivi chửi rủa tôi suốt, họ bắt loa phóng thanh chĩa vào tu viện kết án tôi mỗi ngày. 

    Tôi thấy ngày xưa ở Việt Nam tôi chả làm gì họ, nhưng khi tôi làm việc thì họ càng khó dễ, càng đe dọa tôi, triệu tập tôi, đánh trộm tôi trên đường phố, đe dọa bắt tôi. Tôi đã từng nói với giám đốc công an thành phố Hà Nội, với chủ tịch thành phố Hà Nội tại ngay văn phòng của họ, tôi nói tôi làm đúng, còn các ông làm điều sai. Tôi có chân lý các ông không có chân lý, tôi có sự thật các ông dối trá. 

    Tôi hòa bình, các ông bạo lực, các ông đe dọa bắt tôi. Đây tôi đưa tay cho các ông bắt đi, các ông đừng đe dọa tôi. Ngày xưa các cha, các thầy, các thế hệ cha anh trước chúng tôi đã hy sinh để cho chúng tôi sống, bây giờ chúng tôi sẵn sàng chết cho cháu tôi sống. Các ông đừng đe dọa bắt. Bắt thì cứ bắt đi, tôi đưa tay nè. Tôi rất hân hạnh bị bắt chung với các giáo dân. 

    Đừng có đe dọa tôi, mà tôi nói cho các ông biết quân gian ác chết vì vì tội ác. Chúa không muốn kể gian ác phải chết nhưng muốn nó bỏ đường tà để được sống. Các ông cần phải bỏ đường gian ác để được sống. Bắt tôi, giết tôi, tôi chả sợ. Bắt thì cứ bắt đi, cứ bắt đi. Tôi là tu sĩ là linh mục, tôi thấy chúa dậy tôi sống thế nào tôi cố gắng sống như vậy, Chúa soi sáng cho tôi thấy cái gì cần phải nói, tôi nói, thấy cái gì cần phải làm. 

    Tôi làm cái gì làm được, nói được trong lúc tôi có thể nói được, tôi có thể làm được trong tầm tay, mà tôi biết rằng cái đó là cái tốt cho người, cho mình thì mình cứ nói, mình phải làm thôi, còn lại mọi sự đều để Chúa lo, mình có chết thì đã sao. Tôi nhớ là ngày xưa, hồi lúc tôi còn bé ở miền Bắc, các cha già, ông già đã đi tù nhiều, cha bố tôi cũng đi tù 2 lần, mười lăm năm, các cụ nói rằng mình cứ sống theo cái chân lý chúa đòi hỏi, thế thì chết thì chết đã sao. 

    Các đấng lớn tuổi dậy cho tôi thế này, nói giống như cụ Phan Khôi, “Làm sao cũng chẳng làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi. Làm chi cũng chẳng làm chi, dầu có bề gì cũng chẳng làm sao”. Cái gì cũng chẳng làm sao, mình cứ tha thiết với công lý với sự thật, có lý tưởng rồi thì cứ sự gì đã có Chúa rồi, sợ gì. Lúc tôi ở Thái Hà tôi nói với giáo dân, “Chúa bảo,Thầy ở cùng các con cho đến tận thế”. Mình có Chúa ở cùng cho đến tận thế, còn những kẻ xấu kia không có Chúa ở cùng mà chỉ có quỷ ở cùng. Ma quỷ thì phải sợ Chúa chứ, kẻ gian thì phải sợ đồ đệ của Chúa chứ. Chúa bảo đừng có sợ gì, Đức giáo Hoàng Phaolô ll bảo đừng sợ. Chúa đã xuống thế gian, vậy mình cứ sống theo ý Chúa. Mình đã sống có lý tưởng rồi thì còn sợ gì. Mìnhđã sớm có Chúa còn sợ gì? Tôi tin những lời Kinh Thánh nói, tôi cứ sống thánh thiện công chính, Người sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù 

    Từ bé đến giờ tôi luôn sống theo ý Chúa muốn và Chúa luôn bảo vệ tôi khỏi mọi địch thù. Tôi thấy là thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Bản thân tôi, đời sống cá nhân tôi, tôi cứ theo ý Trời, mà Chúa sẽ giúp mình sống rất hạnh phúc, rất tự do dù cộng sản có đàn áp khống chế mình, mình vẫn sống theo cái quyền tự do của mình mà Chúa đã ban cho mình; cá nhân mình, mình vẫn mở rộng được không gian sống.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào