Header Ads

  • Breaking News

    Một năm Nga xâm lược Ukraine: Hiểu cuộc chiến qua 10 từ khóa nổi bật

    Một cuộc chiến gây rúng động, tạo khủng hoảng, và định hình lại thế giới.

    Yên Khắc Chính / Luật Khoa



    Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng quân nhân Ukraine ở thành phố Izium, tỉnh Kharkiv. Ảnh: Metin Aktas/ Anadolu Agency.

    Rạng sáng ngày 24/2/2022 theo giờ địa phương, Nga đã phát động một cuộc chiến tổng lực nhằm xâm lược nước láng giềng Ukraine.

    Theo một bản kế hoạch được cho là do Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp ký duyệt, quân đội Nga dự kiến sẽ mất 10 ngày để kết thúc cuộc chiến, và hoàn tất việc sáp nhập Ukraine vào lãnh thổ của Nga trong sáu tháng. [1]

    Vào thời điểm trên, rất nhiều người cho rằng thủ đô Kyiv và chính quyền Ukraine sẽ không trụ được quá vài tuần, thậm chí là vài ngày.

    Một năm sau, Kyiv vẫn đứng vững, quân đội Ukraine liên tục được tiếp thêm sức mạnh, và tuyệt đại đa số người dân Ukraine tin rằng mình hoàn toàn có thể đánh bại quân xâm lược Nga.

    Mười từ khóa dưới đây sẽ phác họa những nét lớn trong một năm qua của cuộc chiến.

    Defiant - Quật cường

    Có gốc từ chữ “defy”, với nghĩa “phản kháng”, tính từ “defiant” thường xuyên xuất hiện trong các bản tin nói về người Ukraine, từ trước khi cuộc chiến chính thức bắt đầu. [2]

    Tinh thần phản kháng ngoan cường được thể hiện xuyên suốt từ ngày đầu tiên và thống nhất từ giới lãnh đạo cấp cao đến cả những người dân tay không vũ khí.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối đề nghị sơ tán khỏi thủ đô Kyiv, quyết tâm bám trụ bất chấp là mục tiêu số một của quân Nga. [3] Những người lính bị bao vây tại Đảo Rắn đáp trả yêu cầu đầu hàng bằng việc bảo quân xâm lược cút xéo. [4] Hàng ngàn người chưa bao giờ đụng đến vũ khí tự nguyện cầm súng bảo vệ thủ đô. [5] Những người khác phản kháng theo cách riêng của mình - nhạc sĩ tiếp tục sáng tác, ca sĩ tiếp tục hát, và họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ. [6]

    Với tinh thần đó, Ukraine không những đứng vững sau vài tuần đầu bị tấn công dồn dập, mà còn mở những đợt phản công lớn vào tháng Tám và tháng Chín, giành lại một phần đáng kể lãnh thổ tại Kharkiv và Kherson. [7]

    Denial - Chối bỏ

    Nếu “defiant” gắn với người Ukraine, thì “denial” (trốn tránh hiện thực) lại là một phần không tách rời khi nói về Nga trong cuộc chiến.

    Nó thể hiện qua việc chối bỏ mọi thực tại trái với ý mình.

    Chính quyền Nga tuyên truyền đây chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, thậm chí ra luật xử phạt những ai dám gọi nó bằng cái tên “chiến tranh” (war), kể cả khi chính Putin công khai dùng từ “chiến tranh” để nói về cuộc xâm lược. [8] [9]

    Các thông tin bất lợi trên chiến trường, những vụ quân Nga tấn công thường dân và mục tiêu dân sự, các cáo buộc về thảm sát, cưỡng hiếp, tra tấn do lính Nga thực hiện đều không được phép xuất hiện trên truyền thông chính thống của Nga. Những ai chia sẻ các thông tin trên đều bị kết tội lan truyền tin giả và đối diện nguy cơ bị bỏ tù. [10]

    Không chỉ giới chóp bu của đất nước trốn tránh thực tại, người dân Nga sống trong chế độ độc tài cũng quay lưng với hiện thực của cuộc chiến. Khi phong trào phản chiến tại Nga bị chính quyền nhanh chóng dập tắt, phần lớn người dân trong nước chọn cách im lặng, dửng dưng xem như cuộc chiến không tồn tại, từ chối bàn luận về chính trị và phó mặc mọi thứ cho giới lãnh đạo. [11] [12]

    Backfire - Tác dụng ngược

    Trong các kết quả thăm dò dư luận của một năm qua, tỷ lệ ủng hộ của người dân Ukraine dành cho Tổng thống Zelensky đều ở mức rất cao, có lúc vượt hơn 90%. [13]

    Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với thời điểm trước cuộc chiến. Vào tháng 12/2021, kết quả thăm dò cho thấy chưa tới 30% người Ukraine ủng hộ Zelensky. [14]

    Cuộc chiến xâm lược của Nga vì vậy đã có tác dụng ngược: đoàn kết người dân Ukraine dưới chung một ngọn cờ.

    Một mục tiêu khác của Nga khi xâm chiếm Ukraine là để NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) không thể mở rộng thêm thành viên. Sau khi Nga tấn công Ukraine, hai nước láng giềng của nước này là Thụy Điển và Phần Lan, vốn lâu nay giữ vị thế trung lập, lập tức thay đổi lập trường và đang trên đường gia nhập NATO. [15]

    Hành động quân sự của Putin không chỉ khiến người Ukraine trở nên thêm đồng lòng mà còn giúp phương Tây đoàn kết hơn bao giờ hết.

    Isolated - Cô lập

    Trong khi các đối thủ đoàn kết thì nước Nga của Putin đối diện với tình trạng ngày càng bị cô lập về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa.

    Hàng loạt lệnh cấm vận của phương Tây đưa ra khiến nền kinh tế Nga chao đảo trong khoảng thời gian đầu của cuộc chiến. Nhờ vào nguồn lợi khổng lồ đến từ xuất khẩu dầu khí, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục (một phần do tác động của cuộc chiến), Nga vẫn đủ sức duy trì nền kinh tế bất chấp lệnh cấm vận. Tuy nhiên, các ngành sản xuất, đặc biệt là ô tô và hàng không, lâm vào khủng hoảng trầm trọng. [16]

    Ở phương diện chính trị, các nghị quyết phản đối cuộc chiến xâm lược của Nga tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong năm qua đều được đại đa số các quốc gia thông qua. Một số ít, trong đó có Việt Nam, bỏ phiếu trắng. [17]

    Nghị quyết mới nhất vào ngày 23/2/2023 yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine được 141 nước bỏ phiếu ủng hộ thông qua. Sáu quốc gia bỏ phiếu chống, trong đó có Nga, và 32 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam. [18]

    Các vận động viên đến từ Nga và Belarus (đồng minh với Nga trong cuộc chiến) bị cấm tham gia thi đấu ở nhiều sự kiện thể thao lớn nhỏ trong năm qua. [19] Phong trào vận động tẩy chay các vận động viên hai nước này trong kỳ Thế vận hội 2024 cũng đang nhận được nhiều sự ủng hộ. [20]

    Technology - Công nghệ

    Bên cạnh tinh thần chiến đấu quật cường, công nghệ hiện đại được xem là một trong những yếu tố chính giúp Ukraine đứng vững trước một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới.

    Các loại vũ khí có độ chính xác cao như hệ thống tên lửa di động HIMARS chứng minh tính hiệu quả trên chiến trường. [21] Những phương tiện chiến đấu hiện đại như xe tăng Leopard 2 của Đức được dự đoán cũng sẽ tác động đến cục diện cuộc chiến. [22] Sự hỗ trợ internet từ hệ thống vệ tinh giúp Ukraine đảm bảo liên lạc ngay cả khi cơ sở hạ tầng bị Nga tàn phá. [23]

    Điểm nhấn của cuộc chiến công nghệ nằm ở việc sử dụng “drone” (máy bay không người lái). Trong khi Ukraine thường xuyên dùng drone tấn công hiệu quả các mục tiêu quân sự của đối phương từ khoảng cách xa, Nga cũng tận dụng hệ thống drone chi phí thấp (được cho là do Iran cung cấp) để tàn phá các công trình hạ tầng của Ukraine. [24]

    Disinformation - Tin xuyên tạc

    Trong mọi cuộc chiến tranh, sự thật là nạn nhân đầu tiên. Câu nói quen thuộc trên cho chúng ta hình dung phần nào về mức độ nhiễu loạn thông tin ở đây.

    Các tin giả được Nga tung ra ngay từ trước khi cuộc chiến diễn ra nhằm biện minh cho hành động xâm lược. [25] Đó là những thông tin có thể được kiểm chứng tương đối dễ dàng, nhưng vẫn được lan truyền rộng rãi, lặp đi lặp lại nhờ vào hệ thống tuyên truyền và các nhóm thao túng trên mạng xã hội.

    Không chỉ Nga, phía Ukraine được cho là cũng lan truyền tin giả có lợi cho phía họ trong cuộc chiến. [26]

    Tuy nhiên, xét về số lượng, có thể nói mức độ sản xuất tin giả của Ukraine thấp hơn nhiều so với của phía Nga.

    Cách ứng xử với truyền thông của hai bên minh họa cho sự chênh lệch đó. Trong khi Nga đóng cửa các tổ chức báo chí độc lập, Ukraine lại tạo điều kiện cho các tổ chức báo chí nước ngoài đến tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, đặc biệt là ở những điểm nóng như Bucha. [27] [28]

    War crime - Tội ác chiến tranh

    Bucha là cái tên đầu tiên được gắn với cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraine. [29]

    Các thước phim và hình ảnh được phóng viên nước ngoài ghi lại về xác thường dân bị trói tay nằm la liệt ngoài đường cùng những hố chôn người tập thể bị khai quật khiến thế giới rúng động.

    Đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

    Khi hàng loạt khu vực do Nga chiếm đóng lần lượt được Ukraine giải phóng, các bằng chứng về tội ác chiến tranh của quân đội Nga xuất hiện ngày một dày đặc.

    Vào tháng 9/2022, nhóm điều tra viên của Liên Hiệp Quốc công bố kết luận rằng quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine với các hành động thả bom vào khu vực dân cư, thảm sát hàng loạt, tra tấn tù nhân và thực hiện hành vi cưỡng hiếp, thậm chí nhắm đến cả trẻ em. [30]

    Các cáo buộc Ukraine phạm tội ác chiến tranh qua việc hành hình binh sĩ Nga sau khi họ đã đầu hàng cũng được đưa ra. Phía Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành điều tra những cáo buộc này. [31]

    Về phần mình, Nga phủ nhận mọi cáo buộc phạm tội của quân đội nước này tại Ukraine. [32]

    Corruption - Tham nhũng

    Khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, chính quyền Ukraine vào cuối tháng 1/2023 đã tiến hành một chiến dịch điều tra chống tham nhũng rầm rộ nhắm đến hàng loạt quan chức cấp cao. [33]

    Tham nhũng không phải vấn đề mới của Ukraine mà nó đã kéo dài nhiều thập niên qua. [34]

    Trong bối cảnh chiến tranh, khi đất nước cần đoàn kết chống lại quân xâm lược, việc trấn áp nạn tham nhũng càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Một lý do lớn khác để Ukraine quyết liệt chống tham nhũng là nhằm tạo niềm tin với các đồng minh phương Tây.

    Hàng tỷ USD viện trợ đã được các nước phương Tây đổ vào Ukraine kể từ đầu cuộc chiến. Chính phủ các nước này, dưới sức ép của cử tri trong nước, có nghĩa vụ đảm bảo những khoản viện trợ được sử dụng đúng mục đích. Áp lực này buộc Ukraine phải làm trong sạch bộ máy chính quyền của mình.

    Điểm lưu ý là chiến dịch chống tham nhũng của Ukraine được khơi mào từ các bài điều tra của báo chí.

    Cuối tháng 1/2023, loạt bài điều tra của tờ Dzerkalo Tyzhnia về việc nâng giá mua thực phẩm tại Bộ Quốc phòng đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao của bộ này phải từ chức hoặc bị sa thải. [35]

    Crisis - Khủng hoảng

    Cuộc chiến tại Ukraine đã tạo nên cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế Chiến II.

    Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy có tám triệu người Ukraine phải trốn chạy ra nước ngoài. Ở trong nước, ít nhất năm triệu người bị mất nhà cửa phải di tản đi nơi khác. [36]

    Cuộc chiến còn tác động đến khắp thế giới với việc đẩy giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.

    Một nghiên cứu mới kết luận rằng kể từ thời điểm Nga xâm lược Ukraine, trung bình mỗi hộ gia đình trên khắp thế giới phải trả gấp đôi chi phí cho tiền nhiên liệu. Ở những khu vực có mức sống thấp như châu Phi, chi phí cho nhiên liệu thậm chí tăng gấp ba lần tại mỗi hộ gia đình. [37]

    Với việc Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, bị xâm lược, giá thực phẩm trên toàn cầu cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập niên qua. Số lượng người đối diện với tình trạng khan hiếm thực phẩm lên đến 345 triệu trong năm 2022, tăng hơn gấp đôi so với con số 135 triệu của năm 2019. [38]

    New world order - Trật tự thế giới mới

    Cuộc chiến tại Ukraine được cho là đánh dấu sự xuất hiện của một trật tự thế giới mới. [39]

    Trong khi các quốc gia phương Tây ngày một đoàn kết và thể hiện rõ quyết tâm ủng hộ Ukraine chống lại Nga, các nước ở phía Nam bán cầu lại không mấy mặn mà tham gia vào liên minh này.

    Các nước phương Tây xem việc Nga xâm lược Ukraine là thách thức đối với nền tảng luật pháp quốc tế, còn những nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông, châu Phi và một số quốc gia châu Á lại xem đây là hệ quả của việc tranh giành quyền lực giữa các cường quốc.

    Nhiều nước từ chối tham gia liên minh của phương Tây cấm vận Nga, đổi lại hưởng lợi lớn từ việc ồ ạt mua nhiên liệu của Nga với giá rẻ. [40]

    Sự phân chia trên, mang rất nhiều hơi hướng của Chiến tranh Lạnh trong quá khứ, được nhiều người gọi là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới (New Cold War). [41]

    Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mô hình trật tự thế giới mới sẽ khác biệt nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Đó sẽ là một trật tự đa cực (multipolar) khi những cường quốc như Ấn Độ không muốn chọn phe nào, còn các liên minh như Trung Quốc và Nga không thực sự bền vững. [42]

    Chưa rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ được thể hiện ra sao trong một trật tự mới, trong bối cảnh vừa có ràng buộc lợi ích với Trung Quốc và Nga, lại vừa có nhu cầu đảm bảo an ninh từ Mỹ để chống lại ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.Nhưng trước mắt, chính quyền Việt Nam đã có dấu hiệu cho thấy ý định bớt lệ thuộc vào nguồn vũ khí của Nga. [43]

    Chú thích

    1. Reynolds, N. (2022, December 2). Leaked Invasion Plan Reveals 4 Assumptions Putin’s Regime Got Wrong. Newsweek. https://www.newsweek.com/leaked-invasion-plan-reveals-4-assumptions-putin-regime-wrong-1764309

    2. Harding, L. (2022, January 16). ‘We’ll fight to the end.’ Ukraine defiant in face of Vladimir Putin’s phoney war. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/jan/15/well-fight-to-the-end-ukraine-defiant-in-face-of-vladimir-putins-phoney-war

    3. Braithwaite, S. (2022, February 26). Zelensky refuses US offer to evacuate, saying ‘I need ammunition, not a ride.’ CNN. https://edition.cnn.com/2022/02/26/europe/ukraine-zelensky-evacuation-intl/index.html

    4. Lendon, B., Lister, T., & Pennington, J. (2022, February 28). Soldiers on Snake Island reacted with defiant words to threats from Russian warship. CNN. https://edition.cnn.com/2022/02/25/europe/ukraine-russia-snake-island-attack-intl-hnk-ml/index.html

    5. Ordinary Ukrainian citizens are taking up arms to fend off Russian forces as they close in on Kyiv. (2022, February 25). Business Insider. https://www.businessinsider.com/ordinary-ukrainians-take-up-arms-defend-kyiv-from-russia-2022-2

    6. Berman, L. (2022, March 12). Drained but defiant, Lviv’s creatives struggle to make art in war. Times of Israel. https://www.timesofisrael.com/drained-but-defiant-lvivs-creatives-struggle-to-make-art-in-war/

    7. Reuters. (2023, February 16). Ukraine war: major developments since Russia’s invasion. https://www.reuters.com/world/europe/ukraine-war-major-developments-since-russias-invasion-2023-02-16/

    8. A. (2023, February 24). Russia Bans Media Outlets From Using Words “War,” “Invasion.” The Moscow Times. https://www.themoscowtimes.com/2022/02/26/russia-bans-media-outlets-from-using-words-war-invasion-a76605

    9. Ilyushina, M. (2022, December 23). Putin declares 'war' – aloud – forsaking his special euphemistic operation. The Washington Post. Retrieved February 24, 2023, from https://www.washingtonpost.com/world/2022/12/22/putin-war-ukraine-special-operation

    10. Amnesty International. (2022, September 2). Russia: Authorities deploy new criminal laws to silence criticism of Russia’s war in Ukraine. https://www.amnesty.org/en/documents/eur46/5988/2022/en/

    11. Reporter, G. S. (2022, September 22). Russia protests: more than 1,300 arrested at anti-war demonstrations. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/sep/22/russia-protests-more-than-1300-arrested-at-anti-war-demonstrations-ukraine

    12. Goryanov, B. A. (2023, February 22). Ukraine war: Why so many Russians turn a blind eye to the conflict. BBC News. https://www.bbc.com/news/world-europe-64703768

    13. Statista. (2022, November 23). Volodymyr Zelensky’s approval rating in Ukraine 2019-2022. https://www.statista.com/statistics/1100076/volodymyr-zelensky-s-approval-rating-ukraine/

    14. Б. (2021, December 20). Zelensky faces lowest approval rating, – latest poll. Ukraine News - # Bukvy. https://bykvu.com/eng/bukvy/zelensky-faces-lowest-approval-rating-latest-poll/

    15. Chatterjee, B. P. (2022, June 29). Sweden and Finland’s journey from neutral to Nato. BBC News. https://www.bbc.com/news/world-europe-61397478

    16. Rutland, P. (2023, February 21). How Putin has shrugged off unprecedented economic sanctions over Russia’s war in Ukraine – for now. The Conversation. https://theconversation.com/how-putin-has-shrugged-off-unprecedented-economic-sanctions-over-russias-war-in-ukraine-for-now-199718

    17. Al Jazeera. (2022, October 13). UN condemns Russia’s annexation move: How did countries vote? Russia-Ukraine War News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2022/10/13/un-condemns-russias-annexations-in-ukraine-how-countries-voted

    18. Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của LHQ đòi Nga rút quân khỏi Ukraine. (2023, February 23). Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-cast-abstention-vote-for-un-resolution-condemning-russia-invading-ukraine-02232023162838.html

    19. Nestler, S. (2022, July 19). Which sports have banned Russia and Belarus? dw.com. https://www.dw.com/en/war-in-ukraine-which-sports-have-banned-athletes-from-russia-and-belarus/a-62503336

    20. UK among nations to support Russia and Belarus ban. (2023, February 21). BBC Sport. https://www.bbc.com/sport/olympics/64711849

    21. Jones, L. (2023b, February 22). Lesson from a year at war: In contrast to the Russians, Ukrainians master a mix of high- and low-end technology on the battlefield. The Conversation. https://theconversation.com/lesson-from-a-year-at-war-in-contrast-to-the-russians-ukrainians-master-a-mix-of-high-and-low-end-technology-on-the-battlefield-197853

    22. Siebold, S. (2023, February 20). Leopard tanks like a Mercedes, says Ukrainian soldier training in Germany. Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/leopard-tanks-like-mercedes-says-ukrainian-soldier-training-germany-2023-02-20/

    23. War in Europe: Use of Technologies in the Russia-Ukraine War. (2022, August 2). Friedrich Naumann Foundation. https://www.freiheit.org/ukraine-and-belarus/use-technologies-russia-ukraine-war

    24. Burgess, A. (2023, February 3). What Ukraine’s weapons innovation and commercial technologies tell us about the future of war. ABC News. https://www.abc.net.au/news/2023-02-04/diy-weapons-innovation-drones-in-ukraine-war-russia/101910506

    25. Trung, N. Q. T. (2023, January 5). 5 tin giả nổi bật về cuộc xâm lược Ukraine của Nga trong năm 2022. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/5-tin-gia-noi-bat-o-viet-nam-ve-cuoc-xam-luoc-ukraine-cua-nga-trong-nam-2022/

    26. Kiennemann, L. (2023, February 23). How one year of disinformation has shaped the narrative of the Ukraine war online. The Observers - France 24. https://observers.france24.com/en/europe/20230223-ukraine-russia-war-debunked-one-year-of-disinformation

    27. Yablokov, I., & Schimpfössl, E. (2022, March 31). Russia’s disappearing independent media: why they closed. The Conversation. https://theconversation.com/russias-disappearing-independent-media-why-they-closed-178590

    28. Khan, I. (2022, May 29). Reporter’s Notebook: Recalling deaths in Ukraine’s Bucha. Russia-Ukraine War News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2022/5/29/reporters-notebook-killings-in-ukrainian-town-of-bucha

    29. Trung, N. Q. T. (2022, April 7). Thảm sát Bucha: Chúng ta biết gì, và trách nhiệm pháp lý của Putin đến đâu? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/04/tham-sat-bucha-chung-ta-biet-gi-va-trach-nhiem-phap-ly-cua-putin-den-dau/

    30. Tondo, L. (2022, September 23). Russia has committed war crimes in Ukraine, say UN investigators. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/sep/23/russia-has-committed-war-crimes-in-ukraine-say-un-investigators

    31. Kersten, M. (2022, December 16). Ukraine must investigate alleged war crimes by its forces. Opinions | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/opinions/2022/12/16/ukraine-must-investigate-alleged-war-crimes-by-its-forces

    32. BBC News. (2022, November 14). Ukraine conflict: What war crimes is Russia accused of? https://www.bbc.com/news/world-60690688

    33. Fighting Corruption in Wartime Ukraine. (n.d.). Wilson Center. https://www.wilsoncenter.org/blog-post/fighting-corruption-wartime-ukraine

    34. Hayda, J. (2023, January 27). Ukraine's fight against corruption isn't new. it's still trying. NPR. Retrieved February 24, 2023, from https://www.npr.org/2023/01/27/1151326940/ukraine-anti-corruption-efforts

    35. Xem [33]

    36. UNHCR, the UN Refugee Agency. (n.d.). UNHCR. https://www.unhcr.org/ukraine-emergency.html

    37. Hubacek, K., Yan, J., Shan, Y., & Guan, Y. (2023, February 16). Russia–Ukraine war has nearly doubled household energy costs worldwide – new study. The Conversation. https://theconversation.com/russia-ukraine-war-has-nearly-doubled-household-energy-costs-worldwide-new-study-200104

    38. Horowitz, J. (2023, January 17). Russia’s war in Ukraine sparked a historic food crisis. It’s not over. CNN. https://edition.cnn.com/2023/01/15/business/global-food-crisis-davos/index.html

    39. Henley, J. (2023, February 23). War in Ukraine defining new world order, says thinktank. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/feb/21/war-in-ukraine-defining-new-world-order-says-thinktank

    40. Jacinto, L. (2023, February 17). Ukraine war exposes splits between Global North and South. France 24. https://www.france24.com/en/europe/20230217-ukraine-war-exposes-splits-between-global-north-and-south

    41. Achcar, G. (2023, February 23). Ukraine: this new cold war must end before the world faces Armageddon. The Conversation. https://theconversation.com/ukraine-this-new-cold-war-must-end-before-the-world-faces-armageddon-200376

    42. Bluhm, M. (2023, January 24). Russia and China are united by an anti-American agenda. Are we in a new Cold War? Vox. https://www.vox.com/23568071/are-we-in-a-new-cold-war-russia-ukraine

    43. Onishi, T. (2022, December 8). Vietnam turns away from Russia reliance with first defense expo. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Business/Aerospace-Defense-Industries/Vietnam-turns-away-from-Russia-reliance-with-first-defense-expo

    Không có nhận xét nào