Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 02 tháng 02 năm 2023



    Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 01/02/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

    Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên phạm vi mục tiêu từ 4.50% đến 4.75%.

    Đây là mức tăng lãi suất nhỏ nhất kể từ khi chu kỳ thắt chặt định lượng hiện tại bắt đầu từ hồi tháng 03/2022.

    Theo một tuyên bố từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), các quan chức ngân hàng trung ương tin rằng sẽ cần phải tăng thêm nữa để có được một “lập trường về chính sách tiền tệ đủ thắt chặt.” Mặc dù lạm phát đã chậm lại nhưng vẫn ở mức quá cao đối với nền kinh tế Mỹ.

    FOMC cho biết, “Các chỉ số mới đây cho thấy mức tăng trưởng khiêm tốn trong chi tiêu và sản xuất. Việc làm tăng mạnh trong những tháng gần đây, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao.”

    “Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang gây ra những khó khăn to lớn về kinh tế và con người, đồng thời góp phần làm gia tăng tình trạng bất ổn trên toàn cầu. FOMC rất chú ý đến các rủi ro lạm phát.”

    Tuy nhiên, khi xác định quy mô và tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét độ chậm trễ của chính sách, các diễn biến kinh tế và tài chính, cũng như quá trình thắt chặt tiền tệ có tính tích lũy trong quá trình ra quyết định của họ.

    Ủy ban thiết lập lãi suất này sẽ tiếp tục cắt giảm việc nắm giữ Công khố phiếu, nợ của các tổ chức, và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp của các tổ chức.

    Tuyên bố này viết, “Ủy ban mạnh mẽ cam kết sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.”

    Thị trường này đã dự đoán rộng rãi rằng FOMC sẽ chủ yếu đồng ý với mức tăng lãi suất 1/4 điểm trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại.

    Thị trường tài chính ngày 01/02 kết thúc ở mức cao hơn sau một phiên đầy biến động. Chỉ số USD, vốn đo lường đồng dollar này so với một rổ tiền tệ, giảm 0.25% xuống dưới 102. Thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ biến động trái chiều, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn giảm gần 5 điểm căn bản xuống khoảng 3.42%.

    Kinh tế gia nổi tiếng Mohamed El-Erian đã viết trong một tweet rằng, “Những ai đang hy vọng một sự thay đổi đối với cụm từ ‘tăng liên tục’ sẽ thất vọng vì Fed vẫn chưa sẵn sàng báo hiệu một sự kết thúc sắp xảy ra đối với chu kỳ tăng lãi suất.”

    Mỹ trừng phạt 10 cá nhân và 12 công ty giúp Nga lách lệnh trừng phạt


    Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington DC. (ảnh: Tellerreport).

    Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 22 cá nhân và tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau có liên quan đến mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt để hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.

    Theo Bộ tài chính, Igor Zimenkov, nhà buôn vũ khí tại Nga và Síp, đứng đầu mạng lưới giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

    Bộ Tài chính cho biết mạng lưới này đã tham gia vào các dự án liên quan đến khả năng phòng thủ của Nga, bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị công nghệ cao sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Washington cũng cáo buộc một số thành viên của mạng lưới hỗ trợ các thực thể quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Nga đang bị trừng phạt.

    Zimenkov cũng đã hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự Belarus bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực bán hàng ở Mỹ Latinh cho một thực thể quốc phòng Belarus

    Một số công ty ở Síp, Bulgaria, Singapore, Israel, và một số cá nhân khác cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Theo đó, tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị đóng băng, và không được phép giao dịch với người Mỹ

    Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết trong một tuyên bố: “Những nỗ lực tuyệt vọng của Nga trong việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ chứng tỏ rằng các lệnh trừng phạt đã khiến tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga gặp khó khăn và tốn kém hơn nhiều trong việc tiếp tế cỗ máy chiến tranh của Putin”.

    Liên Thành

    Nga cảnh báo Israel về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine


    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh minh họa: Getty Images)

    Ngày 1/2, Nga đã cảnh báo Israel về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đang xem xét viện trợ quân sự cho Kiev và sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.

    Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 31/1, khi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về việc liệu Tel Aviv có thể cung cấp các loại vũ khí như hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) hay không, ông Netanyahu trả lời: “Chúng tôi chắc chắn đang xem xét điều đó.”

    Vòm Sắt là hệ thống tên lửa đất đối không, được thiết kế để chống lại các loại tên lửa tầm ngắn. Theo dữ liệu từ giới chức quốc phòng Israel, hệ thống này có tỷ lệ bắn trúng mục tiêu thành công 90%.

    Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra ngay sau chuyến thăm Israel của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó ông Blinken đã kêu gọi nước này tăng cường hỗ trợ Ukraine.

    Phản ứng trước tuyên bố cân nhắc viện trợ quân sự cho Kiev của Thủ tướng Netanyahu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay: “Chúng tôi nói rằng, tất cả các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine nên hiểu được chúng tôi sẽ coi những vũ khí này là mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.”

    Bà nói thêm: “Bất cứ nỗ lực nào – đã được hay thậm chí chưa được thực hiện nhưng đã tuyên bố liên quan việc cung cấp thêm, cung cấp mới các loại vũ khí – đều khiến cuộc khủng hoảng này leo thang. Mọi người nên biết điều này.”

    Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Israel đã áp dụng quan điểm thận trọng đối với Moscow, tìm cách duy trì sự trung lập. Israel còn nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia, vì Israel có hơn một triệu công dân đến từ Liên Xô cũ.

    Hồi tháng 10/2022, chính phủ Israel từng chối yêu cầu của Ukraine về việc được nhận hệ thống Vòm Sắt. Đến tháng 11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz giải thích, Israel không có “cơ sở sản xuất đủ lớn” để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Tuy nhiên, một cố vấn quân sự cấp cao tiết lộ, Israel không muốn chọc giận Nga.

    Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo về sự leo thang trong cuộc chiến khi các đối tác phương Tây của Ukraine tuyên bố cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.

    Mới đây, Washington và Berlin thông báo sẽ chuyển giao xe tăng hiện đại cho Kiev, trong khi Ukraine cũng đang yêu cầu các nhà tài trợ cung cấp thêm máy bay chiến đấu và pháo tầm xa.

    Nhật Minh (Theo AFP, CNN)

    Mỹ sắp đưa ra gọi viện trợ mới trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine


    Mỹ được cho là đang chuẩn bị cung cấp gói viện trợ mới trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine, lần đầu tiên sẽ bao gồm tên lửa tầm xa, theo hãng tin RT.
    (Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

    Cụ thể, chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho đã quyết định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine, giúp lực lượng Kyiv có khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn phía sau tiền tuyến. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine đe dọa sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga.

    Dẫn hai nguồn hai quan chức Mỹ giấu tên am hiểu về vấn đề, hãng tin Reuters hôm 31/1 đưa tin gói viện trợ mới bao gồm đạn pháo phản lực kết hợp với bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) có tầm bắn 150 km. Gói viện trợ mới cũng sẽ bổ sung vũ khí chống tăng Javelin, phương tiện chống mìn, hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) và thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot.

    Theo đó, tên lửa GLSDB sẽ giúp các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu xa hơn, tăng gần gấp đôi tầm bắn của các loại đạn MLRS và HIMARS mà Washington và các đồng minh NATO đã cung cấp cho Kyiv trước đó.

    Dù đã từ chối cung cấp vũ khí có thể giúp Kyiv tấn công lãnh thổ Nga, và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Moscow, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép viện trợ ngày càng nhiều loại vũ khí mạnh hơn cho Ukraine trong những tuần gần đây.

    Cuối tuần trước, Washington đã chấp thuận kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Kyiv, ngay cả khi hồi tháng 3, ông Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cung cấp xe tăng hoặc chiến đấu cơ cho Ukraine vì lo ngại leo thang xung đột.

    Trong khi các xe tăng do Mỹ sản xuất dự kiến sẽ chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm nay, hoặc thậm chí vào năm 2024, thì lô hàng đầu tiên – gồm 60 xe chiến đấu bộ binh Bradley được phê duyệt trước đó – đã được vận chuyển tới vùng chiến sự. Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ đã xác nhận thông tin trên hôm 30/1.

    Nhà thầu quốc phòng Boeing của Mỹ đang đẩy mạnh phát triển GLSDB, với kế hoạch nhanh chóng gửi loại vũ khí mới sản xuất cho Kyiv. Loại tên lửa này kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 với động cơ tên lửa M26, cả hai đều có thể lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ.

    Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS) cho Kyiv. Loại ATCMS này có tầm bắn khoảng 300 km, gấp đôi tầm bắn của GLSDB.

    Trong khi các quan chức Mỹ tuyên bố rằng họ không có ý định gửi vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga cho Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhắc lại lập trường của Washington hồi đầu tháng này rằng Kyiv có quyền tự do lựa chọn các mục tiêu của riêng mình, bao gồm cả Crimea, nơi mà ông tuyên bố vẫn là lãnh thổ của Ukraine.

    Liên Âu sẵn sàng huấn luyện 30.000 lính Ukraina trong năm 2023

    Thùy Dương /RFI

    02/02/2023


    Ảnh minh họa : Sĩ quan huấn luyện Ba Lan trước các xe tăng Leopard, Swietoszow, Ba Lan, ngày 31/01/2023. Các nước châu Âu dự kiến giao hơn 100 xe tăng hạng nặng cho Kiev. REUTERS - KUBA STEZYCKI

    Một ngày trước thượng đỉnh Liên Âu – Ukraina tại Kiev, hôm qua, 01/02/2023, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho biết sẵn sàng huấn luyện 30.000 binh sĩ Ukraina, tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu.

    Hôm qua, một quan chức Liên Âu ẩn danh cho AFP biết Bruxelles muốn huấn luyện 30.000 lính Ukraina, nâng gấp đôi chỉ tiêu đã đề ra hồi tháng 11/2022. Kế hoạch huấn luyện 15.000 binh sĩ sẽ hoàn tất trước quý 2 năm nay, và sẽ có thêm 15.000 binh sĩ được huấn luyện sau đó. Việc huấn luyện được tiến hành tại nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với trung tâm chính đặt ở Ba Lan, nước có biên giới chung với Ukraina. Mục tiêu mới sẽ được chính thức công bố tại thượng đỉnh EU-Ukraine dự kiến ​​diễn ra ở Kiev ngày mai.

    Theo giới quan sát, đây được xem là chuyến đi quan trọng nhất của giới lãnh đạo Liên Âu đến Kiev kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra cách nay gần 1 năm. Reuters cho hay các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu sẽ cam kết hỗ trợ thêm Ukraina cả về quân sự và tài chính. Đến Kiev hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: « Chúng tôi gửi đi một tín hiệu mạnh, rằng chúng tôi sát cánh ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột này. Đây là một tín hiệu gửi đến Nga và gửi đến thế giới ».

    Theo kế hoạch, ngày mai 03/02, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel sẽ có cuộc trao đổi với tổng thống Ukraina Volodimir Zelensky. Các cuộc thảo luận chủ yếu liên quan đến việc Bruxelles cung cấp các khoản tài trợ và viện trợ quân sự mới cho Kiev, tạo thuận lợi để hàng hóa Ukraina vào thị trường Liên Âu, cũng như các biện pháp hỗ trợ Ukraina đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

    Theo dự kiến, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell sẽ thông báo khoản tài trợ 25 triệu euro cho hoạt động tháo dỡ mìn tại những vùng lãnh thổ Ukraina được giải phóng.

    Phản ứng của Nga

    Cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, cho rằng, việc tổng thống Pháp Macron nhận định cung cấp vũ khí hạng nặng, chiến đấu cơ cho Ukraina không gây leo thang căng thẳng, là một điều « phi lý ». Matxcơva cũng cảnh báo Israel về việc giao vũ khí cho Ukraina. Bà Maria Zakharova nhấn mạnh bất cứ vũ khí nào mà các nước cung cấp cho Kiev sẽ đều bị Matxcơva coi là mục tiêu mà các lực lượng vũ trang Nga có thể nhắm đến một cách hợp pháp.

    Mỹ, Hàn tập trận nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên


    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong cuộc gặp tại văn phòng tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/1/2023 (Ảnh chụp màn hình video)

    Hãng thông tấn Yonhap ngày 2/2 đưa tin, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ nhằm đối phó với các “mối đe dọa” từ Triều Tiên.

    Ngày 1/2, các máy bay của hai nước đã bay trên biển Hoàng Hải – nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên – trong cuộc tập trận trên không đầu tiên trong năm nay, Yonhap trích lời quân đội Hàn Quốc cho hay.

    Màn phô trương sức mạnh quân sự diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc nói về việc tăng cường các cuộc tập trận và tăng cường hợp tác an ninh giữa hai đồng minh, trong bối cảnh họ phải đối phó các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng.

    Theo Yonhap, cuộc tập trận mới nhất có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-1B, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35B của Không quân Mỹ và máy bay chiến đấu F-35A của quân đội Hàn Quốc.

    Yonhap dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Cuộc tập trận không quân phối hợp lần này cho thấy ý chí và năng lực của Mỹ trong việc cung cấp khả năng răn đe mở rộng mạnh mẽ và đáng tin cậy trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.”

    Cơ quan này còn giải thích, “sự răn đe mở rộng” đề cập đến cam kết của Mỹ trong việc sử dụng đầy đủ các tài sản quân sự, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Hàn Quốc.

    Hàn Quốc hiện đang quyết tâm thuyết phục công chúng về cam kết phòng thủ mạnh mẽ của Mỹ, sau một năm Triều Tiên tự tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân “không thể đảo ngược” và tiến hành một vụ thử vũ khí bị cấm hầu như mỗi tháng.

    Ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã đồng ý “mở rộng và tăng cường mức độ và quy mô” của các cuộc tập trận quân sự chung, trước “những hành động khiêu khích liên tục” từ Bình Nhưỡng, bao gồm cả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây.

    Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên gia tăng mạnh mẽ vào năm 2022, khi Triều Tiên tiến hành số vụ thử vũ khí kỷ lục, bao gồm cả việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất.

    Bất kỳ cuộc tập trận quân sự chung nào giữa Mỹ và Hàn Quốc đều khiến Bình Nhưỡng tức giận, coi đó như màn diễn tập cho một cuộc xâm lược và thường đáp trả bằng các cuộc tập trận và đe dọa của riêng mình.

    Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích gay gắt các cuộc tập trận, cảnh báo sẽ “đáp trả tương xứng”, theo hãng thông tấn KCNA.

    Một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: “Tình hình quân sự và chính trị trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực đã đạt đến lằn ranh đỏ do các cuộc tập trận liều lĩnh và các hành động thù địch của Mỹ và đồng minh.”

    Bình Nhưỡng cảnh báo những hành động như vậy của Washington “sẽ biến bán đảo Triều Tiên thành một kho vũ khí khổng lồ” và họ sẽ có các chiến lược đáp trả mạnh mẽ, bao gồm “lực lượng hạt nhân áp đảo nhất” nếu cần thiết.

    Minh Ngọc (T/h)

    Tương lai của Tập đoàn Adani

    Adani Group sẽ đi về đâu? Vào thứ Tư, công ty chủ đạo của tập đoàn Ấn Độ đã hủy đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp đã được đăng ký vì giá cổ phiếu lao dốc. Mọi chuyện bắt đầu từ tuần trước khi Hindenburg Research, một công ty bán khống của Mỹ, tố cáo Adani gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu—những cáo buộc mà họ kiên quyết phủ nhận.

    Nhưng vấn đề không đến mức ảnh hưởng đến sự tồn vong của tập đoàn. Gautam Adani, nhà sáng lập và cho đến gần đây là người giàu thứ ba thế giới, được coi là một nhà điều hành có năng lực và các công ty của ông đều sở hữu nhiều tài sản có giá trị. Chưa có cơ quan xếp hạng nào xét lại các khoản nợ của tập đoàn, vốn đều được đánh giá tốt.

    Nhưng thật khó để tin rằng các kế hoạch đầu tư lớn của ông Adani sẽ không bị ảnh hưởng. Tập đoàn của ông được kỳ vọng sẽ chi hơn 50 tỷ đô la đầu tư từ năm 2023 đến năm 2027. Nhưng nếu lợi tức của trái phiếu Adani vẫn tăng cao và giá cổ phiếu giảm, kế hoạch đó sẽ trở nên xa vời. Nhưng giới đầu tư nước ngoài tỏ ra thận trọng. Chỉ trong hai ngày gần đây, các quỹ toàn cầu đã rút ròng 1,5 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ.

    Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cản trở Thụy Điển gia nhập NATO

    Khi thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chào đón người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin tới Stockholm vào thứ Năm, ông sẽ muốn thể hiện tình đoàn kết. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, hai quốc gia Bắc Âu này đã quyết định từ bỏ quy chế không liên kết lâu đời và xin gia nhập NATO. Nhưng họ bị chặn lại bởi Thổ Nhĩ Kỳ, vì mọi thành viên NATO đều có quyền phủ quyết. Ankara yêu cầu cả hai nước đàn áp những cư dân có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm ly khai bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ.

    Nhưng giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ có yêu sách mới. Tháng trước, không rõ vì lý do gì một chính trị gia cực hữu của Đan Mạch đã đốt một cuốn kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Đan Mạch ở Stockholm, gây ra biểu tình trên khắp thế giới Hồi giáo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói ông sẵn sàng chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng Thụy Điển phải cấm đốt kinh Koran nếu muốn gia nhập. Ông Kristersson lên án hành động đốt kinh, nhưng nói rằng quyền tự do ngôn luận của nước ông là không thể thương lượng. Bà Marin chắc chắn sẽ cam kết sát cánh cùng những người bạn Thụy Điển của mình.

    Đánh giá tình hình dân chủ toàn cầu trong năm 2022

    Cơn thoái trào của nền dân chủ toàn cầu từ năm 2016 cuối cùng đã kết thúc trong năm 2022. Nhưng không có một sự hồi sinh nào như người ta hy vọng. Theo Chỉ số Dân chủ, một báo cáo tổng quan hàng năm do công ty EIU của The Economist công bố, điểm trung bình của 167 nước trên thế giới chỉ tăng 0,01 điểm, lên 5,29 trên 10. Hơn một phần ba người dân toàn cầu vẫn sống dưới các chế độ độc tài và chưa tới một nửa sống ở một nền dân chủ.

    Việc dỡ bỏ các hạn chế đại dịch ở hầu hết các nước vào năm ngoái — Trung Quốc là một ngoại lệ đáng chú ý cho đến tháng 12 — đã cải thiện điểm số trong hạng mục “quyền tự do dân sự.” Nhưng sa sút dân chủ ở nhiều nơi lấy mất điểm ở các mục khác. Một nỗ lực vụng về để giải tán Quốc hội của tổng thống Peru đã khiến nước này bị hạ cấp thành “chế độ hỗn hợp.” Burkina Faso trải qua tới hai cuộc đảo chính. Nhưng Nga mới là nước bị suy giảm dân chủ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, tụt 22 bậc xuống vị trí thứ 146.

    Ngân hàng trung ương Anh dự kiến tăng lãi suất

    Ngân hàng Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất lên 4% vào thứ Năm từ mức 3,5%. Nhưng câu hỏi quan trọng là ủy ban chính sách tiền tệ chín thành viên của ngân hàng trung ương sẽ gửi tín hiệu gì về các lần tăng lãi suất trong tương lai. Hồi tháng 11, họ đã lưu ý là kỳ vọng của thị trường về đỉnh lãi suất cao hơn dự đoán của ủy ban. Lãi suất thị trường từ đó đã giảm xuống.

    Ủy ban có thể đang không chắc chắn về triển vọng lạm phát và lãi suất. Thống đốc Andrew Bailey đã nói rằng giá khí đốt bán buôn giảm giúp giảm dần lạm phát mà không cần tăng lãi suất mạnh tay, một tin tốt cho nền kinh tế. Nhưng kinh tế trưởng của ngân hàng, Huw Pill, cảnh báo rằng Anh có những thách thức có thể khiến lạm phát kéo dài hơn ở Mỹ hay châu Âu. Nếu đúng như vậy, lãi suất sẽ phải tăng nhanh và mạnh hơn so với dự đoán của một số nhà quan sát.

    Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng 13% nhằm ứng phó với Trung Quốc


    Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman (Ảnh chụp màn hình video)

    Ngày 1/2, Ấn Độ đã công bố mức tăng hai con số trong ngân sách quốc phòng hàng năm nhằm đối phó với đối thủ địa chính trị ngày càng quyết đoán là Trung Quốc, nước có chung đường biên giới phía Bắc luôn trong tình trạng căng thẳng và tranh chấp.

    Ấn Độ – quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – sẽ tăng chi tiêu thêm 13% so với dự toán cùng kỳ năm ngoái, từ 64,2 tỷ USD lên mức 72,6 tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman nói với quốc hội trong thông báo ngân sách của mình.

    Mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang căng thẳng vì tranh chấp biên giới, thương mại và công nghệ. Ấn Độ còn cố gắng tách mình khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc kể từ cuộc đụng độ quân sự biên giới khiến ít nhất 24 người thiệt mạng ở Ladakh vào năm 2020.

    Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới kéo dài 3.500km vẫn xảy ra tranh chấp kể từ những năm 1950. Vào năm 1962, hai nước thậm chí còn rơi vào chiến tranh biên giới.

    Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã và đang nỗ lực xây dựng quân đội, bao gồm cả ngành công nghiệp vũ khí và phòng thủ biên giới, phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng mình. Họ cũng tiết lộ về việc sản xuất tàu sân bay đầu tiên trong nước vào năm ngoái.

    Bà Sitharaman nhấn mạnh với quốc hội, chính phủ cam kết thúc đẩy sự tự chủ về thiết bị quân sự. Dù vậy, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào đối tác lâu năm là Nga trong hầu hết các hoạt động nhập khẩu vũ khí, ngoài ra còn có các nhà cung cấp khác bao gồm Mỹ, Pháp và Israel.

    Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cũng tweet nêu rõ, khoản phân bổ cho quốc phòng chiếm hơn 13% tổng ngân sách chính phủ.

    Tổng ngân sách quốc phòng năm 2022 của Ấn Độ tương đương khoảng 2% GDP nước này. Để so sánh, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 230 tỷ USD mà Trung Quốc đã chi cùng năm.

    Hiện tại, Ấn Độ có kế hoạch chi gần 3 tỷ USD để xây dựng hạm đội hải quân, và hơn 7 tỷ USD để mua vũ khí cho lực lượng không quân như sắm thêm các máy bay chiến đấu.

    Lực lượng vũ trang Ấn Độ hiện có 1,38 triệu binh sĩ với số lượng lớn được điều động tới dọc các tuyến đường biên giới giáp với Trung Quốc và Pakistan.

    Đáng lưu ý, Ấn Độ ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong các nỗ lực của mình với các nhóm đa phương như Bộ Tứ – cùng với Nhật Bản, Úc và Mỹ – một nhóm các cường quốc khu vực có cùng mối lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

    Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận máy bay chiến đấu chung đầu tiên với Nhật Bản vào tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh hai quốc gia nâng cấp quan hệ quốc phòng và an ninh.

    Minh Ngọc (Theo AFP, Reuters)

    Philippines cho Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ hơn giữa những lo ngại về Trung Quốc

    02/02/2023



    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Philippines, ngày 2/2/2023.

    Philippines cho phép Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của nước này, lãnh đạo quốc phòng hai nước cho biết hôm 2/2, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự lấn át ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có nhiều tranh chấp và căng thẳng về vấn đề Đài Loan tự trị, theo Reuters.

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez cho biết trong một cuộc họp báo chung tại trụ sở quân đội Philippines ở Manila rằng Hoa Kỳ sẽ được phép tiếp cận thêm 4 địa điểm nữa theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014.

    Ông Austin, đang công du Philippines để đàm phán khi Hoa Kỳ tìm cách mở rộng các lựa chọn an ninh của mình như một phần trong nỗ lực ngăn chặn bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan tự trị, gọi quyết định của Philippines là một “thỏa thuận lớn” khi ông và người đồng cấp tái khẳng định cam kết củng cố liên minh của họ.

    Ông Austin cho biết: “Liên minh của chúng ta làm cho cả hai nền dân chủ của chúng ta trở nên an toàn hơn và giúp duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

    “Chúng tôi thảo luận về các hành động cụ thể để giải quyết các hoạt động gây bất ổn ở vùng biển xung quanh Philippines, bao gồm Biển Tây Philippines, và chúng tôi vẫn cam kết tăng cường năng lực chung để chống lại hành động tấn công vũ trang”, ông Austin nói.

    “Đó chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa liên minh của chúng tôi. Và những nỗ lực này đặc biệt quan trọng khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục thúc đẩy các yêu sách phi pháp của mình ở Biển Tây Philippines”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thêm.

    Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Đây là hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”.

    “Các nước trong khu vực nên cảnh giác về điều này và tránh bị Mỹ lợi dụng”, bà Mao nói.

    Các địa điểm bổ sung theo thỏa thuận EDCA nâng tổng số căn cứ quân sự mà Hoa Kỳ có thể tiếp cận lên thành 9 địa điểm. Hoa Kỳ thông báo rằng họ phân bổ hơn 82 triệu đôla cho cơ sở hạ tầng tại các địa điểm hiện có.


    Bộ trưởng Austin hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., ngày 2/2/2023.

    Thỏa thuận EDCA cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines để huấn luyện chung, bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng không phải để hiện diện lâu dài.

    Cả ông Austin và ông Galvez đều không nêu rõ địa điểm nào sẽ được mở để Hoa Kỳ tiếp cận. Trước đó, cựu lãnh đạo quân đội Philippines cho biết Hoa Kỳ đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ trên đảo chính Luzon ở phía bắc, địa điểm của Philippines gần nhất với Đài Loan và trên đảo Palawan ở phía tây nam, gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

    Trước khi gặp người đồng cấp, ông Austin đã hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và đảm bảo với ông ấy về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

    “Chúng tôi sẵn sàng giúp ngài bằng mọi cách có thể”, ông Austin nói.

    “Dường như tôi vẫn luôn nói rằng tương lai của Philippines và vấn đề châu Á-Thái Bình Dương sẽ luôn có sự tham gia của Hoa Kỳ”, ông Marcos nói với ông Austin.

    Thủ tướng Israel công du Pháp để tìm đồng minh chống Iran

    Thùy Dương /RFI

    02/02/2023


    Ảnh tư liệu: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) tiếp thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tại Paris, ngày 05/06/2018. AP - Philippe Wojazer

    Hôm nay, 02/02/2023, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đến Paris. Đây là chuyến công du Pháp đầu tiên kể từ khi ông trở lại cầm quyền cách nay một tháng. Hồ sơ Iran sẽ là trọng tâm của cuộc hội đàm giữa thủ tướng Israel với tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

    Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Nhà nước Do Thái đang tìm đồng minh để chống Iran, kẻ thù truyền kiếp của Israel. Lo ngại Teheran trang bị vũ khí nguyên tử, Israel muốn lập một liên minh quân sự, nhất là với các cường quốc Tây phương, để khi cần sẽ tấn công Iran.

    Từ Jérusalem, thông tín viên Sami Boukhelifa giải thích :

    « Về lý thuyết, mọi việc đã sẵn sàng. Israel đã nghiên cứu đến từng chi tiết nhỏ nhất cho chiến lược tấn công Iran. Khoảng 3.000 mục tiêu đã được xác định và Nhà nước Do Thái muốn nhanh chóng chuyển sang hành động. Nhưng theo một nguồn tin ngoại giao, « không thể có chuyện một mình xung trận ».

    Nguồn tin này cũng giải thích là Israel muốn tìm các đồng minh. Liên quân này có thể sẽ bao gồm Pháp, Mỹ và lý tưởng nhất là có sự tham gia của vài nước Ả Rập, một số vương quốc vùng Vịnh mà Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng là một mối đe dọa. Đoàn kết làm nên sức mạnh : Liên minh này sẽ có một vai trò răn đe, tức là nếu Israel tấn công Iran, Tehran sẽ không dám trả đũa, bởi vì làm như vậy tức là cùng lúc tuyên chiến với nhiều nước.

    Một nguồn thông thạo hồ sơ tiết lộ Paris và Washington đã dứt khoát từ chối phương án này, dành ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao với Iran. Nhưng tình hình đã có thay đổi. Thỏa thuận hạt nhân Iran dường như đã không còn giá trị. Mặt khác, Israel đã có nỗ lực để đứng về phía phương Tây trong chiến tranh Nga-Ukraina. Nhà nước Do Thái cho biết dự tính hỗ trợ quân sự cho Kiev đối phó với Matxcơva. Đó là thông điệp mà thủ tướng Benyamin Netanyahu gửi tới phương Tây : Tôi ủng hộ quý vị trong cuộc chiến chống Nga, nên quý vị phải ủng hộ tôi trong cuộc chiến chống Iran. Và đó chính là điều ông tìm kiếm khi đến Paris ».

    Không có nhận xét nào