Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 09 tháng 02 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Ukraina, cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự

    Trọng Thành /RFI

    09/02/2023

    Tổng thống Pháp E. Macron (phải) tiếp đồng nhiệm Ukraina V. Zelensky tại điện Elysée, Paris, Pháp, tối 08/02/2023. Jacques Witt/SIPA - Jacques Witt 

    Sau Luân Đôn, Paris là chặng thứ hai trong chuyến công du châu Âu hôm qua, 08/02/2023, của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Tiếp đồng nhiệp Ukraina tại điện Elysée tối qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev. Về phần tổng thống Zelensky, ông thúc giục các đồng minh châu Âu khẩn cấp viện trợ vũ khí tối tân, kể cả chiến đấu cơ, để giúp Ukraina đẩy lùi quân xâm lược Nga. 

    Tổng thống Ukraina tới điện Elysée vào lúc 10 giờ tối, giờ địa phương, hội kiến với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và với thủ tướng Đức Olaf Scholz. Trước bữa ăn tối muộn để bàn công việc, lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Ukraina đã có cuộc họp báo chung. Chủ nhân điện Elysée Emmanuel Macron nhấn mạnh: ‘‘Ukraina có thể trông cậy vào nước Pháp, các đối tác châu Âu và các đồng minh, để có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Nga không thể và không được phép chiến thắng. Chừng nào mà Nga còn tấn công Ukraina, chừng ấy chúng tôi sẽ tiếp tục, thích ứng và điều chỉnh các hỗ trợ quân sự cần thiết để bảo vệ Ukraina, bảo vệ tương lai của quốc gia này.’’

    Chính quyền Kiev lo ngại Nga sắp mở nhiều chiến dịch lớn trong thời gian tới. Phát biểu trong cuộc họp báo tối qua tại phủ tổng thống Pháp, lãnh đạo Ukraina khẩn thiết cảnh báo ‘‘thời gian không còn nhiều (...) Nếu Ukraina sớm có được vũ khí tấn công tầm xa, phi cơ chiến đấu, cuộc xâm lăng của Nga sẽ sớm chấm dứt, châu Âu chóng vãn hồi hòa bình’’.

    Về phần thủ tướng Đức Olaf Sholz, ông bảo đảm với tổng thống Zelensky là các nước đồng minh sẽ hỗ trợ Ukraina, nhất là về quân sự, "chừng nào còn cần thiết" để đẩy lùi quân xâm lược Nga.

    Tuy nhiên, theo AFP, lãnh đạo hai nước Pháp và Đức tỏ ra dè dặt về khả năng cấp chiến đấu cơ cho Ukraina. Berlin vừa chấp nhận viện trợ xe tăng hạng nặng Leopard 2 cho Ukraina sau nhiều tháng do dự. Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Đức tuyên bố tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 đầu tiên, với 31 xe, do châu Âu hỗ trợ sẽ đến Ukraina trước cuối tháng 4.

    Vào lúc 8 giờ 30 sáng nay 09/02, tổng thống Ukraina đi cùng chuyên cơ của tổng thống Macron đến Bruxelles họp với lãnh đạo 27 thành viên Liên Âu.  

    Tình báo Mỹ khẳng định khinh khí cầu Trung Quốc có tính chất quân sự

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-09-luc-73750-sa-700x366-1.jpg

    Các thủy thủ thuộc Nhóm xử lý vật liệu nổ Mỹ 2 trục vớt một khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển nghi do thám Trung Quốc bị bắn rơi ngày 4 tháng 2. (ảnh: Hải Quân Hoa Kỳ). 

    Các nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi hôm thứ Bảy tuần trước là công cụ do thám của quân đội nước này.

    Một quan chức nói với tờ Washington Post rằng cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng quân đội Trung Quốc đã phóng một số khinh khí cầu từ đảo Hải Nam. Hòn đảo này nằm ở phía nam Trung Quốc, nơi có căn cứ quân sự hải quân của nước này. 

    Trao đổi với hãng tin CBS News, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden xác nhận rằng cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng khinh khí cầu Trung Quốc này là một phần của “chương trình giám sát trên không do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc điều hành ở Hải Nam”.

    Họ cho biết chúng được dùng để thu thập thông tin tình báo trên các lãnh thổ chiến lược có liên quan, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan và Philippines.

    Hôm thứ Hai, Mỹ đã thông báo cho 40 quốc gia đồng minh về cáo buộc gián điệp.

    Các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc này, đồng thời cho biết khí cầu này chỉ mang tính dân sự.

    Tuần trước, Ngũ Giác Đài cho biết một khinh khí cầu do thám thứ hai của Trung Quốc đã được phát hiện ở Costa Rica và Venezuela.

    Liên Thành

    Đa số người Mỹ không tán thành phản ứng của TT Biden với khinh khí cầu TQ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/2023-02-04T205426Z_1_LYNXMPEJ1308B_RTROPTP_4_USA-CHINA-SPY-1200x735-1.jpg

    Một cuộc khảo sát cho thấy, 2/3 cử tri Hoa Kỳ không tán thành cách Tổng thống Mỹ Joe Biden xử lý vụ xâm nhập không phận gần đây của một khinh khí cầu do thám Trung Quốc.

    Đầu tháng 2, khinh khí cầu này của Trung Quốc đã xâm nhập không phận Hoa Kỳ và bay ngang qua phần lớn quốc gia này trước khi bị quân đội Mỹ bắn hạ ngoài khơi bờ biển của tiểu bang South Carolina.

    Tổng thống Biden tuyên bố, ngay từ đầu ông đã tìm cách bắn hạ khinh khí cầu này nhưng các quan chức quốc phòng đã bác bỏ đề xuất của ông vì lo sợ thiệt hại tài sản có thể xảy khi khinh khí cầu này rơi xuống đất. Các thành viên Đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt việc Tổng thống Biden quyết định cho phép khinh khí cầu này bay ngang qua Hoa Kỳ, cáo buộc ông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ.

    Tổng thống Biden đã bảo vệ cách xử lý của ông đối với vụ xâm nhập kỳ lạ của khinh khí cầu Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận công chúng Mỹ có vẻ đang chống lại ông. Trong cuộc khảo sát của Trafalgar Group/Convention of States Action, 63,4% số người Mỹ được hỏi không tán thành cách phản ứng của ông đối với vấn đề này. Trong số đó, 34,5% cho rằng ông lẽ ra nên xử lý vấn đề sớm hơn, trong khi 28,9% cảm thấy về tổng thể ông đã xử lý sai vụ việc này,

    Đa số cử tri Mỹ, 59,2%, cho rằng vụ việc này làm nước Mỹ trông yếu ớt, trong khi 58,8% chỉ trích Tổng thống Biden lẽ ra nên bắn hạ khinh khí cầu này trước khi nó bay vào không phận Hoa Kỳ.

    Ông Mark Meckler, Chủ tịch tổ chức Hội nghị các Tiểu bang, đã phê bình gay gắt cách xử lý vụ việc của chính quyền Biden. Ông chỉ trích: “Sự trơ tráo ngạo mạn của chính phủ rằng ‘những người lớn đã trở lại nắm quyền’ sau khi ông Biden trở thành tổng thống một lần nữa quay lại ám ảnh chúng ta.”

    Ông tiếp tục: “Như chúng ta đã nhìn thấy thảm họa lịch sử ở Afghanistan, Tổng thống Biden và nhóm của ông ấy luôn không chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt, cả trong nước và quốc tế. Đây là điều xảy ra khi những người không nghiêm túc được giao trọng trách đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng và nguy hiểm.”

    Ông than thở: “Nước Mỹ sẽ tốt đẹp hơn nếu Tổng thống Biden và chính quyền của ông ấy dành ít thời gian hơn để nói với chúng ta về đại từ nhân dân và thúc đẩy các sáng kiến cực tả, mà dành nhiều thời gian hơn cho công việc quan trọng là điều hành thực sự đất nước chúng ta. Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ kể từ Liên Xô [sụp đổ], và họ đang cười nhạo chúng ta. Nhân dân Mỹ hiện đang yêu cầu sự lãnh đạo nghiêm túc.”

    Tổng thống Biden dự kiến sẽ đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tối thứ Ba (14/2).

    Gia Huy (Theo Just The News)

    Sau Mỹ và Anh, chính phủ Úc cấm dùng camera giám sát do TQ sản xuất

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/camera-china.jpg

    Các camera an ninh do Trung Quốc sản xuất sẽ bị loại bỏ khỏi các cơ quan của chính phủ trên khắp nước Úc, do quan ngại về vấn đề an ninh, The Guardian đưa tin hôm 9/2.

    Quyết định này của chính phủ liên bang Úc được đưa ra sau khi cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đều đã làm như vậy. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Hoa Kỳ từng miêu tả camera của Trung Quốc chứa đựng “nguy cơ không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia.” Cuối tuần qua Không lực Hoa Kỳ đã bắn rụng một khinh khí cầu mà họ nghi ngờ là thiết do thám của Trung Quốc bay trên không phận Hoa Kỳ.

    Một cuộc kiểm tra thiết bị giám sát do an ninh mạng Úc thực hiện đã phát hiện thấy 913 camera do Hikvision và Dahua của Trung Quốc sản xuất được lắp đặt tại hơn 230 tòa nhà chính phủ.

    “Ở những nơi tìm thấy những chiếc camera cụ thể đó, chúng sẽ bị dỡ bỏ hết,” Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Richard Marles, nói với ABC Radio Úc hôm 9/2. “Là có vấn đề ở chỗ này, và chúng tôi sẽ giải quyết nó.”

    Thủ tướng Anthony Albanese cho hay, ông không tin việc loại bỏ các camera sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

    “Chúng tôi hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc, chúng tôi làm như vậy một cách minh bạch, đó là những gì chúng tôi sẽ tiếp tục làm,” thủ tướng nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Canberra.

    Thiên Đức (T/h)

    TT Zelensky kêu gọi được hỗ trợ máy bay chiến đấu trong chuyến thăm Anh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/zelenskysunak.jpg

    Trong một bài phát biểu bất ngờ hôm 8/2 trước Quốc hội Vương quốc Anh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đồng minh gửi thêm máy bay chiến đấu đến đất nước của ông trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga – gọi chúng là “đôi cánh cho tự do”.

    Ông Zelensky cũng gửi lời cảm ơn người dân Anh vì sự ủng hộ vững chắc của họ kể thời điểm Nga tiến quân vào lãnh thổ Ukraine 1 năm về trước.

    Chuyến thăm của ông Zelensky đánh dấu chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24/2 năm ngoái, sau lần đến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 12. Đáng lưu ý, chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị cho cuộc tấn công mới của Nga. Nhân dịp này, ông một lần nữa khẩn cầu các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraine nhiều hơn để đất nước ông tránh khỏi tình trạng bị Nga kiểm soát.

    Các đồng minh trước đây đã phản đối việc gửi các máy bay chiến đấu tiên tiến đến Ukraine, bởi họ không muốn thúc đẩy leo thang chiến tranh. Thêm nữa, việc điều khiển các máy bay phản lực này cũng rất phức tạp.

    Tại Anh, ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Vua Charles. Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Sunak, Phủ Tổng thống Ukraine cho biết, Tổng thống Zelensky đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Kiev nhận được vũ khí cần thiết từ các đồng minh để ngăn chặn chiến dịch của Nga và giải phóng tất cả các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng tạm thời”.

    Tổng thống Ukraine còn phát biểu trước hàng trăm nhà lập pháp và nhân viên quốc hội tại Hội trường Westminster lịch sử. Ông nhấn mạnh: “Tự do sẽ chiến thắng – chúng tôi biết Nga sẽ thua.”

    Sau đó, ông đã tặng một chiếc mũ phi công cho Chủ tịch Hạ viện Anh với thông điệp: “Chúng tôi có tự do, hãy cho chúng tôi đôi cánh để bảo vệ nó.”

    Trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky vào cuối ngày 8/2, Thủ tướng Anh Sunak khẳng định, “không có gì có thể bàn cãi” trong việc cung cấp máy bay cho Ukraine. “Bước đầu tiên để có thể cung cấp máy bay tiên tiến, đó là có binh lính hoặc phi công có khả năng sử dụng chúng. Đó là một quá trình cần thời gian. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình đó hôm nay.”

    Tính đến thời điểm hiện tại Vương quốc Anh đã gửi cho Ukraine hơn 2,5 tỷ đô la vũ khí và thiết bị. Anh còn tiến hành huấn luyện hơn 10.000 binh sĩ Ukraine về các vấn đề liên quan đến xe tăng Challenger 2 mà họ đang gửi đến. Anh cũng kế hoạch huấn luyện thêm 20.000 binh sĩ Ukraine trong năm 2023.

    Trong một diễn biến khác, Tổng thống Zelensky đã tới Paris vào tối 8/2. Đáng lưu ý, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tới thủ đô Paris để gặp ông Zelensky và Tổng thống Emmanuel Macron.

    “Ukraine có thể tin tưởng vào Pháp, các đối tác và đồng minh châu Âu để giành chiến thắng trong cuộc xung đột,” ông Macron nói trước bữa tối làm việc của họ. Văn phòng của Tổng thống Pháp cũng đưa ra một tuyên bố xác nhận, ngày 9/2 ông Zelensky sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ – nơi các nhà lãnh đạo EU sẽ cam kết ủng hộ người dân Ukraine.

    Minh Ngọc (Theo Just The News)

    Hy vọng tắt dần ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria để cứu người sống sót dưới đống đổ nát

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/dong-dat-3-700x480.jpeg

    Hy vọng tìm thấy những người sống sót đang dần tan biến khi các đội cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không thể tiến nhanh hơn trong nỗ lực tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới các đống đổ nát của hàng ngàn tòa nhà sau trận động đất kinh hoàng nhất thế giới trong hơn một thập kỷ.

    Số người chết được xác nhận đã lên tới 12.000 vào cuối ngày thứ Tư.

    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến thăm tỉnh Hatay bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi có hơn 3.300 người chết và toàn bộ khu vực lân cận bị phá hủy.

    Cư dân ở đó đã chỉ trích phản ứng của chính phủ, phàn nàn về việc thiếu thiết bị, chuyên môn và hỗ trợ để giải cứu những người bị mắc kẹt, đôi khi ngay cả trường hợp họ có thể nghe thấy tiếng kêu cứu.

    Những lời chỉ trích tương tự cũng diễn ra ở nước láng giềng Syria, nơi phía bắc của nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất hôm thứ Hai.

    Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc thừa nhận chính phủ nước này “thiếu năng lực và thiếu thiết bị” nhưng đổ lỗi cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm ở nước này cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây.

    Ông Erdogan thừa nhận “những thiếu sót” trong việc ứng phó với trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm thứ Hai nhưng cho biết mức độ nghiêm trọng của thảm họa và thời tiết mùa đông là những yếu tố chính ngăn cản nỗ lực cứu hộ hiệu quả hơn.

    Trận động đất đã phá hủy đường băng tại sân bay Hatay, càng làm gián đoạn hoạt động ứng phó.

    “Không thể chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa như vậy,” ông Erdogan nói. “Chúng tôi sẽ không bỏ mặc bất kỳ công dân nào của chúng tôi.”

    Ông cũng đáp trả những người chỉ trích rằng “những kẻ đáng khinh” đang lan truyền “những lời dối trá và vu khống” về phản ứng của chính phủ.

    Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang xử lý thông tin sai lệch, trong khi một nhóm giám sát internet cho biết quyền truy cập vào Twitter bị hạn chế mặc dù những người sống sót đã sử dụng nó để cảnh báo cho lực lượng cứu hộ.

    Các đội tìm kiếm từ hơn hai chục quốc gia đã tham gia cùng hàng chục nghìn nhân viên cấp cứu địa phương ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Tuy nhiên, mức độ tàn phá của trận động đất và các dư chấn mạnh của nó là quá lớn và trải rộng trên một khu vực rộng lớn – bao gồm cả một khu vực bị cô lập bởi cuộc chiến đang diễn ra ở Syria – nên nhiều người vẫn đang chờ đợi sự giúp đỡ.

    Các chuyên gia cho biết cơ hội sống sót cho những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát hoặc không thể có được những nhu yếu phẩm cơ bản đang đóng lại nhanh chóng. Đồng thời, họ nói rằng còn quá sớm để từ bỏ hy vọng.

    Steven Godby, chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên tại Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh, cho biết: “72 giờ đầu tiên được coi là rất quan trọng. “Tỷ lệ sống trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ là 22% và đến ngày thứ năm là 6%.”

    Lực lượng cứu hộ đôi khi sử dụng máy xúc hoặc cẩn thận nhặt các mảnh vỡ. Với hàng ngàn tòa nhà bị lật đổ, không rõ có bao nhiêu người vẫn có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

    Lê Vy

    Tổng thống Zelensky: Chiến thắng của Ukraine sẽ thay đổi thế giới

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/zelensky-2.jpg

    Tổng thống Zelensky. (Ảnh chụp màn hình video) 

    Theo Tổng thống Zelensky, Ukraine sẽ chiến thắng trước Nga, đồng thời ông kêu gọi Anh cùng các quốc gia khác cung cấp chiến đấu cơ, theo hãng tin AFP.

    “Chúng ta đều biết Nga sẽ thua và chúng ta cũng hiểu chiến thắng của Ukraine sẽ thay đổi thế giới, sự thay đổi mà thế giới cần từ rất lâu”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội Anh. “Sau khi chúng tôi giành chiến thắng, bất kỳ bên gây hấn nào, dù lớn hay nhỏ, sẽ biết điều gì đang chờ đợi họ nếu tấn công trật tự quốc tế”.

    Lãnh đạo Ukraine cho hay rằng “tự do sẽ chiến thắng”, kêu gọi Anh và các nước khác gửi chiến đấu cơ để cung cấp “đôi cánh tự do”. “Chúng tôi có tự do, hãy cho chúng tôi đôi cánh để bảo vệ nó”, ông Zelensky nói.

    Ông Zelensky cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga, cho tới khi nước này “bị tước bỏ mọi khả năng tài trợ cho cuộc chiến”. Ngay trước khi Tổng thống Ukraine tới Anh, London đã ban bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào 8 thực thể và 6 cá nhân Nga.

    Lãnh đạo Ukraine cảm ơn chính phủ Anh đã cung cấp vũ khí để họ bảo vệ người dân thường. “London đã đứng về phía Kyiv ngay từ những ngày đầu, từ những giây phút đầu tiên của cuộc xung đột. Các bạn đã dang tay giúp đỡ khi thế giới vẫn chưa hiểu phải phản ứng thế nào”, ông Zelensky nói.

    Sau khi các nước phương Tây cam kết cung cấp xe tăng chủ lực, Ukraine đang thúc giục họ chuyển giao tiêm kích chuẩn NATO. Tuy nhiên, Mỹ và một số nước châu Âu vẫn từ chối, do lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga.

    Trước lời kêu gọi từ ông Zelensky, phát ngôn viên của ông Sunak ngày 8/2 cho biết Thủ tướng Anh đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng xác định xem London có thể cung cấp loại máy bay nào. “Nhưng rõ ràng đây là một giải pháp về lâu dài chứ không phải có thể thực hiện trong thời gian ngắn”, phát ngôn viên nói.

    Chuyến thăm Anh của Tổng thống Ukraine Zelensky đánh dấu chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự. Hồi tháng 12/2022, Tổng thống Zelensky đã đến Mỹ và phát biểu trước quốc hội nước này, kêu gọi phương Tây duy trì dòng chảy vũ khí và viện trợ tới Ukraine. Trên đường từ Mỹ về Ukraine, ông Zelensky dừng chân ở Ba Lan và gặp Tổng thống Andrzej Duda.

    Anh là quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Họ đã hỗ trợ quân sự 2,3 tỷ bảng (hơn 2,7 tỷ USD) cho Kyiv trong năm 2022 và cam kết ủng hộ khoản tương tự vào năm 2023. Anh cũng thực hiện chương trình huấn luyện cho 10.000 lính bộ binh Ukraine trong 6 tháng qua và sẽ đào tạo thêm 20.000 người nữa trong năm nay. Hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Anh Sunak đã tới thủ đô Kyiv, Ukraine, sau khi nhậm chức vào tháng 10.

    Phan Anh

    Tổng thống Zelensky sắp họp với các lãnh đạo EU

    Các lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ cùng tề tựu về Brussels vào thứ Năm. Tổng thống Volodymyr Zelensky, người rất muốn đưa Ukraine trở thành thành viên thứ 28 của khối, dự kiến sẽ thực hiện một chuyến thăm hiếm hoi. Ông cũng sẽ có bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu. Hôm thứ Tư, ông đã bất ngờ đến thăm London và Paris.

    Trong cuộc họp chung lần thứ mười chỉ trong vòng chưa đầy một năm, các lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí, tiền mặt và — một ngày nào đó — việc gia nhập EU. Tiếp đó là các tranh cãi về vấn đề di cư. Lượng người nhập cư tăng đột biến đã khiến một số nước, gần đây nhất là Bulgaria, yêu cầu khối xây thêm hàng rào ở biên giới bên ngoài. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và mọt số người khác cho rằng đề xuất này mang hơi hướm chủ nghĩa Trump. EU cũng cần thống nhất cách đối phó với các khoản trợ cấp xanh khổng lồ do Mỹ thông qua gần đây. Đáp trả bằng trợ cấp là một khả năng, nhưng sẽ làm suy yếu thị trường chung EU.

    Tổng thống Nam Phi đọc thông điệp quốc gia giữa hoài nghi

    Các thông điệp quốc gia hàng năm của Cyril Ramaphosa thường theo một khuôn mẫu nhất định. Tổng thống Nam Phi, người lên thay Jacob Zuma từ năm 2018, từng nói với quốc hội rằng ông sẽ giải quyết nhiều vấn đề, từ cắt điện, thất nghiệp, cho đến các thủ tục làm hạn chế đầu tư, vân vân. Nhưng rồi vì sự rụt rè của bản thân, đảng cầm quyền lắm vấn đề của ông (Đại hội Dân tộc Phi), và bộ máy quan liêu yếu kém, ông cuối cùng không làm gì nhiều. Mất điện năm ngoái ở Nam Phi tồi tệ hơn bất kỳ kỷ lục nào trước đây; trong khi thất nghiệp lên tới 33%.

    Vì vậy, khi Ramaphosa phát biểu tại Cape Town vào thứ Năm, ông sẽ đứng trước một quốc gia đầy hoài nghi. Ông sẽ — một lần nữa — cam kết đại tu Eskom, công ty năng lượng của nhà nước. Một cuộc cải tổ nội các đang được tiến hành. Nhưng người dân Nam Phi đã quá mệt mỏi với những bài giảng cũ kĩ của một tổng thống không còn giữ được hình ảnh cải cách của chính mình. Để thoát khỏi khủng hoảng, Nam Phi cần nhiều hơn những lời hoa mỹ.

    Adani vẫn vật lộn với khủng hoảng

    Thứ Năm này Adani Enterprises sẽ công bố kết quả quý cuối năm 2022, đợt đầu tiên kể từ sau các chỉ trích tai hại của công ty Hindenburg Research. Tập đoàn Ấn Độ đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc của Hindenburg.

    Adani chắc chắn sẽ dùng sự kiện này để xoa dịu nhà đầu tư. Hôm thứ Hai, họ đã thông báo thanh toán sớm 19 tháng khoản vay 1,1 tỷ đô la thế chấp bằng cổ phiếu của các công ty con. (Sau đó có tin họ đã bị gọi ký quỹ 500 triệu đô la.) Song cổ phiếu của một số công ty con vẫn tiếp tục ngụp lặn. Giá trị thị trường của Adani Group đã giảm khoảng một nửa kể từ báo cáo; riêng người sáng lập Gautam Adani đã mất hàng chục tỷ đô la tài sản.

    Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn im lặng về những khó khăn của Adani, một nhân vật thân cận, cũng như của công ty mang tên ông, vốn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng của Ấn Độ. Các cơ quan quản lý được cho là đã yêu cầu Adani cung cấp thông tin liên quan đến các cáo buộc của Hindenburg. Nhưng có vẻ như chúng sẽ không sớm được chứng minh hay bác bỏ.

    Toyota và Nissan công bố thu nhập

    Báo cáo thu nhập quý của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thường không có gì đặc biệt. Nhưng vào thứ Năm, Toyota và Nissan, nhà sản xuất ô tô lớn thứ nhất và thứ ba của Nhật Bản, sẽ công bố kết quả trong bối cảnh đầy kịch tính.

    Cả hai công ty gần đây đã công bố các thay đổi nội bộ lớn. Toyota thay giám đốc điều hành lâu năm của mình (và là cháu trai của người sáng lập công ty), Toyoda Akio, bằng Sato Koji, giám đốc thương hiệu và người đứng đầu nhãn hàng Lexus. Hôm thứ Hai, Nissan cũng thông báo tái cấu trúc liên minh với Renault, một nhà sản xuất ô tô Pháp, để cân bằng cổ phần của hai bên.

    Cả hai động thái đều nhằm giúp hai công ty bước vào giai đoạn mới của ngành công nghiệp xe hơi hiện đại. Mặc dù là nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới, Toyota vẫn đi sau trong lĩnh vực xe điện dưới thời ông Toyoda. Đưa ông Sato lên giúp Tokyo mở ra một trang mới. Và cuộc hôn nhân giữa Nissan và Renault từ lâu đã không hạnh phúc. Một liên minh lỏng lẻo hơn sẽ mang lại cho họ sự tự do cần thiết để tập trung vào thị trường quê hương.

    Mỹ thông qua thoả thuận bán vũ khí trị giá 10 tỷ USD cho Ba Lan

    Huyền Anh

    Mỹ thông qua thoả thuận bán vũ khí trị giá 10 tỷ USD cho Ba Lan

    Các quân nhân nhân đứng trước Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) trong cuộc tập trận quân sự Namejs 2022, diễn ra vào ngày 26/09/2022, tại Skede, Latvia. (Ảnh: Gints Ivuskans/AFP/Getty Images) 

    Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán gần 20 bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cùng nhiều loại vũ khí và thiết bị liên quan khác trị giá khoảng 10 tỷ USD cho đồng minh NATO là Ba Lan.

    Xem nhanh

    Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về thương vụ sắp tới này vào thứ Ba (7/2). Tuy nhiên, thương vụ này vẫn cần có sự chấp thuận của các nhà lập pháp.

    Ba Lan, quốc gia giáp với Ukraine, đã yêu cầu mua một số vũ khí từ Mỹ. Cụ thể, gói vũ khí trên gồm: 18 bệ phóng của Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), 45 tên lửa thuộc Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn 297 km và hơn 1.000 tên lửa thuộc Hệ thống Tên lửa Dẫn đường Phóng loạt (GMLRS).

    Các bệ phóng HIMARS đã đóng một vai trò then chốt trong việc hỗ trợ Ukraine chống trả quân Nga. Nó cho phép Kyiv phá hủy các kho đạn dược cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga với độ chính xác cao.

    Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, các hệ thống kỹ thuật tiên tiến này có thể mang theo 6 gói tên lửa GMLRS hoặc một Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (Army Tactical Missile System – ATACMS).

    Vũ khí sẽ ‘cải thiện an ninh’ của Ba Lan

    Ukraine từng nhiều lần yêu cầu Mỹ gửi tên lửa ATACMS nhưng đã bị nước này từ chối. Nếu không có sự chấp thuận của Hoa Kỳ, thì Ba Lan sẽ không thể chuyển bất kỳ ATACMS nào cho Ukraine.

    Ngoài ra, gói này còn có tên lửa tầm ngắn giá rẻ, thiết bị liên lạc và hỗ trợ, phụ tùng thay thế và sửa chữa, bộ thử nghiệm, pin, máy tính xách tay, thiết bị và huấn luyện binh sĩ, dịch vụ nhân viên hậu cần và kỹ thuật của nhà thầu và chính phủ Hoa Kỳ, cũng như các yếu tố hỗ trợ chương trình và hậu cần khác.

    Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Thương vụ được đề xuất sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và mục tiêu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách cải thiện an ninh của một Đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lực lượng đảm bảo ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu”.

    Thương vụ này cũng sẽ giúp Ba Lan đạt được “các mục tiêu quân sự là nâng cao năng lực đồng thời tăng cường hơn nữa khả năng tương tác với Mỹ và các đồng minh khác”, Lầu Năm Góc cho biết.

    “Ba Lan dự định sử dụng các thiết bị và dịch vụ quốc phòng này để hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tăng cường năng lực phòng thủ trong nước cũng như ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực. Ba Lan sẽ không gặp khó khăn gì trong việc trang bị thiết bị này cho lực lượng vũ trang của mình”, tuyên bố cho hay.

    Lockheed Martin, nhà sản xuất bệ phóng tên lửa HIMARS, cũng sẽ là nhà thầu chính cho thương vụ này.

    Ba Lan tăng ngân sách quốc phòng

    Theo Lầu Năm Góc, thương vụ được đề xuất sẽ không có tác động xấu đến khả năng sẵn sàng phòng thủ của Hoa Kỳ, cũng như không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản ở Ba Lan.

    Thương vụ mới nhất diễn ra sau khi Ba Lan đặt mua 20 HIMARS, bao gồm 18 bệ phóng tên lửa chiến đấu và hai bệ phóng huấn luyện từ Hoa Kỳ vào năm 2019. Mỹ dự kiến sẽ giao hàng vào năm 2023.

    Ngoài ra, Ba Lan đã đặt mua thêm 500 bệ phóng HIMARS từ Mỹ vào tháng 5/2022, nhưng Lockheed Martin cho biết họ chỉ có thể cung cấp khoảng 200 bệ phóng, theo truyền thông Ba Lan.

    Ba Lan đã tăng chi tiêu quân sự trong năm qua khi cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine sắp tròn một năm.

    Theo tờ The Defense Post, tính riêng trong năm 2022, Ba Lan đã chi 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng, đứng thứ thứ ba trong số các quốc gia thành viên NATO. Ba Lan gia nhập NATO vào năm 1999.

    Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hồi tháng 1 thông báo, nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng năm nay lên 4% GDP để nâng cấp quân đội. Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ tiếp tục leo thang.

    Hôm 30/1, ông Morawiecki nói với các phóng viên rằng: “Cuộc chiến ở Ukraine buộc chúng tôi phải trang bị vũ khí nhanh hơn nữa. Đó là lý do tại sao năm nay chúng tôi sẽ thực hiện một nỗ lực chưa từng có: chi 4% GDP để nâng cấp quân đội Ba Lan”.

    Theo The Epoch Times

    Huyền Anh biên dịch

    MH17: Có “dấu hiệu rõ ràng” ông Putin chấp thuận cung cấp tên lửa cho lực lượng ly khai

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/128405943_9d10dc4b94d5e5465c185b145077f909ef5a00e7.jpg

    Một nhóm điều tra viên quốc tế cho biết có “những dấu hiệu rõ ràng” cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn việc cung cấp tên lửa cho lực lượng ly khai đã bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine vào năm 2014.

    Tuy nhiên, các thành viên của Đội điều tra chung (JIT) ở Hà Lan cho biết họ không có đủ bằng chứng để truy tố thêm bất kỳ nghi phạm nào và đình chỉ cuộc điều tra kéo dài 8 năm rưỡi về thảm kịch. Là nguyên thủ quốc gia, ông Putin cũng có quyền miễn trừ.

    MH17 đã bị bắn hạ bởi một tên lửa của Nga phóng từ miền đông Ukraine khi nó đang trên đường đến Kuala Lumpur từ Amsterdam vào ngày 17 tháng 7 năm 2014. Tất cả 298 người trên chiếc Boeing 777 đều thiệt mạng.

    Nga phủ nhận liên quan đến vụ việc và từ chối hợp tác với cuộc điều tra quốc tế.

    Công tố viên Hà Lan Digna van Boetzelaer cho biết: “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy một quyết định ở cấp tổng thống, của Tổng thống Putin, cung cấp… hệ thống tên lửa Buk TELAR”.

    Các nhà điều tra đã xác nhận rằng tên lửa Buk đã hạ chiếc máy bay Malaysia đang bay ở độ cao 33.000 feet (10km).

    Bà nói trong một cuộc họp báo ở The Hague: “Mặc dù chúng tôi nói về những dấu hiệu chắc chắn, nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn cao về bằng chứng đầy đủ và thuyết phục.”

    Thông báo được đưa ra chưa đầy ba tháng sau khi một tòa án Hà Lan kết án hai người Nga và một người Ukraine vì tội giết người trong thảm họa. Ba người đàn ông – Igor Girkin và Sergei Dubinsky người Nga và Leonid Kharchenko người Ukraine – đã không xuất hiện tại phiên tòa.

    Khoảng 196 người trong số những người thiệt mạng trong vụ tai nạn là người Hà Lan và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng trong khi quyết định đình chỉ cuộc điều tra của JIT là một “sự thất vọng cay đắng”, chính phủ Hà Lan sẽ “tiếp tục yêu cầu Liên bang Nga chịu trách nhiệm” .

    Australia, quê hương của 38 hành khách, cũng cam kết sẽ làm như vậy.

    Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong và Tổng chưởng lý Mark Dreyfus cho biết Nga đã nhiều lần cố gắng cản trở cuộc điều tra.

    “Cuộc xâm lược bất hợp pháp và vô đạo đức của Nga vào Ukraine và sự thiếu hợp tác của họ với cuộc điều tra đã khiến những nỗ lực điều tra đang diễn ra và việc thu thập bằng chứng là không thể vào thời điểm này,” các quan chức nói trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm.

    Họ nói thêm rằng Australia sẽ “bắt Nga phải chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong vụ bắn rơi máy bay dân sự”.

    Nga đã lên án phán quyết của tòa án năm ngoái kết tội ba người đàn ông là “tai tiếng” và có động cơ chính trị.

    Tuy nhiên, JIT – bao gồm Hà Lan, Malaysia, Úc, Bỉ và Ukraine – cho biết chuỗi mệnh lệnh rất rõ ràng.

    Gia đình các nạn nhân cho biết họ thất vọng trước quyết định tạm dừng điều tra.

    Chính phủ Hà Lan và Ukraine đang kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu trong khi chính phủ Hà Lan và Australia cũng đã bắt đầu các thủ tục tố tụng tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

    Những phát hiện được tiết lộ hôm thứ Tư có khả năng củng cố vụ việc tại tòa án nhân quyền và cũng có thể được sử dụng bởi các công tố viên tại Tòa án Hình sự Quốc tế, những người đang điều tra các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ly khai.

    Ngân Hà

    G7 cân nhắc trừng phạt công ty Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/G7.jpg

    G7 cân nhắc trừng phạt công ty Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga. (Ảnh minh họa: Fly Of Swallow Studio/Shutterstock) 

    Một số nguồn thạo tin cho hay, nhóm G7 đang thảo luận về việc có nên trừng phạt các công ty ở Trung Quốc, Iran và Triều Tiên mà họ tin rằng đang cung cấp cho Nga các bộ phận và công nghệ phục vụ mục đích quân sự hay không.

    Mục tiêu của các nước G7 là phối hợp soạn thảo một gói trừng phạt mới trước ngày 24/2, thời điểm đánh dấu một năm cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng Ukraine.

    Bloomberg dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết, các cuộc thảo luận vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và hành động của mỗi quốc gia G7 có thể không giống nhau. Các công ty có thể bị trừng phạt hiện vẫn đang được xác định.

    Về cơ bản, bất kỳ hành động nào của G7 cũng đều phản ánh nỗ lực của G7 nhằm làm gián đoạn nguồn cung linh kiện phục vụ mục đích quân sự của Nga từ các nước thứ ba, vốn không tham gia các gói trừng phạt sau khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra. G7 ngày càng quan ngại về việc, nhiều công ty có thể đang giúp Nga lách các lệnh trừng phạt.

    Trước đó, Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại với Trung Quốc về các thiết bị phi sát thương mà nước này cung cấp cho Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến sẽ đề cập đến vấn đề này trong chuyến đi tới Bắc Kinh sắp tới. Chuyến công du này bị hoãn lại sau khi Mỹ phát hiện và bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc.

    Đáng lưu ý, Trung Quốc từng nhiều lần đã phản bác lại tuyên bố rằng một số công ty nhà nước của họ có thể đang giúp đỡ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington nên ngừng gửi vũ cho Kyiv khí nếu muốn chấm dứt cuộc xung đột.

    Hồi cuối tháng 1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ning khẳng định, Trung Quốc “sẽ không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, càng không lợi dụng cuộc khủng hoảng”.

    Các đồng minh của Ukraine đã trừng phạt các công ty Iran bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Nga và hiện đang cân nhắc mở rộng các biện pháp. Họ cũng chỉ trích Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Moscow. Dù vậy, cả Iran và Triều Tiên đều phủ nhận đã hỗ trợ Nga trong cuộc chiến.

    Một số quốc gia G7 tin rằng, các công ty Trung Quốc đang bán các linh kiện công nghệ, chẳng hạn như vi mạch, mang lại cho Nga nhiều lợi ích về mặt quân sự.

    G7 cũng đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm bịt kín các lỗ hổng mà Nga có thể khai thác trong những gói trừng phạt trước. Họ có thể đang nhắm đến các thiết bị có khả năng đi qua những nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

    Nhật Minh (Theo SCMP, Bloomberg)


    Không có nhận xét nào