Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 06 tháng 02 năm 2023

    Giao tranh ‘ác liệt’ ở phía bắc thành phố Bakhmut của Ukraine

    05/02/2023



    Thị trấn Bakhmut, Ukraine, bị Nga tấn công ngày 27/12/2022.

    Người đứng đầu lực lượng dân quân tư nhân Wagner của Nga cho biết hôm Chủ nhật rằng giao tranh ác liệt đang diễn ra ở phía bắc thành phố Bakhmut của Ukraine, nơi là tâm điểm của các lực lượng Nga trong nhiều tuần qua.

    Ông Yevgeniy Prigozhin, người sáng lập và là lãnh đạo nhóm Wagner, cho biết các chiến binh của ông đang "chiến đấu vì từng con phố, từng ngôi nhà, từng cầu thang" trước lực lượng Ukraine không chịu rút lui.

    Các lực lượng Nga đã cố gắng bao vây và đánh chiếm Bakhmut, một thành phố ở vùng Donbas phía đông, trong nhiều tuần, và dường như đang đạt được tiến độ chậm chạp, khó khăn và tốn kém.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần nói trong những ngày gần đây rằng tình hình xung quanh thành phố rất khó khăn.

    "Không ai sẽ từ bỏ Bakhmut. Chúng tôi sẽ chiến đấu lâu nhất có thể. Chúng tôi coi Bakhmut là pháo đài của mình", ông nói hôm thứ Sáu tuần trước.

    Bộ Quốc phòng Anh hôm Chủ nhật cho biết rằng Nga đã đạt được "những bước tiến nhỏ" trong nỗ lực bao vây Bakhmut.

    Nếu các lực lượng Nga chiếm được thành phố, nơi đã bị tàn phá sau nhiều tháng hứng chịu pháo kích, thì đó sẽ là bước tiến chiến lược quan trọng nhất của họ kể từ mùa hè năm ngoái, khi một cuộc tấn công ban đầu qua miền đông Ukraine bị chững lại và cuối cùng bị đảo ngược trong một loạt các cuộc phản công ấn tượng của Ukraine trong nửa cuối năm 2022.

    Ông Prigozhin bác bỏ các tin tức trên các phương tiện truyền thông Nga rằng quân đội Ukraine đang từ bỏ Bakhmut.

    "Các lực lượng Ukraine không rút lui ở bất cứ đâu. Họ đang chiến đấu đến người cuối cùng", ông nói trong một tuyên bố đăng trên kênh Telegram của mình.

    Ông nói thêm: “Các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở các khu vực phía bắc vì từng con phố, từng ngôi nhà, từng cầu thang”.

    Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : Ít nhất 500 người chết

    06/02/2023


    Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các nạn nhân tại một khu nhà bị sụp đổ do động đất ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 06/02/2023. AP

    Trọng Thành /RFI

    Sáng sớm hôm nay, 06/02/2023, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị động đất lớn với 7,8 độ richter. Theo số liệu sơ bộ, tổng cộng ít nhất 500 người chết, hàng nghìn người bị thương tại hai nước.

    Tâm chấn động đất nằm ở huyện Pazarcik, tỉnh đông nam Kahramanmaras, cách biên giới Syria 60 cây số đường chim bay. AFP dẫn thông tin từ cơ quan cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ (Afad), cho hay gần 1.800 ngôi nhà sụp đổ do động đất. Số người chết và bị thương dự kiến sẽ còn tăng lên nhiều căn cứ trên số lượng nhà đổ tại các thành phố bị động đất, đặc biệt là ở Adana, Gaziantep, Sanliurfa, Diayarbakir.

    Thành phố Adana, tỉnh Kahramanmaras, là một trong những nơi bị tổn thất nặng nề nhất. Trên kênh TRT, thị trưởng thành phố, ông Zeydan Karalar, cho biết có hai chung cư 17 tầng sụp đổ. Tại tỉnh láng giềng Gaziantep, giáp giới với Syria, 581 nhà đổ do động đất, khiến ít nhất 80 người chết, 600 người bị thương. Ở bên kia biên giới, chính quyền Syria thông báo 237 người chết do động đất. Các tổ chức thiện nguyện tại các vùng lãnh thổ Syria do phe nổi dậy kiểm soát cho biết hàng chục người khác tử nạn.

    Trả lời RFI, ông Ahmed, một cư dân thành phố Diayarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cụ thể về vụ động đất sáng nay:

    ‘‘Buổi sáng hôm nay, vào lúc 4 giờ 17 phút, giờ địa phương, một trận động đất khá mạnh đã khiến tôi bừng tỉnh. Cho dù tôi đã khá quen với động đất, nhưng lần này động đất thực sự là mạnh. Tất cả rung lên bần bật cho dù ngôi nhà tôi ở là nhà mới, được xây dựng theo các tiêu chuẩn chống chịu động đất. Tôi đã không thể đứng vững. Tôi đã phải bám vào tường hành lang để tìm đến một nơi ẩn náu. Các bức tường bắt đầu kêu răng rắc, những mảng vữa trong nhà tắm bắt đầu rơi xuống. Tôi nghe thấy tiếng kêu của những người cứu nạn, tiếng nhà sụp đổ…. Tổn thất là rất lớn. Trong hiện tại, chúng ta mới chỉ có thông tin về thiệt hại tại các thành phố, chưa có thông tin về các vùng nông thôn, nơi nhà cửa được xây dựng theo kiểu cũ, chứ không phải theo các tiêu chuẩn phòng chống động đất.’’

    Trận động đất hôm nay là nghiêm trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ trận ngày 17/08/1999, khiến 17.000 người chết. Liên Âu thông báo đã gửi các ê kíp cứu nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ, theo ủy viên xử lý khủng hoảng Liên Âu Janez Lenarcic. Theo AFP, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, như Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp. Hà Lan, Rumani đã cử riêng các đội cứu nạn. Theo cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, nước láng giềng Azerbaidja cũng đã điều động 370 nhân viên cứu nạn.

    Bắn hạ khinh khí cầu gián điệp: Trung Quốc rối, Mỹ còn rối hơn!

    Y Nguyên /SGN
    06/02/2023


    Quân đội Hoa Kỳ cho biết họ đang thu thập các mảnh vỡ của của khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Cho tới khi nào có một kết luận cụ thể, thì câu chuyện gián điệp đầy kịch tính này đang mỗi lúc lan ra, vẫn tiếp tục làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ-Trung.

    Tướng Glen VanHerck, chỉ huy bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và bộ chỉ huy phía bắc của Mỹ, cho biết hải quân Mỹ đang làm việc để thu hồi khinh khí cầu và những thiết bị mang theo của nó, đồng thời lực lượng bảo vệ bờ biển đang cung cấp an ninh cho hoạt động này.

    Các chuyên gia nói việc khôi phục thành công khinh khí cầu này, có thể giúp Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về khả năng gián điệp của Trung Quốc, mặc dù có một số các quan chức Hoa Kỳ đã hạ thấp tác động của khinh khí cầu đối với chuyện an ninh quốc gia.

    Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên, nói với tờ Guardian rằng bản chất của mảnh vỡ vẫn đang được đánh giá nhưng các phương án phục hồi, bao gồm cả thợ lặn hải quân tại hiện trường, sẽ là ‘tìm cách thu hồi tất cả các mảnh vỡ và bất kỳ vật liệu nào có giá trị tình báo’, theo một bản ghi chú hoạt động do Bộ quốc phòng đưa ra.

    “Các mảnh vỡ nằm chủ yếu ở độ sâu 47 feet nước. Sự phục hồi sẽ làm cho nó khá dễ dàng, thực sự. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho vùng nước sâu hơn nhiều”, quan chức này cho biết thêm rằng mảnh vỡ “sẽ rơi ít nhất trong tầm bán kính 7 dặm”.

    Một máy bay chiến đấu của không quân Hoa Kỳ hôm thứ Bảy, 4 Tháng Hai, đã bắn hạ khinh khí cầu này ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, một tuần sau khi nó lần đầu tiên đi vào không phận Hoa Kỳ gần Alaska, sâu trong lãnh hải Hoa Kỳ.

    Phía Trung Quốc đã có nhưng phản ứng gay gắt về sự kiện này, và gọi cách bắn hạn của mình là ‘phản ứng thái quá rõ ràng’, nhưng các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh đang kềm chế nhiều hơn lời nói. Mọi bất kỳ động thái đáp trả nào của Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm xấu đi mối quan hệ.

    Theo RFI, trong một đoạn video ngắn trên trang web của Đài Truyền Hình Nhà nước Trung Quốc, người ta có thể đọc những dòng chữ thách thức như sau : “Kể từ bây giờ, chúng ta sẽ đáp trả họ điều tương tự bằng cách tấn công hoặc đánh chìm mọi chiến đấu cơ, tầu chiến của Mỹ thâm nhập vào vùng biển Trung Quốc”.

    Đầu ngày Thứ Hai, 6 Tháng Hai, Trung Quốc lại mở lời kêu gọi Hoa Kỳ không leo thang căng thẳng hoặc làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. “Trung Quốc kiên quyết phản đối và phản đối mạnh mẽ điều này”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng (Tạ Phong) phát biểu trước Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hôm thứ Hai: “Chính phủ Trung Quốc đang theo sát diễn biến của tình hình”.

    Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hôm Chủ nhật đã chỉ trích tổng thống Joe Biden vì đã để nhiều ngày mới quyết định cho bắn hạ khinh khí cầu khi nó bay qua Hoa Kỳ. Các cáo buộc nói Joe Biden tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc, và ban đầu cố gắng giữ kín việc vi phạm không phận Hoa Kỳ.

    “Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do tổng thống miễn cưỡng thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là khiêu khích hoặc đối đầu với những người cộng sản Trung Quốc,” Tom Cotton thuộc đảng Cộng hòa, thành viên của ủy ban quân vụ thượng viện, cho biết.

    Còn cựu tổng thống Donald Trump và cựu giám đốc tình báo quốc gia của ông, John Ratcliffe, bác bỏ đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, rằng có tin những quả bóng bay tương tự đã bay qua Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. “Trung Quốc đã quá tôn trọng ‘TRUMP’ nên điều này đã xảy ra, và nó KHÔNG BAO GIỜ xảy ra” (China had too much respect for ‘TRUMP’ for this to have happened, and it NEVER did), ông Trump viết trên trang mạng xã hội Truth Social.

    Nhưng đại diện đảng Cộng hòa Michael Waltz thì lại khẳng định, nói với Washington Post rằng Lầu Năm Góc đã từng thông báo cho Quốc hội rằng khinh khí cầu Trung Quốc đã được phát hiện gần Hoa Kỳ nhiều lần, trong nhiệm kỳ của Trump. Michael Waltz cho biết bóng bay đã được phát hiện gần Texas và hai lần gần Florida, cũng như những lần được nhìn thấy trước đó gần Hawaii và Guam.

    Trong khí đó, các đảng viên Đảng Dân chủ cho biết quyết định của Biden chờ bắn hạ quả bóng bay cho đến khi nó đi qua Hoa Kỳ đã bảo vệ thường dân khỏi các mảnh vỡ rơi xuống Trái đất. “Tổng thống kêu gọi giải quyết vấn đề này theo cách cân bằng tất cả các rủi ro khác nhau. Đó chính xác là những gì đã xảy ra”, Bộ trưởng giao thông Hoa Kỳ Pete Buttigieg nói trong chương trình Tình trạng Liên bang của CNN. “Điểm mấu chốt ở đây là bắn hạ quả bóng bay trên mặt nước không chỉ là lựa chọn an toàn nhất mà còn là lựa chọn tối đa hóa lợi ích thông tin tình báo của chúng tôi,” ông Pete nói trong một cuộc họp báo.

    Câu hỏi mà báo chí Mỹ đặt ra là tại sao Trung Quốc có khả năng về vệ tinh do thám, mà họ lại sử dụng khinh khí cầu? John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia và là tác giả của cuốn sách Revealing Secrets giải thích: “Trong vài thập kỷ qua, các vệ tinh là điều bắt buộc. Vệ tinh là câu trả lời”. Nhưng giờ đây, khi tia laser hoặc vũ khí động học đang được phát minh để nhắm mục tiêu vào các vệ tinh, người ta nhìn thấy một kẻ hở khác là khinh khí cầu. Chúng không cung cấp mức độ giám sát liên tục giống như vệ tinh, nhưng dễ truy xuất hơn và phóng rẻ hơn nhiều. Để gửi một vệ tinh vào không gian, bạn cần một bệ phóng không gian – một thiết bị thường có giá hàng trăm triệu đô la.

    Khinh khí cầu cũng có thể quét nhiều lãnh thổ hơn từ độ cao thấp hơn và dành nhiều thời gian hơn trên một khu vực nhất định vì chúng di chuyển chậm hơn vệ tinh, theo một báo cáo năm 2009 cho Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Không quân Hoa Kỳ.

    Ngày 15 tháng này, Lầu Năm Góc sẽ có chi tiết, thông báo cho các thượng nghị sĩ về chuyện khinh khí cầu và vấn đề Trung quốc theo dõi Hoa Kỳ hiện nay.

    Vụ khinh khí cầu : Trung Quốc sẵn sàng bắn hạ tầu chiến và máy bay Mỹ trong vùng biển để đáp trả ?

    Thu Hằng /RFI

    06/02/2023


    Hình minh họa: Bắc Kinh tố Washington "vi phạm công ước quốc tế" khi bắn hạ kinh khí cầu "đi lạc " vào không phận Mỹ, ngày 04/02/2023. AP - Andy Wong

    Sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bị không quân Mỹ bắn hạ ở ngoài khơi bang Nam Carolina, Trung Quốc đã lên án Washington « phản ứng thái quá ». Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đáp trả tương tự.

    Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :

    « Tức giận vì bị mất khinh khí cầu, Trung Quốc lên giọng. Sau những phát biểu lấy làm tiếc và kêu gọi kiềm chế từ phía Trung Quốc không có tác dụng, giờ đây Bắc Kinh cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ « vi phạm các công ước quốc tế » sau khi bắn hạ vật thể mà họ gọi là « khinh khí cầu khí tượng (...) chẳng may bay vào không phận Mỹ ».

    Trước phản ứng bị coi là « thái quá », Trung Quốc cho rằng « có quyền » đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ « quyền lợi chính đáng » của họ, theo thông cáo Ngoại giao. Mục bình luận đã bị khóa dưới thông cáo mới được bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố sáng nay (05/02).

    Tuy nhiên, dưới một đoạn video ngắn trên trang web của Đài Truyền Hình Nhà nước Trung Quốc, người ta có thể đọc những dòng chữ sau : « Kể từ bây giờ, chúng ta sẽ đáp trả họ điều tương tự bằng cách tấn công hoặc đánh chìm mọi chiến đấu cơ, tầu chiến của Mỹ thâm nhập vào vùng biển Trung Quốc ».

    Hiện giờ, báo chí Nhà nước đưa tin chừng mực về vụ này. Có khả năng là chính phủ Trung Quốc lo ngại phản ứng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, cực kỳ nhạy cảm trước những sự kiện có thể được coi là « mất thể diện », cũng như lo ngại về những gì mà Hải Quân Mỹ có thể phát hiện ra được trong những mảnh vỡ của quả khinh khí cầu bí hiểm, không người lái, rơi ở ngoài khơi ».


    Ngân hàng trung ương Ấn Độ họp hội đồng chính sách

    Vào thứ Hai, các lãnh đạo ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) sẽ mở cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài ba ngày, và nhiều khả năng sẽ công bố mức tăng lãi suất nhỏ. Đây có thể là đợt tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt hiện tại. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đang nhẹ tay hơn vì lạm phát chậm đi. Trong tháng 12, lạm phát theo năm đã giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 5,7%, thấp nhất trong hơn một năm qua. Trong ngân sách tuần trước, chính phủ đã công bố kế hoạch kiềm chế chi tiêu, từ đó phần nào giúp giảm lạm phát.

    Nhưng hết vấn đề này lại có vấn đề khác. Một số ngân hàng lớn nhất của Ấn Độ có tiếp xúc tài chính với Adani Group, tập đoàn khổng lồ đang bị rung chuyển bởi các cáo buộc gian lận. RBI khẳng định “ngành ngân hàng vẫn kiên cường và ổn định,” còn các ngân hàng thương mại cũng đã phát đi các thông cáo xoa dịu lo ngại. Nhưng nếu tình hình tồi tệ hơn, RBI có thể sẽ phải quay lại chữa cháy.

    Châu Âu xem xét ra chiến lược xanh đối trọng với Mỹ

    Sự nghiệp ban đầu của Margrethe Vestager ấn tượng đến nỗi nó trở thành niềm cảm hứng cho “Borgen,” một chương trình truyền hình nổi tiếng về chính trị Đan Mạch. Giờ đây, với tư cách là người quản lý các vấn đề về cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu, bà Vestager nắm trong tay một trong những thanh kiếm kinh tế sắc bén nhất của EU: các quy tắc cạnh tranh nghiêm khắc và việc thực thi chúng.

    Các quy định này có thể hạn chế quyền lực của các công ty và hỗ trợ của nhà nước. Nhưng nhiều chính phủ EU, đặc biệt là người Pháp, muốn làm cùn thanh gươm của bà Vestager. Họ lập luận rằng các kế hoạch đầy tham vọng (và tốn kém) của chính phủ Mỹ nhằm xây dựng nền công nghiệp chế tạo xanh đòi hỏi châu Âu phải đáp lại với các khoản trợ cấp lớn. Điều trớ trêu là chiến lược công nghiệp xanh mới của EU đang làm suy yếu các quy tắc cạnh tranh của châu Âu và cho phép các chính phủ chi tiêu xa hoa hơn.

    Vào thứ Hai, bà Vestager sẽ nói chuyện với bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen – người có nhiệm vụ giám sát các khoản tín dụng thuế đứng sau tham vọng của Mỹ – nhằm hạn chế căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương xoay quanh vấn đề trợ cấp. Nó rất quan trọng đối với tương lai của kinh tế châu Âu.

    Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc trong năm 2023

    Khi chuẩn bị danh sách bài nhạc, các nhạc công phải mang đến cho đám đông cả chất liệu mới lẫn những tác phẩm kinh điển. António Guterres, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đối mặt với thách thức tương tự khi ông vạch ra các ưu tiên của mình cho năm 2023 trước Đại hội đồng vào thứ Hai.

    Ông Guterres thích những tuyên bố nghiệt ngã: trong những tháng gần đây ông đã cảnh báo về “hủy diệt hạt nhân” và “địa ngục khí hậu.” Nhiều khả năng chúng ta sẽ nghe lại điệp khúc trên khi ông cảnh báo về những rủi ro do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, bên cạnh lạm phát leo thang và nhiệt độ tăng.

    Nhưng ông cũng có các chủ đề mới, trong đó có 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, bao gồm từ hòa bình cho đến năng lượng tái tạo. Tiến độ của chương trình này được đánh giá bốn năm một lần, với lần tiếp theo được lên kế hoạch cho tháng 9. Ông Guterres có thể sẽ kêu gọi các chính phủ đảm bảo tiến độ. Nếu không, ông sẽ phải tiếp tục nhắc đi nhắc lại.

    Anh giáo xem xét vấn đề hôn nhân đồng tính

    Hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa ở Anh từ năm 2014. Nhưng không một tổ chức tôn giáo nào có thể bị bắt buộc tổ chức đám cưới đồng giới. Khi cơ quan đứng đầu của Giáo hội Anh gặp nhau vào thứ Hai này cho một phiên họp bốn ngày, vấn đề hôn nhân đồng giới sẽ được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Vào tháng 1, nhà thờ đã nói có kế hoạch cho phép giáo sĩ ban phước cho các cặp đồng giới, nhưng tiếp tục cấm kết hôn đồng tính trong nhà thờ. Khi thượng hội đồng tranh luận về đề xuất trong tuần này, các giáo sĩ tiến bộ có thể sẽ thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm.

    Tín hữu của nhà thờ dường như ủng hộ ý tưởng này. Khoảng 55%, và gần 3/4 những người dưới 50 tuổi, ủng hộ hôn nhân đồng giới, tăng từ 38% của năm 2013. Nhưng người Anh giáo ở những nơi khác trên thế giới không có quan điểm tự do như vậy. Hồi tháng 8 năm 2022, Global South Fellowship of Anglican Churches, đại diện của khoảng 75% tín đồ Anh giáo trên toàn thế giới, đã tái khẳng định lại quan điểm đồng tính luyến ái là “không phù hợp với kinh thánh.” Do đó, Giáo hội Anh có nguy cơ gây bất ổn hoàn toàn cho Cộng đồng Anh giáo.

    Rất ít người Mỹ muốn Trump-Biden tái đấu và chiến thắng

    Lê Tây Sơn/SGN
    05/02/2023


    Donald Trump và Joe Biden trong một cuộc tranh luận trực tiếp trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

    Cuộc thăm dò diễn ra từ 27 Tháng Một đến 1 Tháng Hai của The Washington Post và ABC News cho thấy rất ít người Mỹ hào hứng với trận tái đấu Biden-Trump.

    Chán đến tận cổ!

    Hầu hết cử tri được hỏi nói họ không hài lòng hoặc tức giận nếu một trong hai người giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 2024. Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều giành được số phiếu kỷ lục trong cuộc đấu năm 2020, nhưng ở giai đoạn đầu của cuộc bầu cử năm 2024, nhiều cử tri không hào hứng với cuộc tái đấu giữa hai nhà lãnh đạo nổi tiếng nhưng không được lòng dân này. Theo cuộc thăm dò ý kiến mới nhất do The Washington Post và ABC News thực hiện, cả Biden và Trump đều không tạo ra sự phấn khích rộng rãi ngay trong đảng của họ.

    62% cử tri nói thẳng họ sẽ “không hài lòng” hoặc “tức giận” nếu Biden tái đắc cử vào năm 2024, trong khi 56% bày tỏ tương tự về viễn cảnh Trump trở lại Toà Bạch Ốc lần thứ hai. Biden chưa có ý định tái tranh cử và cũng chưa có đối thủ nào trong đảng Dân chủ, còn Trump chắc chắn đối mặt với một số đối thủ đáng gờm trong cuộc tranh cử thứ ba liên tiếp.

    Trong số đảng viên Dân chủ và những người độc lập nghiêng về Dân chủ, cuộc thăm dò của Post-ABC cho thấy 58% nói họ muốn một người nào đó không phải Biden đại diện cho họ vào năm 2024, cao gần gấp đôi so với 31% ủng hộ Biden. Con số này không thay đổi kể từ cuộc thăm dò Tháng Chín năm ngoái. Trong số đảng viên Cộng hòa (GOP) và những người độc lập nghiêng về GOP, 49% nói họ thích ai đó không phải Trump đại diện cho họ vào năm 2024, so với 44% ủng hộ cựu tổng thống (cũng không thay đổi so với Tháng Chín năm ngoái).

    Hơn 36% nói họ sẽ “nhiệt tình” hoặc “hài lòng nhưng không nhiệt tình” nếu Biden tái đắc cử trong khi 43% cũng nói như vậy về khả năng Trump chiến thắng. Nhưng tâm lý tiêu cực cũng rất đáng chú ý. Hơn 36% thú nhận họ sẽ tức giận nếu Trump thắng trong khi 30% nói như thế về chiến thắng của Biden. Chỉ có 17% nhiệt tình với Trump và 7% nhiệt tình với Biden.

    Trong một trận tái đấu giả định giữa Biden và Trump, 48% cử tri đã đăng ký nói họ sẽ ủng hộ Trump so với 45% ủng hộ Biden (cách biệt trong phạm vi sai số cho phép của cuộc thăm dò). Khoảng 90% đảng viên Dân chủ ủng hộ Biden và 90% đảng viên Cộng hòa ủng hộ Trump. Trong số những người độc lập, 50% ủng hộ Trump và 41% ủng hộ Biden. Một phát hiện nổi bật của cuộc thăm dò là GOP không đạt được kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (2022) và Biden đã có kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tốt nhất cho một tổng thống mới trong nhiều thập niên.

    Phát hiện thứ hai là các cuộc điều tra tài liệu mật đang diễn ra đã không làm thay đổi nhiều về tổng thể sự nhìn nhận của công chúng đối với hai người. Nhiều nhà lập pháp và quan chức GOP đổ lỗi cho Trump về việc đảng không giành được quyền kiểm soát Thượng viện hoặc không thắng các cuộc đua thống đốc cạnh tranh cao và không giành được đa số lớn hơn ở Hạ viện.

    Họ nêu lý do thất bại của những ứng cử viên kém cỏi được Trump ủng hộ kiểu “có qua có lại”. Trump sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh nhiều hơn dự đoán để trở thành ứng cử viên tổng thống của GOP khi ngày càng nhiều quan chức và chiến lược gia của đảng nói đã đến lúc phải quên Trump và nhiệm kỳ tổng thống của ông ta để hướng tới tương lai với ban lãnh đạo mới. Nhưng cuộc thăm dò cho thấy hình ảnh của Trump không bị thiệt hại đáng kể trong công chúng ủng hộ ông.


    Nước Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc – ảnh: Những người ủng hộ Donald Trump biểu tình chống Tổng thống Joe Biden tại Las Vegas ngày 8 Tháng Một 2022 (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

    Nhiệm kỳ đầu của Biden tạo ấn tượng chưa đủ mạnh

    Đối với Biden, những thành công của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ không chuyển thành sự ủng hộ thêm cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. Kết quả khá tốt của cuộc bầu cử dù làm giảm những băn khoăn đối với việc đề cử Biden nhưng không cải thiện hình ảnh chung của tổng thống. Khi Biden chuẩn bị đọc Thông điệp Liên bang, vị thế của ông với người dân Mỹ rất giống với vị thế trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

    Nhìn chung, 42% tán thành nhiệm kỳ tổng thống của Biden trong khi 53% không tán thành (42% số này phản đối gay gắt). Tương tự, xếp hạng của Biden về nền kinh tế gần giống như đầu Tháng Mười Một, với 37% tán thành và 58% không tán thành. Khoảng 38% tán thành cách ông giải quyết vấn đề Nga và Ukraine so với 48% không tán thành.

    Về mặt tài chính, nhiều người Mỹ nói họ không giàu hơn kể từ khi Biden trở thành tổng thống (tỉ lệ tăng nhẹ khi mọi người phải đối phó với giá cả tăng cao và đang ở mức cao nhất kể từ cuộc thăm dò lần đầu tiên của The Washington Post-ABC vào năm 1986 dưới thời Ronald Reagan) – so với con số nói rằng họ có giàu hơn (41% so với 16%). 42% người được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ dưới thời Biden không hề khác trước khi ông tuyên thệ nhậm chức.

    Biden và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ thường xuyên nhấn mạnh các dấu hiệu kinh tế tích cực như tăng trưởng việc làm hàng tháng tốt hơn mong đợi, cũng như các đạo luật mà họ đã đạt được và thực hiện để cố gắng xoa dịu nỗi đau của người Mỹ trong bối cảnh đại dịch và lạm phát tăng vọt, nhưng cũng còn nhiều người lo ngại lạm phát kéo dài. Về tình hình ở biên giới Mỹ-Mexico, với số người nhập cư trái phép khổng lồ vào năm ngoái, dư luận có cái nhìn tiêu cực hơn về Biden.

    Cuộc thăm dò mới cho thấy 28% tán thành cách xử lý biên giới của Biden trong khi 59% không tán thành (Tháng Sáu, 33% tán thành và 51% không tán thành). Cảm nhận được điều này, trong những tuần gần đây chính phủ đã có một số thay đổi chính sách biên giới.

    Biden và Trump đều đang bị các công tố đặc biệt điều tra về việc mang theo các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở (Biden sau khi rời ghế phó tổng thống). Nhưng những người được hỏi nhìn hai trường hợp khác nhau.

    Khoảng 48% nói Biden đã “hành động sai nhưng không cố ý”, trong khi 27% nói ông đã “hành động cố ý và bất hợp pháp”. 16% nói ông “không làm gì sai”.

    Trong khi 45% nói Trump “hành động cố ý và bất hợp pháp”, 29% nói ông “hành động sai nhưng không cố ý” và 20% nói ông “không làm gì sai trái”.

    Các đảng viên Dân chủ đánh giá sự khác biệt lớn hơn giữa hai trường hợp, với 79% nói Trump làm điều này bất hợp pháp và 5% nói Biden bất hợp pháp. Trong khi 49% người theo GOP nói Biden “hành động bất hợp pháp” và 16% nói Trump bất hợp pháp.


    Những người ủng hộ Tổng thống Joe Biden lên án Donald Trump (ảnh: Robert Nickelsberg/Getty Images)

    Chia rẽ sâu sắc

    Cuộc tranh cử đề cử ứng viên tổng thống 2024 của GOP khởi động chậm chạp và có thể mất vài tháng mới vươn hết đôi cánh. Nhưng những nhận thức ban đầu về hai ứng cử viên hàng đầu đã dự báo sẽ có sự lặp lại của năm 2020 khi cử tri vẫn chia rẽ sâu sắc. Những người độc lập có phản ứng tiêu cực với viễn cảnh Biden hoặc Trump giành chiến thắng (66% cho Biden và 57% cho Trump).

    Cả Trump và Biden đều nhận được sự ủng hộ thờ ơ trong nội bộ đảng mình. 1/3 đảng viên Cộng hòa và những người độc lập nghiêng về GOP bày tỏ rằng họ “rất vui” nếu Trump thắng thêm một nhiệm kỳ tổng thống; trong khi chưa đầy 16% đảng viên Dân chủ hào hứng với nhiệm kỳ thứ hai của Biden.

    Trong nội bộ GOP, Trump được ủng hộ kém nhất ở thành phần đảng viên có thu nhập cao hơn và có bằng đại học, với 2/3 trong mỗi nhóm muốn đảng đề cử người khác thay Trump. Hầu hết những người Cộng hòa “rất bảo thủ” thích Trump trong khi đa số “hơi bảo thủ” và ôn hòa hoặc tự do muốn một người khác. Những người theo đạo Tin lành da trắng của GOP gần như chia rẽ về ứng viên đảng đề cử năm 2024: 49% thích người khác so với 46% thích Trump.

    Biden được ủng hộ kém nhất trong các đảng viên Dân chủ và những người độc lập dưới 40 tuổi nghiêng về Dân chủ. 69% nói đảng nên đề cử người khác. Các đảng viên Dân chủ da đen thích đề cử Biden (47%) hơn đề cử người khác (41%), trong khi 64% đảng viên Dân chủ da trắng muốn ai đó không phải Biden.

    Khoảng 6/10 đảng viên Cộng hòa và những người độc lập nghiêng về GOP nói họ sẽ “tức giận” nếu Biden tái đắc cử, trong khi 7/10 người trưởng thành nghiêng về đảng Dân chủ nói họ sẽ “tức giận” nếu Trump thắng cử.

    Không có nhận xét nào