Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 31 tháng 01 năm 2023

    WHO duy trì cảnh báo cao nhất về COVID, hy vọng chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong năm nay

    31/01/2023



    Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 nói COVID-19 tiếp tục là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây là hình thức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

    WHO cho biết thêm trong một tuyên bố rằng đại dịch có thể đang ở một “điểm chuyển tiếp” cần được quản lý cẩn thận để “giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra”.

    Đã ba năm kể từ lần đầu tiên WHO tuyên bố COVID là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Hơn 6,8 triệu người đã chết trong các đợt bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên trái đất, tàn phá các cộng đồng và nền kinh tế.

    Tuy nhiên, sự ra đời của vaccine và các phương pháp điều trị đã thay đổi đáng kể tình hình đại dịch kể từ năm 2020. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói ông hy vọng có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong năm nay, đặc biệt nếu khả năng tiếp cận các biện pháp đối phó có thể được cải thiện trên toàn cầu.

    “Chúng tôi vẫn hy vọng rằng trong năm tới, thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó, chúng ta giảm số ca nhập viện và tử vong (COVID) xuống mức thấp nhất có thể”, ông Tedros nói trong một cuộc họp riêng của WHO vào thứ Hai.

    Các cố vấn của ủy ban chuyên gia WHO về tình trạng đại dịch nói với Reuters vào tháng 12 rằng có khả năng đây không phải là thời điểm để chấm dứt tình trạng khẩn cấp do tình trạng không chắc chắn về làn sóng lây nhiễm ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID nghiêm ngặt vào cuối năm 2022.

    Hơn 5 tỷ đô hỗ trợ COVID tại Mỹ có thể đã bị gian lận

    31/01/2023



    Hình minh họa

    Chính phủ Mỹ có phần chắc đã cấp khoảng 5,4 tỷ đô la viện trợ COVID cho những người có số an sinh xã hội đáng ngờ, một tổ chức quan sát cho biết trong một báo cáo công bố ngày 30/1.

    Ủy ban Trách nhiệm giải trình trong Ứng phó Đại dịch (PRAC) cho hay họ xác định 69.323 số an sinh xã hội đáng ngờ được dùng để nhận 5,4 tỷ đô la từ Chương trình Cho vay Thảm họa Tổn hại Kinh tế (EIDL) và Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP).

    Các khoản vay nay được phân phối từ tháng Tư năm 2020 tới tháng Mười năm 2022, theo báo cáo được đưa ra trước cuộc điều trần về gian lận trong chi tiêu đại dịch đã lên lịch vào ngày 1/2 tới đây bởi Ủy ban Giám sát Hạ viện.

    Mỹ đang điều tra nhiều vụ gian lận nhắm vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ như chương trình PPP, chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare và bảo hiểm thất nghiệp. Tháng Năm 2021, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã mở Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi chống Gian lận COVID-19.

    Năm ngoái, Bộ Tư pháp cử công tố viên liên bang Kevin Chambers dẫn đầu nỗ lực điều tra những kẻ gian lận lợi dụng đại dịch để bòn rút các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

    Tháng Chín năm ngoái, tổng thanh tra Bộ Lao động cho hay nhũng kẻ gian lận có phần chắc đã ăn cắp 45,6 tỷ đô la từ chương trình bảo hiểm thất nghiệp của chính phủ Mỹ trong đại dịch bằng cách dùng các thủ thuật như sử dụng số an sinh xã hội của những người đã chết để lãnh tiền trợ cấp.

    Cũng trong tháng Chín, các công tố viên liên bang đã truy tố hàng chục người bị tố cáo ăn cắp 250 triệu đô la từ một chương trình hỗ trợ của chính phủ dành cho trẻ em trong đại dịch.

    TT Mỹ Biden bác bỏ khả năng giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina

    Thùy Dương /RFI

    31/01/2023


    Ảnh tư liệu minh họa: Chiến đấu cơ của không quân Mỹ F-16 trong cuộc tập trận đa quốc gia CRUZEX, tại Brazil, ngày 21/11/2018. REUTERS - PAULO WHITAKER

    Sau khi thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Berlin không cấp chiến đấu cơ cho Ukraina, nguyên thủ Mỹ cũng phản đối khả năng giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo cho Kiev.

    Tại Nhà Trắng, hôm qua 30/01/2023, trả lời một nhà báo về khả năng cung cấp các loại vũ khí theo đề nghị của giới lãnh đạo Ukraina, tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời « Không ». Trước đó, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy các nước phương Tây viện trợ tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ cho Kiev.

    Tuy nhiên, theo báo kinh tế Pháp Les Echos, Lokheed Martin, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tăng cường sản xuất F-16 tại Greenville, Nam Carolina, Mỹ, để cung cấp cho các nước muốn giao loại chiến đấu cơ này cho Ukraina.

    Pháp - Hà Lan tỏ ra thận trọng về việc giao phi cơ cho Kiev

    Cũng vào hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong cuộc họp báo chung tại La Haye, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Kiev, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng về việc giao phi cơ cho Ukraina. Tuy nhiên, tổng thống Pháp Macron cũng cho biết thêm : « Về nguyên tắc, không có gì cấm cản ».

    Từ La Haye, thông tín viên Antoine Mouteau gửi về bài tường trình :

    Sau một số lời khen ngợi về điều mà ông gọi là « mối quan hệ Pháp-Hà Lan tốt đẹp », thủ tướng Mark Rutte đã nhanh chóng đi vào tâm điểm của vấn đề hiện đang được bàn tán nhiều ở cả Hà Lan và phần còn lại của châu Âu. Thủ tướng Hà Lan nói : « Chỉ bằng cách cùng nhau, tại châu Âu, cũng như Pháp và Hà Lan, chúng ta mới có thể cố gắng hết sức để giúp đỡ Ukraina, và cũng là để bảo đảm rằng Ukraina sẽ thắng cuộc chiến này, còn Nga sẽ thua ».

    Tuy nhiên, khi một nhà báo hỏi về khả năng Hà Lan giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina, thủ tướng Mark Rutte trả lời rằng hiện giờ điều này vẫn chưa được đặt ra. Về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu của Pháp, tương tự, tổng thống Emmanuel Macron cũng tỏ ra thận trọng : « Tôi sẽ nói rất đơn giản với quý vị là trên nguyên tắc, không có gì bị loại trừ và chúng tôi luôn đánh giá mọi điều dựa theo ba tiêu chí. Đầu tiên là đó là điều được yêu cầu, hữu ích, có tính đến thời gian tập huấn và giao cho quân đội Ukraina. Tiêu chí thứ hai là điều đó không gây leo thang căng thẳng, tức là các trang thiết bị chúng tôi cung cấp không thể chạm đến đất Nga. Tiêu chí thứ ba là việc này không làm suy yếu khả năng của quân đội Pháp trong việc bảo vệ lãnh thổ của chính chúng tôi và các công dân của chúng tôi. »

    Chuyến đi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến La Haye diễn ra vài ngày sau chuyến thăm của ngoại trưởng Đức. Bà đã đề nghị lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga ».

    FBI: Vụ đánh cắp Ether trị giá 100 triệu USD liên quan đến Triều Tiên


    Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gần đây cảnh báo chuyện giới tin tặc xâm nhập vào các sản phẩm mã hóa, như vào năm ngoái vụ đánh cắp tiền mã hóa Ether trị giá 100 triệu USD có liên quan đến Triều Tiên.
    (Nguồn: Rabanser/ Shutterstock)

    Tổng thiệt hại vào năm 2022 gây ra bởi các lỗ hổng tài chính phi tập trung (DeFi) trên các chuỗi khối toàn cầu lên đến 3,64 tỷ USD (Getty).

    Theo CNBC, FBI tuyên bố “có thể xác nhận” hai tổ chức tin tặc Triều Tiên là Lazarus Group và APT38 đã lên kế hoạch tấn công Horizon Bridge vào giữa năm 2022.

    Vào tháng 6/2022, nhóm Harmony của nền tảng blockchain đã phát hiện ra rằng Horizon Bridge của họ đã bị tấn công. Đầu tiên, tin tặc đã lấy được số mã thông báo trị giá 100 triệu USD trong 11 giao dịch và gửi số mã đó đến một ví khác, sau đó đổi chúng lấy Ether (ETH) trên sàn giao dịch phi tập trung Uniswap (DEX) và đánh cắp.

    Về sau người sáng lập Harmony là Stephen Tse đã tweet rằng lý do khiến Horizon bị đánh cắp không phải do lỗ hổng trong hợp đồng thông minh mà là do khóa riêng bị rò rỉ. Mặc dù đối với khóa riêng nhóm Harmony lưu trữ đã được mã hóa, nhưng một số trong đó đã bị kẻ tấn công giải mã được để ký một số giao dịch trái phép. Về vấn đề này, Harmony cho biết họ sẽ hợp lực với “các chính phủ và chuyên gia pháp y” để xác định thủ phạm và thu hồi số tiền bị đánh cắp.

    Theo một cuộc điều tra của FBI, trong tháng này các tác nhân mạng của Triều Tiên đã sử dụng Railgun – hệ thống ẩn danh tiền điện tử di động – để rửa số Ether trị giá hơn 60 triệu USD đã đánh cắp trong vụ trộm năm ngoái. Được biết, một phần tiền cũng đã được gửi đến một số nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo để chuyển đổi thành bitcoin.

    Theo Reuters, thời điểm xảy ra vụ hack năm ngoái, công ty phân tích chuỗi khối Elliptic cho biết có “dấu hiệu rõ ràng” rằng Tập đoàn Lazarus đứng sau vụ tấn công, những tin tặc đã nhanh chóng chuyển tiền bằng cách dùng danh tính không rõ ràng.

    Bộ Tài chính Mỹ ghi lại rằng Lazarus đã cướp được 600 triệu USD trên mạng Ronin (Ronin Network). Mạng Ronin được ví là “sidechain” cho trò chơi tiền điện tử nổi tiếng axxie Infinity.

    Ngoài ra, có 2 công ty điều tra kỹ thuật số khác cũng cho rằng hacker đứng sau phi vụ liên quan Harmony nhiều khả năng có liên quan đến Triều Tiên.

    FBI cho biết họ sẽ tiếp tục “điều tra hành vi trộm cắp và rửa tiền ảo của Triều Tiên” có thể được sử dụng để hỗ trợ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này.

    Ngày nay, đánh cắp tiền điện tử dường như là nguồn “làm ăn” lớn nhất của giới tin tặc, do sự giám sát hệ thống còn yếu và sự giám sát hạn chế đối với các dịch vụ của bên thứ ba khiến một số mạng mới dễ bị tổn thương và là nơi ẩn náu của tin tặc. Trước đó trong nhiều thập kỷ thị trường chứng khoán truyền thống cũng đã phải không ngừng chiến đấu với những kẻ lừa đảo.

    Vào năm 2021, 76% các vụ trộm tiền điện tử được thực hiện bởi các tin tặc bên ngoài, chúng đã tìm ra cách khai thác các lỗ hổng. Vào năm 2022, tổng thiệt hại do các lỗ hổng tài chính phi tập trung (DeFi) trên chuỗi khối toàn cầu cao tới 3,64 tỷ USD, so với tổn thất năm 2021 là 2,44 tỷ USD thì mức độ năm sau này đã tăng 47,4%.

    Trong số 167 sự cố lớn vào năm 2022 thì có 51,5% vụ tấn công xảy ra ở các dự án đã được kiểm toán và 48,5% xảy ra ở các dự án chưa được kiểm toán. Trong số đó có 12 sự cố do hack cầu nối xuyên chuỗi chiếm 1,89 tỷ USD số tiền bị mất. Nhìn chung, chiếm phần lớn trong các cuộc tấn công là nhằm vào Ether, BNB Chain và Solana.

    Và hiển nhiên, các cuộc tấn công vẫn không ngừng tiếp tục diễn biến.

    Trình Phàm, Vision Times

    ‘Bãi mìn lớn nhất thế giới’: 40% diện tích Ukraina bị hủy hoại bởi bom mìn


    “Nhóm cố vấn bom mìn” cho biết hơn 40% lãnh thổ Ukraina đã bị hủy hoại vì bom mìn do chiến sự.

    Kênh truyền hình Sky News của Anh đưa tin hôm 29/01, “Nhóm cố vấn bom mìn” cho biết hơn 40% lãnh thổ Ukraina đã bị hủy hoại vì bom mìn do chiến sự.

    Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ này, Ukraina hiện là quốc gia có nhiều bãi mìn nhất thế giới.

    Bà Katerina Templeton, đại diện của tổ chức trên, cho hay tình trạng ô nhiễm mìn ở Ukraina là rất lớn. Syria hay Afghanistan thậm chí không là gì so với tình hình ở đây.

    Theo bà Templeton, mìn sát thương, bẫy mìn, mìn chống tăng, bom chùm, vật liệu chưa nổ đều có thể được tìm thấy trên đất Ukraina.

    Ngoài việc trực tiếp gây thương tích và tử vong, bom mìn có thể khiến các khu vực đất đai không thể tiếp cận được hoặc trở nên nguy hiểm hơn. Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi điều này.

    Theo tổ chức này, trong khoảng thời gian từ ngày 24/02 năm ngoái đến ngày 10/01 năm nay, ít nhất 611 người đã bị thương do bom mìn ở Ukraina gây ra, và sẽ mất nhiều năm để dọn sạch bom mìn ở các khu vực tại Ukraina.

    Cựu Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cho biết số lượng bom mìn rơi trên lãnh thổ Ukraina trong cuộc xung đột quân sự đã tạo ra “Bãi mìn lớn nhất thế giới” với diện tích khoảng 250 nghìn km vuông.Bộ Nội vụ Ukraina báo cáo rằng có thể mất hơn 5 năm để rà phá bom mìn hoàn toàn trên lãnh thổ Ukraina.

    Tạ Linh

    Triển vọng kinh tế thế giới có thể cải thiện

    Sức khỏe của nền kinh tế thế giới sẽ được kiểm tra vào thứ Ba khi IMF công bố dự báo mới nhất. Lần gần nhất họ làm điều này, vào tháng 10, dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,7%, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (trừ năm đáy của đại dịch).

    Nhưng từ đó triển vọng đã được cải thiện phần nào. Thị trường tài chính tăng; nhiều cổ phiếu của các thị trường mới nổi cũng có khởi đầu năm tốt nhất trong nhiều thập niên qua. Lạm phát lõi giảm, cho phép các ngân hàng trung ương giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Một mùa đông ấm áp ở châu Âu phần nào xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, trong khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “zero covid” vốn gây cản trở kinh tế và làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái sâu. Nhưng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và các nền kinh tế đang trên đà suy thoái vẫn rất khó đoán. Dù tiên lượng mới của IMF có sáng sủa hơn, các bất ổn vẫn còn đó.

    100 ngày đầu tiên của tân chính phủ Ý trôi qua suôn sẻ

    Chính phủ cánh hữu ở Ý của Giorgia Meloni hoàn thành 100 ngày đầu tại nhiệm vào thứ Ba. Cho đến nay họ đã xoá đi những nghi ngại ban đầu. Ý tỏ ra là một đồng minh kiên định của Ukraine trong khi vẫn theo đuổi một chương trình bảo thủ, nhưng không cực đoan, ở trong nước. Chính phủ cũng đã thuyết phục được quốc hội thông qua thành công bản ngân sách năm 2023. Đảng Anh em nước Ý (FdI) của bà Meloni đang có tỉ lệ ủng hộ 30%, so với tỷ lệ phiếu 26% trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 năm ngoái.

    Nhưng đường dài mới biết ngựa hay. Số tăng ủng hộ của FdI sẽ ăn vào tỉ lệ của Liên đoàn phương Bắc và Forza Italia của Silvio Berlusconi, các đối tác trong liên minh có thể gây khó dễ cho bà Meloni, đặc biệt là về kế hoạch cải cách hiến pháp. Trong 100 ngày tới, Ý sẽ được nhận đợt thứ ba của gói 200 tỷ euro (218 tỷ USD) từ quỹ phục hồi hậu đại dịch của EU. Nhưng chi tiêu là quá chậm so với kế hoạch, có lẽ do bộ máy trì trệ. Và trong khi được thị trường nâng đỡ phần nào, trái phiếu của Ý, với khối nợ lớn của mình, vẫn dễ bị bán tháo trên thị trường.

    Khủng hoảng bán khống của Tập đoàn Adani vẫn tiếp tục

    Tuần trước Hindenburg Research, một công ty đầu tư nhỏ của Mỹ, đã công bố một báo cáo gọi Tập đoàn Adani, một tập đoàn lớn của Ấn Độ, là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử kinh doanh”. Adani đã bác bỏ báo cáo và cho rằng đó là một mưu đồ của Hinenburg, với tư cách là người bán khống kiếm tiền khi giá cổ phiếu mục tiêu của họ giảm, nhằm ghìm giá cổ phiếu công ty trước đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp, vốn kết thúc vào thứ Ba. Nếu sự thực là như vậy, thì kế hoạch của họ đã thành công. Giá trị thị trường của các công ty thuộc tập đoàn này đã giảm gần 70 tỷ USD—mặc dù công ty đã công bố một báo cáo bác bỏ các cáo buộc trên dài 413 trang.

    Các hậu quả có thể còn tàn khốc hơn nữa. Life Insurance Corporation of India, một công ty bảo hiểm nhà nước với 365 tỷ rupee (4,5 tỷ USD) đầu tư vào các công ty của Adani, đang nghiên cứu các cáo buộc. Các đảng đối lập đã kêu gọi một “cuộc điều tra nghiêm túc”, chỉ ra mối quan hệ giữa thủ tướng Narendra Modi và Gautam Adani, người sáng lập và ông chủ của tập đoàn. Cho đến nay, ông Modi và các đồng minh vẫn im lặng. Các nhà đầu tư tiềm năng cũng thế. Đợt chào bán cổ phiếu mà Adani hy vọng huy động được 2,5 tỷ đô la đã thu hút được rất ít người mua.

    Google gỡ bỏ hơn 50,000 nội dung thúc đẩy thông tin sai lệch ủng hộ Trung Quốc

    Tác giả Aldgra Fredly

    3/01/2023


    Một tin tặc Trung Quốc ẩn danh đang sử dụng máy điện toán của mình tại văn phòng của họ ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào ngày 04/08/2020. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

    Hôm 26/01, Nhóm Phân tích Mối đe dọa (TAG) của Google cho biết, công ty này đã gỡ bỏ hơn 50,000 mẩu nội dung được một chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến thân Trung Quốc có tên là “Dragonbridge” chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau trong năm qua (2022).

    Những nội dung này đã bị xóa khỏi YouTube, Blogger, và AdSense. TAG cho biết trong một tuyên bố rằng nhóm này đã đình chỉ tổng cộng 100,960 tài khoản của Dragonbridge kể từ khi chiến dịch này bị lật tẩy hồi năm 2019.

    Đại công ty công nghệ này xác định Dragonbridge là “một mạng lưới gây ảnh hưởng có nội dung spam dính líu đến Trung Quốc,” chủ yếu đăng nội dung chất lượng thấp, không có thông điệp chính trị và có nhiều tài khoản trên nhiều nền tảng khác nhau.

    TAG cho biết các luận điệu dẫn dắt xu hướng đưa tin của Dragonbridge trong năm 2022 rải rác trên nhiều khía cạnh, từ cách ứng phó của Trung Quốc đối với dịch COVID-19 cho đến cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm “một khối lượng nội dung chỉ trích Hoa Kỳ cao hơn.”

    Theo TAG, Dragonbridge đã không thể thu hút sự tham gia hữu cơ từ người dùng thực mặc dù họ sản xuất rất nhiều nội dung phong phú, trong đó gần 95% blog bị khóa tài khoản vào tháng trước chỉ có chưa đến 10 lượt xem.

    Nhóm nghiên cứu này cho biết khoảng 58% trong số 53,177 kênh của Dragonbridge bị vô hiệu hóa trên YouTube trong năm ngoái không có người ghi danh, và 42% video được đăng trên các kênh này không có lượt xem.

    TAG cho biết, “Có một số trường hợp rất hạn hữu mà nội dung của Dragonbridge nhận được sự quan tâm, nhưng hầu như mọi bình luận đó đều thiếu chân thực, đều đến từ các tài khoản Dragonbridge khác chứ không phải từ người dùng thực sự. Hoạt động bình luận chủ yếu đến từ các tài khoản Dragonbridge khác.”

    Tuy nhiên, nhóm này cảnh báo rằng Dragonbridge đã không ngừng sửa đổi các phương pháp của mình để thu hút người dùng thực, trong đó có việc sản xuất phim hoạt hình chính trị sinh động và nội dung phi chính trị có chất lượng cao hơn.

    “Khi những cách thức này phát triển theo thời gian, hoạt động không trung thực có tính toán của Dragonbridge cuối cùng có thể thu hút sự chú ý của người dùng thực. Vì lý do này nên TAG và Mandiant vẫn luôn theo dõi sát sao Dragonbridge và Google đã đưa ra một biện pháp chủ động và quyết đoán để xác định và xóa nội dung của họ.”

    Hệ thống chính trị Hoa Kỳ nằm trong tầm ngắm

    Hôm 26/10/2022, công ty an ninh mạng Mandiant thuộc sở hữu của Google đã báo cáo rằng Dragonbridge — trong một cố gắng gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ — đã ráo riết tìm cách gây ra các cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ với các đồng minh và trong nội bộ hệ thống chính trị Hoa Kỳ.

    Theo báo cáo nói trên, hồi tháng 09/2022, các tài khoản Dragonbridge đã đăng một video Anh ngữ trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đoạn video đó cố gắng ngăn cản người dân Mỹ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ bằng cách đặt nghi vấn về tính hiệu quả của chính phủ Hoa Kỳ.

    Đoạn video đó khẳng định rằng phương thuốc cho Hoa Kỳ là “loại bỏ tận gốc hệ thống không hiệu quả và bất lực này.” Đoạn video cũng chỉ trích quy trình lập pháp không có bất kỳ tác động rõ ràng nào đối với người Mỹ.

    Báo cáo này cũng nói rõ rằng Dragonbridge đã thay đổi các bài báo để tạo ra nội dung bịa đặt tuyên bố sai sự thật rằng APT41, một nhóm tin tặc có liên hệ với Bắc Kinh, là do chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn.

    Mandiant đã theo dõi và báo cáo về vấn đề này kể từ hồi tháng 06/2019. Được cho là đã được thành lập trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình chống luật dẫn độ ở Hồng Kông, những bài tường thuật ban đầu của Dragonbridge bao gồm việc làm mất uy tín của những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông.

    Hồi tháng 06/2022, chiến dịch tạo thông tin sai lệch này đã nhắm mục tiêu vào các công ty khai thác đất hiếm của Hoa Kỳ, Canada, và Úc, vốn là những công ty gây ra mối đe dọa đối với sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm.

    Aldgra Fredly

    Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

    Bản tin có sự đóng góp của Kelly Song
    Hồng Ân biên dịch

    Không có nhận xét nào