Header Ads

  • Breaking News

    Những bí mật của khinh khí cầu Trung Quốc dọ thám Mỹ

    Thanh Hà / RFI

    05/02/2023

    Khinh khí cầu phát hiện trên bầu trời bang Montana, Mỹ. Ảnh ngày 03/02/2023. AP - Larry Mayer 

    Vì một « quả bóng trắng » trên không phận Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken ngày 03/02/2023 đã quyết định đình hoãn vô thời hạn chuyến công du Trung Quốc. Vụ việc đang làm dấy lên rất nhiều câu hỏi cả về mặt kỹ thuật lẫn mục tiêu của khinh khí cầu "dọ thám" này. 

    Tại sao Bắc Kinh lại sử dụng khinh khí cầu dọ thám Mỹ ? Tại sao Nhà Trắng cho tới tối qua mới « bắn hạ »quả bóng màu trắng đó ? Làm thế nào mà « bóng thám không » Trung Quốc bay sang tận tới Hoa Kỳ ? AFP mời một chuyên gia trong lĩnh vực dùng khinh khí cầu để theo dõi các hoạt động trên mặt đất, William Kim, thuộc trung tâm chuyên về an ninh The  Marathon Initiative, trụ sở tại Washington, trả lời các câu hỏi trên.

    Trước hết theo ông Kim, khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện trên bầu trời bang Montana gần các cơ sở quân sự của Mỹ được « điều khiển từ xa ». Trong ruột quả bóng trắng người ta trông thấy rất nhiều trang thiết bị điện tử, kể cả pin mặt trời. Chuyên gia Mỹ này không loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng những công nghệ điều khiển từ xa còn quá mới mẻ đối với quân đội Mỹ. Đương nhiên là công nghệ đó đòi hỏi « bộ não » trong quả kinh khí cầu phải được kết nối liên lạc với một căn cứ trên mặt đất.

    Về câu hỏi khinh khí cầu có hiệu quả hơn vệ tinh quan sát hay không, ông William Kim trả lời : Các vệ tinh càng lúc càng dễ bị tấn công có thể là Trái đất hay trong không gian. Trong khi đó khinh khí cầu có nhiều lợi thế. Một là không dễ bị radar phát hiện. Quả bóng càng nhỏ thì càng dễ thoát khỏi « tai mắt của radar » mà đối phương sử dụng. Lợi thế thứ nhì là một quả bóng như vậy có thể « đứng im tại chỗ » trong một thời gian khá lâu, để « quan sát những mục tiêu, những đối tượng cần nắm ». Trong khi các vệ tinh dọ thám phải bay theo các quỹ đạo ».

    Về khả năng khinh khí cầu Trung Quốc « vô tình lạc lối » vào không phận Mỹ, chuyên gia trung tâm The Marathon Initiative giải thích : « Rất có thể » là ban đầu quả bóng trắng đó được lệnh thu thập thông tin bên « ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ » hay để « hoạt động ở một độ cao cao hơn nữa », nhưng rồi vật thể bay này gặp sự cố kỹ thuật, để bị phát hiện. Ông Kim nói thêm, khinh khí cầu của Trung Quốc đã bị phát hiện ở độ cao 14.000 mét, thay vì từ 20.000 đến 30.000 mét như bình thường ».

    Tại sao Mỹ lúc đầu không dám bắn hạ khinh khí cầu trên bầu trời Montana ? William Kim trả lời : Khinh khí cầu hoạt động nhờ chất helium. Người ta không thể bắn vào quả bóng đó khiến nó cháy hay phát nổ. Dù có bị chọc thủng, bóng cũng mất nhiều thời gian mới xì hơi. Năm 1998, Không Quân Canada đã bắn khoảng 1.000 viên đạn cỡ 20 ly vào một quả bóng tương tự và phải đợi đến 6 ngày sau, quả bóng đó mới xì hơi. Chuyên gia Mỹ này không chắc là ngay cả trong trường hợp dùng tên lửa địa đối không bắn vào mục tiêu, khinh khí cầu này đã rớt ngay lập tức. Ngoài ra, các bộ phận được lắp ráp trong ruột quả bóng có chức năng « săn lùng » những vật thể lạ bay chung quanh.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào