Header Ads

  • Breaking News

    Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người Việt trong lịch sử


    25/06/2022 ~ Lược Sử Tộc Việt


    Trong những năm gần đây, các lý thuyết gia phương Tây đã đề xuất ra những ý tưởng có sức ảnh hưởng lớn về văn hóa, như Benedict Anderson với lý thuyết “những cộng đồng tưởng tượng” (Imagined Communities, 1983) [1], hay “truyền thống được kiến tạo” (Invented Traditions, 1983) của Eric Hobsbawm và Terence Ranger [2]. Benedict Anderson là học trò của Eric Hobsbawm, nên không khó để nhận ra, các lý thuyết này có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng xuất hiện trong một thời điểm.

    Những lý thuyết đó, tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi áp dụng vào thực tế, chúng ta mới ngã ngửa về những ảnh hưởng mà chúng đã tạo nên. Có thể ví dụ như những trường hợp của lý thuyết “những cộng đồng tưởng tượng” ở Việt Nam, nó được không ít thành viên của giới trí thức Việt Nam tán tụng, đưa vào sách báo, các cuộc nói chuyện, để chất vấn về dân tộc tính. Ví dụ như đoạn trích nhắc về những ảnh hưởng của lý thuyết “những cộng đồng tưởng tượng” trong bài báo “Những cộng đồng tưởng tượng: Một số suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc” của tác giả Phạm Quang Minh, đăng trên tờ Tia Sáng:

    “Một số nhà khoa học đang nhân danh lý thuyết về “những cộng đồng tưởng tượng” để phân tích lại một loạt các yếu tố văn hóa dân tộc từ các huyền thoại về tổ quốc đến các nhân vật lịch sử. Theo sự hình dung có phần cực đoan của lý thuyết này: Các căn tính (indentity) của một dân tộc không phải là một thực thể tồn tại hoàn toàn khách quan tự nhiên mà là những tạo tác văn hóa có tính nhân tạo, nói cách khác: căn tính dân tộc không hình thành một cách khách quan, lịch sử, không phải là kết quả của một sự tồn tại của một cộng đồng người trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà được “bịa”ra, tưởng tượng nên dưới sự chi phối của quyền lực.” [3]

    Một ví dụ khác, là chương trình “Dân tộc Việt: Một cộng đồng tưởng tượng?” được tổ chức năm 2016, đây là chương trình được tổ chức dựa trên lý thuyết “những cộng đồng tưởng tượng” của Benedict, dựa vào đó để xét lại về khái niệm “dân tộc Việt.


    Banner quảng cáo của chương trình. [Nguồn]

    Những lý luận được dẫn dắt từ “những cộng đồng tưởng tượng” qua đây có thể nhận thấy là vô cùng nguy hiểm. Xét trong bối cảnh lịch sử Việt Nam, thì lý thuyết này đang gạt bỏ và phủ nhận toàn bộ lịch sử Việt Nam trong thời kỳ tiền hiện đại, phủ nhận truyền thuyết về nguồn gốc (họ Hồng Bàng), phủ nhận thời kỳ Hùng Vương, phủ nhận sự tồn tại của dân tộc Việt. Mất những thứ đó, lịch sử, văn hóa của người Việt còn lại gì? Những trí thức người Việt, đáng lẽ phải là những nhân tố bảo vệ văn hóa, lịch sử dân tộc, nhưng lại ủng hộ và trực tiếp góp phần truyền bá những lý thuyết này để phủ nhận lịch sử, văn hóa dân tộc Việt, đó là một hiện trạng rất đáng buồn.

    Các lý thuyết của Benedict Anderson và Eric Hobsbawm – Terence Ranger đã được một học giả khác khá nổi tiếng, đó là Liam Kelley, sử dụng rất nhiệt thành, tác giả này công kích trực diện vào lịch sử, văn hóa của người Việt bằng những lời lẽ gay gắt và nặng nề qua hàng loạt bài viết được viết dưới dạng blog và các bài báo khoa học, Liam Kelley đã sử dụng các lý thuyết này để đề xuất rằng không tồn tại dân tộc Việt, cho rằng “họ Hồng Bàng là một truyền thống được kiến tạo”, phủ nhận sự tồn tại của Hùng Vương, cho rằng đó là sự sáng tạo dựa trên lịch sử Trung Hoa [4], ông cũng công kích các nhà nghiên cứu Việt Nam, từ di truyền, khảo cổ tới lịch sử, văn hóa [5][6], buộc tội họ đang sáng tạo truyền thống. Đáng buồn là những bài viết của Liam Kelley lại được đón nhận một cách tích cực trong giới học thuật lẫn bình dân ở Việt Nam. Nhưng may mắn thay, cũng đã có những tiếng nói chính thức được cất lên.

    Liam Kelley đã được báo Nhân Dân (phiên bản điện tử), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhắc tên qua một chuỗi bài, được viết bởi nhiều tác giả để phản biện lại những gì Liam Kelley đã viết và thể hiện [7][8]. Trong chuỗi bài viết này, báo Nhân Dân đã sử dụng khái niệm “chủ nghĩa thực dân tinh thần” [7]. Chúng tôi cũng đồng tình với khái niệm đã được báo Nhân Dân sử dụng, nó bộc lộ đúng bản chất vấn đề mà Liam Kelley, hay một bộ phận các học giả phương Tây khác đang thực hiện. Ngoài Liam Kelley, lý thuyết của Benedict và những người ủng hộ lý thuyết của ông ta cũng đã được phê phán bởi nhà nghiên cứu Lương Xuân Hà cũng đăng trên báo Nhân Dân [9].

    Cũng có học giả cho rằng sự tưởng tượng mà Benedict Anderson đặt ra chỉ là giả mạo, cho đến nay nhiều câu hỏi liên quan tới lý thuyết của Benedict còn bị bỏ ngỏ, chưa được trả lời, ví dụ như: “Ai định nghĩa dân tộc? Dân tộc được định nghĩa như thế nào? Định nghĩa đó được mô phỏng và tranh cãi như thế nào? Và điều quan trọng là các quốc gia đã phát triển và thay đổi theo thời gian như thế nào? Vấn đề không phải là sự tưởng tượng chung hiện hữu, mà sự tưởng tượng chung là giả mạo.”. [10]

    Những người này dùng danh tiếng của bản thân để xây dựng những lý thuyết, từ đó làm nền tảng cho sự công kích, hạ bệ các dân tộc, các nền văn hóa vì những mục đích không trong sáng. Có thể nói, họ đang thực hành lý tưởng “thực dân”, thể hiện bản chất bề trên của những người từng thống trị thế giới. Cho tới ngày nay, phương Tây dùng đủ mọi cách để duy trì quyền lực của mình, để chi phối thế giới, chi phối các nền văn hóa, các dân tộc, các đất nước, bằng những vũ khí cứng và vũ khí mềm. Những học giả như Liam Kelley hay Benedict Anderson là một bộ phận của lý tưởng đó của phương Tây, đặt những chiếc vòng kim cô lên các nền văn hóa, các dân tộc, tước bỏ ý thức dân tộc, bản sắc văn hóa. Mất đi những thứ đó, chính là nền tảng quan trọng để văn hóa phương Tây xâm chiếm và quyền lực phương Tây gia tăng.

    Những lý thuyết này đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới tâm thức của người Việt, chúng tôi nhận thấy cần phải có một bài viết phản biện, để người Việt có thể nhận ra những vấn đề liên quan tới những lý thuyết này, cũng như đi sâu tìm hiểu về sự tồn tại của “dân tộc” và sự tồn tại của tinh thần yêu nước trong lịch sử Việt Nam. Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn tổng hợp từ các ghi chép lịch sử, thơ văn, các văn bản thời kỳ trung đại và cận đại, để chứng minh rằng người Việt tồn tại tinh thần dân tộc, tồn tại tinh thần yêu nước. Chúng tôi hy vọng rằng, bài viết này sẽ góp một phần nào đó phản biện lại những lý thuyết và sự công kích của các học giả phương Tây vào văn hóa, lịch sử của người Việt, giúp người Việt nhận diện được những giá trị thực sự của văn hóa dân tộc mình.

    1. Ý thức “dân tộc” trong lịch sử Việt Nam:

    Lý thuyết của Benedict Anderson tập trung vào vấn đề chủ nghĩa dân tộc, theo đó ông ta cho rằng dân tộc là một khái niệm mới hình thành, dân tộc là “một cộng đồng tưởng tượng”, các xu hướng chia sẻ và mở rộng lý thuyết của Benedict cũng tập trung vào vấn đề “dân tộc”. Vì vậy, cần phải tìm hiểu trong lịch sử Việt Nam về khái niệm, ý niệm tương đương với dân tộc, về sự gắn kết như một thể thống nhất của người Việt trong lịch sử.

    Đầu tiên, không thể phủ nhận, khái niệm “dân tộc” vốn được dịch từ “nation” và “nationality” trong ngôn ngữ phương Tây thông qua tiếng Nhật, nhưng trong lịch sử Việt Nam nói riêng, lịch sử Đông Á nói chung, khái niệm dân tộc được thể hiện dưới những hình thức khác, ví dụ như “giống Việt”, “người Việt”.

    Lam Sơn Thực Lục (1431) do Nguyễn Trãi soạn, được vua Lê Thái Tổ đề tựa, phần Lời bình của các quan đời Lê Hy Tông chép: “Đất cát lại đất cát nước Nam! Nhân dân lại nhân dân giống Việt! Áo xiêm, phong tục, lại đúng như xưa! Nền nếp, mối giềng, lại sáng như cũ!” [11]

    Đại Việt thông sử (1759) của Lê Quý Đôn chép: “Ta giải phóng hết những người Việt ta từng bị chúng ức hiếp phải theo, và thu được hơn trăm chiếc thuyền chiến, cùng rất nhiều khí giới đồ đạc. Quân dân vùng này thảy đều qui phụ quân ta.” [12]

    Giống Việt đi cùng với “áo xiêm”, “phong tục”, “nền nếp”, đây có thể nói, là những khái niệm đại diện cho đặc trưng dân tộc, ý thức sự khác biệt của dân tộc Việt với các dân tộc khác, đặc biệt là với phương Bắc.

    Trong thời kỳ Bắc thuộc, đây là một thời kỳ mà người Việt trải qua gần 1000 năm gian nan, cực nhọc để bảo vệ nền độc lập dân tộc, trong giai đoạn đó, người Việt phải chiến đấu chống lại những chính sách đồng hóa, bảo vệ văn hóa dân tộc, vừa phải chiến đấu để giành lại độc lập, và thành tựu chính là sự độc lập có được kể từ năm 938 SCN. Câu hỏi cần đặt ra, là nếu người Việt không có ý thức dân tộc, không có ý thức về căn tính của mình, làm sao họ có thể chống lại được những chính sách đồng hóa của các triều đại Trung Hoa? Sau khi giành lại được độc lập và cho tới tận ngày nay, người Việt vẫn duy trì những đặc trưng văn hóa dân tộc đã có từ thời kỳ tiền Bắc thuộc, ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ Nam Á, vẫn là tộc người nhuộm răng, xăm mình, cắt tóc, đi chân đất, dùng trống đồng, vẫn giữ tên gọi Việt đã có từ trước trong tên dân tộc và tên đất nước của mình [13]. Đó chính là những bằng chứng, cho chúng ta thấy được người Việt đã có căn tính ngay từ trước thời kỳ Bắc thuộc.

    Ý thức dân tộc còn được thể hiện trong quốc hiệu, quốc hiệu của người Việt hầu như trong xuyên suốt lịch sử đều có tên Việt, bắt đầu từ Đại Cồ Việt trong thời nhà Đinh, tới Đại Việt trong thời Lý – Trần – Lê, Việt Nam (người Việt phía Nam) hay Đại Nam (Đại Việt Nam) trong thời nhà Nguyễn. Tên Việt vừa là tên quốc hiệu, vừa là tên thể hiện ý thức dân tộc, như chúng tôi đã dẫn những ghi chép ở trên, cho thấy người Việt luôn tự nhận mình là Việt. Các quốc gia có tên Việt, có nghĩa đó là một quốc gia của người Việt, do người Việt làm chủ.

    Ý thức dân tộc, đi cùng với ý thức về dân tộc tính, về “giống Việt”, “người Việt”, về những đặc điểm phân biệt người Việt với người phương Bắc. Trong lịch sử Việt Nam, đã khá nhiều lần ý thức về văn hóa, về ý thức tộc người được thể hiện, đặc biệt là trước những hiểm họa xâm lược của giặc phương Bắc.

    Ngô Sĩ Liên bình trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư: “Họ Hồ thoán nghịch, tự chuốc bại vong, giặc Minh tàn bạo, hòng thay bờ cõi. Chúng giả nhân, diệt nước, giết hại, làm càn. Dân nước Việt ta, gan óc lầy đất. Con thơ cháu bé bị giáo gươm đâm chém, quăng xác thảm thê. Người lớn thì phía nam chạy xuống Chiêm Thành, phía tây trốn sang Đại Lý. Làng mạc hoang phế, xã tắc thành gò cho thỏ chui, cho hưu chạy, thành bãi hoang cho chim đỗ, thành rừng rậm cho hổ báo náu mình. Rồi giặc chia châu, đặt huyện, đắp lũy, đào hào, đóng quân trấn giữ đến hơn hai mươi năm, thay đổi phong tục nước ta theo tóc dài, răng trắng, biến người nước ta trở thành người Ngô. Than ôi! Hoạ loạn tột cùng đến mức như vậy!” [14]

    Hay như vua Quang Trung với lời tuyên thệ trước khi đưa quân dẹp giặc Thanh xâm lược, đã thể hiện được tinh thần dân tộc, chiến đấu chống lại quân Thanh để bảo vệ những “đặc tính” của dân tộc Việt, là tóc dài, là răng đen.

    Đánh cho để dài tóc
    Đánh cho để đen răng
    Đánh cho nó trích luân bất phản
    Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
    Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

    Nhìn chung, ý thức và tinh thần dân tộc và ý niệm về dân tộc của người Việt trong thời kỳ trung đại là rất rõ nét. Nó không đạt tới mức trở thành một hệ thống định nghĩa như các học giả phương Tây đề xuất, nhưng định nghĩa của các học giả phương Tây không phải tiêu chuẩn tuyệt đối chính xác để xác định sự tồn tại của khái niệm dân tộc, ở các dân tộc và nền văn hóa khác nhau, mỗi nơi có những biểu hiện khác nhau về ý niệm dân tộc, sử dụng lý thuyết phương Tây để phán xét toàn bộ các nền văn hóa khác theo quy chuẩn mà họ đặt ra, có thể nói là một ý tưởng thực dân.

    Khái niệm “dân tộc” mà phương Tây có trước, là một khái niệm phù hợp với ý niệm về dân tộc được thể hiện trong lịch sử, nên việc sử dụng khái niệm “dân tộc”, không nên được xem là một sự sáng tạo hiện đại, mà là một khái niệm hiện đại được sử dụng để chỉ một ý thức về tộc người đã tồn tại từ rất lâu đời.

    2. Tinh thần yêu nước trong lịch sử:

    Bên cạnh ý thức về dân tộc, thì trong lịch sử của người Việt, cũng thể hiện tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước cũng là một vấn đề bị những người chịu ảnh hưởng bởi những lý thuyết của Benedict Anderson và Eric Hobsbawm – Terence Ranger công kích, cho rằng đây là một truyền thống được kiến tạo trong thời hiện đại. Nhưng thực tế, tinh thần yêu nước của người Việt được thể hiện dưới nhiều hình thức trong xuyên suốt lịch sử.

    Hình thức dễ nhận thấy nhất trong thời trung đại, lòng yêu nước được thể hiện trong khái niệm “trung quân ái quốc” (trung thành với vua, yêu nước) của Nho giáo, hay trong cách thể hiện tình cảm đối với đất nước, đối với quê hương.

    “Yêu nước” thời trung đại đối với tầng lớp quan lại, quý tộc thường được hiểu đi cùng với “trung quân”, đối với các triều đại Việt Nam cũng vậy, lòng yêu nước thường được đi cùng với “trung quân”, điều này là bình thường đối với bối cảnh văn hóa Việt chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo Trung Hoa, nên khái niệm yêu nước được các nhà Nho Việt Nam đồng nhất với hướng trung thành với vua, giống như các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho giáo là Triều Tiên, Nhật Bản.

    Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lại dụ các quan tể thần và kinh diên rằng: “Nay bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Phạm Du, khi bàn luận ở triều đình, hay lúc quyết định việc chính trị đều chỉ a dua lấy lòng hoặc ngậm miệng không nói, thì dù có lỗi nhỏ mà khép vào pháp luật cũng đáng; còn như bọn Nguyễn Mậu, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Trạc, Nguyễn Trạc biết lo vua yêu nước (ưu quân ái quốc), gặp việc nói hết, thì dù có lầm lỗi mà được khoan thứ cũng là phải. Mới rồi, Nguyễn Mậu nói việc không mà không bị buộc tội, đó là trẫm báo đền cái đức hay nói của Nguyễn Mậu”.” [14]

    Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Nhà vua làm văn, có phần sơ lược bỏ mất nghĩa trong kinh, sử, Bá Ký ngỏ lời can, nhà vua khen là người trung. Đến nay Bá Ký mất, nhà vua sai Phạm Hổ, Ty lễ giám, đem sắc văn đến dụ cáo rằng: “Nhà ngươi thờ vua thì trung thành, giữ mình thì chính trực, sớm hôm giúp rập đã sáu năm nay, lòng trung thành yêu nước của nhà ngươi giữ mãi được đến lúc chết”. Ấy Bá Ký được vua quyến luyến thương nhớ như thế đấy.” [15]

    Bên cạnh khái niệm “yêu nước” trong phạm trù “trung quân, ái quốc”, người Việt trong lịch sử cũng có rất nhiều cách thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Hình thức dễ nhận thấy nhất của lòng yêu nước, đó là tinh thần đoàn kết thành một khối để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, mỗi khi đất nước đối mặt với nạn ngoại xâm.

    Yêu nước, là dám đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, như Lê Văn Hưu đã có lời bình trong tác phẩm Đại Việt sử ký, mà sau đó, Ngô Sĩ Liên đã chép lại trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư.

    Đại Việt sử ký toàn thư chép lại lời bình của Lê Văn Hưu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng: “Lê Văn Hưu nói: Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.” [14]

    Một ví dụ khác rất đặc sắc, đó là trường hợp của Trần Bình Trọng được ghi chép lại trong lịch sử. Khi ông bị giặc Nguyên bắt, được hỏi “có muốn làm vương đất Bắc không”, ông đã khẳng khái trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc”.

    Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, nay là bãi Mạn Trù) bị chết.

    Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương:” Có muốn làm vương đất Bắc không?”.

    Vương thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc”, rồi bị giết.” [14]

    Câu nói này đã cho thấy rất rõ lòng yêu nước của Trần Bình Trọng, nước ở đây được gọi là nước Nam, vốn là một trong những cách gọi chỉ Đại Việt mà người xưa thường sử dụng. Ông thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất bắc, chỉ có lòng yêu nước mới thúc đẩy Trần Bình Trọng thể hiện được tinh thần khảng khái đó.

    Hay như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo, đã nhắc về việc ” cứu nước”, đây cũng là một hình thức thể hiện của lòng yêu nước, có yêu nước, mới có cứu nước.

    “Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
    Nhân tài như lá mùa thu,
    Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
    Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
    Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
    Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.”

    [Bản dịch của Ngô Tất Tố]

    Bình Ngô Đại Cáo còn nhắc tới “nhân dân bốn cõi một nhà”, cho thấy ý thức đoàn kết của người Việt trong thời kỳ trung đại. Và những thành tựu của nghĩa quân Lam Sơn là “nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”, cho thấy ý thức về những bậc tiền nhân dân tộc của con người thời kỳ này là rất mạnh mẽ.

    “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
    Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.“

    “Xã tắc từ đây vững bền
    Giang sơn từ đây đổi mới
    Càn khôn bĩ rồi lại thái
    Nhật nguyệt hối rồi lại minh
    Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
    Muôn thuở nền thái bình vững chắc
    Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;”

    [Bản dịch của Ngô Tất Tố]

    Lòng yêu nước còn là “nghĩa nước tình nhà”, như Lương Thế Vinh đã viết trong bài thơ Tướng sĩ nhớ nhà 思家將士.

    公義私情欲兩俱,
    家山回首白雲孤。
    更籌暗數癡如夢,
    旅次空眠冷似秋。
    萬里馬嘶愁緒有,
    一天鴈斷信書無。
    指期償了懸弧志,
    輕拂清風上帝州。

    Nghĩa nước tình nhà, mong trọn vẹn cả hai,
    Non quê ngoảnh lại, áng mây trắng lẻ loi.
    Lặng đếm trống canh, thơ thẩn như hồn mộng,
    Ngủ suông quán khách lạnh lẽo tựa hơi thu.
    Muôn dặm ngựa kêu, gợi mãi mối sầu,
    Một vùng nhạn vắng, thấy đâu thư nhà.
    Quyết một ngày gần đây, toại được cái chí treo cung,
    Tay áo phất phơ gió mát, trở về kinh đô.

    [Nguồn: Hoàng Việt thi tuyển, Tồn Am Bùi Huy Bích, 2007]

    Tướng sĩ Việt thời trung đại có ý thức về “nghĩa nước tình nhà”, đây là một cách thể hiện rất rõ nét của lòng yêu nước, nghĩa vụ của tướng sĩ, là bảo vệ sự thái bình của đất nước, cũng giống như ngày nay, quân đội Việt Nam luôn ý thức nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc của mình.

    Hay như Tuệ Tĩnh, một người con đất Việt, khi đi sứ sang Trung Quốc lúc ngoài 50 tuổi, đã bị nhà Minh giữ lại làm ở Thái Y Viện, sống và mất bên đó. Trên bia mộ của ông có khắc chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với”, năm 1690, Nguyễn Danh Do đi sứ sang Trung Quốc, thăm mộ Tuệ Tĩnh, đã rất xúc động khi thấy những dòng chữ này, liền sao chép bia đá và mang về Việt Nam [16]. Một câu nói đã thể hiện lòng thương nhớ quê hương tha thiết của Tuệ Tĩnh, không gì khác hơn, đó chính là lòng yêu quê hương, đất nước của người Việt trong thời kỳ trung đại.

    Lòng yêu nước như vậy được thể hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau, không nhất thiết phải nói rằng “tôi yêu nước”, mới được xem là lòng yêu nước, mà lòng yêu nước được thể hiện bằng tinh thần, bằng những hành động, bằng lời nói khi đối mặt với những khó khăn, bằng cách này hay cách khác, lòng yêu nước luôn luôn được người Việt thể hiện bằng những hành động và lời nói thực tế của mình.

    3. Lòng yêu nước, tự hào giống nòi trong thời kỳ cận đại:

    Theo những lý luận của các học giả và nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam, thì khái niệm dân tộc mới chỉ xuất hiện trong khoảng những năm 1950 [17]. Thực tế, từ những năm kháng chiến chống Pháp, trong thời kỳ cận đại, với bối cảnh lịch sử dân tộc Việt đang bị giày xéo dưới gót giày của người Pháp, những nhà cách mạng yêu nước đã sáng tác ra rất nhiều bài thơ đề cao giống nòi, chủng tộc, đề cao văn hóa dân tộc, khơi gợi tinh thần yêu nước, đoàn kết, đứng dậy khởi nghĩa của người Việt. Tiêu biểu nhất, là những bài thơ Ái Chủng và Ái Quần của nhà yêu nước Phan Bội Châu.



    Ái Chủng (1910-1911)

    Ái Quần (1910)


    Giống ta ta phải yêu nhau!
    Đưa lời ái chủng mấy câu giải lòng.
    Hai mươi triệu họ đồng tông.
    Da vàng máu đỏ con giòng Hùng Vương.
    Mấy ngàn năm cõi Viêm bang
    Đua khôn hoa hoán, mở đường văn minh.
    Tài anh kiệt nối đời sinh,
    Đánh Nguyên mấy lớp, phá Minh mấy lần.
    Mở mang Chân Lạp, Chiêm Thành,
    Miền nam lừng lẫy giống thần mở mang.
    Tiếc thay giống tốt nòi sang,
    Vì sao sa sút cho mang tiếng hèn.
    Xưa sao đứng chủ cầm quyền,
    Giờ sao nhẫn nhục chịu hèn làm tôi.
    Xem Tây như thánh như trời,
    Người Nam ta chịu dưới nơi A-tì.
    Giang sơn thẹn với tu mi,
    Đá kia cũng xót, sông kia cũng sầu!
    Nào anh em, chị em đâu!
    Kết đoàn ta phải bảo nhau thế nào?
    Chữ rằng: “đồng chủng đồng bào”
    Yêu nhau ta phải tính sao phục thù?
    Muốn cho nội ngoại giao phù
    Sáu mươi lăm tỉnh cũng như một nhà.
    Muốn cho Nam Bắc hợp hoà
    Hai mươi lăm triệu cũng là một thôi.
    Đừng cậy thế, đừng khoe tài!
    Bỏ điều riêng nhỏ, tính điều lợi chung.
    Chớ giành khí, chớ khoe công,
    Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng sai nghi.
    Ai ơi xin sửa mình đi!
    Công tư đức ấy hai bề vẹn hai.
    Những điều hại nước, tan nòi,
    Rước voi cõng rắn thì thôi xin chừa.
    Một mai thời thế chuyển cơ,
    Anh em ta lại như xưa sum vầy.
    Họ hàng đông đủ cánh vây,
    Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn!

    Trời sinh ra một giống ta,
    Non sông riêng một nước nhà Việt Nam.
    Kể năm hơn bốn nghìn năm,
    Ông cha một họ, anh em một nhà.
    Giống vàng riêng một mầu da,
    Đen răng, dài tóc ai mà khác ai?
    Chỉ vì tan tác từng người,
    Phen này đến nỗi lạc loài xót xa.
    Ai ơi! nghĩ lại kẻo mà,
    Kìa gương giống đỏ có xa đâu nào!
    Chữ rằng: “đồng chủng, đồng bào”
    Anh em liệu tính làm sao bây giờ?
    Sao cho nội ngoại tương phù,
    Ba mươi sáu tỉnh cũng như một nhà.
    Sao cho Nam Bắc hiệp hoà,
    Hơn hai mươi triệu mà ra một người.
    Chớ cậy thế, chớ tham tài,
    Bỏ điều lợi nhỏ, tính bài lợi chung.
    Chớ ganh khí, chớ khoe công,
    Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng xai nghi.
    Ai ơi, xin sửa mình đi!
    Công tư đức ấy hai bề vẹn hai.
    Những điều nát nước, tan loài,
    Rước voi cõng rắn thì thôi xin chừa.
    May ra trời có chuyển cơ,
    Anh em ta được như xưa sum vầy.
    Họ hàng đông đủ cánh vây,
    Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn.
    Thể đoàn như đá chẳng mòn,
    Như thành chẳng lở, như non chẳng dời.
    Đừng như đàn quạ giữa trời,
    Gặp cơn mưa gió vội rời nhau xa.
    Có đàn thì mới có ta,
    Đàn là rất trọng, ta là rất khinh.
    Dù khi sóng gió bất bình,
    Lợi đàn thì dẫu thiệt mình cũng cam.
    Làm cho cố kết nghìn năm,
    Mới hay rằng bọn người Nam anh hùng.
    Làm cho nổi tiếng Lạc Hồng,
    Vẻ vang dòng dõi con Rồng cháu Tiên.
    Nước nhà cơ nghiệp vẹn tuyền,
    Chúng ta, ta giữ lợi quyền của ta.
    Mấy câu thuận miệng ngâm nga,
    Ai ơi xin nhớ bài ca hợp đàn…


    Nguồn: Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968

    Nguồn: Thơ văn Phan Bội Châu, NXB Văn học, 11-1985


    Không chỉ những bài thơ của Phan Bội Châu, mà rất nhiều bài thơ khác với lòng tự tôn dân tộc, tự tôn chủng tộc, lòng yêu nước thiết tha kêu gọi sự đứng dậy khởi nghĩa, đánh đuổi giặc ngoại xâm đã được sáng tác trong giai đoạn này.

    Nước non – Từ Diễn Đồng

    Nước non chênh lệch bởi vì đâu?
    Kể lại cho cân quả địa cầu.
    Giọt máu Hồng Bàng dây đến tớ,
    Mài da Hoàng chủng giữ cùng nhau.
    Hơn hai mươi triệu người không ít,
    Ngót bốn nghìn năm nước đã lâu.
    Chẳng lẽ cam lòng nô lệ mãi,
    Đua nhau gắng gỏi với năm châu.

    [Nguồn: Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 6), Hoàng Hữu Yên chủ biên, NXB Khoa học – Xã hội, 2004]

    Hoán tỉnh quốc dân – Khuyết danh (1927)

    Phải ra tay gìn giữ giống nòi,
    Phải làm cho thế gian coi,
    Phải cho thiên hạ biết nòi Lạc Long.
    Phải ra sức gắng lòng yêu nước,
    Phải đem mình đi trước anh em,
    Phải làm cho quốc dân xem,
    Phải ra tranh đấu, phải kiên tập rèn.

    Nguồn: Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968

    Ký nội – Lương Ngọc Quyến

    Ba mươi triệu Lạc Long tôn tử,
    Bốn nghìn năm lịch sử quang vinh.
    Trời Nam rực rỡ văn minh,
    Sơn hà rửa sạch hôi tanh giặc thù.

    Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968

    Á Tế Á ca – Phan Chu Trinh

    Cũng xương cũng thịt cũng da,
    Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.
    Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
    Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.
    Thương ôi! Bách Việt giang san,
    Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
    Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh?
    Anh em ta phải tính nhường sao.
    Đôi bên, bên nọ, bên cừu,
    Họ khôn phải học, cừu sâu phải đền.

    [Nguồn: Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1997, tr. 143-156]

    Giai đoạn Pháp thuộc là bản lề giữa thời kỳ trung đại và hiện đại, đây là giai đoạn mà lòng yêu nước đã được thể hiện rất mạnh mẽ, khi người Việt phải sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Những dòng thơ được chúng tôi dẫn ra, đã cho chúng ta thấy được lòng tự hào, tự tôn chủng tộc, khi ấy, các nhà yêu nước vẫn chưa biết tới khái niệm “dân tộc” được tạo ra trong vài chục năm sau đó.

    4. Kết luận:

    Một loạt những bằng chứng được chúng tôi dẫn ra, đã chứng minh về sự tồn tại của ý thức dân tộc, về lòng yêu nước trong xuyên suốt lịch sử của người Việt. Khái niệm “dân tộc” mới xuất hiện, nhưng ý thức tương đương với khái niệm này đã có từ rất lâu đời. Các học giả phương Tây, vì những mục đích không trong sáng, đã sáng tạo ra những lý thuyết nhằm xóa nhòa ý thức dân tộc vốn đã ngàn đời của người Việt nói riêng và các dân tộc trên thế giới nói chung, phục vụ cho những mục đích mà chúng tôi đã phân tích ở trên.

    Ý thức dân tộc Việt, lòng yêu nước, sự tự tôn chủng tộc, giống nòi, có thể là những giá trị sống còn đối với dân tộc Việt, đó là những thứ chúng ta cần phải bảo vệ bằng tất cả khả năng của mình, thay vì góp phần đưa những lý thuyết của các lý thuyết gia phương Tây về để công kích, hạ bệ văn hóa, lịch sử dân tộc. Ý thức dân tộc còn, ý thức văn hóa còn, thì người Việt còn, chừng nào người Việt còn bảo vệ lịch sử, văn hóa của dân tộc mình, thì chừng đó, dân tộc Việt sẽ còn trường tồn trước những khó khăn của lịch sử.

    Lang Linh
    Minh họa: Họa sĩ Hiệu Sicula.





    Tài liệu tham khảo:

    [1] Anderson, B., 1983. Imagined Communities. London: Verso.

    [2] Hobsbawm, E. and Ranger, T., 1983. The Invention of Tradition. New York: Cambridge University Press.

    [3] Phạm Quang Minh, “Những cộng đồng tưởng tượng: Một số suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc”, 29-05-2019. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://tiasang.com.vn/van-hoa/nhung-cong-dong-tuong-tuong-mot-so-suy-nghi-ve-nguon-goc-va-su-lan-truyen-cua-chu-nghia-dan-toc-16390/. [Truy cập ngày: 25-06-2022]

    [4] Kelley, L., 2012. The Biography of the Hồng Bàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition. Journal of Vietnamese Studies, 7(2), pp.87-130.

    [5] Liam Kelley, How Vietnamese Genetic Scientists are Erasing the Past”, 29/07/2020. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://leminhkhai.blog/how-vietnamese-genetic-scientists-are-erasing-the-past/. [Truy cập ngày 25/06/2022]

    [6] Kelley, Liam C.. 2012. “Imagining the Nation in Twentieth Century Vietnam” Presented at the 4th Engaging With Vietnam: An Interdisciplinary Dialogue Conference .

    [7] Nguyễn Hòa (báo Nhân Dân online), “Nghiên cứu phi lịch sử, hay thực hành “chủ nghĩa thực dân tinh thần”?”, 02/2014. [Trực tuyến]. Địa chỉ: Kỳ 1, 2, 3. [Truy cập ngày 25/06/2022]

    [8] Lê Việt Anh (báo Nhân Dân online), “Nhà nghiên cứu lịch sử hay kẻ “đốt đền”?”, 16/06/2014 [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/nha-nghien-cuu-lich-su-hay-ke-dot-den-205875/. [Truy cập ngày: 25/06/2022]

    [9] Lương Xuân Hà (báo Nhân Dân online). “Một xu hướng không thể chấp nhận khi nghiên cứu dân tộc”, 03/03/2014. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/mot-xu-huong-khong-the-chap-nhan-khi-nghien-cuu-dan-toc-196552/. [Truy cập ngày 25/06/2022]

    [10] Mitchell D., Cultural Geography: Acritical Introduction. Oxford: Blackwell 2000: 269.

    [11] Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, 1978.

    [12] Nguyễn Trãi (biên soạn), Lê Lợi (đề tựa), Lam Sơn Thực Lục. Sài Gòn: Tân Việt xuất bản, 1956.

    [13] Lang Linh, “Người Việt có bị đồng hóa hay không?”, 16/11/2021. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://luocsutocviet.com/2021/11/16/570-nguoi-viet-co-bi-dong-hoa-hay-khong/. [Truy cập: 25/06/2022]

    [14] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.

    [15] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998.

    [16] Nguyên Phong, “Thiền sư Thần y Tuệ Tĩnh và tấm bia khắc lời ai điếu: ‘Ai về nước Nam cho tôi về với'”, 25/02/2019. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://phatgiao.org.vn/thien-su-than-y-tue-tinh-va-tam-bia-khac-loi-ai-dieu-ai-ve-nuoc-nam-cho-toi-ve-voi-d34006.html#. [Truy cập ngày: 25/06/2022]

    [17] Liam Kelley, “Modern Vietnamese Historians and the “Dân Tộc” Question, 01/03/2017,. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://leminhkhai.wordpress.com/2017/03/01/modern-vietnamese-historians-and-the-dan-toc-question/ [Truy cập ngày: 25/06/2022]

    Không có nhận xét nào